Truyện ngắn
Tình gửi cho ai
08:16 | 25/02/2011
PHẠM NGỌC TÚYMột buổi chiều như bao buổi chiều khác, Kim ngồi ở bàn giấy với trang viết đang chi chít chữ. Tiếng chuông điện thoại kêu vang dòn dã vào một thời điểm không thích hợp; thầm mong người nào gọi lộn máy Kim uể oải nhấc ống nghe lên.
Tình gửi cho ai
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
- Ai đấy?

Không cần lối hỏi lịch sự như mọi khi để bên kia nản lòng. Ngược lại là giọng cười khúc khích của Ngà.

- Tao đây mà.

- Rồi, nói đi. Tao đang bận.

- Gì nóng thế. Mốt có lễ hội dân gian ở Cầu Ngói tề. Đi không? À mà... cậu có thích đi lên sông Hai Nhánh?

- Không, ý định ấy bỏ rồi, nếu làm phóng sự, sao ngươi không đi đi.

- Thôi mà, đi một ngày có chết ai.

- Tao vẫn không muốn đi.

Mặc dù nói vậy Kim biết rằng mình đã thua rồi. Từ lâu nàng vẫn định có dịp thì đi chơi xa bằng ghe thuyền một chuyến. Cuộc sống bình thường không có gì vui, không có gì lạ. Những công việc của đàn bà và của đàn ông, một mình nàng gánh lấy mãi cũng nhàm. Hình như Kim có nói điều đó với ai đó, có thể Ngà nghe được và có thể không. Nàng quá quen với những chuyến đi như thế. Lễ hội dân gian ở Cầu Ngói, điều này… thôi tạm chấp nhận vậy.

“Ngày mai, em đi đưa đám chứ - anh bận, đã hẹn với công ty vi tính để họ chở máy về”, anh ấy nói. Họ đến lúc đám tang chuẩn bị di quan, rồi những khuôn mặt quen thuộc, kẻ đến người đi. Cái chết nào cũng quái quắc, ngày xưa Lý Bạch ôm trăng chết, hôm nay có chàng thi sĩ “choáng hơi men” nhảy xuống giòng nước để ra đi mãi mãi. Nàng không cảm thấy buồn lắm chỉ hơi bất ngờ. Kim không thể nghĩ ra cái kết cục nào buồn hơn thế, mà cái kết cục nào lại không buồn chứ. Chỉ tại mình và mọi người không sớm nghĩ ra mà thôi. Vấn đề không phải phụ nữ làm việc như đàn ông, tuy nhiên cái khao khát trong Kim không phải là nỗi bức xúc đối với Ngà và ngược lại. Nàng thở dài. Biết bao giờ thì hết cái nghiệp này, mình đâu phải là kẻ ham tiền, mình chỉ thiếu tình. Và rồi sau cùng nàng nói với chồng nàng sẽ đi chơi xa một hai ngày. Nàng sẽ đi Honda xuống Cầu Ngói trước đã.

“Không phải lúc này, không phải lúc.” Mark Phill thầm nghĩ. Xung quanh ông, một không khí khá nghiêm trang chuẩn bị cho buổi hội tối nay, sẽ có ca Huế dành cho các bà mẹ anh hùng trong xã. Trên sân khấu, ông chủ tịch ủy ban xã đang nói gì đó, đại khái như là giới thiệu quan khách, giới thiệu mục đích buổi dạ hội và các tiết mục. Không phải lần đầu Phill về cái xã này, cái xã có cái cầu rất đẹp do một người phụ nữ dựng lên. Xứ sở tang thương do chiến tranh gây ra thì nhiều mà cái gì cũng đặc biệt.

Một người phụ nữ dáng tầm thước có khuôn mặt ưa nhìn đột ngột hiện ra sau cánh gà. Cô ta đi nhanh về phía sau chỗ Mark ngồi cùng lúc một tiếng nói quen thuộc cất lên sau lưng ông:

- Chừ chị mới đến sao?

