Viết báo, làm văn cứ nhằm vào mấy thằng có nhiều huân chương để khai thác, là dại. Nhảy xuống tụi lính kia kìa! Ở đấy các ông sẽ kiếm được khối chuyện. Khi ông đã được chúng nó cho gia nhập hội, nghĩa là khi ông được chúng nó coi như một thằng lính thực thụ thì ông cứ phải há hốc mồm mà nghe chúng nó nói. Sao ông cười?... Thôi được, tôi xin hiến cho ông một chuyện, từ thời tôi còn là một thằng lính, nhưng không phải chuyện của tôi… Chuyện một thằng bạn của tôi. Cậu ta tên là Phạm, Nguyễn Phạm. Nó có nước da đen, đen một cách khủng khiếp. Chúng tôi thường trêu nó: “ Phạm từ lọ mực chui ra, lại còn nói láo con nhà võ lâm”. Đầu tiên nghe thế nó cáu lắm, sau nhàm tai, nó chỉ nhe răng cười. Phạm hay nói trạng. Nó nói trạng giỏi như thánh. Ôi sao ông lại cười? Thật đấy! Dạo đó, chúng tôi đang ở Nghệ An, chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Một hôm nó được lệnh đi đón một cán bộ cao cấp. Biết Phạm hay nói trạng, đại đội trưởng Thắng dặn đi dặn lại: “Mày đừng có ngứa mồm nói bà láp nhé! Ông ấy … khạc ra lửa đó, coi chừng!” Phạm gật đầu: “anh yên chí, tôi cũng khạc ra lửa!” Anh Thắng nghe hắn nói thế thì chán ngán, đe một lần nữa “Làm sao… tao không chịu trách nhiệm đâu đó! Đồ khỉ!” Nó cười khì. Thế là Phạm đi. Người cán bộ cao cấp ấy là phó tư lệnh. Dọc đường dẫn ông về nó câm như hến, một tay cầm gậy, một tay cầm tựa phát cây con, cứ thế Phạm lầm lũi đi không hé răng chi hết. Phó tư lệnh buồn bã theo hắn mệt quá, không khí xem ra nặng nề, kiếm chuyện nói cho vui: - Cậu Phạm này… - Dạ? - Tớ hỏi thật nhé? - Dạ thủ trưởng cứ hỏi thoải mái. - Nói cậu đừng giận… chứ cậu đen quá! Đời tớ chưa thấy ai đen như cậu. Chỉ cần có thể, coi như đã vào “gam” trạng của nó rồi! Phạm quay lại nhìn Phó tư lệnh với một bộ mặt bi thảm hết mức. - Thủ trưởng tưởng tôi đen thật đấy à? Tôi ngụy trang bộ da của tôi đấy thôi. - Thế ra cậu trắng? - Dạ… Phạm gãi đầu - không những trắng mà còn óng ánh lân tin nữa. Thật khổ, cha mẹ tôi sinh ra tôi không lường trước sau này có chiến tranh… - Óng ánh lân tinh? Phó tư lệnh ngờ vực hỏi. Hắn tỉnh bơ, vừa đi vừa nói: - Dạ. Cho nên … trước khi nhập ngũ, mẹ tôi bắt tôi phải nhuộm da. Mẹ tôi mượn thùng phi về, mua một cân thuốc nhuộm thả vào, đổ nước đun thật sôi. Xong, tôi nhảy vào đó… đậy nắp lại. Có phèn chua nữa, màu bền phải biết! Chỉ tiếc mẹ tôi không mua được màu xanh lá cây, phải nhuộm màu đen. Phó tư lệnh nghe đến đó phải đứng lại dựa vào gốc cây mà cười: - Cái thằng nói láo vừa vừa chứ! Nước sôi.. hì hì… nhảy vào… đồ nói … hì hì láo! Phạm nói trạng với bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần có thời cơ là hắn nói. Sau này tôi mới biết Phạm sinh ra ở cái nơi “nhà nhà nói trạng, người người nói trạng”, đấy là thôn Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Những chuyện trạng của Phạm không phải trăm phần trăm nó bịa ra, một phần là gia tài của bà con cô bác ở cái làng ấy. Phạm là thằng trinh sát có nghề, khỏe thua voi một chút, chỉ có đều là vụng chân vụng tay vô kể. Những việc vặt đại loại như đục đẽo, đan lát, gò hàn… không ai dám giao cho