Truyện ngắn
Hoa cỏ
10:00 | 29/03/2010
NGUYỄN NHÃ TIÊNChiếc ba lô xọp xẹp đeo trên lưng một cách lỏng lẻo trông chẳng ra ký lô nào, ấy vậy mà cứ đi một quãng, Quỳnh lại dừng lại xóc xóc cái ba lô cho ngay ngắn trên lưng rồi lại bước đi tiếp. Động tác này có vẻ như một thói quen đã thành cố tật hơn là vì phải mang nặng nên tìm cách thư giãn nghỉ ngơi chốc lát.
Hoa cỏ
Minh họa: Ngô Lan Hương

Tiết tháng mười, cả vùng đất cát ven sông mùa này chẳng gieo vãi được gì nên vẳng vẻ người qua lại. Quỳnh theo lối ven cồn cát bên sông, nhắm hướng những qủa đồi lúp xúp phía thượng nguồn cắm cúi bước. Thỉnh thoảng, vài đám mây xám xịt từ phía biển ùn ùn bay sà xuống dọc theo sông như hù dọa một cơn mưa đổ ập xuống vô chừng. Trời cuối thu se lạnh mà Quỳnh thì nghe nóng ran cả người. Đáng lẽ ra, khi vừa xuống bến xe, là Quỳnh có thể đón xe ôm theo con đường đất đỏ băng qua cầu Mới về đến làng sớm hơn. Nhưng anh không muốn thế. Đã hơn hai mươi năm rồi, Quỳnh chưa bao giờ đi lại lối đi ven sông này. Con sông Rù Rì vào mùa hạ, lội băng qua, nước không quá gối, nhưng mùa này thì phải qua lại bằng đò ngang. Làng Bồng Lai nằm phía tả ngạn dòng sông tiếp giáp với những quả đồi, chân của dãy Trường Sơn.

Quỳnh không thể nào hình dung ra từng bến sông ngày xưa anh thường đi qua. Cả vùng tả ngạn cát trắng mênh mông, giờ lại bồi thêm lớp lớp cát trắng trông cứ như một sa mạc. Những bến Si, bến Đợi, bến Tình đã chìm sâu dưới những gò cát. Người làng Bồng Lai xem cát trắng như một tặng vật ối thừa của thiên nhiên chẳng làm nên công ích gì. Đã từ xa xưa, họ gọi cát trắng bằng cái tên khá là điệu đàng: “ Bạch sa hoang phế”. Hoang phế là bởi, suốt bao đời nay người làng Bồng Lai chẳng ai biết đến xây dựng nhà cửa là gì. Lá và lá tất, lợp và che nhà cửa toàn những lá: tranh, cói, rơm rạ... Đứng trên đồi núi xa xa nhìn xuống làng Bồng Lai, những mái nhà thấp lè tè sát mặt đất, trông giống như những tổ chim. Cái làng nghèo cơ cực ít nơi đâu sánh kịp, lại càng không thể sánh kịp bằng những cái tên gọi mê ly, khá mâu thuẫn với những cuộc đời xiêu vẹo nắng mưa. Bồng Lai gì mà một bên cảnh tình toàn cát trắng, lội bộ rạc cả chân. Một bên làng là những ô ruộng bậc thang nhảy cóc đến chân đồi, phèn vàng xỉn từng lớp, Quanh năm cây lúa èo uột chỉ toàn rơm rạ đốt gởi khói cho trời nhiều hơn là thóc. Con cái của làng phía ven sông, sinh sống nhờ vào con tôm con tép, phía ven đồi núi thì nhờ vào sim, hạt dèo, chà là. Hết mùa trái rừng, quay qua than, củi... Đất như thế mà lại là đất Bồng Lai, làng như thế mà sông suối nhởn nhơ Rù Rì. Những cuộc đời tất bật lam lũ thế kia thời giờ đâu mà bến Tình, bến Đợi, bến Si kia chứ. Những vị tiền hiền khai khẩn xứ này là những nhà nghệ sĩ đầy ắp mộng mơ lãng mạn, hay cái đẹp gì khuất tất dưới đất đai cằn cỗi này, được con người khám phá nuôi dưỡng gởi khát vọng vào đất như một lời hẹn ước vĩnh hằng. Quỳnh cắm cúi bước, những suy nghĩ của bất cứ ai lần đầu tiên đến làng Bồng Lai này cũng đều như thế cả. Chính anh cũng đã từng cười cợt chế nhạo khi vừa đặt chân đến đây. Nhưng rồi Quỳnh có một làng Bồng Lai riêng cho mình. Thậm chí, đất này còn là quê nhà của anh, là máu thịt của anh dù đã bao năm anh phải xa làng.

