Truyện ngắn
Điểm Bốn
15:46 | 03/09/2008
TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…

Suốt ngày đêm, nóng đến 40oC, hầu hết đàn ông trong phòng chấm chỉ mặc áo lót. Rất may bây giờ chẳng phải thời ăn bo bo năm bảy tám chứ nếu không, các thầy sẽ làm không khí khô quắt lại bởi những bộ xương sườn đủ kích cỡ. Tiếp đó là đáp án. Chúng tôi đã "cãi" nhau suốt một ngày trời. Đáp án của một đề thi đại học tầm cỡ quốc gia, liên quan đến số phận của một trăm năm chục ngàn thí sinh thi khối C mà được soạn thảo đầy tắc trách. Trong câu một có cả thảy tám chữ Ấn Độ thì hai chữ viết hoa, sáu chữ không. Cái nào là đúng đây? Khởi nghĩa vũ trang ở Ấn Độ trong sách viết là tháng hai, đáp án là tháng tư. Đến ngay sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì đáp án "phán" có trước cả "Đồng khởi" đã làm chủ 600 trong tổng số 1298 xã ở Nam Bộ, 904 trong tổng số 3829 thôn ở Trung Bộ, 3200 trong tổng số 5721 thôn ở Tây Nguyên... đáp án không thèm nhắc đến mà chỉ khẳng định là hàng trăm! Trời đất, tôi đọc đáp án mà cảm thấy xót xa và tội nghiệp cho một trăm năm chục ngàn cái đầu thơ dại phải tụng niệm những con số vô hồn một cách khó khăn bởi cực kỳ khó nhớ để rồi bị người ra đề coi không đáng một chinh mẻ (!). Quy trình chấm thì hỡi ôi, một sáng tạo thiên tài cỡ số một thế giới về quan liêu. Mỗi người chấm một ngàn bài có nghĩa là phải viết một ngàn lần chữ đại học Huế, thêm một ngàn lần chữ số túi cộng thêm một ngàn lần chữ điểm bằng chữ vào... tờ phiếu chấm thi.
Có thể vì El Ninô, cũng có thể thí sinh bị "gãy cầu" khi "tủ" sai nên bài thi phần lớn chẳng có gì để chấm và, cũng có thể vì sự căng thẳng mà các thủ tục đã tạo ra nên mười ba ngày chấm thi của chúng tôi thật vất vả. Chín mươi chín phần trăm thì giờ làm việc của chúng tôi là những bộ mặt chuẩn bị đánh giáp lá cà. Thi thoảng có một gã điên nào đó cố ý làm cho mọi người thư giãn bằng nghêu ngao "trăm năm trong cõi người ta, chấm mà không mút gọi là chấm thi" thì cũng khó có thể làm cho ai cười.
Tất cả những điều ấy đủ làm cho không khí trước khi kết thúc một công việc trở nên sôi nổi hơn bình thường. Vì bốn giờ ba mười chiều là giờ tiệc liên hoan nhỏ đã được ấn định nên những bài thi cuối cùng dược chấm một cách vội vã. Một túi có khi được "xé" nhỏ ra cho năm, sáu người chấm. Cảnh chợ chiều là một trong ba thứ chán nhất của đời người nhưng ở đây thì hoàn toàn khác. Phạm Công (không phải là chồng của Cúc Hoa trong tích cổ) vừa nói với tôi vừa khịt mũi - cái mũi hơi bị gãy vì bị mảnh đạn trong chiến tranh.
- Ông chấm hộ năm bài này.
Tôi nhăn nhó:
- Dạ thưa anh, em xong rồi, giờ em ngồi chờ để.. . nhậu!
- Làm nhanh để đi luôn. Phạm Công gắt nhẹ với tôi. Rất may là lão này không làm đốc công chứ nếu thế e có thằng nhừ đòn. Tôi nghĩ rồi đưa tay đón lấy tập bài. Trên bàn trưởng tiểu ban chấm, Trần Vĩnh - trưởng khoa Sử bên sư phạm nhắc nhở mọi người bằng một giọng nói mà người trong nghề, ai cũng phải ghen tỵ.
