Ông cuộn tròn chiếc mũ vải rộng vành trong tay ném về phía con ngựa (con ngựa kéo xe của ông đang thản nhiên nhai cỏ) như muốn truyền tin vui đến cho nó. Chiếc mũ nở ra trước gió, bay đến nằm trên lưng con ngựa. - Nào, đi thôi! Tết này ta vui rồi, mày ơi! Ông nói và ra roi vụt nhẹ lên lưng ngựa. Con vật như biết ý chủ, cất cao vó, phóng đi. Những người đi đường nheo mặt thích thú nhìn chiếc xe ngựa băng băng chạy. Bỗng nhiên, ông Năm nghe thấy mùi tanh nồng ở khu chợ cá, giọng những người đàn bà khàn đục léo nhéo gọi tên ông. Ông thắng cương đột ngột. Con ngựa đau đớn, nghẹo đầu, vùng vằng gõ móng. - Ôi… Suýt nữa ta quên họ rồi. Chiếc xe ngựa quay ngược trở lại, đi về hướng chợ thị xã, bánh xe quay chậm, nhịp ngựa đều đều thong thả. Phải, vui quá ngây ngất quá làm ông Năm suýt nữa quên công chuyện thường ngày của mình. Từ xa, ông Năm đã thấy bảy người đàn bà (bảy người khách quen thuộc của ông) tụm lại thành nhóm đứng bên đường. Họ là những người láng giềng của ông. Cũng có thể nói họ cùng sống thanh bần như ông trong một vùng rộng lớn ven biển toàn những người có của cả, có cách hái ra tiền khi mùa cá rộ… Một ngày hai lần, sáng sáng lúc tinh mơ ông đánh xe đưa họ ra chợ, ông sẽ lông bông đâu đó trong thị xã hoặc quay về nhà ngồi đan lưới, rồi độ gần mười giờ, ông đến đón họ về. Bảy người đàn bà và một ông già kết bạn với nhau, thân thiết bên nhau như vậy từ hơn một năm nay. Ông già không còn ai thân thích nên lấy thế làm vui. Nhưng hôm nay, giữa những giờ phút lòng người bồn chồn với năm cùng tháng tận, ông Năm rõ ràng đẹp lão hẳn lên, tươi rói và đôi mắt trông duyên lạ. Cái vẻ khác thường ấy đã làm những người bạn lắm lời của ông vừa xì xào ngạc nhiên, vừa tò mò muốn khám phá. Nên khi mọi người đã vào hết trong xe và khi con ngựa thấp mình trườn tới, thì cái bí mật hạnh phúc riêng tư của ông già lập tức bị khui ra. Thoạt tiên, một người đàn bà lớn tuổi nhất trong bọn họ lên tiếng: - Anh Năm à. Tui biết anh có chuyện vui đó nghen. Ông Năm ném tàn thuốc xuống lòng đường, nói úp mở: - Khà khà… Tết nhứt tới nơi, lòng tui cũng lâng lâng vậy mà. Nhiều tiếng nói ồn ã reo lên: - Không phải! Bác Năm giấu. - Không được. Chị em mình quyết bắt ông nói cho ra mới nghe. Người đàn bà lớn tuổi nhất “suỵt suỵt”: - Có gì vui kể nghe đi anh Năm. Im lặng đột ngột trong xe, chỉ còn tiếng móng ngựa gõ lốc cốc trên đường. Từ trong sự ngưng đọng đó, giọng ông Năm trầm trầm nổi lên: - Nói chớ giấu diếm gì được… Hồi nãy tui vô Tỉnh đội chơi không ngờ gặp được chuyện vui… Ông Năm ngừng nói. Sau lưng ông, những người bạn thường mồm mép tưởng sẽ nhao nhao lên hối thúc, nhưng lạ, họ vẫn không nói gì. Ông Năm biết họ đang ngầm khích lệ ông. Ông đằng hắng liền mấy cái rồi thong thả kể: - Tui đang đi thẩn tha, tính tìm người quen hỏi thăm tình hình chiến sự biên giới, thì ông trung tá Đãi - em họ của tui - từ đâu đằng sau chạy tới ôm chầm lấy người tui. Chú ấy hồ hởi nói với tui vài hôm tới có một đoàn cán bộ quân đội làm nghĩa vụ quốc tế bên K về đây ăn Tết. Toàn là con em của tỉnh mình cả thôi. Duy