Truyện ngắn
Trạng của tôi
09:02 | 20/10/2009
ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.
Trạng của tôi
Minh họa: Ngô Lan Hương

Khi đồng chí cán bộ tuyển quân hỏi Lính:

- Ở nhà đồng chí làm gì?

Lính đưa hai bàn tay gài hình răng lược, giọng tỉnh như sáo:

- Em ấy à?... Em lái chiếc thuyền máy duy nhất của hợp tác xã đánh cá ven biển. Chiếc thuyền có tải trọng gần hai tấn, một bánh lái ở đằng đuôi.

- Thôi, được rồi! - Cán bộ tuyển quân khoát tay và nhận xét: - Hơi dài dòng...

Cúi đầu vào tờ giấy chi chít chữ trên tay, ông đằng hắng đọc tiếp:

- Ngô Bá Cơ!

- Có tôi! - Tôi lách ra khỏi đội hình, và tiến lên phía trước.

Cán bộ tuyển quân săm soi một lúc.

- Đồng chí ở nhà...

- Tôi làm thợ sửa chữa xe đạp. - Tôi nói và cảm thấy nóng ran trên mặt.

- À, ra thế!

Rồi, người tiếp theo. Đó là một cô gái có khuôn mặt đầy đặn, đôi lông mày như hai vầng trăng khuyết; tóc dài hơn tà áo, đen và mượt như lụa. Cô khẽ cười, đôi má xoay xoáy hai cái lúm đồng tiền. Cán bộ tuyển quân như ngây ra trước vẻ đẹp quyến rũ của con gái nhà lành. Giọng mềm hẳn, anh ta hỏi nghe cứ như chim họa mi hót.

- Ở nhà, em làm gì Lâm?

- Em ấy à? - Lâm dứ dứ ngón chân trên mặt đất: - Học hết lớp mười, em nhập ngũ luôn.

Thế rồi, vì có nghề lái thuyền, nên Lính được vào học lái xe. Tôi chỉ vì sửa xe đạp mà vào nghề thợ. Lâm cũng vào thợ, nhưng học ở lớp điện. Thấy Lính được vào lái xe, tôi cứ buồn cười. Nhà hắn có nốc nác chi mô mà xưng lái thuyền, lái máy... Rõ là trạng! Biết vậy, tôi cũng khai mình là lái máy bay, chắc chắn được tuyển vào phi công cũng nên...

Khi đã về “khung”, Lính mò sang chỗ tôi, và nói:

- Mày dốt bỏ mẹ ấy! Cứ khai đại là lái ca nô, hay tàu thủy có hơn không?

Tôi chống chế:

- Tao không nói láo được!

- Này, - Lính nhìn tôi: - Nói láo mà được việc cũng chẳng xấu đâu! Mai đây, tớ vi vu tay lái vượt dặm đường dài, cậu xo xó ngồi một chỗ mà không buồn à?

Lính đảo mắt nhìn quanh, và hỏi:

- “A mi” xinh tươi của mày đâu rồi?

- Ai? Tôi hỏi lại.

Lính cười.

- Cái Lâm ấy mà! Tao mà như mày là cứ như chuột sa chĩnh gạo đấy nhé.

Tôi vặc lại:

- Chuột sa chĩnh gạo là sa như thế nào? Vừa chân ướt chân ráo đã đòi trăng hoa.

Lính nghiêng đầu như cố lắng nghe lần nữa rồi nói:

- Không trăng hoa thì chết héo, chết khô ở chiến trường này.

Thấy tôi không chút mặn mà, Lính mời tôi điếu thuốc rồi ra về. Tổ xe ở bên kia núi đi theo đường mòn. Xe có đường tránh, người ở đây cũng tìm cho mình một con đường tránh. Nên chi, đang bước, Lính bỗng đứng lại, phía trước có tiếng chân người...Chân ai, chân người hay chân hổ? Lính vẫn nghe kể khu rừng này từng có con hổ thọt độc ác như kẻ khổng lồ trong truyền thuyết xưa. Mấy năm gần đây, bom đạn ùng oàng nó biến đâu mất tăm!

Nhưng không phải hổ báo gì sất mà là Lâm, Lâm đang cầm trong tay mấy đọt măng rừng to như bắp chuối. Vừa đi, hai tay Lâm cứ như đang hành quân xa. Lính ngồi thụp xuống định chơi ác cô, trùm kín mặt, vai. Sợ Lâm đùng đùng chết ngất, nên Lính chờ Lâm đến gần, liền đứng bật dậy:

- Ôi trời ! - Lâm như té ngửa ra sau.  

