Truyện ngắn
Bến vạc
09:35 | 30/10/2009
LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.
Bến vạc
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Người đàn ông có khuôn mặt dày dày, bì bì, rỗ rỗ và giọng nói khàn đặc bị chặn rít mỗi khi hai hàm răng bập lại. Hình như ông muốn nghiến đứt những lời nói của ông. Người đàn ông bước vào nhà, vị trí của ông đột nhiên thay đổi. Mẹ nàng bảo ba chị em nàng gọi ông là dượng. Thì gọi. Chị em nàng gọi nhẹ tênh. Nhẹ như lần nàng đã từng gọi hai người đàn ông khác, cha con bé Mục và thằng cu Chình là dượng. Người đàn ông quét tia nhìn xoẹt loé như vệt chớp ngoằn ngoèo rạch xé bầu trời, có thể thể hiện uy lực, cũng có thể chỉ là một cái nhìn bản năng chẳng biểu lộ thái độ nhưng cũng đủ cho ba chị em nàng dúm dó sợ sệt níu vào áo nhau.

Có người đàn ông lạ trong nhà, mẹ nàng vui hẳn. Tất tả làm cơm. Mẹ nấu những thức như trước đây hai người đàn ông đã từng bước vào nhà. Bữa cơm, người đàn ông, dượng của chị em nàng tợp ngụm rượu đánh khà rồi vục đầu lùa cơm. Mồm ông nhồm nhoàm, bộ ria mép cũng thăng lên hạ xuống nhún nhảy nhịp nhàng đồng điệu với cặp quai hàm bạnh nghiến. Lúc căng lúc chùng. Lúc cao lúc thấp. Lúc nhanh lúc chậm. Cơm và rượu, thức ăn và rượu trộn lẫn vào nhau, phều ra hai bên mép. Đến lúc mặt ông chuyển từ trắng tái sang màu đỏ đỏ, hai con mắt ông cũng vằn đỏ, chỉ có đôi môi là tím càng tím thêm, trông khiếp, ông mới chống tay xuống ghế, đẩy tấm thân đẫy đà lên, khệnh khạng bước ra vò nước. Vục, súc, toẹt làm đám lá khoai môn lảo đảo. Mẹ hối hả giục nàng lấy nước mời dượng.

Ngày hôm sau, mẹ nàng lại khoác chiếc áo dày và đơ như cái vỏ bao xi măng Kim Đỉnh, đội nón, vác xẻng quày quả ra bờ sông. Mẹ nàng đi xúc cát thuê. Người đàn ông nằm thưỡn ra cái võng thường nàng ru em ngủ. Ông ngủ ngon lành. Và ngáy. Ngáy rất tợn. Tiếng ngáy rồng rộc, hồng hộc, hông hốc dị thường. Cái đầu ông nghẹo sang bên phải. Hai con ruồi bâu vào má ông. Một con bên trái, một con bên phải, chúng cũng phập phồng theo bộ ria mép phết phía trên đôi môi dày ự tím rịm của ông, ông vẫn ngủ ngon lành. Nàng nách thằng bé út ra hè. Nàng dỗ nó ngủ. Nó khóc lè nhè, nó chỉ vào cái võng. Nàng dỗ nó ngủ. Nó vẫn khóc. Nàng ngắt cho nó chiếc lá. Nó vẫn khóc. Nàng thử bẻ chùm hoa ổi dại ngoài bờ rào. Nó chỉ vào chiếc võng rách, hai đầu gối nó quặp khoằm vào hông nàng đau điếng. Nhưng chiếc võng rách dượng nàng đang an tọa ngủ ngon lành. Nàng không dám đánh thức. Thằng bé buồn ngủ. Thằng bé cần võng. Nó không nhịn được nữa rồi. Nó khóc. Lần này thì khóc rất tợn. Khóc đến nỗi làm người đàn ông giật cả mình. Mất đứt giấc ngủ thần tiên. Cả người ông phừng phực: “Đ. Mẹ. Sao mày không bịt cái mõm nó lại. Ông tống vài quả vào mặt bây giờ!”. Lại nhắm mắt tiếp. Nàng rón rén nách em ra ngồi dưới gốc cây duối lùm lùm. Thằng bé buồn ngủ lắm rồi. Nó gà gật trên tay chị nó.