- Ừ.

Giọng Huế nhỏ nhẹ, rất quen thuộc khiến Mark giật mình quay nhanh lại. Dân và Quế, hai anh chàng vui tánh trong hội Hồng thập tự đi theo ông mỗi lần ông về Huế đang ngồi sau lưng. Quế nói:

- Mời ngồi, đây là ông Mark Phillip, Liên biết chứ?

- Chắc là chưa, hân hạnh.

Kim Liên vừa đáp vừa đưa tay ra bắt tay Mark (thật ra nàng rất ghét chuyện phải bắt tay đàn ông). Sự chú ý của nàng nhằm chỗ khác. Nàng đến đây không vì sự yêu thích cây cầu nhỏ nổi tiếng ở đất Thần kinh, khi cần viết bài nàng vẫn tự mình đi được. Chiều hôm qua nàng quyết định lái xe về. Nàng biết mình chỉ đi tìm hứng thú cho bài viết. Đi qua Cầu Ngói nàng lái xe đi sâu vô làng, đi qua một nghĩa trang nhỏ rồi nhìn thấy ngôi trường, đây là lần đầu tiên Kim đến đó. Chỗ đất nơi ngôi trường đang tọa lạc đứng cao hơn các nhà cửa khác trong làng, hàng cây xanh che mát ngôi trường cùng vẻ cô tịch của nó tạo nên điểm khác biệt hoàn toàn với ngôi làng và một số trường ở thôn làng nàng từng đã đi qua. Thật là một ngôi trường duy nhất có vẻ đẹp hoang sơ ở cái xã nổi tiếng này. Cái xã không chỉ có món ăn ngon là hột vịt lộn, nếu chỉ có thế thì không có gì đáng nói. Nó chỉ thích hợp với những anh chàng có tâm hồn ăn uống như Dân và Quế hoặc một số người khác thôi.

Đối với nàng, và ngay cả Mark, vẫn có thiên hướng về cảnh đẹp thiên nhiên nhiều hơn. Sân trường rợp bóng cây xanh với người hiệu trưởng nổi tiếng đạo đức mà có lần nàng nghe một viên chức làm ở sở Giáo dục nói lại, là cái Kim thật sự muốn tìm. Hơn nữa ngôi trường này đẹp thật. Giáo dục, bao giờ chẳng là cái quan trọng hơn trên hết? Thời bây giờ tìm người làm hiệu trưởng không khó, anh ta nói, cái khó là một hiệu trưởng có thực học và nhất là có tâm với nền giáo dục này. Nói tóm lại, một người hiệu trưởng có tầm cỡ trong phong cách và nhân cách. Những điều tâm huyết được nói ra từ vị giáo viên được kết nạp Đảng rất sớm, làm Kim lạ lùng, bởi anh ta lại lấy cô em họ của nàng mà chưa ai lại háo danh và giả dối như người phụ nữ ấy. Cuộc hôn nhân này không hạnh phúc là điều tự nhiên. Khi đang lang thang trong sân trường với chiếc máy ảnh trong tay Kim đụng phải người đàn bà đang hai tay xách hai xô nước. Đôi mắt - một đôi mắt long lanh như cái hồ chứa nước khiến một người vốn yêu thích cái đẹp như Kim dừng lại. Kim mỉm cười (vốn tánh nàng không hay cười). Người đàn bà gật đầu chào, Kim gật đầu chào lại.

- Bà ở đây à?

 Không trả lời, người đàn bà chỉ tay về phía cổng trường. Kim nhận ngay ra ngôi nhà của bác cai trường, được che chắn bằng các lớp tôn và gỗ vá víu, chỉ có một gian phía trên gần trường được xây nhưng nhỏ. Cả hai cùng đi đến đó.

- Dạ ngày mai cô về chứ? Dự lễ hội ấy mà.

