Truyện ngắn
Thương nhớ con đèo
15:03 | 07/01/2011
PHẠM XUÂN PHỤNGĐúng ra, ông cụ Trần Bảo phải có đủ tám người con và người con cuối cùng phải có tên là VÈ mới đủ bộ. Bây giờ gọi tên bảy người con của cụ, nghe cứ thiếu thiếu chút gì: Đờn, Ca, Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò. Chấm hết! Tức anh ách, tức nghẹn ngào!
Thương nhớ con đèo
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Tính cụ Trần Bảo vốn hào hoa, thích văn chương nghệ thuật, nói hay như tiếng hát, cười vui như tiếng suối reo. Bởi thế, hồi chàng Trần Bảo còn làm Lục sự Toà Thượng thẩm ở Huế, có lắm cô gái Huế nết na hiền thục, lại là nữ sinh trường Đồng Khánh duyên dáng nón bài thơ mê mẩn theo chàng vì tiếng cười, giọng hát, ngón đàn và cái tính phóng khoáng thương người. Có lẽ không ai dám chắc chàng giữ được đức độ của một “ông quan toà” (dù chàng chỉ là lục sự), nghĩa là “nhất phu nhất thê”. Nhưng điều kỳ lạ là suốt hơn sáu mươi năm làm chồng, từ Chàng đến Cụ Trần Bảo, chẳng thấy có một dì hai dì ba nào lấp ló trong đời, bên cạnh bà vợ người Bình Định nổi tiếng thương chồng và cũng nổi danh dữ dằn với ông chồng. Bà cụ - hồi còn trẻ dĩ nhiên là cô - dữ dằn với anh chồng - tức ông cụ về sau - cũng chỉ vì muốn giữ muốn giằng cho chắc chứ sao! Chắc chắn thế! Sáu người con của cụ cũng nghĩ thế. Lại cũng nghĩ thầm, cười tủm tỉm sau lưng mẹ mỗi khi bà cụ nói xa nói gần để moi thông tin tình địch: “Dữ thế thì hoạ là gan trời mới dám có dì hai!”. Nhưng riêng chị Đờn, người con cả của cụ lại nghĩ khác. Chị nghĩ: “Lạ thiệt! Hào hoa như rứa, tốt bụng như rứa, vì răng mà chẳng có dì mô theo?”. Cụ càng già càng hay đau ốm, chị lại càng hay săn sóc, hỏi han để cụ đỡ buồn cái nỗi có bảy đứa con mà chỉ có mỗi thằng con trai đặt tên là Ca. Cụ thèm con trai đến mức khi đẻ đứa con gái thứ sáu, cụ cũng đặt tên là Ca. Song vì làm lục sự toà án, cụ hiểu cái nỗi phiền phức trùng tên họ sau này, nên viết tên con gái thứ sáu vào giấy khai sinh khác với ông anh một chút, thành ra Ka. Sau khi sinh cô Hò, cụ được nghỉ hưu, vài năm trước khi xảy ra cuộc tổng tấn công chiến lược quyết định cuộc chiến Xuân Bảy Lăm. Cả nhà vội kéo nhau vô Sài Gòn lánh nạn. Riêng cụ phải ghé lại Đà Nẵng thăm chị Múa lấy chồng ở đó để giục chị cùng đi. “Lục sự chẳng là chi trong chính quyền, nhưng cũng hơn lục nồi lục tréc - ý cụ nói là dân thường. Tránh họ - ý cụ nói lực lượng Quân giải phóng đang vào - thì hay hơn”. Rồi vì lý do thăm ông anh đang trụ trì tại một ngôi chùa ở đó, cụ ở lại Đà Nẵng một mạch đến cuối năm Bảy lăm mới về, sau khi cả gia đình đã về quê từ giữa năm, kể cả gia đình chị Múa. Mọi người tưởng cụ “lánh nạn cải tạo” nên cũng không ai đả động gì. Cả nhà hơn chục miệng ăn, trong đó có hai người già chưa yếu và sáu đứa cháu trai trẻ, sức còn non, ăn no ngủ kỹ vô nghĩ vô lo trong tổng số mười bốn đứa cháu nội ngoại của cụ, mà triển vọng còn tăng thêm. Hình như để bù lại cho đời cụ chỉ sinh mỗi thằng con trai, anh chị Ca đẻ một mạch tám thằng. Vì vậy, tuy anh là con trai duy nhất, lại duy nhất là người được đi làm công nhân nhà nước từ năm Bảy sáu, nhưng chị Đờn và cả mấy cô em phải xúm vào mà nuôi giùm anh Ca tám thằng bát bửu của ông. Những năm Bảy tám, Tám lăm “ăn bo bo, no mà