Truyện ngắn
Khe cửa hẹp
08:41 | 18/11/2009
ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.
Khe cửa hẹp
(Ảnh: Internet)

Chỗ ngồi muôn thủa của tôi là chiếc xe lăn đắt tiền. Nó khác đôi chân con người ở chỗ khi di chuyển không bao giờ rời mặt đất. Nhưng giống đôi chân tôi, theo năm tháng vẫn không lớn thêm lên. Tôi mười lăm tuổi. Với hình hài thiếu nữ và đôi chân trẻ con. Bố mẹ tôi đi làm cả ngày. Bà giúp việc cặm cụi trong bếp. Tôi chia sẻ nỗi buồn với khe cửa hẹp. Cánh cửa thứ hai của căn hộ không bao giờ mở, nó bị khóa bởi tôi không thích "nhà thì nhỏ mà thiên hạ cứ tứ phía thông thống nhìn vào". Tôi đồng ý với bố, bởi nếu mở cánh cửa ấy ra tôi sẽ không còn góc nào để ngồi cho đỡ vướng víu, để có thể giấu mình đi. Bố tôi khóa siết nó lại, và với chiều cao một mét sáu lăm của mình, ông không hề phát hiện thấy hai cánh cửa kông hề khép chặt vào nhau, tạo thành một cái khe khá rộng có thể nghé mắt nhìn ra ngoài, nằm ở chiều cao một mét tính từ dưới đất lên của cánh cửa, đúng tầm mắt một người ngồi.

Qua khe cửa ấy, tôi thấy một thế giới đầy âm thanh và màu sắc. Đầy bí mật. Tôi biết mình sẽ chẳng bận tâm và thích thú gì nếu tôi nhìn qua một khung cửa rộng. Không gian càng hẹp, càng tạo nên những góc khuất không nhìn tới, càng khơi gợi trí tò mò. Tôi dán mình vào xe lăn, dán mắt vào khe cửa từ sáng đến tối, trò chơi duy nhất và hấp dẫn nhất của tôi.

Tôi mười lăm. Tôi thiếu nữ. Mà thế giới đàn ông sau khe cửa kia thật là mới lạ. Anh chàng tóc hơi xoăn ở trán kia đẹp trai quá, chừng mới hai mươi. Anh ta ở phòng số bảy. Một ngày anh ta ra vào hành lang chục bận, tôi nhận ra anh ta nhờ tiếng dép kéo lê như của một bà lão già nua mệt mỏi, rồi anh ta xuất hiện. Da trắng, mắt sáng, dong dỏng cao. Gợi nhớ đến một buổi mai dịu mát của sương, của cỏ, của cái hơi đất ngai ngái sau một đêm mưa hạ. Và anh ta hát, giọng hát thì hơi buồn tẻ, ê a. Nhưng không sao. Đâu phải lúc nào người ta cũng hát? Sẽ không hát nếu như đang phải nói. Đấy! Anh ta đã ngừng hát rồi:

- Mẹ thì lúc nào cũng tớn lên! Nó lớn rồi, mặc xác nó! Nó thích đàn đúm thì cho nó chết! Con gái con lứa mới mười bảy mười tám mà lúc nào cũng lang lác ngoài đường. Mẹ ngày trước chắc cũng thế thôi chứ hơn gì! Giờ mới ba tám tuổi mà hai đứa con hoang!

Tôi và bà mẹ kia cùng nhăn mặt. Giọng bà mẹ nhỏ, rối vào nhau như chỉ:

- Mày định vạch áo cho người xem lưng hả thằng kia? Câm ngay! Vào trong nhà! Đồ mất dạy! Ai bảo chúng mày là con hoang? Bố chúng mày sắp về...

- Về! Sắp về từ mười mấy năm rồi đấy!

Và tiếng dép sền sệt đặc lại trên đất, anh ta đi qua tôi. Bà mẹ đun đẩy sau lưng, cáu kỉnh nhưng không kém phần cuống quít. Họ chắc đã vào nhà, vì tiếng cửa sập như một tiếng súng nổ.

- Em về nhé! Em yêu! Thiên thần bé bỏng của anh! Mơ thấy anh nhé! Ôi sao mà anh yêu em quá! Anh lại phải đếm từng giây để mong nó chóng qua, để chờ đến chiều mai ta gặp lại. Anh sẽ ngắm sao, vì sao là mắt em. Anh sẽ nhìn trăng, vì trăng là khuôn mặt em ngời ngợi...

