Cậu bé phụ việc bên cạnh nhanh chóng bê toàn bộ cái khuôn nhúng vào bể nước. Một tiếng "xèo" sôi sùng sục và khói trắng bốc mùi lên. Sau độ một phút, cậu bé nhấc khuôn ra khỏi bể nước, đặt xuống trên tấm đá rộng phẳng lì của nhà xưởng. Hai tay cậu khéo léo nhấc hai càng khuôn ra, để lộ bên trong một chiếc lọ hoa xinh xắn, miệng lọ hoa xòe ra như năm cánh hoa. Cậu hoan hỉ la to: - Anh Toàn ơi! Đẹp quá! Người thợ học việc tên Toàn còn rất trẻ, độ hơn hai mươi tuổi, vừa thở vừa cười phô hàm răng đều như bắp: - May quá! Mãi mới được.
Nói xong, anh kín đáo nhìn bác thợ cả - người truyền nghề cho anh - một người nổi tiếng khắp các tỉnh phía Bắc lưu lạc vào đây từ đầu những năm năm mươi khi anh chưa ra đời. Lâu hơn nữa, khi ba mẹ anh hãy còn là những đứa bé cởi truồng chạy tồng ngồng khắp xóm. Bác thợ cả đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ rồi chậm rãi bước xuống đến bên tấm đá, dặt tay rà quanh miệng lọ hoa. Sau đó ông dùng ba ngón tay phải nhấc lọ hoa lên xoay vòng. Vừa xoay ông vừa gõ vào hông lọ hoa. Khi ba ngón tay phải vừa buông ra, dường như một tích tắc sau đó, một tiếng "coong" dòn thanh vang lên. Sau năm lần gõ chuyển dần từ eo lọ theo một đường xoắn ốc đến tận gờ đáy, ông đặt lọ hoa xuống. Không nói một lời, ông chậm rãi bước đến giá gỗ ở tường nhà. Nơi đó có một chiếc lọ thủy tinh có hình dạng y hệt. Ông lại nhấc nó lên bằng ba ngón tay phải rồi gõ. Lần lượt năm tiếng "coong" trong vắt ngân lên. Người thợ học việc "à!" lên một tiếng đầy thất vọng, tiếp tục nhìn theo thầy. Bác thợ cả đi đến góc nhà, lục lấy một chiếc lọ tương tự và gõ. Những tiếng "cạch...cạch" đùng đục vang lên. Đó là chiếc lọ đầu tiên do Toàn thổi. Anh rít một hơi thật sâu, môi thoáng nở một nụ cười. Khuôn mặt anh như sáng bừng lên. Thế là chỉ sau ba tháng nhẫn nại học nghề, lắng nghe từng lời chỉ bảo của thầy, xem xét kỹ từng động tác nhỏ của các anh thợ lâu năm, luyện từng hơi thở sâu đều đặn, hôm nay anh gần tới đích. So với sản phẩm chuẩn, sản phẩm tốt nhất của anh hôm nay còn kém trong, có bọt bởi tiếng kêu của nó không vang ngân. Nhưng độ dày của thành lọ hoa rất đều, một sự thành công không dễ đối với một người thợ học việc ba tháng. Thông thường phải sau sáu bảy tháng, một người thợ học việc mới làm ra được một sản phẩm đủ chuẩn thương mại như anh vừa làm. Nhưng để đủ chuẩn triển lãm, nó đòi hỏi công phu rất nhiều.
Cái khó của các công đoạn làm ra sản phẩm đơn giản này thật không đơn giản. Từ khi đưa đầu ống xuy vào lò thủy tinh nấu lỏng, cháy sáng để ngoáy lấy một "cục" thủy tinh lỏng cho đến khi ngắt đầu ống xuy ra khỏi khuôn, thời gian khống chế chỉ trong hai phút. Làm quá nhanh, sản phẩm chưa kịp rắn, bị chảy xuống tạo nên các gờ sóng ở bên trong. Làm quá chậm, sản phẩm chưa kịp định hình đã rắn lại, tạo nên dáng méo mó. Làm đúng thời gian nhưng khống chế luồng hơi thổi không đều lực sẽ làm cho sản phẩm có nhiều bọt, độ dày không đều. Đạt được các điều trên đây đòi hỏi phải luyện đôi tay không run rẩy, hơi thở dài và sâu, đều nhịp, động tác nhanh đều, không ngắt quãng khi đã lấy thủy tinh lỏng ra khỏi lò nấu. Chỉ cần một nhịp dừng bất tử, sản phẩm sẽ kém chất lượng ngay. Để đạt đến chuẩn sản phẩm thương mại thông dụng không khắt khe lắm vì phần lớn sản phẩm được bán cho dân nghèo. Những chiếc lọ hoa, chụp đèn Hoa Kỳ, chai dầu gió, lọ đựng kẹo, thẫu đựng đường thật sự không cầu kỳ. Ngay cả những sản phẩm loại