Truyện ngắn
Tượng đá
10:17 | 04/03/2010
NGUYỄN QUỐC HÙNGThế là đã mười năm, tôi lại được trở về thăm quê, được thắp nén hương lên bàn thờ thầy, u tôi vào ngày giỗ.
Tượng đá
Minh họa: Ngô Lan Hương

Xin đừng bảo tôi vô tình, đừng trách tôi quên làng, quên xóm. Năm nào cũng vào ngày này, tôi thắp hương xin thầy, u tha lỗi. Đường sá xa xôi hơn nghìn cây số, tiều tàu xe là cả vấn đề nan giải đối với đồng lương viên chức của vợ chồng tôi. Rồi thì vợ ốm nằm viện, tôi ốm nằm viện, con thi đại học, bao nhiêu việc phải lo.

Mười tám tuổi tôi nhập ngũ. Cũng từ đó tôi phải xa quê, đến nay đã gần ba mươi năm. Tôi được nghe kể lại, trong suốt thời gian bôn ba khắp các chiến trường, ngày nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, u tôi cũng thắp nén hương cầu khấn cho tôi mạnh chân, khỏe tay, tránh được mũi tên hòn đạn. Không biết có phải do lời cầu khấn của u có linh mà bao trận vào sinh ra tử, cái chết cận kề đều né tránh tôi.

Từ ngày qua đời đến nay, mọi người trong làng đều cho rằng u tôi linh thiêng lắm, bà đã mang lại bao điều may mắn đến cho cả họ Dương trong cái làng nhỏ bé này, con cháu đỗ đạt, ăn nên làm ra. Tôi không tin là có linh hồn nhưng tại sao những người đi đơm cá đêm đều cho rằng, đêm nào đi qua mộ, thắp cho u tôi nén hương thì đêm đó sẽ đơm được rất nhiều cá, lại được nghe u tôi kể chuyện rất vui, tiếng cười ròn tan để lộ hàm răng đen nhánh dưới ánh trăng suông mát lạnh. U tôi tát vét rất giỏi, không lần nào đi tát cá về lại không được một rổ sề đầy cá, áo bết mồ hôi, dính vào tấm thân nhỏ bé nhưng miệng cười rất tươi. U tôi rất dễ gần với mọi người bởi tiếng cười dòn, bởi những câu chuyện kể từ xa xưa đến đời nay, chuyện làng, chuyện xóm không bao giờ hết bằng chất giọng thanh, rõ từng câu từng chữ.

Từ ngày sang cát cho u đến nay là mười năm. Trước mắt tôi khi ấy là cái huyệt tối đen. Phải chăng là có linh hồn của u khiến tôi đau thương đến tột cùng, không dám nhìn xuống chỗ u nằm để tránh nhìn thấy một điều đương nhiên. Chỉ còn là bóng đen âm u, đâu còn là u tôi ngày xưa, đôi chân nhỏ bé như quấn lấy nhau, làm rạp đám cỏ may bên đường trong bước đi nhanh nhẹn, đôi chân đã đi bộ gần hết miền Bắc để thăm nuôi chồng là tù binh trong chiến tranh chống Pháp.

- Cụ trẻ đã về! Gớm chết cụ trẻ định bỏ quê hay sao mà không thèm về cái đất đồng chiêm trũng nghèo đói này.

Không cần quay lại tôi cũng nhận ra Ghế bởi giọng nói nhẹt ra khàn khàn rất hài khó có thể nhầm lẫn với người khác. Anh ta gọi tôi bằng cụ là gọi theo con. Ghế bằng tuổi tôi và là họ xa của tôi.

- Úi chà chà! Có phải ông trẻ Phương đây không. Đúng là dân thành phố, béo trắng đẹp trai quá nhỉ. Hôm nay phải làm cỗ to để đón ông trẻ đấy nhá! Kỵ sướng chưa, kỵ đang mỉm cười nhìn thằng cháu đích tôn duy nhất kia kìa. Sinh viên sử phải không, học xong về quê cha đất tổ này mà sống, cả họ chỉ còn mỗi ông trẻ thôi đấy.

