Truyện ngắn
Chuyến tàu trong mưa
14:44 | 26/10/2009
Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.
Chuyến tàu trong mưa
Nhà thơ Phan Huyền Thư - Ảnh: thaibinhtv.vn

Con trai bà chủ quán thỉnh thoảng lại liếc trộm vào ngực nó phập phồng sau lớp áo mỏng ướt mưa. Vừa mới đây thôi, Lam đánh nguyên bộ đồ ngủ từ giường lao ra đường tàu giữa lúc trời mưa định bụng lao vào đoàn tàu nào sớm nhất. Vậy mà dễ đến chừng nửa tiếng rồi, chỉ có tiếng còi hú thao thiết trong đầu, ý định tự tử như đang nhỏ theo những giọt nước mưa chảy xuống từ những lọn tóc sũng ướt. Trong đầu Lam văng vẳng, lẫn lộn, giữa tiếng còi tàu và tiếng mẹ đay nghiến hoa mày chóng mặt đuổi theo, cả tiếng ba nó tát mẹ bôm bốp...

Nhấp một ngụm cà phê rồi nhăn mặt lại vì đắng, Lam nuốt đánh ực, rồi lại miên man. Thực ra nó chẳng nghĩ gì, chỉ văng vẳng trong đầu những thứ lộn xộn. Bắt đầu là cạnh khóe ấp úng đến giằng co xin lỗi, rồi kết cục là câu biểu dương truyền thống: “ Đồ khốn nạn!”. Ba mẹ Lam thường xuyên biểu dương nhau bằng câu ấy, và sau đó sẽ là tiếng tát nhau đôm đốp, tiếng va chạm huỳnh huỵch và tiếng rền rĩ sẽ kéo dài đến sáng. Bây giờ Lam cũng quá mỏi mệt với chuyện tìm hiểu xem ai bắt đầu trước và ai trả đũa ai. Lam đã không nhớ từ đêm nào nó khóc thầm. Giờ thì những đêm như vậy nó muốn chết quách đi còn hơn. Từ khi nhận ra mình là tấm bia đỡ những viên đạn cạnh khóe của ba và mẹ, Lam chỉ khóc và tức muốn chết thôi. Trong nhà này, hễ cứ cãi nhau là giơ hàng đống những trách nhiệm và nghĩa vụ với con. Dường như đó là điều tốt đẹp nhất ba mẹ Lam còn nghĩ ra được để mà tiêu diệt ham muốn của nhau.

Là con một, Lam lầm lũi đơn độc bên cạnh những người nhân danh vì tương lai của nó như một cái cớ sống chung đụng, cho giống với một gia đình. Đêm nào cũng rỉa róc nhau xong lại huỳnh huỵch, lại rên rỉ đến sáng. Lam mơ hồ thấy cái chết là sự thèm muốn của nó. Chết là cách duy nhất nó kết thúc cho những nỗi buồn dai dẳng. Chính mắt Lam nhìn thấy ba đèo cô gái lạ phóng vút qua cổng trường. Vài lần thì cô gái ấy  không còn lạ nữa. Lẽ ra Lam đã nhỏ to với mẹ nhưng nó cũng không chịu được kiểu lả lơi, nai tơ với một ông cùng cơ quan của mẹ. Rồi cũng đến lúc nó bắt gặp hai người quắp nhau trên sa lông một lần tan học về sớm. Lam câm nín và âm thầm chịu đựng. Dần dà, Lam sợ về nhà. Sau giờ học, nó lang thang với cái mini Nhật lúc thì hiệu sách, lúc thì công viên. Lam cứ lang thang đi tìm cho mình một cái gì, nó chẳng rõ lắm về cái nó đang tìm. Nhưng rồi cái quán cà phê bé tí bên cạnh đường tàu gần nhà cũng đã trở thành một nơi trú ẩn ấm cúng, nhất là khi nó buồn như hôm nay. Nhất là khi trời lại mưa rả rích như thế này.

