Truyện ngắn
Bài ca lý chuồn chuồn
16:52 | 11/12/2009
CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.
Bài ca lý chuồn chuồn
Minh họa: Ngô Lan Hương

Nhìn trên bản đồ Việt Nam tôi biết quê tôi chỉ là cái chấm xanh rất nhỏ, không biết so với toàn cầu thì quê tôi còn nhỏ tới đâu nữa. Vì quê tôi chỉ có ba trăm héc ta đất thôi. Nhưng dù nhỏ đến bao nhiêu, quê tôi vẫn là một cộng đồng có mặt trên địa cầu từ thuở hồng hoang với những nét văn hóa riêng góp vào cuộc sống nhân loại.

Đứng trên cầu Sa nhìn xuống thấy một vệt xanh kéo dài từ chân núi Tá đến hồ Mây, đó chính là nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Mẹ ru tôi bằng điệu Lý chuồn chuồn. Ôi điệu ru suốt một đời khắc khoải giữa hồn tôi. Sau này tôi lớn lên được nghe lại điệu ru ấy từ núi Tá vọng về - nơi bố con lão Sáu mù ngồi đàn hát giữa chín tầng mây. Người con gái ấy tên là Sen có nước da nõn trắng và đôi mắt như hai giọt nước, nhìn tôi với cái nhìn thanh khiết đến lạ thường. Cứ mỗi buổi chiều khi mặt trời sắp tắt, tôi thường lẻn ra ngồi dưới chân núi Tá để nghe tiếng đàn rơi buốt trong mây và giọng ca cô gái nhỏ chuốt giữa không trung, lúc vút lên đến vô cùng tưởng như đẩy cả trời xanh lên cao vời vợi, có lúc rơi hẫng đến tận cùng khiến nước hồ Mây lăn tăn gợn sóng.

Mẹ tôi nói: “ Thằng này phải lòng con bé của lão Sáu mù rồi, phải đi ăn hỏi gấp không có dễ sinh chứng si tình” phải lòng hay không thì tôi chẳng biết tôi chỉ biết mình rất thích nghe đàn hát, ngắm cảnh hồ Mây và núi Tá bốc lên hòa quyện vào nhau để lũy tre làng chìm trong sương khói đẹp như ảo ảnh.

Các cụ xưa nói đó là nguyên khí của đất và nước. Nguyên khí mạnh thì làng quê vững “ Đá trôi mà làng không trôi”. Sau này vào nghiệp văn chương, đọc sách cổ tôi mới biết được nguyên khí có giá trị như thế nào. Tôi biết ở Trung Quốc nhờ có đỉnh Kai las ( phía Ấn Độ) mang nguyên khí vào hồ Ras ka tal và được dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử mang đi để tạo nên nền văn minh Trung Hoa. Chẳng biết cụ tổ làng tôi có thạo sách pháp địa không mà chọn nơi đây dựng xây cơ nghiệp. Các cụ nói quả không sai, quê tôi trải qua bao biến động thăng trầm của thiên nhiên và lịch sử, màu tre xanh ấy có lúc tàn lụi, tàn lụi rồi trở lại xanh rức tạo thành một tấm màn xanh dựng ở chân trời. Tấm màn xanh ấy đã mở ra cho bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số kiếp, người ở, người đi sinh tồn cùng nhân loại. Và dù đi đâu, ở đâu sung sướng đến mấy, người quê tôi vẫn không mất đi cái chất trần ai khắc khoải của điệu Lý chuồn chuồn. Đất này là đất trăm họ. Mỗi dòng họ có gốc gác khác nhau, nhưng người quê tôi có chung dòng máu thượng võ pha chất phóng đãng của thi nhân. Hùm beo không sợ, giặc giã không kiềng chỉ sợ điều nhân nghĩa.

Thuở xưa quê tôi có nghề bắt cọp. Nguyên nhân sinh ra nghề này cũng đơn giản thôi. Chả là thời bấy giờ làng tôi nằm trên cánh rừng từ chân núi Trường Sơn chạy dài về biển. Hổ, báo nương theo cây cối lau lách tìm về, lấy làng tôi làm nới trú ngụ. Người buộc ở chung với hổ. Cuộc sống hằng ngày xảy ra bao cảnh chết chóc tang thương. Không chịu đựng nổi, người làng tôi phải tìm mọi cách để trừ khử chúng. Đó là luật sinh tồn. Họ đã vào rừng lấy vỏ cây làm dây bện lưới, xuống suối mài sắt làm dao, vát lồ ô làm mác! quyết liều một phen với loài hung thú. Cuộc chiến đấu làm cho biết bao chàng trai phải chết, cuối cùng thì họ cũng bắt được hổ. Từ chỗ bắt được một con, đến hai con dần dần trở thành kinh nghiệm truyền kiếp. Tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi, lan đến tận cung đình, nhà vua bèn sai các quần thần về xem xét, thấy có thật, từ đó nhà vua có chiếu chỉ sai làng tôi đi bắt hổ nộp triều đình. Chuyện được vua sai đi bắt hổ, người làng tôi chẳng lấy gì làm vẻ vang, họ chỉ sung sướng một điều là đuổi được hổ ra khỏi làng...