Nhanh tay, Lính chụp lấy và kéo Lâm vào bên mình. Lâm mở mắt:

- Anh làm em chết khiếp!

- May là anh, nếu là hổ thì không phải chết khiếp mà là chết thật! - Lính nói không chút đắn đo.

Lâm nhìn những búp măng, ngạc nhiên hỏi:

- Có hổ à?

Lính thản nhiên:

- Rừng nào chẳng có hổ, làng nào mà chẳng có con gái đẹp. Như cái làng sinh ra em đó ...

Lâm cười, hai hàm răng trắng đều, trắng muôn muốt hé ra giữa đôi bờ môi mỏng.

- Dóc! Anh tán em à?

- Có tán mới đi tìm em...

- Tìm em thật à? - Lâm thật thà hỏi.

- Không thật thì cứ hỏi thằng Cơ. Nghe nói cái Lâm nó đi hái măng rừng là anh ba hồn, chín vía bay lên tận mây xanh, tóc mềm như lá lúa bỗng nhiên dựng đứng như búp măng em vừa hái. Anh lạnh gáy, anh sởn cả gai ốc...Xem đây!

Lâm  hạ thấp giọng sau khi nhìn những nốt sần nhỏ trên da Lính.

- Thương rứa lấy chi em trả? Không kiếp này thì kiếp sau, anh Lính nhé.

Lính tỏ vẻ quan tâm hơn:

- Nhớ lần sau có đi đâu thì báo trước để anh canh chừng mấy con cọp dữ nhé!

Lâm tỏ ra dặt dè:

- Dạ! Cảm ơn anh... Em về đây!

- Ây! - Lính kêu lên: - Để anh đưa em về lán.

Lâm khẽ nói:

- Lần sau cũng được, anh!

- Nhưng...Lính nói: Anh vẫn không yên tâm chút nào.

- Gần lán rồi, chẳng còn cọp nữa đâu! Lâm nói và chạy ù về lán. 

Và, lần sau Lính lại sang tổ điện cơ. Lần này thì Lâm đang tắm dưới suối, cách lán non cây số. Đi cùng với Lâm còn có cánh con gái thợ điện. Trên đường về, Lính nhận ra các cô gái về trước. Cô bé Lâm đâu nhỉ? Vốn thích trêu chọc, Lính tìm đến nơi Lâm tắm. Cô nàng vẫn đắm mình trong suối, ngẩn ngơ nhìn trời nhìn đất, nhìn mây và nhìn dòng nước lấp loáng chảy qua thân thể kiều diễm của mình. Chợt Lâm để ý chút lay động rất khẽ khàng trong bụi rậm cách đó chỉ vài bước chân. Lâm nghiêng người trước một tảng đá đang án ngự, đang che chở cho cô, rồi Lâm cứ phải nằm im, án binh bất động để tự bảo vệ trước một mối đe doạ nào đó. Dường như chờ đợi quá lâu, trong bụi nhô ra một bóng người. Lại là Lính! Trời ơi, sao Lính cứ bám riết mình như hình với bóng thế này? Lính cười khanh khách:

- Tuyệt đối an toàn, em lên đi!

- Không! Không! - Lâm tự cởi trói cho mình: Anh về đi, về đi!...

- Ơ hay! - Lính cố ra giọng ngạc nhiên - Anh đã nói là canh chừng mấy con cọp dữ cho em mà!

Lâm ngúng nguẩy:

- Thôi đi ông tướng, bữa khác...

- Còn bữa này?... - Lính nhịn cười nói tiếp: - Không cho ăn thì cho thấy trong khoảnh khắc chẳng được sao?

Lâm không chút nao núng:

- Thấy à? Thì đây, cho anh thấy...

Lính lúng túng nhưng thời gian gấp gáp quá, nên đôi mắt mở to không mở được mà nhắm lại trước thời cơ ngàn năm có một thì tiếc, nên cứ lim da lim dim. Lâm đứng thẳng người lên và hỏi.

- Thấy rõ chưa, anh Lính?

Lính tiu nghỉu như hổ mất mồi. Lâm không tắm khỏa thân như Lính tưởng. Trên cơ thể như một tuyệt tác giai nhân ấy, Lâm mặc quần xà lỏn, áo may ô ba lỗ...Lâm cười như nắc nẻ, khiến Lính nổi đóa:

- Cười gì vậy?