Đoạn sông càng đến gần phía những quả đồi nước càng xiết. Đi trên bờ sông nghe rõ tiếng nước như trò chuyện với người, lúc thầm thì, lúc reo lên hối hả. Bến Đợi chìm đâu dưới cát trắng cồn bãi này. Ngày xưa cũng vào độ thời tiết này, mỗi lần Quỳnh về thăm làng, nhất là lỡ những chuyến xe phải về tối. Đứng trên bến Đợi này dù sớm hay khuya khoắt, chỉ cần nghe tiếng anh cất lên gọi đò là lập tức bên kia sông có tiếng trả lời, rồi tiếng con thuyền rẽ nước chèo qua đón anh. Đò bến Đợi không giống như những con đò trên các bến sông khác. Tất cả dân làng ven sông đều là những người thay phiên nhau chèo đò. Không người lớn thì trẻ nhỏ, nhà nào cũng có những chiếc thuyền lá vừa dùng đánh bắt cá tôm vừa đưa khách sang sông. Ăn ở với nhau thân thiết đến độ làng thuộc lòng giọng nói, hơi thở. Nói không ngoa chút nào, có khi nghe cả mùi vị mồ hôi còn nhận ra nhau như vợ nhận ra chồng, em nhận ra anh, mẹ nhận ra con... Gắn bó tình yêu như thế mà đãi bôi nhau, họa có thú. Bỗng dưng, Quỳnh mong cho trời chóng tối, bỗng dưng anh thèm thuồng một ánh trăng. Những đêm trăng đẹp đẽ trong veo bầu trời mùa hạ, làng Bồng Lai trở thành một non tiên rơi xuống cuộc đời này. Con gái Bồng Lai thường có thói quen tắm sông đêm. Vào những mùa trăng, cả dòng sông rải đầy dát vàng dát bạc. Từ những chớp sáng sấp ngửa lấp lánh bồng bềnh ấy, phát ra giòn tan tiếng cười con gái. Những nàng lọ lem, phút chốc nhờ dòng nước nhiệm màu, khoe những làn da trắng trong như tuyết. Làm như ánh sáng không phải từ trăng mà từ những đôi mắt thủy tinh chơm chớp, từ những làn tóc óng ánh bồng bềnh, được dòng nước vuốt ve một cách đa tình. Chính những lúc như thế, tên gọi làng Bồng Lai không hề phí phạm một ngữ nghĩa nào cả.

Nếu như có những tình cờ mang đến cho con người một sự may mắn nào đó, thì cũng có những tình cờ mang đến cho con người sự rủi ro. May mắn và rủi ro, khổ đau và hạnh phúc, giải phóng và tù ngục... Tất cả những thứ ấy cứ xoắn vào nhau chẳng biết đâu mà lường. Cho mãi đến bây giờ, Quỳnh vẫn khó mà lý giải sự tình cờ của hơn hai mươi năm trước đối với anh trên cái làng Bồng Lai này nó thuộc về phía nào, may mắn hay rủi ro. Chỉ có điều, chính sự tình cờ này đã kéo Quỳnh vào một cuộc đời khác, một thế giới khác. Thế giới mà từ những ô ruộng bậc thang vàng xỉn chua phèn, ụt ẹo cây lúa, đã biết gởi khói bay lên chật cứng bầu trời nuôi dưỡng giấc mơ cho con người. Thế giới mà đất đai không cho con người hạt, trái, để no nê từng bữa cơm, lại tốt tươi hoa dại hoang đường cả một vùng đồi núi.

