Truyện ngắn
Dự định Tết này
14:14 | 03/02/2010
Thu TrangTâm ngồi thái hành, một đống hành tây, củ to màu vỏ vàng nhạt, mà bây giờ mỗi lần trông thấy là Tâm nhăn mặt. Bản thông tin 10 giờ đang nói về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống (1).
Dự định Tết này

Tâm nghe lòng náo nức, không biết là mình đang vui hay buồn. Nghe đâu Đảng Xã hội lên nắm chính quyền sẽ có đảng viên Đảng Cộng sản tham dự. Hôm qua Mỹ đi chợ về, vẻ hớt hải, nói:

- Mình à, tui gặp các ông bà họ có cửa hàng ăn như mình, họ đang định bán để đi qua Hoa Kỳ, vì họ nói... ở Pháp này sẽ thành lập xã hội chủ nghĩa đó.

Tâm không trả lời vợ ngay. Hai mắt hoe hoe đỏ. Tâm không muốn cho vợ biết là mình đã có lần khóc. Tâm nói:

- Cay mắt quá chừng. Ừ, họ nhiều tiền thì mới lo sợ, còn mình có chi mà hốt hoảng?

Từ ba năm nay, khi chạy đủ vốn liếng để mua được cái cửa hàng ăn nhỏ này, Mỹ đã phân chia công việc với chồng:

- Anh lo việc bếp núc, em chạy ngoài dọn bàn, và đi chợ hỉ?

Tâm lơ đãng gật đầu, và không thấy háo hức gì trong vụ kinh doanh này. Trong lòng Tâm giấu kín một điều gì đó đang rạn vỡ. Một điều mà Tâm biết Mỹ chẳng bao giờ hiểu. Tâm âm thầm và đôi khi buồn bã ra mặt, đối với Mỹ đó là cái tang lớn mà Tâm còn mang ở trong lòng.

Trong chiến tranh, cha mẹ Tâm và hai người em gái đã chết một cách thương tâm vô hạn. Ông cụ thân sinh của Tâm là một ông phán về hưu bắt buộc từ thời 1945. Ông về sống ẩn dật và tránh xa mọi tranh chấp chính trị, đảng phái. Ông rất buồn về việc chiến sự ở Việt mở rộng và Hoa Kỳ ngang nhiên nhảy vào can thiệp bằng vũ lực.

Khi chiến tranh lan đến Huế, ông là người bị dựng dậy sau một giấc ngủ triền miên. Trong lúc bom đạn nổ ầm, ông vác ô đi vào thành nội. “ Trời ơi, phải cản họ tàn phá cung điện chớ!” Ông chỉ kịp nói thế với vợ và hấp tấp ra đi. Bà vợ hôm sau đi tìm chồng... và biệt tăm mấy hôm liền. Hai cô con gái vùng lên đi tìm cha mẹ, trong lúc Tâm làm việc tải thương ở ngoại thành. Những người hoài cổ của kinh đô còn lại một lớp vàng son cũ, gia đình ông chết vì đã lăn xả vào để mong bám víu lại cái huy hoàng xưa. Là những người quý tộc, họ vẫn ngấm ngầm tự hào vì tổ tiên họ là những ông hoàng bà chúa. Cha mẹ Tâm đã có một kiểu sống biệt lập, khác với những người chung quanh, tuy họ không giàu có.

- Con đừng ngồi lên chiếc chiếu trải lệch như rứa.

Ông thân của Tâm là một kiểu tri thức cũ, kiểu nhà nho còn tôn trọng quân chủ. Thiếu thực tế, nhờ bà mẹ Tâm buôn bán lặt vặt để nuôi sống gia đình. Thỉnh thoảng để vun cho tròn cái quỹ tài chánh, bà không ngại ngùng làm biến đi một chiếc bình cổ hay một vài món tư trang. Họ nghèo đi dần dần.