- Em thấy anh buồn có phải không? Buồn chi vô duyên thế!

Lính nói, không nhìn thẳng vào mặt Lâm như mọi lần.

- Thấy họ về cả, sợ Lâm bị hổ chụp, anh mới đi bảo vệ. Lần sau, thèm!

- Chê thiệt hả? - Lâm vừa nhặt áo quần trên phiến đá để thay, và nói như đang dấy lên sợi tình.

- Đi theo em, chỉ cho thấy thôi nghe.

Và, lần đầu tiên trong đời Lính được nhìn bức tượng của người phụ nữ. Bức tượng ấy bằng da, bằng thịt không phải là đá hoa cương. Có thể nói bức tượng ấy là vật vô giá trong cuộc đời Lính. Lính định nói trạng vài câu, nhưng cứ sợ tiếng nói của anh làm mờ đôi mắt của chính mình. Chữ nghĩa trong đầu trạng bay đi hết, lưỡi của trạng như đã tụt sâu vào tận trong trái tim... Cuối cùng cả Lính và Lâm tự tìm cho nhau những nụ hôn khát cháy như tia nắng mặt trời. Cả hai ghì lấy nhau.

- Anh! Anh...

- Em! Lâm ơi!...

Bỗng Lâm giật nảy người, đẩy Lính ra. Sắc mặt Lâm tái nhợt.

- Anh, cái gì vậy anh?

- Cái gì? Lính nhìn Lâm và vẫn cứ nghĩ rằng Lâm vừa bị rắn cắn.

Lâm chỉ tay vào ngực Lính, cố dấu vẻ sợ hãi:

- Trên ngực anh kia kìa! Em! Đau quá!

Lính cũng ngạc nhiên:

- Cái gì? Có cái gì đâu... Rồi Lính lại đính chính cho Lâm hay: - À, cái bùa bổn mạng ấy mà!

Nói rồi, Lính luồn tay vào trong cổ áo lôi ra cái bùa bổn mạng cho Lâm thấy. Đó là một vật màu sáng bạc. Lâm nói:

- Cho em xem với!

- Không được! Tay đàn bà sờ vào là mất thiêng.

Lâm ngây ra:

- Thật à? Hay lại nói “dóc” đấy!

- Thật mà!

Lúc này trông Lính hiền như bụt.

Học xong chúng tôi ra trường. Từ giã rừng già Quỳ Hợp trong một buổi chiều nhưng chưa tới hoàng hôn. Thế quái nào, cả tôi, Lính và Lâm lại được điều về tăng cường cho đội xe chủ lực của Bộ Giao thông vận tải có “văn phòng” đóng tại cây số 0 đường 20 Quyết Thắng. Tôi và Lâm là lính “thợ đội” còn Lính ở tổ xe. Chỉ vài hôm tiểu đội trưởng bên xe sang gặp tôi:

- Cậu với thằng Lính cùng quê à? ... Một thoáng nghi hoặc anh nói:

- Mình muốn kiểm tra lý lịch bằng miệng thằng này một chút.

Hóa ra Lính tâng bốc dòng họ nhà hắn như bán trời không văn tự. Hắn dám nói rằng, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với hắn là cao cao cao chi tổ. Trạng Quỳnh là cao cao tổ, Trạng Cờ, Trạng Lợn, ... đều tổ cả. Riêng bà Huyện Thanh Quan, ông nội hắn gọi bà là cô ruột...

- Phải rứa không Cơ? - Tiểu đội trưởng xe lại hỏi.

- Thì đã sao... Tôi nhún vai và nói tiếp. - Vốn gốc hắn là dân Kinh Bắc đấy anh ạ.

- Thế à!.

Tôi giảng giải ra vẻ rất sành lịch sử.

- Từ thuở xa xưa châu Ô, châu Ri chỉ bạt ngàn lau sậy, không người khai khẩn. Đến mãi năm - Tôi ngừng lời để ngẫm nghĩ: - Năm nào nhỉ, có một đoàn người di cư từ Kinh Bắc vào. Đoàn người này hầu hết là quan văn, quan võ của triều đình bị chúa ghét bỏ cho lưu đày..

Tiểu đội trưởng đứng bật lên như trên ghế vừa có điện cao áp.

- Thôi! Té ra cả làng nhà cậu đều con cháu của trạng cả.

Tôi cố gắng thuyết phục.