đói”, cả nhà xanh xao như cái ao rau muống sau nhà. Đó là cái gia sản, cái xí nghiệp duy nhất của cả nhà sản xuất ra của cải để nuôi sống gần ba chục con người. Vậy mà lạ, cả bầy cháu nội ngoại của cụ Trần Bảo cứ lớn ào ào, học giỏi nức tiếng Nội thành Huế. Đứa nhỏ nhất sinh năm Bảy tám cũng đã thi đậu vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ai cũng khen nhà cụ tốt phúc, lại bảo nhờ cụ có tính thương người nghèo khó nên con cháu được hưởng phúc của ông. Chị Đờn mệt thở không ra hơi vì phải lo chạy ăn cho cả nhà nhưng khi nào nhắc đến việc học của con cháu lại dòn cười tươi khóc: “Trời ơi! Biết lấy mô ra tiền chu cấp cho tụi bây học đại học, thành bác sĩ kỹ sư! Học vừa vừa thôi!”. Vậy mà khi thằng con út của chị trúng tuyển đại học, chị lại tong tả khoe ngay với chị Hiếu, bạn hàng ở chợ: “Chết tui rồi chị Hiếu ơi! Thằng út lại đậu!”. Vị chi đến nay, cả nhà chị, từ Cụ Trần Bảo đậu tú tài thời Pháp thuộc đến thằng cháu ngoại áp út, có cả thảy mười nhà khoa học, sáu nhà giáo, tám bác sĩ. Trong đó, biên chế thị trường tự do hết hai chục. Phúc đến thế thì vì sao dạo này cụ Trần Bảo lại trở nên buồn, suốt ngày ca cải lương: “Hải Vân san, dặm ngàn cách trở! Ta nhớ thương nàng, không nỡ lìa xa! Nàng thương ta, quê cha lìa bỏ. Nỗi đau này biết tỏ cùng ai?”. Bà cụ quê Bình Định, theo ông cụ về Huế đã hơn sáu mươi năm, đúng là quê cha lìa bỏ, theo chồng về dinh. Nhưng vì sao hơn sáu mươi năm qua, ông cụ không hề ca cải lương, nay lại ca một câu đậm mùi điềm gở? Cụ thỉnh thoảng chỉ ca cẩm lén lút sau lưng bà về cái tính hay ghen vặt khi thỉnh thoảng lại thấy ông đem tiền đi cho mấy o công nhân quét đường, mấy chị lỡ thì làm phụ thợ nề trong xóm. Bà cụ lâu lâu lại hét tướng lên: “Ông không biết thương con thương cháu. Tiền mô mà ông đãi bánh nậm bánh ít cho mấy đứa người dưng?”. Chẳng là ông cụ có tính hay thương người, thỉnh thoảng gọi một gánh bán bánh dạo đến rồi kêu tụi nhỏ hoặc mấy o thợ nề làm thuê cho ăn no bụng. Chị Đờn là “tổng quản đại nhân” trong nhà, nên phải dè sẻn từng đồng gom góp của cả bảy gia đình nhỏ để nuôi chung gia đình lớn mà vẫn cứ phải nai lưng trả nợ trời ơi kiểu đó của ông cụ. Vì cụ không có tiền, cho ai ăn xong, bảo người bán: “Về đòi con Đờn!”. Cho nên trong xóm không ai không lo khi thấy cụ ngày càng yếu, hay thở ngắn than dài. Họ e rằng cụ sắp về rồi! Riêng chị Đờn đêm ngày túi bụi lo việc nhà, lại bận tối tăm mặt mũi chăm sóc cha tại khoa Cấp cứu hồi sức, chẳng còn hơi đâu mà nghĩ đến chuyện về hay đi của cụ. Nói trộm vía cụ, đôi khi cực nhọc quá, chịu hết nổi, chị Đờn lại rên rỉ cùng chị Hiếu: “Số tui răng khổ ri trời! Không biết khi mô ông mới về cho tui nhờ!”. Nói vậy, nhưng không ai khác ngoài chị có thể chăm sóc cha chu đáo nhất mực. Chị vẫn lo canh cánh một điều mà chỉ riêng chị và cậu Ca được bác sĩ Du sau khi thăm khám, bắt mạch, bấm quẻ xong, bảo cho biết: “Cụ chưa đi đâu! Đại thọ, đại phúc, đúc đủ tám con”. Đếm đi đếm lại, hỏi tới hỏi lui, cụ nhất quyết lắc đầu: “Tau chỉ có bảy đứa bây ở đây thôi!”. Rồi cụ lại rền rỉ ca: “Hải Vân san dặm ngàn cách trở! Ta nhớ thương nàng, không nỡ lìa xa!...”. Những lúc ấy, bà cụ lại mếu máo khóc: “Ông đừng hát lời xui xẻo! Tui với ông còn sống đến trăm tuổi mới đi!”.

