Truyện ngắn
Thành rêu bóng cũ
16:24 | 15/08/2008
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.

Tin mà không có hình là tin rởm. Sự kiện đầy tính giật gân, không hình coi như bịa, thành thử báo chí không có một dòng nào. Có người bạo gan đến tận nhà đám, cố moi bằng được một cái gì đó nhưng ngoài cửa chỉ thấy có tấm băng đen. Không ai mời vào, cũng không kèn hoa tung toé. Bất nhã, săm soi cũng không hơn được một tí tị gì. Nhìn vẻ mặt mấy người bạn của ông S. cũng đã ở tuổi thất thập, mà đoán, thì chuyện này không hẳn đã đáng buồn, đã là tai họa. Hình như chính họ cũng đang ước ao một cái chết như vậy.
- Tôi về. Khi nào anh rảnh chúng ta nói chuyện thêm. Cái kiếp người cũng nhiều kỳ lạ lắm. Mấy chục năm... tôi cũng chỉ chờ được "đi" như thế này thôi. Biến hóa là chuyện xưa nay trời vẫn nhúng tay vào.
- Cháu cảm ơn bác. Bác đúng là bạn tri âm tri kỷ của ba cháu. Nếu bác cho phép cháu xin mời bác đi cùng với gia đình. Huế mưa thì buồn nhưng lễ thất tuần cho ba cháu thì lại đúng mùa. Nhưng... mưa cũng để có cái mà nhớ, phải không bác.
- Cảm ơn anh. Tôi sẽ đi... và lạy giời nếu giời cho hóa, tôi ở luôn Huế thì phúc cho nhà tôi quá... hà... hà... Thế nhé, tôi về đây. anh nhớ số điện thoại của tôi rồi nhỉ.
Bác sĩ H quay vào, thắp thêm một nén hương lên bàn thờ, nhìn sâu vào đôi mắt người cha trong ảnh, anh như nghe tiếng ông nói "Cảm ơn con".

Trước khi đậu học vị tiến sĩ ở Hămbơgiơtơ ông S đã từng đậu đốc tờ ở Huế. Bố ông, một người họ Phạm có liên hệ hoàng tộc, muốn con trai theo nghề Y. Theo ông, còn con người, còn sự sống trên trái đất thì còn cần đến thầy thuốc. Ông S. học xong thì cha mất, hoàng tộc chỉ còn là cái bóng trong thời gian. Thời buổi khó khăn, dân tình đau bụng hay thừa ruột cũng chỉ vài viên thuốc quay đi quay lại. Ông S, quay sang sử học, vốn là môn ông cũng đạt điểm ưu trong kỳ thi sau trường Y 2 năm.

Lúc này ông đang ở phòng thư giãn. Cái phòng dành cho ông lúc mệt mỏi căng thẳng, ở ngay cạnh phòng nghiên cứu trong Viện. Ông nằm im không cựa động. Căn phòng tuyệt đối im ắng. Cái cát xét rađiô ông đã không mở từ hơn 6 tháng nay, thậm chí rút cả phích cắm để khỏi còn nghi ngờ gì nữa, thế mà bên tai ông vẫn văng vẳng: "chàng, em dâng chàng hai trái đào nguyên...".
Giọng hát hệt như của gái – trên – thuyền (ông có chung chạ) hồi năm ngoái khiến ông nôn nao muốn ói. Cô hát thật lòng mà như mỉa vào bài hát và dòng sông mà ông hằng yêu thích. Cô không tự hiểu cái điều cô gây ra cho ông, nó xúc phạm vào tình cảm của ông. Ông bịt tai. Nhưng cả trong lúc ngủ cái giọng ấy vẫn vang lên. Một vài lần trong hội nghị quan trọng, vì bị cái giọng ấy chi phối ông đã nói nhịu, may mà cử tọa chẳng mấy người để ý. Tháng đầu, khi phát hiện ra điều khó chịu này, ông hoảng lên cho rằng tại vì ông đã tiêm hóc môn HDH, thứ thuốc được quảng cáo làm râu tóc xanh lại, sức khỏe dồi dào... Thứ thuốc giúp cho ông giấu được năm sinh chính thức của mình, giúp cho ông có thể ngồi lại cái ghế lớn ở Viện này lâu hơn nữa. Nhưng những tháng kế tiếp thì ông không nghĩ thế nữa. Ông đoán mình đang lâm vào một căn bệnh quái đản nào đó mà không thể làm gì khác là sống chung với nó. Song có một điều kỳ lạ, tiếng nói ấy chỉ vang lên ở phòng làm việc, còn khi về đây, khi ông vùi đầu vào gối thả mặc cho tâm hồn đi vào mộng mị thì ông thoát khỏi nó.

