Truyện ngắn
Bahnar
15:57 | 09/09/2008
TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.

Ở đằng này, tôi nghe Lê dặn cày dọc và cày thật sâu. Biết rồi! Biết rồi! - Chú Phip ề à luôn miệng, biết có nói được tiếng Kinh không. Rồi Lê cũng yên trí vác cuốc đến làm cùng tôi. Những luống đất cày ánh đen như màu thép mới dưới nắng, một người không chuyên trồng như tôi nhìn đất cũng đến mát cả mắt. Hai con bò vừa to vừa khỏe nhẹ nhàng kéo cày vâng theo ngọn roi của chú Phip. Lê dừng cuốc, bảo tôi cùng ngược lên con suối đổ vào tum thăm dò nguồn nước. Chính vì con suối này, chúng tôi mới dám thuê đất của Paul Jar biến cái biền này thành ruộng rau muống. Mùa này nước suối chẳng bao nhiêu, nhưng chúng tôi yên tâm canh tác vì đầu nguồn có đến chục cái zọt nước. Đã là zọt dù mùa nào cũng không cạn, kinh nghiệm này đã trải bao đời của các dân tộc Tây Nguyên.
Khi chúng tôi trở lại, chú Phip đã cày được một phần ba đám. Chẳng việc gì vội, chúng tôi lấy thuốc hút, không quên châm cho chú ấy một điếu, đút tận mồm lún phún râu ria. Nhìn đất tơi xốp mầu mỡ, lòng tôi rộn ràng hưng phấn. Tôi tin tưởng từ nay, chúng tôi sẽ vượt qua cảnh sống khó khăn nghèo túng. Kinh tế đất nước đang lúc trì trệ, người ta dùng rau rất nhiều, đặc biệt trong bữa cơm của mọi gia đình và cả chăn nuôi gia súc. Chưa cấy một ngọn rau xuống đất nhưng trong đầu tôi đã mướt một màu xanh ấm no. Với cảm giác khoan khoái ấy, tôi trở lại cầm cuốc...
- Anh Duy, chú ấy đòi tiền! - Tôi nghe rất rõ giọng Lê nhưng không màng ngẩng đầu lên, ngay trong mỗi lát cuốc, vẫn còn chấp chới ánh nắng rực rỡ, đã chiều đâu mà phải thanh toán công canh. Nhưng khi Lê réo gọi lần hai, tôi dừng tay, nhìn về phía chú Phip đang làm việc với hai con bò. Lê cố gắng giãi bày, hoa tay múa chân. Mặc thây anh ta. Hai con bò đã được tháo ách, chú Phip dùng dây cắm cúi buộc lại giàn cày như khi người ta vừa hoàn tất công việc đồng áng sắp trở về nhà. Cảm thấy có điều bất ổn, tôi buông cuốc chạy lại.
- Chú giao ước với tôi thế nào? - Lê giận dữ gào tướng - Thế nào hử? - Chú Phip vẫn bình thản tiếp tục công việc - Chú có nhớ không?
- Nhớ chứ? - Chú Phip xác nhận.
- Ba mươi đồng, cày một tác bừa hai tác - Lê nhắc lại hợp đồng, chú Phip gật đầu lia lịa - Bây giờ mới cày có nửa... - Lê giậm chân xuống đất cố ý khắc hoạ cụ thể để người nghe dễ tiếp thu, chú Phip cũng gật đầu lia lịa - Thế sao lại thôi?
Chú Phip chỉ tay ra phía bờ mương, chúng tôi nhìn theo. Từ đó nước xâm xấp tới mắt cá chân chừng nửa đám đất. Điều đó có gì lạ, hôm qua trời mưa, bờ chưa kín, nước tum dâng cao theo các lỗ mội mà vào. Có lẽ đất ướt khó cày. Vậy để ngày mai, nước rút cày tiếp. Nhưng sao lại đòi tiền? Sau một hồi đôi co, tôi mới hiểu ngày mai chú đưa bò đi cày nơi xa và chưa biết bao giờ về lại làng.
- Trả cho chú mười đồng! - Tôi nói, trở lại bờ mương nhưng đi chưa tới đã nghe Lê gọi giật lại.