Tâm lớn lên trong khung cảnh của một đế đô suy tàn, và của một gia đình mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, mỗi hành động, từ nhỏ đến lớn, đều đắn đo, cân nhắc, tính toán kỹ càng. Cứ nhìn từng cọng giá mà bà mẹ Tâm ngắt rễ đi rồi bày biện ngay ngắn trên một cái đĩa sứ xanh, bên một chén nước mắm mà từng miếng ớt được thái mỏng, đặt trên chiếc mâm đồng tuy cũ, nhưng lúc nào cũng sáng choang. Cứ nhìn vào bữa ăn của gia đình Tâm để thấy rõ từng nét kiểu cách, trang trọng... rất kênh kiệu, lỗi thời. Cũng như Tâm, tuổi thanh niên mà có vẻ mơ mơ màng màng, với một thân hình mảnh dẻ, dưới đôi kính trắng, đi đứng nghiêm trang đạo mạo như một vị hưu quan. Bảo Trân, Bảo Kim, hai người em gái lúc nào cũng mặc áo dài, dù nơi ống tay đã sờn cũ.

Từ thời vua Bảo Đại bị hất ra khỏi chính trường, gia đình Tâm lại càng có vẻ giấu kín trong khung cảnh nhỏ hẹp của một căn nhà với một mảnh vườn đầy hoa và rau sống, có hàng rào chung quanh. Cha Tâm không thích giao thiệp với ai, ông tự gò bó mình trong vòng những người thân. Thỉnh thoảng nhắc bài học lịch sử của tổ tiên mình, có lần ông nói với Tâm, sau cái thở dài:

- Cũng không thể kết tội cả dòng vua họ Nguyễn. Thành Thái, Duy Tân cũng đã dám chống đối thực dân đó. Rứa nhưng, họ không có thực lực. Sinh bất phùng thời... đành thúc thủ.

Tâm hiểu tâm sự cha mình. Cho nên khi đến Pháp này, thấy đời sống dân chủ ở đây với bao nhiêu là đảng phái khác nhau, Tâm thầm nghĩ:

- Cha mình chưa chắc đã vào nhóm bảo hoàng, nếu ông được sống dưới một chế độ như thế này.

Riêng Tâm, tránh được vòng chiến ở miền trong thời đến tuổi quân dịch là do sự may mắn bất ngờ: Tâm bị chứng loạn thị, không đủ khả năng về sức khỏe để được tuyển vào quân đội. Nhưng Tâm không lúc nào không theo dõi những biến cố chính sự, nhất là có bao bạn bè đã ngã xuống. Chém giết, chiến tranh càng làm Tâm ghê tởm.

Tâm dạy Việt Văn trong một trường trung học. Khoa văn học cổ là môn mà Tâm ưa thích, có lẽ do lòng kính yêu cha, Tâm đã chịu ảnh hưởng của ông, thích cổ văn. Hai cha con sống với những trang sách của thánh hiền, của những áng thơ văn hay của thời dĩ vãng xa xưa, họ thường dịch những cân thơ cổ đượm triết lý vô vi của đạo Phật, đạo Lão. Họ tìm cái đẹp trong bóng mây, ánh trăng lên và màu hoa nở. Cuộc sống an nhàn và thanh đạm, hoàn cảnh kinh tế nhờ sự khéo tay của bà mẹ và hai người em gái đã chuyên làm bánh ngọt gửi đi bán khắp nơi. Họ sống yên ổn như vậy cho đến năm Mậu Thân. Biến cố này đến như vũ bão, và cả gia đình Tâm đã như bao người khác, khói lửa bom đạn trút xuống như cuồng phong, và họ là những chiếc lá vàng. Họ bị cuốn đi trong cơn bão táp, và do sự tình cờ, một mình Tâm sống sót...

Tâm như tỉnh cơn mơ, một giấc mơ dài của những năm tháng sống bên lề các biến cố mà cả dân tộc đã sống, bên lề cuộc chiến đấu trường kỳ mấy chục năm qua. Tâm loay hoay muốn làm gì, tham gia vào một công cuộc gì đó, nhưng không chọn lựa được. Một bên là ngoại bang, một bên Nam Bắc cùng là đồng bào... làm Tâm ngại dấn bước. Tâm cô độc, sống với sự dắn đo mãi... nên chẳng dám dấn thân vào một công việc gì quan trọng.