Thời chiến tranh, dù là chiến tranh chống Pháp hay chống Mỹ thì làng tôi vẫn là mục tiêu hủy diệt của kẻ thù. Nhưng người làng tôi “một tấc không đi, một ly không rời!” họ quyết bám làng bám đất. Giặc đến là đánh! giặc đi lại tiếp tục sản xuất. Cuộc sống thời chiến bộn bề công việc làm người ta có khi quên ăn và phải dồn hết sinh lực. Nhiều lúc đang làm đồng, máy bay đến ném bom, mọi người phải tạm gác cuốc cày vào vị trí chiến đấu. Cha vác đạn, mẹ tải thương, con bám chặt bệ pháo. Máu cha đẫm trên ngực con, máu con đầm trên tóc mẹ. Gian khổ đau thương là thế mà người ta sống vẫn lạc quan. Đêm đến, anh đàn chị hát, tiếng hát vượt lòng đất bay lên lung linh cả sao trời.

Điều lạ thay sau ngày giải phóng, cuộc sống quê tôi không còn được sôi động như trước nữa. Sau buổi hò reo mừng chiến thắng, nét mặt người ta dần dần trở nên ỉu xìu. Họ sống trong tâm trạng tính toán lo âu. Hàng ngày thấy họ thơ thẩn trên các mảnh vườn, hoặc rải rác trên các đồi hoang ngó ngàng tìm kiếm, cầu nhặt được một cái gì đó, một tí mảnh bom hay một cái ống liều đêm về đổi gạo. Công việc nhà nông một năm sản xuất hai vụ lúa, chỉ thực hiện hết một phần hai quỹ thời gian còn lại họ chẳng biết làm thêm việc gì để tăng thu nhập, buộc phải lao vào những việc không tên, bận bịu suốt mà chẳng có hiệu quả kinh tế gì. Ông Sáu mù là người suốt một đời cào cấu với đất đai, kết quả vẫn hai bàn tay trắng. Những ngày đó tình tình ông thay đổi hẳn.

Từ một người vui vẻ sảng khoái ông trở nên trầm buồn. Nghe nói có đêm đang nằm ngủ, ông vùng đậy đốt đèn hút thuốc than thở một mình “ Đất nước đã hòa bình rồi, người dân đã trở thành ông chủ- Nhưng ông chủ không biết làm gì để mà ăn... Tức thật”. Ông đấm tay vào trán dằn vặt cho đến sáng. Hàng ngày người ta thấy ông lang thang trên các ngọn đồi, tối đến leo lên núi Tá ngồi khóc dưới trời. Mấy năm sau ông đổ bệnh mù cả hai mắt. Ông sai đứa con gái dắt ông lên núi Tá đàn hát giải sầu “Chiều ơi chiều... chiều ơi chiều...”. Mẹ tôi nói đó là tiếng gọi hồn. Cha con nhà ông Sáu đã điên không khéo lại làm cho nhiều kẻ điên theo. Mẹ chỉ tay ra ngọn đồi nơi có mấy người đang ngó ngàng tìm kiếm mẹ bảo: “Con thấy chưa, nó hút hồn người ta bắt người ta phải thất thểu bơ vơ, lẩn quẩn khắp đó đây, cả sương khói cũng cuốn tròn theo”. Từ đó mẹ sinh ra thù ghét bố con nhà ông Sáu, tuyệt đối không cho tôi gần gũi với cô Sen. Buồn chán tôi bỏ nhà ra đi.


Lũ chúng tôi gồm bốn thằng: Tôi, thằng Khánh, thằng Kha, thằng Công. Chúng tôi xuyên rừng vượt suối mà đi vào tận “thâm sơn cùng cốc”. Những nơi mà chưa hề có ai đặt bàn chân đến.