Đã ngoài năm mươi, bà chủ quán cà phê chính thức biết tin mình trở thành thiếu phụ góa chồng sau ngày thống nhất đất nước. Cũng từ đó, bà ở vậy nuôi đứa con trai câm bẩm sinh. Anh con trai năm nay cũng phải ngoài ba mươi, cường tráng, phải cái mắt lúc nào cũng u buồn. Tại sao con người ta có nhiều cách, nhiều cớ để mà u buồn đến thế! Cũng không hiếm khi Lam cứ thầm ghen tị với tình cảm âu yếm gần gũi của mẹ con bà chủ quán. Nhìn rất nhanh anh con trai câm, Lam bất giác nghĩ: Có những khi tôi thấy anh với tôi thật gần. Có những khi tôi cũng là người câm. Tôi ước gì ba mẹ tôi cũng câm nốt. Không nói ra thì chẳng hại ai, nói ra rồi thì đẹp thành xấu, sướng thành khổ. Tại sao bố mẹ lại không chịu giải thoát cho nhau, giải thoát cho cả mình nữa?. Mệnh đề “ Nếu không vì con thì...” luôn mở đầu cho mọi cuộc cãi vã của ba mẹ cứ bám chặt lấy đầu óc Lam, nếu không có nó, họ đã giải quyết rất nhẹ nhàng. Vậy thì lỗi là ở nó, ai bảo có Lam trên đời này.

Hải bảo: “ Mày muốn chết thật hả? Phí, mười bảy tuổi đời trong trắng quá chưa biết gì, đến lúc đưa ma nại toàn hoa trắng ghê bỏ mẹ, nại thấy xấu hổ nữa chứ, chưa có ma nào nó thèm rờ tới!”. Lam nghĩ, Hải thì biết gì ngoài mấy bài hát ỉ eo học được từ chiếc xe oang oang bán báo!

Hải và Lam chơi với nhau rất tình cờ. Quen mặt nhau từ lâu nhưng chẳng bao giờ Lam bắt chuyện. Hình như nó quen với Hải cũng trong một ngày mưa. Hải hơn Lam ba tuổi, nó là chị cả, lam lũ vất vả từ nhỏ. Cả nhà chuyển từ Hải Dương lên đây đúng năm Hải thi vào cấp ba. Không thi được trường nào ở Hà Nội, nó chấp nhận ở nhà nội trợ đôn đốc lũ em và kiếm sống giúp bố mẹ bằng cái cửa hiệu làm đầu lúc nào cũng bụi mù và rung bần bật sát ngay đường tàu.

Thực ra, ngay từ đầu, Lam không ưa giọng nói đặc sệt luôn lẫn lộn không phân biệt được đâu là nờ, lờ của Hải, đã thế Hải lại hay lý sự, giảng giải những việc nó chẳng hiểu là cái gì. Bây giờ, nó vẫn gọi Lam là Nam. Nhưng Hải là người có năng khiếu thích nghi với hoàn cảnh. Hải bắt kịp với nhịp sống thành phố rất nhanh. Nó đi đứng, ăn nói không khác gì các cô gái trên phố, tuy là vẫn ngọng. Ao quần thì nhìn qua biết ngay cái nào “ xịn”, cái nào “ đểu”. Hải thuộc rất nhanh tất cả các xu hướng mốt sơn móng tay, lúc quả hạnh đào, lúc lại dũa móng vuông. Tóc nó cũng nhuộm uốn xoành xoạch. Nó luôn mồm khi gội đầu sửa móng cho khách chuyện trên trời dưới biển. Xôm nhất là khi có tiếng loa bán báo choang choác các vụ án đi qua dãy ki ốt sát đường tàu.