Quỳnh là đứa con côi cút trong một làng mồ côi. Từ những ngày còn học tiểu học, rồi trung học Quỳnh đã quen thuộc với nghề vẽ bong bóng đi bán dạo. Cái nghiệp vẽ vời đeo bám anh như một lời nguyền của số phận. Xong trung học, Quỳnh vào học được vài năm mỹ thuật thì chiến tranh kết thúc. Sau ngày giải phóng, nghề họa sĩ lỡ dở như Quỳnh thường xuyên thất nghiệp. Lâu lâu có lễ lạt nào đó, cơ quan không tin phường mới nhờ đến bàn tay anh trưng bày khẩu hiệu, áp phích. Không thân thích, không họ hàng, một lý lịch lờ mờ như thế anh không dễ xin việc ở bất cứ một cơ quan nào. Giữa lúc thất nghiệp lang thang đến phát chán, Quỳnh đang dự định đi lên vùng kinh tế mới Tây Nguyên, thì một tình cờ xảy ra. Tự, bạn Quỳnh, cũng có quê chung mồ côi, mồ cút như anh, chỉ khác một điều, Tự là đứa con lai cha Tây mẹ Việt. Không rõ lý do nào, Tự trở thành kép hát cho một đoàn cải lương của tỉnh. Sau chiến tranh, có quá nhiều những đổi thay. Có những bất ngờ đến độ chỉ còn biết há mồm kinh ngạc. Nghe Quỳnh kể về dự tính sẽ rời thị xã lên khu kinh tế mới. Tự khuyên anh về đầu quân một đoàn cải lương đang cần họa sĩ: “ Cậu có nghề vẽ, nói cho oai hơn, là một họa sĩ, mà ông trưởng đoàn hát này rất cần một tay thiết kế trình bày sân khấu”. Nghe theo lời Tự, anh xin vào đoàn hát qua sự giới thiệu của Tự với ông trưởng đoàn Bùi Cường. Một buổi thử tay nghề, không quá khó khăn đối với một tay thợ vẽ hơn mười năm lang thang, ném những giấc mơ vào những chiếc bong bóng bay. Một tiệc rượư gạo đình đám nhờ số tiền chi viện tốt bụng của Tự, là biên giới cho một cuộc đổi đời, cũng khá bất ngờ như bao bất ngờ khác.

Ngược xuôi với đoàn hát qua bao nhiêu làng quê thôn xóm. Tiền lương thu nhập ít ỏi đủ lất lây qua ngày. Cái được nhất với Quỳnh là được đi đây đi đó. Thế giới nào quyến rũ lọt vào đôi mắt của Quỳnh, lập tức ùa vào cái bể tiềm thức bao la của anh, chôn chặt vào đó như khảm khắc vào đá. Tranh vẽ của Quỳnh chất đầy ba lô, túi xách, thùng, rương. Có lần, trưởng đoàn hát Bùi Cường đã tức tối răn đe Quỳnh:

- Đoàn cải lương chứ có phải xưởng vẻ của cậu đâu, lại toàn là ma quỷ trần truồng, đồi trụy không chịu được, Quan điểm lập trường của cậu sặc mùi tiểu tư sản. Văn nghệ của ta là phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân cậu hiểu chứ?

Quỳnh hiều thì hiểu, mà tranh vẽ của anh vẫn là mớ đề tài săn lùng từ những mông má hầm hập, khuôn ngực cháy lửa thanh xuân. Anh nói với trưởng đoàn Bùi Cường:

- Vẫn chưa thấy bức nào ăn ý anh ạ, em muốn cất vào thùng cả đấy. Mong có một bức nào đẹp để gối đầu ăn ở nhưng chưa ra hồn. Hay là sức vóc của em đến đây là chấm hết.