- À…ừ. Điều này bây giờ Kim mới nhớ ra. Một phụ nữ trạc bốn mươi lăm tuổi, trên khuôn mặt chỉ còn đôi mắt giữ được nét long lanh mà một thời chắc đẹp lắm... Với trực giác vốn có, nàng cảm thấy người đàn bà có điều gì muốn tâm sự với mình chăng. Quả nhiên nàng đoán đúng.

- Tui biết hò Huế, mà tui không được lên hát. Cô thích nghe tui hát không?

Người đàn bà làm Kim bị bất ngờ.

- Hò đi, ít thôi, vì tui còn lên Huế.

Đang vui, Liên nói. Khung cảnh sân trường vắng lặng thích hợp với một giọng ca tài tử vào lúc ấy. Người đàn bà mà thời con gái ắt xinh lắm. Bây giờ mái tóc rụng còn non nửa trên mái đầu có điểm vài sợi bạc, đang cất giọng hát. Một giọng khiến Kim vừa nghe đã giật mình. Đó là một giọng hát không thua những nghệ nhân hò Huế mà nàng đã được nghe.

- Tui hát cô nghe có được không?

- Hay quá.

Kim vỗ tay và cười. Được một cô gái lạ khen, người đàn bà đỏ mặt. Đôi mắt hạt huyền, phải, chỉ còn đôi mắt tiêu biểu cho nét đẹp thời con gái ánh lên nụ cười. Lời nói quá lại gần đúng sự thật. Sự thật nào không đau lòng, chỉ có vấn đề là người ta có chấp nhận hay không thôi. Đâu phải thực tại nào cũng tràn đầy niềm vui và lúc nào cũng hát lời vàng được? Tuy vậy Kim nói, tui không dám hứa, đêm mai bà cứ tới. Không hiểu tại sao, nàng nghĩ ngay đến việc tặng bà ta chiếc áo nhung màu đỏ bã trầu của mẹ nàng cho; có thể để thưởng cái tình, cái duyên gặp mặt ban đầu chăng. Dù sau đó ai đường nấy đi. Làm sao biết trước được. (Vốn nàng ít mặc nhung. Mùa đông độn bên trong lớp áo dạ là chiếc áo len mẹ nàng đan cho năm bà đã 80 tuổi, hoặc của nàng đan, tuyệt nhiên rất không thích áo nhung). Chiếc áo bà ta đang mặc trên người tơi tả quá. Khi hát, nàng nhìn thẳng vào đôi mắt hình thuyền hơi xếch chứa chan bao nhiêu khát vọng. Ai có thể nhìn thấu những khát vọng ấy trừ người phụ nữ? Còn như tìm một đàn ông ở nông thôn chân lấm tay bùn này để hiểu những khát vọng sống của vợ ư, còn lâu. “Tui cũng là người mẹ anh hùng”. Đột nhiên vang vọng bên tai nàng, lời người phụ nữ nói (một cách tự giới thiệu); tuy thế qua ánh mắt hạt huyền, nơi duy nhất thời gian chưa tàn phá lại có một âm hưởng buồn thế nào.

Nàng ngẩng nhìn trời, chiều đang xuống và sẽ rất mau tà, hoàng hôn là khoảng thời khắc không nên lưu lại ở một nơi xa lạ, kinh nghiệm đã dạy nàng như vậy. Tưởng ông hiệu trưởng ở trong trường té ra ông ta ở nhà riêng trên Huế. Thôi tạm bằng lòng với những gì mình đang có mà trước mắt là người phụ nữ với tiếng hát không phải là không lời vàng này, với ca khúc thuộc điệu Nam Bình. Người chồng về khi vợ đang còn say sưa hát (trời ơi, con mụ khùng, với ba đứa con ngớ ngẩn vì chất độc màu da cam, đứa ngồi đứa đứng trong cái nhà như chuồng chim câu kia, hát hỏng cái nỗi gì chứ!). Tiếng hát đột ngột ngưng ngang. Chưa biết nói lời nào an ủi bây giờ. Vứt cái cuốc xuống đất anh ta nói huỵch toẹt:

- Ôi dào, một cái áo tử tế không có mặc mà đòi lên sân khấu như mụ ăn mày đó à. Mấy mụ kia có quần có áo, hát không hay nhưng họ có… thôi! Không thèm nhìn ai anh ta bươn bả vô nhà. Đúng - căn nhà như cái chuồng chim câu. Kim bước tới nhìn vào, quả nhiên có ba cậu trai, một nằm, hai ngồi, ngớ ngẩn trên giường. Căn phòng duy nhất được che chắn cho ba sinh linh này đây! Không nhìn thấy anh chồng đâu nữa, con người với những lời lẽ cục cằn ấy biến mất. Người phụ nữ thở nhẹ.

- Thầy Chí trường ni tốt lắm, tui nhờ thầy mà có chỗ ở đó. Thầy xin xã cấp cho tui miếng đất gần nghĩa địa đó, cô về tui chỉ cho. Tôi là người đã đi qua chiến tranh, tôi cứu và tôi nuôi ông ấy dưới hầm, vậy mà người ta quên tui. Ba đứa con bị chất độc màu da cam đều không thể đến trường học. Thầy Chí cho gia đình tui sống, à không, tạm trú dưới mái trường. Tui không có chi cả, chỉ thèm được hát…


Tối hôm ấy khi vào giường nằm Kim còn mường tượng âm hưởng tiếng hát vang bên tai nàng. Nàng không xa lạ gì với ca Huế. Hồi mà mối quan hệ bè bạn giữa nàng và Lộc còn tốt đẹp, nàng thường đến nhà họ để nghe cô Minh Mẫn, nghe Thanh Hương hát. Giọng hò mái đẩy, điệu Chầu văn, qua giọng ca Minh Mẫn cứ cao vút và nâng bổng hồn người. Tuy bài viết về cô Minh Mẫn không được đăng, Liên vẫn để tâm đến ca Huế, chỉ có điều cuộc gặp gỡ Mark Phillip tối hôm nay là một điều nàng không ngờ đến. Ai có thể ngờ được con người biểu trưng cho văn hóa phương Tây ấy lại thích ca Huế chứ. Bây giờ đứng gần như ngay sau lưng nàng là người phụ nữ ấy. Người đàn bà thì thầm:

- Cô, cô giới thiệu tôi đi. Tôi muốn hát. Tôi cũng có bài mà.

- Để coi đã…

Liên nhỏ nhẹ, nàng làm sao biết được nội quy của việc lên hát hay hò Huế, là phải được ủy ban xã duyệt trước đã.

- Mà tui cũng quên, chị tên chi?

- Tui là… Ngư. Mụ Ngư đây.

- Này, có đi ra không? Lộn xộn, người ta sắp kéo màn, bà đứng đây làm gì? Hát phải duyệt chứ.

Một bàn tay thô bạo kéo người đàn bà ra phía sau, người đàn bà rưng rưng nhìn Kim Liên. Rồi bà ta biến mất. Lỡ khóc lỡ cười, Kim Liên đành tự an ủi mình, thôi lần khác về đây ta mang tặng bà ta chiếc áo nhung đỏ màu bã trầu để bà ta đi dự tiệc cưới.

Giọng Quế cất lên khiến Kim giật mình.

- Mr. Phill. Would you like to have a drink? (Ông Phill. Ông có muốn uống gì không?)

- No, thank. (Không, cám ơn).

Quế nói tiếng Anh không tồi, Mark Phillip từng dạy họ đọc tiếng Anh đúng giọng. Mark Phillip là người Anh lai Pháp. Kim không xa lạ gì với người Tây này. Nàng đã gặp Mark rồi mà chỉ giả vờ quên thôi. Mark lầm nàng với Hồng Lam, em út của nàng.