Mẹ nàng về, tạt chợ mua vội thức ăn không quên cút rượu gạo nút cuộn lá chuối khô. Người đàn ông vẫn vục đầu vào bát. Cơm và rượu, rượu và thịt nhồm nhoàm như chiếc máy ngốn công suất vô địch, rồi tọng tất cả vào chiếc dạ dày tròn ạch dưới lần áo may ô xỉn màu bốc mùi chua chua thum thủm buồn nôn.

Ngày nào cũng vậy. Mẹ nàng đi xúc cát thuê. Nàng nách em thơ thẩn. Con bé giữa chạy loi choi quanh mấy bờ rào bắt con chuồn chuồn ớt, bắt chán lại ngẩn ngơ ngồi bệt dưới đất hoặc dùng cái que vạch vạch xuống đất, hoặc tẽ ngón chân đen nhẻm ra đếm. Nó đếm từ một đến mười. May mà hai bàn chân nó cũng được mười ngón. Vốn nó chỉ được chừng ấy. Người đàn ông hết võng lại giường và bẳn cáu gắt gỏng. Lại cơm, lại rượu và máy ngốn công suất vô địch. Nhưng mẹ vui. Thường chẳng mấy khi mẹ cười. Họa hoằn mẹ chỉ cười khi ông chủ thanh toán tiền công xởi lởi tí chút dẫu ông ta có véo bóp vào mông mẹ mấy cái chẳng hề gì. Đêm, con ốc ma bổ đôi. Nàng và hai em nàng. Người đàn ông và mẹ nàng. Đít con ốc ma chật hẹp. Sầm sập như mưa quăng. Sầm sập như bão trút. Sầm sập u u quay quay như gió lốc. Bức vách rung rinh. Mẹ nàng và người đàn ông thở dốc phì phò.

Thêm người, thêm miệng ăn mà vẫn chỉ có hai tay mẹ xúc cát. Mẹ đi sớm hơn. Về trễ hơn. Lắm lúc đến hơn nửa đêm và cả thâu đêm. Mắt mẹ trũng xuống thâm quầng. Người đàn ông no con mắt khi suốt ngày hết võng lại giường, hết giường lại võng. Con mắt ông không muốn ngủ. Bàn tay ông không muốn ngủ. Cả thân mình ông căng ra chẳng chịu ngủ. Ông gọi nàng:

- “Bé chị, hai em ngủ chưa?”

- “Dạ, ngủ rồi ạ!” - Nàng hớn hở đáp. Chưa bao giờ người đàn ông tỏ ra thân thiện và nhẹ nhàng với nàng như vậy.

- “Lại đây dượng bảo!”

- “Dạ?”

- “Thì lại đây. Mày gãi cái lưng cho dượng với. Ngứa quá tao không chịu nổi.”

Nàng gãi. Tám móng tay đầy cáu ghét của nàng run rẩy kéo trên tấm lưng nhầy nhụa của người đàn ông. Thường ông rất ít tắm. Chẳng biết vì ông lười tắm, ông ở bẩn hay cái vại nước lưng lửng cả ngày mẹ đi vắng không ai vào tận trong xóm gánh. Người ông rất mùi. Cái mùi khó chịu mà dù có cách xa mấy thước vẫn cảm thấy nồng nặc muốn ói. Nàng không diễn tả được là gì. Có điều nàng rất kinh. Cũng như kinh khuôn mặt quàu quạu của ông. Chỉ khi mẹ xách về cút rượu khuôn mặt đó mới được giãn ra chút ít. Nhưng nàng không thích mẹ mỗi lần le te xách cút rượu về.

- “Mạnh tay lên một chút. Bên này. Bên này nữa. Vậy vậy. Đúng rồi. Đã ngứa lắm. À, bé chị này, mày sợ dượng lắm hả?”

- “Dạ, dạ…”

- “Dượng mày chứ ai mà sợ. Này dượng bảo…”

Nàng chưa kịp dừng tay lại và cũng chưa kịp để lắng nghe người dượng nói gì thì cánh tay ông đã quàng trật ra sau túm chặt lấy người nàng. Tuột luôn lớp vải nhầu nhĩ mỏng manh trên cơ thể nàng. Rồi, rồi…

Nàng khóc. Nàng van lạy. Đứa bé mười ba tuổi chưa biết làm người lớn. Chưa thể làm người lớn. Mặc nàng khóc. Tay người đàn ông khỏe hơn cô bé mười ba tuổi dù trong cơn cùng quẫn sức kháng cự bản năng đã tăng gấp đôi gấp ba bình thường. Người đàn ông hùng hục. Nàng như tấm giẻ bị vò. Không rách tơ tướp nhưng nhầu nhĩ và chảy máu đau đớn. Mùi quỷ vẫn áp sát vào người nàng. Phả làn hơi nóng rừng rực vào mặt nàng. Mùi quỷ. Đúng rồi, bây giờ nàng mới định rõ cái mùi kinh khủng buồn nôn nhưng không thể đẩy nó ra xa hơn được.