- Mặc dù chúng ta ai cũng muốn kết thúc nhanh công việc nhưng yêu cầu các thầy cô phải chấm đúng quy trình.
Nguyễn Mạnh Lộc, phó trưởng tiểu ban, người "bên trường tôi" nhắc thêm:
- Đây là thời điểm hay bị sai sót. đề nghị các thầy, các cô lưu ý.
Lộc nói và hơi mỉm cười. Tôi ít khi gặp một người đàn ông nào cười có duyên mà hồn hậu như thế. Hình như ai có nụ cười đó đều là người chẳng bao giờ sợ vợ? Lê Đình Phức, đồng nghiệp lớn tuổi nhất trong thế hệ chúng tôi -một thấy đồ chính hiệu Nghệ Tĩnh - bao giờ cũng mô phạm đúng mực còn xen vào:
- Xếp Lộc nhắc bác Phạm Công và chú Sài đó.
Tôi được mọi người đặt thêm tên là Giang Minh Sài. Sài khổ vì một lần bị bắt quả tang khi được hưởng "lạc thú" nhìn thấy hai trái cấm trong một ngày mưa bão. Còn đời tôi thì toàn những sai lầm. Tôi chỉ có mỗi điều duy nhất đúng, đó là ngu xuẩn. Tôi trả miếng Lê Đình Phức cũng không vừa:
- "Một người về đỉnh cao" mà cũng dám phán!
Lê Đình Phức cười. Anh chỉ đỡ phức tạp, đỡ khắc khổ khi cười. Chính vì thế mà anh rất ít cười. Sở dĩ tôi gọi như vậy vì Lê Đình Phức hay cho điểm "trên trời": bài dài, chữ đẹp, thế nào cũng có sáu, bảy điểm. Theo quy định của Bộ, chênh nửa điểm phải có người thứ ba chấm. Vì thế thì mỗi khi chấm thi cùng túi bài với anh, bao giờ cũng toát mồ hôi. Nói anh, anh chống chế "Thêm cho các cháu đỡ tội".
Nghe thì hay vì có lý nhưng cũng rất có lý là hàng trăm, hàng nghìn "cháu" khác bị các thầy cô do không làm chủ đáp án, sợ trách nhiệm nên cho điểm thấp nhất có thể để "an toàn"? Chấm thi môn xã hội mà chênh nửa điểm, một điểm là "chuyện thường ngày". Đây là một quy chế mà tôi không hiểu vì sao đến tận bây giờ vẫn cứ tiếp tục tồn tại.
Tôi quay sang Phạm Công:
- Bài này anh cho mấy?
- Bốn điểm.
- Bảy, tám trang mà có bốn điểm thôi sao?
- Chẳng có gì trong đó. Tao chấm kỹ lắm rồi.
- Ừ thì bốn. Tôi chặc lưỡi, ghi điểm vào bên lề rồi ký vào ô cán bộ chấm thi thứ hai. Đây cũng là lúc mà mọi người đã lục tục đứng dậy để đi liên hoan.

Trở lại trường sau một tháng hè, cái đầu tiên tôi nhận được là giấy mời của Ban tuyển sinh do anh Lê Tài Thao, phó ban, ký. Một cảm giác bất an, không thấy được nhưng có thể cảm nhận được rất rõ tràn ngập trong tôi. Đó là một trong những giấy mời khó chịu nhất - có lẽ nó chỉ đứng sau thiếp mời dự cưới ngày cuối tháng, chưa có lương. Giấy mời tôi lên Ban tuyển sinh. Có nghĩa là tôi đã bị kiện vì chấm sai. Làm sao tôi có thể sai khi toàn bộ chương trình lịch sử lớp mười hai tôi dạy không bao giờ cần đến giáo án?