Mọi sinh vật ở đây chưa hề được tiếp xúc với con người. Tôi nhìn thấy lũ bươm bướm đủ các loại đen tím vàng đậu kín bờ khe, nghe động bước chân người, chúng khua nhắng cả lên làm chúng tôi rối cả mắt. Bốn đứa chìm ngập trong đàn bươm bướm.

Ếch nhái và những loại côn trùng khác cũng kêu lên inh ỏi. Hình như chúng tôi đã vi phạm đến thế giới của chúng. Bỗng thằng Kha kêu lên “ Ôi giời ơi”. Nó chỉ tay vào bờ đá. Một con rắn có mào đỏ như mào một chú ngan đực vỏng cao đầu, xỉa xỉa cái nọc độc về phía chúng tôi. Bên cạnh nó là một chú ốc sên bình yên vặn mình trên tảng đá một cách chậm rãi. Luật rừng rất dữ dội, nhưng chắc cũng có một độ mềm để cho những sinh linh nhỏ tồn tại. Chúng tôi vừa đi giật lùi vừa đưa cao gậy thủ thế, hễ con rắn kia lao đến là quật liền. Nhưng chú rắn thấy chúng tôi rời xa, nó ngoắng ngoắng cái cổ mấy cái rồi rụt lại trong hang im ỉm. Thằng Kha lại cười lên sằng sặc khi nó nhìn thấy một chú khỉ mù ngồi múc nước uống bên khe. Chú khỉ này có thể do bệnh tật hoặc do chiến tranh, hay bị chất độc hóa học mà mù. Ở rừng té ra cũng có những số kiếp đáng thương như vậy. Một tiếng quát to làm chúng tôi giật mình. Một gã tóc quăn mình mẩy trần truồng, mặt mày đen nhẻm như người thị tộc da đỏ, từ suối rượt lên, hai tay lăm lăm hai hòn đá chực ném, mắt trợn dọc nhìn chúng tôi “Đứng lại! ai cho các cậu vào đây”.

Thằng Công tái mặt giọng ú ớ “Khu... vực... này cấm hở anh?...” “Cấm! Đây là địa bàn của chúng tao khai thác mày hiểu chưa?”, gã kia nói như hét. Mặt thằng Kha đỏ phừng. Tôi biết nó đang điên tiết vội liếc mắt ra hiệu cho nó phải dừng. Ở rừng, chỉ cần chạm lòng nhau một tý là có thể xảy ra chuyện binh đao ngay, tốt nhất là chịu nhịn. Tôi ôn tồn bảo hắn "Xin lỗi, bọn em bị lạc đường sa vào địa phận của các anh, bọn em sẽ đi ngay” . Gã kia ngoảnh lại, lầm lũi xuống suối. Chúng tôi ghé mắt nhìn theo. Thấy gã ngồi xuống bên hai người đàn ông cũng trần truồng như gã. Hình như bọn chúng thịt một con gì. Nhìn kỹ té ra đó là một thây ma. Họ lấy dao xẻo từng miếng thịt vứt xuống suối, lấy xương bỏ vào bao tải. Tôi biết số phận của những người đi trầm, không may bị chết thì đồng bọn không còn cách nào khác là phải phân thây xẻ thịt lấy xương đem về mai táng. Vì đường xa xôi, cây cối chằng chịt, làm sao mà khiêng xác về được. Trông thấy họ mà chân tay chúng tôi cứ bủn rủn, tâm thần hoảng loạn, gắng nhấc từng bước. Chúng tôi đi chệch về phía tây, leo lên một ngọn núi cao. Trên đó chỉ thấy những cây to chết đứng. Dưới gốc của một cây già nua có một chồng dây mây khoanh tròn, tưởng như có một bàn tay ai buộc chặt. Ba thằng ngạc nhiên, phán đoán. Thì ra, cây mây kia leo lên cây đa, lâu  ngày nó không còn độ bám hàng năm cứ rơi xuống một vòng và cứ như thế sắp thành một đống, như buộc chặt lấy cây kia. Chúng tôi leo dần lên. Đói. Mệt. Dưới chân chúng tôi đá tai mèo lởm chởm. Xương trắng rơi đầy xương nhỏ xương to. Xương của động vật vừa mới chết. Xương đã cách đây hàng trăm năm bạc phếch màu vôi. Bước chân chúng tôi cứ ríu lại, không còn đi được nữa. Cả bốn dứa ngã kềnh xuống đá chẳng kể gì hôi hám bẩn thỉu. Vừa nằm được một lúc thằng Kha kêu nhức đầu, lát sau nghe nó rên hừ hừ. Trán nó nóng hầm hập, miệng mồm khô rát, chân tay cứ co rúm lại. Tôi nghĩ số phận thằng Kha không khéo cũng sẽ như thây ma nọ. Tôi bật dậy “Thôi về bọn bay!” Thằng Công hùa theo “ Nửa tháng trời rồi, trầm trà chẳng có cóc xơ gì, lại đau ốm nữa... Thôi về!”