*

Thằng út Hiền là đứa lém lỉnh, tinh nghịch nhất đám cháu chắt, lại học giỏi và tuy sức vóc tong teo nhưng rất siêng việc nhà, đỡ đần cho chị nhiều lắm. Bởi thế, khi nó vào Đà Nẵng học, chị vừa thương vừa tiếc. Nhiều khi lên chợ, chị lén lau trộm nước mắt nhớ thằng cu út giỏi giang. Nhưng rồi chị cũng tìm ra giải pháp tốt đẹp. Chị họp tất cả các con lại, bắt mấy đứa lớn đã đi làm phải góp mỗi tháng một vài trăm ngàn để chị nuôi thằng út ăn học. Và lại còn dư tiền để nó về Huế mỗi tháng một lần thăm mạ. Các con chị nhờ phúc nhà, nhờ dạy dỗ từ nhỏ đều hiếu thuận cả nên chuyện đóng góp tiền êm ru. Riêng anh Đẩu, chồng chị, cứ lo cặm cụi đạp xe thồ, có bao nhiêu tiền đem hết về cho vợ, miễn là mỗi ngày “bà phải mua cho tui một tờ báo thể thao đọc cho đỡ ghiền”. Ngày xưa còn ở lính, anh là trung phong có hạng của đội Tổng Tham Mưu. Bây giờ, anh là huấn luyện viên kiêm săn sóc viên của đội bóng phường nhà. Lâu lâu, anh lại “chà đồ nhôm” đem đãi các cháu cầu thủ mỗi khi thắng trận, báo hại chị Đờn lâu lâu lại ré lên: “Thùng mì tôm vì răng mau hết ri? Gói đường tau mới mua, đứa mô ăn hết?”. Những lúc đó, anh đóng vẻ mặt từ bi vô sự vô lự nói: “Mấy đứa cháu nó đói nó ăn, mất đi mô mà tiếc!”. Ác nỗi, các cháu nội ngoại của anh tuy rất khoái ông hay cho đi xem đá banh, lại chỉ bày phân tích cặn kẽ các kỹ thuật “xỏ lỗ kim”, “ngả bàn đèn”, “móc chổng bánh xe” của một trung phong, nhưng lại thừa dũng khí và niềm vui để hùa nhau “tố cáo” ông “Mệ ơi! Ông đem đãi mấy anh cầu thủ rồi!”. Thế là chị lại xìu cơn giận vì biết cái mặt nớ giận cũng bằng thừa. Chị chỉ mắng yêu: “Con rể mà như cha vợ”. Ấy là chị khen khéo về cái tính rộng lòng thương người của anh, giống như cha chị. Còn cái khoản “tơ tằm mạng nhện” thì chị luôn sung sướng …chê anh: “May mà có tui thương lấy làm chồng, không thì cả đời ế vợ”. Lấy nhau ba mươi năm, chị hiểu anh như hiểu chính mình.


Vậy mà bây giờ, nhận thư thằng út Hiền từ Đà Nẵng gửi ra, đọc đến dòng tái bút, chi suýt ngất xỉu: “Mạ ơi! Con có thêm một dì!”. Chị thấy ngực mình bị bóp nghẹt muốn tắc thở. Chị gắng há miệng hớp lấy vài ngụm không khí theo cách tự cấp cứu của thằng con trai bác sĩ chuyên khoa lão khoa bày cho, rồi ôm mặt khóc hu hu ngon lành. Trời ơi! Có ai mà ngờ anh chàng hiền như đất, suốt thời trai trẻ đá bóng cả ngày, da dẻ đen thui, về già gầy khô như que củi vì mải đạp xe thồ gần một phần tư thế kỷ mà lại có thêm một dì? Mà lại một dì ở Đà Nẵng! “Lạ ghê hè! Lão ta vô Đà Nẵng lúc mô? Lão đi mô mình đi theo đó thê mà? Vì răng lại có dì?”. Nghĩ mãi không ra, chị tức mình lau nước mắt xong rồi xắn quần lội xuống ao rau muống. Giận vợ giận chồng, mất công bỏ việc. Giận con giận cái làm hại thần kinh. Chị vừa cắt rau vừa lẩm bẩm: “Kệ cha lão! Một vợ, ngủ giường lèo. Hai vợ, nằm chèo queo. Ba vợ, ra chuồng heo! Muốn khổ cho khổ!”. Tức thì nói độc vậy, nhưng đến chập tối thấy anh mệt mỏi dắt xe về, rút túi đưa cho chị vài chục ngàn tiền lẻ kèm theo câu “Hôm nay ít khách quá!” thì chị lại quên hết tủi hờn, xăng xái đi pha trà cho anh uống đỡ khát. Chị nhủ thầm: “Để lão ta ăn xong, con cháu đi ngủ hết rồi mình sẽ hạch tội lão”.