Đúng bảy giờ sáng hôm sau tôi có mặt ở Ban tuyển sinh. Nghề giáo viên có hai điểm tuyệt vời; luôn luôn có thói quen đúng giờ và nữa, đó là một nghề cao thượng. Chúng tôi "rút ruột" để truyền đạt cho sinh viên gần như tất cả những gì mình biết dể sau này, họ là những người sẽ cạnh tranh trực tiếp với mình về khả năng và nghề nghiệp. Là một người thầy, chúng tôi luôn tự hào vì học trò giỏi hơn mình. Là một con người dĩ nhiên bao giờ tôi cũng ghen tỵ và tức tối vì chính cái sự tự hào ngu ngốc đó.
Tôi gặp Phạm Công (giấy mời thuộc dạng mật nên không ai biết ai). Ngay lập tức tôi nhớ đến bài thi điểm bốn trong buổi chấm cuối cùng của năm trước. Định mệnh hay giác quan thứ sáu? Tại sao tôi bị sa vào tình thế khó xử này chỉ vì một buổi liên hoan, một thoáng xả hơi vô trách nhiệm?
Trong phòng họp của Ban tuyển sinh, đã có vài chục giáo viên của tất cả các Khoa. Đây cũng là chuyện bình thường vì vài chục sai sót trong một trăm ngàn bài thi mỗi năm là điều có thể chấp nhận (?) được.
Lê Tài Thao đến trước tôi và Phạm Công:
- Bài này các anh cho điểm bốn, thí sinh đòi phúc khảo. Điểm phúc khảo là sáu. Đề nghị các anh nghiên cứu kỹ để đối chất.
Tôi đưa cả hai tay để nhận lấy một trong những vật nặng nhất mà bàn tay gầy guộc của tôi dám đưa ra để "đỡ". Không nhìn Phạm Công, tôi đọc ngay. Chỉ ba phút tôi đã lướt xong cả tám trang giấy với nét chữ rất đẹp và trời ạ, viết rất hay. Mình sai rồi - tôi nghĩ nhanh - bài xứng đáng điểm bảy, cán bộ nào chấm phúc khảo đã hạ thấp đến mức có thể nhất, theo nguyên tắc
bảo vệ đồng nghiệp.
Tôi bàng hoàng. Và lúc ấy, sao tôi thấy căm ghét Phạm Công đến thế. Tất nhiên là tôi không hề nghĩ mình sai. Bản năng dạy cho tôi cách "dễ" nhất để bao biện: tất cả là do anh ta. Tôi gắt với Phạm Công:
- Bài này mà anh cho bốn điểm?
- Lúc đó tao không đọc kỹ - Phạm nói tỉnh khô.
- Tôi đã hỏi anh rồi mà?
- Thì tao cũng không biết vì sao nữa!
Tôi đứng dậy, và như một con lươn, tôi trườn nhanh đi gặp Lê Tài Thao. Rất nhiều người nói rằng anh kênh kiệu, khó hiểu vì có chức vụ cao. Nhưng tôi biết rõ Thao khi anh còn là một giáo viên như tôi - ngày mới về trường (anh Thao thì liên tục thăng tiến, còn tôi thì vì không tiến nên chưa bao giờ... chậm tiến). Đó là một người có tâm hồn, một người bạn đầy "trách nhiệm". Anh giúp tôi tất cả những gì đúng và biết làm cho tôi hiểu đừng bao giờ nhờ một mẩu của điều sai.
Tôi nói thẳng với anh:
- Bọn em sai rồi. Có bị kỷ luật không?
- Cái đó còn tuỳ mức độ sai phạm.
Có lẽ đó là câu trả lời rõ nhất mà tôi đã từng được nghe trong đời.
- Theo anh mấy điểm là đúng? Anh Thao hỏi tôi, với ánh mắt nhìn nghiêm nghị, bình thản hàng ngày. Nhưng tôi đã thật sự xấu hổ trước ánh mắt đó, khi trả lời:
- Nhiều lắm là bốn điểm rưỡi. Tôi nói mà không hề có bất kỳ một trúc trắc nào về ngôn từ, ngữ điệu.
- Vậy thì không có vấn đề gì lớn. Anh Thao "đọc" được sự dối trá của tôi không khi anh vừa nói vừa nhìn về phía phòng chấm thi, mí mắt cứ chớp liên hồi? Dường như anh trông chờ ở tôi một chút của lòng dũng cảm. Nếu đúng thế hẳn không ít lần anh coi tôi là một thằng ngốc.
