Truyện ngắn
Tiếng vọng làng Thòi
10:14 | 21/01/2010
LTS: Trong năm 2009, rải đều trong các số Sông Hương đã có khá nhiều truyện ngắn đạt chất lượng như: Lấm lem thanh xuân, Đêm của bướm, Làng thời mở cửa, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa, Duỗi thẳng chân ở thiên đường, Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Bến vạc, Một lát cắt... Nếu đứng chung, những tác phẩm kể trên sẽ là một tập truyện ngắn đầy ấn tượng với nhiều phong cách truyền thống có, huyền ảo có, triết luận có... “Mở hàng” cho năm mới, xin giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn Tiếng vọng làng Thòi, hy vọng sẽ có thêm một năm thành công ở thể loại truyện ngắn trên Sông Hương.S.H
Tiếng vọng làng Thòi
Minh họa: Đặng Mậu Tựu


TIẾN DŨNG



Tiếng vọng làng Thòi

                                     
Truyện ngắn

Ngày trước đi ngang Phủ Diễn, thầy địa lý Cú Đẹn dừng lại khá lâu nhìn doi cát trồi ra ở cuối làng Đọp cười: Chỗ này giống y chang cái hĩm. Nghịch! May có con sông đâm vào nên thuỷ thổ tương sinh, sau ắt sinh làng nhưng âm khí nặng. Chẳng ai để ý đến lời thầy, mà cũng chẳng để ý làm gì vì đó chỉ là doi cát hoang, mọc toàn gai ngấy nên gọi ê4cồn Ngấy. Cồn Ngấy nổi tiếng lắm ma, nhiều rắn độc. Đồn rằng ở đó có con bạch xà sống lâu năm nên đã thành tinh. Những đêm trăng suông nó thường hiện hình con gái đẹp để ám đàn ông. Những anh nào số đen dính phải không mất mạng thì cũng mất hồn. Chú Tộ suốt ngày ngồi nơi gốc nhãn cuối làng hướng về doi cát vừa hát vừa bắt “chim” ra chơi - Người làng bảo chú bị ma Cồn Ngấy hút hết dương khí sinh điên. Lão Bất chăn trâu với tôi kể: Đêm trăng suông sáng như ban ngày, thằng Tộ đang cất vó bỗng có đứa con gái mặt hoa da phấn, mùi ngâu ngào ngạt bước đến. Thoạt nhìn, Tộ đã mê mẩn tâm thần. Nó dẫn cu Tộ vô Cồn Ngấy. Tụi bây biết vô đó mần chi không? Thấy chúng tôi há hốc mồm lắc đầu. Lão chụm bàn tay trái vòng hình chữ o rồi lấy ngón trỏ tay phải thọc vào lôi ra liên tục. Lão cười hô hố làm mấy đứa con gái thẹn đỏ mặt. Lão làm bộ rùng mình.Thôi. Không kể nữa. Hãi lắm. Mấy đứa chăn trâu bọn tôi đang khoái nghe một hai giục lão kể. Lão chun mồm hình chữ o. Khi cu Tộ nhà ta đang “phi ngựa” chợt thấy cô gái chỉ có cái đầu và hai vú tròn như hai quả bưởi là người, còn lại mình rắn to như cái cột nhà.Eo ơi! Tộ ta hét lên một tiếng kinh hoàng rồi chết giấc. Mấy đứa con gái cũng hét lên eo ơi rồi co rúm người lại sợ hãi. Tụi bây biết ai cứu thằng Tộ không? Sau một ngày tìm kiếm tao mới lôi được nó từ bụi gai ngấy ra đó. Lão Bất thở dài. Tội nghiệp, hãi quá nên nó bị tâm thần. Lão Bất kể nhiều chuyện ma Cồn Ngấy làm chúng tôi sợ chẳng dám đi đêm. Khổ nhất là con Lấm nhà dì Liêng, đêm nó bắt tôi đến ngủ chung,buổi sáng đi học kiểu gì nó cũng túm áo tôi vì sợ. Chẳng riêng con Lấm sợ mà tôi cũng rất sợ nhưng là con trai nên tôi làm ra vẻ già gan, cứng cựa thế thôi chứ trong người run lắm.