Bây giờ, Lam mới để ý thấy trong góc tối, một cặp trú mưa líu ríu rúc đầu vào nhau tỉ tê thỉnh thoảng lại cười ré lên như ai cấu. Nó gợn lên một nỗi buồn nôn trước cảnh rúc rích ấy. Trời vẫn mưa rả rích, Lam thấy lạnh, hắt hơi và gai người, Cảm lạnh mà chết quách đi cũng tốt, Lam nghiến răng nghĩ. Những hạt mưa đan xéo nhau rồ lên một đợt, tiếng mưa ròn rã trên thanh tà vẹt và đá cuội long bong, những âm thanh hồ hởi một cách lạc lõng. Một đợt gió mạnh làm cho hàng những giọt gianh ngoài hiên uốn lượn không còn rơi thẳng được nữa. Bà chủ quán bê chậu đầy nước mưa dột hứng giữa nhà ra ngoài hiên hắt đến xoạch. Bà đứng chống nạnh nhìn trời ngao ngán như định than vãn rồi lại quay vào lôi cái bếp than tổ ong trong góc nhà ra quạt. Khói mù mịt, mùi than mới bén ngột ngạt khó chịu rồi chầm chạp tản dần vào trong màn mưa mất hút.

Lam nhớ rất rõ, đó là một ngày mưa, Lam lao từ nhà ra cái hàng “ Cắt- tỉa- nhuộm- gội- uốn- sấy- Thanh Hải” ngồi phịch xuống ghế đề nghị cắt đi cái đuôi sam rất mượt và dài của nó. Hôm ấy, Lam tròn 17 tuổi. Món tóc được cất cẩn thận trong một cái hộp buộc nơ dưới đáy tủ. Lam cứ tự tích góp những kỷ vật cho riêng mình. Hải và Lam nói chuyện với nhau từ đấy. Mỗi khi tâm trạng chán chường của Lam ùa về, Hải thường lên tinh thần cho Lam:

- Việc gì phải rầu rĩ quá thế! Ông bà ấy có cuộc sống của ông bà ấy, mày có cuộc đời của mày. Có người yêu chưa? Tao giới thiệu cho, đẹp giai, có cửa hàng riêng. Có xe có nhà rồi, lấy nhau ở quách luôn nhà ló, có về nhà mình lữa đâu mà buồn với chả no. Bố mẹ mày đạo đức giả bỏ mẹ!

- Em không thích chị nói thế đâu nhá. Lam nói giọng gần khóc.

- Không thích thì thôi. Cần thì vác áo quần đến ở với tao, đảm bảo đầu óc thoải mái. Mẹ mày chi cho mày mỗi tháng bao nhiêu?

- Không đáng kể, chỉ đủ tiền học thêm, tiền gửi xe và thỉnh thoảng ăn kem, thuê sách.

- Hãm. Thế mà đòi đi ở riêng, tự nập!

- Nhưng ba em mới hay cho tiền mua sắm linh tinh.

- Ôi dào, lạ gì dăm ba cái con búp bê nhồi bông, vài cuốn sách với mấy cái dây lơ của mày! Thế mà cũng gọi nà mua với sắm. Ông già tao thì đòi gì phải có ngay, bằng không, tao mách bà già hết mọi phi vụ của ông ấy. Tao cũng nàm ra nhưng thỉnh thoảng cũng phải yêu sách cho bọn quỷ con một tí. Đáng gì! Không bằng một bữa ông ấy đi thuê phòng.

- Cái chính là em không hiểu tại sao ba mẹ cứ hành hạ nhau làm gì!

- Thôi dẹp những câu hỏi thiếu kinh nghiệm ấy đi. Đến lúc rơi vào biển tình cay đắng, mày sẽ thông cảm cho ông bà ấy! Hải bụm miệng huýt sáo bài hát trong phim “ Bao Thanh Thiên”. Hải thích bài này đến nỗi, suốt ngày ná na... theo nhạc, không thì húyt sáo đến sốt ruột. Hải im bặt và quay sang hỏi Lam với ánh mắt tinh quái: Thế đã hôn nhau bao giờ chưa? Hải cười khanh khách. Lam thở dài đầy cam chịu.

Trong quán có thêm khách, một người bán báo mặc áo mưa lao cả xe đạp vào hiên trú, tiếng loa vẫn oang oang: “ Báo công an thành phố... Một vụ án “Vợ giết chồng vì ngoại tình”... “ Một bé gái 9 tuổi bị hãm hiếp đến chết”, “ Thất tình uống thuốc sâu không chết lại tạt axít vào mặt người yêu hai mươi năm tù”... Ôi! Ngày nào những tin tức giật gân nóng hổi như vậy cũng khiến cho các mâm cơm của khu tập thể nhà Lam ở lúc căng, lúc chùng, mệt mỏi. Ba thì im lặng, mẹ lại thở dài sườn sượt.