- Chuyện thật đấy chứ, không tin, anh cứ nhìn kỹ trong cổ thằng Lính lúc nào cũng có một kỷ vật bất ly thân...

Tiểu đội trưởng lại ngồi xuống, tay vỗ lên đùi.

- Đúng! Một sợi dây màu đen có ánh hào quang ngũ sắc ...Cậu ta không cho ai xem, mỗi lần đi tắm tháo ra và bỏ vào trong một chiếc hộp bằng bao diêm. Anh ta đâm tò mò - “Cái gì vậy cậu”?

Tôi ngồi gần lại tiểu đội trưởng xe, giọng nhỏ hẳn:

- Tuyệt đối bí mật nghe! Đó là dây đeo cái bùa bổn mạng của hắn đó.

- Bùa bổn mạng, mình chưa nghe...

Tôi nhăn nhó:

- Anh chưa nghe thật à? Bùa bổn mạng là cái bùa hộ mệnh. Bọn phi công Mỹ đứa nào chẳng có. Không có, máy bay cháy thì xác nó thiêu luôn.

Tiểu đội trưởng thắc mắc.

- Hay nhỉ! Mà nó kiếm đâu ra? Thảo nào nó vừa chạy vào tuyến trong mà không phải hứng chịu một quả bom nào.

Về tới tiểu đội, bên những điếu thuốc và nước trà suông, tiểu đội trưởng gợi ý:

- Tao nghe nói mày có cái bùa gì đó cho xem với Lính.

Lính lắc đầu, giọng cương nghị.

- Không xem được!

- Sao lại không...?

Theo Lính thì tấm bùa này có từ bốn đời, các đời khác thì Lính không tường tận lắm! Cụ cố của Lính đeo trong thời Văn thân, đoạn theo Cần Vương đánh Pháp. Rất nhiều lần suýt bỏ mạng, nhưng đạn thấy cụ cứ như thằng câm hoặc chỉ sạt qua mang tai nghe nong nóng... Khởi nghĩa thất bại, cụ trở lại quê và sống trọn tuổi già. Đến đời ông nội Lính, theo Việt Minh lên tận chiến trường Đông Bắc rồi Điện Biên Phủ. Ở cứ “Điện Biên”, cụ vừa dười hào ngoi lên thì vấp phải một thằng Pháp. Hai bên nhìn nhau chưa biết nên xử trí thế nào? Cụ súng dài, thằng Pháp súng lục nên hắn nhanh tay hơn. Viên đạn nổ, cụ tưởng mình đã chết! Không hiểu vì sao lại không chết? Thằng Pháp nã tiếp phát đạn thứ hai, nhưng súng bị hóc... Thế là hai bên đấu tay đôi. Cụ rút lưỡi lê dầu súng đâm xả vào mặt làm cho thằng giặc tắt thở. Bao nhiêu lần cái chết kề bên, rút cuộc “súng gươm vất bỏ cụ hiền như xưa”. Sang đời người cha kính yêu “hát mãi khúc quân hành” từ chống Pháp sang chống Mỹ. Mậu Thân 68 ở Huế, tấm bùa hộ mệnh vẫn cùng ông đi cùng năm tháng, chung thủy như hình với bóng. Đã bao phen sự sống mỏng như sợi tóc, đồng đội liên tiếp ngã xuống trước họng súng quân thù, mà ông không giọt máu nào, phải đổ!... Mãi lúc rút lên A Lưới, ông không thắng nổi căn bệnh hiểm nghèo: Sốt rét ác tính...

Đó là câu chuyện của Lính - bản anh hùng ca huyền thoại và cách mạng. Chẳng ai có thể đánh giá được bao nhiêu phần trăm là sự thật. Nhưng năm tháng làm nhiều người phải tin. Dù không tin vẫn phải cảm nhận chừng như với Lính là có lý! Hằng trăm chuyến hàng cuôn theo bụi đỏ ở Trường Sơn; thật diệu kỳ, bom đánh đằng đầu thì Lính đang ở đằng đuôi, bom đánh đằng đuôi xe Lính ở đằng đầu, bom đánh giữa đội hình thì Lính không hang đầu cũng ở đằng đuôi. Dường như Lính đang luôn luôn được quý nhân phù trợ! Bom nổ, xe cháy, đạn trên xe nổ, đồng đội có đi không có về, mà Lính vẫn thanh thản đến ngạc nhiên! Bom đạn sợ Lính đã đành, cái chết cũng sợ Lính thì không thể nào tưởng tượng được?. Có người đã phải đặt vấn đề:

- Bùa cái quái gì? Không chừng đó là sợ dây thông tin nối với máy bộ đàm...

