Truyện ngắn
Thành Hoàng cười
09:55 | 28/08/2008
MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"

Sĩ là bạn tôi. Dân điêu khắc trường trại. Từ ngày về công tác ở cơ quan Văn hoá - Thông tin chỉ được phân làm một việc kẻ khẩu hiệu. Cắt dán, lắp chữ, quẹt sơn hoài đâm nản. Cũng gửi gắm ý tưởng vào một số công trình nhưng chưa hề được các vị "giám khảo" ghé mắt. Dù vậy lúc say vẫn cao hứng tuyên bố: "Mình sẽ có tác phẩm bất tử!". Khi tỉnh rượu lại cười buồn: "Chí cao, tài mọn, thật bi kịch". Tôi an ủi: "Cậu còn dằn vặt, còn quay quắt là còn chất  nghệ sĩ". Sĩ cáu: "Ông học thói ăn theo, nói leo". Tôi cười: "Chuyện thường thôi". Vợ Sĩ có nghề giò chả. Mỗi sáng trước lúc đến cơ quan, Sĩ gồng vai giã cho vợ mấy cối thịt. Hoàn thành nhiệm vụ, vợ nhét vào túi vài chục ngàn để bù khú với bạn bè. Lẽ ra, đời như thế là vui. Không hiểu sao Sĩ cứ buồn! Nghe bàn chuyện sửa tượng, vợ tôi nói: "Đúng là việc cần làm. Mẹ kiếp, Thành Hoàng làng anh mặt buồn như bị mất trộm". Tôi quát: "Cô đừng ăn nói kiểu táo tợn. Đàn bà táo tợn chỉ thiệt thân". Vợ tôi xị mặt.
Không biết làng tôi hình thành từ bao giờ. Miếng cơm, manh áo luôn quấn chặt số phận từng con người nên chả ai còn lòng dạ truy tìm tung tích. Làng nằm lọt thỏm trong những dãy đồi hình cánh cung. Trước mặt là biển với bãi ngang đá chìm, đá nổi. Cũng có cửa biển cho thuyền vào ra nhưng nó nhỏ đến mức nói như mẹ tôi: "Con cá cũng chê!". Để chống chọi mùa gió bão, mỗi căn nhà được xây dựng như một lô cốt bằng đá. Nhìn từ xa trông giống căn cứ quân sự. Làng có khoảng trăm hộ chia thành ba xóm: Thượng, Trung, Hạ. Xóm Thượng chen chúc đầu trên, nơi con suối nhỏ chảy ra phục vụ nước ngọt cho làng. Dân chuyên nghề đi củi. Xóm Trung, nhà ở kéo dọc triền đồi, làm nghề đá ong và buôn bán. Gọi buôn bán cho oai, cũng chỉ quán xá lèo tèo với dưa muối, tương cà, dầu đèn, kim chỉ, cùng dăm vỉ thuốc chữa nhức đầu, cảm sốt. Xóm Hạ của tôi sở hữu dăm mẫu đất trồng lúa nước trời cùng vài chiếc thuyền chèo tay. Những chiếc thuyền mà chỉ cần gió hơi mạnh là đố dám trườn ra khỏi cửa. Kinh tế làng tôi cũng đủ nông, công, thương nhưng anh nào cũng "giật gấu vá vai", đến nỗi không còn "gấu" để giật.