Tôi quay vào, nói với Phạm Công:
- Hoặc là tôi và anh chết. Hoặc là thí sinh này "chết". Ta phải sang đối chất với phúc khảo.
Không có gì quá khó khăn khi tôi "nghiên cứu" và "phát hiện" ra bài của thí sinh có đến năm lỗi chính tả, ba lỗi ngữ pháp, hai lỗi nhầm số liệu "cơ bản".
Bấy nhiêu đủ để chứng minh "bài thi không đạt điểm khá". (Trong chấm thi đại học, bảy - tám là điểm rất giỏi, điểm sáu là điểm chắc chắn đỗ).
Cuộc thượng lượng giữa hai người sai và ba người đúng là một cuộc họp thật dễ dàng. Tôi và Phạm Công thường xuyên sử dụng các cụm từ "chấm hơi chặt", "bài không thật sự khá lắm"; "phúc khảo hơi hơi rộng"; "nửa điểm không ảnh hưởng gì nhiều"... để lung lạc hai cán bộ phúc khảo là thầy Hồng và cô Triêm. Phạm Công ra sức nịnh đầm - hoặc là cố ý khoe hai hàm răng đẹp như thật. còn tôi thì vận dụng hết cả mười hai thành công lực của một phần tư thế kỷ kinh nghiệm làm quen với phụ nữ để thuyết phục. Không có gì hiệu quả hơn để làm mềm lòng một người đàn bà nếu bạn cho họ biết bạn cần được che chở trong sự yếu đuối của họ; cần được sự thông cảm của Đức Chúa Trời cụ thể là chính họ. Với thấy Hồng thì đơn giản hơn - chúng tôi là bạn. Vả lại, "lừa" một thằng bạn quý như Hồng là việc "hơi khó": Bằng chứng là hắn đã thề không ít lần không cho tôi mượn tiền nhưng tôi đã móc được tiền từ túi của hắn nhiều hơn cả những lần thề bồi ấy. Rốt cuộc thì mọi việc cũng xong. Tôi và Phạm Công ra quán uống vài ly để nhấm nháp sơ sơ việc làm "hơi bậy" của mình (!)

Không có gì làm cho người khó quên hơn một lỗi lầm cần được giấu giếm. Nhất là đối với người có chút ít nhỏ nhoi lương tâm như tôi. Cứ mỗi mùa thi, kỷ niệm điểm bốn ngày nào lại nhói lên, mỗi năm một ít hơn nhưng chẳng bao giờ kết thúc.
Hè năm ngoái tôi dạy cho lớp "từ xa"ở Bến Tre. Đó là địa danh nổi tiếng, với tôi là một nỗi buồn. Bến Tre như xát thêm muối vào sự day dứt của tôi về bài thi "Đồng khởi" hôm nào. Thực ra, tôi cũng tìm được một lối thoát khả dĩ cho mình: dù tôi không dám nhận trách nhiệm khi cố tình đánh trượt một thí sinh thì tôi cũng đã đem niềm vui vô bờ bến cho một người khác. Chỗ ngồi đó trên giảng đường đại học vẫn còn nguyên: một sinh viên, tuy không phải cô nữ sinh X-4 ấy. Tôi có cướp lấy cho riêng tôi đâu? Suy cho tới cùng, người thay thế chỉ kém "cô gái X-4" có nửa điểm. Nửa điểm chỉ là bọt bèo so với hàng tỷ cách tính điểm của cuộc đời. Vả lại, trong văn chương, sử sách chưa chắc gì người kém nửa điểm có thể kém xứng đáng hơn.. .