Đó là tiếng anh bạn trai của cô em. Có lẽ anh ta là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia hay ít ra cũng là trưởng đoàn nghệ thuật cải lương. Hôm nào anh ta cũng nói những lời tương tự, và cô gái sao mà quá chừng bẽn lẽn. Đôi khi tôi thấy cô giang hai cánh tay, như sắp bay lên. Hôm nay họ đưa nhau về sớm hơn thường lệ, tôi có thể hy vọng nhìn thấy anh chàng kia, vì đèn hành lang vẫn còn sáng. Cô gái đi qua trước, tôi nín thở nhìn. Đó chắc chắn phải là một chàng trai đẹp trai và tao nhã và có học và. Họ đột ngột đứng lại ngay trước tầm nhìn của tôi. Anh ta hôn trìu mến lên những ngón tay cô, đẩy nhè nhẹ thiên thần bé bỏng của anh về phía trước. Thiên thần bé bỏng của anh chạy vụt vào nhà, mắt đầy lệ, như đấy là lần gặp gỡ cuối cùng. Tôi nhìn chăm chú vào anh chàng tao nhã. Anh ta đang ngẩng lên. Đang ngoáy mũi. Và khạc nhổ.

- Mẹ kiếp! Con bé bám dai như đỉa! Thiên thần mới chả thiên lôi! Thiên thần nhất bây giờ là rượu và thịt chó. Đi làm vài miếng, xong dọn hàng tối cho bà vợ xề bán bún ốc.

Có gì đau lan ra ở ngực. Tôi nhắm mặt lại. Mở ra ngay khi nghe tiếng bố:

- Nào con gái! Bố đưa con về phòng nhé! Khuya rồi!

Có những buổi sáng tinh mơ đẹp đẽ như buổi mai này. Khi những chiếc lá đáp nhẹ vào khung cửa, bời bời khoe sắc óng ả vàng. Hành lang vắng và ngái ngủ. Tôi nghe thấy tiếng lạch xạch nho nhỏ của líp xe. Người đàn ông ở phòng số năm đang dắt xe cho vợ đi làm. Một người đàn ông nhỏ thó, râu tóc lẫn màu với áo quần. Ông ta đang đi ngang qua tôi, tiếng thở dài thườn thượt. Mùi nước hoa sực nức đi trước, cô vợ theo sau. Và cũng hoàn toàn ngẫu nhiên, họ nhờ tôi nghe câu chuyện của họ:

- Chiều nay em về ăn cơm nhé! Anh sẽ nấu canh sườn với khoai tây. Cả cá rô rán nữa.

- Chẳng biết được! Xong việc thì về!

- Anh chờ cơm đấy! Trời hơi lạnh, sao em không quàng khăn, cổ áo rộng thế, lại ho cho mà xem!

- Mặc tôi! Đàn ông mà đến lắm lời! Vào nhà kẻo con thức, nó khóc váng lên bây giờ.

- Đừng về muộn quá nhé! Hôm nay đài báo sẽ có gió mùa đông bắc vào buổi tối. Em...

Những vòng xe quấn lời của người đàn ông đi mất. Ông ta đứng thờ thẫn trước mặt tôi, cam chịu.

- Lại về lúc nửa đêm ấy thôi! Sẽ bay đi mùi nước hoa, thay vào đó là mùi rượu nặng. Lại mâm cơm nguội ngắt, và thằng bé sẽ phải ăn thức ăn nấu lại vào ngày mai. Tội nghiệp nó.

Cánh cửa phòng số bốn mở ra dột ngột. Ồn ào.

- A! Chào ông anh! Làm gì mới sáng sớm mà cằm đã chạm rốn thế kia? Vào nhà em làm ấm trà ta nói chuyện phiếm.

- Cảm ơn chú! Tôi phải dọn dẹp lại nhà cửa, rồi chợ búa cơm nước cho thằng bé đi học chiều. Thôi khi khác!