Cồn Ngấy từng có vài người đàn ông bỏ mạng vì rắn bắp chuối, nên người đời thêu dệt nhiều chuyện ma cực kì rùng rợn, hãi hùng. Càng ngày Cồn Ngấy càng trở thành ma địa, chẳng ai dám bén mảng tới. Vậy mà vào ngày bạch lộ có kẻ dám cả gan đến dựng lều giữa Cồn Ngấy ở. Kẻ đó là dì Liêng mẹ con Lấm. Làng được phen xôn xao. Người bảo dì điên, kẻ nói dì là hiện thân của bạch xà tinh. Dì Liêng trước đây đẹp nổi tiếng làng Đọp lại học giỏi. Đang học dở lớp 10 dì gác bút cùng với 11 cô gái làng trở thành những chiến binh Trường Sơn làm cho nhiều chàng trai tiếc ngẩn ngơ. Nghe bảo dì là đại đội trưởng phá bom Trường Sơn từng được phong dũng sĩ diệt Mĩ.

Ngày đất nước ca khúc khải hoàn chỉ còn bảy nữ chiến binh của làng trở về, trong đó có dì. Dì Liêng bị bom Na-Pan cháy đen mất nửa mặt nhưng dì che khăn, một bên vẫn còn nét đẹp của một thời xuân sắc. Mẹ dì cứ đưa bàn tay già nua rờ rẫm khuôn mặt con mà khóc. Khi đi con tui lành lặn, đẹp như hoa, như tranh mà giừ tàn tạ như thế này con ơi! Bố dì chửi: Bà câm mõm đi. Con Nụ, con Hoa, con Xuyến, con Vi bị bom vùi, một mẩu xương cũng không có đem về. Nó không chết là mừng rồi.

Bảy nữ chiến binh đều đã ngoài băm. Ở làng Đọp ngày đó con gái ngoài hai mươi chưa chồng đã gọi là “ngồi cồn” huống chi các chị ngoài băm. Các nữ chiến binh trở về nhưng chỉ có cô Nhuỵ lấy được ông chồng là ông chủ tịch xã chết vợ, còn lại vẫn phòng không gối chiếc. Lão Bất ông ổng. Ngày trước các em là những con thiên nga? Bây giờ các em là những con vịt già. Cốc cốc cốc ai có một mốc đem ra mà phơi. Đến khi động trời không phơi được nữa. Câu nói lão Bất như xoáy vào nỗi đau của những nữ chiến binh. Nhưng lão chẳng để ý, cứ nghêu ngao: Tuổi xuân em gửi chiến trường/ nên giừ phải trượt mạ giường trong đêm.