Rồi anh ta giả bộ khóc trước ban thờ thầy, u tôi:

- Ớ kỵ ơi! đến ngày con cháu được làm ông nọ bà kia, nhà cao cửa rộng thì kỵ không được hưởng. Kỵ xem thằng cháu đích tôn kia kìa, nó đẹp trai thế, con gái làng này không ai xứng được với nó.

Ghế đi đến đâu là đem tiếng cười đến cho mọi người. Anh ta quay ra giới thiệu hai người đàn ông đứng tuổi đi cùng.

- Đây là hai bác thợ cả. Ngày mai làng ta sửa chữa lại đình. Có cụ trẻ về đây, thế là họ ta đủ cả. Cụ trẻ sang thăm nhà mới cụ trưởng chưa. Cũng nhà mái bằng, gian thò gian thụt, xanh xanh, đỏ đỏ, bên ngoài trông oai lắm, ai dè bên trong thì nền đất chỗ cao, chỗ thấp, buổi tối đi không quen hẫng chân có mà ngã trật mắt. Cứ để nhà ngói ba gian, hoành phi câu đối trên cột lại hay. Này nhá: “ Nhà cao cửa rộng làm chi, năm con bươm bướm có gì mà vui”.

Ghế cười, cái miệng nhệch ra, cái răng vàng lấp ló sau khóe mép. Ghế nói thầm vào tai tôi, mồm sặc sụa hơi rượu:

- Con mời hai bác thợ cả về, để qua đó cho làng biết cỗ nhà mình như thế nào, khối kẻ muốn nhòm ngó, muốn chọc tức nhà mình. Ông trẻ ơi, ngày mai ông quan trọng nhất đấy.

Thằng con tôi đỏ mặt bẽn lẽn trước những câu đùa của Ghế. Nó giống ông nội nó như đúc, từ khuôn mặt, cái mũi, đôi mắt lúc nào cũng như cười với mọi người, đến nước da trắng hồng, đến cả tính nết rụt rè. Đúng là cả gia tộc họ Dương trong làng này chỉ có Phương là người nối dõi. Bác Khương trưởng họ, năm con gái, các bác khác cũng vậy ít nhất cũng phải ba gái. Thầy u tôi được hai anh em chúng tôi. Anh tôi bằng lòng với bốn cô con gái. Các cháu đều tốt nghiệp đại học rồi công tác luôn ở Hà Nội, ở nhà chỉ còn anh chị hương khói cho thầy u. Khi biết vợ tôi không còn khả năng sinh nở, mọi người muốn tôi lấy thêm một vợ ở quê nữa. Tôi không đồng ý với quyết định này. Bác Khương nói:

- Chú xem, cả làng xã này có dòng họ nào danh giá như nhà ta. Tôi đây mèng nhất cũng là bí thư chi bộ. Chú Thang, thiếu tướng, chú Tân, vụ trưởng. Cháu nó học sử phải không, phải viết một cuốn sử về dòng họ mình. Chú không cho thằng Phương về quê thì chú phải lấy vợ ở quê nữa để giữ cho dòng họ về lâu về dài. Tôi sẽ vận động thím ấy.