Nàng đã là đàn bà khi mười ba tuổi. Mẹ nàng không biết. Bà vẫn hối hả đi xúc cát và hớn hở tạt mua cút rượu gạo. Mẹ nàng say mê mùi quỷ. Say đến nỗi, mê đến nỗi hùng hục xúc cát đêm ngày không mệt mỏi. Nàng không dám hé lời nói với mẹ. Hoặc mẹ chẳng tin. Hoặc mẹ vác gậy phang vào mông nàng vì dám đánh cắp mùi quỷ của mẹ nàng. Có thể như vậy lắm. Biết đâu, rồi mẹ sẽ sinh thêm một mớ quỷ con. Nàng lại có thêm một mớ quỷ em. Nàng lại nách chúng hết bờ rào bờ giậu, lại hái mấy bông hoa ổi dại dỗ nó. Và biết đâu, lại có những người đàn ông khác giành mất chiếc võng tơ tướp của lũ quỷ em của nàng!

Nàng kinh sợ mỗi buổi đêm vắng mẹ. Căn lều sùm sụp chỉ hai đứa em thơ và mùi quỷ. Người đàn ông lại nhìn vào nàng. Mỗi bước chân mẹ xa dần đôi mắt hắn lại càng dán vào nàng gần hơn. Chặt hơn. Háu hơn. Tợn hơn.

-”Mẹ ơi chờ con với!”- Nàng khóc, đôi chân trần trẻ con bươn theo mẹ. Mẹ nàng vác cái xẻng quay lại ngạc nhiên nhìn nàng.

- “Mày theo tao làm gì?”

- “Mẹ cho con theo với. Mẹ ơi con sợ lắm!”

- “Sợ gì? Ở nhà có dượng mày còn sợ cái gì. Về giữ em đi, không tao phang cho mấy xẻng bây giờ”.

Nếu nàng không về, mẹ phang thật. Mẹ nàng là vậy. Chưa khi nào có với chị em nàng một lời ngọt ngào. Hoặc dùi cui chấm nước mắm. Hoặc chửi. Hoặc roi. Hoặc quắp ngón trỏ chọi vào đầu đau điếng.

Hức, hức… Nàng khóc, mẹ xa dần và nàng bước về trong kinh hãi. Bóng đêm rượt đuổi sau lưng trùm lên cuộc đời nàng. Đôi chân trần giẫm lên những hòn đá vương trên mặt đường nhức nhối. Nàng thập thò ở ngoài bờ rào chẳng dám bước vào nhà. Trong kia, trong con ốc ma sùm sụp của mấy mẹ con nàng bóng người đàn ông như hình ông khổng lồ bất động trên bức vách hướng mắt ra phía cửa. Nàng cứ thậm thò thậm thụt đến lúc thằng cu Chình khóc ré lên. Nó kêu và quờ quạng tìm mẹ, tìm chị như một bản năng. Bóng người đàn ông động đậy ra chiều tức giận. Ông không thể chịu được tiếng trẻ con khóc. Bóng khổng lồ chồm lên, cánh tay vươn ra, vung lên. Không kìm được, nàng nhào vào ôm em vào lòng. Thằng cu Chình rúc vào người chị, thôi thút thít và lại chìm dần vào giấc ngủ. Em ngủ rồi, nàng lại phải làm đàn bà. Bóng tối và bóng tối và mùi quỷ đày đọa. Nỗi đe dọa kinh hoàng của nàng.

Nàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho nàng lựa chọn. Có điều không hiểu sao bàn tay yếu ớt của cô bé mười lăm tuổi đã cầm vững được chuôi dao thọc vào cổ mùi quỷ. Dòng máu tanh lợm mùi quỷ vọt ra xối xả. Hắn rống lên. Ngã vật ra và trợn thốc hai con mắt quỷ lên trắng dã. Sau giây phút bàng hoàng nàng cắm đầu chạy. Bóng tối trước mặt. Bóng tối sau lưng. Bóng tối cuộc đời vây tỏa. Nàng trốn. Chui lủi khắp nơi như con tắc kè. Hoặc dáo dác hoảng lọan. Hoặc hoảng hồn giật mình. Nàng sợ mẹ mình bắt gặp. Nàng đã giết mùi quỷ quyến rũ của mẹ. Nàng sợ những người họ hàng cùng hang cùng hốc với mùi quỷ bắt nàng trả nợ. Nàng càng sợ hơn những bộ đồng phục xanh vàng, chiếc còng số tám và những bản án định trị. Nàng sợ tất cả, hình như ai đấy đang dõi theo những bước chân nàng. Bất kì lúc nào cũng có thể giơ cánh tay lên túm lấy nàng. Và bắt nàng, giết nàng… Gáy nàng, lưng nàng lúc nào cũng cảm giác chờn chợn toát mướt mồ hôi.

Nàng lẩn trốn cuộc đời nhưng nàng đang tồn tại. Hàng ngày cũng cần có cái gì đấy nhét vào mồm để duy trì sự sống. Đấy là nhu cầu tối thiểu của nàng. Nàng thất thểu kiếm sống và dè chừng. Khi đang cùng đám trẻ hì hục bới rác, nàng đã giật mình khi tiếng xe chở rác ụ còi inh ỏi và có bóng những công nhân thu gom rác. Họ mặc đồng phục trời ạ. Dẫu đấy không phải đồng phục của mấy chú công an, nhưng nàng cũng hốt hoảng chẳng dám trụ lại bãi rác khổng lồ hôi hám, vương quốc thần tiên của lũ ruồi nhặng dẫu chúng có cơ duy trì sự sống cho nàng. Nàng men vào mấy quán ăn xập xệ rửa chén bát thuê, mong ngày ngày có được bát cơm và vài đồng để dành. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài người mặc đồng phục xanh vàng ghé vào quán. Nàng giật mình thon thót đánh rơi cả bát đĩa lẻng xẻng, những đôi mắt ái ngại ném về phía nàng. Trước bao cặp mắt đổ dồn, nàng càng hoảng hốt luống cuống. Rồi lại phải đi dẫu nơi đây nàng có thể được ăn ngon, được bà chủ xởi lởi ngày cho thêm năm ngàn để dành. Nàng lại đi, lại bập bều trôi dạt nhưng đâu đâu nàng cũng nhác thấy bóng những bộ đồng phục xanh vàng hoặc những cặp mắt châu chấu cào cào dán vào mình, cảnh báo, soi mói, đe dọa. Đến khi nàng gặp đám đàn ông nọ. Nàng đói lắm rồi. Họ cho nàng ăn. Những vắt cơm ém cứng như đá và những con cá cơm khô rang nhưng nàng thấy ngon và mềm hơn bao giờ hết. Nàng đã chui lủi mấy ngày nay. Một người đàn ông trong đoàn xốc lại quai cái ba lô trên vai hất mái tóc lòa xòa hỏi nàng:

- “Mày theo chúng tao không?”

- …

- “Ở đấy không có chuyện ngồi mát ăn bát vàng nhưng cũng không chết đâu mà sợ”.

Nàng cảm tưởng như người đàn ông đọc thấu hết tâm can của nàng. Nàng là một tội phạm, là một kẻ giết người, đáng lẽ phải đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án và bị bắt đền mạng từ lâu. Có thể súng, có thể dao xẻo từng chiếc tai, chiếc mũi, cánh tay và dần dần róc những mảng thịt trên người, có thể nhét bao bố thả trôi sông đến ngạt. Đấy là những bản án kinh rợn ám ảnh dù chưa bao giờ nàng nghe định án. Vậy cũng đủ khủng khiếp rồi. Cho dù với nàng pháp luật là một khái niệm có vẻ oai phong và xa vời mơ hồ. Thực ra nàng cũng không được rõ lắm vì chẳng ai từng nói cho nàng hiểu. Xa trường, xa trạm, căn nhà sùm sụp như con ốc ma nằm thoi loi ngoài bãi là một hiện tượng cá biệt của xã hội. Cá biệt hơn nữa ở chỗ mấy con chữ thường nàng nhận diện cũng khó nhọc lắm. Mẹ cứ bảo, học mà làm gì. Rồi nấu chữ mà ăn cho no à. Ở nhà trông em tao còn đi kiếm cơm về cho mà tọng vào cái dạ dày bao bố. Chỉ hồi trước thỉnh thoảng lê la gần những đứa trẻ chăn bò ngoài bãi, chúng từng kể cho nhau nghe chuyện người giết người và chịu trừng phạt. Kiểu trừng phạt nào cũng đáng sợ, kinh rợn. Ấy người ta mới chẳng dám giết đồng loại chứ. Nhưng nàng đã giết người. Đó là một sự thật khủng khiếp. Có điều rằng người đàn ông trong nhóm đàn ông không mang đồng phục xanh vàng. Họ cũng chẳng quan tâm đến nàng là ai. Họ đang ngược đi tìm vàng. Họ đang cần một phụ nữ biết nấu cơm, giặt giũ và làm những việc đàn bà khác.