Chúng tôi dìu thằng Kha xuống núi lúc chiều tà. Bỗng tôi nghe văng vẳng đâu đây bài ca Lý chuồn chuồn. Không rõ bài ca từ đâu vọng đến hay là từ hồn tôi vãng ra mà nghe sao da diết buồn thương:

            “ Chiều ơi chiều... chiều ơi chiều...
            Dắt ơ bạn...
            Đèo qua đèo
            mà là đèo qua đèo...”

Chị Bảy tôi nói: Em ra Hà Nội với chị, chị sẽ nuôi em ăn học. Nghe chị nói tôi như mở cờ trong bụng. Tôi biết từ hôm chị về thăm nhà đến nay, đêm nào mẹ cũng trầm trồ: “ Con phải bằng mọi cách đưa thằng Huỳnh ra Hà Nội để thoát khỏi cha con Sáu mù. Mẹ thấy từ dạo nó đi trầm về đến nay, chẳng chiều nào mà không ra đứng ở hồ khe Mây để nghe cha con lão kia đàn hát, mặt mày nó cứ trông ngây ngô, cứ ngơ ngơ ngác ngác, nó si tình thật rồi con ơi”

Tôi chẳng nghe chị trả lời. Tôi biết hoàn cảnh chị đang rất khó, vừa mới theo chồng ra Hà Nội một năm, kinh tế gia đình chưa ổn định lấy đâu ra mà nuôi tôi. Bây giờ chị nói với tôi như vậy, có lẽ chị đã đắn đo, tính toán kỹ rồi. Tôi gật đầu với chị tỏ vẻ thái độ rất mừng. Mặc dù ra Hà Nội sẽ xa Sen, nhớ nhung vô vàn, nhưng tôi phải đi vì tương lai sự nghiệp.

Trước ngày ra đi, tôi tìm mọi cách để gặp Sen. Tôi đi lại thẩn thơ dưới chân núi Tá đến nửa tiếng đồng hồ mà chẳng thấy em đến. Một lúc sau thấy có một bàn tay hồng đưa lên trong sương, tiếp theo là một tiếng gọi “anh Huỳnh”. Em từ trong sương chạy ra, mặt mũi tóc tai còn đầm đìa sương lạnh nở một nụ cười trông thánh thiện ngây thơ:

- Nghe nói anh đi Hà Nội hả?

- Ừ

- Đi ở lại hay đi rồi về.

- Ở lại để học nghề.

- Học nghề xong anh ở luôn ngoài đó à?

- Chưa biết nữa.

Nghe tôi nói, nụ cười trên môi em vụt tắt. Đầu em cúi xuống. Tay khẽ vày vò cái đuôi tóc đang xõa xuống trước ngực. Tiếng em khe khẽ:

- Thế... chuyện của chúng mình sao?

- Anh cũng chưa biết tính thế nào. Nhưng tóm lại tình cảm vẫn như cũ

Em hất mái tóc ra sau lưng, cầm tay tôi.

- Anh phải ở lại đi. Ở lại với em,... em đã lớn rồi, từ nay em không dắt cha đi hát nữa... Em sẽ đi làm việc... và... nếu như anh thương em thật lòng thì chúng mình sẽ cưới nhau, sẽ làm ruộng, sẽ đẻ con, xây dựng tổ ấm gia đình mình.

- Anh cũng ước mơ như thế. Nhưng Sen ạ, anh phải ra đi, đi... trước hết để giải thoát cho mình sau đó là cho em.

- Em không tin.

- Tin hay không thì tùy em, nhưng việc anh đã quyết.

Sen ngoảy về phía núi. Khói sương từ trên cao òa xuống như hút lấy bóng em. Tôi chỉ thấy đôi gót chân hồng đặt lên phiến đá, nhấc từng bước, từng bước, nhòa dần và mất hút.