nó làm. Vì thế nó đâm ra sướng. Mỗi lần trinh sát về hoặc là nó ngủ, hoặc là nó đút tay túi quần tha thẩn hết lán này sang lán nọ để có dịp là nói trạng. Suy cho cùng đời cũng phải có những thằng như thế mới thực là đời, nếu không thì chán chết! *** Trong sư đoàn bộ của chúng tôi hồi đó có hơn chục cô gái làm thông tin vô tuyến 15 oát. Cô nào cũng khá gái cả. Hết thảy đều mê Phạm. Xung quanh các cô có hàng trăm thằng vui tính, nhiều tài vặt. Phạm không vui tính theo nghĩa thông thường. Nghĩa là không bao giờ nó nói bông lơn. Phạm không phải là khách thường xuyên của lán “mì chính cánh” kia. Trông bề ngoài nó như một thằng lầm lì ít nói. Phạm chỉ nói khi người ta hỏi nó. Hầu như tất cả mọi sự trả lời của nó đều là mở đầu của một huyền thoại. Không ai có thể bắt chước được, Phạm cứ mở mồm là đá cũng phải cười. Các cô gái thích hắn lắm. Mỗi lần gặp Phạm, các cô hồi hộp chờ nó nói để được cười ré lên, túm áo nhau mà cười, đấm lưng nhau mà cười… Không cô nào biết Phạm mấy tuổi, ở đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao. Phạm đứng ngoài cuộc tất cả những lần anh em đàm luận về tình yêu, về những đặc điểm, những yêu cầu “đối tượng” cần “nghiên cứu”. “Cái thằng Phạm thế mà khô khan”, anh em thường nói thế. Tôi cũng nghĩ thế mặc dù không nói ra. Ấy thế mà nhầm, nhầm to hết! Đó là cái đêm tôi thấy Phạm ngủ sau cùng mặc dù xưa nay nó vẫn được mệnh danh là kẻ có một lịch sử ngủ sớm. Tôi để ý xem nó làm gì. Thấy Phạm lục trong ba lô ra một cuốn sổ ngồi hí hoáy viết. Nó viết lâu lắm, có đến ba tiếng đồng hồ mới xong. “Chắc cu cậu nổi máu văn chương!” Tôi nghĩ vậy rồi nằm đợi cho Phạm cất tiếng ngáy pho pho mới lẻn dậy. Lính trinh sát lấy một mảnh giấy trên túi áo ngực của một người đã ngủ say có gì là khó. Tôi lật ra xem: “Kiều Vân, em yêu quí nhất của đời anh!” và tôi cười, ôm bụng mà cười. Cười, không phải vì đó là chuyện hài hước mà vì bất ngờ quá, thú vị quá. Có điều không dám cười to. Cắn lưỡi, bịt mũi mà cười. Cứ khục khục. Hơn mười phút tôi mới đọc tiếp được bức thư tình của Phạm gửi cho Kiều Vân, một hoa hậu của sư đoàn tôi. Té ra bức thư rất ngắn, chỉ thế này thôi: “Kiều Vân đừng nghĩ rằng thằng nói trạng là thằng nói láo. Trong rừng lạnh quá, tôi nói trạng cho anh em cười, cười thiệt to, vậy thôi. Đời có nhiều chuyện để khóc nhưng rất ít chuyện để cười. Kẻ nào tìm được nhiều chuyện đáng cười để cho mọi người phấn chấn vui vẻ mà quên hết nhọc nhằn, kẻ đó thực có ích cho đời có phải không Kiều Vân? Hôm qua Minh Thủy túm áo tôi nói: “em vừa đi lấy gạo về, em mệt quá!” anh nói trạng đi. Hôm trước Phương Thanh chạy đến tìm tôi nói: “em nhớ nhà quá, anh nói trạng đi!” Chỉ riêng Kiều Vân là hiểu sai vai trò gây cười của tôi. Tại sao Kiều Vân lại gọi tôi là: “ Phạm nói láo”? Tôi buồn. Nhưng tôi không ghét Kiều Vân đâu. Tôi yêu Kiều Vân, yêu ghê lắm. Yêu đến muốn chết đi được. Nếu không phải là người lính đang đánh nhau với Mỹ - ngụy có lẽ tôi chết mất vì sự lạnh nhạt của Kiều Vân. Kiều Vân ạ: Tôi yêu em đến nay chừng có thể Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai Nhưng không