Cuộc đời không cho nàng lựa chọn. Nàng bước theo những người đàn ông như định mệnh.

Vàng. Những người đàn ông chặt cây, cắm cọc và tung những tấm bạt xanh. Họ dựng lán và bắt tay vào đào bới. Nàng gom những cành củi khô nhóm lửa bắc cơm cho họ. Ngày ba bữa và lại làm đàn bà. Có điều nấu cơm hay làm đàn bà nàng đều được tính công hẳn hoi. Cũng ngày…, tháng… chi li. Hàng tháng cộng dồn lại. Rồi lúc có vàng truy lĩnh luôn một thể. Đời không ai cho không ai, không để ai nợ ai, với họ là vậy cho dù vàng bây giờ đang chỉ là một sự tìm kiếm mơ hồ xa xăm, chưa biết khi nào mới trông thấy được cái màu vàng chói loé mê hoặc lẫn trong đất kia. Nàng cũng không mong những hạt vàng li ti như cám, thành quả của những người đàn ông ngày ngày hì hục đào bới. Nàng chỉ cảm thấy sống ở đây yên ổn hơn. Chí ít thì cũng không giật mình thon thót bởi những ánh mắt châu chấu và những bóng đồng phục xanh vàng. Ở đây chẳng mấy người qua lại. Họa hoằn ngoài dòng sông có mấy chiếc đò máy của đám con phe chở hàng vô thiên lủng dưới kia lên mạn ngược. Thỉnh thoảng nàng với họ lại mua gạo, mua mắm, cá khô…, và vài thứ thiết yếu thông dụng khác như mấy hộp thuốc Enjoi. Nàng đã có vẻ dần đổi sắc, cái sắc xanh xanh đỏ đỏ của con tắc kè, dớn dác, hoảng loạn.

Những người đàn ông vẫn mải mê đào bới. Họ chuyển những đụn đất mà nghi ngờ có vàng xuống dòng sông đãi. Ngày qua ngày, đất tan vào nước, dòng sông đỏ lòm như chảy máu. Chưa có vàng, chưa thấy vàng nhưng cũng không làm nản chí những người đàn ông đang nung nấu tham vọng quyết liệt. Họ sẵn sàng lật tung cả dãy núi trước mặt lên để soi từng hạt đất tìm vàng. Họ vẫn mải mê đào bới và hy vọng. Nàng vẫn miệt mài cơm nước và làm đàn bà. Để đêm tối, khi đã rất khuya, những người đàn ông quành giấc ngủ say, ngôi lán chật hẹp nồng nặc mùi mồ hôi đàn ông lao động nặng, mùi thuốc lào nặng trịch khét lẹt, nàng lại men theo con đường mòn đi ra phía bờ sông. Dòng sông lúc này không còn chảy máu, nó đã trở lại nguyên trạng muôn thuở của mình. Nàng khe khẽ ngâm mình xuống dòng nước. Dòng nước mát lành. Nàng cuộn vào đấy như con chim non chui rúc cọ mình vào mảng lông mềm mại mịn màng dưới bụng mẹ nó. Yên bình của cảm giác được chở che. Sự yên lành thuần khiết cuộn trong màn đêm. Đấy là những giây phút dễ chịu nhất trong những tháng ngày làm tắc kè của nàng. Để mong được một giấc ngủ ngắn. Đã bao ngày nàng không dám ngủ nhiều. Mỗi giấc ngủ là những nỗi ám ảnh triền miên vây bám đe dọa nàng. Nàng lại thấy dòng máu xối xả và tròng mắt người đàn ông đóng băng. Thấy mẹ vác xẻng phang vào mông nàng. Thấy con Mục và thằng Chình đứng ngoài ngõ khóc đợi nàng về. Nàng thức dậy, lúc nào cũng vậy, người vã mồ hôi và trằn trọc mãi. Nàng mong trời chóng sáng. Nàng sẽ nhặt củi, sẽ quét dọn mái lán tạm bợ hay xuống sông lấy nước, đón đò máy mua hàng.