Em chẳng để lại một tiếng khóc, một lời chào. Mãi đến khi tôi lầm lũi bước ra về, nghe tiếng đàn ca từ trên núi vọng xuống, da diết một nỗi buồn. Tôi biết đó là lời giã biệt

            “ Lòng ơi lòng... Lòng ơi lòng...
            Trách ơ bạn... Trách ơ bạn
            Đành sao đành
            mà là đành sao đành”

- Cậu cố gắng mà học đi chứ. Cậu có biết không? Mẹ đang lo cho cậu lắm đấy...

Tính chị tôi là thế, hay cáu gắt, được cái thương em. Từ ngày tôi ra Hà Nội đến giờ, chị cứ bám sát một bên bày cho tôi học. Anh Nam chồng chị đi làm đến tám chín giờ đêm mới về. Tôi hỏi chị “anh là nhà thơ sao chẳng mấy khi thấy anh rảnh rỗi thảnh thơi?” Chị cười “ từ ngày có chị ra đến giờ, anh phải tranh thủ viết thêm nhiều bài để lấy tiền nhuận bút, ngoài ra còn phải quan hệ với các nhà xuất bản, để lấy bài viết về cho chị đánh máy”. Chị còn kể: Lúc đầu chị mới ra gia đình cũng chật vật lắm. Con gái nhà quê học hành chẳng đến nơi đến chốn ra thành phố chẳng biết làm gì, hàng ngày chỉ ngồi nhìn ra đường thấy xe đi như nước chảy, để đêm về bứt rứt tâm gan. Thấy chị buồn anh mua cho chị cái máy chữ, bắt học đánh và nhận bài về cho chị nhập. Một tháng các nhà xuất bản trả cho chị đến ba trăm ngàn đồng như vậy cũng bằng tiền lương cán bộ. Nếu quy ra thóc thì đã hơn một tạ so với nông dân thì sướng quá. Tôi có ao ước trở thành như chị. Trong lúc nhân loại đang tiến xa mà tôi chỉ muốn được như chị tôi thôi, thế mới biết tôi thấy mình bé nhỏ đến từng nào. Hàng ngày tôi lao vào công việc học tập, gõ lên các phím đến đau nhức mười đầu ngón tay, thế mà có lúc còn nghe chị quát tháo om sòm. Mặc kệ, tôi chẳng tự ái phải cố gắng học. Học để có tương lai, để có được ba trăm ngàn đồng như chị. Ôi! một tạ thóc! một tạ thóc chỉ cấy bằng phím máy, cấy bằng con chữ chứ đâu phải vất vả một nắng hai sương trên đồng...


Khi tôi thành thạo công việc, cũng là lúc một cái tin sét đánh đến với chị tôi, rằng anh rể tôi bị tông xe ngoài ngã ba đường phố. Chúng tôi chưa kịp chạy ra, thì có người đã dìu anh tôi về. Đó là hai người đàn ông dáng vẻ trần ai. Một người dìu anh còn một người dắt chiếc xe bảy tám của anh đã vỡ hết mang. Họ đặt anh xuống giường mặt mày anh xây xát đầu tóc bù xù trông thiểu não. Chị tôi chạy vào buồng mở tủ lấy cồn xoa vào các vết xước cho anh, hỏi anh có làm sao không. Anh lắc đầu: “Chẳng việc gì”. Hai người đàn ông cho hay rằng: Anh là bạn xe thồ với họ, thấy anh mắc nạn giữa đường họ đem anh về. Chị tròn xoe mắt hỏi: “Làm sao lại có chuyện này”. Anh chẳng nói chẳng rằng, nằm ngửa xuống giường thở dài thườn thượt.

Sáng hôm sau anh mới nói chuyện anh đi thồ là có thật. Vì thấy chị không có việc làm buồn bã suốt ngày nên anh phải đi thồ để kiếm tiền mua máy chữ cho chị đánh giải khuây. Và số tiền ba trăm ngàn đồng hàng tháng là  anh trả cho chị, chứ không phải nhà xuất bản nào trả cả. Nghe nói, chị bàng hoàng, vừa bực tức vừa thương chồng tốt bụng. Chị dúi mặt vào vai anh khóc rưng rức. Chị khóc như mưa lũ. Còn tôi tròn xoe mắt nhìn hai người. Thế ra anh tôi thương chị tôi đến mức như vậy? Thế ra lâu nay tôi hoài công đi học với một người không có việc làm? Bao nhiêu nỗi chán chường bi quan, lo lắng ập vào lòng tôi. Đêm ấy tôi không thể nào chợp được mắt. Sáng mai tôi quyết định ra về. Anh chị tôi phải níu kéo mãi, bắt ở lại. Nhưng tôi nhất quyết không nghe. Chị tôi dúi vào tay tôi một trăm ngàn đồng rồi vít đầu tôi xuống khóc nấc nở. Tôi ra ga một mình. Bây giờ thì tôi cũng không biết đi đâu về đâu. Nếu về quê thì thật hổ mặt mà đi nữa thì không khéo thành kẻ giang hồ. Tôi la cà ở sân ga suốt một buổi sáng. Trong lúc đang buồn, nhìn thấy mấy ông cửu vạn càng buồn thêm. Họ mặc áo lính bạc màu, đầu đội mũ cối, ngồi chờ chực trên sân ga, hễ ai gọi người làm là tất cả bu đến. Phần lớn họ là người Thanh Hóa, cũng miền Trung quê tôi cả đấy. Nhìn họ tôi chạnh lòng nhớ đến điệu ca:

“ Chiều ơi chiều... chiều ơi chiều...”

Sài Gòn, đêm mùa đông lãng vãng hơi sương. Sương rất mỏng vừa đủ để người ta có cảm giác đến mùa đông. Anh điện sáng rỡ làm cho mảnh trăng bạc phếch, đứng vô duyên giữa trời. Nhìn trăng, tôi nhớ quê. Chẳng hiểu sao, ông cụ tổ làng tôi thời đó không vào đây lập nghiệp. Ở đây không thấy một tí nguyên khí nào cả sao người ta tấp nập đến vậy? Phải chăng thời bấy giờ ông cụ không đủ điều kiện để vào đây, hoặc đã vào nhưng lại bỏ ra thì thật là điều quái gở. Ở đây địa hình cũng chẳng có gì bằng phẳng. Những con đường như gồng mình lên với hàng vạn người xe. Cuộc sống xô bồ như một cuộc đuổi bắt. Tôi nhìn thấy bên góc sân ga có ba người cứ lò dò ngó ngàng khắp nơi. “Thằng Khánh! đúng là thằng Khánh rồi cả thằng Kha thằng Hợi nữa, cái dáng người làng tôi lẫn vào đâu được, đi trên thành phố dò dẫm theo lối bước ở đồi hoang... Tôi la lên: “Khánh, Kha, Hợi! bọn chúng mày đó hả?”. Chúng nó nhìn ra tôi mừng rơn “Huỳnh!...” Chúng tôi ập vào nhau.

- Mày vào đây từ ba giờ?

- Đi một mình hả?

- Từ Hà Nội đi tuột vào đây chứ?

Chúng tôi rối rít làm tôi không trả lời kịp, chỉ gật đầu. Tôi vỗ vai thằng Khánh:

- Các cậu làm nghề gì ở đây.

- Đủ thứ, bốc vác hàng thuê, xách giùm hành lý, kiêm cả cò mồi.

Chúng tôi cười rộ. Thằng Khánh nhảy tưng tưng hoan hô người làng. Người làng vạn tuế! vạn vạn tuế! Cả bọn lại được một trận cười tức bụng. Chúng nó vào đây mới một năm mà nom thằng nào cũng ngáo. Thằng Khánh từ một đứa lém lỉnh chuyển sang xạo. Thằng Kha lúc ở nhà thật thà ít nói bây giờ tọa thành vẻ lầm lì. Còn thằng Công to khỏe đẹp, bây giờ để tóc để râu dài, ra tay võ biền. Chúng nó đều đóng vai hợp cả”. Tôi vỗ vai thằng Công: “Chúng mày làm gì mà nom mặt mày đứa nào cũng ngổ ngáo? Thằng Khánh cười toe toét, chỉ tay vào từng đứa:

- Công là đại ca, Kha là đệ tử, còn mình là quân sư. Đố thằng nào dám động.

Thì ra chúng phải dị dạng đi như thế mới làm ăn được. Tôi nhớ những lúc đi rừng thằng Khánh bảo phải sống cho ra người thì hung thú nó mới sợ. Còn bây giờ chúng nó phải làm cho ra thú thì con người mới sợ. Cuộc sống bắt người ta xù lông xù cánh ra là thế.

- Thôi đi nhậu. Thằng Kha nói như ra lệnh. Chúng tôi cầm tay nhau rảo bước trên đường. Đêm đã khuya, Sài Gòn vẫn nhộn nhịp. Hàng hóa trưng đầy. Tôi để ý đến những biển hiệu có ghi: “ Hương đồng”, “gió đồng”, “ đồng nội..” v.v...

Chao ôi! đồng quê sao bị người ta lạm dụng đến thế những hương sơ tinh túy của đồng quê đều được đưa ra để khêu gợi lạc thú người đời.