Mỹ đã đến với Tâm vào một hoàn cảnh đặc biệt. Mỹ cũng bị mất một người em trong biến cố ấy. Mỹ là một người quen của gia đình, do buôn bán với mẹ và hai em của Tâm. Một hôm, Mỹ đến tìm Tâm:

- Tôi tìm được hố chôn em tôi rồi. Trong khi đào có thấy chị Bảo Kim cạnh đó.

- Trời ơi, may quá. Cô đưa tôi đến với.

Xác người con gái đã mục rữa, nhưng trên cườm tay còn đeo một chiếc vòng chạm. Chiếc vòng mà Tâm thường khen đẹp, vì những nét chạm của đôi rồng chầu mặt nguyệt. Chiếc vòng ấy đã thành màu đen, nước vàng giả nhuộm lên đã phai màu. Nhưng Tâm nhận ra ngay đó là em mình.

Trong nỗi đau thương ấy, Tâm là người đã qụy xuống. Nhưng Mỹ lại đứng vững, có lẽ vì Mỹ có sức khỏe tinh thần lẫn thể xác nhiều hơn, hay vì Mỹ dạn dĩ hơn?

Mỹ đi lại an ủi Tâm trong những ngày cô đơn ấy. Thế rồi họ thành vợ chồng. Có lẽ phải có trường hợp đặc biệt như vậy đã xảy ra để cho Tâm cưới vợ. Nếu không thì... không biết đến bao giờ. Vì cha mẹ Tâm thường nói ra:

- Mình là cành vàng lá ngọc, phải chọn lựa kỹ. Đi mô mà vội vàng!

Vì không vội vàng, nên cả ba anh em Tâm người nào cũng ngoài ba mươi tuổi mà chưa ai thành gia thất.

Sau đó, cuộc đời bình lặng lại tiếp tục. Mỹ là người tháo vát, là loại dân buôn bán. Mỹ thay thế phần nào cho ba người đàn bà trong đời Tâm trước kia, tức là bà mẹ và hai em gái.

Tâm trở lại trường, dạy cổ văn. Mỹ buôn bán tần tảo và họ sống yên ổn đến năm 1975. Đứa con trai duy nhất của họ được đúng bảy tuổi, khi miền giải phóng.

Một số bè bạn của Tâm đi với chính quyền Mỹ Thiệu đã ngã xuống một phần lớn, một phần bây giờ họ chạy ra nước ngoài. Một số bè bạn khác thì họ đi kháng chiến trở về. Chỉ có Tâm là đứng nguyên một chỗ. Bây giờ, đất nước được giải phóng, độc lập, Tâm thấy mình... lạc lõng vì chẳng làm gì, chẳng đóng góp gì trong bao năm qua. Mặc cảm ấy chồng chất, và trở nên khó chịu khi vô tình hay cố ý có ai nói đến.

Trong các buổi sinh hoạt của trường học, những người mới ai cũng có một quá khứ, kẻ có chiến công này, người có thành tích nọ. Tâm là kẻ đứng bên lề.

Mỹ thì lại có những khó chịu khác. Mỹ không còn được buôn bán tự do. Mỹ không còn được làm áp phe này nọ. Cái gì cũng có những luật lệ mới, hình thức mới. Cho đến năm 1977, Mỹ thuyết phục Tâm vượt biên ra đi...

Tâm nghe vợ ra đi, trong tâm trạng của kẻ đang chóng mặt, chưa định rõ phương hướng, Mỹ đã liều lĩnh: cứ đi đã, sau sẽ tính...

Những ngày lênh đênh trên mặt biển, những đêm hãi hùng. Tâm làm sao quên được tiếng la hét thất thanh của một số đàn bà, con gái trong đó có vợ mình...