Như thường lệ, ba ngày lán hết thức ăn, khi mặt trời đứng đến cây sào nàng ra bờ sông đón đò. Đợi mãi chẳng thấy đò ngược. Chỉ loáng thoáng con đò xuôi. Con đò xa xa, mờ rồi rõ dần. Con đò độc mộc của người miền núi. Nàng với họ lại, chỉ với tình cờ thôi ai dè con đò chở lắm thức ăn ngon. Nào mộc nhĩ, nào măng rừng, nào thịt rừng phơi khô. Chủ con đò là một thanh niên miền rừng. Da anh ta đen cháy. Đầu tóc bờm xơm rễ tre. Trên mình chỉ mặc độc chiếc quần nhuốm đầy mủ cây rừng chẳng còn màu nguyên thủy nữa. Dưới chân anh còn có con chó vện, nhìn vẻ rất khôn lanh. Hỏi: “Bán bao nhiêu?”. Cười. “Đổi gì?” Cười. Sao mà hiền lắm vậy. Anh ta giơ mười lần hai bàn tay. Ý là một trăm ngàn. Một trăm ngàn thôi ư? Rẻ vậy. Nhưng anh ta là người miền núi. Không thêm, không bớt, chẳng quen kèo nài. Hàng hóa lỉnh kỉnh, nàng nhờ người thanh niên mang hộ lên lán.

Anh ta chẳng nề hà gì. Gật đầu. Neo chiếc đò vào bụi cây. Vai vác. Tay kẹp. Nhảy tếch lên bờ. Con vện cũng quắn quýt theo chân chủ. Nàng rảo nhanh theo chân họ.

Cuộc mua bán sòng phẳng chóng vánh. Nàng cảm thấy mình hời. Người thanh niên miền rừng chẳng cảm thấy mình bị hớ. Và những người đàn ông tìm vàng có được những bữa thức lạ miệng, ăn ngon lành và no nê.

Dăm ba lần chuyến đò xuôi vậy mà nó cũng để lại hiệu ứng đáng kể. Lâu lâu mọi người lại mong người thanh niên miền rừng. Những người đàn ông mong có miếng sơn dương khô nướng vừa xé nhai vừa nhâm nhi hớp rượu cho giãn gân giãn cốt. Nàng cũng mong anh ta, rất mong, có lẽ không phải vì những cuộc mua bán chóng vánh mà nàng luôn được phần hời. Cái hiệu ứng của măng rừng, mộc nhĩ, thịt khô và mấy đồng bạc xanh đỏ với mấy lời thoại ít ỏi ngắn ngủi đã ám ảnh nàng. Đôi mắt dài dại hoang dã hiền lành. Chàng là ai? Nàng chẳng biết, chỉ biết chàng từ trên ngọn nguồn con sông đi xuống, chàng mang mùi hương của rừng núi hoang vu, ngọt ngào trong lành thuần khiết.

Bẵng một thời gian, con đò độc mộc lại xuôi, ghé vào bến như một thói quen. Con chó tinh khôn lanh lợi nhảy tếch lên bờ. Chàng thanh niên cũng vai vác tay kẹp sãi chân nhảy theo. Hiệu ứng lan tỏa. Nàng rảo bước nhanh, cố tình bắt kịp nhịp chân với chàng thanh niên. Họ cùng đi và cũng chẳng có gì để nói. Vào lán, nàng mời chàng uống nước. Tỏ ý thân thiện như một lời cám ơn vì chàng đã vất vả chuyển đống hàng đặt ngay ngắn ở góc lán. Chàng thanh niên cười bẽn lẽn, giơ tay đón ca nước lá vằng từ tay nàng. Nhưng chàng cũng chẳng còn cớ gì để ngồi lâu. Nốc cạn ca nước, chàng chụm miệng huýt rõ to gọi con vật trung thành đi về. Thường một tiếng, hai tiếng nó đã rối rít ve vẩy chiếc đuôi đứng trước chàng. Nhưng lần này chàng huýt mãi, gọi mãi mà vẫn không thấy bóng dáng nó. Hốt hoảng, chàng đạp rừng cây lúp xúp và băng qua những hố đất trống hoác nham nhở đi tìm. Nàng cũng hớt hải chạy theo. Chàng vừa đi vừa huýt, vừa gọi. Tiếng gọi thống thiết dội bật ra rồi chìm nghỉm. Chìm nghỉm. Vẫn không thấy nó. Đã rất muộn, chàng thất vọng và buồn bã một mình đẩy chiếc đò độc mộc nhoai ra dòng sông, chàng ngã người, hai chân chàng xoay tròn đạp chèo bơi ngược dòng nước. Nàng đứng ở bờ, lặng lẽ nhìn theo day dứt.