Đùng một cái, dì Liêng có bầu. Ngày ấy chửa hoang là ghê gớm lắm. Dì đi đâu người ta cũng chỉ trỏ, bàn tán. Dì Liêng không dám ra khỏi nhà. Nếu có chuyện phải đi thì cũng sụp nón che mặt, lầm lụi mà đi. Rồi người ta bắt dì Liêng ra giữa đình đọc “cáo trạng”. Chửa hoang, tước thẻ Đảng. Xóm trưởng Mục là tay tự ý bắt dì ra “đấu tố”. “Chánh án” Mục hỏi. Ai là cha đứa bé trong bụng? Khai mau sẽ được khoan hồng! Dì nước mắt chảy dài chỉ im lặng lắc đầu. Dân làng một số người nhui, xỉa xói. Đồ chửa hoang. Cũng Đảng viên đấy bà con ạ. Lại còn dũng sĩ diệt Mĩ nữa chứ! Ngữ ấy làm xấu mặt làng, phải cạo trọc bôi vôi, bỏ bè chuối trôi sông. Quẳng ra Cồn Ngấy cho ma rắn thịt. Thậm chí có kẻ còn ném đá vào dì như đấu địa chủ ngày xưa. Khi đó dì chợt quắc mắt đứng dậy đá bay bàn “chánh án”, túm lấy cổ áo xóm trưởng: Bà bảo cho mà biết nhá, khi bà đang lo đánh Mĩ thì mày trốn nghĩa vụ ở nhà nằm với mấy mụ vợ của mấy anh đang đi bộ đội. Đừng lên mặt với bà. Bà đếch ngán. Thằng mô giỏi thì ra đây! Dì Liêng dúi tay Mục ngã chỏng khoèo rồi vớ lấy chiếc đòn gánh múa tít. Lúc nãy đứa mô ném bà. Đứa mô chửi bà. Có giỏi thì mở mồm đi. Bà thích thì bà chửa, bà đẻ, ảnh hưởng chi đến bát cơm hay mồ mả đứa nào. Đám đông đột nhiên im bặt chẳng có ai dám mở miệng, vòng vây cứ dạt ra. Dì Liêng quẳng đòn gánh ưỡn bụng đi về. Lão Bất cười khành khạch. Con Liêng nó có võ, đụng vào nó đá bể dái. Ha ha... Không chồng mà chửa mới ngoan/ có chồng mà chửa thế gian sự thường. Tay Mục lồm cồm bò dậy đuổi theo dì nhưng có mấy người ngăn lại. Lão hậm hực bảo sẽ trị bằng được dì Liêng. Nghe đâu tay Mục tâu lên xã, xã gọi dì Liêng lên mấy lần nhưng rồi cũng chẳng làm được gì. Sau vụ đó, đi đâu dì Liêng cũng không thèm che nón nữa. Dì cứ ưỡn cái bụng như vậy mà đi. Những ai nói vướng đến tai dì, dì sẵn sàng “dửng vây” xắn quần lên chửi. “Dửng vây” vậy thôi nhưng dì buồn lắm. Dì khóc suốt. Bố dì chửi: Biết nhục chưa con. Mày còn ngồi đó mà tưới nước mắt. Lòng tao cũng đang muối đây. Cút ra khỏi nhà cho khuất mắt tao. Thế mà Dì đi thật. Dì cầm rựa ra Cồn Ngấy chặt tre, lấy lau cù làm tranh dựng lều ở. Mẹ tôi bảo Dì Liêng chuyển dạ vào đêm bão. Một vài người vẫn nghe tiếng kêu của dì nhưng giữa đêm bão quật, lại sợ ma nên họ không dám ra. Cơn bão khủng khiếp làm cho hơn nửa số nhà trong làng đổ. Nhà tay Mục xóm trưởng to đùng mà tường đổ đè cho gãy cả hai chân, suýt chết. Vậy mà túp lều bé như lỗ mũi của dì Liêng nằm giữa Cồn Ngấy không việc gì. Bão tan, người làng đã nghe tiếng khóc oe oe vọng ra từ Cồn Ngấy. Ai cũng bảo dì Liêng là ma nên túp lều mới không bị đổ. Đẻ giữa đêm bão không đèn, nến, không người đỡ mà con bé bụ bẫm, đẹp như tranh. Lão Bất thì lắc đầu lè lưỡi. Con bạch xà tinh thấy người đối xử với người ác quá nên đêm đó nó động lòng sai bầy rắn, con mô con nấy to như cột nhà quấn lấy nhau để níu lều chống bão. Bạch xà hiện thành bà đỡ đẻ. Hai con mắt nó là hai viên ngọc sáng, cần chi phải đèn nến. Con bạch xà tinh rứa mà tốt thật.