Thực lòng, chưa bao giờ tôi nghĩ có nhiều con trai để giữ cho dòng họ về lâu về dài. Nhưng không vì thế mà tôi quên được quê cha đất tổ, quên được dòng họ hòa thuận, kính trên nhường dưới của tôi. Tôi cho Phương về quê chính là để cho nó được nghiên cứu về lịch sử cái làng quê nhỏ bé này. Từ khi còn nhỏ, hình ảnh quê cha đất tổ đã ăn sâu vào trong tiềm thức con tôi bằng những hình ảnh đậm nét huyền thoại qua lời kể của tôi. Nó mong từng ngày được về thăm quê. Những chuôm nước tròn như vẽ, có cái sâu ngập đầu người lớn nằm rải rác khắp cánh đồng. Thầy tôi được nghe kể lại, lâu lắm rồi đã có những cái chuôm này. Chưa ai giải thích khoa học về sự hình thành của nó. Chỉ có truyền thuyết. Đó là dấu chân ngựa của Thánh Gióng khi dẹp giặc Ân ở vùng này. Ao đình làng tôi chính là lúc thắng giặc, ngựa Gióng dừng lại dậm chân hý vang. Còn có huyền thoại của riêng tôi đã trở nên huyền thoại của cả làng. Khi ấy tôi tám tuổi. Trời mưa đối với trẻ thơ bao giờ cũng huyền thoại. Mưa trút dữ dội, cánh đồng sau gặt ngập nước trắng băng. Lũ trẻ đằm mình trong mưa, chạy rông khắp cánh đồng. Chúng tôi chạy về cánh đồng Đỗ, ở đó có rất nhiều cá và chuôm ở đó cũng sâu nhất. Tôi bé nhất không theo kịp những anh lớn tuổi nên chạy tụt lại phía sau. Nước quấn lấy chân mệt nhoài nhưng thật thích. Bỗng nhiên tôi bị hẫng chân rồi như bị kéo tụt xuống vực sâu thẳm, tối tăm mặt mũi, nước sộc vào mồm vào mũi tôi sặc sụa. Tôi không biết bơi, vùng vẫy trong màn nước tối tăm, cố nhoi lên. Tưởng chừng không còn hy vọng gì nữa nhưng rồi chân tôi đạp phải một vật rắn, tôi đạp mạnh nhao lên. Nước chỉ đến ngực. Tôi đang đứng giữa cái chuôm sâu nhất vùng này bởi nước ngập cao, khi nãy tôi không nhận ra bờ của nó. Tôi run lên vì rét, vì sợ và nôn thốc nôn tháo ra toàn nước. Mưa vẫn vỗ ào ạt xuống mặt nước. Tôi không còn thấy đẹp nữa.

Mưa tạnh đã lâu, không thấy tôi về, mọi người bổ đi tìm. U tôi là người nhìn thấy tôi đầu tiên. Bà nhao người xuống nước định ra kéo tôi vào. Nước sâu quá, u không biết bơi, bị nước làm cho ho sặc sụa. Bà dò dẫm tìm chỗ nông. Bà thất kinh khi thấy cuộc sống của tôi bị đe dọa. Bà la khóc gọi người cứu đến lạc cả tiếng.

Mọi người đều khẳng định, cái chuôm này không thể có chỗ nông như vậy. Không tin, cả làng tập trung tát cạn chuôm. Một hòn đá to gần bằng cái chiếu, tròn nhẵn, hình dáng giống con rùa nổi lên giữa chuôm. Một điềm lạ cho cả làng, cả xã. Cả những thanh niên trai tráng ở các làng khác tập trung đưa hòn đá hình rùa về sau đình làng tôi. Hòn đá trở thành vật thiêng của làng.

- Bưng cỗ lên để tôi uống rượu với ông trẻ. Chiều mát, ông cháu mình vãn cảnh đồng quê xem có gì để viết không. Cúng đình xong lại được chén cỗ nữa. Này hai bác thợ cả, hai bác ăn cơm thiên hạ nhiều chắc tửu lượng tương đối. Tôi ngày không được mười chén này thì mồm miệng cứ nhạt thếch, khó chịu lắm. Tiếng Ghế lúc nào cũng át tất cả tiếng mọi người.

Nắng tháng tám oi ả, người ra kẻ vào mồ hôi đầm lưng áo, lũ trẻ đùa nghịch quấn lấy chân người lớn. Mùi khói bếp quyện với mùi phân gà rất khó chịu. Mấy đứa cháu mồ hôi nhỏ thành giọt, tóc bết lại vương đầy tro bếp, tất bật bê mâm lên mời mọi người. Nhà chật, mâm của lũ trẻ được đặt dưới mấy gốc cây hồng xiêm. Đứa ngồi xổm, đứa đứng, đứng nhao người vào mâm gắp thức ăn như tranh cướp, mồ hôi nhễ nhại, quần áo mặt mũi lem luốc, dính đầy thức ăn. Chúng ăn ngon lành. Những đốm nắng nhảy múa trên người lũ trẻ.

Đi đường xa mệt mỏi, không khí trong nhà ngột ngạt, lại thêm tiếng lũ ruồi vo vo bên tai, chúng đậu cả lên mặt buồn buồn khiến tôi thiu thỉu ngủ trên ghế.

