Truyện ngắn
Sáng hôm ấy
09:40 | 29/12/2009
NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.
Sáng hôm ấy
(Ảnh: Internet)

Ghế đá tân kì, thoạt trông như thân gỗ được kê dài, giúp người dạo cảnh có nơi nghỉ chân. Tất nhiên cây xanh không thể thiếu, sang trọng là loại kì hoa dị thảo mua ở xứ người… Và đây chính là nơi tốt nhất để mấy cụ ông cụ bà đến tập thể dục, rèn luyện gân cốt, vớt vát tuổi thanh xuân. Họ sinh hoạt ý chừng đã năm năm với tên gọi: Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh Thanh Xuân (thật ra là Hậu Thanh Xuân).

Nói cho đúng, bây giờ con đường dễ thương dễ mến đó có đôi chỗ bị lún sụp làm nứt lở những viên gạch lát nền, có nơi vỡ vụn như xà bần. Nó vô tình là chiếc bẫy con nhắm vào những ai vì sức khỏe, phải đi bộ sáng-tối. Lạ lùng thay, có đoạn tự dưng mặt đường được nâng lên rồi hạ xuống như sóng lượn. Ghế đá công viên nên thơ, lãng mạn như thế đó cũng bị kẻ hâm mộ di dời, kê chắn thành chỗ tụ nhậu hay nằm chơi… xơi nước. Quá khích. Có cái bị sứt gọng gãy càng. Chênh vênh. Khập khiễng. Đứng, quì khong ra dáng.

Đội hình thay đổi đến chóng mặt.

Bà Huỳnh, thường được gọi là Huỳnh Dở Hơi tần ngần một lúc ngay chỗ của mình rồi vụt hỏi khơi khơi: “Tôi đứng ở đâu đây?” Không một tiếng trả lời đích xác. Sau lưng bà, hàng loạt câu xầm xì:

- Có mỗi chỗ đứng, lần nào vô tập cũng hỏi.

- Sắp sửa trình diễn, mỗi bài có một đội hình riêng. Sao nói hoài mà không chịu nhớ.

- Trình diễn mấy bài, bài nào trước, bài nào sau chắc cũng không biết.

Lời châm chọc như châm dầu. Huỳnh Dở Hơi bỏ ngoài tai hết. Bà mải miết nhìn ra dòng sông trước mặt. Sao sáng nay nước chảy dữ quá. Trong bóng tối chập choạng, ngọn điện bờ kè ngay sân tập giúp bà nhận rõ từng đám bọt nước đục ngầu, không biết mang từ đâu tới, trôi cùng cỏ rác, bọc ni-lông , miếng xốp, cả xác bình nước khoáng to nhỏ… Chiếc cầu phao chắn ngang sông, nằm sát mặt nước có còn đâu, chúng tha hồ chảy phăng phăng một mạch ra biển như điên như dại. Trông vui cả mắt. Nhưng rồi, tới đằng kia sẽ có “đứa” bị kẹt lại thôi, ngay dưới chân cầu, chỗ giáp ranh biển hay dưới mạn thuyền neo đâu đó.

Giờ đây, bà thấy sông quang đãng quá. Nó như rộng ra và dài hơn, nước thì mênh mông, ngập mắt, lại thấy dãy nhà cặp mé núi bên kia sông lùi ra xa, nhỏ nhắn xinh xinh, còn núi là một khối đen khổng lồ không thể so sánh, chận ngay tầm nhìn.

Trời vẫn chưa hửng sáng.

Khối đen bên đó khắc ngang một vệt sáng dài mờ ảo. Bà biết chắc đó là tượng Phật Nằm trắng toát trên sườn núi, dài gần trăm thước, cao hơn hai mươi thước, có khuôn mặt hiền từ dễ thương, nghiêng mình khép hờ đôi mắt hướng ve bên này chợ, sầm uất, náo nhiệt. Ngay tắp lự, cũng từ bên đó vọng sang tiếng những con gà rừng gáy te te rồi những con gà nhà, giật mình vỗ cánh gáy theo, gọi mặt trời lên.

Nước vẫn còn chảy xiết. Mênh mông quá.