Dì Liêng đã “bắn phát đại bác” mở màn cuộc cách mạng không chồng mà chửa cho những nữ chiến binh làng. Dì Lúa, dì Mì, dì Ni cũng mang bụng ra Cồn Ngấy dựng lều ở. Mẹ tôi bảo. Ra đó để tránh những thị phi của người đời. Những người cùng cảnh ngộ thường hiểu nhau, san sẻ và nương tựa lẫn nhau để sống. Và rồi những nữ cựu chiến binh quá lứa lỡ thì ở những làng khác tìm đến xin nhập khẩu Cồn Ngấy, tạo nên một quần cư làng đặc biệt, Làng không chồng. Tên làng không chồng dài quá họ lại gọi làng Thòi. Bởi Cồn Ngấy là doi cát thòi ra, bây giờ bỗng nhiên thòi ra làng. Vậy là làng có tên. Lão Bất bảo. Thầy Cú Đẹn phán như thánh. Đất như cái hỉm bây giờ thành làng hỉm.

Không chồng nhưng những người đàn bà không thể thiếu đàn ông. Tạo hoá đã sinh ra vậy. Làng Thòi thỉnh thoảng vài ba ngày lại xuất hiện vài ba người đàn ông, họ là chú lái xe, anh buôn thịt lợn, có cả ông cán bộ xã, cán bộ huyện... Có ông cán bộ huyện đến thăm làng vờ say rượu rồi chui trong nhà dì Nin tranh thủ ngủ trưa. Tôi và thằng Cò đến rình nhưng bị con chó nhà dì đuổi cho chạy thục mạng. Thằng Cò bị nó ngặp cho một miếng vào cẳng đau nằm lăn lộn dưới đất. Nó bảo. Ông huyện có lẽ quen rồi nên chó không cắn.

Những nguời đàn ông đến rồi đi, chẳng thấy ai ở lại. Họ đi rồi cái bụng của những người đàn bà cứ phình to ra. Cồn Ngấy ngày một sinh sôi. Sau này các nhà xã hội học chắc sẽ đau đầu về sự sinh làng này.

Tôi cũng sinh ra ở làng Thòi. Những đứa trẻ làng Thòi chúng tôi lớn lên chẳng biết cha mình là ai. Hồi nhỏ, tôi hỏi cha con đâu? Mẹ không trả lời, mắt ầng ậng nước. Câu hỏi không có câu trả lời cứ ray rứt mãi trong tôi. Chiều, tôi đang mò ốc với thằng Cò thì con Lấm chạy đến. Anh Vin ơi. Lúc đêm cha em về, bộ đội đàng hoàng nhé, cha cho em nhiều quà lắm có con lật đật thích ơi là thích. Khi cha chuẩn bị đưa em đi ăn kem thì nghe tiếng mẹ khóc nên em tỉnh dậy. Thì ra em nằm mơ, tiếc ơi là tiếc. Thằng Cò bĩu môi. Đừng có mà mơ. Cha mày là chú Tộ đang bắt “chim” chơi ngoài gốc nhãn. Con Lấm cắn môi. Cha anh thì có. Em cũng nghe các dì nói chú Tộ là cha anh Cò. Thằng Cò nhảy lên xô con Lấm ngã xuống sông. Tôi hốt hoảng lao theo vớt con Lấm lên. Đêm đó con Lấm sốt cao, nó cứ gọi cha ơi, cha chở con đi ăn kem. Dì Liêng sinh anh Lậm đầu nhưng anh chết từ năm 9 tuổi. Mẹ tôi kể. Anh Lậm biết đi cấy, đi bắt ốc bắt cua từ rất sớm. Đận dì Liêng ốm anh Lậm đi ra đầm chao lươn bán để thuốc thang, rau cháo cho mẹ và em. Đêm, chờ mãi không thấy anh về, mọi người đổ đi tìm, thấy xác anh nổi trên đầm vạc. Tôi hỏi cha anh Lậm, con Lấm là ai. Mẹ lừ mắt. Con nít. Hỏi lung tung. Nhìn con Lấm cứ gọi cha trong mê sảng, tôi thấy cục gì cứ trồi lên trong cổ rồi tôi chạy ra bờ sông khóc tức tưởi, khóc không tài nào nín được.