Trưởng đoàn Bùi Cường trừng mắt nhìn anh như đầy vẻ hăm dọa: “ Rồi cậu sẽ có nơi mà gối đầu ăn ở, nếu cứ tiếp tục trò chơi dại dột của mình”. Đa bao nhiêu lần Quỳnh muốn vứt cọ vẽ quên đi hiểm họa đó. Khốn nỗi, anh là họa sĩ trang trí cho sân khấu. Thế nên, nghề kéo luôn theo cái nghiệp đê mê. Và rủi may số phận như chờ sẵn, đã đốn ngã anh trên cái làng Bồng Lai định mệnh này.

Mỗi dịp có đoàn dân ca này, gánh hát kia về trình diễn là kể như làng Bồng Lai hội hè suốt cả ngày đêm. Người ta dễ dàng quên hết mọi khốn khó kể cả sự hù dọa của mùa màng thất bát. Vào mỗi chiều, khi chiếc máy điện của đoàn hát nổ lên, rồi tất cả hàng chục cái bóng đèn trăm oát treo trên sân bãi sáng rực ngời ngời. Sớm nhất, vẫn là lũ trẻ nhỏ, chúng kéo đến sân bãi hò reo tưng bừng. Nhà nhà, những bữa cơm tối sớm hơn thường lệ. Những đồng bạc tích góp từ gánh củi, gánh than, từ con tôm con tép được trút ra đến đồng cuối cùng. Cán bộ, diễn viên của đoàn hát, được chính quyền địa phương bố trí cho ở ngay nhà thông tin của ủy ban xã. Họ trở thành những sứ giả mang phép màu ở một hành tinh nào đó đến cái ốc đảo heo hút này, toa rập với hoa cỏ đồi hoang, với khói bay lãng đãng trời chiều, gieo cấy cho đất Bồng Lai thêm mỡ màu mộng mị hoang đường.

Quỳnh đã phát hiện ra đất Bồng Lai hào phóng không nơi nào sánh kịp. Hoa dại sim, mua tím biếc chật chiều. Và nhất là đúng mùa trăng, ngồi bên dòng Rù Rì nhìn những nàng tiên hò reo vẫy vùng trên sông nước thì không đâu bì kịp. Nó vừa thực vừa hư, cứ tựa như một cõi đào nguyên nào đó không bén mùi trần thế. Nhưng phải đến một buổi chiều, Quỳnh mới thực sự ngã gục trước làng Bồng Lai nhan sắc.


Quỳnh đang loay hoay trước bức tranh còn dang dở. Trên đồi sim, một góc trời tím ngắt mơ hồ, hàng hàng lớp lớp đôi môi thiếu nữ trổ ra từ những đóa sim... “ Một bức tranh thì có khác gì một bài thơ màu sắc”. Quỳnh lảm nhảm như kẻ mộng du lạc đường. Bất ngờ, tiếng cười con gái trong trẻo từ phía sau lưng anh cất lên. Quỳnh giật mình quay lại.

- Anh là họa sĩ của đoàn hát à? Cô gái như từ giấc mơ bước ra nhìn đăm đăm vào bức tranh vừa hỏi anh.

- Vâng, thưa cô... Quỳnh chẳng nói thêm được lời nào nữa. Ngôn ngữ chết điếng trước một sắc đẹp. Biết nói thế nào nhỉ, đôi mắt hiền từ như mắt Đức Mẹ, dáng đi thanh thoát, tóc xõa mượt mà như bóng dáng thiên thần, bộ áo quần lụa tím thẳm hơi buồn một chút như bóng của tình nhân... Cô gái bước tới sát bên giá vẽ rồi nhìn Quỳnh nói bông đùa:

- Hàng trăm đôi môi thơm này có đôi môi nào của em trong tranh không anh?

Quỳnh lóng cóng, trả lời như một phản xạ:

- Giá như vẽ được đôi môi đẹp của cô, có chết cũng yên lòng để đời một tác phẩm.

Cô gái lại cất tiếng cười trong veo. Dòng thanh âm từ đôi môi cơ hồ như không thực, hoang đường đến từng tế bào da thịt. Quỳnh cố giữ vẻ bình tĩnh, nhìn vào cô gái một cách nghiêm túc hơn. Tiếng cười này anh đã nghe quen lắm, gần gũi lắm. Hình như là nó đã gieo vào anh nỗi đê mê từ dòng sông Rù Rì kia, hay là một nơi nào đó từng làm anh dạt dào cảm xúc khi cầm trên tay cọ vẽ.