Ông dậy, đi như lết đến trước gương, nhìn trước ngó sau rồi vén áo lên. Vết xém hình móng chân gà vẫn hằn lên ngực trái nơi bên trong trái tim ông đang đập. Ông tưởng thấy mình như đang thả bước bên rặng thông ở Tuần Khiêm Kiều trong khu vực Lăng Tự Đức. A, phải rồi, vết xém giống hệt vết hằn có hình móng chân gà ở hàng gạch lát lối đi trên đường vào hồ Lưu Khiêm. Tiếng Vua Tự Đức hỏi khe khẽ: "Tiến sĩ thấy lăng của ta thế nào? Phải. Ta xây cho ta từ trước khi ta chết khá lâu. Chết là hết phải không? Thế nên ta không xây cho ta, mà ta xây cho con mắt kẻ hậu sinh... chắc những người như tiến sĩ không khi nào lại hiểu cho ta như thế? ". Ông không muốn trả lời. Ông không muốn nói: "Đẹp lắm. Tôi thích hơn cả kiến trúc hoàn toàn Tàu. Tôi thừa nhận... " mà ông muốn vặc lại: "Chả lẽ ông muốn một số người mãi là dân quét lá đa?". Nhưng có cái gì đó ngăn ông lại. Ông bước tiếp lên những bậc ở Khiêm Môn và Hòa Khiêm điện. Càng đi ông càng thấy may quá mà ông không cãi. Mấy cây đại ở khu vực Khiêm Môn và Nhà bia Khiêm lăng khiến ông ngây ngất. Vẻ đẹp của cây siêu (thế) cũng như cây trực làm ông hình dung ra gương mặt của Người được gọi là Vua. Sành sỏi ăn chơi, tài hoa kiến trúc, tôn vinh cái đẹp dễ mấy đời đã có một người... Ông thấy mồ hôi lưng túa ra khi nhớ đến một khoảng lớn trong Viện, nơi ông làm việc là sách của triều đại cái người nằm trong lăng mộ.
Cố vùng vẫy để thoát khỏi cái cảm giác nặng nề. Ông cấu vào tay trái, thấy đau nhói, nghĩa là ông đang sống nhưng không sao dậy được.
Rồi ông lại như thấy mình đứng trước lăng môn Khải Định. Mưa nặng hạt. Cô gái-trên-thuyền đi theo ông từ hôm qua chạy từ dưới lên những bậc đá đưa cho ông một chiếc ô, rồi lùi lại đứng ở gốc cây phía dưới, chờ. Chà, 4 cái cột có rồng cuốn thật tuyệt. Rồng cũng là rồng như ở Bắc Kinh mà ông đã xem, nhưng rồng do bàn tay người Việt, do con mắt của vua Việt chỉ định làm nên, thâm u và trầm mặc, tinh tế và trang nhã đến thế nào. Bỗng nhiên ông muốn hóa thành người đá hay ngựa đá đứng ngoài sân chầu. Mãi cho đến khi mưa chảy từng giọt qua chiếc dù và đôi giày ông ướt sũng ông mới sực tỉnh. Những cột ở Nhà bia đã tróc lở. Bất giác, ông sờ lên tay mình tưởng như tay vừa bị ai lấy dao dóc ra từng mảnh thịt. Tự nhiên ông nhớ đến số tài khoản của ông trong nhà băng. "Không biết có đủ để góp phần... trùng... tu... cái... cột... này không".