- Dậy đi cụ trẻ, uống với cháu chén này cho tỉnh người. Cái chất tinh chế từ gạo này bổ lắm đấy. Ngày nào cháu cũng phải mươi chén, chiều đi du lịch khắp cánh đồng, cụ thấy có sướng không. Cái Lan đâu, dọn mấy chén này đi, bê mâm lên đây cho cụ trẻ uống rượu.

Tôi uể oải ngồi dậy. Mâm cỗ được đặt lên. Chỉ cần ngửi mùi vị từ các món ăn bốc lên tôi cũng có thể đoán được mâm cỗ có những món gì. Mâm cỗ của gia đình tôi bao giờ cũng được đánh giá to nhất làng. Gọi là to cũng được, đúng ra là các bát, đĩa được bày đầy hơn các mâm cỗ khác trong làng. Những món ăn đã trở thành thông lệ của làng, nhà nhà đều thế cả: Thịt gàm thịt ba chỉ luộc lòng đào được coi là sang nhất, chủ đạo là các món nấu rau, thịt cho vào như cho gia vị. Anh tôi đã đi đây đó nhiều, các cháu gái là những đứa khéo tay, sống lâu ở thành phố, nhưng sao họ không thể bỏ được món thịt luộc lòng đào khiến tôi ghê ghê.

Tôi thèm được thưởng thức cái chất dẻo quánh ngọt lịm của bánh chè lam, vị bùi bùi của bánh khoai, kẹo lạc thì ròn tan và ngọt sắc mà khi còn bé, vào những gia đình có việc như thế này đều có. Vóc người nhỏ bé của u tôi lắt lay bên chảo bỏng rang, mồ hôi vã ra. Còn chúng tôi thức suốt đêm để được nhặt những miếng rơi vãi, để u xin phép các cụ cho các cháu được thưởng thức trước, để được nghe u kể chuyện. Sau này chính u tôi cũng quên cả cách làm những món bánh.


Bác Khương ngồi cùng mâm với tôi và hai bác thợ cả. Chén rượu Ghế rót mời tôi còn đầy nguyên thế mà ở mâm, chai thứ hai đã gần cạn. Ghế gắp thịt gà, thịt lợn mời bác Khương và tôi.

- Kính cụ! cụ trẻ dùng đũa đi chứ, còn nguyên thế kia. Ô, kìa! cụ trẻ không uống được rượu à? Thôi để cháu giúp.

Ghế cởi trần trùng trục, mồ hôi nổi từng hạt trên lưng, cọng rau húng dài quá lòng thòng bên mép, luôn mồm nói, luôn tay tiếp thức ăn cho tôi, luôn tay rót rượu vào chén của mình.

Tôi bắt chuyện với Ghế cho vui và để tránh cho anh ta khỏi tiếp thức ăn vào bát của tôi.

- Anh Ghế này, anh còn nhớ hôm thanh niên tập trung ngoài sân đình trước ngày nhập ngũ không. Có phải anh ghẹo cô Thắm để cô ấy đẩy ngã xuống ao đình? Rõ ràng mọi người đều thấy anh ngồi bên cầu ao với cô ấy, thế mà loáng cái đã không thấy anh đâu. Hỏi cô Thắm, cô ấy nói không biết. Chắc là xấu hổ cô ấy không dám nói. Mọi người cuống cuồng đi tìm. ai dè ông mãnh lóp ngóp bò từ dưới ao lên. Thế là thế nào.

Lũ trẻ lúc này đã ăn xong, mồm mép, loen ngoen, ngồi xung quanh mâm của tôi, ngửa mặt lên hóng chuyện. Một phát hiện mới của lũ trẻ để có dịp trêu chọc Ghế.