Thằng Khánh bảo: “Lâu ngày mới gặp nhau, hôm nay nhân dịp có thằng Huỳnh vô, cả đời nó chưa nếm mùi thành phố, hôm nay chiêu đãi một bữa bia ôm cho nó đã” Công và Kha gật đầu tán đồng. Chúng kéo tôi vào một quán trong hẻm, gọi là quán “Hương sen”. Bên ngoài cửa quán ánh điện sáng trưng, bên trong nhấp nháy ánh sáng màu tím hồng. Chúng tôi như lạc vào chốn bồng lai. Những cô gái từ trên cầu thang bước xuống như những nàng tiên đi trên cầu vòng bảy sắc mồm đon đả chào mời những đôi mắt trống hoang lạnh lẽo. Mùi phấn son thơm ngậy tỏa ra từ da thịt các cô. Chưa nói đến chuyện ăn uống gì ba cô gái đã sà vào lòng của ba chàng trai. Thấy tôi đang cô đơn thằng Khánh bảo: “Ông yên tâm lát nữa sẽ có một cô đặc biệt phục vụ ông”. Có lẽ nó bấm với chủ hàng rồi. Tôi hồi hộp đợi chờ. Lại trên cầu thang kia một cô gái có vóc người thon nhẹ. Khuôn mặt trái xoan của cô làm tôi hơi ngờ ngợ. Cô dừng lại trước mặt tôi cúi đầu chào. Cô ngước nhìn tôi, đôi mắt cô như hai giọt tối ngủ quên dưới đôi lông mày rậm bỗng sáng bừng lên, hút vào tôi hết thảy một linh hồn. Đúng là em rồi. Tôi chưa kịp thốt lên thì em đã quay đi, bước tất bật lên cầu thang. Tôi thảng thốt gọi theo:

- Sen! Sen!

Em luồn lủi vào bóng tối không quay lại. Tôi nói với bọn bạn: “Đúng là cái Sen làng ta. Các cậu có nhận ra không?

- Có. Đúng là nó.

- Chẳng biết nó vào đây từ bao giờ?

Mấy thằng đều ngỡ ngàng nhìn nhau. Tôi như kẻ mất hết linh hồn, người chìm sâu trong im lặng. Em đúng là em của tôi rồi. Người con gái có vóc người thanh thoát, và khuôn mặt trái xoan hiền lành. Thuở ấy tôi yêu em lúc em mười sáu tuổi. Em đẹp và hiền như một nõn sen. Chúng tôi nguyện thề là sẽ lấy nhau sẽ sinh con đẻ cái trên cái làng quê này. Đứa con đầu lòng của chúng tôi phải là đứa trẻ nõn nà, và thơm như hương lúa. Thế mà bây giờ, giấc mơ ấy không còn nữa. Cuộc sống đã làm tôi mất em.

- Phải đưa người đẹp của làng mình về lại thôi.

Thằng Kha đập tay xuống bàn nói, làm tôi sực tỉnh. Ba cô gái kia bĩu môi:

- Có mà của trời. Ở đây người tứ xứ, biết ai người làng ai không?

- Biết chứ, nó là con ông Sáu mù người làng tao rõ ràng.

- Ở đây chỉ có làng chơi, chứ không có làng xóm đâu! cho xin tiền.

- Bao nhiêu?

- Hai trăm ngàn đồng.

- Mấy chai?

- Hai mươi chai.

-  Cứa khiếp thế.

- Còn miễn tiền bo đấy.

- Này cầm lấy. Thôi đi ăn thịt chó bọn mày. Uống bia ôm gặp người làng thật xui xẻo, đi ăn thịt chó vậy!

Chúng tôi kéo nhau vào quán thịt chó ở ngay bên cạnh. Thằng Công gọi hai đĩa và một xị. Thịt thơm ngậy, nhưng tôi không nuốt nổi. Thấy tôi buồn thằng Khánh bảo tôi: “Ăn đi mày. Không việc gì phải buồn phiền cả. Lúc nhỏ, thịt nó đang thơm tho mày không hôn được, bây giờ báu lắm đấy à? Mày có ưng ngửi mùi nước hoa tí nữa tao mua cho mày một lọ”. Cả bọn cười tóe. Tự nhiên tôi thấy ghét thằng Khánh. Nó là thằng thực dụng, chẳng hề có chút tình gì.

Ăn nhậu xong chúng tôi tìm về chỗ sân ga trải ni lông nằm ngủ. Thằng Khánh gác chân lên tôi nằm thủ thỉ:

- Bọn tao sắp về rồi mày ạ.