Khi bước hẳn vào trong cung Thiên Định, nhìn nội thất vàng son rực rỡ thì cái cảm giác bất mãn và khó chịu với ông Khải Định đã có từ lâu trong ông bỗng trỗi dậy. Tượng Khải Định như người đàn bà, yếu đuối, mảnh dẻ khác hẳn với vóc dáng của mình khiến ông lập tức liên cảm tới việc gần đây ông hay sử dụng hóc môn HDH. Đàn ông là phải ham tình dục.
- Hừ, người biết một mà chẳng biết hai... Còn ta, ta hiểu được những ham muốn hăng hái ấy. Nhưng giời cho mỗi người mỗi phận. Ngươi là tiến sĩ mà ngươi ít học, ít biết thì... Ta nằm trong lòng đất đã quá trăm năm nhưng ta đọc không sót chữ nào của các ngươi, dù là... rất... còn xa lắm... Ta biết, ra biết... nhưng nếu ngươi đọc từ khi ngươi chưa là tiến sĩ, chưa cầm bút thì ngươi đã khác. Ta không làm đàn ông trên giường chiếu. Ta đàn ông trong sách lược và chế định của ta. Ngươi đã đọc Ngự bút của ta mà ngươi không hiểu... Tiến sĩ thời nay của các ngươi sao bảo không phải là tiến sĩ giấy?
Ông S. bủn rủn. Không có phim ảnh, băng hình nào cho ông biết về giọng nói của Khải Định nhưng nghe rất nho nhã và hơi eo ẻo như thế thì chỉ có thể là ngài. Và kìa, môi bức tượng mấp máy. Ông S. chợt thấy hiện ra trước mắt những trang ngự bút của Khải Định mà ông mới được đọc cách đây mấy năm. Ông suýt nói: Thưa nhà vua, chính vì đọc mà tôi bỏ bút không viết được nữa..". Nhưng ông cảm thấy lòng tự ái bị tổn thương ghê gớm. Ông không thích sám hối trước người mà ông đã từng được quyền mạt sát trên sách vở.
Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn nhìn trước nhìn sau rồi cúi xuống ba cúi. Đoạn ông đi vòng ra phía sau, tìm đường lên đỉnh đồi. Từ đây nhìn xuống, cả khu vực chìm trong mầu xanh của thông. Ông không muốn xuống. Ông đưa mắt tìm một chỗ nào. Xa xa là đồi Thiên An. Hình như có tiếng chuông vẳng đến từ chùa Thuyền Tôn, hay chùa Hồng Ân gần đó. Một chiếc lá lớn rụng ngay trước mặt. Ông mỉm cười: bức thiên thư của người tình trong mộng hay lời nhắn của cô-gái-trên-sông. Các nàng ơi, hơn lúc nào hết, ta nhớ đến các nàng nhưng xin các nàng để cho ta yên, ta chỉ muốn hóa thành cái cây này, cái rãnh nước này, ngọn gió này, cái hư không lơ lửng trên chốn này thôi. Ông úp mặt vào một cái gốc lớn. Tiếng hét thử của ông ở Thiên Đàn Bắc Kinh hồi năm trước vang lên và tiếng của Vua Càn Long đáp lại vọng về: "Các ngươi cũng có đàn Nam Giao đấy thôi". Cảm giác thật nặng nề.
Ông rên rỉ: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi. Tôi đâu phải là kẻ đi lừa những người trẻ. Nhưng... tôi không cố ý... tôi, chẳng qua là...".
Cốc. Cốc. Cốc. Tiếng gõ cửa.
Ai. Tôi đây. Gì thế. Có tin ở Bộ.
Bộ, hừ. Kệ Bộ. Ông Khải Định ơi, ông nói đi, mỗi khi bổ nhiệm quan lại cho triều đình thì ông làm thế nào? có như... Hừ. Bây giờ ở Bộ... "Trẫm ấy à. Trẫm chủ trương chọn kẻ có chân tài, còn những kẻ viển vông, cậy tiền, tuy rất công phu trẫm cũng đánh hỏng. Viện Cơ mật cũng hay ăn của đút, đưa 6 tên lên cho Trẫm chọn 1 người, chúng làm khó cho Trẫm nhưng Trẫm biết hết... Nếu Trẫm không thế thì sao lại biết ban Thưởng thụ Hàn Lâm viện thị độc cho Bạch Thái Bưởi và Hàn lâm viện kiểm thảo cho Nguyễn Văn Phước, viên thợ chế tàu giỏi không kém người Âu ấy. Phần thưởng của Trẫm không lấy tiền bạc ra so mà lấy ân điển, vinh dự ra để hài lòng. Cái hài lòng của họ há chẳng văn minh cho tiền đồ Tổ quốc sao? ...".