Khốn nỗi những anh hiền lành ít nói lại thường rất cộc, nhất là khi bị nghi oan. Chị càng nhỏ giọng thầm thì hỏi tội anh thì anh lại càng ầm ầm đấm ngực hét tướng lên: “Đời tui chỉ có một mình bà. Bà không tin thì tui chết, tui chết”. Chị bịt mồm anh không kịp, khiến cậu con cả giật mình tỉnh ngủ, lắng tai nghe và hiểu cả. Cậu cũng rụng rời tay chân khi phát hiện mình có thêm một “dì” ở Đà Nẵng. Nhưng là một nhà giáo điềm đạm, cậu có ngay cách giải quyết: “Ngày kia chủ nhật nghỉ dạy, con sẽ vào Đà Nẵng thăm em Hiền và tìm hiểu vấn đề. Con chắc chắn ba không có ai khác ngoài mạ. Mạ đừng hao hơi tốn nước mắt làm chi cho mệt tim hại phổi!”.

*

Mấy hôm nay, cụ Trần Bảo lại trở bệnh nặng. Cụ tái nhập viện đã ba ngày. Suốt ba ngày, lúc mê lúc tỉnh. Con cháu dâu rể tập trung về đông đủ cả. Vậy mà khi tỉnh lại, cụ cứ lẩm nhẩm gì đó rồi thở dài. Chị Đờn quá hiểu cái tính hào hoa của cha mình nên đợi lúc ông cụ hơi khỏe, chị bèn hỏi:

- Ba nói thiệt cho con biết, ba còn có ai nữa không để con nhắn về kẻo tội!

Ông cụ lắc đầu, chỉ tay vào bà cụ đang nằm ngủ sau một đêm thức trắng vì ông.

Chị Đờn nóng ruột nóng gan chuyện của cha mình, lại vẫn canh cánh bên lòng chuyện ở Đà Nẵng. Cậu cả mà chị hay gọi âu yếm là thằng thầy (vì là thầy giáo) vẫn chưa đi vào Đà Nẵng được vì bận công tác đột xuất ở trường. Chị cứ như người bị đốt lửa. Lại thêm mấy ngày nay anh Đẩu tỏ thái độ chiến tranh lạnh để bảo vệ danh dự của mình. Đi làm về, anh lầm lũi ngồi vào mâm cơm và lấy và để mấy chén rồi đứng dậy. Chị vừa lo vừa tức. Đến khi thấy chồng xách một chục cam sành lên thăm cha vợ, chị bớt tức một chút, trách yêu: “Bày đặt quà cáp. Ba có ăn uống chi mô mà anh mua cam”. Ông cụ ngày càng lịm dần. Hoạ hoằn lắm mới tỉnh lại, hỏi bâng quơ: “Con mô rồi con?”. Chị vội vàng dạ thật to rồi chạy lại hỏi: “Ba biểu con chuyện chi?”. Ông cụ lại thở dài, nhắm mắt như muốn ngủ.

Vừa lúc ấy cậu cả về. Cậu vui mừng báo tin mình nghỉ phép được một tuần, sáng mai sẽ đi Đà Nẵng. Chị Đờn hối thúc con đi ngay buổi chiều, nhảy xe tốc hành mà đi. Tối đến, tranh thủ xem truyền hình tại khoa Cấp cứu Hồi sức, chị run bắn cả người khi được tin chiếc xe tốc hành từ Hà Nội vào Huế lúc ban chiều đã bị rơi xuống vực khi qua đèo Hải Vân. Cả đêm chị không ngủ, lầm rầm khấn vái cho con mình tai qua nạn khỏi. Hết khấn vái lại quay sang trách mình đã hối thúc con đi. Hết trách mình lại quay sang trách chồng, nguyên nhân làm mình mất ăn mất ngủ. Lại trăn trở khấn vái. Ba ngày, rồi năm ngày sau, cậu cả vẫn chưa về. Danh sách nạn nhân vụ lật xe kia không có tên cậu. Chị hơi yên lòng. Rồi chị quay sang giận con vì sao đi mãi mấy ngày không thèm báo tin cho mạ rõ. Lại trách lây sang thằng út Hiền tai ác viết thư có dòng tái bút chết người! Ông cụ ngày càng yếu, chị không thể bỏ ông mà đi vào Đà Nẵng lúc này. Nhất là khi nhìn thấy ông nằm thiêm thiếp, lâu lâu lại rền rĩ, lảm nhảm gọi: “Con ơi! Con mô rồi?”. Trăm nỗi lo toan phiền muộn khiến chị hầu như kiệt sức nhưng biết trút gánh lo toan này cho ai? Các cô em gái, em dâu chẳng cô nào lo được chu toàn.