Những đứa trẻ Cồn Ngấy chúng tôi biết làm lụng từ rất sớm, chả đứa nào học lên đến cấp 2. Nghèo đói một phần nhưng, đi học sợ sự phân biệt “chủng tộc” của bọn trẻ làng khác. Chúng tôi được chúng gọi là những đứa con hoang làng Thòi, con không cha... Những câu nói đó như những con quái vật gớm ghiếc gặm vào tuổi thơ chúng tôi. Lần đi học về qua Đầm Vạc, con Lấm reo lên. Hoa súng đẹp quá, anh Vin lấy cho em đi. Tôi bơi ra hái một ôm đưa cho con Lấm thì bị Thằng Ngọ con lão Mục cướp. Tôi giằng lại bị nó đá lộn xuống đầm. Tôi lóp ngóp bò lên bờ, thấy miệng mằn mặn, đưa tay lên quyệt thấy tay đầy máu. Tôi nhìn nó căm thù. Nó bảo nhìn gì thế thằng không cha. Miệng tôi sưng vù cũng không đau bằng câu nói đó. Dùng hết sức bình sinh, tôi lao vào húc nó bổ chửng. Đè lên người nó tôi đấm tới tấp. Tôi đang nổi điên thì bị một bàn tay như gọng kìm chít lấy cổ. Lão Mục. Lão cứ nắm lấy cổ tôi cho thằng Ngọ vùng dậy trả đòn.Tôi bị nó đấm đá vào mặt vào bụng đau, tức không thở được. Con Lấm thì gào khóc. Anh Vin ơi, anh Vin ơi. Khi tôi máu mồm máu mũi ròng ròng, cha con lão mới chịu buông tha. Con Lấm vừa khóc vừa tìm cỏ mực nhai đắp lên cái miệng rách, của tôi. Tôi gượng đau bảo con Lấm về đừng mách mẹ. Tôi không muốn mẹ buồn.Tôi thất thểu ra về trong người sùng sục nỗi căm giận. Tôi sẽ báo thù. Tôi nghĩ ra ngàn cách báo thù cha con lão Mục như trong phim. Tôi chỉ chờ đợi cơ hội.