Dân và Quế là hai chàng trai thông minh, lanh lẹ, hơi nghịch ngợm nữa. Tony Phạm tên vẫn thường được gọi thân mật là Tel, giám đốc công ty A.C Group ở New Zealand cũng mến họ. Dân và Quế có một lần mời hai người đi ăn bún hến và uống rượu nếp than ở đường Trương Định. Không khí ở các quán này có một cái mùi đặc biệt, cái mùi không hẳn là thơm, không hẳn là chua, nó đặc biệt, có lẽ từ nồi nước luộc hến bốc lên. Mùi vị khá hấp dẫn, trong khi Quế đi vào gặp chủ quán đặt món ăn, nhất là dặn chén dĩa rửa sạch chưa dùng kẻo ông tây này dị ứng. Tự tay Quế lau chén dĩa sau khi xem xét coi chúng đã thực sạch chưa. Tony thì thản nhiên trước các diễn biến chung quanh. Thật ra Kim biết em trai mình không ăn được ớt, không ăn được thịt gà nếu không có con dao, (như cách người ta thường làm là chỉ dùng tay xé và bóp rau răm), nàng chỉ ngạc nhiên tại sao Tony không chút phản ứng nào trước lời đề nghị ấy. Có lần Trí cũng thèm ăn cơm hến, anh ta rủ nàng đi. Chỉ ăn một tô, Trí đứng dậy. “Sao thế”. Kim hỏi anh. Trí đáp: “Cái khăn lau” mà không chịu bình phẩm gì thêm. Nếu anh ta ở Hà Nội, anh ta chắc không dám vào các tiệm ăn nơi mà sự nhơ bẩn không thể nào nói hết được. Người ta ồn ào, nói cười như đang ở nhà mình, mà ở nhà cũng không đến nỗi ồn như thế. Con nít thì tung tẩy, làm tình làm tội cha mẹ chúng đủ thứ. Kim đã vào hai tiệm bún chả nổi tiếng ngon ở ngoài đó, một bữa ăn ở Hồ Tây, sau đó nàng chỉ ăn cơm trong khách sạn. Mọi người ai cũng tò mò nhìn họ. Phill thật thà, những quán nhậu ven đường này ở xứ tôi làm gì có. Rồi ăn uống vui vẻ. Quế trở lại đề tài ban nãy:

- Ở nước ông thì không có quán nhậu rồi. Ông đâu phải hạng người… như chúng tôi.

Định nói: “hạng người dưới đáy”; Dân lừ mắt, Quế đổi ngay câu khác. Phill, tất nhiên không hiểu Quế muốn nói gì, ông chỉ hiểu lõm bõm. Một xứ sở lạ lùng, Mark Phill thầm nghĩ. Ông không hề giận hai chàng trai này. Họ đều là những thanh niên vui tánh, đẹp trai nữa. Cái đẹp rắn rỏi của những chàng trai quen nếp sống sông hồ. Hơn nữa, cả hai đều có học. Và ông cũng mến họ.

Dần dần Mark nhớ ra Kim Liên. Khuôn mặt cô là một khuôn mặt ta không thể nào quên, huống hồ Kim và Hồng Lam rất giống nhau. Chỉ có điều ông không nhớ ra đã từng gặp cô ở đâu.