hai, loại ba cũng được tiêu thụ chóng vánh. Bà con lao động nghèo càng thích vì giá bán rẻ hơn đôi chút. Toàn cũng đã từng xài các sản phẩm loại vứt đi ấy khi còn nhỏ. Anh vẫn còn cất giữ tại nhà một cái thẫu "sụm lưng". Một người thợ vụng nào đấy đã làm cho cái thẫu có dạng ông già gù. Nom rất hài hước. Ngay từ hồi ấy, Toàn đã ao ước được làm ra những chiếc lọ hoa cầu kỳ về kiểu dáng, những con cá thủy tinh xòe đuôi với đầy đủ mắt, môi, vi, vẩy như thật. Nhưng mẹ anh không cho anh đi học thợ. Bà bắt buộc anh phải thi vào Đại học vì đó là khao khát chảy bỏng của chồng bà. Một niềm khao khát đơn sơ, không cao vời so với trí tuệ của ông. Nhưng cái nghèo định mệnh và căn bệnh lao đã buộc ông lìa bỏ ước mơ, lìa bỏ bà giữa lúc bà hãy còn là cô gái đôi mươi, để lại một câu trăn trối sau cùng:
- Mình ráng cho con nó đậu một cái bằng kỹ sư. Vì lời trăng trối ấy, bà đã gác bỏ ngoài tai mọi lời ve vãn của mấy người đàn ông góa vợ, bước qua mọi lời châm chọc để ngày ngày chất lên vai đôi gánh chuối rau, kiếm chút tiền lời. Toàn rất ham học thợ. Anh biết mình sẽ làm được. Nhưng mỗi lần thấy mẹ đi chợ về, ngả nón quạt cho anh ngồi học trong căn nhà tôn thấp lè tè trong khi chính bà đang đổ mồ hôi, Toàn lại bậm bạo ngồi lì cố tiêu diệt tằng hết những bài toán khó.
Toàn đã thi đậu vào Trường Đại học bách khoa, một trường lớn nhất, lâu đời nhất của thành phố. Anh theo học ngành hóa học, bộ môn si-li-cát. Đề tài tốt nghiệp của anh vốn thoát thai từ niềm mơ ước hồi nhỉ của mình, lại may mắn trùng hợp với nhu cầu đổi mới sản phẩm thủy tinh để có khả năng xuất khẩu. Sở dĩ lâu nay các sản phẩm thương mại si-li-cát chỉ dừng lại ở mấy chiếc chụp đèn, chai lọ cho bà con nghèo tiêu thụ vì toàn bộ kỹ thuật đều ở mức thủ công nghiệp. Các sản phẩm thủ công có một điểm yếu trí mạng: Rất khó hoàn hảo theo một chuẩn nhất định vì phụ thuộc tay nghề của mỗi người thợ. Song nó lại có một ưu điểm nổi bật, rất phù hợp thị hiếu người nước ngoài: dù làm bằng thủy tinh, mỗi sản phẩm lại có hơi thở riêng của nó. Dường như người thợ đã thổi linh hồn vào đó. Sản phẩm thủ công do một người thợ có trình độ tuyệt cao làm ra bao giờ cũng là một sản phẩm mang đậm chất nghệ thuật. Chiếc lọ hoa trong tay bác thợ cả là một ví dụ. Trong một phút ngẫu hứng sáng tạo, bác đã ngậm vào miệng một dúm bột hồng ngọc trước khi thổi. Rồi khi "cục" thủy tinh lỏng hóa thành quả cầu lửa, bác tung người lên vừa thổi vừa xoay vừa nhảy múa theo một nhịp điệu thần linh nào đó. Chiếc lọ hoa không chỉ hoàn hảo về hình dáng, chuẩn về độ dày và độ trong không có chút bọt. Nó còn tuyệt vời hơn. Giữa thành lọ hoa hiện lên một cành hoa màu đỏ, rực rỡ lung linh dưới ánh đèn. Một cành hoa lửa. Vị giáo sư người nước ngoài do Toàn dẫn đến xưởng tham quan cách sản xuất thủ công của người Việt đã sửng sốt không nói một lời khi nhìn thấy cành hoa lửa. Ông lặng người ngắm nó rất lâu, như thể chưa bao giờ ông được thấy ở đâu có một cành hoa đẹp đến lịm người. Ông bắt tay bác thợ cả rất chặt rồi không ngần ngại bộ quần áo sang trọng, ông ôm chầm lấy bác thợ già. Hai người không thể dùng tiếng nói để hiểu nhau. Nhưng ánh mắt họ đã quyện vào nhau, ấm áp chân thành. Chiếc lọ hoa tuyệt mỹ ấy nếu đem bán có thể không định giá được. Cũng có thể chỉ vài ba chục ngàn. Nhưng giáo sư không hỏi mua. Ông biết giá trị của nó. Ông ngỏ lời xin. Lạ thay! đôi mắt của bác thợ già sáng rực lên. Bác cười hiền lành nhưng