*  

Cô sinh viên khoa Văn - Đại học Sư phạm Huế có vóc người nhỏ bé, nước da trắng trẻo, giọng Hòa Vang khá nặng. Bù lại, cô có phong cách rất dịu dàng và nhanh nhẹn tháo vát của con nhà nghèo có giáo dục. Chị Đờn gặp cô một cách tình cờ khi đang muốn tìm một người thay mình trực chăm sóc ban ngày cho ông cụ. Chị phải lo làm ăn, vả lại cũng gần như kiệt sức sau bao ngày tất bật buồn lo. Cô sinh viên mồ côi cha từ lúc mới sinh ra, nhờ bà mẹ tảo tần nuôi lớn, thi đậu Đại học Y khoa với số điểm khá cao nhưng liệu sức mẹ già không nuôi nổi mình ăn học suốt sáu năm đằng đẵng, nên chọn trường Sư phạm để đỡ lo học phí, cũng phù hợp tâm tính của mình. Dù vậy, cô phải làm thêm nhiều việc để kiếm tiền chi cho việc học. Chăm sóc người bệnh cũng là việc phù hợp tính nết của cô, lại có thêm một thực tế không ai bì kịp: chăm sóc ông ngoại cô nằm liệt giường suốt sáu năm trời. Ông ngoại cô mất sau khi mãn nguyện biết được cháu mình thi đỗ cùng lúc hai trường đại học danh giá. Đứa cháu này được ông thương nhất nhà vì không biết mặt cha từ khi mới được sinh ra ở đời. Những anh chị lớn của nó đều có bàn tay cha chăm sóc vỗ về, nuôi dạy khôn lớn. Đến khi cha chúng ra đi, đứa nhỏ nhất cũng gần mười tuổi. Chỉ có bé Hẹn côi cút. Hẹn là tên thường gọi ở nhà. Tên khai sinh của cô là Vọng Hoá.

Bà cụ Trần Bảo mê cô bé Vọng Hoá ngay ngày đầu tiên cô chăm sóc cho ông cụ. Cô chăm ông còn kỹ hơn, dịu dàng hơn mấy bà xơ chăm bệnh. Không biết có phải nhờ vậy hay nhờ thuốc thang mà chỉ hai ngày sau, ông cụ tỉnh hẳn. Lâu lâu cụ lại mở mắt nhìn chăm chăm cô sinh viên làm thuê.Vọng Hoá đọc rõ trong ánh mắt ông một câu hỏi: “Con nhỏ ni là con nhà ai mà dễ thương quá!”. Điều tuyệt vời hơn nữa là Vọng Hoá còn biết nấu chè hột sen ngon như mấy bà ở Huế. Ông cụ đã có thể ăn được một chén chè, lại chép miệng đòi ăn thêm, nhưng bác sĩ Du dặn phải cho ăn từ từ.

Bà cụ cứ lân la hỏi thăm gia cảnh Vọng Hoá. Biết cô lâm cảnh ngặt nghèo, lại chăm học, nết na thuỳ mị, bà cụ thương lắm, thích lắm, tuyên bố với chị Đờn và các con nhận Vọng Hoá làm con nuôi, cho về ăn ở trong nhà để đỡ tiền trọ. Ngôi nhà chính rộng thênh thang, tuy đã hơn trăm tuổi nhưng vẫn còn chắc chắn lắm. Mấy hôm nay ông cụ đi nằm viện, ngôi nhà vắng lạnh hẳn đi. Có cô bé Vọng Hoá về ở, ngôi nhà như ấm lên, gọn gàng ngăn nắp. Chị Đờn đỡ phải vừa lo cho cha, vừa lo cho mạ. Cô bé Vọng Hoá nhận luôn việc nấu cơm giặt giũ cho bà, nấu cháo và chăm sóc cho ông ngoài giờ đến trường. Thế là làm phúc, được phúc, bà cụ vui ra mặt.