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng trong đêm, Tâm lại giật mình thức giấc. Tiếng la hét của họ lại văng vẳng bên tai. Tâm khẽ thở dài, đặt tay nhè nhẹ trên mình vợ, xót thương và ngậm ngùi. Tâm chỉ ngạc nhiên là Mỹ quên vụ bị ô nhục ấy một cách dễ dàng. Mỹ chẳng bao giờ nhắc đến, nếu có ai vô tình khơi lại, Mỹ làm như kẻ bàng quan, không có vẻ gì mình từng là nạn nhân trong cuộc. Sự kiện ấy làm cho Tâm buồn buồn. Phải chi Mỹ tỏ ý tiếc, đúng hơn là căm tức bọn giặc biển ấy, thù hằn chúng, thì lại dễ hiểu hơn đối với Tâm. Hay người ta phải quên đi mới sống nổi?

Trước khi đến Pháp, Tâm tìm được địa chỉ người em họ, và chính là sự bảo lãnh của vợ chồng Diễm Lan, nên gia đình Tâm mới được nhập cư.

Khi Diễm Lan gặp Mỹ lần đầu, thoáng trên mặt không kịp giấu vẻ ngạc nhiên. Trong lòng sửng sốt, nhìn Tâm giới thiệu vợ:

- Đây là nhà tôi, còn Diễm Lan đó. Bây giờ gặp nhau, tha hồ mà trò chuyện.

Hai người đàn bà nhìn nhau từ đầu đến chân. Người con gái có tiếng là đẹp của xóm Vỹ Dạ ngày xưa, một tiểu thư đài các và cũng có tiếng là học giỏi, đang đứng trước mặt. Diễm Lan cũng nhìn Mỹ và trong bụng thắt lại: “ Hoa nhài cắm bãi cứt trâu”. Không, câu thành ngữ này dùng để ám chỉ một người đẹp bị lấy một người chồng thô bỉ, cộc cằn. Còn một người đàn ông thanh lịch mà phải cưới một người vợ... như kiểu này thì ví bằng thành ngữ nào? Một chiếc bình ngọc mà dùng để cắm một bông hoa dại chăng?

Diễm Lan vừa lái xe ra khỏi phi trường vừa trao đổi vài câu ngắn với Tâm, cả một dĩ vãng đang quay lại trong họ. Tâm chỉ hơn Diễm Lan độ năm, ba tuổi. Thời họ còn thờ bé, Diễm Lan còn nhớ mãi những buổi được Tâm đưa đi chơi trong thành nội. Đối với Tâm thì Diễm Lan đáng lý ra là vai cháu. Nhưng Tâm khăng khăng không chấp nhận, lấy cớ là tuổi xấp xỉ nhau, xin coi Diễm Lan như em thôi. Mấy ai biết được điều mà Tâm muốn... Một điều thầm kín mà Tâm ao ước, giá Diễm Lan đừng có họ với mình, hay có nhưng thật xa...

Xe chạy về hướng Paris . Đường đông nghịt, xe hơi lớn, bé đủ kiểu chen nhau trên đường trông rối cả mắt. Tâm ngồi bên cạnh Diễm Lan, thỉnh thoảng liếc nhanh nhìn người em họ sau gần hai chục năm xa cách. Diễm Lan hơi già đi, nhưng nét thanh tú trên gương mặt đẹp vẫn còn, nhất là đôi mắt... vẫn là màu nước sông Hương.

Tay Diễm Lan sang số xe liên hồi, thỉnh thoảng lại vượt xe trước một cái, cử chỉ nóng nảy và có phần quyết định, như lao vào cuộc đua. Tâm ngồi bên cạnh mà đã cảm thấy chóng mặt. Cái yên tĩnh đến u buồn của một thành đô cũ kĩ, không khí trầm lặng ấy mà Tâm đã sống từ mấy chục năm nay, bỗng nhiên đổi thay đột ngột. Tâm đến Paris mới hai giờ mà lại gặp Diễm Lan xông xáo trên đường. Thỉnh thoảng Diễm Lan nói một, hai câu, trong lúc xe nối đuôi trên đường:

- Anh chị sẽ ngạc nhiên. Đời sống ở đây gay lắm...

Tâm gật gù:

- Nghe nói rất nhiều người thất nghiệp. À còn người Việt mình thì sao?