Cốc. Cốc. Cốc.
Ai. Này nàng. Ta đã nói là ta không muốn nữa, hãy quay thuyền về đi nàng. Mấy chục năm mà nàng vẫn... À. Được tôi ra đây. Bộ. Ừ, xin lỗi. Ông S ra mở cửa. Gì thế anh Hòa. (Một người có cái mặt giống hệt tay Hòa đại nhân trong phim truyền hình). Dạ thưa sếp, có tin mới cho sếp đây. Hì, hà: chắc lúc sếp viết sếp bị nhầm lẫn, sếp nhầm lẫn với hồi nảo hồi nào. Hì, hà, dạo này trông sếp khỏe ghê, tóc xanh đen thế này chắc mọi chỗ khỏe đều như tóc... Nhiệm kỳ này chắc sếp còn được bầu ở lại Viện. Nghe anh ta nói nhìn anh ta cười, ông tưởng mình đang là Càn Long, ông vừa ghét vừa thích. Thôi được anh đi ra, tôi đi sang, nào anh đưa đây, nhầm cái gì.
Hòa Thân (gọi thế cho tiện) chỉ vào xấp giấy vừa đưa: "Đây có phải là đúng chữ sếp không ạ? Em đọc mà em chẳng hiểu gì, Bộ cũng không hiểu, xin sếp đến giải thích... hình như sếp để lẫn với bài dự thi phòng chống ma tuý hồi nọ cơ quan mình tổ chức...".
Ông S với cái kính (đã bỏ không cần đến từ dạo tiêm hóc môn) nhìn một lần nữa, rồi lại một lần nữa. Thật không thể tưởng tượng được, đúng chữ ông viết: "Ma túy là gì. Trả lời: "Ma túy là một chất khi đưa vào cơ thể làm biến đổi tinh thần và thể chất và gây nghiện... chức vụ và danh hiệu và quyền hạn cũng là một chất ma túy bởi vì từ khi có nó cơ thể tôi, tinh thần tôi biến đổi và tôi hoàn toàn lệ thuộc vào đấy...". Thế là thế nào, tại sao mình lại viết thế. Mình điên rồi.
Này anh Hòa, anh không lầm chứ, anh đưa cái gì cho tôi đây. Chữ này phải đem giám định. Các anh, các anh thì trăm phương ngàn kế để hại tôi... Dạ thưa, đúng là chữ sếp đấy ạ. Nếu sếp đồng ý. Vâng em xin đưa ra Hội đồng giám định.... Nhưng mà theo em thì... nếu sếp không định ở lại thêm thì thôi. Giám định ra, là gay đấy sếp ạ... Em xin cam đoan là...
Ông S giơ tay làm một cử chỉ bâng quơ, thôi anh đi đi, tôi chán lắm rồi. Hòa Thân lùi dần ra cửa, ngơ ngác. Ông S như nói với chính ông: Phải ta nghĩ là đúng lắm rồi, sống lấn sang thế hệ sau nhiều quá cũng phải biết chán, chiếm chỗ của người ta lâu quá cũng phải biết buồn.