Những ngày sau đó Quỳnh và Huệ, tên cô gái, trở thành thân thiết với nhau. Nhà Huệ ở giữa một khu vườn dưới chân đồi sim. Khắp vườn, chỉ trồng một thứ hoa trùng tên với chủ nhân của nó. Huệ đang là bí thư xã đoàn. Trong chiến tranh cô được đưa ra miền Bắc học, cha mẹ Huệ đều hy sinh. Đáng lẽ ra, với trình độ xong trung học và lý lịch của mình, Huệ có thể xin một việc nào đó ở các cơ quan huyện hoặc tỉnh khi vừa từ miền Bắc trở về. Nhưng Huệ nhứt quyết về làng Bồng Lai công tác ở đoàn xã. Quỳnh đã hỏi thử lý do, nhưng Huệ trả lời một cách mơ hồ.

- Dường như người làng em, xa làng là việc khó nhất trên đời. Ai xa mấy trong chiến tranh rồi cũng trở về. Chết thì nằm trên đồi với rừng sim ấy. Làng nghèo nhất nước, xa thì không ai chịu xa, còn hỏi vì sao thì em chẳng thể nào giải thích.

- Có lẽ là đất Bồng Lai thiêng thật. Tôi đến đây rồi cũng muốn ở luôn đây, nói gì em, nói gì người trong làng. Quỳnh nói vu vơ, không hề có ý định tán tỉnh bông phèng. Đất quả lạ lùng, chỉ thích mọc toàn những hoa. Cứ nhìn ra cái vườn huệ hồng kỳ diệu ngát hương kia đã hiểu người xưa đã có lý khi đặt tên cho làng.

Trưởng đoàn Bùi Cường đã nhiều lần cảnh cáo Quỳnh về chuyện bê bối trong công tác của anh, nhất là mấy đêm gần đây Quỳnh đi chơi suốt không về. Tất cả rồi cũng qua đi sau khi Quỳnh ngồi viết bài kiểm điểm. Nhưng lần này thì không thể, dứt khoát không thể.

Trong lúc cả đoàn đang tất bật lo cho những đêm diễn cuối cùng ở làng Bồng Lai. Một buổi trưa, nhìn vào nhà thông tin thấy cửa khép kín. Bùi Cường nghi ngờ Quỳnh bỏ đi chơi lăng nhăng, ông đến nhìn qua khe hở cánh cửa. Một chuyện động trời xảy ra trước mắt ông mà có lẽ, đến suốt đời cầm chịch ca xướng này sẽ không bao giờ ông gặp lại. Giữa đồ đạc lỉnh kỉnh phông màn thùng rương, nơi dành cho họa sĩ vẽ và thiết kế sân khấu. Một bức tranh thiếu nữ khỏa thân bay lên từ một rừng hoa huệ hồng thắm. Người thiếu nữ trong tranh chính là cô Huệ bí thư đoàn Bồng Lai, còn Quỳnh thì ôm bức tranh ngủ ngon lành. Ngủ say đến độ Bùi Cường mở cửa, dậm những bước chân giận dữ thình thịch xuống nền nhà, miệng liên tục la hét nguyền rủa. Quỳnh vẫn ngủ như chết, anh quên mất cuộc đời đang xảy ra chung quanh. Nhưng trưởng đoàn Bùi Cường đã kéo Quỳnh đứng dậy, tát vào mặt anh hai cái tát nẩy lửa trước mặt đông đảo diễn viên và cán bộ xã đang đứng chật trong phòng. Tất cả sững sờ nhìn anh như nhìn một sinh vật lạc lõng từ một hành tinh xa lạ rơi xuống nơi này. Nhưng Quỳnh quên khuấy hết, anh chạy theo tiếng khóc thét của Huệ từ đám đông lao ra sân bãi về đến tận nhà. Trước mắt anh, một chiếc bóng thiên thần lõa xõa giữa bạt ngàn hoa. Anh bay theo, bay theo chấp chới như rơi vào một vực thẳm không đáy.