Thầm nguyền rủa cái trí nhớ kém cỏi của mình, Phill tự nhủ, đáng lẽ mình nhận ra cô ấy sớm hơn. Năm nào cũng có dạ tiệc ở tòa Đại sứ, có năm Hồng Lam đi cùng mẹ đến, năm đó nhân có chị là Hồng Liên sang chơi, Lam lấy cớ nhức đầu - đúng hơn là để khỏi gặp mặt Mark Phillip - nhường cho chị đi với gia đình Tony. Thật sự sau chuyến đi Huế về họ giận nhau rồi Lam xa luôn Mark. Mark là con trai một gia đình giàu có lâu đời ở New Zealand, mẹ là người Anh. Dù sau khi đi Pháp Mark liên tục viết thư về cho cô. Hồng Lam theo gia đình sang New Zealand theo diện bảo lãnh, nàng học nghề nấu ăn và xin được làm ngay ở khách sạn sang trọng nhất tại thủ đô. Nàng gặp Mark Phillip cũng trong một buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà anh trai nàng là Tony Pham. Sau cuộc hôn nhân thất bại Hồng Lam đâm ra mặc cảm với sắc đẹp của mình - chẳng muốn kết hôn hay yêu ai, huống hồ Phillip là nhân viên của Bộ Ngoại Giao, rất thân với Tony. Những chuyến về Việt Nam Tony đi với tư cách đại diện cho chính phủ New Zealand. Nàng từ chối không nhảy với Mark, sợ cái nhìn như xoáy sâu vào tâm hồn người khác của người đàn ông đó. Hồng Lam không từ chối hẳn tình yêu của Mark, người đàn ông lịch lãm này bốn mươi lăm tuổi.Tình yêu tự nhiên đến, không hẳn là tiếng sét, ông chỉ cảm thấy ông yêu nàng, vậy thôi. Nói vậy mà không phải vậy. Không ít lần Mark bắt nàng chờ ông. Ông bận công việc. Một ngừơi đàn ông luôn luôn bận việc như anh trai nàng quả thật là chán. Hồng Lam nói ngày mốt nàng về Huế thăm chị, thăm anh em ở Sài gòn. Mark thì khó chịu đựng nổi chuyện cô ta đi Việt Nam không cho ông biết sớm hơn. Ông không thích cái cách đó. Còn Hồng Lam cho rằng nàng chỉ là một người nấu ăn ở khách sạn và đó là lí do ông luôn trễ hẹn với nàng. Nàng không thích bị coi thường và càng chán ghét chuyện ông ta nói yêu mình mà trễ hẹn thường xuyên. Hố ngăn cách giữa họ đáng lẽ không sâu hơn nếu Mark đừng quá ham công tiếc việc. Cái bi kịch của anh trai và chị dâu nàng cũng do ham việc mà ra. Qua Pháp Mark gọi điện và viết thư cho Hồng Lam, ông thú thật với lòng mình và với cô viễn ảnh phải xa cô vài tháng là điều ông khó chịu đựng. Và nếu phải chọn một người bạn đường thì ông chọn Lam. Dầu thế điều đáng tiếc vẫn xảy ra, Lam cho rằng khi người đàn ông ham công tiếc việc đến nỗi hay trễ hẹn, là dấu hiệu chỉ việc ông không thật sự yêu nàng như lời ông nói. Họ xa nhau.

Bây giờ ngồi ngay sau lưng ông là Hồng Liên, bạn bè vẫn gọi cô là Kim Liên. Tối hôm ấy Phillip mời Kim Liên đi ăn, nàng ngần ngại một lát trước khi nhận lời. Thầm nghĩ đến tình duyên lận đận của em mình nàng chẳng muốn đi. Người đàn bà ban chiều ám ảnh nàng.

Ngày hôm sau nàng đi lên sông Hai Nhánh cùng với phái đoàn.