- Ông ta không chịu mười đồng? - Lê phân bua và có ý bán cái cho tôi.
- Chú cày chưa tới nửa đám, đáng ra căn cứ theo hợp đồng chúng tôi chỉ trả năm đồng - Quay lại, tôi ôn tồn nói, chú Phip lắng nghe và gật đầu. Tưởng chú đã nhận ra phải trái, tôi cao giọng nói tiếp - Thế mà chúng tôi đã trả đến mười đồng, chú còn đòi gì nữa!
- Không phải của tôi chừng đó - Chú nói chắc nụi như búa bổ vào cây.
- Ba mươi đồng phải không? - Tôi mất bình tĩnh, nhưng chú Phip phẳng lặng, tỉnh táo gật đầu khẳng định một cách dứt khoát - Vì sao? - Tôi gắt trợn mắt nhìn chú.
- Tôi cày tới mớn nước, ướt chân bò không chịu đi - Tôi đưa mắt nhìn Lê, thử xcm anh có nghe thấy như tôi không - Bò không chịu đi chứ có phải tôi không chịu cày đâu! - Giật lấy tiền trong tay Lê, tôi ném vào mặt ông ta - Cầm lấy mà cút khỏi ngay! - Chú Phip cúi xuống, cẩn trọng nhặt từng tờ giấy bạc, chồng lại thành xếp chậm rãi đếm rồi cho vào túi. Khi giàn cày đã lên vai, trước khi lùa bò đi chú Phip không quên chào chúng tôi, mặt không lộ vẻ xấu hổ vì quá tham lam.
Chiều ấy trên đường về, tới ngõ làng chúng tôi gặp Paul Jar.
- Mày xem, thằng cha Phip bóc lột bọn tao? - Nghẹn thắt cổ họng, không nói nên lời, tôi đưa cao hai tay lên trời. Lê thay tôi tố cáo ông Phip gian ngoan, lì lợm, muối mặt đớp tiền cho bằng được.
- Thế chứ sao nữa! - Nghe xong, Paul Jar lên tiếng.
- Mày bảo thế ư? - Tôi điên tiết, muốn bổ một cuốc vào cái mặt đỏ rận của anh ta - Thằng cha Phip là thứ vô học, không biết lẽ phải, bọn tao phải nhịn thua. Còn mày - Tôi gí thẳng ngón tay vào mặt Paul Jar - Mày đã từng học trường Tây , đã từng làm hiệu trưởng trung học mà vẫn còn ngu!
- Không phải ngu? - Paul Jar đặt tay lên vai tôi - Nếu học trường nhà trời và làm bộ trưởng giáo dục, tao vẫn nói thế vì tao là thằng Bahnar.
Chúng tôi bức bối ra khỏi làng.
2.
Rồi chúng tôi cũng làm xong đám ruộng rau muống tuy có tốn thêm khoản tiền mà mỗi lần nhớ tới lại nghe đau. Nhờ trời, sau cơn mưa đầu mùa, rau xanh non như phẩm nhuộm. Lòng chúng tôi trở lại hân hoan chờ đợi thu hoạch. Trong đà phấn tấn ấy, chúng tôi rúc sâu vào làng, kiếm tìm mua phân.
Nhà nào cũng đòi bán bằng xe cộ, điều này khiến chúng tôi lúng túng.
- Bọn tao không có cộ - Khi vào nhà Dil - chỗ thân quen, tôi bạo dạn nói ngay - mày áng chừng chuồng bao nhiêu xe, chúng tao mua tất!
- Được thôi! Dil nói.
Sau một hồi mặc cả, Dil thoả thuận bán cho chúng tôi cả chuồng phân nhà anh với giá năm mươi đồng. Để ăn chắc, chúng tôi giao tiền tại chỗ, anh ta vào bếp lấy một khúc củi đang cháy trao cho chúng tôi thay vì biên nhận, kể từ ngày mai, chúng tôi có quyền ra phân.