muốn em bận lòng thêm nữa Hay hồn em phải gợn bóng u hoài Tôi yêu em âm thầm không hy vọng Lúc giận hờn lúc hậm hực lòng ghen Tôi yêu em chân thành đằm thắm Cầu em được người tình như tôi đã yêu em Nhà thơ Liên Xô: Gooc-ki Tôi lại phì cười. Trời ơi có ngần ấy chữ mà hí hoáy hơn ba tiếng đồng hồ. Trời ơi “nhà thơ Liên Xô: Gooc-ki”! Phạm ơi là Phạm, tao muốn chết vì buồn cười quá! Tôi đang khoái chí bỗng bị ngã dúi vì một lực đẩy rất mạnh. - Tổ cha mi! Mi đọc … đồ khỉ! Tôi quay lại, vội vàng chìa tay trả bức thư cho Phạm. Ngỡ Phạm sẽ chửi um lên, chẳng ngờ sau khi nhận được thư, cậu ta lẳng lặng ngồi xuống cạnh tôi. - Ông viết thư hay quá! - Tao yêu con Vân… răng mi cười? - Ai người ta cười chuyện ấy! Cười là cười thơ Pus-kin thì ông nói thơ Goor-ki. May con Vân nó chưa đọc… Kiều Vân là sinh viên năm thứ nhất đại học sư phạm văn Hà Nội đó. Tao biết. Đại học… Kệ! Tao yêu nó chứ yêu chi cái “đại học” của nó. Có điều mi phải bí mật… Nếu không tao chém chết. - Yên chí, tôi sẽ giúp ông. Tôi làm “bè trầm” tốt lắm. Chúng tôi ngồi với nhau cho đến sáng thì thầm vạch một kế hoạch “tác chiến”, bước một sẽ … bước hai sẽ … Nhưng toàn bộ kế hoạch tạm thời bị trì hoãn vì chúng tôi được lệnh đi trinh sát cứ điểm 174 ở Tây bắc Quảng Trị. Cũng may cuộc đi lần đó không ai mệnh hệ gì. Về đến đơn vị, báo cáo với chỉ huy sư đoàn xong, chúng tôi đi luôn đến lán nữ. Tụi con gái vừa thấy cái mũi đen chũi của Phạm chạm ngõ nhà mình, đã hét toáng lên: - A! Ơ! Anh Phạm! Anh Phạm! Tụi bay ơi!... - Chào anh nói trạng vĩ đại! - Anh Phạm ơi… chúng em “dớ” anh lắm! Anh phải kể thiệt “diều” chuyện hí, anh Phạm. Tụi con gái bao vây lấy Phạm. Phạm ngồi xuống giường của Kiều Vân (theo kế hoạch đã duyệt ở bước một). Kiều Vân thấy Phạm ngồi cạnh mình thích lắm, cầm tay Phạm lay lay: - Bắt đầu đi anh Phạm! Phạm không nói gì, với tay lên giá đỡ lấy cái lược của Kiều Vân chải đại tóc mình. Tôi ngồi nghĩ thầm: Kiều Vân nó niềm nở với Phạm thế sao trong thư cậu ta bảo cô ta lạnh nhạt? Có lẽ cậu ta quá bi quan thôi! Quá bi quan, có lẽ… Thấy Phạm cứ cầm lược chải tóc miết, Kiều Vân sốt ruột giục: - Gớm! Chải gì mà chải khiếp rứa! Tóc con trai có một nhúm mà cứ làm đỏm mãi à… - Bậy. Có sao người ta mới chải! - Hay là chấy? Kiều Vân nheo mắt hỏi, tụi con gái cười rúc rích. - Đâu có! Hỏi ông này mà xem. Hôm qua đi trinh sát 174 về, dọc đường bị trực thăng đuổi bắn chạy gần chết. Đang chạy mình nghe choang choang trên mũ sắt, lật mũ ra thấy năm sáu lỗ thủng đạn 12 ly 7. Sờ tay lên đầu, úi chà đầu đạn cắm đầy, tóc rối quá về mượn lược chải thôi. Phạm chìa tay ra, đúng là năm cái đầu đạn nằm lỏng chỏng trên tay nó thật. Phạm cất lược lên giá đỡ. Tụi con gái đấm Phạm, xô Phạm, lay Phạm, cười chảy nước mắt. - Khỉ này! Gớm! Cứ làm như thánh lắm! - Đồ ma bắt!.. “dưng” mà tức cười quá! Sau hôm đó, bẵng đi một tuần không thấy Phạm nhắc gì về Kiều Vân nữa. Tôi sốt ruột chờ Phạm kể về tiến trình phát triển tình cảm của hai người. Phạm vẫn lặng lẽ như xưa. Đến hôm chuẩn bị đi trinh sát lần cuối cùng toàn bộ những cứ điểm đã trinh sát để chuẩn bị cho chiến