Mỗi xóm tự hình thành một vị đầu xóm. Xóm Thượng có đầu xóm là lão Bá. Cả làng ai cũng sợ. Nhà lão nằm ngay đầu suối. Lão hay đùa: "Tôi không gìn giữ chắc cả làng uống nước thối". Có giỗ chạp trong làng, lão Bá chưa đến thì chưa có chuyện đụng đũa, đụng mâm. Ba ly rượu vào, lão thao thao bất tuyệt chuyện trên trời, dưới đất, đông tây, kim cổ lộn xộn. Cũng không hại gì đến ai. Nhưng bố tôi - đầu xóm Hạ - mỗi lần say, về nhà tức tối: "Uất thật! Cứ phải khoá mồm ngồi nghe kẻ phét lác". Mẹ tôi rì rầm: "Vậy chứ thiếu lão, làng sẽ mất vui". Đầu xóm giữa là ông Vàng. Người có quán tạp hoá xôm trò nhất. Ngày xưa, ông ta bán mặt hàng gì cũng xảo một tí. Cân, đo, đong, đếm đầu thừa, đuôi thẹo. Ai cũng biết nhưng giả ngơ. Ông Vàng có thằng con tên Đá. Đôi bàn tay Đá dẻo đến độ khác thường. Ở làng, đôi tay ấy chẳng biết dùng làm gì nên nó nghĩ ra bao trò gian lận. Bài tây, bầu cua, xóc đĩa, môn nào nó cũng tìm cách bịp cho được mọi người mới thôi. Năm 18 tuổi, Đá theo người làng cá chạy ra nước ngoài. Nghe nói nó nổi tiếng cờ bạc bịp nên bị các tay anh chị giang hồ quốc tế khử. Cũng chỉ lời đồn đại. Không ai rõ thực hư thế nào! Sự thật là từ ngày ra đi, Đá biệt tích luôn. Bây giờ ông Vàng sống dở, chết dở. Làng tôi có cái tệ là hay bị trộm vặt. Đồ vật gì hớ hênh một tí là biến mất ngay. Nhưng làng có lệ từ xưa, người bị trộm không được kêu ca, chửi bới. Gào lên sẽ bị phạt vạ. Cha tôi giải thích: "Lòng tham của con người rất kinh dị. Anh không biết giữ gìn, cứ hơ hớ ra như thế bảo làm sao nó không nhanh tay chớp lấy. Anh cũng có tội vì đã tạo điều kiện, kích thích sự tham lam". Mẹ tôi chua chát: "Các ông lý sự cùn". Chiều chiều, đàn ông trong xóm, trong làng tụ tập uống rượu. Khi say trông mặt ông nào cũng dúm dó, nhàu nát. Thỉnh thoảng gây sự nhau vì những chuyện không đâu. Ngày hôm sau tỉnh, xách rượu tìm nhau rối rít xin lỗi. Phạt chú một chén, phạt anh gấp đôi, lại say. Đàn bà trong làng phát chán cảnh say sưa. Nhưng rồi chỉ thở dài, thông cảm: "Họ còn biết làm gì hơn. Sao chiều nào cũng buồn vậy, hở trời!".
Cuối xóm Hạ có ghềnh đá nhô ra biển. Chân ghềnh lõm vào thành một chiếc hang. Trong hang có bức tượng người đàn ông với dáng đứng vươn tay, nghiêng mình hướng ra biển. Chả ai biết đây có phải là người mở đất lập làng hay không? Nhưng xưa đã thờ thì nay theo. Trong năm không có ngày cúng quảy cố định. Ai có việc cứ tự động vào hang đặt lễ, thắp hương cầu khấn. Chuyện không có gì đáng nói nếu là tượng bình thường. Ở đây, bức tượng đá của làng không có đôi bàn tay. Dân các làng khác gọi làng tôi là làng Cụt. Họ kháo nhau: "Thành hoàng làng tôi mắc tội trộm cắp, bị triều đình xử chặt tay. Xấu hổ nên tìm trốn nơi thâm sơn cùng cốc". Dĩ nhiên làng tôi không chấp nhận "truyền thuyết" này. Cũng vì chuyện hoang đường mà trẻ con làng tôi thường "đánh nhau" với trẻ con các làng bên. Chủ yếu là "võ mồm". Quá lắm thì đất hòn, đất cục ném nhau. Chưa có đứa nào bị sứt đầu, mẻ trán. Trẻ con dừng lại mức ấy, người lớn nghiêm trọng hơn. Làng tôi chưa hề có được mối lái, cưới xin với những người "láng giềng". Trai gái các xóm lượn lờ với nhau vẫn không hợp nhãn thì phải đến chốn xa tìm chồng, tìm vợ. Lâu dần mọi chuyện cũng quen, không ai còn thắc mắc. Lúc nhỏ, ở làng, tôi không dám tham gia vào các "trận chiến" trẻ con vì phải theo học trường chung với làng khác. Chúng bạn hay trêu "dân làng Cụt". Tôi nghe hoài, nhàm tai. Học hết lớp ở quê, mẹ gửi tôi lên cho người anh làm việc ở tỉnh. Bác nuôi tôi học đến trung cấp, xin cho việc làm. Tôi lấy vợ, thành người phố thị. Đám cưới xong, tôi đưa vợ về làng ra mắt bà con. Khi trở lại nhà, vợ tôi nói: "Ở làng anh thấy rờn rợn. Mắt ai nhìn cũng lòm lòm. Trông như đang dò xét kẻ gian". Tôi nghe buồn lặng người.
