Truyện ngắn
Sau ngày mai
10:00 | 24/09/2010
MAI NINHNgười đàn bà mở mắt đúng lúc thân sồi già đổ ập. Lũ chim rừng chưa kịp ngừng tiếng kêu thất đảm giữa đám cây đã gẫy gọn dưới sức gió hung bạo, lại đồng loạt ó lên kinh hoảng, cánh đập cuồng trong bóng tối đen khẳn. Bà ta nằm bất động giữa vùng âm thanh xoáy lốc, hỗn loạn gió và chim. Mọi giác quan tê liệt, không gian ngoài và trong đều mù loà tăm tối. Như thế, cho đến lúc gió ngừng và tia mặt trời lách qua được vùng lá cây đặc khít, rọi đúng vào hai tròng mắt dưới làn mi mỏng tanh của người đàn bà thất lạc.
Sau ngày mai
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Mới đầu sắc nắng còn lờ nhờ, nhưng chớp nhoáng đã lóa lên, bén và nóng rát. Tôi đưa hai bàn tay chụp lên mặt, lấp kín mắt. Bóng tối lại trở về, không còn chim rừng kêu hoảng mà chỉ là tiếng động cơ rò rò đều đặn bên kia song sắt phòng giam. Trên đầu cửa, chiếc bóng đèn trần trụi thắp thâu đêm. Mấy người đàn bà căn phòng bên kia ồn ào khua muỗng trong bát cà phê màu đất đục. Họ chỉ ba người nhưng lúc nào cũng sừng sộ, chí choé nhau. Rõ nhất là tiếng cười ren rét, chói màng óc của cô gái trẻ. Hai bà kia hay chửi cô ta là đứa đần và đĩ thỏa, mỗi khi cô nàng cất tiếng dụ tên cai tù đến gần. Giọng nói cô ta dù sao cũng lọt tai hơn cái cười. “Lại đây anh, cho điếu thuốc đi rồi mai kia em đền”. Nó lanh lảnh van lơn khiến tôi bùi ngùi nhớ Albert, cũng tha thiết cầu xin nhưng ngọng nghịu thều thào: “Viết đi, viết Kính… Kính gửi Ngài Tổng Thống giùm đi…”.

Người tạp vụ đã đẩy xe vào hành lang để thu lại mấy cái khay nhôm. Gã cai lẻng xẻng chùm chìa khoá. Ba người đàn bà vừa được thả ra khỏi phòng, nửa giờ dạo chơi trong sân. Họ sẽ đi ngang hai căn nhà giam nữa, hình như lúc này chúng đang bỏ không. Rồi đến một hành lang trống rỗng, tường cao 5 thước, trên đầu là đà bê-tông kiên cố và vỉ sắt. Nhưng qua hết con đường hầm đó là khoảng trời cao vút, sân gạch và một cây dẻ sum suê. Dạo gần đây ba người tù căn bên kia dường không còn hăm hở đi tìm ánh trời như mấy lúc trước. Ngồi trên chiếc giường này, tôi nghe rõ dép họ lê trên sàn xi măng lẫn trong tiếng gió hút qua các chấn song vi vu. Một âm thanh loẹt xoẹt sàn sạt, một âm thanh vun vút trong veo. Tôi không chờ đợi gì hơn, bóng đêm và gió. Nhưng người tạp vụ đã dừng chiếc xe đẩy, tôi đứng dậy cầm chiếc khay đút qua ô cửa. Bà ta đẩy cả mớ thức ăn đầy nguyên vào túi rác, mặt phẳng lạnh, hất hàm:

- Sao không ăn?

Lại một kiểu hỏi y như gã cai tù:

- Sao không ra ngoài sân?

Tôi chưa biết nói gì thì bà ta thêm:

- Ăn mới có sức cho ngày mai!