Một số lái xe tỏ ra nghi ngờ:

- Xe của chúng mình đi đâu cũng trúng địch đuổi theo, đánh bom chặn đầu chặn đuôi, lại lấp lửng. Hay là...

Nghĩa là, đã có người nghĩ đến Lính là gián điệp. Nhưng ý nghĩ đó bị chặn đứng.

- Gián điệp nó ngồi trên chỏm núi kia kìa! Nó cầm vô lăng thì bom đạn không có mắt, tránh chi được?

Lập luận thế nào đi chăng nữa, Lính vẫn cứ là Lính, khoáng đạt và vô tư. Vẫn yêu! Cứ nhảy xuống xe là tình yêu xịch đến. Mấy hôm nay xe của Lính - chiếc BIU...60, vào xưởng để tân trang, “mông má” lại những vết thương trong cuộc chiến. Lâm và Lính lại có điều kiện ngồi bên nhau thủ thỉ, tâm tình. Lâm bảo dưỡng hệ thống điện, tôi cho mỡ vào bốn cái moay ơ bánh xe...Lính ngồi xổm trước mặt Lâm.

- Quê anh ấy à, đẹp như một nàng thiếu nữ. Trước mặt dòng sông Kiến, đêm trắng lai láng giọng hò; “Anh còn nhỏ lắm anh ơi, phái về bú mẹ một hơi hò...ra hò!...Con tôm  đất quê anh to bằng bắp chân cái, con rạm to bằng con cua...”

Lâm cười.

- Thế con cua to bằng con gì?

Lính trố mắt.

- Không tin à? Hết giặc về khắc biết. Con cua  ấy à to bằng cái này này...

Lính chỉ vào “nơi ấy” làm cho Lâm chín đỏ đôi bầu má.

Đột nhiên Lính nói:

- Cưới nghe.

- Nỡm à? Đã bảo hết chiến tranh!

Hết chiến tranh không chừng phải đem phơi! Để mốc thì tội lắm! Em không nghe bọn trẻ làng anh hát à? Chúng cầm hai cái thìa gõ vào nhau và nên bài nên bản; rằng “Hôm nay nắng to cốc cốc cốc...có cái gì mốc thì đem ra phơi kẻo mai trở trời thì không phơi được!...” Cốc cốc cốc...

Lâm chép miệng:

- Uổng nhỉ?

- Ừ! Lính nói! - Tối nghe...

Đêm hôm đó khuya lắm mới thấy Lâm về. Nghe đâu, Lính về bên đội xe...Chúng tôi nằm cách nhau bức vách nứa, tiếng thở dài đến não ruột của Lâm nghe rất rõ. Rồi, tôi có nghe tiếng Lâm khóc sụt sùi như một cơn mưa mùa đông chợt đi chợt đến. Là thế, con bé này với thằng Lính chắc có vấn đề!...

Hơn một tháng sau, tôi thấy Lâm làm việc trễ nải, bần thần và hay quên. Bảo dưỡng chiếc máy phát điện, Lâm tháo vào tháo ra không biết mấy lần; lắp vào thì thiếu vít, tháo ra lắp lại thì thừa ốc. Có lúc tôi gọi.

- Lâm!

Lâm ngước mắt nhìn tôi đờ đẫn cả thần tính lẫn thần hồn.

Chiến dịch mở ra. Đó là những ngày ngừng bắn trong dịp tết Nôen năm ấy. Xe pháo tấp nập vượt biên giới, đưa hàng trung chuyển sang Lào.

Lấy hàng từ cảng Gianh, Lính đánh luôn cả xe hàng vào xưởng. Ngồi trên ca bin Lính vẫy Lâm tới trao cho mấy bộ quần áo nhàu nát và nói nhanh.

- Cho em mấy phong lương khô F2 đây.

- Ăn trộm hàng trên xe hả?  - Lâm nói rõ to.

- Còn khướt, nhìn cái mặt anh là biết hàng hóa bảo đảm rồi.

Lâm hỏi thêm.

- Mai anh về hả?

- Ừ! Lính hỏi lại: Có chuyện gì vậy em?

- Chuyện vui lắm! Mai về em sẽ kể cho anh nghe.