Trời đã rất tối. Khi những người đàn ông ngủ say. Nàng lại ra bến sông. Bỗng nàng nghe tiếng ư ử rên rỉ gần mép nước. Trời ơi, con chó của chàng thanh niên. Chắc sức nó đã kiệt, phải cố lắm mới lê ra được đến mép sông. Thấy nàng, tiếng rên của nó nhỏ lại. Có lẽ nó mừng. Nàng ôm nó vào lòng, mình nó đầy máu và chi chít vết thương. Có lẽ nó vừa trải qua cuộc chiến khốc liệt, đã gặp một đối thủ nào đấy vật lộn đến kiệt sức, phải rất lâu mới tỉnh lại để men ra bờ sông. Nàng dùng tay khoát nước sông rửa những vết máu trên mình nó. Nàng đưa nó về lán. Rồi rịt thuốc, rồi nấu cháo bón từng thìa. Nàng chăm nó như chăm một người thân yêu quý. Nàng mong nó chóng bình phục cũng như nàng mong ngày chủ của nó trở lại và vui mừng gặp con vật yêu quý của mình. Từ đấy nàng thường ra bờ sông hơn. Ngước mắt đăm đắm về phía thượng nguồn. Nàng mong thấy con đò độc mộc xuôi dòng. Có thể từ sớm tinh mơ khi rừng cây bạt ngàn còn ngủ say. Dòng sông chưa muốn thức và những con chim còn vùi mình trong những chiếc tổ ấm áp. Có thể khi đã trưa, quá trưa, ông mặt trời đứng bóng rồi cả lúc khuất dần sau những rặng núi mấp mô. Có thể là đêm, cả những khi tiếng vạc quàng quạc ăn khuya. Dẫu biết trái đồng hồ sinh học của con đò nhưng nàng vẫn mong. Vẫn ngóng. Vẫn đợi. Đợi đôi mắt hoang dã và mùi hương rừng trong lành thuần khiết. Nhưng niềm khao khát chạy trốn. Vẫn chẳng thấy bóng dáng con đò xuôi. Nàng cùng con vện buồn bã trở về.

Vàng! Những người đàn ông sung sướng reo lên. Vàng cục, vàng hòn chứ không li ti lấm tấm như mớ vàng cám họ vẫn thường mơ. Những miếng vàng lớn nhỏ như đầu ngón tay của người đàn ông. Họ đoán không sai. Vùng đất này có vàng. Đã bao ngày ròng rã bây giờ họ đã tìm được thứ mà họ mãnh liệt khao khát. Lao lực, khổ cực, hy vọng sẽ được đắp đổi tất cả. Chiều về, những người đàn ông vui mừng bàn tán. Nếu cứ đà này, men theo mạch đất xuyên vào rốn núi có thể kiếm được ối vàng. Chịu khó vài tháng nữa có cơ người được vài lon vàng chứ chẳng chơi. Và họ lại dệt viễn cảnh tương lai. Viễn cảnh nào cũng đẹp, cũng hấp dẫn ngọt ngào, từ lớn lao, táo bạo đến giản dị, đơn sơ, hiền lành. Viễn cảnh tương lai cứ viễn cảnh tương lai. Nhưng “có thực mới vực được đạo”. Họ vừa dệt vừa sà vào mâm cơm đang ngả bát.

- “Cơm đ. gì thế này. Ngày vui trọng đại mà chỉ có cơm và cá khô thôi à? Thịt mẹ con chó của thằng người rừng ăn một trận cho đã. Lúc nào nó ra đưa nó ít tiền!”- Hùng Dô vừa nói vừa ném mắt về phía con chó như vừa phát ra một phát kiến vĩ đại.