- Cười cái gì, chúng mày tưởng tao thuộc loại xỏ lá hả! Ma rút đấy cụ ạ. Chúng mày biết gì mà cười, đồ hậu sinh. Cái ao đình ngày xưa nổi tiếng nhiều ma. Ma còn trú ở trên cây đa, đố ai dám trèo lên. Ấy thế mà bây giờ chúng nó có sợ đâu, làm gì còn cây đa bến nước ao đình, ma chạy hết rồi, phá hết rồi, làm gì còn cũ xưa nữa để ông trẻ nghiên cứu, để ông trẻ đi gặp ma xem thế nào. Rùa đá, ngựa đá không dùng vào việc gì được may mà còn. Ngay chỗ cây đa bây giờ là xưởng bia rồi. Cháu thèm vào uống, chua loét, không bằng rượu ngang quê mình. Sắp mở con đường liên xã chạy ngang qua đình rồi đấy, nếu không quản lý chặt thì đình làng rồi cũng trở thành quán bia ôm. Gớm! hôm nọ ra Hà Nội, đi qua mấy phố, nghe tiếng hát trong quán cà phê mà thấy hãi, ẽo à ẽo ợt. Mấy đứa con gái thì xanh xanh đỏ đỏ, làm gì còn có “ Em xinh là xinh như cây lúa- Tình- tình- tình- chát”. Tao đố đứa nào biết hát xoan đấy. Này nhá: “ Đố ai, đố ai hát được mấy lời, mấy lời cho vui”. Ngày mai xây đình là chủ trương đúng của làng. Họ nhà mình đóng góp to nhất đấy. Thế chiều nay, họ nhà mình sắp lễ thế nào rồi cụ trưởng? Phải làm to nhất đấy.

- Hương hoa, oản quả là được rồi phải không bác Khương, có gì đâu mà phải to với lớn. Số tiền dự định làm to, đem góp thêm vào sửa chữa đình có hơn không.

- Thế sao được cụ trẻ.

Cuộc tranh cãi về lễ đình nổ ra. Bát hạ xuống, đũa vung lên, ai cũng muốn giành lời về mình. Nếu không có cuộc tranh cãi này, không có Ghế thì có lẽ mâm cỗ chỉ có tiếng thì thào nói chuyện phát buồn ngủ.

Mọi người đang hăng say tranh cãi thì có tiếng gào khóc thảm thiết ngoài cổng:

- Ơi chị ơi! Sao mà vô phúc thế, sao chị lại rơi vào cái nhà mất gốc ấy, hờ... hờ, chị ơi. Sao chị lại phù hộ cho chúng, để chúng ăn sung mặc sướng, cho chúng nó được học hành nên người để rồi chị phải tủi hổ.

Mọi người vẫn bình thản ăn uống. Tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì.

- Kệ xác! cho lão ấy lu loa. Cụ không phải bận tâm. Mấy năm nay rồi, cứ đến ngày giỗ kỵ là lão ấy đến kêu khóc. Chẳng qua là thấy nhà mình ăn nên làm ra lão ấy ghen tỵ. Chửi chán thì thôi chứ được gì. Cháu đây này, một ngày có đến hàng triệu cái mồm chửi cháu, cả mụ vợ cháu, ngày nào cũng chửi, nó sai thằng cu: “ Lấy ghế cho tao ngồi!” Ấy nó ngồi cả lên mặt cháu suốt ngày.

Tôi không thể cười được trước câu đùa của Ghế, buông đũa đứng lên đi ra cổng. Ông Tánh, em út của u tôi, da dẻ nhăn nhúm, đôi mắt bị lông quặm từ ngày xưa nay chỉ còn lại màu trắng đục, đang ngồi dựa cổng nhà tôi kêu gào.

- Sao thế ông. Hôm nay là ngày giỗ u cháu sao ông không sang?

- Tao không thèm vào cái nhà mất gốc! Khốn nạn chưa chị ơi, hôm nay chúng nó lại tử tế với em thế.

Tôi đỡ ông đứng dậy mời vào nhà. Ông Tánh ẩy tôi ra rồi quay người lại chống gậy dò dẫm đi về để lại cho tôi những lời rỉa ráy rục tỉu. Tôi hỏi chuyện anh tôi thì được biết, mâu thuẫn giữa hai gia đình bắt đầu từ sau ngày sang cát cho u tôi. Tục lệ quê tôi đến nay còn lạc hậu quá. Chỉ có con trai mới được phép tắm rửa xương cốt cho người chết. Thế mà ngày hôm ấy, anh tôi bị ốm không làm được, còn tôi không quen việc này. Bác Khương giao việc này cho Nhận là con nuôi của u tôi từ ngày còn bé. Gia đình bên ngoại tôi không đồng ý. Từ trước tới nay, ở làng này nếu người chết không có con trai thì anh em trai sẽ làm việc này. Ông Tánh khi ấy mắt chưa mờ, là người gay gắt phản đối ý kiến của bác Khương, ông cho rằng nếu ngày mai anh em không làm việc này thì ông sẽ là người thực hiện tiếp sau. Khi nắp quan tài bật lên, ông Tánh định nhảy xuống thì bác Khương cản lại và nói rõ quyết định của bên họ nội chúng tôi. Khi ấy tôi không có ý kiến gì.