Ba hôm sau, chúng tôi mới thuê đủ người và đưa vào làng. Chuồng bò nằm ngay dưới sàn nhà - Làm việc ở một nơi cấn cái chật hẹp như thế năng suất rất thấp vì phải cuốc cào lom khom, đứng thẳng thì đụng đầu, còng lưng thấp quá mau mỏi và khó thở vì đủ thứ mùi mốc khai do bò và người thải ra. Xế trưa, chúng tôi vẫn chưa xong được nửa chuồng, năm người mồ hôi vã ra như tắm, uống bao nhiêu nước cũng nghe khát. Làm việc đã không được thoải mái, lâu lâu, Dil từ trên sàn gỗ cuốn gập cổ
thòng mặt xuống soi mói như canh chừng chúng tôi xâm phạm cái gì.
- Thôi nha! - Lần này thòng mặt xuống, Dil nói vói theo.
- Mày bảo thôi là thôi làm sao? - Tôi hỏi lại. Nhưng Dil không trả lời, rút mặt lên. Tôi hất hàm ra hiệu cứ tiếp tục, riêng tôi, thay vì đốc thúc những người thuê mướn, tôi tăng tốc để họ noi theo.
- Đã nói thôi là thôi! - Dil lại thòng mặt xuống, cay cú gay gắt. Tôi chưa kịp nói gì, anh ta đã rút mặt lên. Tôi buông cuốc, ra khỏi chuồng, đứng nhìn lên nhà sàn.
- Dil, mày xuống đây! - Tôi gằn giọng. Dil ló mặt qua cửa, đám người nhà lố nhố sau lưng anh - Mày bảo tao thôi lấy phân phải không? - Dil chớp mắt, khẽ gật đầu - Tao có xin xỏ của mày đâu! Mua mà! Tao mua của mày cả chuồng và đã trả đủ tiền - Đợi cho Dil gật đầu, tôi nói tiếp - Vậy tao mới lấy có nửa, cớ sao mày bảo thôi?
- Tao cũng nghĩ như mày nhưng con tao bảo thôi - Dil nói rõ ràng từng lời tôi quyết chắc mình không nghe sai.
- Con mày chứ có phải cha mày đâu mà mày phải vâng lời? - Tôi gởi hết phẫn nộ theo nhưng chỉ còn ô cửa trống, Dil đã rút mặt vào. Tôi lao trở lại chuồng, hò hét anh em cào cuốc tới tấp như thách đố với toàn thể gia đình hắn. Chẳng có ai ra mặt chống đối. Tôi tập trung lắng nghe nhưng bên trên chẳng mảy may động tĩnh. Tưởng thế là ổn, nhưng chừng mươi lăm phút, Dil lại thòng mặt xuống.
- Đủ rồi, đừng lấy nữa! - Đôi mắt Dil mở to, đầy gân máu đau xót nhìn tôi.
- Muốn thế mày trả lại tao nửa tiền - Tôi thật bụng không muốn làm ăn với hắn nữa. Cũng như mấy lần trước, nói xong Dil rút mặt ngay, không muốn nghe. Tôi bảo người làm ngưng việc, thời gian còn lại tải phân đã lấy được xuống ủ vào chòi dựng tạm bên bờ ruộng rau muống.
Một mình tôi tìm đến nhà Paul Jar, những mong nhờ anh ta qua phân giải với Dil.
- Không như mày, hắn là thằng ít học - Tôi noi - Bằng chứng hắn ở lính mười lăm năm mà chỉ leo tới hạ sĩ và nằm đó đến bạc tóc - Paul Jar vừa nhen lửa đun nước vừa gật đầu - Do đó, hắn tối mặt vì tiền mà không biết cái lý đương nhiên trong việc mua bán. Hắn nhận của tao đủ cả, có đầu củi cháy dở làm vật chứng, nhưng chỉ chịu giao nửa chuồng! Lại giả bộ ù ù cạc cạc, đưa con ra để tấn bí tao. Mày là bậc đại trí thức - các già làng còn phải nể phục. Mày phải xuống tay khai hoá...
- Khai hoá ai? - Paul Jar ngắt lời tôi.
- Thằng Dil và gia đình hắn!
- Khai hoá mày thì có! - Tôi suýt đấm vào mặt Paul Jar nhưng anh ta vẫn bình tĩnh nói - Thằng Dil ở lính, bò nhà hắn ai chăn?