Cuộc họp chớp nhoáng của đoàn hát sau đó đã quyết định sa thải Quỳnh, họa sĩ của đoàn. Tệ hại hơn nữa, anh còn bị công an xã mời lên cảnh cáo. Thế rồi. một bất ngờ khác lại tiếp tục xảy ra. Cô bí thư xã đoàn can đảm đứng ra bảo vệ cho Quỳnh. Lại thêm một cái giá đắt phải trả, Huệ bị cách chức vì đồng lõa với hành vi gieo rắc văn hóa đồi trụy.

Đám cưới Quỳnh- Huệ được tổ chức lặng lẽ sau khi đoàn hát rời làng Bồng Lai được mươi hôm. Đất Bồng Lai lãng mạn cưu mang thêm một đứa con hoang đàng hư hỏng hơn bất cứ đứa nào. Từ đó trên đồi sim tím biếc, người ta lại thấy một đôi trai gái sớm hôm đi về. Chiều chiều, bên ly rượu khề khà với hoàng hôn, những người già làng Bồng Lai thường mở đầu bằng câu chuyện của Quỳnh và Huệ, mà theo họ, chẳng khác gì Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Xét về mặt luân lý, thì tình yêu họ Chử còn đồi trụy hư hỏng hơn nhiều, bởi họ dám trần truồng giữa thanh thiên nhật nguyệt.

Nhưng thượng đế luôn chơi trò trêu người trước tài hoa và nhan sắc. Hơn một năm sau ngày cưới. Khi Huệ vừa sinh bé Nhàn, đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn trong nôi, thì một cơn bệnh quái ác vô phương chạy chữa đã cướp mất sinh mạng của Huệ. Ôm con vào lòng, Quỳnh tưởng không thể nào sống nổi, nhưng tiếng khóc bé Nhàn rát bỏng ngực anh, vực anh đứng dậy. Quỳnh mai táng vợ giữa vườn huệ hồng tươi thắm. Anh lên đồi sim gánh đá về xây tròn mộ vợ, trồng huệ lên che kín nơi Huệ nằm. Ngày ngày ẳm con trên tay, anh chạy khắp làng Bồng Lai xin sữa cho con. Đời sống cha con Quỳnh mỗi ngày bế tắc hơn, anh bế con đứng trước mộ vợ khấn thầm: “ Phải tạm xa em thôi Huệ ơi! Anh phải đưa bé Nhàn về phố, vẽ vời tạm bợ sống qua ngày. Chừng nào con trưởng thành xong anh sẽ về với em”. Lời Quỳnh vọng đến nơi đâu mà gió đồi sim thổi lùa qua vườn hoa huệ sắt se phơ phất, như âm vang một lời hẹn ước từ đâu xa thẳm vọng về. Sau khi gửi phần mộ của Huệ cho bà con họ hàng chăm sóc, cha con Quỳnh lặng lẽ rời làng Bồng Lai vào một sớm mai mà anh không còn nhớ rõ ngày nào.

Hai mươi năm lang thang khắp phố người. Đã bao lần nguy kịch áo cơm, bức tranh “ Nàng Huệ” Quỳnh mang theo, đã nhiều khách lịch lãm am tường trả với cái giá hàng trăm triệu đồng. Nhưng Quỳnh nhất quyết không bán. Quỳnh cuốn tròn bỏ vào trong tủ để tránh bớt những cám dỗ của đói no. Mỗi lần nhớ Huệ, anh mở tranh ra xem rồi lại cất vào chỗ cũ.

Đám cưới cho Nhàn xong, Quỳnh vui hơn lúc nào hết. Quyết định về làng Bồng Lai, anh đã báo từ lâu với con gái nên không có gì trở ngại. Nhàn biết tính của ba mình, đã từng nghe ba kể về tình yêu với me, nên chuyện ba về làng Bồng Lai chỉ là vấn đề thời gian. Một sớm mai, vợ chồng Nhàn tiễn anh ra bến xe khách, nghe con nhắc về bức tranh, Quỳnh mỉm cười trả lời:

- Ba về làng Bồng Lai là phải đi với mẹ con, đi một mình ba chịu sao nổi. Các con đều là thầy cô giáo cả rồi, ba yên lòng và chắc mẹ các con cũng vui thôi. Hè hoặc tết các con nhớ về thăm ba mẹ là quí lắm rồi.