Mấy người đàn ông đồng tình hùa vào:

- “Đúng đấy. Đời đang sướng thế này ăn dăm bào xảm bỏ mẹ!”.

- “Thịt con chó ư? Không! Lạy các anh, xin các anh, nó trung thành và khôn ngoan như người. Các anh chịu khó bữa này mai em đón đò mua thức ăn ngon”.

- “Gi…ì? Đợi đến mai à. Nhưng mà bây giờ các ông đang vui. Có vàng, phải vui chứ. Phải ăn mừng chứ. Chỉ con chó có gì mà lèo nhèo. Mấy ông ăn thịt chó mòn cả răng rồi đây này! (“Hè!”- Hùng Dô ngoác hàm răng vàng tởn ra khoe). Thôi, vào bắc cho tao nồi nước sôi, tao kiếm sợi dây trói con cẩu này lại treo lên chảng cây. Nhanh lên, còn giương mắt ra mà nhìn. Nhìn gì? Khóc à. Đàn bà lằng nhằng rách việc”.

Khi Hùng Dô túm lấy con chó, nàng lao tới ôm ghì nó lại. Đang cơn hứng, hắn đẩy thốc nàng ngã dúi: “A, tự nhiên con này điên ông ơi. Tôi thịt chó mà như thịt nó không bằng”.

Nàng, đàn bà yếu đuối và những người đàn ông vai u thịt bắp quen lao động nặng, họ chỉ cần hảy một hơi là nàng văng xa như ném cái bát bể ra sân. Nàng đau đớn nhìn con chó treo ngược trên cành cây, những vết thương trên mình nó mới chớm da non. Nó tru lên, nhìn nàng đau đớn, thảng thốt bất lực. Đôi mắt trắng dã thân thiết trừng trừng đóng băng.

Còn bao rượu để dành trong chiếc can nhựa hai chục lít được khệ nệ xách ra. Những người đàn ông khề khà bên nồi thịt chó đầy ự ăn mừng đại chiến thắng. Phải uống cho say cho sướng sự đời. Uống! Dzô! Trăm phần trăm! Thằng nào không uống, thằng nào không say ngu nhất trên đời. Sung sướng mà không biết tận hưởng, đời bỏ cho chó gặm. Rượu và thịt thi nhau tợp vào mồm, thi nhau chạy ma ra tông vào những chiếc dạ dày đang ngả miệng đón. Như cơn mưa mùa hạ sầm sập hối hả dội xuống vùng đất khát bấy lâu. Trận no nê rượu thịt đã đời làm cho máu những người đàn ông giữa núi đồi hoang vắng nóng lên rần rần, bừng rực, ngứa ngáy đâm khát … đàn bà, khát hơn bao giờ hết. Chén bát ngả nghiêng lổn nhổn. Đũa chiếc ngắn chiếc dài chỏng chơ. Thịt và rượu vương vãi trộn lẫn đống xương lởm chởm. Nàng chưa kịp thu dọn đã bị những người đàn ông níu lấy. Không, nàng đang trong thời gian cấm kị của đàn bà. Bì băng vệ sinh đang dùng dở. Máu nàng đang chảy. Nhưng những người đàn ông lúc này cần biết gì đến máu chảy với máu khô. Mùi quỷ nổi lên, họ vật nàng thay nhau quần đảo. Nước mắt nàng chảy dài. Máu nàng còn xối xả hơn.

Đêm đã khuya lắm. Tiếng vạc quàng quạc trong đêm. Người nàng ướt rượt, nào máu, nào mùi quỷ nhầy nhụa trộn lẫn ô hợp. Nàng lội xuống dòng sông. Dòng sông nước mát lành gột rửa. Nước mát quá. Sông sâu quá. Nàng lội mãi, đi mãi, theo chân con chó lanh khôn quắn quýt dẫn đường. Họ ngược về hướng núi rừng bạt ngàn xa xăm…

Thị trấn Bình Định,
tháng 8 năm 2008


L.P
(248/10-09)



 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Trung thu (28/10/2009)
Bà Hoài (23/10/2009)
Trạng của tôi (20/10/2009)
Di động (14/10/2009)
Tương tri (05/10/2009)
Gã đười ươi (02/10/2009)