Dạo này gần Tết, ghe thuyền, bo bo, vỏ lải chở đầy hàng hóa là trái cây, bầu, bí, chậu kiểng, bình hoa dồn dập đổ về đây để ra chợ. Chúng lướt qua mặt bà, thần tốc. Nhưng có khi chúng buộc phải biết điều là nhẹ nhàng nhường sóng cho những chiếc cánh ngầm chở du khách đang vô tư xả hết tốc lực. Hiền từ, điềm tĩnh nhất là những chiếc ghe bầu bự xự trùm kín thân chở đầy gạch đá… Vô vàn lượn sóng lớn nhỏ thi nhau đập vô bờ, ầm ào suốt.

Bầu trời từ từ sáng, vừa lúc trên cái ống “tà la” cạnh sân tập phát lên hát: “Bình minh đang lên… Chúng ta vui ngày mới. Trời xanh bao la, chim hót trên cao, một ngày mới đón chào. Một... Hai… Một. Một… Hai… Một” nghe sao rộn rã tươi vui. Bài hát mỗi ngày mỗi nghe, bà đâm ghiền đến thuộc làu. Đôi lúc vui miệng, bà hát theo quên bẵng mình đang tập trung cho bài thể dục của mình.

Phân tâm. Bà đi những đường quyền, đường kiếm, những “Song kì” với “Song lang” nát bét, không giống ai. Bị tập thể phản ứng. Bà quày quả thu gom dụng cụ, tê tái bỏ về, nói khơi khơi: “Tới giờ đi mần việc”.

Cầm tay Huỳnh Dở Hơi bước lên vẫy chào trong bài “Song kì” là bà Nhung Cô Đơn. Một người không còn cô đơn nhờ thích kể chuyện. Chuyện người thật, việc thật ở xóm bà, có khi là chuyện tình tay ba về bộ phim Hàn Quốc đang chiếu tối qua (ai cũng được xem), có khi là chuyện phim Việt Nam có cô này cô nọ đẹp-xấu, tánh tình thấy thương, thấy ghét… Bà Phụng nổi tiếng ham vui, xen vô phụ họa vài câu tiếu lâm nghe mận hiểu đào, toàn những sex làm ông Mười đỏ mặt tía tai, lẻn đi chỗ khác chơi. Bà vợ ông Mười, đứng hàng sau, cạnh ổng, vội vàng chắp tay lên ngực: “Mô Phật! Bữa nay rằm, không nói chuyện bậy bạ”. Ông Mười coi hiền vậy nhưng không phải vậy đâu nha. Đã có một thời ông làm bà điêu đứng, khổ sở. Trong đây ai chả biết: bữa đó bà vô sân tập, không giày dép, không một mảnh áo… đồng phục lại còn khóc hu hu. Bà nói: “Ông chồng tui thu gom mấy bộ đồ thể dục, với “đồ nghề” của tui đốt hết trơn rồi. Ông nhất định không cho tui đi tập. Mấy lần ra sân là tui trốn ổng…”

Ông chủ nhiệm từ tốn hỏi:

- Vì sao ảnh không cho chị đi tập hả chị?

Bà Mười vừa khóc vừa nói:

- Tức quá. Ổng nói đàn ông đàn bà vô Câu lạc bộ này coi không đàng hoàng. Tập gì mà đi đứng co cúm, tay quơ bên này quơ bên kia, xà quần một hồi rồi nói ôm cầu(*) là sao… Già rồi sao không đi chùa mà ra đây nhảy nhảy, cò cò, lại có nhạc giựt gân… tựa con nít. Chịu hổng thấu.

Tội nghiệp bà Mười. Nói đâu khóc đó, tấm tức như… con nít: “Mấy anh mấy chị làm ơn nói giúp tui để ổng cho tui tự do, thoải mái đi tập. Nhờ tập, chân tay tui cứng cáp trở lại, chớ trước kia tui bị tăng xông, méo miệng, liệt nửa người… Tui muốn ổng vô đây tập quá chừng.”

Cũng trong bài “Song kì”, bà Đường không dám cầm tay ông Bảy Trung bước lên chào khán giả (vô hình) vì bà có ông chồng mắc bịnh ghen. Sáng sáng ổng chở bà đến sân tập, thập thò đâu đó suốt buổi, rình xem bà có ông nào tò vè, rủ rê. Thấy kì quá, bạn bè trong đội rủ ông vô sân tập như ông Mười, vừa được yên tâm, vừa thêm sức khỏe nhưng ổng không chịu. Chắc được ghen, thích hơn.