- Cũng bị khó khăn nhiều. Tránh sao nổi. Mình có giỏi thì... cũng bằng Tây, chứ hơn họ sao nổi? Trí thức lại càng mệt!

Tâm nhìn chung quanh, một con đường rộng thế này mà xe chen nhau, không một khoảng trống, hình dung được phần nào sự căng thẳng trong cuộc sống. Từ xa, trong bóng chiều, hình như thấp thoáng thấy nóc nhà thờ Đức Bà. Tâm chợt bồi hồi, nhớ đến tiểu thuyết của Hugo, những trang sách tả về nhà thờ. Ừ hình như có lúc nào đó, trong dĩ vãng đã nhạt màu, như một bức ảnh cũ, Tâm đã ví Diễm Lan là người đẹp trong Notre- Dame de Paris, và mình là anh chàng xấu xí gù lưng ôm ấp một mối tình tuyệt vọng.

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm đôi chim nhạn tung trời mà bay.
                       
(Tản Đà)

Minh họa: Trần Thanh Bình


Se buốt trong lòng, Tâm tự hỏi chồng Diễm Lan là người thế nào? Mình sẽ cảm thấy gì khi gặp người đó? Diễm Lan lôi Tâm trở lại thực tại bằng câu:

- Này, nói trước cho anh biết hỉ... Ở đây thiên hạ, nhất là giới trí thức, họ thiên tả khá nhiều đó.

- Còn giới Việt kiều? (Trong câu hỏi này gồm nhiều người, trong đó hẳn có vợ chồng Diễm Lan).

- Tùy theo, người đã sang lâu hay mới đây... Bây giờ thì rất nhiều giới, phức tạp hơn hồi em mới qua. Trí thức, sinh viên qua hồi thời trước năm 1968 thì đa số là thân cộng. Nhứt là bọn này từng sống vào mùa xuân 1968. Anh cũng nghe nói đến “ Mai 1968" chớ?

- Có, tôi theo dõi báo Pháp tới 1975...

Tâm nhoài người về phía trước khi Diễm Lan chợt thắng xe mạnh vì gặp đèn đỏ. Bất ngờ, Diễm Lan bật ra một câu tục ngắn bằng tiếng Pháp. Tâm hơi giật mình. Mới có hơn hai tiếng đồng hồ từ khi ngồi cạnh nhau trên xe, Tâm đã mơ hồ nhận thấy: Công Tằng Tôn Nữ Diễm Lan của Huế thơ, Huế mộng, của những buổi chiều trên dòng sông Hương, đã hoàn toàn thay đổi. Xã hội và cuộc sống ở đây đã làm biến đi bao nét dịu dàng, nên thơ, thay vào đó những gì rất là sôi động, là cương quyết tỏa ra chung quanh. Diễm Lan gây cho Tâm cảm giác vừa tiêng tiếc vừa khâm phục, rất là trái ngược. Nhất là có cảm tưởng Diễm Lan thân cộng.

Xe lái vào một sân rộng, trước một nhà cao tầng, ngửng nhìn đến ngửa người ra sau. Vợ chồng Tâm líu ríu xuống xe, và thằng con thì vừa choàng dậy sau giấc ngủ nặng nề. Nó vừa ngáp vừa nói như rên:

- Lạnh quá hè...

Diễm Lan bấm thang máy và nói nhanh, như vừa chợt nghĩ ra, câu nói có vẻ chẳng rào đón, vì coi đó là điều tự nhiên:

- À, nói cho anh chị rõ, nhà em là một đảng viên cộng sản.

Tâm chẳng kịp có phản ứng gì, thang máy nhừ hút người lên, không biết vì trong lòng Tâm ngạc nhiên, bỡ ngỡ, hay cảm giác như bị hẫng người trong lúc ấy.

Cũng như mấy tuần sau, trong bữa cơm, Diễm Lan đã nói:

- Phải chi anh biên thư hỏi ý kiến em, thì nhất định em sẽ khuyên anh chị đừng đi.