- Thằng Nhúm con Dil - Tôi nói ngay.
- Bò có ăn mới ỉa chớ - Lửa bừng cháy, Paul Jar đặt nồi lên bếp rồi nhìn vào mắt tôi - Ai làm ra của người đó có quyền bất luận cha hay con.
Tôi ngồi cúi mặt một lúc rồi bỏ về. Tao đã uống với thằng Dil bao nhiêu ghè rượu - Xuống lưng chừng thang độc mộc, tôi ngồi lại, ngoái lui nói với Paul Jar - Thế mà nay tao có cảm tưởng như chưa uống giọt nào.

3.
Rau tốt, chưa kịp bán, heo trong làng mò tới. Muốn ngăn chận nguy cơ này, tôi đã mua đứt mấy bụi tre gai và thuê người rào. Chiều nay nhân ngày chủ nhật tôi và Lê cùng lên thăm biền. Từ xa chúng tôi đã thấy cái lưng bò vàng rôm bên trong đám rau. Nó vào đằng nào mà ung dung tự tại xơi từng liếp đến ngon ơ! Tôi vượt lên trước leo qua hàng rào, con bò nghé chẳng hay. Nhẹ bước, tôi nắm lấy sợi dây mũi và ghịt nó vào một trụ lõi cà-chít. Sẵn gậy cầm tay, tôi phang tới tấp, con vật nhảy cẫng, té cả đái với mũi dãi nhưng không thoát được.
- Đất của người ta, làng của người ta - Sau lưng tôi, Lê la lối van xin – tôi lạy anh trăm lạy! Chúng nó thù, bọn ta chỉ có bỏ của mà về không!
Vẫn không nguôi giận, tôi mạnh tay hơn nữa. Bất ngờ, tôi phang trúng nhượng, con vật cất cao vó, bứt đứt sợi dây mũi. Tôi nạp theo. Nó đánh một phóc qua bờ rào. Tôi rượt tới, vượt qua suối, thốc vào làng. Qua khỏi hàng tre tôi chững lại, trước mắt một đám người đang chờ đón con vật thoát hiểm trở về. Thì ra, họ đã nghe ngóng và liên kết theo dõi tôi hành hung con vật ngay từ phút đầu. Tự dưng, tôi tiu nghỉu, lặng lẽ quay bước. Về tới biền rau, tôi mới nhận biết mình đã lỡ tay quá đà và bắt đầu lo sợ.
Suốt tuần tôi không dám vào làng, lúc làm lụng khi nghỉ ngơi, còn phải dè chừng. Chúng tôi bán lứa rau đầu tiên và thu lại gần nửa vốn, lòng khấp khởi mừng thầm. Lệ thường, thu hoạch xong phải làm cỏ rồi xuống phân ngay. Dạo này Lê hay đi công tác, công việc như khoán trắng cho tôi. Ở trường đang tổ chức thi học kỳ, tôi cũng không rảnh rỗi như trước. Tôi bắn tiếng gọi Ana Nhim - một học trò cũ ba năm về trước, ra làm cỏ giúp. Thuê mướn Nhim tôi có hai cái lợi - em đã quen với công việc nhà nông - đồng thời là người tôi có thể khai thác tin tức và truyền đạt lại những cảm nghĩ của tôi vào cộng đồng dân làng. Nhưng đã ba hôm, qua nhiều lần trao đổi với Ana Nhim, tôi không xác định được người ta nhìn tôi thế nào. Biết đâu hiềm thù đang lan toả ngấm ngầm, tới hồi bùng nổ thì hết phương cứu chữa! Ta nên làm êm dịu tình thế như xả xìu một chiếc bong bóng quá căng. Tôi thầm nghĩ và định bụng có dịp thì thực hiện ngay.
- Nhim này! - Tôi nói đang lúc nghỉ giữa buổi - Tháng trước con bò nhà ai trong làng vào ăn rau, giận quá thầy có lỡ tay đánh nó. Nhim ở trong làng, nếu người ta có quở trách, lựa lời mà nói giúp cho thì thầy cám ơn lắm.
- Thầy bảo sao em không hiểu? - Nhim nhìn tôi, cau mặt.