Dẻo dai, cự phách nhất trong các đường quyền và đường kiếm là ông Năm Kha. Nhờ ông sửa chữa đường đi nước bước mà các bà trong đội, bà nào cũng có những bước đi đúng bộ, đẹp. Ai chưa tiến bộ thường nhờ ổng do đó ổng bị bà vợ theo dõi rồi… ghen ra mặt. Mấy bà thấy ghet, cho ổng ra rìa. Về nhà lại bị vợ eo xèo khóc lóc. Chán nản, ông bỏ sân (Buồn năm phút!) Lại vì lí do rất điện ảnh, bà Nam Ninh vào sân, khi nào cũng muốn lên đứng hàng đầu, để được ngang tầm ống kính, nhất là khi co đài truyền hình Tỉnh đến quay phim, cổ xúy phong trào người cao tuổi tập thể dục, bất kể tấm thân hộ pháp của mình làm rối con mắt thiên hạ. Đội hình đẹp, bà phải đứng hàng sau cùng.

Bà Kỳ Nam, lớn tuổi nhất đám, thường đau ốm nhưng hễ có các bạn đến thăm hỏi, động viên đôi ba câu là bà mạnh liền. Sáng thức dậy, hăng hái ra sân tập. Bà này dễ động lòng trắc ẩn, thấy bà Như Lan bị đau đầu gối, hai chân phải đeo cặp ống thun dày cộm giống mấy ông đá banh, bà mách cho bài thuốc thần kì. Cao hổ cốt thì ai cũng biết rồi. Độc chiêu hơn cả số một là bài: “Kiếm đầu gối mấy thằng giặc lái Mĩ bị ta bắn hạ, đem mài thành bột, hòa với nước mà uống, dứt khoát hết đau. Tại tụi nó ăn toàn đồ bổ nên mạnh lắm, như cọp vậy”. Bà đế thêm. Sẵn bịnh yếu tim với yếu bóng vía, bà Như Lan nghe vậy phát chóng mặt, ọe mửa ngay tại chỗ rồi huyết áp tăng. Báo hại phải nghỉ dưỡng mất ba hôm. Cũng may, đội thể dục chưa kịp xuất quỹ mua đường sữa, đi thăm.

Đôi mắt Huỳnh Dở Hơi không rời con nước.

Sáng nay, không hiểu sao, cũng những động tác tập thường ngày mà chân cẳng bà sượng sùng lúng túng, khó điều khiển. Thuần thạo nhất là động tác Tả Đăng Cước, Hữu Đăng Cước vậy mà nó làm bà liêu xiêu muốn té. Sao vậy cà? Hay là vì đêm qua bà chập chờn khó ngủ. Dưng không hai cẳng chân bà mỏi nhừ rệu rã. Hễ duỗi ra thì vọp bẻ, đau điếng…

Ngoài ngã ba sông, tiếng ghe máy xành xạch dội về. Bà nói thầm: “Để coi, nó chạy qua đây, làm sóng lớn vỗ mạnh bờ kè, nghe rầm rầm, xà xà thiệt khó chịu. Có khi nước tung lên chỗ mình.”

Bà không còn nghe rõ tiếng hát bài thể dục bảy động tác: Đầu cổ - Vươn thở - Tay - Chân - Vặn mình - Lườn - Toàn thân, mà bà đang cùng các bạn ráo riết tập luyện, chuẩn bị cho ngày trình diễn sắp tới.