Tâm hơi nóng trên mặt:

- Diễm Lan thử về sống ở bên nhà đi rồi sẽ... khuyên mọi người.

Vẻ mặt Diễm Lan có hơi vẩn một chút buồn:

- Vấn đề em đặt ra không phải là để làm buồn lòng anh đâu. Nhưng cứ sống xa quê một thời gian rồi sẽ thấm, có lẽ lúc đó mới biết cách chọn lựa...

Tâm chưa hiểu ý người em họ, hay trong Tâm đang gợi những kỷ niệm trong những năm tháng vừa qua, Tâm im lặng tư lự.

Cuộc sống ở đây là cả một cuộc vật lộn mà Mỹ là người đã lao vào trước. Tâm bất ngờ có bận chứng kiến một cuộc cãi nhau giữa vợ và một bà già có tuổi. Vì bà cụ nhất định cho là Mỹ đã bán cho bà một đôi hoa kim cương giả.

Tâm ngạc nhiên hỏi vợ, thì Mỹ trả lời thản nhiên:

- Bọn giặc cướp hết cả tiền bạc rồi. Muốn sống thì phải xoay xở chớ? Ăn bám hoài được sao?

Do tài xoay sở của Mỹ mà họ đã mua được cửa hàng này. Tâm mỗi khi ngồi xắt hành, nước mắt lại rơi...

Suy gẫm cho cùng, khi nhân loại cùng văn minh, sáng tạo ra nhiều chủ nghĩa, thì đa số con người tìm được chỗ đứng của mình ở bất cứ xã hội nào hình như cũng khó cả. Tâm thầm nhận định: phải chăng mình đã may mắn hơn một vài người khác, trong cùng hoàn cảnh? Ông X. luật sư, ông Y. phó giám đốc hãng cưa, bây giờ đều đi làm thợ ráp máy trong một hãng xe ô tô ở đây. Họ thật từ trên mây xanh bị rơi xuống. Chung đụng giao thiệp hàng ngày với thợ thuyền, nhất là thợ không chuyên nghiệp người tứ xứ, những cảnh sống chung quanh đã tạo cho họ thay cách nhìn. Ở xứ này lâu mới thấy rõ... tại sao người ta thân cộng. Đã có lần họ thổ lộ với Tâm: “ Làm cộng sản như kiểu ở đây, tôi chấp nhận...”

Lần lần, Tâm thấy mình nắm được phần nào về sự tìm hiểu Diễm Lan và một số những người Việt đã ở Pháp từ lâu. Diễm Lan có dịp nói với Tâm, vẻ ngao ngán:

- Phải sống lâu ở nước ngoài rồi mới thấy mình cần quê hương. Nhất là khi mình chưa mất gốc. Đôi lúc mình thấy đời sống ổn định cả về mọi mặt rồi nhưng vẫn thiếu một thứ gì...

Tâm cúi đầu như nói với chính mình:

- Vậy mà tôi đã ra đi...

Diễm Lan ngập ngừng:

- Anh biết không thỉnh thoảng em vẫn tương tư...

Tâm hơi xao động, buột miệng:

- Ai may mắn vậy?

Diễm Lan buông thõng:

- Quê hương! Thương nhớ một người còn tìm được vài cớ để nguôi ngoai. Quê hương thì khó mà quên. Cho nên, anh biết không, có vài gia đình Việt kiều đã bỏ lại tất cả, giàu có, địa vị, để về sống bên nhà.

Tâm tự hỏi: Có thể mình sống ở đây lâu như Diễm Lan rồi mình sẽ có những tâm tư như vậy chăng? Không biết! Chỉ thấy là hiện giờ Tâm làm cu ly, làm bếp, làm bồi..., làm nô lệ cho cuộc sống, mà Tâm không khỏi chua xót âm thầm. Khác với hai ông X và Y là Tâm chưa tiếp xúc với thợ thuyền tứ xứ nên Tâm chưa thay đổi cách nhìn về vấn đề chính trị. Tâm rùng mình: Nếu một ngày nào đó mình sẽ thay đổi cách nhìn như họ, thì rồi sẽ ra sao?