- Chuyện con bò ấy mà...
- Đáng kiếp! Nó chết rồi! Sao thầy không bắt thường chủ nó?
- Thế ư? - Tôi gượng cười.
- Cả làng ai cũng biết con bò đã vào bên trong bờ rào - Ana Nhim đứng dậy, nắm lấy trụ rào lắc mạnh như chứng minh độ bền của nó - Đã như thế này mà vẫn xâm phạm, phải thường chứ! - Nghe đến đó, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Từ hôm ấy, tôi mạnh dạn vào làng trở lại. Những người lớn gặp tôi vẫn chào hỏi vui vẻ, như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng lạ thay, bọn học trò cũ lại tránh mặt tôi.
- Nhim này! - Tuần sau, tôi lại hỏi - Chuyện con bò em nói thế có đáng tin không?
- Tại sao không?
- Vậy do đâu mà lũ học trò cứ tránh mặt thầy?
- Em biết mà khó nói lắm!
- Em không nói thầy sẽ không vào làng nữa?
- Là thế này - Ana Nhim ngập ngừng - Là thế này thôi. Chúng nó bảo nhau thấy thầy khổ mà không có cái cho nên xấu hổ.
Tôi vội quay mặt để Ana Nhim không thấy nước mắt trào qua khoé mi. Ngày ấy, ty sắc tộc đấu tranh với nhà trường cứ mỗi khối con em Bahnar phải được học riêng. Đến khi chia thời khoá biểu không thầy cô nào chịu giờ Việt văn các lớp ấy. Tôi xung phong nhận tất. Chỉ sau vài tuần, tôi hiểu vì sao các đồng nghiệp né tránh. Tiếng Việt đối với con em Bahnar là một ngoại ngữ. Từ chưa thạo đã bắt học văn, lại đòi cho thông! Tôi tự động mở ngoại khoá. Từ đó các em mới hiểu dược phần nào làn thu thuỷ là con mắt Thuý Kiều, trống tràng thành vì sao lung lay bóng nguyệt, thấm thía nỗi đau của Nguyễn Công Trứ kiếp sau xin chớ làm người...
- Bảo với chúng nó - Khi đã trấn tĩnh, tôi quay lại nói với Ana Nhim - Nhớ bảo với chúng nó đừng ngại, đứa nào rảnh rỗi ra đây thăm thầy!

4.
Tôi thường xuống biền rau vào buổi chiều. Bao giờ cũng dạo quanh một vòng để tâm xem có dấu vết trộm cắp, có đám nào bị sâu bọ hoặc phát triển bất bình thường. Sau đó, công việc tuỳ tiện do thực tế. Đến khi mặt trời sắp lặn thì về. Giờ giấc này, đám đàn bà con gái Bahnar từ bên kia tum cũng trở lại làng sau một ngày làm lụng. Cũng như tôi, họ cần tắm rửa trước khi về nhà. Ban đầu, tôi ngại sinh hoạt chung với họ ở zọt nước, đợi mãi tới tối, có bữa không thấy đường sá. Tôi nghĩ cách dứt việc sớm hơn mươi lăm phút, nhưng khi tôi đang ở zọt thì họ kéo tới Không lẽ bỏ chạy, tôi cố bình tâm. Còn họ, như không có chuyện gì bất thường. Có người chỉ gội đầu, có người chỉ rửa ráy chân tay. Nhưng đa phần họ tắm - tắm rất lâu và rất tự nhiên. Cởi áo, tốc váy, nói cười vui vẻ. Đàn bà Bahnar thích mùi hương và màu sắc tươi thắm. Cuộc sống khó khăn, họ vẫn không tiếc mua sắm nước hoa và xà phòng.