Hòa Thân đi khỏi, ông S ngẩn người, cố bưng đầu tập trung sức lực mà vẫn không sao hiểu được cái gì vừa xảy ra. Ông ngồi phịch xuống ghế. Tâm trí ông lại trôi dần vào thời gian và không gian Huế mùa mưa ấy. Là người gốc Huế nhưng ông ra Kinh thành Thăng Long đã lâu, ngồi đã lâu trên chiếc ghế có tựa ở Viện nghiên cứu này, đã viết bao nhiêu cuốn sách... Bỗng dưng hiện ra trước mắt ông cuốn thứ 9, cuốn có đóng bìa cứng. Có tiếng vua Tự Đức: "Tiến sĩ có nhớ được bao nhiêu nhuận bút cuốn sách viết về ta đấy không? Có mỗi chỗ đúng là ta nhất thì tiến sĩ lại quên không viết... A phải, chỉ là chưa công bố thôi à?... Nhưng tiến sĩ làm gì còn thời gian. Về hưu là thôi xuất bản... thời của ta cũng vậy".
Ông cựa mình. Ta đã ra khỏi lăng cái ông Tự Đức này rồi cơ mà. Rồi ông cố nhớ xem đây là chốn nào. Phải đây là Đại Nội. Ta đang đứng ở Lầu Ngũ Phụng. Ông lần bậc thang đi xuống theo con đường lát đá, qua cổng đi vào cầu Trung đạo. Mặt nước hồ Thái Dịch lặng như tấm gương lớn. Ông muốn vén áo để nhìn lại vết xém trên ngực và cảm thấy rằng nếu ông nhảy xuống tắm thì những vết xém được tẩy rửa. Nhưng thấy bóng người, ông đi thẳng vào Điện Thái Hòa rồi sang Thái Bình Lâu và vào Thế Miếu. Ông nhớ ra rằng Lầu Tàng thơ và cung An Định đã bị tàn phá. Ai tàn phá nhỉ... hình như Đại Nội gần đây đã được trùng tu. Nước nào cho kinh phí nhỉ... Ông cố nhớ mà không nhớ nổi. Mồ hôi lại túa ra sau lưng, ông đi đến chỗ có 9 chiếc đỉnh lớn thì mệt quá, sa sẩm mặt mày. Bỗng nhiên ông phủ phục xuống cái ở giữa. Huế ơi, Nước Việt ta ơi, con kính yêu Người, cho con xin được biến thành cái quai đỉnh để ngàn năm đứng khấn Người. Có tiếng cười khục khục phía sau lưng. Ông ngẩng lên, quay lại nhìn. Một đôi trai gái quần lửng, áo tua đang vừa đi vừa ăn kem mút. Ông lại muốn nôn nhưng cố rảo bước nhằm phía cửa Đông ra khỏi cổng thành. Tới bờ sông ông thả những bước vô định tới bến Thừa Phủ, nhưng ông không xuống, đi vẩn vơ thế nào lại ngược tới Đông Ba.
Trăng trên cao phía xa xa như một quả cầu bạc lờ mờ trong sương. Cái giọng hát bản năng thấp kia lại vọng đến. Ông không biết sẽ phải làm gì. Có tiếng cô gái-trên-sông lại vẳng đến "... em dâng chàng... thôi vẽ, suy đồi cái con khỉ... xuống đi, thuyền đây... các người mới suy... đồi tới đáy... hiểu không".
Cộc. Cộc. Cộc.
Ai. Tôi, Hòa đây. Bộ gọi. Bộ gì. Anh vào đây tôi có việc nhờ. Này anh. Tôi bị mệt. Có lẽ từ nay tôi thôi. Chiếc ghế của tôi ở Viện, nếu anh thích anh ngồi vào đấy. Anh có thể đưa tôi về nhà được không. Hay anh đưa tôi đến chỗ con trai tôi nhé, giờ này có lẽ nó vẫn còn đang ở phòng khám.
- Sao, thôi ư? Mấy chục năm chẳng lẽ?... Vâng để em gọi xe.

Xe chạy từ Viện của ông đến Quân Y viện nơi con trai ông làm việc cũng trong thành phố này mà tưởng như đi mất một ngày. Qua những cánh đồng xanh non mơn mởn. Lúa xuân đang lên. Ông S thấy lúa dập dờn như nước sông Hương ngày nhiều gió. Lại thấy như sương dăng dăng phía núi Ngự Bình. Tiếng ai như tiếng mẹ nói với ông lúc ông đang tuổi đôi mươi "... con phải nhớ bài học đấy: Nước Nam Vua ở... Nước mình nghèo nhưng Vua mình tài. Bao giờ con lớn, con đi nhiều nơi, con nhìn thấy nhiều điều thì con sẽ hiểu. Vua mình nếu có phải thua ai là bởi cứ băn khoăn nghĩ đến sức dân...". Trôi vào giọng nói của mẹ, vào những thành rêu bóng hạc ông S không biết mặt trời đã lặn tự bao giờ.