Lặng im, tôi lùi dần về chiếc giường, ngồi xuống đó và ngó lên cái bóng đèn trên đầu cửa. Tôi cần gì sức cho ngày mai. Khi người ta mở cửa đẩy tôi xuống xe để bước lên mấy bậc thềm toà nhà kiên cố nhất thành phố, sẽ có bao nhiêu cái ống thu thanh chen lấn, xoè ra, dứ, đấm vào mặt tôi. Sẽ bao nhiêu câu hỏi giành giựt ồn ào kêu tôi trả lời. Thậm chí van xin. Trong căn phòng toà án sáng trưng nào đó, bao nhiêu con mắt xoáy chăm nhìn mình, bao nhiêu ống kính chiếu thẳng vào bị can, nếu đấy không phải là một phiên toà kín. Cái tên Albert sẽ nổ tung như những chuỗi đạn, ngòi pháo bên tai tôi. Cảnh tượng bị cáo đưa tay lên thề cung khai sự thật trước vành móng ngựa tôi đã từng thấy. Sự thật ấy là những thứ tôi đã phải lập đi lập lại trong nhiều lần hỏi cung. Điều làm tôi e ngại, làm tôi mệt mỏi rã rời, đó là phải nói hộ Albert. Chính Albert đã nói, đã viết lá thư, đã bày tỏ rất đầy đủ. Tại sao tôi phải thêm bớt gì nữa. Mà liệu tôi có nói được hết thay Albert tất cả những điều Albert cảm nhận, chịu đựng, dù đã mười sáu năm tôi là chứng nhân, là bờ vai của Albert. Chưa hết, điều chính là tôi phải nói về tôi. Không, tôi chẳng có gì để biện bạch với họ. Nói. Nói. Nói. Tôi chỉ muốn trò chuyện với Albert. Tất cả tôi đã kể lại cả rồi, ngay từ phút tĩnh trí giữa đêm rừng mù mịt, và lúc lão Phil gọi đám người cấp cứu đến khiêng tôi vào bệnh viện. Lần đầu tiên chẳng phải Albert mà lại là tôi, người phải nằm trên chiếc giường trải ra trắng, trong một căn phòng màu sơn cũng trắng như một màn ảnh bệch ra trơ trẽn, khi máy chiếu phim đã ngừng.   

Lúc ý thức trở về cùng cái đau thốc lên từ bắp chân bị đè dưới thân cây, tôi hét gọi tên Albert. Tôi cố moi trong bóng đêm màu áo len đỏ. Nhưng chẳng có gì ngoài ánh lân tinh xanh tím của đốm mắt loài chim. Giá tôi cho Albert mặc chiếc áo khoác màu vàng huỳnh quang theo lời khuyên của lão Phil thì có lẽ dễ tìm ra Albert hơn trong màn đen sâu thẳm. Nhưng nào phải vì Albert không mặc áo vàng chói lọi, nào phải cánh rừng này sâu nên tôi lạc mất Albert. Lão Phil thường cõng Albert đi vào đó, rồi leo lên mấy đồi dốc để từ trên ấy nhìn xuống các con đường xám xẻ cánh đồng xanh ra từng khoảnh, có những căn nhà ngói đỏ nằm dọc hai bên. Mỗi lần như thế, Albert nhíu mắt tìm đốm đỏ hình chữ nhật lớn nhất, được bao quanh bằng một đường viền vàng đậm. Đấy là ngôi trường tiểu học của Albert năm nào. Ngôi trường độc nhất của một thanh niên đã hơn hai mươi.

Lưng lão Phil bắt đầu cong như lưng lừa, hay Albert càng ngày càng dài ngoẵng? nên hai lóng chân gần chạm mặt đất, đong đưa. Tôi đi sau, cứ tưởng sẽ có lúc chúng dứt lìa ra, rớt xuống như trăm ngàn khúc cây khô gẫy vụn, ngổn ngang trên đường rừng. Ngay cả cái đầu ngoẹo trên vai Phil cũng sắp rơi vì cổ Albert đã tóp lại chỉ quá một nắm tay. Cứ sau một chuyến dạo rừng như thế là lão Phil, Albert và tôi đều mệt căm. Nhất là Albert, đến nỗi một muỗng nước canh tôi đổ vào miệng cũng làm cậu nhỏ sặc vì không nuốt kịp. Vậy mà chỉ vài hôm sau, Albert lại đòi vào rừng, đòi nhìn bằng được ngôi trường cũ. Từ mõm đất nhô ra trên đầu ngạnh đá trông xuống là cỏ và gai san sát, quấn chằng chịt những cây sồi, cây du. Từ năm 8 tuổi, Albert không còn đến trường. Căn phòng nhỏ trở thành lớp học, chiếc giường là bàn ghế học trò của cậu bé. Tôi dạy Albert làm toán, học chữ trên tấm bảng treo tường, bên cạnh cái bản đồ thế giới. Cậu nhỏ thích dạo chơi cùng khắp, và chúng tôi gắn lên bản đồ những đầu kim gút đủ màu để đánh dấu các nơi mình đã đi qua. Nhưng vào lần sinh nhật thứ mười, sau khi thổi xong những ngọn nến, Albert đòi gỡ bản đồ:

- Bất quá đi được một thước đường vòng trong 2 năm. Tốt hơn hết là mình vào rừng, lên đồi trước nhà, đấy mới là thực tế.