Ngày thứ bảy kỳ nghỉ phép, cậu cả con chị Đờn từ Đà Nẵng về, ghé thăm bà ngoại. Nghe bà khoe có cô con nuôi mới, cậu cả tủm tỉm cười: “Rứa dì Vọng Hoá có lớn tuổi hơn cháu không?”. Bà cụ ngớ người, nhận ra điều khó xử. Vọng Hoá mới tròn hai mươi, còn cậu cả đã gần ba mươi rồi. Bà nhận cô bé làm con nuôi thì cậu cả phải gọi bằng dì. Kẹt quá! Nhưng may mà cậu cả chỉ hỏi vậy chứ không phàn nàn gì, lại thản nhiên gọi Vọng Hoá bằng dì mà không có vẻ khó chịu, bà cụ cũng lặng lẽ làm lơ. Riêng chị Đờn, anh chị Ca và các chị Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò đều gọi Vọng Hoá bằng em ngọt êm như là em ruột. Bà cụ thấy vậy cũng đỡ kẹt nên càng vui thêm. Cô bé Vọng Hoá cứ lặng lẽ đóng tròn một lúc hai vai: làm thuê và làm con.

*

Thằng út Hiền về nghỉ Tết. Nó mang theo cả một chuỗi tiếng cười, một kho chuyện kể. Nó cứ đòi ông ngoại phải cho quà mới kể chuyện Đà Nẵng cho ông nghe. Nó bảo rằng mai mốt ra trường, nó sẽ ở lại Đà Nẵng làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài. Ông ngoại có vào thăm thằng cháu út cũng dễ vì khi đó hầm đường bộ đèo Hải Vân đã làm xong (tôi viết truyện này khi hầm đường bộ đèo Hải Vân chưa thông xe kỹ thuật - PXP), xe chạy chỉ hơn một tiếng từ Huế đến Đà Nẵng, lại bảo đảm an toàn hơn khi leo đèo. Khi thông hầm, nó sẽ đi bộ qua đường hầm để ghi một dấu ấn kỷ niệm khó quên trong đời, trong lịch sử ngàn năm giao thông đôi miền cách trở, khí hậu trái nhau, tính cách con người của hai vùng đất cũng không hề giống. Thông đường hầm không chỉ là thông đường đi lại, thông lối qua về mà còn thông luôn cả cái địa khí ngàn năm trì đọng của Huế để mở lối đi lên, cho cả hai vùng đất khắc nhau về khí hậu và địa lý có thể hoà vào nhau, hợp với nhau, thúc đẩy nhau cùng tiến kịp Hà Nội, Sài Gòn.

Thằng út nói thao thao như tép nhảy, mặc cho ông ngoại vừa qua cơn nguy kịch cứ nằm trên giường nhìn đứa cháu nói liến thoắng mà chẳng hiểu bao nhiêu, ngoài chuyện giao thông đôi miền cách trở. Điều ông thích nhất là, như thằng cháu nói, từ nay ông có thể đi xe vào thăm con Múa và mấy đứa cháu ngoại, đánh cờ và nhắm chút rượu với thằng con rể- cũng là dân Huế- đã trở lại Đà Nẵng làm ăn khi ở Huế vừa trải qua trận lụt bão 1985. Đà Nẵng, nói không ngoa, dễ chừng có gần một nửa là dân Huế vào làm ăn. Dân Huế ở đất Huế, tự nhiên mắc cái tính đủng đỉnh các mệ, lại hay sĩ diện hão. Người Huế học giỏi, sáng tạo và thông minh nhưng ít ai ham hố làm giàu quên nghỉ. Trong túi có chút tiền, người Huế nghỉ để chơi, không thích cặm cụi suốt ngày đong đong đếm đếm. Đó là cái tính ham chơi của người Huế mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết rất sâu sắc trong bút ký Người ham chơi, ông cụ đã từng đọc đến thuộc lòng. Tính cách ấy như thể hiện cái triết lý sống trung dung, ung dung của người Huế “bớt tất bật để đời vui”. Hơn bốn mươi năm làm thư lại, công chức, hơn hai mươi năm nghiền ngẫm sự đời, nghĩ về sự hưng phế của vùng đất này, lăn lộn với thân phận con người của đất thần kinh, ông đã ngộ ra điều đó.Vì thế, trong lòng ông vẫn ước ao vùng đất này vào vận hội mới có thể cất cánh, có nhiều người tài tụ về, nhất là cháu chắt của ông đều nên gắng sức góp công xây dựng quê nhà. Nhưng rồi thực tế ông đã chứng kiến lần lượt cô bác sĩ này, cậu kỹ sư nọ của gia đình ông, anh trí thức trẻ, chú chuyên gia đang còn sung sức của các gia đình quen biết cứ lần lượt bỏ quê vào Nam kiếm sống. Ông chỉ biết thở dài, bởi vì ông hiểu nếu kìm chân con cháu ở lại cũng chẳng khác gì buộc chúng phải bỏ đi bao công sức học tập. Huế chưa phát triển nhiều ngành nghề, người có học lại đông, giống như một miếng bánh nhỏ mà có hàng ngàn con kiến bu vào, làm sao có ăn! Nhà ông lại chẳng có ai đủ tài ngoại giao xin xỏ, không ai có đủ dũng khí khom lưng quỳ gối cúi đầu đưa hối lộ trước người có quyền lực để cầu xin một chút việc làm, nhận một đồng lương bèo bọt. Làm thế làm sao thành người! Thế nên, mai mốt thằng út Hiền có ở lại phía nam, ông cũng ủng hộ. Ông chỉ mơ đến ngày hầm đường bộ Hải Vân chính thức sử dụng, cảng Chân Mây tấp nập tàu vào ra. Ngày ấy chẳng còn lâu, nhưng liệu sức ông có cho phép? Hỡi ôi! Làm sao cho khỏi cái cảnh đêm ngày mong nhớ, khỏi chịu cái cảnh thân ở Cửa Hàn mà lòng vẫn đăm đăm vọng về Thuận Hoá? Có còn gì ngăn trở không? Ông cụ thở dài, nghiêng người nhắm mắt ngủ.