Một đêm trời tối thui, gần 2 giờ sáng tôi và thằng Cò đang hì hụi ở Đầm Vạc cất vó bỗng nghe tiếng ùm rất lớn phía sông Ngân, tiếp đến là tiếng quẫy nước. Thằng Cò tưởng ma co rúm người lại. Tôi bảo. Nhanh lên chắc có người tự tử. Tôi và nó cầm đèn chạy đến thì thấy một người đang chới với giữa dòng nước xoáy. Thằng Cò bấu tôi. Lão Mục. Chẳng suy nghĩ, tôi đưa cây đèn cho thằng Cò rồi lao xuống. Tôi đã có kinh nghiệm, nước xoáy mạnh không nên bơi mà lặn xuống. Tôi lặn một mạch rồi trồi lên, lựa thế luồn tay kẹp lấy cổ lão, chân đạp mạnh để lái khỏi vòng xoáy. Thằng Cò đã tìm đâu được cây tre dài lao ra, tôi nắm lấy. Lão Mục quay người túm lấy tôi bấu chặt. Tôi phải dùng hết sức bình sinh của tuổi mười sáu để tụt xuống gỡ bung hai bàn tay như gọng kìm của lão, rồi tiếp tục kẹp cổ lão. Kiểu kẹp này là lão Bất bày cho tôi. Lão bảo như vậy người được cứu mới không dìm mình chết theo.Tôi mệt nhoài, hai chân mỏi nhừ như sắp bị chuột rút. Càng gần bờ, càng lắm đá ngầm, chân tôi va vào đá bị cứa nhiều nhát. Tôi biết máu chảy nhiều nhưng không có cảm giác đau. Chật vật lắm tôi và thằng Cò mới dìu lão lên được bờ. Lão uống no nước, bụng như trái sim. Thở hí hóp. Tôi mệt bở hơi tai nhưng phải xốc lão lên vai chạy cho nước trong mồm ộc ra. Khiếp! Mùi rượu nồng nặc. Thoát chết, hôm sau lão đi chấm phẩy đến nhà tôi với mấy cân gạo. Lão nói lí nhí, khúm núm cảm ơn cứu mạng và xuýt xoa khen tôi, bảo mẹ tôi đã sinh được một người con dũng cảm. Tôi chả thèm nói gì, bỏ ra ngoài. Lão Bất cười hô hố. Mày cũng được đấy. Tao tưởng mày trả thù dìm chết thằng Mục. May! Tao cũng cảm ơn mày. Thì ra lão Mục hay mò đến nhà dì Phí, lão Bất thấy ghét nên quyết định cho một vố. Lão quét vôi đầy mặt chờ Mục ra về liền nhảy xổ đến nhát. Mục ta tưởng ma chạy tõm xuống sông luôn. Lão Bất bảo. Kiểu trả thù của mày đểu nhất trong các kiểu trả thù. Tôi chẳng biết, chỉ thấy lòng trống rỗng và buồn, tôi cứ đi như kẻ mộng du và đến nhà dì Liêng khi nào chả biết. Con Lấm nhảy bám vào cổ tôi. Hoan hô! Tí nữa anh đưa em đi xem phim nhé. Có cái gì đó mềm mềm, cưng cứng đang ngọ nguậy nơi ngực tôi. Thì ra Lấm đã lớn...! Chỉ một khoảng khắc, mắt con Lấm và mắt tôi gặp nhau. Tôi sững sờ. Nó cũng sững sờ. Một cảm giác lạ chưa từng có đang lan khắp cơ thể và tâm hồn tôi. Con Lấm buông nhanh tôi, mặt đỏ bừng chạy vào nhà. Tôi đứng trân, thấy lâng lâng lạ lắm. Đêm, nghĩ đến ánh mắt của con Lấm tôi thao thức không ngủ nổi. Gần sáng, tôi mới chợp mắt. Tôi thấy mình dắt con Lấm ra sau đống rơm. Chúng tôi trần truồng dính chặt vào nhau với những khoái cảm dâng trào bất tận, cảm giác đầu tiên tôi mới biết. Nhưng thoáng chốc tôi lại thấy trong vòng tay mình không phải Lấm mà là một người con gái khác, đầu người, mình rắn to như cột nhà đang ngọ nguậy. Tôi hét lên kinh hoàng rồi vùng dậy, mồ hôi vã ra dầm dìa, thấy trong người nôn nao lạ lắm. Đũng quần ướt sũng, tôi thò tay xuống thấy nước gì đó nhầy nhầy. Tôi hoang mang, sợ ma rắn làm cho điên như chú Tộ. Sáng, tôi chẳng dám kể với mẹ mà kể với thằng Cò. Nó cười. Mày giờ mới phọt à. Đó là nước để sinh em bé đó. Tao phọt từ năm ngoái, thỉnh thoảng tao cũng tự nghịch cho nó phọt. Thích lắm. Vậy tôi đã trở thành đàn ông.?

*
*   *
Trong tiềm thức và vô thức tôi muốn bỏ đi thật xa để không ai biết gốc gác của mình. Đơn giản thế thôi. Những đứa trẻ sinh ra ở làng Thòi cũng đã bỏ xứ tha hương khi chưa đến tuổi vị thành niên. Có lẽ chúng cũng giống tôi. Tôi khoác tay nải ra đi trong chiều mưa ảm đạm. Mẹ nước mắt vắn dài. Con ơi con đừng đi. Mẹ lạy con. Tiếng gọi được đầy đủ quyền làm người đã thúc dục tôi cất bước bỏ lại đằng sau người mẹ liêu xiêu trong cơn mưa tầm tã. Chiếc xe ca lăn bánh, tôi thấy con Lấm đuổi theo xe ngã dúi dụi gào lên. Anh Vin ơi... Tôi vuốt mặt, nước mắt lẫn nước mưa mặn chát. Tôi phải đi, chào nhé. Chào làng Thòi, chào những nỗi đau, chào mối tình trong trắng đầu đời, chào tất cả.