Thực tế của Albert. Ngày đầu, tôi xốc cậu nhỏ lên lưng, băng qua vườn cỏ. Tôi cứ tưởng mình đủ sức cõng thằng con trai lên mười gầy choắt cheo và leo được ít nhất nửa chừng đồi. Hai chân quặp quanh bụng tôi, Albert vui sướng, huyên thuyên trầm trồ như thể chưa từng nhìn thấy đất trời. Cậu nhỏ muốn hái chiếc lá, nhặt hòn sỏi, ngắm một con bướm, nhưng tôi biết nếu dừng bước thì tôi sẽ không thể tiếp tục nâng Albert trở lại lên lưng. Hai chân loạng choạng, tôi cố vào tận trong rừng theo ý Albert. Nhưng mắt chợt mờ đi, chân vấp vào đá, tôi đổ tôi và Albert ập xuống đường đất. Lão Phil đi lùng chim lạ đã qua đấy và gọi hàng xóm đến đưa chúng tôi về. Từ đó, mỗi tuần Phil cõng Albert lên đồi, xuyên qua cánh rừng sồi và những bụi mận gai. Như thế, mười bốn năm.  

Cũng mười bốn năm đó, bệnh tình Albert càng ngày càng nặng. Tôi khuân Albert ra vào bệnh viện. Albert lại được cứu khỏi cơn sốt bạo liệt, có chút sắc diện và ăn thêm ít súp rau. Nhưng chỉ thế thôi, bác sĩ xác định chưa có cách chữa trị cơn bạo bệnh đang huỷ hoại dần thể xác Albert. Mấy năm sau này, mắt Albert không còn đủ sức nhìn lên bảng. Mỗi sáng, tôi đọc sách kể chuyện, từng chiều tôi nhấc Albert ngồi vào xe lăn rồi đẩy ra vườn. Trước đó, khi trên mép và cằm chưa lốm đốm mấy chân râu thì Albert thích ra ngoài sân trước hơn. Ngồi đấy, cười, hóng chuyện và nhấc tay vẫy chào Elise, chào Michel và Marie cặp vợ chồng nhà bên cạnh. Chào ông Pat khi ông dừng chiếc xe thùng, giao bánh mì cho hiệu tạp hoá cách nhà chúng tôi vài căn. Nhưng Albert chờ đợi nhất đám trẻ đi học về, những đứa học trò của ngôi trường ngói đỏ. Lòng mắt ánh lên khi thấy chúng hiện ra trên vỉa hè từ xa, để rồi tiếc nuối, hiu hắt khi chúng đã khuất sau hàng rào cao của căn biệt thự góc đường. Chưa bao giờ Albert thắc mắc là đám học trò ấy khi học hết lớp ở trường tiểu học thì sẽ vào trường nào, ở đâu. Như thể Albert đã nhủ lòng bỏ mặc, lờ đi những thứ vượt ngoài giới hạn khả thể của mình. Một khả thể nhỏ nhoi, cụt ngủn.

Từ năm mười hai tuổi, Albert không còn nói đến hai chữ “ngày mai”. Còn tôi, ngày mai? Ông luật sư được chỉ định bào chữa cho tôi đã dặn dò nên trút hết ra những gì Albert và tôi đã sống trong mười sáu năm qua. Có cần thế không? Tôi không muốn banh xẻ, làm tấy lên những mục vữa trong thân xác Albert một khi nó đã được nằm yên trong đồng cỏ. Đã bao năm Albert khẩn xin Thượng Đế và con người cái quyền được an tĩnh ấy. Tôi nói hộ được cho người khác về cơn đau của người ấy sao? Tôi chỉ có thể nhận tội của chính mình. Julie hôm nọ vào thăm đã lớn giọng qua khung kính, khuyên tôi đừng lo âu quá. Những người có thân nhân cùng tình trạng tinh thần và nhục thể quằn trong tuyệt vọng như Albert sẽ biểu tình trước hàng cột đá chắc nịch, đồ sộ của dinh toà án để đòi tự do, khoan hồng cho tôi. Sao khoan hồng cho tôi? Sao trước đây không có sự khoan hồng nào cả cho Albert? để tôi chẳng phải tự mình chọn lựa. Ngày mai là một ngày khác. Ngày mai của tôi từ giờ đều giống như hôm nay khi không còn Albert. Không còn gì, dù chỉ là một tiếng gọi nhỏ xin muỗng nước, một tiếng rên nén giữ đến mơ hồ. Ngày mai, chắc chắn Marie, Pat, Elise, Jo… những người từng lui tới thăm Albert, trừ Phil, sẽ ngồi ở hàng ghế sau lưng tôi, đối diện với bàn chánh án. Một đôi người sẽ được mời ra làm nhân chứng. Phil đã qua đời một năm trước đây, Phil lặng lẽ gục xuống trong chiếc ghế bành, trước màn ảnh truyền hình vẫn nhấp nháy từ đêm cho đến lúc mụ Jeanne phát hiện, mãi chiều hôm sau. Albert hay tin, môi nhếch lên để lộ hàm răng đã bị cơn bệnh bào mòn, đầy lỗ.