- Về à? Tôi chột dạ hỏi.

- Ở đây cũng chẳng biết làm gì. Về quê còn có ruộng nương mà cày cấy.

Nghe nó nói, tự nhiên tôi thấy mình hẫng hụt chẳng khác nào một người từ trên không rơi xuống vực thẳm. Chúng nó mà đi thì tôi còn ở lại đây làm gì. Nhưng còn em, liệu em có về với tôi không?

Sáng hôm sau tôi quay lại nhà hàng. Tôi đợi suốt một buổi để được gặp em. Có lẽ thấy tôi đứng mãi ngoài hành lang đến tội nghiệp nên nàng phải ra.

Bây giờ nàng không còn được như xưa nữa. Ngày ấy nước da nàng nõn nà thơm như cánh sen, bây giờ son phấn không che lấp nổi sự vàng võ của thịt da nàng. Nét mặt nàng u buồn và đôi mắt khắc khoải một niềm đau, nàng nói trầm buồn: “Cho em xin lỗi chuyện hôm qua “ Nàng vịn tay vào cửa mà khóc. Tôi bảo nàng: Hãy về với anh đi.

Nàng lắc đầu: Em không thể nào về được nữa rồi... Tiếng nàng tắc nghẹn rồi lại òa lên:

- Em đã trở thành một con quỷ. Em không muốn anh trở thành một con quỷ nữa. Anh hãy về đi, về một mình ở nhà có con Quyên em gái em đang đợi. Em đã viết thư cho nó rồi”... Đôi bờ vai nàng run lên lẩy bẩy. Tôi nghe lòng tê buốt như có ngàn kim châm. Tôi khẽ khàng nắm tay nàng kéo vào mình: “ Không... về với anh đi. Dẫu thế nào anh vẫn thương em...”

Nàng buột tay tôi chạy ù vào phòng. Bóng đèn màu nhấp nháy, và tiếng nhạc xập xình nổi lên loạn xạ.

Chúng tôi lên tàu. Con tàu rúc lên một hồi còi dài rồi khẽ rùng mình chuyển bánh. Thôi tạm biệt nhé Sài Gòn- mảnh đất phồn hoa, tạm biệt em, người con gái tôi yêu có thể mãi mãi không bao giờ gặp lại...

Con tàu vun vút lao đi trong nắng sớm, qua bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu làng mạc. Ở đâu  chúng tôi cũng thấy hình bóng những người dân cặm cụi một nắng hai sương trên đồng. Chẳng biết những nơi ấy có bài ca lý chuồn chuồn như ở quê tôi không?...

Ba ngày sau chúng tôi ra đến ga Rồng. Làng tôi kia vẫn lũy tre xanh như tấm màn nhung buông xuống chân trời vẫn hồ Mây núi Tá mờ trong sương khói. Cái nguyên khí ngàn đời không thể nào mất được như các cụ xưa thường nói. Ngước nhìn lên núi, tôi thấy một người con gái đang dắt tay một ông già rẽ sương khói đi lên. Tôi biết đó là Quyên em gái nàng đang thay chị dắt cha lên núi đàn hát. Ngày mai, người con gái ấy có thể cùng tôi xây dựng tổ ấm hạnh phúc, sinh con đẻ cháu trên mảnh đất này. Dẫu đói no, vui buồn, sướng khổ tôi vẫn có một làng quê để lúc chết được khóc thương. Nhưng còn em... em đã rời lũy tre xanh, đã đi khỏi đời tôi...”

“Chiều ơi chiều... Chiều ơi chiều”. Lòng tôi như con cuốc kêu thương, quay quắt gọi hồn em. “Chiều ơi chiều... chiều ơi chiều”. Bài ca ấy lại tiếp tục cất lên với điệu ngân ai muôn thuở. Trước mắt tôi mọi cảnh vật như đang chuyển động theo. Sương khói cuộn tròn, lũy tre xanh nhẹ lướt, những con người trên vạt đất mới vỡ họ cũng cặm cụi bước theo điệu hát “ Chiều ơi chiều... chiều ơi chiều” có lẽ họ đang tỉa hạt. Thôi thì nắng hay mưa cũng chưa biết nữa, nhưng dẫu sao cũng có một mùa hạt đã gieo. Tôi quỳ xuống cấu trời: xin hãy thương đến hạt giống của người nông dân.

C.H
(124/06-99)
           


 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)
Những cánh cửa (19/11/2009)