*                         

Chi Đờn sung sướng ngồi nhìn thằng út vừa ăn cơm vừa nhắc chuyện gặp “dì con”. Chị xấu hổ nhớ lại cơn ghen vô lối của mình khi đọc dòng tái bút tinh nghịch của thằng con cưng. Chị liếc nhìn anh Đẩu. Dường như hiểu cái ý xấu hổ của vợ, anh vừa nhắp rượu vừa rung rung đùi ra chiều đắc ý, ra vẻ ta đây khoan hồng độ lượng, không bắt lỗi vợ làm chi.

Út Hiền hồi còn nhỏ rất thích vào chùa hái hoa sứ và nghe sư thuyết pháp, tụng kinh. Không ai bảo, nó cũng cứ một tháng bốn ngày ăn cơm chay với xì dầu dầm ớt tươi. Anh Đẩu cứ rầy nó: “Con ăn uống như ri thì mần răng mà lớn nổi?”. Út Hiền cứ cười cười. Lên mười tám tuổi, nó cao chưa đầy mét sáu, nặng chưa đầy bốn chục ký lô, người cứ như chim chích cả cái miệng lẫn thân hình. Vào Đà Nẵng học đại học, nó lại mò đến một ngôi chùa. Chỉ qua vài lần lân la hầu chuyện sư ông, nó được vào ở hẳn trong chùa, tha hồ ăn cơm chay suốt tháng. Được hơn mười ngày, nó đã ớn cơm chay tận xương, bắt đầu thèm mùi thịt cá. Thỉnh thoảng viện cớ đi học về trễ, nó tạt qua quán cơm bà cụ Hành người Huế để ăn một đĩa cơm sườn hoặc một khúc cá chiên, súc miệng chùi mép thiệt kỹ trước khi trở lại chùa. Bà cụ Hành vào Đà Nẵng cùng cha mẹ từ lâu, có một đời chồng đã mất, để lại sáu đứa con, nay đều đã lớn, có gia đình riêng, làm ăn xa tận đồng bằng Nam Bộ, ít khi về thăm má. Đứa con gái út sinh ra không biết mặt cha. Bà cụ rành nấu ăn, cả chay lẫn mặn nên được sư ông trụ trì nhờ làm công đức nấu ăn cho nhà chùa mỗi dịp lễ. Đó cũng là cách để bà vơi bớt nỗi nhớ thương. Sống ở quê người ăn nên làm ra, nhưng bà cụ cứ ngày đêm nhớ về xứ Huế khổ nghèo, mưa dầm thúi đất, nắng cháy nứt đồng. Cô con gái út càng lớn càng giống cha, khiến bà càng thương con hơn. Nhất là những khi nó gặng hỏi: “Má nói thiệt đi! Cha con còn sống không?” thì bà lại day dứt, dối mình, dối con: “Ba con khuất núi rồi?”. ”Má nói chi lạ! Ba con mất năm Bảy hai, con sinh năm Bảy sáu. Ai là cha con, má nói thiệt đi! Trong nhà, anh chị mô cũng cao mét sáu trở lên, mình con thước rưỡi chưa tới! Vì răng?”. Cuối cùng bà đành nói lửng lơ: “Cha con chừ không biết ở mô, còn sống hay đã mất!”