Ba tháng trước, làng tôi xảy ra chuyện động trời. Bé Thuỷ , em họ tôi, lớ quớ thế nào lại đi yêu cậu trai đánh cá làng bên. Chúng nó thề non, hẹn biển, sống chết có nhau. Gia đình và cả người làng hai bên ra tay can ngăn quyết liệt. Cùng quẫn, nó lấy thuyền bơi ra xa bờ, nhảy ùm xuống biển. Dân làng kịp phát hiện, chèo thuyền vớt lên. Chưa hề hấn gì, mới chỉ uống no bụng nước. Mẹ tôi thương cháu, xót đời, chửi toáng: "Con Thuỷ làm thế là điên. Nhưng nếu cứ sống mãi thế này thì tôi cũng nuốn chêt quách cho xong". Cả làng lặng câm. Hình như bé Thuỷ làm mọi người bị sốc. Làng họp một ngày, quyết định giao cho bố tôi tìm người tu sửa tượng. Chủ yếu là lắp cho được đôi bàn tay. Kinh phí làng lo.
Tôi đưa Sĩ về làng. Sĩ vào hang, đốt đuốc ở lỳ trong ấy. Đến ngày thứ ba mới mò ra, mặt mày phờ phạc, nhưng đôi mắt sáng long lanh. Đêm uống rượu, Sĩ ngồi nhìn ra phía biển, ngây người. Trông Sĩ thật xuất thần. Sĩ nói: "Tuyệt tác. Người tạc tượng là một nghệ sĩ tài năng: Khuôn mặt tượng bí ẩn một cách kỳ thú. Nó thay đổi theo tâm trạng người xem. Đôi cánh tay vươn ra với cách tạo dáng bất thường cùng độ nghiêng làm cho tượng như muốn bay lên. Bức tượng biểu hiện sự khát khao vô bờ. Người nghệ sĩ đã gửi gắm trọn vẹn tâm sự lớn của đời mình". Tôi là kẻ ngoại đạo, nghe Sĩ nói chỉ biết ậm ừ, nhưng trong lòng cũng thấy lâng lâng điều gì đấy. Bố tôi hỏi: "Còn yêu cầu của dân làng, cháu tính sao?". Sĩ nói: "Không thể đụng chạm một tý nào vào bức tượng ấy. Sẽ hỏng hết. Cháu làm cho làng bức tượng khác bằng xi măng, cốt thép làng lập miếu mới để thờ". Sĩ đưa phác thảo cho bố tôi xem. Bố tôi thích chí: "Cũng là bức tượng ấy, nhưng khuôn mặt có nét cười vui vẻ. Đôi cánh tay bình thường như thế là được rồi". Bố tôi lại rầu rĩ: "Làm mới tốn kem, không biết dân làng có chịu góp thêm?". Sĩ cười: "Xi măng, cốt thép không nhiều đâu! Cháu sẽ giúp cho làng". Mẹ tôi rơm rớm nước mắt: "Quý hoá quá. Dân làng biết ơn cháu nhiều lắm". Tôi vỗ vai Sĩ: "Cậu là cứu tinh của làng tớ". Sĩ nghiêm mặt: "Ông đừng nói năng nhì nhằng. Tôi làm để tỏ lòng tri ân người nghệ sĩ vô danh". Nghe nói sắp đến, vùng quê tôi có khu chế xuất. Biết đâu, dân làng tôi sẽ được đổi đời từ đây?...
M.D.H
(nguồn: TCSH số 161 - 07 - 2002)

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Hướng thiện (26/08/2008)
Na ơi... (08/08/2008)