Bỏ nón, rũ áo mưa xong, người bán báo tắt loa rồi phủ chiếc áo mưa lên cả xe đạp cẩn thận, anh ta châm lửa đánh xọet, que diêm tỏa mùi khen khét dễ chịu trong mưa. Khói thuốc bồng bềnh lơ đãng... Đưa mắt sang người bán báo vừa tò mò, vừa ác cảm. Anh ta cầm điếu thuốc run run, tay áo xắn vội có săm bông hồng trên cánh tay phải lồng trong một trái tim. Lam nhìn xuống chân anh ta, ngón chân vàng khè, sứt mẻ trong đôi dép nhựa trong đã ngả màu vàng đục.

Rót cho người khách mới một cốc trà nóng, bà chủ quán quay sang Lam: “ Cháu có lấy tạm áo của bác mà mặc không? Ôm thì khốn!”. Như đã  quen với sự có mặt thất thểu của nó, bà chủ quán không hỏi thêm, khoác lên người Lam một cái áo khoác mỏng rồi lẳng lặng về ngồi trầm ngâm bên cái bếp than tổ ong đang có ấm nước reo í éo. Con trai bà chủ quán giờ thôi không nhìn trộm Lam nữa, anh ta chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết tình cảm nát bét không biết thuê được ở đâu.

Không khí trong quán cà phê ẩm lành lạnh, đôi trú mưa hình như cũng hết chuyện để đùa và dường như bắt đầu sốt ruột vì mưa dai dẳng. Tiếng mưa như được thể lại càng rả rích, cứa vào tâm can mỗi người. Người bán báo rít thuốc liên tục, dưới chân anh ta, năm bảy mẩu thuốc lá đã bị dí nát. Như không chịu được không khí ỉu xìu của cái quán chật chội này, người bán báo đứng dậy dắt thẳng xe đạp có lao thùng vào trong nhà, nước chảy ròng ròng trên tấm nilon, loay hoay một lúc, tiếng nhạc đã vang lên: “ Chào anh lính chiến, người bạn pháo binh. Anh rót cho khéo nhé khẻo nhầm vào nhà tôi, nhà tôi ở cuối chân đồi, có giàn thiên lý, có người tôi thương...” một giọng nam hải ngoại đã méo xẹo vì băng rão. Đôi trai gái trú mưa nhăn mặt quay vào nhau thì thầm cái gì rồi lại rúc rích. Cuốn băng kéo thêm một đoạn rồi bất chợt chuyển sang giọng đọc oang oang quảng cáo các báo trong ngày với đủ các loại tin tức rùng rợn. Như bắt được ý bất đồng của mọi người trong quán, người bán báo vội đứng dậy tắt đài. Mưa đã nặng hạt hơn, bà chủ quán lấy thêm một chiếc xô bằng tôn hứng vào chỗ những giọt nước mưa mới rơi lộp độp. Giờ, những tiếng long tong của chỗ dột như đi nhịp chính cho tâm trạng của mọi người.

Lại có thêm một vị khách nữa. Một phụ nữ cỡ tuổi mẹ Lam bước vào quán. Mưa to như vậy nhưng cô không có vẻ vội vàng. Mớ tóc uốn quăn đang ướt nhỏ những giọt lăn tăn nước xuống nền nhà. Chẳng nhìn ai trong quán, gọi một cốc cà phê nóng, mấy điếu thuốc bạc hà, đặt chiếc túi xắc nhỏ trên mặt bàn, cô ta ngồi xuống cạnh Lam. Lam nhìn người ngồi cạnh đầy xét nét. Người phụ nữ trông cô không có vẻ gì là nghèo khổ, chỉ thấy cứ bợt bạt thế nào, nét mặt xanh xao mỏi mệt đã trôi hết phấn son của cô như vô hồn. Bà chủ quán bê cà phê ra, cô ta trả tiền trước rồi không nói không rằng chìa tay với mẩu thuốc dở của anh chàng bán báo châm lửa. Mọi người trong quán sau những cái nhìn soi mói vào vị khách mới lại như chạy ù về con đường riêng của mình đang túc tắc trong đầu.