Tâm làm việc từ 10 giờ sáng đến nửa đêm không mấy khi có gì giải trí, trừ chiếc radio để trong bếp. Cũng may có chiếc radio làm bạn. Cũng nhờ nó Tâm theo dõi một cách đơn giản được nhiều vấn đề văn hóa và chính trị. Nhưng, càng hiểu được cái xã hội của người ta có đời sống tinh thần, vật chất cao, càng làm Tâm buồn bã. Nhất là càng làm Tâm suy nghĩ, khắc khoải, băn khoăn. Đến bao giờ? Đến mấy mươi năm nữa để đất nước mình tiến được bằng người? Câu hỏi xoáy trong óc và Tâm có cảm giác như mình có tội. Cái tội của người trí thức quay lưng bỏ ra đi. Tâm buồn buồn, đôi lúc xào nấu, Tâm lơ đãng tay cầm chai nước mắm, tay cầm chai xì dầu, Tâm tra nếm lung tung. Cái nọ nhầm với cái kia. Nước dùng cho phở thì lại đổ vào mì. Thế mà vẫn có khách ăn. Mỹ dễ dãi và hồ hởi bằng lòng về... tài nấu bếp của chồng. Cửa hiệu có chiều phát đạt, đông khách. Mỹ đâu có để ý đến tâm tư của người chồng, ngày ngày bị gậm nhấm với bao điều day dứt. Có hôm Tâm nói với vợ, vẻ lo lắng:

- Mình à, thằng Vĩnh Đức bắt đầu chỉ nói tiếng Tây.

- Càng hay chứ sao? Mình ở bên Tây mà?

Tâm im lặng. Nói thế nào cho Mỹ hiểu được? Sự chênh lệch về văn hóa trong đời sống vợ chồng, mới nhìn qua tưởng là bỏ qua được, nhưng mấy ai có kiên nhẫn để nghe trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mãi mãi. Bằng không, một con suối khi tách ra làm đôi dòng, thì sẽ có hai hướng khác nhau.

Tâm mê thích các kiểu kiến trúc Pháp. Còn Mỹ thì dửng dưng, Tâm đi xem nhà thờ Đức Bà ở Paris đến hàng chục lần mà không chán. Có lẽ cái hạnh phúc nhất của Tâm là tìm được chút thì giờ rảnh để vào viện bảo tàng Louvre, hay thơ thẩn trước những đền đài cổ, ngắm các cung điện, để thả hồn mình vào những triều đại xa xưa. Có bận Tâm rưng rưng trong lòng khi đi xem điện Versailles . Có lẽ cha mình đã ôm những mảnh ngói, mảnh tường của cung điện Huế, để rồi ngã xuống với nó, đổ vỡ tan vào cát bụi...

Những ngày vào thu, khi lá vàng đã nhuốm một màu ưng ửng đỏ chen lẫn với màu vàng thẫm, in trên khung trời xanh nhạt. Lúc đó mà đi xem các lâu đài, cung điện của những thế hệ vua chúa Pháp, ở bên bờ sông Loire, con người dù không phải là nghệ sĩ, cũng sẽ cảm thấy cái đẹp nó thấm tận hồn mình, gợi bao ấn tượng, nhất là đối với Tâm. Bây giờ, đứng trước những cảnh này, Tâm càng thấy thưởng thức một cách đậm đà những văn, thơ mà ngày xưa mình đã học. Nhất là những vần thơ cổ Việt . Thời Tâm còn là sinh viên, vị giáo sư người Pháp khi biết Tâm vẫn học văn chương Việt song song với văn thơ Pháp, ông tỏ ý rất bằng lòng. Từ đó, ông nhìn Tâm khác đi một chút, ông thường chào Tâm bằng chức vị ông hoàng hẳn hoi.