Ăn uống xong đã hai giờ chiều, người tôi nhược ra vì nóng bức và mệt mỏi, trong lòng áy náy về chuyện bất hòa trong gia đình. Đành phải gác lại việc hỏi thăm ông Tánh, tôi chuẩn bị để cùng mọi người ra đình. Những câu chuyện đùa vui của Ghế với tôi lúc này quá nhạt nhẽo. Phương chuẩn bị máy ảnh, nó đã nhờ được bọn trẻ dẫn đường tới các chuôm cuối cùng còn lại trên cánh đồng làng, đó là cái chuôm có hòn đá huyền thoại của tôi. Phương hẹn mọi người sẽ tới lễ đình sau. Nó vội vàng muốn được chụp ảnh cái chuôm ấy cũng phải, có tin con đường liên xã sẽ đi qua nơi ấy, một vài người đang chuẩn bị đổ đất lấp chuôm làm nhà.

Trời đổi gió nam mang theo làn hơi nước mát mẻ. Đường chân trời đang đổi sang màu xám chì báo hiệu cơn dông hoặc mưa sắp tới.

Mâm lễ được hai đứa cháu gái bưng trịnh trọng đi trước, chúng tôi đi sau vui vẻ chuyện trò. Trước mắt tôi là mái đình “Quá cổ Kính”, mái đao có chỗ đã bị rạn nứt tường tróc lở gần hết để trơ những đường gạch nham nhở, gạch lát sân đình chẳng còn viên nào. Không gian thoáng đãng của đình nay đang bị đè nén bởi xưởng bia, bởi những ngôi nhà mái bằng vôi ve xanh đỏ mọc lên trên vườn cây “ các cụ” khi xưa.

- Khác xưa nhiều quá! Tôi thốt lên một mình.

- Cụ xem ngựa đá kia! May mà còn.

Tôi nhìn về phía ngựa đá thiêng liêng đầy bí ẩn đối với lũ trẻ con chúng tôi. Khi ấy ngựa đá đứng khoan thai cạnh gốc nhã cổ thụ. Nay gốc nhãn chẳng còn. Tội nghiệp cho ngựa đá phải dầm sương dãi nắng, rêu phong đã mọc đầy người, không ai ngó ngàng tới.

Bác Khương đặt mâm lễ lên bàn rồi lùi xuống thành kính chắp tay vái. Chúng tôi đứng sau vái theo. Mâm lễ của chúng tôi quá nhỏ nhoi, lạc lõng so với những mâm xôi gà, thủ lợn xếp chung quanh.

- Đúng là đồ mất gốc, chỉ biết ăn cho sướng mồm! Có ai đó nói phía sau. Tôi biết họ ám chỉ ai.

Lễ xong, chúng tôi ra ngồi uống nước, nói chuyện với mọi người. Đám bạn cũ thông cảm cho hoàn cảnh của tôi khiến tôi không về thăm quê được. Gặp lại mấy người cùng nhập ngũ khi xưa thật vui vẻ. Chúng tôi về đủ cả, không ai nằm lại chiến trường. Tôi thấy ông Tánh lọc cọc chống gậy đi vào vẻ mặt không vui:

- Họ nhà anh Khương đâu? Nay có cả thằng út về đây, họ nhà anh đông đủ cả. Hôm nay có cả làng, tôi đề nghị các anh chuyển hòn đá sau đình đi ngay, nếu không tôi cho thanh niên đập nát ra đừng có trách. Đây là nơi thờ cúng của cả làng, đâu có phải riêng của gia đình anh.

Mọi người kéo nhau ra sau đình, nơi đặt hòn đá hình rùa.

- Ông đe lần này là lần thứ mấy rồi đấy. Có giỏi đi mà đập! Ghế đi phía sau, mặt vênh lên, giọng nói kéo dài ra vẻ ngạo mạn và thách thức.