Lam không nghe thấy tiếng còi tầu nào nữa, nó lại miên man những câu chuyện vẩn vơ. Người phụ nữ mới đến hút thuốc khe khẽ và thỉnh thoảng lại húng hắng ho. Bên mang tai Lam, cái đốm hồng nhỏ xíu cứ rực lên theo chu kỳ của nhịp thở phập phồng, lửa run run trong nhá nhem của góc tối cùng với nhịp lanh canh của xô nước mưa đã gần đầy trong góc.

Lam nhìn sang bên kia đường, nó chợt nhận ra cái ngôi nhà bé xíu đầu tiên của dãy nhà năm tầng, ngôi nhà có cái biển trắng vẽ chữ thập đỏ nhỏ xinh bên trên và hàng chữ viết tay bằng sơn cũng màu đỏ: “ Phòng khám tư. Bác sĩ Nguyễn Hà giấy phép hành nghề số... Chuyên khám phụ khoa, nhận chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Xét nghiệm thai sớm...” Lam không đọc hết dòng chữ thì Hải đã kéo tụt tay nó vào trong. Một chiếc bàn con, vài chiếc ghế kê bên ngoài, ngăn đôi giữa phòng là tấm vải trắng làm ri đô, trông cũng giống với phòng khám của phường mỗi khi có  đợt tiêm chủng. Tay bác sĩ tên Nguyễn Hà cỡ khoảng tuổi ngoài ba mươi, mặt trắng trẻo đang vặn vẹo trên ghế nặn trứng cá. Đứng dậy đeo cặp kính vào trông cũng ra vẻ, bác sỹ hỏi hai đứa lạnh tanh:

- Cần gì.

- Chậm kinh. Hải đáp gọn và nhẹ tênh.

- Ai?

- Tôi. Hải nói rồi tụt quần đi thẳng vào sau tấm ri đô trắng.

- Lại là cô à? Chậm bao lâu?

- Mười ngày hoặc hơn.

- Sao để lâu thế. Có vài bước qua đường tàu... Tôi chỉ làm lần này là lần cuối thôi nhé. Lần sau mời cô đến bệnh viện không thì tôi không có tiền đền đâu. Dạng chân ra!

Lam vụt ra khỏi phòng khám. Vừa đi nó vừa miên man lo sợ cho Hải, cho cả mẹ nó, cho tất cả những người đàn bà đang đùa dai với chính mình. Như vậy là nếu Hải chết, Hải sẽ không chịu nhận vòng hoa trắng đâu, một nỗi hổ thẹn! Nhưng mà Hải không phải là nó, Hải không muốn chết, Hải rất yêu đời và rất hùng dũng thuyết giảng cho Lam bao nhiêu triết lý “ thiên thạch”. Mỗi ngày, loa bán báo đi qua cửa hiệu gội đầu là Hải lại có một triết lý mới: “ Giết người vì hai trăm ngàn, mày thấy cuộc đời có ý nghĩa chưa?”. “Tin khoa học nhé, một thiên thạch sắp rơi xuống trái đất và chúng ta sẽ bay lên lào, em bay lên lào, ngày vui toàn thắng tưng bừng pháo hoa...”. Lam đã đặt cho hệ thống triết lý của Hải là “ Triết lý thiên thạch”. Hải có câu cửa miệng: “ lướt nhanh như vào in- tơ- lét”. Sau lần đó, nó ngại không muốn qua chỗ Hải nữa.