Một bữa, sắp sửa về, tôi giẫm gai, phải ngồi lại gốc bằng lăng nặn máu vết thương rồi kiếm lá cứt cò rịt vào. Đây là nơi tôi thường nghỉ ngơi, ăn trưa, đôi khi còn đụt mưa tránh nắng. Gặp buổi thừa công ít việc, tôi tựa lưng vào ụ mối thả hồn theo gió mây mà tạm quên cuộc sống đang nặng chịch gánh cơm áo... Bất chợt tôi nghe có tiếng động và quay lưng lại. Men theo lối mòn, một thanh niên cao to mang kính râm đen tiến về phía tôi. Ngay khi ấy, dưới kia, đám đàn bà con gái Bahnar đang sinh hoạt ở mấy zọt nước tuôn chạy táo tác tựa như một bầy gà bấn loạn gặp lúc ác điểu xuất hiện.
- Xin lỗi, anh có phải là Duy không? - Anh ta hỏi và dừng lại trước mặt tôi vẫn không tháo chiếc kính râm đen kịch cỡm trên khuôn mặt bành bạnh.
- Vâng, tôi đây - Tôi nói tai vẫn lắng nghe những âm thanh the thé réo gọi của đám dàn bà con gái dưới kia.
- Nghe anh có chiếc máy chữ xách tay định bán.
- Vâng - Tôi gật đầu, mời hắn cùng ngồi xuống gốc bằng lăng và bắt đầu thực hiện chuyện mua bán. Mấy năm nay, để củng cố cuộc sống gia đình, vợ chồng tôi đã phát mãi nhiều thứ. Nhưng khi tới cái máy chữ này phải khó khăn lắm tôi mới đồng thuận với vợ. Nhà tôi cũng biết đó là vật thân thương nhất đời tôi. Bán nó đi có lẽ tôi cáo chung luôn sự nghiệp viết lách! Do tôi lừng khừng như thế nhà tôi chẳng biết giá nào mà bán, nên mới chỉ đường cho anh ta gặp tôi. Giải quyết một vật dụng khăng khít không nên nhiều lời - nếu anh ta đôi co kỳ kèo có thể làm tôi đổi ý. Và chỉ mươi lăm phút là xong - tôi viết mấy chữ cho nhà tôi làm tin giao máy và nhận tiền.
Hắn đi ngay. Tôi lẩn thẩn xuống zọt. Vắng tanh! Nhưng những tấm váy, những chiếc áo, những cái gùi... đang còn treo móc dọc bờ suối. Tôi nhìn lên đường cái, một đàn bò thả ăn trong núi đang theo đuôi nhau trở lại chuồng. Tôi nhìn về phía làng, mấy con chó chạy nhông với lũ trẻ dưới gầm nhà rông. Khoảnh khắc tôi đang tìm xem đám người vừa gặp sự cố bất ổn chưa kịp tắm gội đang ở đâu thì họ từ bụi cây hốc đá chui ra.
Rắn ư? - Tôi hỏi rồi im ngay vì biết mình ngớ ngẩn. Tôi đã từng chứng kiến năm ba người đàn bà Bahnar vây bắt một con rắn dễ như bỡn. Không những họ không sợ mà còn tỏ vẻ thích thú.
- Không phải! - Một cô gái đang túm váy nói - Hắn đó!
- Hắn là ai? - Tôi hỏi.
- Cái thằng vừa tới gặp anh.
- Hắn cũng như mình thôi - Ý tôi muốn nói sao các cô không sợ tôi mà sợ hắn.
- Khác chứ! - Nhiều cô tiến lại gần tôi và nói cùng một lúc - Hắn giả bộ che mắt để nhìn chúng em. Thứ ấy không tốt! - Một cô đưa ngón tay vẽ hai vòng tròn trên mặt. Tôi cười khi hiểu được cô ta muốn diễn tả cái gì. Thì ra sống trong hoang dã, họ có mất đi nữ tính muôn thuở của loài người đâu! Cảnh giác cao độ cái xấu họ không chấp nhận giả dối. Tự nhiên là chân thật. Đã chân thật thì người không sợ người.
Chiều ấy, tôi trở về nhà muộn, trời đất âm u nhưng lòng thanh thản như được chiếu dọi bằng thứ ánh sáng lạ.

5.