chỉ có một người trong danh sách thấy lạ hoắc không có gốc gác, họ hàng gì với vùng cực Nam này. Chú Đãi chỉ cho tui thấy cái tên đó trong tờ giấy dài rồi cười cười hỏi có phải con nuôi của tui không. Thật tình là trong hai cuộc kháng chiến, tui có đến gần hai chục đứa con nuôi nên chú ấy mới hỏi vậy. Nhưng từ hòa bình tới giờ, bốn năm rồi, không thấy tin tức đứa nào. Tui nghĩ bụng, chắc là hy sinh hết rồi, hoặc tệ hơn, đứa nào còn sống cũng chẳng còn nhớ đến tui. Tên tuổi, quê quán, tính nết từng người tui nhớ lắm, chị em à… Cho nên, khi đọc thấy cái tên Lê Chiến là tui đã giật mình rồi, tay chân tự nhiên run khan lên. Tui cố bình tĩnh coi kỹ có phải quê Thái Bình không, có phải tuổi hai chín, ba mươi không, thì ôi trời, đúng cả. Đúng cái thằng Lê Chiến Mậu Thân sáu tám rồi! Cái thằng tròn đậm, đen chắc như là đồng đúc… Xe chạy vào con đường mòn đầy sỏi, bụi hồng cuốn lên bay la đà ngang lưng ngựa, thỉnh thoảng bánh xe sa vào một ổ gà, những người khách ngồi trên xe lặng lẽ bám vào nhau. Khác với mọi hôm, khi tới đoạn này, xe càng nghiêng chao, xóc nảy, họ càng huyên náo, như một góc chợ di động. Ông Năm tiếp tục kể, giọng đầy xúc động: - Phải, nó theo một mũi đánh vào khách sạn Thiên Nga hồi Tết Mậu Thân đó. Không biết đánh đấm thế nào mà khi rút lui lại lạc đơn vị. Nó bị tụi cảnh sát dã chiến vây đuổi ráo riết. Vậy là cuối cùng nó lọt vô nhà tui. Cái thằng giỏi! Nó kể rằng khi chuẩn bị vào thị xã cấp trên có dặn nó lỡ không ra được thì tìm đến nhà tui. Nó chủ quan, ngồi nghe có một lỗ tai, cứ say sưa mân mê mấy quả thủ pháo. Thế mà lúc tưởng chết tới nơi nó lại sáng ra, nhớ mồn một số nhà, tên đường, cửa nẻo, cây kiểng ra sao, nó nhớ như in hết. Tui nuôi nó trong nhà có đúng bốn ngày đêm, cũng lo lắng hết mình như bao nhiêu anh em khác thôi, nào ai ngờ… Cái thằng tình cảm hết sức… Hôm bắt được liên lạc, có người đến đưa ra, nó ôm thắt lưng tui, rúc rúc cái đầu khét nắng vào ngực tui, khóc kể sướt mướt. Nó nói hòa bình sẽ về ở luôn với tui, tội nghiệp, nó nói mà nước mắt cứ đầm đìa… Từ đó đến nay đã hơn mười năm, bặt vô âm tín nó. Tui thất vọng, nghĩ đến cái ghê gớm của chiến tranh. Rồi nhiều đêm nằm ngẫm cuộc đời, nhớ đến khuôn mặt từng đứa con nuôi mà thấy thương mình, thương chúng nó quá chừng… Chậc! Ông Năm sực tỉnh, ngồi thẳng lưng lên, vuốt mặt nhìn chăm phía trước. Một tay vung roi, vút vút trong không trung, một tay ông thọc vào túi áo lần lấy gói thuốc rê. Tiếng cười “khà, khà” hào sảng của ông lại rung lên, lẫn vào mỗi câu nói, khi khúc khích, khi nhốn nháo của bảy người đàn bà. - Bao giờ anh ấy về hả bác? - Nội ngày ba mươi tết. Đi bằng máy bay mới ghê chớ. Con ngựa quá quen đường, nó đi nước kiệu khi đến rặng cây lưỡi long đầu làng. *** Ông Năm dắt ngựa ra khỏi chuồng, buộc vào xe. Ông sẽ chở anh bộ đội Lê Chiến, con nuôi của ông trên chiếc xe này. Chắc anh ta sẽ ngạc nhiên lắm… Trước giải phóng ông có làm nghề này đâu. Hai vợ chồng không con, mở một cửa hiệu tạp hóa trên phố, vừa sinh nhai vừa góp nhặt tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Hòa