Lính tếu táo:

- Ích kỷ thế! Bây giờ...

- Đã bảo ngày mai mà lại! Kéo dài thời gian cho cổ anh dài ra.

Chia tay Lâm, Lính đạp còi vang cả khu rừng già. Xe chuyển bánh về phía chiến trường...

Lâm đưa áo quần của Lính ra bờ suối. Chưa dìm xuống nước vội, cô đưa tấm áo màu xanh nhạt đặt lên đầu gối và úp mặt lên đó. Lâm ngồi như thế rất lâu để tận hưởng cái mùi mồ hôi rất đàn ông của Lính. Rồi chậm rãi Lâm kiểm tra lại túi quần, túi áo của anh trước khi cho vào dòng nước trong veo, mát lạnh. Có vật gì hơi cưng cứng nơi túi áo ngực? Lâm mở túi. Trời ơi! Cái hộp đựng báu vật của Lính... Không mở hộp nhưng trái tim Lâm như bị một ngọn giáo đâm vào.

- Trời! Lâm hét vang cả cánh rừng già đang vào buổi hoàng hôn.

Không còn đủ sức giặt giũ, Lâm bê cả chậu áo quần trở lại lán. Dáng đi liêu xiêu, mắt mờ mờ, mặt biến sắc...Lâm đổ ụp xuống giường. Phía chân trời có tiếng sấm ùng oàng nghe như bom đang nổ.

Đúng rồi, bom đang nổ dữ dội trên đất Lào. Với Việt Nam bọn Mỹ giữ lời cam kết ngừng bắn, nhưng ở Lào chúng lật lọng, một đoàn phản lực hối hả trút bom xuống đoàn xe. Lúc này xe BIU 60...đang dẫn đầu. Lính cố bứt lên xa đoàn, cố tạo nên làn bụi để đánh lừa lũ giặc lái. Từ trong hẻm núi, Lính thấy một chiếc máy bay trực thăng xuất hiện. Có tiếng súng nổ tạch tạch tạch...à, chúng chơi cả bom lẫn đạn. Bỗng mắt của Lính chao đảo, quay như chong chóng và Lính vội vàng đạp phanh. Anh còn kịp kéo phanh tay trước lúc gục xuống trên vành tay lái...

Dứt trận bom, đồng đội bế anh vào một căn lều giã chiến để sơ cứu. Người ta thấy Lính mở mắt, miệng cười méo xệch.

- Tôi không chết đâu? Không chết đâu nhé! Tôi có bùa hộ mệnh...à, cái bùa ấy là kỷ vật của mẹ tôi trước lúc qua đời sau trận bom của Mỹ. Lâm ơi! Anh tin là chúng mình rồi sẽ có con. Em hãy cho con cái bùa ấy để đốt lòng căm thù của nhiều thế hệ xưa nay.

Dường như Lính trở thành ngọn lửa cuối cùng ở dân gian nên anh trở nên tỉnh táo lạ thường:

- Không có bùa ngải nào hết chỉ có niềm tin là chiến thắng mà thôi!

Hàng hóa đang đi vào nên không thể đưa Lính ra bệnh viện tuyến ngoài. Càng lúc càng thấy Lính suy kiệt dần. Mãi sáng hôm sau đón được chiếc xe ra thì Lính trút hơi thở cuối cùng. Thi hài Lính được quàn trong lán. Lâm xin đơn vị được bịt khăn cho anh - một vành khăn trắng, trắng đến lạnh lùng.

Trong lúc thay quần áo khâm lượm thi hài cho Lính, mọi người mở to mắt kinh ngạc trong sự im lặng đến sững sờ. Trong cổ áo Lính là một cây thánh giá có hình chúa Giê Su bị đóng đinh bằng bạc trắng.

Đại đội trưởng đánh mắt sang tôi và hỏi:

- Lính theo đạo à?

Tôi gật đầu rất nhẹ.

- Gia đình nó theo đạo toàn tòng. Tôi trả lời anh.

Đại đội trưởng dậm chân xuống đất, tất cả sinh lực dồn vào tiếng kêu cuối cùng như một nỗi đau không có gì đau hơn nữa:

- Lính ơi! Trạng của tôi ơi!...

Đ.D.T
(190/12-04)



 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Di động (14/10/2009)
Tương tri (05/10/2009)
Gã đười ươi (02/10/2009)
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)
Chuyến đi (15/09/2009)
Kẻ khùng (11/09/2009)