dịch lớn của sư đoàn sắp mở màn, tôi mới có dịp hỏi lại chuyện ấy. Sau bữa cơm chiều, tôi thấy Phạm đi ra sau nhà ngồi tựa vào một cây táo nhìn xa xôi vào khoảng tối của cánh rừng săng lẻ. Tôi chạy đến, không nói gì, ngồi xuống cạnh. Phạm cúi đầu hí hoáy viết xuống đất “Kiều Vân - Cần viêu, Kiều Vân - Cần viêu…”, có đến hàng chục chữ như thế. - Đã đưa thư cho… ấy chưa? Tôi hỏi. - Đưa rồi. - Nó nói sao? - Nó nói tao nói trạng. - Sao nữa? - Hết. - Tầm bậy… ông phải quẳng cho nó thêm vài lá thư nữa. - Thôi. - Chấm hết? - Không, tạm thời chấm lửng.. Sau đó tôi biết thực ra chuyện không đơn giản như thế. Phạm đã phục suốt năm buổi tối để chọn đúng một buổi tối chỉ có mỗi mình Kiều Vân ở nhà. Phạm bước vào, hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu nói. Cậu ta nói bạt mạng, lung tung, “đầu ngô mình sở”, rằng yêu Kiều Vân như thế này, đau khổ vì Kiều Vân như thế nọ… rằng đã nhiều đêm không ngủ, nhiều ngày không ăn… rằng vì Kiều Vân mà Phạm “ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa”… toàn những lời tán tỉnh của giới mày râu thời trung cổ. Kiều Vân há mồm nghe, thích thú như một cô bé đang thưởng thức một tấn hề tuồng, và khi Phạm nhắm mắt dúi vào tay Kiều Vân lá thư tình thì cô ta phá lên cười: - Anh Phạm ơi anh Phạm! Hay quá! Lần sau… lại như thế này nữa nhé! Em thích lắm! Anh nói trạng giỏi hơn trạng Quỳnh đó. Phạm lẳng lặng rút lui. Còn Kiều Vân xem đó như một tác phẩm mới của Phạm … cô ta thì thào với tụi con gái để rồi nằm ôm lưng nhau rúc rích cười suốt đêm hôm đó. Chúng tôi lại lên đường. Đời thằng trinh sát là vậy. Cuộc sống của hắn, nỗi đau khổ, niềm vui sướng của hắn chính là nơi ranh giới giữa cái sống và cái chết. Tiểu đội trinh sát chúng tôi có chín người. Bao giờ cũng vậy, lượt đi tôi dẫn đầu, Phạm đi cuối, lượt về thì ngược lại. Hai đứa tôi là “gạo trên sàng” của tiểu đội trinh sát này… Đợt này chúng tôi đi dài ngày. Phải khảo sát kỹ tất cả các dữ kiện cho một chiến dịch lớn, chúng tôi gọi đó là khảo sát tổng hợp. Chui qua một rừng le, đến rừng dẻ tía thì Phạm mất tích. Chúng tôi buộc dừng lại. Trinh sát lạc rừng, lạc đường là chuyện cơm bữa. Phạm bò về khi chúng tôi đã mất hết hy vọng tìm kiếm. Áo quần nó rách bươm, đấy là bằng chứng của việc băng rừng, cắt lối. - Lạc hả?- tôi hỏi. - Ừ lạc… tổ cha hắn chỉ sẩy chân một cái mà mò mãi không tìm được lối ra - Phạm nằm ngửa, dạng cả chân tay lên đám lá mục - Lạc… nhưng mà hay ghê gớm. Tôi biết sắp được nghe một chuyện trạng của Phạm nên ngồi im, vểnh tai lên. - Tao đang loay hoay tìm đường thì nghe tiếng con gái léo nhéo. Ngỡ là cánh thanh niên xung phong, chẳng dè.. tiên! Tiên tắm tụi bay ạ. Mười sáu nàng tiên cả thảy. Họ đang tắm, áo quần, cánh đuôi, cánh tay dăng đầy bờ suối. Tao trố mắt nhìn. Chà, ngắm đã thôi… - Có giống … phụ nữ hạ giới không? Về mặt… cấu trúc ấy? - Đại loại cũng gần giống. Khỉ quá! Tao động mạnh mấy cô tiên giật mình vơ vội áo quần bay mất. Vừa bay vừa mặc áo quần… có một cô đánh rơi chiếc khăn mùi xoa, tao nhặt được đây này. Phạm xòe ra chiếc khăn mùi xoa trắng tinh. Có trời mà biết được nó