Người ta được nể vì, kính trọng là khi tự chính mình phải biết gìn giữ bản chất dân tộc. Ngay từ thời còn trẻ, Tâm đã nghiệm thấy điều ấy. Bây giờ nhìn thấy con càng ngày càng quên tiếng mẹ đẻ, Tâm xem đó như là một điều bất hạnh. Cuộc sống tất bật, từ trưa đến nửa đêm, Tâm không còn đủ thì giờ mà kèm cặp thằng bé. Cả ngày nó ở trường học với bè bạn, với môi trường sống hoàn toàn Pháp rồi. Tối đến thấy mặt cha mẹ một chút, thế thôi.

Tâm tìm cách gần con, nhưng thật là ít ỏi. Có lần Tâm dỗ dành nó:

- Con rán nói tiếng Việt với ba má, con muốn chi cũng được.

Mỹ chen vào:

- Mình sao rắc rối, nó đi học với Tây, sau này lớn lên đi làm cho Tây, bắt nó nói tiếng Việt làm gì?

Tâm lắc đầu. Mỗi lần ngồi thái hành, nước mắt Tâm lại rơi nhiều hơn...

Tâm ao ước làm thế nào để thay đổi cuộc sống này. Như con cá ở trong nước ngọt bây giờ phải sống trong nước mặn, Tâm ngột ngạt, khó thở, vùng vẫy. Nhưng trí thức ở xứ này họ có thừa. Thêm vào, tìm một việc làm thích hợp với khả năng đâu phải là một điều muốn là được. Hiện giờ dân thất nghiệp đã lên đến con số hai triệu người. Tình hình kinh tế nước nào cũng đang bị khó khăn, cả Châu Âu này...

Tâm khắc khoải. Mỗi buổi sáng thức dậy, Tâm ngao ngán: Mình làm việc trong xó bếp này cả đời ư? Chưa bao giờ Tâm thấy thấm thía hơn về hai chữ nô lệ. Không, Tâm vội nhủ: Mình làm cho vợ con... Nhưng tình yêu có đủ sức mạnh làm nguồn động viên mãi mãi? Tối tối, khi khách ra về, nhìn thấy vợ háo hức đếm tiền. Ngày xưa, khi còn sống trong gia đình, cha mẹ Tâm chẳng bao giờ nói đến tiền... họ sống thanh đạm và tạo cho con cái nếp sống thuần phác, trong sáng. Hậm hực, nhiều lần Tâm nói với vợ:

- Tôi ra đi có phải chỉ mong được ăn sung mặc sướng đâu?

Mỗi lần như vậy, Tâm càng thấy là nỗi đau tinh thần nó hành hạ con người kinh khủng hơn vật chất hàng vạn lần.

Nỗi đau ấy, bây giờ Tâm phải chịu hàng ngày. Nhất là trông thấy con đang dần dần mất gốc. Làm thế nào, thằng bé này lớn lên sẽ hiểu được tâm trạng của ông cha?

Tâm quằn quại và hình như mỗi ngày thêm nặng nề, bứt rứt, rạn vỡ bao ảo vọng, mà không biết lối thoát của mình sẽ như thế nào?

Mùa đông ở đây u ám, trời thấp một màu chì. Trên nhà bước xuống bếp chưa kịp mở lò sưởi, không khí lạnh buốt xương và tạo nên vẻ trống vắng đến rùng mình.

Mỹ đi chợ về, đứng ngoài cửa gọi chồng:

- Mình ơi, ra vác giỏ vô đi, trời lạnh quá...

Không nghe động tĩnh gì. Mỹ bước vào bếp, một dòng máu đỏ đang chạy từ trên bàn xuống, bên cạnh một đống hành còn hăng. Tâm gục đầu trên con dao sắc bên cườm tay. Mỹ òa khóc, và thâm tâm chẳng hiểu chi hết. Cửa hàng đang phát đạt, Mỹ đang có dự định Tết này sẽ mua một đôi hoa kim cương thật cho mình.

Paris 6-81/9-83
T.T.
(120/02-99)


--------------
(1) Ở Pháp, 2 lần Đảng Xã hội có ông Mitterrand đắc cử Tổng thống.




 

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Nguyệt thực (28/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Tảo mộ (14/01/2010)
Sợi dây (11/01/2010)
Chờ tuyết rơi (04/01/2010)