- Đừng có mà trách tôi! Ông Tánh trợn mắt lên giận dữ. Đôi mắt không thần khí.

- Chú ạ! Không phải gia đình cháu tự ý chuyển hòn đá về đây, chính chú đã đề nghị việc này, mọi người đều cho đó là vật thiêng, là lịch sử của làng. Anh em cháu có điều gì không phải xin chú dạy bảo, làm điều này e rằng gây điều tiếng trong làng xóm. Tôi nhẹ nhàng nói và gọi ông bằng chú như ngày xưa còn bé.

- Không chú cháu gì với nhà anh. Chúng mày, đập ra cho tau!

Hai thanh niên chắc là cháu của chú tôi vung hai chiếc búa tạ đã chuẩn bị sẵn, quai mạnh xuống hòn đá. Những tiếng cạch khô ròn đều đều dội lên sau mỗi lần vung tay của hai thanh niên. Những vệt lửa sáng xanh tóe lên dưới đầu búa. Hòn đá vẫn trơ trơ vẫn tròn trĩnh không một vệt xước.

- Hơ... hơ... hơ...! Quai mạnh vào, tối về ăn cỗ cho ngon.

Ghế cười sảng khoái, tin tưởng vào sự thách thức của mình. Bầu trời đã kín một màu xám chì, nặng nề. Gió thổi mạnh hơn, cây cối ngả nghiêng. Một tia chớp lóe lên như một lưỡi gươm vạch ngang bầu trời. Sau đó là tiếng sấm đanh, rền vang nổ ra dữ dội ngay trên đầu mọi người. Những hạt mưa to, nặng bắt đầu quất lẹt đẹt xuống sân đình. Mọi người ùa chạy vào trong đình trú mưa. Ông Tánh cũng khua gậy chập chững chạy theo. Không ai dẫn đường cho ông. Chỉ còn mình tôi buồn rầu đứng nhìn những vết xám trên tảng đá, tôi không muốn chuyến về quê của mình lại như thế này.

- Kìa bố! Sao bố không chạy mưa, ướt hết cả rồi!

Tôi quay lại thấy Phương, người bê đất bùn đất nhưng ánh mắt rất vui.

- Sao lại lấm lem đất thế này?.

- Không sao đâu bố ạ. Con chụp được cái chuôm đấy rồi. Người ta bắt đầu đổ đất lấp, chậm chút nữa thì chẳng còn gì để chụp. Bố cầm máy ảnh cho con.

Phương đưa máy ảnh cho tôi rồi chạy ra ngoài mưa. Tôi vào trong đình. Mưa bắt đầu ào ạt dội xuống. Không khí mát mẻ dễ chịu. Không gian trong đình càng thêm mờ mờ tối bởi trời mưa và người chật kín bên trong. Tôi đứng tựa lưng vào cửa nhìn vào. Ánh sơn son thiếp vàng trên những pho tượng lấp lóe tỏa sáng huyền ảo. Ánh mắt hiền từ bao dung, miệng mỉm cười thân thiện của những pho tượng đang nhìn xuống mọi người. Không còn cuộc cãi vã nào nữa, mọi người đều thành kính trước những pho tượng. Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao những tượng Phật lại sơn son thếp vàng.

Ngọn gió ném vào tôi những giọt nước mát lạnh. Mành mưa trắng đục đang giăng trước cửa đình. Bóng áo trắng của Phương nhạt nhòa trong mưa. Nó tắm rửa cho ngựa đá. Ánh sáng lại tỏa ra trên người ngựa đá. Phương nhảy lên ngựa. Ngựa đá hý vang làm cho đất dưới chân lõm xuống thành ao. Ngựa đá sải chân phi, những chiếc chuôm hiện nên sau dấu chân. Phương cười giơ tay vẫy một người đàn bà nhỏ bé đang lặn lội bắt cua lưng còng gập xuống như con rùa cần mẫn. Đúng là bà nội thằng Phương, tiếng cười ròn tan để lộ hàm răng đen nhánh.

Bóng áo trắng của Phương vẫn nhập nhòe trên lưng ngựa đá.

Tháng 7- 1999
N.Q.H
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Lão Păk (01/03/2010)
Chữ “Nhàn” (26/02/2010)
Giếng loạn (08/02/2010)