- Khác là hôm nào? Hưởng thụ là phải ngay tức thời! Ông anh ăn chắc mặc bền quá đấy. Đời được mấy nỗi? Đấy! Thằng cha gì ở đầu hồi dãy bên kia, ki cóp mãi, nhịn ăn nhịn mặc mãi, dành được mấy chục triệu, trên đường đến ngân hàng xe nó húc mẹ cho một cái, tiền dành dụm hóa để làm đám ma. Vào tay em, em cứ ăn chơi phứa đi hóa sướng. Chết rồi thì biết cóc gì nữa mà lo.

- Tôi nói thật! Tôi đang bận. Xin chú hôm khác!

Ông biến mất. Trong tầm nhìn còn lại người đàn ông phòng số bốn. Quần Jean xanh, áo sơ mi đỏ. Mặt vành vạnh sung mãn.

- Đàn ông chó gì cứ cun cút ở nhà, lê la với đống quần áo bẩn. Vợ thì có ra vợ! Lèm nhèm với từ thằng gác cổng đến lão giám đốc. Thế mà cứ nâng như nâng trứng. Vào tay ông, ông thì...

Ông ta vuốt mớ tóc dựng phồng như bờm ngựa. Mỗi lần nhìn vào chỏm tóc ấy tôi cứ tưởng rằng ông ta sắp hí lên. Và ông ta hí thật:

- Quý... ý...ý! Sao mày kéo lê cái chổi như thế? Thằng ranh, quét có cái nhà mà mất cả ngày! Ngữ mày chỉ đi gánh phân là xứng. Xem kìa! Trời ạ! Quét ra đầu hồi bên kia! Xong đặt cho tao ấm nước. Giờ hồn! Để nó cạn ráo thì đừng trách! Bảo mẹ mày đi mua cho tao bát phở. Tái đấy nhé. Nhiều hành. Hôm nào cũng dặn mà cứ như điếc cả lũ. Rồi lại xoen xoét, em quên. Biết thế lấy mẹ con bán phở cho xong việc. Còn đứng ở đó à? Đi! Khẩn trương!

Một thằng bé xanh tái khoảng tám tuổi len lét đi qua. Mặc cho nó tên Quý, ông bố cũng chẳng lấy gì làm quý nó cho lắm. Suốt ngày tôi nghe ông ta rền rĩ về việc học cho đến việc quét nhà của nó. Bà mẹ thì khá ngọt ngào và dịu dàng, bà hay đi qua đây, thường thì lệch một bên người vì bao gạo hay cái giỏ đầy thực phẩm. Có lần bà phàn nàn với mẹ tôi rằng, thằng bé sợ cha nó đến nỗi cứ hôm nào cha nó quát mắng, nó lại bị táo bón.

Bố tôi chẳng quát mắng tôi bao giờ. Tôi cũng không hề nghe thấy ông to tiếng với mẹ tôi hay với bà giúp việc. Ông là người đúng mực, cẩn trọng và đáng tin cậy trong công việc. Ông không phải là người nằm trong tầm quan sát của tôi. Phần tôi nghĩ, ông chẳng có gì xa lạ, phần vì ông chưa bao giờ đi qua khe cửa này. Ông đi cánh cửa bên kia. Sát cánh cửa đó, là phòng số một. Phòng của chú Long. Đôi lần chú đi qua tầm nhìn của tôi để nhờ người đàn ông phòng số năm mua hộ ít thức ăn. Chú đi chậm rãi, đầu hơi cúi. Dáng đi cong cong ấy giống một cái vòm u buồn mỏi mệt. Dưới cái vòm ấy là đứa con gái bé bỏng bảy tuỏi mồ côi mẹ, trưa nào cũng kéo lê cái cặp dọc hành lang đợi bố về. Chú Long là kỹ sư thủy lợi, một công việc mà nhắc đến nó, người ta thấy ngay sự tươi tắn sung mãn của dòng nước. Nhưng khi nhìn chú, tôi chỉ nhớ đến một cái cây bị chết khô. Và từ những cành cây héo hắt, là những lời xanh non:

- Con gái yêu! Con đợi bố có lâu không? Bố xin lỗi vì hôm nay họp muộn. Ta vào nhà nhé! Bố sẽ nấu cơm trong vòng mười lăm phút, con sẽ có cơm ăn ngay. Chắc con đói lắm rồi!