Tôi không dám soi gương nhưng cũng biết mắt mình bệnh khá nặng. Vợ đi dạy, con đi học, một mình ở nhà chẳng biết cầu cứu ai! Tôi khoá các cửa, xe không có, cuốc bộ tìm tới quầy thuốc quốc doanh. Quãng đường chừng ba trăm mét. Ngược chiều mặt trời mọc, xốn xang đau nhức, vài ba bước tôi phải dừng lại cúi gập đầu lau nước mắt. Đến nơi, gặp lúc thưa khách, tôi rất mừng. Lại mừng hơn nữa, dưới thương hiệu, một tiêu đề đỏ rực Quầy hàng y dược phục vụ nhân dân.
- Làm ơn bán cho tôi ống pô-mát điểm mắt! Tôi nói với cô mậu địch viên xinh xắn nõn nà.
- Không có! - Cô ta nói như máy, mắt nhìn đâu đâu.
- Nó kia kìa! - Tôi dang tay chỉ hộp thuốc mang đúng nhãn hiệu bên trong tủ kính.
- Hàng mẫu, không giải quyết - Cô ta cúi xuống mặt báo, gật gật cái đầu lem
lép tóc hớt ngắn như đang tâm đắc với những gì đọc được. Tôi bối rối chưa biết ứng xử làm sao.
- Cứ căng mắt mà nhìn vào đó - vào ngay hàng mẫu ấy, tức khắc sẽ khỏi! - Có ai nói to phía sau lưng tôi, giọng thân quen, trầm mà ấm. Ban đầu tôi không hiểu anh ta nói gì. Nhưng vì ý tứ ngộ nghĩnh, một thoáng tập trung, tôi hiểu ngay tính cách trào lộng và quay lại.
- Michel Dir! - Tôi thân ái đấm vào lưng anh ta.
- Thầy còn nhớ em - Dir toét miệng cười để lộ hai cái răng cửa cùn tận nướu, ôm cứng lấy tôi, hôn một cái thật dài - Tôi vội đẩy Dir cách ly sợ lây nhiễm bệnh đau mắt sang anh ta - Bấy lâu em tưởng thầy đã về Huế - Sợ cô bé xinh xắn kia nghe chuyện riêng tư, tôi kéo Dir ra khỏi hiệu thuốc. Ngớ ngẩn một lúc, chẳng biết đi đâu, chúng tôi ngồi xuống lề đường, móc thuốc rê vấn hút.
- Mùa hè năm kia, thầy có nghe tin em đã tốt nghiệp và được bổ làm phó quận trưởng - Tôi nói - Tiếp đó, chế độ mới, xã hội mới, trăm thứ đổi thay, thầy chẳng biết em ở đâu mà lần!
Qua cơn mừng vui tái ngộ, mắt tôi lại nhức nhối hơn nữa. Chỉ vài hơi, chúng tôi chà nát luôn cả hai điếu thuốc. Mặc dầu Dir đã chụp cái mũ rơm của anh lên đầu tôi nhưng chẳng ngăn được ánh nắng xiên ngang. Chỉ kịp trao đổi mấy điều cần thiết, tôi cho anh ta địa chỉ, hẹn gặp lại rồi chia tay.
Tuần sau, Michel Dir đến nhà tôi, ban đêm. Bây giờ tôi có dịp nhìn rõ anh ta - đen, hơi lùn và gân guốc. Dir là một thanh niên Bahnar xấu trai nhưng anh có kiến thức vững vàng. Hồi nhỏ, Dir được chính quyền bấy giờ gởi ra Huế học. Vì thế anh là người Bahnar nói giọng Huế và rất am hiểu phong tục tập quán người Kinh. Thi rớt tú tài toàn phần, Dir quay về lại Kontum và tiếp tục học. Rồi anh thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh.
- Em là người không ăn mà phải chịu! - Thoạt nghe, tôi không hiểu Dir nói gì - Ngồi ghế phó quận chưa đầy ba tháng thì giải phóng, em đã lãnh đồng lương nào đâu? Thế mà phải đi cải tạo hai năm, lý lịch bị quy nguỵ quyền, thôn xã coi mình là thành phần bất hảo. Đói, muốn kiếm việc làm không cơ quan nào nhận. Gần hai mươi năm cầm viết, bây giờ muốn làm nông, cái cuốc cái cày không chịu ăn đất theo ý mình nữa. Còn buôn bán, thầy xem có người Bahnar nào mở được cái quán xép!