“Trên bầu trời mênh mông đen xam, đàn chim vạc đi ăn về buông những tiếng kêu rời rã”. Nhớ câu văn ai viết sao giống cảnh này, bà nghe thấm thía một nỗi buồn bã, yêu thương. Tượng Phật Nằm bây giờ hiện rõ. Bà lạy Phật và niệm ở trong tâm. Sáng nao cũng vậy, khi kết thúc bài tập, nghe câu lệnh “Chúng ta hồi sức”, bà vội vàng lấy hơi thật dài vừa đưa tay lên, từ từ hít vô, niệm: “Nam-mô-A-Di”… rồi từ từ thở ra: “Đà-Phật”, hạ tay xuống. Chỉ có cách  đó thôi, bà mơi thấy thể dục nhiệm mầu, giúp bà thanh thản, khỏe mạnh…

Bỗng đâu bà có cảm giác nhồn nhột dưới chân, mơ hồ như rạn vỡ, nó làm bà lao chao một chút vừa lúc tiếng hát trong máy dẫn bà vô động tác “Chân”. Bà đưa chân đá. Chân kia vẫn có cái cảm giác ngột ngạt, liêu xiêu. Đôi giày bà mang không giúp bà nhận biết rõ hơn điều gì ở dưới chân. Bà muốn tháo bỏ nó tức khắc. Rồi tiếng bà đội trưởng hô: “Lườn”, tiếng nhạc hát tiếp: “Dong sông cuốn - dồn về biển cả… Mùa xuân tới - cuộc sống dâng sục sôi…” Thì:

- Ùm!!

Bờ kè vỡ toang. Lan can inox bị xé toạc. Ghế đá, cây kiểng đổ ụp xuống. Cột đèn nằm thài lai nửa trên nửa dưới.

Bà thấy mình trôi đi, bồng bềnh rồi lặn ngụp ở đâu đó. Hình ảnh Phật Nằm chao nghiêng, dựng ngược. Cùng lúc những đám mây rách mướp, vương vãi. Và tiếng thể dục Một, Hai, Ba, Bốn trên đài phát thanh vang vọng xao xác… Trong tư thế bị chuồi xuong, bà nằm ngửa, hai tay vùng vẫy cố trườn lên khỏi đám bùn đất khỏa đầy mặt nhưng liền đó, đợt bùn khác lại ập vào. Đớp không  khí, bà quơ tay tìm chỗ bám, bà vớ phải đầu tóc ai. Chợt hiểu, bà la lên. Hai chân lòi chòi quẫy đạp, đôi giày bà mang lại là vật cản quá lớn, nó nặng nề, quánh đặc. Bà ấn mạnh gót xuống. Lại trúng nhầm ai. Trượt rồi. Bà ấn thêm lần nữa. Ngóc đầu dậy. Tay kia đụng phải chân ghế gãy. Một tay nắm chặt nó, một tay cố giữ lấy đầu tóc. Bà ngồi lên bằng hai gót chân, cái mông và hai cùi chỏ. Trượt. Buông tay ghế. Bà nghiêng người dồn hết sức lực, nâng đầu người đó kéo lên. Không được. Kéo lên nữa. Cũng không được. Như có ai mách bảo, bà biết phải có cái gì đó quấn lấy quần y. Kẹt cứng. Đang lúc không có đợt sóng nào đập vô, bà nhanh tay chụp lấy bụng y, giựt tuột cái dây - kéo. “Trời ơi!... Nhung Cô Đơn”. Rồi bà la không thành tieng: “Có… người… dưới… lan can.”

Trời sáng rỡ.

Lúc đội cứu nạn đưa những nạn nhân lên, đã thấy giữa hai chân bà máu tuôn xối xả. Cùng thì những cánh hoa vàng hoa tím trôi lềnh bềnh trong dòng nước đỏ rực, hoen ố. Từng đoa hoa hướng dương kia, tiếc thay, mấy cụ ông cụ bà chưa kịp đeo vào tay để diễn tập…

Kiểm lại, người ta mới biết phần đất bị sụp lở nhằm ba hàng đầu của đội hình thể dục. Và chỉ những người hiểu chuyện mới biết Huỳnh Dở Hơi không phải chết vì tai nạn sụp bờ kè. Gần đây, bà bị mấy cục u nang trong bụng phình to , hành hạ, buộc phải cắt bỏ. Bởi sự cố gắng trì kéo quá sức làm vết khâu chưa lành hẳn đột ngột bị xé toạc dẫn đến xuất huyet ồ ạt, không thể cứu.

N.P.T.L
(250/12-09)

------------------
* Ôm cầu: tên gọi một động tác trong bài Thái Cực Quyền.



 

Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Một lát cắt (28/12/2009)
Quán quân dân (24/12/2009)
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)