Và tiếng mở khóa lách cách, tiếng lọat xọat ngay sát bên. Rồi mùi thức ăn bay đến bủa vây, chúng ôm lấy tôi dịu dàng. Tiếng xèo xèo của hành tỏi, tiếng liu riu của nồi cá kho, hân hoan reo lên khe khẽ bài hát của tình phụ tử. Tôi nhắm mắt lại, cảm thấy lòng êm dịu, thiêm thiếp ngủ.

Khe cửa hẹp muôn đời là điều hấp dẫn bí ẩn trong chuỗi ngày tháng buồn tẻ và ít chuyển động của tôi. Những người đàn ông của thế giới có thể nhìn qua một khe cửa trở nên quen thuộc. Tôi có thể biết họ sắp làm gì khi quan sát họ. Người đàn ông phòng số bốn đang xoa tay và vuốt vuốt cái bờm ngựa, đấy là khi ông chuẩn bị quát mắng cậu con trai. Chàng thanh niên tóc quăn ra đứng ở hành lang, huýt sáo và ê a hát kia chuẩn bị ngừng bặt bởi bất kỳ một lý do nhỏ nhặt nào đó. Dạo này, hình như chàng đang yêu, vì cái giọng kêu ca thường lệ đã nhỏ đi nhiều. Anh bạn trai của cô em không thấy đến nữa, có lẽ anh ta đã chuyển sang nói những lời ngọt ngào với cái đầu chó thui ở quán nhậu. Cô gái giờ đã ít đi chơi, chỉ còn qua đây vào các buổi sáng để đến trường. Cô sắp tốt nghiệp trung học.

Người đàn ông phòng số năm vẫn dắt xe cho vợ đi làm mỗi sáng. Ông vẫn thả cái bóng cam chịu xuống sàn nhà để mặc nó lầm lũi trườn lên những viên gạch nâu. Tất cả những người đàn ông ấy vẫn mang trong lòng thứ tình yêu bền bỉ và nhẫn nại. Và nhìn vào trong mắt họ, tôi vẫn thấy ánh lên tia sáng của lòng yêu thương. Họ cứ sống như thế, mỗi người tạo nên một góc cạnh trong cuộc đời, và cuộc đời cứ tròn trịa lăn đi.

Rồi đột ngột dừng lại.

- Tôi đã chán cô đến tận cổ rồi. Cô thử nhìn lại mình đi! Cô đã làm được gì cho cái nhà này với tư cách một người vợ nào? Tôi đã lầm lẫn khi lấy cô! Ký vào lá đơn này, nhanh lên! Đừng nỉ non như thế! Chẳng cứu vãn được gì nữa đâu! Yên tâm! Cô vẫn còn trẻ, cô có thể đi bước nữa mà. Tôi sẽ nuôi con bé.

Tôi quay chiếc xe lại. Lần đầu tiên trước mắt tôi là một khoảng mênh mông rộng rãi. Mẹ tôi đang khóc, và bố tôi đứng đó, tàn nhẫn lạnh lùng. Tôi đã mê mải với khe cửa hẹp, với thế giới bên ngoài, bỏ quên khoảng không gian rộng lớn gấp ngàn lần khe cửa, ngay sát sau lưng tôi. Tôi có thể biết được những căn phòng sau khe cửa kia, từng ngày qua như thế nào, nhưng đã không biết những gì xảy ra trong căn nhà của tôi hôm nay. Tôi nhìn vào mắt bố. Và hoảng sợ. Chúng nhạt nhòa không màu sắc, không đường nét, không cảm xúc, chỉ ánh lên tia nhìn lạnh lẽo, thờ ơ. Quần Jean xanh, áo đỏ. Tóc quăn tuổi hai mươi. Nhỏ thó. Ngôn từ ồn ã, ráo hoảnh: Bố Tôi Ngày Hôm Nay.

Tôi bật dậy.

Rồi ngã bệt xuống sàn. Chiếc xe lăn trượt mạnh về cánh cửa khóa, đập mạnh vào nó. Cái khóa bật tung ra. Chấp chới một khoảng không quen thuộc đầy xa lạ. Không còn khe cửa hẹp nữa. Trước mắt tôi là khoảng không, sau lưng tôi là khoảng không.

Tôi mười sáu tuổi.

29.03.1999
Đ.P.L
(127/09-99)
 




 

 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Chị Khảo (11/11/2009)