bình, ông hiến toàn bộ tài sản cho Nhà nước, dành lấy một số tiền vừa đủ mua một căn nhà nhỏ ven biển và một chiếc xe ngựa chở khách. Ông chạy xe, bà ở nhà lo nội trợ. Mức sống của hai vợ chồng so ra còn khá hơn rất nhiều người. Ông biết thế cứ áy náy mãi, ăn không ngon ngủ không yên. Thế rồi hơn một năm nay, sau khi người bạn đời của ông bệnh nặng ra đi, ông tuyên bố: từ nay chiếc xe ngựa của ông chỉ dùng chở bà con xóm giềng. Và vì vậy trong làng, có bảy người đàn bà trở thành những người khách quen thuộc của ông Năm. Ông Năm cho ngựa chạy chậm. Hồi sáng ông có lên sân bay một lần nhưng người ta bảo năm giờ chiều này máy bay mới đến; ông quay về, lại dọn dẹp cửa nhà, lau rửa ly chén. Chiều ba mươi Tết. Đường sá thưa thớt dần. Lâu lâu một bóng dáng vội vã lướt qua mặt ông rồi mất hút. Đường lên sân bay càng vắng vẻ hơn. Ông Năm ngồi trầm ngâm, bập bập điếu thuốc rê trên miệng. Một anh thanh niên từ đâu không rõ chạy ra giữa đường giang tay đón xe, cái vẻ kênh kiệu. Ông Năm khoát tay, giật mạnh dây cương. Đã bảo không chở ai mà. Xe vượt qua anh thanh niên, ông cho chạy chậm lại. Chợt ông Năm nhìn thấy đàng trước, ở lề đường một cô gái đang loay hoay bên chiếc xe đạp. Cô lom khom sửa chữa cái gì đó bị hỏng hóc. Càng đến gần ông Năm càng thấy rõ điệu bộ lúng túng, khổ sở của cô gái. Trên bộ quần áo mới của cô, loáng thoáng có những vết bẩn. Ông Năm dừng ngựa. Cô gái đưa mắt khẩn khoản nhìn ông, mái tóc dài rối bời, mồ hôi lấm tấm trên mặt. - Bác ơi! - Cô gái nói run run, chừng như sắp khóc. Ông Năm nhảy ra khỏi xe. Đến bên cô gái, ông ngồi xuống chồm hổm. - Trời đất! Chỉ có trật giây xích thôi mà nó làm khổ cháu đến thế này à? Mấy phút sau ông Năm đã sửa xong, ông chà chà hai bàn tay vào nhau, nhìn vào mặt cô gái. Thấy cô không vui lắm, còn ra chiều lo âu, ông hỏi: - Cháu về đâu? - Bác ạ, cháu lên sân bay… Biết còn kịp không hở bác? - Cô nói trong tiếng thở, mặt ngẩng lên nhìn trời. - Chà. Đón người yêu về ăn Tết phải không? Thôi, bỏ xe đạp lên đây đi với bác. Cô gái luýnh quýnh, nói lí nhí trong miệng. Mãi một lúc sau khi ngồi vào trong xe cô mới đặt nhẹ tay lên vai ông già, thỏ thẻ: - Cháu cám ơn bác. Cháu cứ phấp phỏng sợ trời tối. … Bác cũng đi đón người thân bên ấy về ăn Tết phải không ạ? Ông Năm ừ một tiếng rõ to, lên giọng sôi nổi: - Này, cháu quê ở đâu? - Dạ, cháu người miền Bắc ạ. - Biết rồi, nghe giọng nói thì biết người ngoài ấy. Nhưng ở tỉnh nào chớ? - Ôi, cháu xin lỗi bác, cháu người Thái Bình. - Thái Bình hả? - ông thốt lên ngạc nhiên. - Vâng. Cháu mới vào đây chưa đầy một năm. Tự nhiên, không hiểu vì sao, ông Năm thấy bồn chồn trong dạ. Bao nhiêu hồ hởi, rạo rực mới đây giờ biến đi đâu hết. Sao thế này hả? Ông nghĩ ngợi miên man, cố tìm cách nói chuyện thân mật với cô gái nhưng không được, khó khăn quá, lời lẽ chẳng manh nha được tí gì trong đầu ông. Hồi lâu, khi bên tai chỉ còn tiếng lốc cốc móng ngựa gõ trên đường, ông giật mình, cảm thấy khó chịu như có hàng trăm con kiến đang bò khắp thân thể. Thật xấu hổ, ta làm con bé mất vui, không dám mở miệng nói