- Phil thật may mắn!

Lạch cạch leng keng, tiếng chìa khoá. Ba người đàn bà đã trở lại phòng giam. Thường, được ra sân họ ồn ào toang toáng, phải trở vào họ im thinh, uể oải. Nhưng chỉ mấy phút sau, cô gái trẻ lại rống lên vài câu hát với cái giọng chua loét. Hai người đàn bà kia có lẽ thấm mệt hay tâm trí đang mày mò thoát khỏi các bức tường kiên cố nên chẳng thấy họ càu nhàu. Cô gái hát rồi cũng chán, hắt ra một tiếng ngáp dài. Im lặng.

Căn nhà ven đồi rừng hẳn cũng đang nằm trong một lặng thinh tuyệt đối. Người ta đã thay tôi buông màn, khoá cửa, sau khi đem Albert đi trên một chiếc băng ca, ra trắng phủ từ đỉnh đầu đến ngón chân. Y như khi họ đã đưa tôi vào, lật một mẩu khăn phủ lên cho tôi nhận diện. Nhìn xuống đó nhưng không thấy gì, tôi lặng lẽ gật đầu để có thể quay ra ngay lập tức. Tôi không muốn giữ hình ảnh Albert bất động trơ trọi. Tôi cũng không muốn nhớ thân hình Albert gầy thóp trên giường, mắt hốc, trừng trừng ngó lên trần nhà.

- Này, đêm nay cố mà nhắm mắt. Người đàn bà nhiều tuổi nhất bên kia tường vừa cất cái giọng khào khào của người nghiện thuốc.

Tôi chưa kịp nghĩ là bà ta đang nói với mình thì cô gái kia đã chộp ngay cơ hội:

- Ngủ gì nổi, chắc chắn tối nay thằng nhỏ sẽ về đứng đầu giường.

- Con nhỏ này. Ngu lại ác.

- Ác gì, chết kiểu đó, không về sao được.

Toi chợt giật mình, có thật Albert sẽ về trong đêm nay? Mấy tháng rồi, kể từ buổi chiều ấy, Albert không trở về dù là thoáng bóng, chứ đừng nói đứng đầu giường. Tại sao, ngay cả trong bao cơn mơ hỗn loạn, tôi cũng chẳng hề thấy được Albert? Không một tín hiệu nào cho tôi biết Albert đang ra sao? Hẳn Albert còn bận thênh thang trong một cánh rừng sum suê, có những con thú quấn quít hay rượt đuổi nhau. Albert đang chạy theo một chú nai con, Bambi của ngày thơ ấu. Albert là một đứa bé đang tập nói ngồi trong lòng tôi, hay một thanh niên hai mươi bốn tuổi?


Thằng con trai hai mươi bốn tuổi. Người đàn bà bỗng quắm người như miếng cao su bị hơ trên lửa. Gương mặt tóp teo, những lằn rãnh đã có một độ sâu không tương ứng với số tuổi hơn 40 lúc này càng hằn xuống. Rồi mi mắt đang nhìn mông lung vào mảng tường trước mặt từ từ khép lại. Có lẽ người đàn bà rớt trở vào vũng sâu của cảm xúc. Có thứ xúc cảm mong manh, đến trong tích tắc nhưng lại bám rất chặt vào tế bào, vào linh hồn, mà người đàn bà chẳng thể thổ lộ cùng ai. Chúng từng làm bà ta nghẹn thở, tủi hổ cùng cực, tiếng kêu không thể bật ra đành rút sâu vào ruột.

Lúc căn bệnh mới bắt đầu, Albert có thể ngồi vững trong bồn tắm, tự cầm vòi sen xối nước. Sau dần, các bắp thịt xụi teo để cuối cùng thành một cọng rau héo úa. Tôi nhấc ngồi dậy nhưng nếu buông tay là lưng Albert quặp xuống, cặp kính dầy đụng vào đầu gối. Hai vai nhô hai cục xương trong dáng điệu cằn cỗi, tuyệt vọng của một ông già xứ Phi. Từ lúc ấy, mỗi ngày tôi phải lau người cho thằng thanh niên đã vào tuổi trưởng thành. Tôi cởi áo Albert, dùng khăn thấm nước vuốt vuốt bộ ngực heo hắt đang chập chờn lên xuống. Tôi vừa chùi từng lóng tay vừa kể chuyện hàng xóm quanh đây, hay về một chương trình truyền hình mà Albert không còn sức theo dõi. Xong phần trên, tôi luồn tay dưới tấm ra mỏng, từ từ tuột mảnh vải quấn quanh bụng Albert. Tôi lùa khăn nhè nhẹ, phớt nhanh phần bụng dưới và giữa cặp đùi, vừa tiếp tục các câu chuyện quanh ngày. Albert nằm nghẹo cổ sang bên, thỉnh thoảng mở mắt động đậy ra chiều vẫn nghe tôi nói. Nếu cứ mãi thế, nếu không có sự việc ấy xảy ra thì không ai phải đớn đau thêm.