*
Con đường dốc ngược lên đỉnh núi. Bên trái là núi, bên phải là rừng bạc hà có lẽ mới trồng nhiều năm trở lại đây. Có một khoảng Kim nhìn thấy những người đốn củi, tiếng ai hát ngoài hẻm núi: “Trời cao thêm xinh muôn ánh lung linh trên ngàn hoa…” Cô bé xinh nhất trong đoàn, một cô gái có đôi mắt tuyệt đẹp người bạn nhiếp ảnh đi cùng mới tìm ra dùng khuỷu tay huých Kim Liên: “Cô tề”. Ừ tui nghe rồi”. Hết rừng bạc hà đến rừng thông. Sau hơn 1 giờ chiếc xe chở họ đi xuống một con đường mòn đầy bóng râm, chỗ giáp ranh giữa chân núi và dòng sông. Họ xuống xe, đứng bên này con đường đất nhìn ra một khoảng trời lòa nắng trong khi chờ Ngà gọi đò. Ngà mang theo đủ nước uống dọc đường. Con số đi đến hai chục người. Có một ngôi nhà tranh nhỏ đứng chơ vơ bên bờ sông. Để tránh nắng Kim và cô bé Thủy Thanh vội băng qua con đường đất; bên trong là một không gian nhỏ thanh bình. Con gà đang ấp trứng trên bếp. Tủ nhỏ đựng thức ăn sạch sẽ. Nền nhà bằng đất nện chặt dưới mái tranh mây mát rợi. Đứng ở đây thoát khỏi cái nắng hanh hao bên ngoài trong khi những người đàn ông đứng nấp bên hông xe ở con đường rợp bóng bên kia. Bên ngoài là trảng cát nắng lòa mắt. Một lát thuyền đến đón họ tiếp tục cuộc hành trình. Người chủ ghe và Ngà giới thiệu từng vùng họ đi qua. Khe Sòng đối diện với chân núi Đá Đen. Một số dân đi Bình Điền. Một số đi Phú La, Bến Ván. Đã có khu tái định cư đang xây cất. Đến lượt Ngà thuyết trình. Đặc điểm địa hình Dương Hòa là một vùng chạy dài ven sông, giáp thôn Dương Thọ, thôn Hạ Dương Hòa, thôn Buồng Tằm. Làng Dương Hòa ở thôn này thuộc chiến khu xưa. Kim nghe, tiếng được tiếng mất. Nàng yêu lũy tre xanh, con đường làng, ruộng đồng, con trâu chiều về ăn cỏ, con sông chảy qua làng. Tuy ở thành phố nhưng Kim biết làng và yêu vẻ đẹp của thôn làng từ nhỏ. Mười ba tuổi, Kim theo cô bạn gái ở trước nhà về Hương Cần chơi vì thích cảnh ruộng đồng rộng thoáng, thích ngửi mùi hương lúa, lắng nghe tiếng thì thầm của dòng sông. Bây giờ mọi kỉ niệm thời thơ ấu đã xa rồi. Thuyền đi qua một ngã rẽ, chỗ con sông chia hai nhánh cho thấy một khoảng trời đầy nắng bày ra một cảnh đẹp huy hoàng. Thuyền cập bến, họ leo lên con dốc đựng trơn tuột. Thở hào hển, Kim lao vào văn phòng Chủ tịch xã.

- Trời ơi, hết chỗ đóng quân rồi hay sao?