kiếm ở đâu ra. Chỉ biết chắc chắn không phải của nó. Làm sao nó lại có cái khăn trắng, sạch như thế được. *** Tôi không phải là anh làm văn nghệ nên tuyệt nhiên không biết giấu tình tiết câu chuyện. Tôi nói toạc ra cho ông hay đó là chuyện trạng cuối cùng của đời Phạm. Sau đó thì Phạm hy sinh. Rất nhiều cái chết của người lính thực ra không rắc rối, phiền phức như trong văn chương các ông viết đâu. Nhiều khi nó giản dị lắm. Thằng lính nào đi đánh giặc cũng tâm niệm, cầu mong mình đừng chết hoặc có chết thì phải chết trong một tư thế thật đàng hoàng, chững chạc… Nhưng cái chết thường đến bất ngờ quá, chóng vánh quá!... Phạm chết ngay trên đường quay trở về đơn vị, cách doanh trại chỉ 6 km thôi. Nghĩa là, khi chúng tôi tưởng có thể thở phào nhẹ nhõm sau bao nhiêu nguy hiểm đã vượt qua… Tiểu đội trinh sát chúng tôi dẫm phải một bãi mìn bọn thám báo vừa gài. Mìn nổ, tôi đi sau cùng nên chỉ bị sức ép… Tôi có cái hạnh phúc cay đắng này: được nhìn thấy đôi mắt Phạm ánh lên lần cuối cùng, được nghe Phạm nói những lời cuối cùng, được chứng kiến cái rùng mình cuối cùng của Phạm … Đấy là khi tôi tỉnh dậy, bò đến chỗ Phạm. Nó nằm sấp, hai tay bấu vào một cái rễ cây. Phạm mở mắt trân trân nhìn tôi, mồm mấp máy. Tôi ghé tai sát xuống, ghé sát xuống nữa. - Trong túi áo.. khăn mùi xoa… trả … Kiều Vân… tao ăn cắp của nó… xin lỗi … bảo nó… chuyện của tao nói … lá thư tình… Tao nói trạng - Phạm ngừng lại một chút rồi nói to hẳn - nói trạng … xin… đừng… bận… tâm… Tôi lặng lẽ vuốt mắt cho Phạm rồi vừa đi, vừa bò đến đơn vị thì kiệt sức, ngất xỉu… Vâng! Cái điều mà ông hỏi thì tôi cũng đang muốn kể. Kiều Vân đến thăm tôi trong trạm xá sư đoàn. Trông mặt cô ta bơ phờ, mệt mỏi. Tôi không nói gì hết. Kiều Vân cũng vậy. Cả hai cứ nhìn nhau. Cuối cùng tôi rút khăn mùi xoa đưa cho Kiều Vân. - Phạm gởi trả lại Kiều Vân đấy, nó xin lỗi. Tôi định nói thêm với Kiều Vân rằng Phạm nhắn với cô ta tất cả những hành động, những lời thổ lộ, bức thư tình kia chỉ là nó thích bịa ra cho vui như là một chuyện trạng vậy. Nhưng nghĩ lại, tôi không nói. Kiều Vân đón lấy khăn mùi xoa, và khi thấy một vệt máu chạy dài từ góc khăn này đến góc khăn kia thì cô kêu lên thảng thốt: - Chết!... Chết thật rồi! Và cô đứng bật dậy, ấp chiếc khăn mùi xoa trước ngực, đi giật lùi vài bước rồi xoay mình bỏ chạy. Tối hôm sau Kiều Vân lại đến. Cô lặng lẽ ngồi xuống bên tôi, đầu cúi xuống, nước mắt cứ rơi từng giọt. Một lúc Kiều Vân hỏi mà không nhìn tôi. - Anh ấy có nói gì… nói gì cũng được… về em không? Tôi định lắc đầu, nhưng không hiểu sao, tôi lại nói: - Phạm nó nói… nếu Kiều Vân có thương nó thì cứ nghĩ là nó đang đi đánh giặc và nói trạng ở một miền đất khác. Đột nhiên Kiều Vân ngẩng mặt lên: - Ờ nhỉ! Rứa mà em không nghĩ ra… suốt đêm qua em không nghĩ ra… Anh ấy làm sao mà chết được anh nhỉ? Đạn 12 ly 7 bắn vào đầu không thủng kia mà… Kiều Vân chợt phá lên cười, như là cô đang vừa nghe xong một chuyện trạng của Phạm vậy. Rồi đột ngột im bặt. Một tiếng nấc từ trong lồng ngực còn rất non trẻ của cô bỗng bật lên, sâu thẳm. Huế, 3-1984. N.Q.L. (9/10-84) |