Lớp học "từ xa" là một trong những điều tốt đẹp nhất mà con người có thể nghĩ ra. Thời gian học không nhiều, chủ yếu là tự học. Tôi có thể "đưa"sinh viên đi từ xa - từ thời đại đồ đá đến thời đại bao bì, đóng gói; từ châu Á đến châu Mỹ chỉ trong mười mấy tiết học. Tuy nhiên những giáo viên cấp một, cấp hai có trăm, ngàn hoàn cảnh để lỡ thì đó đằng nào cũng được biết thêm một ít. Một ít dù sao cũng hơn là không có chút gì. Nếu không có những lớp học "từ xa" thì họ có ít cơ hội để có thêm dù chỉ một ít kiến thức. Sự thông cảm với những học viên đó còn được tăng thêm bởi sự mới lạ, háo hức khi đến một miền đất mới - nơi mà chúng tôi rất có thể sẽ chẳng đến được bao giờ.. .
Buổi học sau cùng, lớp trưởng, một hiệu phó cấp một miền núi tận Gia Lai, H'Ven mời tôi đi "uống chút xíu”. Trong ngôn ngữ của đời thường, "uống chút xíu" là một cụm từ kích thích trí tưởng tượng. Tôi từ chối cho có vẻ - bệnh sĩ thông thường của giới trí thức. Càng "có vẻ" hơn là bởi một người thầy. Tuy nhiên H'Ven còn lớn tuổi hơn tôi. Về đời, anh ta là thầy tôi; về khao khát anh ta là sư tổ của tôi.
Cái giống nhau của những nền văn minh là tất cả mọi thằng đàn ông đều không khác nhau về sự háo hức giới tính ở điều mới lạ. Ông cha ta chẳng đã nói câu "một cái... lạ bằng cả xã cái quen" đó sao! Ở tuổi trưởng thành, ai cũng biết câu đó, nhưng ai cũng trịnh trọng và khúm núm vô cùng trước những khái niệm như "lòng chung thủy", "tình yêu duy nhất". Và chắc chắn là không một thằng đàn ông nào không nói với vợ "Anh chẳng bao giờ như lũ xấu xa đó".
Tôi và H'Ven đã uống đến độ chới với, thì H'Ven rủ tôi đi hát karaoke. "Cà và ô - kê thầy ạ". Anh ta nói lè nhè. Phải khó khăn lắm tôi mới dúi được vào túi anh ta năm chục ngàn tiền góp cho bữa nhậu. "Thầy yên trí đi. Bình dân mà thầy". Không hiểu H'Ven đang đem niềm vui đến cho tôi hay chính tôi là người cho anh ta cái cớ để dễ dàng "cho qua" vài chục gánh sắn chỉ trong một giờ đồng hồ?
Dĩ nhiên là chúng tôi hát karaoke với hai em tiếp viên xinh như mộng. Tuổi của họ cộng lại cũng chưa bằng tuổi tôi và giọng nói thì giống như cách tôi nói tiếng niềm , nghe hay đáo để.
- Chú - à, anh - tôi đằng hắng, không hề ngại ngần - là S'Ven; còn đây là H'Ven. Tôi chủ động giới thiệu.
Tôi rất tự nhiên quàng tay qua vai cô "nữ tiếp viên" ngồi bên.
- Em giới thiệu đi chứ.
- Em là Đào còn nhỏ này là Mận.
Tôi cười:
- Biết thế anh đã nói thật tên hai anh là Quýt và Cam .
Đào cười:
- Hay: "Quýt làm Cam chịu".
Chưa có lời nhận xét nào có lý như thế mà tôi từng nghe.
Tôi ngắm Đào: một sắc đẹp có thể dựng đứng cả một ông lão già tám mươi trên giường bệnh. Tại sao với một sắc đẹp và tuổi trẻ như thế mà cô lại trở thành "tiếp viên"? "Tiếp viên nhà hàng", một uyển ngữ thật hay và vì thế, nó tồn tại trước bất kỳ chiến dịch truy quét nào của lực lượng "chống tệ nạn xã hội". Hình như chúng ta đang sống trong một thời đại dối - trá từ bản -chất. Chống lại tất cả mọi sự xấu xa, nhưng chúng vẫn tồn tại. Người ta vẫn tiếp tục quý trọng một nhân cách đang bị phỉ nhổ nhưng được che đậy tốt; thậm chí người ta có thể giả vờ làm khoa học. Ai cũng biết điều đó không đúng nhưng không một ai dám đứng lên khẳng định nó là sai. "Nửa điểm hay hai điểm"? Câu hỏi đó làm tim tôi buốt nhói. Tôi hỏi Đào:
- Tại sao em chọn công việc này?