Nghe có tiếng gọi bác sĩ H ra mở cửa:
Nhìn thấy Hòa Thân cõng bố mình trên lưng bác sĩ H chạy ra đỡ đưa vào rồi đặt ông lên giường.
Ông cụ bị sao. Tôi không hiểu... Cứ lảm nhảm mấy ngày hôm nay, nhờ tôi đưa đến chú... Bây giờ là việc của chú. Ở chỗ tôi đang sắp có cuộc họp quan trọng, tôi phải quay về gấp. – Hòa Thân cười. Giơ tay định bắt, nhưng bác sĩ H rụt tay lại, hắn cười nhạt rồi quay gót đi thẳng.
Ông S từ lúc đưa vào phòng khám của con trai mắt vẫn nhắm nghiền như người đang ngủ. Bác sĩ H khám cho bố. Lật áo bố ra anh thấy trên người bố đầy những vết chân gà, da xém như bị đốt. Đặt ống nghe anh không thấy được nhịp tim. Hoảng hốt luống cuống một lát, anh bình tĩnh lại. Việc đầu tiên là anh gọi điện về cho mẹ và vợ. Anh dặn vợ đưa mẹ đến Viện bằng xe tắc xi và không được than khóc gì. Xong, anh mở cửa ra hành lang tìm người hộ lý ở phòng bên. Hình như đã khuya lắm. Không có một ai. Bác sĩ H quay lại phòng khám thì cũng không thấy bố mình đâu cả, chỉ thấy trên tấm ga trắng một con hạc bằng đồng hun. Đầu hạc đội nến, chân hạc đứng trên lưng một con rùa. Bác sĩ H dụi mắt, tìm kính rồi lại dụi mắt, không thể nào hiểu được cái gì đang xảy ra. Bỗng bác sĩ nghe có tiếng bố mình nói và miệng con hạc mấp máy: "Ba cảm ơn con. Cảm ơn cuộc sống...".
Lễ tang vẫn diễn ra. Bộ đến đọc điếu văn bên chiếc quan tài rỗng. "Con hạc" được gói bằng vải nhiễu vàng, bác sĩ H đưa về nhà trên chiếc tắc xi thuê riêng.

Buổi lễ thất tuần cho ông S diễn ra âm thầm trong khu vực lăng Tự Đức. Đoàn người gồm bà quả phụ S, bác sĩ H, con dâu và một nhà sử học bạn với tiến sĩ sử học S. Không ai nói gì, đi qua Khiêm Môn vào Hòa Khiêm điện, mọi người chỉ thầm thì nho nhỏ. Bác sĩ H cung kính đưa "con hạc" đến vái ba cái trước điện rồi lui ra ngoài. Ông cùng với nhà sử học đưa "con hạc" ra sân chầu ở Khiêm Lăng đặt xuống đứng cùng dãy với tượng binh mã và đại thần. Màu đồng của cánh hạc na ná như màu rêu phong trên vai ngựa.
Người ta bảo mưa tháng mười một ở Huế đá mềm thành nước. Lễ xong, họ đội mưa ra về. Vợ bác sĩ H nói nhỏ với nhà sử học đi bên cạnh "nếu cháu tìm được đứa tiêm hóc môn tăng trưởng rởm cho bố cháu thì bác bảo có nên cho nó một phát không?". Bác sĩ H quay lại: "đấy không phải là chuyện của đàn bà".
Vừa thoáng thấy nụ cười hiền hậu của nhà sử học nhưng khi bác sĩ H tìm ông để mời lên xe trở ra mà không sao tìm thấy. Bây giờ ở dãy tượng bên phải người ta đếm thấy thừa ra một pho tượng đại thần.
27/12/2001
T.T.T

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)
Láng giềng (28/07/2008)