. Đến đó thì cô bé đành chịu. Thế là nó phát nguyện vào chùa mỗi tháng bốn ngày tụng kinh niệm Phật, ở nhà ăn chay thập trai, kể cả khi là sinh viên đại học ở Huế, chỉ cầu mong Bồ tát từ bi cho nó sớm gặp được cha. Một cô bé sinh viên về nghỉ hè gặp cậu tân sinh viên chuẩn bị nhập trường thích ăn chay, thế là hai đứa nhanh chóng kết bạn, dù cô bé lớn hơn nó mấy tuổi. Quán bà cụ Hành từ đó hôm nào cũng có mặt thằng Hiền với cái miệng tươi như tép nhảy, khiến bà vui lây. Rồi như linh tính mách bảo, bà chợt nhận ra trên khuôn mặt, vóc dáng và tính nết cu Hiền phảng phất bóng dáng người cha của đứa con côi cút. Thế là bà lân la hỏi chuyện. Út Hiền có bao nhiêu điều biết về ông ngoại, cứ thế khai ra tồng tộc, kể cả cái tính thương người dưng nước lã. Bà cụ Hành vui sướng đến nghẹn ngào khi biết tin ông ngoại thằng Hiền. Bà cúi mặt chấm nước mắt, khóc tỉ ti. Út Hiền ngơ ngác không hiểu vì sao. Nhưng bé Hẹn thì bỗng dưng hiểu rõ vì sao má lại đặt tên mình là Vọng Hóa! Phải rồi! Bao năm bà vẫn nhớ thương ông, vẫn đăm đăm Vọng về Thuận Hoá. Từ đó, út Hiền có thêm dì Hẹn. Và từ đó, nó khỏi lo giặt áo quần, ăn cơm nguội. Nhưng lại có dòng tái bút tai quái làm cho mạ nó đứng tim. Khi anh cả vào, một kế hoạch hoàn hảo được vạch ra cho “phụ tử đoàn viên”. Dì Hẹn trong vai cô sinh viên đi tìm việc làm, tình cờ gặp chị Đờn đang tìm người giúp việc. Cái khó nhất chính là làm sao thu phục được lòng bà ngoại cu Hiền. May có trời phật phù hộ, mọi việc cứ êm ru. Thế là nỗi lo canh cánh bên lòng chị Đờn và anh Ca kể từ khi nghe bác sĩ Du nói nhỏ đã được giải toả. Bác sĩ Du nói rằng: “Ông cụ chưa đi đâu. Đại thọ, đại phúc, đúc đủ tám con”. Riêng Út Hiền hào hứng thấy rõ. Nó lựa lúc vắng người, kề tai ông ngoại nói nhỏ: “Ông ơi! Cháu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ông giao”. Cụ ông Trần Bảo móm mém cười.

Thế là từ nay, tám con của cụ Trần Bảo vừa đúng, chỉ hơi trật vần một chút: Đờn, Ca, Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò, Hẹn. Không sao, miễn là tất cả các anh chị đều đồng tâm nhất trí giấu biệt bà cụ, nên chi mỗi lần thấy ông khen cô con gái “nuôi” thì bà lại khoe: “Nhờ tui sáng mắt xem người nên ông mới được đứa con nuôi đẹp người đẹp nết!”. Cả nhà cười vang, ông cụ chỉ dám cười tủm tỉm vì các con đã dặn ông rất kỹ ”gươm kề cổ, súng kề tai” cũng không để lộ. Như một sức mạnh thần kỳ, ông cụ hồi phục nhanh không ngờ, không còn rền rĩ ca cải lương “Hải Vân san dặm ngàn cách trở...” nữa.

Đúng là từ nay, Hải Vân quan không còn cách trở. Cách trở hay không là ở lòng người!

Huế, tháng mưa dầm năm Canh Thìn - 2000
Sửa lại vào tháng có 5 lần lụt - 11/2007

P.X.P
(262/12-10)





Các bài mới
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Đêm tái sinh (24/12/2010)
Chị Hạnh (16/12/2010)
Khoảng lặng (26/11/2010)
(19/11/2010)
Xuân nữ (16/11/2010)
Dã Tràng (05/11/2010)