không kém phần kiêu hãnh. Bác giơ hai ngón tay lên rồi chỉ vào tờ lịch. Giáo sư cúi đầu cám ơn. Hai hôm sau, ông cùng Toàn lại đến xưởng. Lần này ông ăn mặc rất trang trọng, tay ôm một bó hoa. Toàn đi sau ông, tay bưng một cái hộp to khá nặng. Giáo sư nhờ Toàn nói hộ ông ý muốn tặng bác thợ cả một phiên bản Thần Vệ Nữ bằng đá cẩm thạch do chính tay ông đục đẽo. Hóa ra, Giáo sư còn là một nhà điêu khắc có nghề. Ông nói thành thật rằng ông chưa đủ sức để sáng tạo nên một tác phẩm để lại đời sau. Ông mượn phiên bản này để bày tỏ phần nào lòng kính trọng một tài năng nghệ thuật dân gian Việt mà ông rất tiếc từ lâu không nghe các nhà nghiên cứu nước ngoài và cả Việt nhắc đến như một nghệ sĩ thiên tài. Ông lấy làm lạ rằng một đất nước có những tác phẩm vào hàng kiệt tác điêu khắc như ở Việt Nam mà sao các nhà lý luận mỹ học và nghệ thuật Việt Nam chỉ toàn nhắc đến những Lê-ô-na Đờ-Vanh-xi, những Mi-ken-lăng-giơ mà quên mất bác thợ cả này, dù bác không phải là nhà điêu khắc. Chỉ là thợ thổi chai.
Giáo sư nói say sưa và Toàn dịch cũng sôi nổi không kém. Nhưng Toàn biết bác thợ cả và các anh thợ khác khó lĩnh hội được ý nghĩa những lời khen của vị giáo sư nước ngoài. Nếu biết, chắc họ sẽ lấy làm lúng túng lắm vì họ không cố ý hóa thành thiên tài. Sáng tạo là giây phút ngẫu hứng tự do của một quá trình nghiêm ngặt tất yếu của nghề nghiệp. Họ chỉ làm như vậy. Bác thợ già quay lại tấm đá phẳng, bê lên chiếc lọ hoa còn hơi ấm của lửa. Dưới ánh đèn, cành hoa lửa bập bùng cháy lung linh khoe màu. Nó hơi khác một chút so với cành hoa trong chiếc lọ trước. Cả hai như có linh hồn, sống động và tươi thắm sắc hoa xuân. Giáo sư cúi nhẹ đầu, trịnh trọng nâng lọ hoa bằng hai tay rồi đưa lên môi hôn. Bác thợ cả bảo Toàn.
- Cháu nói rằng đó là món quà Tết của ông tặng ông ấy. Không biết đặt tên loại hoa ấy là gì - Bác cười chân chất. Toàn dịch lại cho giáo sư nghe. Ông reo lên rồi nói một thôi dài. Toàn tươi nét mặt quay lại bảo bác thợ cả: - Giáo sư bảo rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Vì vậy phải đặt tên nó là HOA LỬA. - A ha! Hoan hô! Trùng tên của em rồi, anh Toàn ơi! Mọt giọng nói ngọt lịm và một giọng cười lanh lảnh xen lẫn một tràng vỗ tay đều của một người. Toàn vội giới thiệu với giáo sư: - Thưa thầy! Đây là cô Hoa, cháu nội của ông đây. Cô có biệt danh là Hoa Lửa vì thích mặc chiếc áo dài thêu một cành hoa y hệt cành hoa trong chiếc lọ của ông nội. - Tuyệt vời! giáo sư reo lên - Đó là sự đánh giá đúng đắn nhất tác phẩm của nhà nghệ thuật dân gian này.
Bỗng nhiên, ông nheo mắt lại nhìn Toàn một cách giễu cợt. Một nụ cười hóm hỉnh dưới bộ ria mép trẻ trung: - Cậu có biết vì sao tôi học nghề điêu khắc không? Toàn ấp úng đỏ mặt. Anh chưa hiểu vì sao nhưng anh thầm đoán giáo sư đang đùa mình. - Không hiểu hả? Tại vì ở nước tôi hai mươi năm trước có một nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới. Ông có độc nhất một cô con gái yêu bố và yêu nghề điêu khắc hơn mọi thứ trên đời. Tôi không còn cách nào khác là phải làm học trò của ông ấy. Như cậu bây giờ vậy. Đúng không? Ha...ha... Họ nói với nhau bằng tiếng Anh. Cầm chắc bác thợ cả và cô cháu gái không hiểu tiếng nước ngoài. Nhưng dường như dù ở bất cứ nơi đâu, khi nói về tình yêu người ta không chỉ nói bằng lời. Nếu không phải vậy thì tại sao cô Hoa bỗng dưng đỏ mặt rồi chạy biến vào trong buồng, mặc các anh thợ cười reo ầm ĩ.
P.X.P (121/03-1999) |