- Vậy mà tôi leo lên leo xuống hàng ngày đó. Chủ tịch xã, một người đàn ông thấp nhỏ đậm người có khuôn mặt dễ mến với làn da màu đồng hun mỉm cười đáp. Mượn một bản sơ đồ, Kim ngắm nhìn cố ghi nhớ từng địa danh mình đi qua. Một vùng tiêu sơ, một vùng nghèo nàn ít dân nay mai sẽ cho chìm xuống nước để xây một cái đập, một cái hồ lớn; một cái hồ chứa nước nguồn để tránh lụt cho toàn tỉnh. Làng Lương Miêu nằm trong diện di dời. Lương Miêu 1, 4 gồm hai xã Thủy Thanh, Thanh Vân cách Huế 25km, có mười hai thôn, với một bản dân tộc là bản Vân Kiều. Lương Miêu 2, 3, 4 đi khu tái định cư Bình Thành, Hương Trà, Lương Miêu 1, Thanh Vân 2 đến khu Bến Ván, Phú Lộc. Còn lại đi Khe Sòng. Các trẻ em sẽ theo cha mẹ đến chỗ ở mới, trường mới xây chỉ có 5 lớp thôi. Buổi thuyết trình sau khoảng 1 tiếng thì xong. Họ tiếp tục xuống thuyền đi ngược lên thượng nguồn sông. Lại leo lên một con dốc đựng nữa, cảnh tiêu điều. Nhà cửa thưa thớt, những cây mít trĩu trái không người hái, những cọc trồng tiêu cỏ lút. Sau một hồi lang thang qua các khu vườn bỏ hoang vì nơi đây sẽ di dời, họ bước vào căn nhà lá của trạm kiểm lâm. Tại đây họ uống nước, nói đủ chuyện, vừa nói vừa nhìn qua bên kia sông. Phía thượng nguồn nhà cửa thưa thớt khiến ai đó, cũng như Kim, nhớ đến thơ bà Huyện Thanh Quan: “Lác đác bên sông chợ mấy nhà.” Họ sang một cái quán tranh đầu dốc. Người chủ nhà - một đàn ông trạc trung niên hắng giọng kể:

- Tui có hai con, ngày đi học mất hai tiếng mới đến trường. Ngày mô tui cũng đi đón, không đi đón là không ngủ được. Mùa lũ lại càng lo hơn, đành phải cho đứa lớn nghỉ.

Đôi mắt nàng chợt bắt gặp đôi mắt to đen của một bé gái đang mở to thầm lặng nhìn mình. Đôi mắt khiến nàng nhớ đến người đàn bà. Tiếng hát của bà ta. Nó cần được lắng nghe, được cất lên thành lời. Cặp mắt của em bé này cũng thế. Nó nói lên nhiều điều lắm, những em nhỏ của lớp nhô ơi! (người chủ tịch nói, lớp nhô là lớp 6). Nay mai các em nhỏ - những đứa trẻ không có gấu nhồi bông, không có búp bê sẽ theo cha mẹ đến các miền đất mới. Đột nhiên nàng nhớ tới Hồng Lam, đôi mắt của em gái nàng cũng lớn như thế và nàng biết rằng tối nay về nhà chưa chắc mình có giấc ngủ ngon. Người phụ nữ chủ quán đưa cho Kim li nước chè. Đang khát Kim uống một hơi. Li nước ngọt lịm thấm sâu vào cổ tiêu tan bao nỗi nhọc mệt. Người đàn bà nói, tui có bỏ muỗng mật ong rừng cô uống cho khỏe; đang cảm động chưa biết nói gì, ở quán bên, Ngà vừa trở về với chai mật ong trên tay. Ngà khen mật ong rừng ngon quá. Họ giã từ trạm kiểm lâm rồi xuôi dòng. Cả đoàn ăn trưa trong xã Dương Hòa, họ ăn ngon miệng vì lúc đó đã quá trưa rồi.

Li nước pha mật ong và đứa trẻ Kim Liên nhìn thấy trong cái quán tranh đầu dốc ám ảnh nàng. Suốt một chặng đường dài non nửa ngày đường, đó là đứa trẻ duy nhất nàng gặp.

Cùng tiếng hát của người đàn bà nửa đời đi trong chiến tranh bây giờ trở về làng với ba đứa con bị chất độc màu da cam, một người chồng không phải là không cục cằn trước cái thực tế trơ trụi.

Mark sắp về bên kia đại dương, nàng hơi buồn khi nghĩ đến chuyện em gái mình sẽ không tái ngộ cùng ông. Cuối cùng, tiếng hát của người đàn bà ở lại, giọng hát mà Kim biết rằng nó sẽ bất tử bởi vì nó là của riêng bà ta.

Viết ở Đại Lải
P.N.T 
(263/01-11)





Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Cội nguồn (24/01/2011)