Tôi phiêu bạt nhiều nơi. Bao nhiêu năm quăng quật, va đập với đời cuối cùng tôi cũng làm được anh thợ cả. Tôi dẫn năm đứa đàn em sang Lào nuôi chí lớn. Nhiều cơ hội đến với tôi nhưng tôi chẳng thể nào nắm bắt được. Tôi hiểu, mình chẳng có kiến thức để xây những công trình lớn. Tôi chỉ xây những ngôi nhà nhỏ cấp 4 và công trình vệ sinh.. Đi đâu tôi cũng thấy mình nhỏ bé và tự ti; thấy mình chông chênh, thiếu thốn một cái gì đó rất khó đặt tên trên bước đường hình thành tính cách và bản lĩnh của một con người. Cái dáng đi lúi cúi mắt nhìn xuống, cố tật của cư dân làng Thòi tôi vẫn không thể nào sửa được. Bảy năm rồi tôi chưa về làng. Tôi chỉ nghe loáng thoáng thằng Cò vào tù vì nghiện rồi đi xách ma tuý; con Lấm cũng bỏ nhà đi sau tôi mấy ngày, không biết đi đâu. Thằng em cùng mẹ khác cha điện bảo. Tết này anh về chứ. Mẹ nhắc anh suốt. Tôi gắt. Tao không về. Dập máy rồi tôi thấy buồn mênh mang. Những mái nhà tranh thấp tè mốc thếch bên sông Ngân ngầu đỏ, những con người làng Thòi cứ hiện trước mắt tôi. Đến bây giờ tôi mới hiểu vì sao khuôn mặt mẹ và những người đàn bà làng Thòi đều khắc khổ, đôi mắt buồn ầng ậng nước như chực khóc và dáng đi lúi cúi, tất tả. Họ chỉ vui khi ngồi bên nhau kể chuyện Trường Sơn. Tôi và thằng Cò có lần nghe lỏm được chuyện của mấy dì. Dì Nụ kể. Tiểu đội tao 12 vịt giời. Đàn ông không có nhưng lại nhiều bom. Lần được giao phá 3 quả bom trên đồi B2, tao cởi truồng bò lên phá được 2 quả, đến quả thứ 3 tao trèo lên cứ ôm bom mà ngủ. Tao mơ thấy đang ôm người yêu mới chết chứ. Khi mọi người đến thấy tao đang ôm bom rên ư ử. Mấy dì đấm nhau cười rung cả mái tranh, khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, mắt long lanh... Có lẽ những ngày tháng ở Trường Sơn, chiến trường ác liệt nhưng đó là quãng đời đẹp nhất, bi hùng nhất của mẹ tôi và những người đàn bà làng Thòi.

Chẳng thể về quê, nỗi đau đớn ấy đeo đẳng, day dứt mãi trong tôi suốt những chặng đường phiêu bạt. Bây giờ nằm đón Tết một mình nơi lán công trường heo hút trong cánh rừng Lào tôi trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Tiếng gọi làng Thòi cứ vọng mãi trong tôi thúc dục. Vâng, tôi chẳng có cớ gì mà không về với mẹ. Tôi phải về thôi. Chẳng cần lấy đồ đạc, tôi lao ra khỏi lán vượt rừng ra đường lớn đón xe về Việt . Tôi về đến đầu làng đúng vào thời khắc giao thừa, bầu trời đêm rực sáng bởi những chùm pháo hoa ngũ sắc.       

Làng Nghè 31/10/2009
T.D
(251/01-2010)


 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)
Lửa đêm (30/12/2009)
Sáng hôm ấy (29/12/2009)
Một lát cắt (28/12/2009)
Quán quân dân (24/12/2009)