Một lần thôi cũng đủ một đời. Một đời đàn bà bốn mươi hai năm. Một đời chưa được phần tư thế kỷ của Albert. Cứ hồi tưởng là bàn tay phải của bà ta cong quơ giần giật, toàn thân rung lên, rồi sự tê liệt rút tái lên đỉnh đầu, dấn xuống tận ngón chân. Albert, hai con mắt mở lớn trên một gương mặt thảng thốt, cặp lông mày hất lên. Miệng há hốc muốn thốc ra ngoài một tiếng kêu, nhưng cuống cổ nghẹn khiến da mặt vốn nhợt nhạt xanh xao bỗng nhiên hừng đỏ. Dưới lớp ra giường, bàn tay thằng con trai đang thõng thượt úp bên cạnh sườn bỗng quơ lên, chộp lấy tay người đàn bà rồi đặt lên vùng cương cứng nhất giữa hai đùi mình. Mạnh bạo, bất thường, không tưởng nổi từ xương thịt khô đét của Albert đã khiến bà ta không phản ứng kịp. Mảnh khăn lau cũng đã tuột khỏi lòng bàn tay để bà đủ cảm nhận tỏ tường cái sức sống bạo liệt, cái nóng ấm run rẩy của thịt, của da và máu.

Từ hôm đó, mỗi khi thấy tôi vào phòng Albert cố gắng xoay sở để trở vai, nghiêng mặt vào tường, lặng lẽ. Tôi bưng bát canh loãng ngồi xuống cạnh giường, nặng nề, cực nhọc. Mãi sau, chừng không thể để tôi đợi lâu, Albert lại quay ngược về. Tôi đỡ Albert dựa vào gối để đút từng muỗng. Albert há miệng, cúi mắt, một thoáng máu hồng vấy lên. Tôi đút vội vàng, Albert vội nuốt. Nhưng chỉ vài thìa Albert đã lắc đầu, cổ lật sang bên, thân người thụt xuống, lụn bại. Đấy là những ngày tôi xót xa, thoi thóp trong một dằn vặt hỗn mang. Tôi muốn ôm Albert vào vòng tay, áp má hôn vào mấy sợi tóc bây giờ chỉ còn là một cụm cỏ xơ xác. Tôi muốn hát ru thằng thanh niên tuổi hai mươi như ngày nào nó nằm gọn trong lòng tôi, hai ngón tay cho vào miệng mút chùn chụt, riềm mi đập nhẹ bé thơ. Nói gì với Albert? Tôi không biết. Albert cũng câm, cái câm của đá.

Người đàn bà loay hoay suốt các đêm đen và ngày sáng, tìm kiếm một thái độ. Càng khổ tâm khi bà biết Albert cũng trong tình trạng quằn quại ấy. Nằm trên giường bà khắc khoải nghe tiếng chim cu rung rúc. Ngồi trước bàn bà ngó đăm vào tấm ảnh chụp hai vợ chồng nắm tay nhau đứng giữa đồng hoa lanh xanh lung linh. Bà là cô gái chưa kịp mười tám và anh vừa sang hai mươi mốt. Ngày nay Albert cũng cỡ tuổi anh trên hình. Cũng những sợi tóc mềm phất ngược ra sau, cùng gương mặt, cùng nét cười. Albert và anh. Nhưng Albert không bao giờ được hưởng cảm giác êm ái của nệm cỏ lá dưới thân, thiếu nữ và anh nằm bên nhau cùng nhìn những cánh chim lượn trên nền trời vàng nắng. Họ thầm thì những tính toán tương lai, rồi bất chợt anh nắm tay cô. Cũng cái động tác áp đặt nhưng run rẩy hối hả như Albert bây giờ. Mấy ngón tay cô gái cuống quít vội vàng khép lại, vuốt ve, chuyển động theo tiếng kêu rên của anh mỗi lúc mỗi gấp rút. Rồi anh chồm người lên cô, môi ngậm môi, tay nắm tay, mắt trong mắt. Anh hạ bụng mình xuống sát hơn nữa, hơn nữa. Xoay, sát. Không có gì thực hơn, không có gì vũ bão bằng khát khao ham muốn, không có gì thay được thứ khí giới tuyệt diệu ấy đang đâm suốt vào cô, cho cô nhận biết thật cùng đích thế nào là khoái cảm.

Nhưng anh đã đi con đường của mình, để trong mười sáu năm qua từng ngày bà một mình ôm Albert trên hai tay. Nghe Albert mệt nhọc thở, nhìn Albert rướn bờ ngực mỏng, cong bụng, quíu tay quíu chân khi các bắp thịt, các bộ phận gan, phổi, thận… đang rút co đau xiết. Còn cả linh hồn ẩn trong thể xác ấy mà bà không chắc mình đo được độ mục rã. Anh không ở đây để tiếp bà thương yêu và làm bổn phận của mình với Albert. Nếu có anh, anh đã tắm rửa lau người cho thằng con trai, bà đâu phải bàng hoàng hứng trên tay sự vùng dậy cương cường đòi sống thật không ngờ, độc lập và bất chấp tất cả của thân xác héo mòn ấy. Sau đám cưới vài tháng, một ngày mùa hạ, chiếc xe chở anh và cô gái đã gặp tai nạn nơi đường đèo. Ngày xác anh đang chờ giờ liệm cũng là ngày bác sĩ cứu cấp thông tin cô đang hoài thai Albert.       

Cuối cùng, không thể nào kéo dài để Albert tự ngoảnh mặt mãi vào tường. Chẳng thể nào khác hơn phải đối mặt với sự thật. Một buổi chiều, bà bê các thứ để lau người cho Albert vào phòng. Nhẹ nhàng bà kéo vai, lật thằng con trai quay mặt lại. Cử chỉ quyết định đối đầu ấy khiến Albert phải chịu thua, mở mắt ra. Một cái nhìn không còn lẩn tránh hay chết cứng ở vô định như mấy ngày trước. Albert bật tiếng kêu:

- Mẹ!

- Con đừng nghĩ ngợi.

Bà vừa nói vừa bình thản cởi áo, cầm khăn lau. Da ngực Albert đã mỏng tang, trong như một màn phim, xương lòi từng mẩu.

- Ngày mẹ quen ba con, ông cũng tuổi hai mươi. Thanh niên nào ở tuổi này mà không như thế hở Albert. Luật thiên nhiên mà.

- Nhưng thiên nhiên nào cho con sống theo cái luật của nó. Tại sao lại bắt con chịu thêm hình phạt oái oăm thế này.

Bà chưa biết trả lời sao, giọng Albert đang đắng cay chua chát vụt dịu xuống.

- Con xin lỗi.

- Con không phải thế. Mẹ sẽ làm bất cứ gì để con được nhẹ nhàng hơn.

Albert không đáp. Ngoài cửa sổ những cánh lá phong đỏ ối rụng từng chùm trong cơn gió đang lộng lên để đón tiết thu. Từ nơi này, bà và con trai từng nhìn chúng nhảy múa lượn vòng như thế đã bao mùa. Chẳng có gì thay đổi, chẳng có hi vọng nào về một sự đổi thay. Albert chừng cũng cùng ý nghĩ, giọng khô và nhẹ bẫng trong ánh chiều nghiêng hiu hắt:

- Đến bao giờ? Đến…

Bà chưa kịp quăng miếng khăn và giữ lấy vai con thì gương mặt Albert đã rúm lại như một nùi giẻ vắt kiệt, mắt môi trợn ngược, tay chân cứng còng. Vừa lúc người y tá rung chuông ngoài cổng. Sau ống thuốc tiêm vào một lúc, Albert giãn ra, khép mắt.

Cai tù đã đổi canh khi đêm ngả sáng. Đầu hành lang vọng tiếng đế giầy cao su cót két của người đàn bà mặt tròn vạnh, tấm thân đầy vòng mỡ. Cứ nhìn thì ai cũng tự hỏi một người cai tù như thế phản ứng thế nào cho kịp khi tù nhân chạy thoát ra ngoài? Nhưng tôi đã chứng kiến một lần bà ta khóa tay một con du đãng cướp tiệm nữ trang, khoẻ như voi, với chỉ một thế võ. Albert 6 tuổi đã nhất quyết đòi học võ. Trên một chuyến xe điện về ngoại ô trong khuya tối, tôi đã bị hai tên thanh niên ép vào cuối toa đùa cợt trước mặt cậu nhỏ. Lớn lên, èo uột trên giường, khi nhìn thấy một phụ nữ bị hiếp đáp trên màn truyền hình, Albert nói:

- Kể ra mẹ phải nghỉ việc ở nhà nuôi con cũng hay. Chứ mẹ đi làm về tối, con thì không đứng được nói chi học võ để bảo vệ. Nhớ lần ấy…

Tôi buột miệng, gạt ngang:

- Đừng nhắc tới nữa.