nữa kìa. Ông lấp bấp trong miệng khi tìm ra được điều để nói: - Cháu ăn Tết ra sao? - và một tiếng thở phào thoáng bay trong gió. Cô gái ngồi gần đến bên ông già: - Cháu dạy học, nghèo lắm bác ơi! - Nhưng chắc là vui quá đi chớ có người yêu gần gũi mà, phải không? - Nói vừa hết câu, ông giật giây cương thúc ngựa và ông nghe thấy hai bên mang tai nóng ran lên. Vâng ạ. Cũng đã gần bốn năm nay chúng cháu chưa gặp nhau. - Cùng quê à? - Giọng ông Năm bỗng khô khốc, lạnh lùng đang tra gạn. Nhưng có lẽ cô gái không hề hay biết. - Vâng, anh ấy cùng làng với cháu. Hai vai ông Năm rung lên và từ miệng ông bật ra hai tiếng cộc lốc: - Tên gì? Chỉ có gió đang thổi trong xe mới biết qua giọng điệu của ông Năm một tâm trạng vừa rối lên hoang mang, một trái tim bỗng nhức nhối dữ dội như chực vỡ ra. Còn cô gái cô đã thấy từ xa thấp thoáng đường băng sân bay, và trước mặt cô, một chiếc máy bay sáng loáng đang nghiêng cánh lượn vòng, chực hạ xuống. Cô khẽ kêu lên vui mừng. Không kìm được, cô đứng phắt dậy, đầu đụng vào trần xe. Cô bẽn lẽn, thấy có lỗi với bác đánh xe tốt bụng. Bác hỏi anh ấy tên gì sao cô không trả lời ngay? Cô nắm tay ông già, như làm lành: - Anh ấy tên Chiến, Lê Chiến, ở trung đoàn 812 anh hùng đấy bác! - !!! - Anh viết thư kể cháu mới biết trung đoàn ấy thành lập tại quê hương Thuận Hải mình trong những năm đầu đánh Pháp. Chắc ngày xưa bác cũng ở trung đoàn ấy?... Này, bác ơi! Có phải nhạc hiệu của đài phát thanh tỉnh ta chính là bài “Hành khúc trung đoàn 812” không hở bác?... Ôi, bác làm sao thế! Ông Năm không còn nghe thấy gì nữa, ông tê tái cả cõi lòng, lặng người trong nỗi bàng hoàng tột độ. Ông thấy lạnh buốt từ trong từng kẽ tóc, từ từng ngón bàn chân. Ông thu vai, co rúm người lại… Cơn ho như núp sẵn trong lồng ngực, bất đồ dâng lên, bật ra thành tràng. Những âm thanh giết người ấy làm cô gái ngồi sau sốt ruột, lúng ta lúng túng. Không làm thế nào giúp ông già được, cô chỉ còn biết nắm tay ông chặt hơn, nước mắt rưng rưng. Xe đã vào đến cổng sân bay mà cơn ho của ông Năm chưa dứt, vẫn còn khục khặc. Người lính gác ra hiệu cho xe dừng lại. Cô gái bước xuống, đến bên cạnh người lính xuất trình giấy tờ. Khi đó ông Năm run rẩy toàn thân, hai cánh tay thường ngày đâu đến nỗi tệ lắm giờ bỗng lập cập, vụng về khi rờ vào chiếc xe đạp. Ông không dám ngước lên nhìn cô gái, hai hàm răng cứ đụng vào nhau kêu lục cục. Cô gái nói hổn hển: - Anh bộ đội bảo bác để ngựa xe ngoài này đi bộ vào, bác ạ. Lời nói ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với ông Năm. Ông chỉ muốn khóc thôi. Ông quay mặt đi không để cho cô gái nhìn thấy. Trong lòng ông đang tràn một cảm xúc, ấy là cảm xúc vỡ bờ từ ý nghĩ: “Đánh xe quay về thôi. Một mình ta với chiếc xe ngựa này sẽ lang thang suốt đêm này, đêm trừ tịch”. Ông nín thở, cố gắng lấy sức mới nói tròn một câu: - Cháu đi trước đi, thủng thẳng bác về sau. - Vừa nói ông vừa xoay đầu ngựa, một tay đẩy đẩy lưng con vật. Cô gái tần ngần chưa muốn đi. Ông Năm chậm rãi leo lên xe. Cô gái kinh ngạc mở to mắt nhìn ông già. Bộ mặt nhăn nhúm ủ ê của ông Năm đỏ bừng lên lúc ông quay lại nhìn lăm lăm cô gái từ đầu đến chân. Ông chụp cái mũ rộng vành lên đầu, nghẹn ngào nói: - Cháu vô đi… Bác về… Bác về… Cô gái vung vẫy hai tay, thảng thốt. Nhưng cô chưa kịp kêu lên, chiếc xe ngựa đã ào ào phóng đi, thoắt cái nó đã biến mất sau đám cỏ tranh cao, ở một khúc quanh. *** Còn một tiếng nữa là giao thừa. Khắp các ngã đường pháo nổ râm ran, dày đặc. Từ trong những khoảng tối của phố xá chật hẹp, thỉnh thoảng sáng rực lên rồi lịm tắt muôn vàn tia hào quang của pháo hoa. Ông Năm đánh xe lòng vòng hết đường nầy qua đường khác, rung nhẹ giây cương, ngâm khàn khàn trong cổ họng một bài thơ cổ “Bây giờ năm cũ bước qua - Mà người muôn dặm đường xa…” Bất thần, ông cho xe chạy theo đường vắng ra ngoại ô, nhưng rồi vừa giáp mặt với những cánh đồng, ông lại quay ngựa hướng về thị xã. … Trên con đường lớn nhất của thị xã có một đôi trai gái đang nắm tay nhau, bước đi vội vã. Người thanh niên thấp đậm, mặc quần áo bộ đội, quân hàm quân hiệu lấp lánh. Cô gái thon thả, duyên dáng trong chiếc quần tây đen và chiếc áo sơ-mi màu rêu xanh. Hai người dừng lại trước trụ sở một cơ quan. Cô gái giận hờn: - Anh không tin em… Đây này, em đã đến đúng chỗ này, nhưng cả ba lần gặp ba người khác nhau trong ấy họ đều lắc đầu, bảo không biết. Hôm qua em còn đánh liều đến một lần nữa đấy. Người lính thở dài: - Tại sao lại thế nhỉ? Năm năm, khoảng thời gian ấy có quá dài không hở em? Cô gái nhìn vào mặt người yêu, giọng đầy lo âu: - Anh nghĩ lung rồi đấy… Một ngày còn có thể có hàng loạt biến cố, huống hồ là năm năm. - Em nói thế nghĩa là sao? - Không… Em nghe người ta nói … Mà anh đừng nhìn em như thế chứ? Giọng người lính trở nên xa vắng: - Cũng có thể là bác ấy đã mất… Hồi ấy, bác đã từng bị bọn địch tra tấn, rất dã man, nghe rằng bác bị lao nặng lắm. Một tràng pháo đại bùng nổ, rúng động cả không gian. Cô gái nép sát vào ngực người yêu. Người lính dìu cô gái đi, nén xúc động nói: - Gần bước sang năm mới rồi, cũng không nên sầu thảm quá, phải không em? Nào, có chuyện gì vui kể cho anh nghe đi. - Anh có nghe chuyện lạ không? Truyện ngắn, rất lạ và rất mới - Cô gái đang vui niềm vui thấy trái tim người yêu bắt đầu đập chung nhịp với trái tim mình, nên nói líu lo, trong trẻo. Cô gái kể cho anh nghe câu chuyện mới xảy ra chiều nay trên đường cô đi lên sân bay đón anh. Cô bảo đó là truyện ngắn: “Người xà ích và tôi trong buổi chiều cuối năm”. Người lính nghe chăm chú. Tình cảm anh cứ thay đổi dần theo chuyện kể - buồn cười, kính trọng, ngạc nhiên… và cuối cùng là sửng sốt khi người xà ích đánh ngựa lao đi, bỏ cô gái đứng lại một mình, rất đường đột. Ngay khi ấy, trong trí anh sáng lên một tia chớp: “Người xà ích ấy là bố Năm!” - Bác ấy hỏi tên anh làm gì vậy? - Em nhớ xem, lạ quá … Người lính sung sướng ngậm ngùi, lệ ứa ra hai bên khóe mắt anh. Cô gái đi bên anh không nhìn thấy. Cô chưa kịp biết rằng, đối với anh bây giờ ngoài kia chỉ còn tiếng vó ngựa là đáng quan tâm hơn cả. Ngoài kia… Tiếng vó ngựa đâu rồi? Phan Thiết, tháng 10-1983 M.S. (11/1&2-85) |