Từ biệt vợ chồng Nhàn, Quỳnh bước lên xe khách. Chuyến xe rời bến khá sớm thế mà cứ hỏng hóc dọc đường, đến quá trưa mới về đến thị trấn. Quỳnh mang ba lô cuốc bộ ra bờ sông. Anh đi như trẻ thơ được về nhà với mẹ. Cái thể trạng lúc nào cũng thắc thỏm bần thần. Hai mươi năm rồi, mọi bến bờ bồi lấp như thế này chưa chắc vườn huệ nhà anh vẫn còn. Nhưng không hề hấn gì, rồi anh sẽ trồng lại. Mộ Huệ chắc là hoang tàn lắm, được cái nằm ở chân đồi thì biển dâu khó mà bồi lở, hư hỏng. Quỳnh bước theo ven sông Rù Rì, tiếng nước trôi róc rách bên tai thoáng mơ hồ như tiếng cười trong veo con gái. Anh lại mong cho trời chóng tối, thèm có được một ánh trăng. Nhưng mùa này, trời u ám thế kia thì mong nỗi gì.

- Này chú, đi đâu mà lấp gấp thế, lên núi hay qua làng Bồng Lai?

Quỳnh giật mình ngẩn mặt rồi quay lại nhìn lui. Thì ra anh đã đến đò bến Đợi mà không hề hay biết, nếu không nghe tiếng người chèo đò nhắc nhở có khi anh lên luôn núi thật. Quỳnh bước lên chiếc thuyền lá, nhìn người chèo đò rất quen thuộc, anh cố nhớ ra tên gọi.

- Trời đất, chú là Quỳnh họa sĩ phải không. Tôi là công an xã ngày xưa có lần bắt chú đây mà.

- Là anh đấy ư, bây giờ anh chèo đò kia à. Giờ thì tôi nhớ ra rồi.

- Dâu bể mà chú ơi, sao chú lại về một mình, cháu Nhàn ở đâu, chắc là nó lớn lắm rồi... Nhớ chuyện xưa tôi áy náy hoài.

- Thôi quên đi anh ạ, hồi đó nó phải thế. Nghệ sĩ như ông Bùi Cường trưởng đoàn tôi, còn gấp mười lần anh. Tôi đã lo chồng con cho cháu Nhàn rồi, các cháu đều đi dạy cả. Lần này tôi về ở luôn, không biết vườn huệ nhà tôi đã thành rừng chưa?

- Rừng sao được mà rừng. Họ hàng vẫn đến chăm sóc luôn. Tết hay ngày lễ, hoa huệ vườn anh chưng khắp nhà làng Bồng Lai này. Bà con ở đây chẳng ai đi đâu hết, mà ai có đi xa rồi cũng trở về, như chú đây cũng thế. Đất nghèo mà thiêng thật.

Câu nói này ngày xưa Huệ đã nói với anh không biết bao lần. Thuyền ra đến giữa dòng sông, mùa tháng mười sông rộng khiếp. Chỉ tiếc là trời u ám quá. Nếu không, một ít nắng chiều cũng làm dòng sông ánh lên vô số mảnh ngọc khoáng. Từ những mảnh ngọc kia, Quỳnh sẽ nhìn thấy đôi mắt Đức Mẹ của Huệ, sẽ nhìn thấy mái tóc thiên thần lõa xõa trên sông nước. Nhưng lo gì, Quỳnh đang về làng Bồng Lai chứ có đi đâu xa xôi nữa đâu.

Đà Nẵng 30/10/1999
N.N.T
(134/04-00)



 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hoa xuyến chi (19/03/2010)
Đón Tết (18/03/2010)
Ba nhạn (18/03/2010)
Trà thiếu phụ (15/03/2010)
Người vợ quê (08/03/2010)