Mưa đã bớt nặng hạt, tiếng giọt gianh thưa hơn và tiếng hạt rơi ngoài đường ray cũng không rào rào như trước nữa. Đôi nam nữ yêu nhau gà gật, cô gái dựa đầu vào vai chàng thiêm thiếp. Hai mẹ con chủ quán chui vào tấm chăn len mỏng. Anh con trai vẫn đắm đuối với những mảnh tình rơi rớt chân mây. Người bán báo đã tự thu xếp cho mình một chiếc ghế để gác chân, nghẹo đầu trong tấm áo đại cán rách lỗ chỗ. Lam thấy ấm hơn và cũng buồn ngủ ghê gớm. Những ý nghĩ của nó cứ chập chờn, bồng bềnh. Rồi sau một hồi im lặng kéo dài trong tâm trí. Lam chợt nghe thấy tiếng còi tầu xa. Trước mắt nó hiện ra một đoàn tàu hơi nước nhả khói trắng phau. Chuyến tàu chầm chậm, chầm chậm rồi dừng hẳn lại trước quán cà phê. Như vụt quên hết mọi ý đồ tự tử lúc nãy, Lam hăm hở bước lên tàu. Nó vừa đưa chân ra thì hụt bước. Huỵch, Lam trượt chân và đoàn tàu lao đi vun vút, nó ú ớ muốn kêu lên mà không được.

Không khí nhốn nháo trong quán và tiếng la hét khiến Lam bừng tỉnh, cùng với tiếng đoàn tàu phanh ken két đang chạy chậm dần trước mặt. Lam bàng hoàng: “ Có người tự tử, bà con ơi!” Bước chân rầm rập trong mưa. Đoàn tầu đã phanh lại hẳn chỉ còn tiếng rơ moóc xô nhau ghê răng. Theo đoàn người chạy lên đầu tàu, Lam rụng rời chân tay, người phụ nữ hút thuốc cạnh nó lúc nãy, giờ đã nằm trên một vũng máu loang dưới mưa, chiếc xắc nhỏ văng ra sát đường ray. “ Không cứu được nữa rồi!” Một người nhanh nhẹn mang ra một manh chiếu cũ và hương khói đã nghi ngút...” Cô ấy để lại một bức thư và mười lăm triệu đồng tiền mặt, nhờ mọi người hãy chôn cất mình cho tử tế”. Một người bạo dạn đã đọc bức thư và giải thích cho mọi người hiểu: “ Sáng nay cô ấy đến viện K lấy kết quả xét nghiệm. Ung thư vú giai đoạn cuối, bệnh viện trả về. Chồng lại đang đợi li dị. Hồng nhan mệnh bạc. Không biết đã con cái gì chưa. Địa chỉ đây, mau gọi công an đến nhanh lên kẻo mưa thế này bắt người ta nằm mãi đây tội nghiệp lắm”. Máu trong chiếc chiếu bó bên đường tàu vẫn chảy thành vệt loang trong nước mưa, hơi ấm dưới lớp chiếu như cố bốc lên lần cuối yếu ớt. Người vây quanh người chết mỗi lúc  một đông và những lời bàn luận vòng trong vòng ngoài râm ran trong mưa.

Lam lết về sát bức tường để dựa cho vững. Tai Lam ù đặc, đoàn tàu nhòe nhọet trước mắt nó. Trong mưa, loang loáng ánh đèn ô tô, ngực Lam đau thắt, Lam không thể nghe thấy một âm thanh nào cả, nó như điếc đặc, miệng đắng ngắt, không nói được thành tiếng. Nó cố gắng hình dung lại gương mặt người thiếu phụ hút thuốc lúc nãy mà không thấy. Lẽ ra nó đã nằm trong cái chiếu kia với những lời thương tiếc của mọi người...

Lam cắm mặt, nức lên từng hồi chạy giữa những thanh tà vẹt ướt trơn nhẵn. Những hồi còi hú dài cùng với đá cuội lạo xạo đuổi theo bước chân Lam trên đường về nhà.

6- 99
P.H.T
(130/12-1999)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Bà Hoài (23/10/2009)
Trạng của tôi (20/10/2009)
Di động (14/10/2009)
Tương tri (05/10/2009)
Gã đười ươi (02/10/2009)
Hoa gạo đỏ (18/09/2009)
Chuyến đi (15/09/2009)