Một lúc sau, đột nhiên Albert buông thõng:

- Cần một người. Mẹ cần một người đàn ông.

Tôi nghe nỗi gì cay đắng, mỉa mai, đâm gắt:

- Mẹ thừa sức. Không cần ai cả.

Albert quay sang, nhìn vào mắt tôi:

- Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau, mẹ cáng đáng được đến bao giờ?

Cúi đầu, tôi tránh ánh mắt quyết liệt đòi một câu trả lời của Albert.

- Mẹ nhìn con đi. Đây chẳng là trừng phạt hay sao?

Tôi cuống lên:

- Không, con không trừng phạt mẹ. Mẹ chỉ có con.

Dưới mái tóc lơ thơ, da đầu Albert phập phềnh.

- Con không nói con là hình phạt của mẹ, mà là trời trừng phạt con. Mà không, chẳng có trời, chẳng có Thượng Đế. Con phải tự biết giải quyết cho mình.

Giải quyết cho mình, đấy là câu nói mà lần đầu tiên khi Albert thốt ra, thản nhiên nhẹ nhàng thế nhưng đã làm tay chân tôi co quíu, tim tôi ngừng đập, vội vàng cản: Không, Không được. Rồi tôi khóc, rồi tôi năn nỉ, rồi tôi canh chừng Albert sát sạt. Nhưng mỗi lần thấy thân thể Albert bị hành hạ rúm ró, gương mặt già cỗi gục xuống trên hai cục xương đầu gối méo mó, tôi mơ hồ dần thấy Albert có lí. Tôi biết lời mình cầu xin âm thầm từng đêm, cho tôi được gánh chịu giùm phần nào cái đau thể xác và tinh thần của con trai, đã rơi vào tuyệt vọng. Tuyệt vọng nhọn hoắt, sâu thẳm, tối tăm vạn lần hơn cái chết. Rồi tôi gào thét trên mặt gối đẫm nước: Tại sao anh ta không sống cùng tôi, giúp tôi chăm sóc Albert, giúp tôi cõng Albert lên đồi để cây cối, hoa lá và ngôi trường ngói đỏ đem lại chút ánh sáng trong lòng ngươi đã mờ mịt của Albert. Tại sao tôi phải một mình trước những câu hỏi, những phán quyết của Albert mà chẳng biết trả lời sao. Vì tất cả lời gì nói ra đều mang tính phủ dụ. Phủ dụ là dối trá.

Chút nắng ban mai đang nhẹ nhàng len qua mấy ô sắt vuông nhỏ nhoi trên tường. Người đàn bà vẫn chúi mặt vào hai bàn tay đặt úp trên đùi từ một chập nay, chợt ngửng mắt nhìn vào bộ quần áo mà bà cai tù đã đem đến vào 5g sáng, rồi chậm rãi đứng lên. Tuột dần chiếc áo xanh tù nhân khoác trên người, tròng vào những thứ mà bà bỗng nhiên nhận ra sự mềm mại của vải dù nó đã mang một mùi hương khác. Bà đã mặc bộ này để rời bệnh viện, đi giữa hai người cảnh sát. Tuy bao nhiêu sự cố kinh hoàng đã xảy ra khiến tâm thức hoảng mệt lờ mờ, thế mà lúc ấy bà vẫn nhận ra người ta đã tuột đi lúc nào bộ áo bà mặc trên người lúc thức tỉnh dưới thân sồi gẫy đôi trong cuồng phong. Gió thổi bạt ngàn, chim gào toang toác, lá và cây ào ào đổ. Mở mắt ra, tất cả quay cuồng đến nỗi bà vẫn tự hỏi đấy là thực hay mơ? Nhưng dù nghi ngờ thế nào thì khoảng thời gian, không gian, sự việc xảy ra trước khi bà thức mắt giữa rừng vẫn tỏ tường một thực tế không thể chối cãi, biện minh.

Buổi sáng một tuần trước, Albert vừa thiếp đi sau khi cô y tá chích thêm morphine, ông phát thư đến trước cửa nhà, rối rít gọi:

- Có thư, mau lên. Albert có thư đóng dấu phủ Tổng Thống.

Bà mở cửa run run nhận tờ thư. Trở vào, ngồi xuống cạnh giường, lặng lẽ ngó con trong suốt thời gian Albert mê muội. Bà ngắm khuôn mặt hao hút ấy rồi nhìn xuống tờ thư mang triện đỏ đặt trong lòng. Bà không muốn bóc thư ra, dù biết trong đấy là câu trả lời tối hậu cho lời cầu xin mà Albert đã van bà viết hộ và chính cậu run rẩy ký cho bằng được một chữ A ở cuối thư, rồi từng ngày đợi chờ kết quả. Bà không vội vì đã biết, dù câu trả lời là thế nào thì bà cũng sẽ mất Albert.