- Em chán đời, Đào đáp tỉnh khô và bóc kẹo cao su đưa cho tôi. Lát nữa nó được định giá gấp năm lần giá chợ.
Có thể ánh mắt tôi có điều gì đó làm Đào thích giải bày, cũng có thể đó là số mệnh khi cô gái tiếp:
- Anh có tin không khi em nói cách đây mấy năm em là học sinh trường chuyên. Em thi và thiếu một điểm trong khi bài thi của em ít nhất là thừa ba điểm. Em không chịu nổi thái độ của tất cả mọi người xung quanh em. Và thế là em ra đi.
Tôi cười bỡn cợt, lấy tay nâng nhẹ cằm của Đào lên sát mặt tôi:
- Anh biết rõ điều đó.
Đào quay ngay qua H'Ven và tôi, nói nhanh:
- Hình như hai anh không "biết hát?
- Thế nào là "biết hát".
- Họ bạo dạn hơn, sàm sỡ và khó chịu hơn. Các anh không thế.
Đây là một lời khen hay ngược lại? Tôi trả lời trước ánh mắt cười câm lặng của anh bạn Tây Nguyên:
- Cũng tuỳ - Tôi nghĩ đến anh Lê Tài Thao và "X - 4". Ngày xưa anh làm văn khi nào cũng nghĩ mình được chín điểm nhưng rốt cuộc chỉ năm điểm.
- Không mà. Bài đó em thuộc lòng. Em viết hay và đúng. Những gần tám trang nhưng chỉ có bốn điểm. Đào thở dài.
- Bốn điểm? (!) Tôi như bị điện giật. Em thi ở đâu, lúc nào?
- Anh bóp tay em nhẹ thôi - Đào nói khẽ - Anh làm em đau quá.
- Em thi năm chín bảy. Đề thi là "Đồng khởi", em được bốn điểm môn Sử. Đó là môn thi duy nhất mà em trượt.
Không biết trái bom nổ ở Hiroshima có to bằng thế không nhưng chắc chắn là không một ai ở thành phố đó nghe được tiếng kêu của tôi, bởi nó tắc nghẹn từ nơi sâu thẳm sâu tận cùng của sự khốn khổ. "Cô gái X -4 là Đào ư? Trời ơi! Thượng đế vẫn thích giễu cợt con người theo cách đó - nhất là với những kẻ dối trá, hèn hạ như tôi. Sự tình cờ này không thể nào xảy ra được. Có lẽ nào?
Hẳn ai cũng biết những giây phút còn lại của thời gian buổi hát đối với tôi là khủng khiếp thế nào. Có lẽ tôi đã khóc. Cũng có thể là khói thuốc trong căn phòng có máy lạnh đã làm tôi cay mắt. Nhưng có một điều mà tôi không thể chối bỏ: Cái điểm bốn oan nghiệt đó sẽ đuổi theo tôi suốt cả cuộc đời.

Một lần nữa tôi lại hèn nhát. Tôi không dám thú nhận. Và, tôi sẽ chẳng làm ai tin được câu chuyện này. Bố cục thật tầm thường bởi không ai nghĩ có thể có chuyện tình cờ như thế. Tôi đã giấu kín điều đó suốt ngần ấy năm. Sự can đảm đã thôi thúc tôi phải viết ra, phải tỏ bày chính là lòng mong mỏi đừng một ai (không một ai) phải trải qua những gì tôi đã nếm trải. "Đào ạ, nếu tình cờ em đọc những điều này thì cầu xin ở em một sự tha thứ. Đã có những kẻ sau khi giết người rồi vẫn mong được "thông cảm"(?) Tôi chưa giết ai mà, có phải vậy không?"
Huế, mùa thi 17.7.2002
T.V.H
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Lão Cao (15/03/2024)
Cái đó (20/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)
Cu Lai Quăn (18/01/2024)
Các bài đã đăng
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)
Dì Ty (29/08/2008)
Hướng thiện (26/08/2008)