3 giờ chiều, gió rừng bắt đầu quạt lộng. Tôi nghe rõ tiếng chim quác lên sợ hãi. 3 giờ rưỡi, người y tá cho ống thuốc mới vào đường truyền dẫn vào mạch máu tay Albert, rồi vội vàng ra về, hẹn ngày hôm sau. Đúng một ống, không được hơn hay kém, cho hai mươi bốn giờ đồng hồ. Tôi và Albert đều biết sẽ không có ngày hôm sau. Albert mở hai con mắt lõm sâu giữa hốc xương trán và gò má nhìn tôi yêu thương và cầu khẩn. Tôi lặng lẽ gật đầu với con. Tôi nguyện với nó lời hứa cuối cùng. Tôi đứng lên, mở hộp thuốc của người y tá để trên kệ tủ, lấy một ống rồi đổ thêm vào túi truyền thuốc. Albert nhìn theo từng cử chỉ tôi làm từ đầu đến cuối, bằng ánh nhìn tin tưởng, thành khẩn. Vành môi chỉ còn là một mép da tái xám nhếch lên, chờ đợi.

Từng giọt li ti, trong vắt, đều đặn rơi ngấm vào dòng máu đã mỏi mệt, cạn hồng cầu của Albert hay đang chạy vào tim tôi khiến nó co giật, xé đau. Tôi cúi xuống, gương mặt hao choắt của con tôi hình như đang nở ra, hõm má bây giờ là màng bong bóng dần dần được thổi căng lên, nhưng thoắt đó thôi rồi nó lại xẹp ngay, dúm dó.

- Albert. Albert.

Tôi hét lên thảng thốt. Ai ngờ bàn tay kia của Albert gượng động đậy, một cái chạm hờ nhẹ bẫng, nhưng là một nhắc nhở tỏ tường hơn bao giờ cái tâm nguyện thao thiết của con tôi là được thoát khỏi cơn đau trần ai đã đằng đẵng hành hạ nó. Tờ thư trả lời tối hậu đã từ chối Albert cái quyền được tự chấm dứt điêu linh.

Rồi bàn tay Albert lật ngửa ra trên tấm chăn. Căn phòng rơi vào im lặng của bóng tối 4 giờ chiều ngày nhập đông. Tim tôi đã ngừng co bóp. Bỗng những cánh cửa sổ bị bỏ quên bưng theo gió đập vào tường vào đầu tôi rầm rầm, chan chát. Chúng cũng đang nện vào trái tim ngoi ngóp của Albert. Sao chúng không để cho chúng tôi được lặng yên với nhau thêm vài phút vài giây này nữa. Tôi giận dữ đứng bật dậy, ra khỏi phòng, tôi muốn lấy búa lấy rìu chẻ chúng nát tan từng mảnh. Nhưng vừa mở cửa ngoài thì một lưỡi trời vàng rực, loé sắc, bật khỏi khối mây đen vần vũ, nó như tên lửa phóng vút vào khu đồi rừng trước mặt, nó cắp tôi theo cùng cơn gió nộ. Thoăn thoắt trước mặt tôi là lão Phil lưng cõng Albert. Lão bay nhanh hơn cả gió, chợt ẩn chợt hiện giữa những thân sồi quằn quại. Gió mạnh thế mà Albert cười nấc, cặp chân khỏng khiu thúc vào sườn Phil để giục lão mau chạy đến ghềnh đá nhìn xuống ngôi trường tiểu học ngói đỏ. Tôi cố gắng hét lên, gọi họ chờ mình. Tôi sắp đuổi kịp họ rồi. Tôi sắp đến nơi có hoa gai mọc dưới vực đá. Tôi sắp đến đó cùng Phil, cùng Albert. Nhưng cuối cùng tôi đã chơi vơi trong một cơn mơ hoảng, choàng tỉnh với ngạnh chân nằm dưới thân sồi già lúc nào không hay. Và với ý thức mình đã là kẻ sát nhân.

Ngày mai cuối cùng đã tới dưới ánh đèn nhạt nhẽo bất phân đêm ngày, trong tiếng leng keng chìa khóa của người cai tù đến trước song sắt, gọi người đàn bà đứng dậy, ra xe.


Cuối 2009.
M.N
(258/8-10)







Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hô-vi-lô (08/09/2010)
Người cha (01/09/2010)
Ngã ba đường 9 (18/08/2010)
Chai bao (30/07/2010)