- Em hãy chọn học lấy một nghề thủ công - Tôi gợi ý - chẳng hạn như hớt tóc thợ mộc, thợ hồ, thợ may...
- Không được đâu! - Dir tuyệt vọng kêu to khiến tôi sửng sốt – Thầy tưởng dễ ư? Cách nay bảy trăm năm, với kinh tế lúa nước, người Kinh đã hoàn thành nền văn minh tiểu thủ công nghiệp. Từ đó, mới sản sinh Trần Quốc Tuấn viết Binh Thư Yếu Lược, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo, Lê Quí Đôn viết Vân Đài Loại Ngữ... Còn dân tộc Bahnar đang trong tình trạng nông nghiệp sơ khai - phát đốt chọt trìa, thay vì đào tạo bọn em trở thành những thợ lành nghề tiểu thủ để kiện toàn đời sống buôn bản, chính quyền ma mị móc cho chúng em tấm bằng đại học, sau khi tốt nghiệp em có cảm tưởng như đứng không khống giữa rừng! Hẫng một cái, em rơi xuống tận đáy - thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ!
- Thế bấy lâu em làm gì? - Sau một lúc im lặng, tôi hỏi.
- Cải tạo về em vào rừng kiếm sống - Michel Dir gắng gượng nói – Đụng đâu làm đó. Chợ cần đồ gói, em hái lá tà-bang. Người ta nuôi heo, em đẽo máng. Nhà vườn cần rào giậu, em chặt le... Những ngày lễ tết, em bán cả phong lan cho người chơi! Nhưng vẫn không đủ sống, mẹ cha chết rồi, em chỉ còn nuôi vợ và hai con. Năm ngoái, đi đãi vàng nhưng bọn đầu gấu từ Bắc vào khống chế ăn chặn, em phải bỏ về. Một lần lâm bệnh sốt rét, cứ tái đi tái lại, chữa mãi không dứt, sức khỏe em vì thế không còn như trước.
Nghe Dir kể chuyện, mỗi lúc một buồn, tôi chẳng có gì cho Dir ngoài việc chia sê mấy cái áo quần cũ. Mười giờ đêm, điện cúp, Dir xin phép về luôn. Tôi ngồi lại một mình trong bóng tối. Những hi vọng về người học trò vùng cao hoàn toàn tắt ngấm. .. Thế mà có một thời tôi đã bàn bạc với Dir sau này cùng viết một quyển sách có tên Bahnar Văn Hoá Sử Cương!
Chừng tháng sau, một buổi sáng Dir trở lại. Phải khi tôi đi vắng, Dir viết mấy chữ xin hẹn gặp. Ngay chiều ấy, Dir đến nhà tôi cùng với một người bạn cỡ tuổi anh ta.
- Mấy tuần nay, chắc thầy có nghe người ta họp hội và chưởi bới bọn Fulro dữ lắm phải không? - Tôi gật đầu xác nhận, Dir nói tiếp - Fulro không đến nỗi xấu như thế đâu?
- Vậy em cho nó tốt ư? - Dir không ngờ tôi bộc trực như thế, nháy mắt với người bạn cùng đi rồi ngồi im. Thái độ ấy đã mách bảo cho tôi cả hai anh này đang đồng tình phần nào với tổ chức ấy. Có lẽ đây là nỗi ưu tư bức bối khiến Dir khẩn thiết gặp tôi. Là người thầy, là người anh, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm và thẳng thắn trao đổi - Nó tốt - tạm chấp nhận như thế. Nhưng tốt thế nào?
- Fulro đấu tranh cho các dân tộc bị áp bức - Người bạn của Dir nói và Dir cùng gật đầu tán đồng.
- Ai áp bức ai? - Tôi cảm thấy nên lật tẩy. Cả hai đều ngồi lặng im, cúi mặt. Tôi biết họ không trả lời vì bí chứ không phải sợ. Giữa tôi và Dir chỉ có tương kính, chưa bao giờ có bạo lực khủng bố. Dir cũng thừa biết nếu có phát ngôn thế nào tôi cũng không làm cái việc đi tố cáo anh. Tẩy đã lật thi chơi ngửa bài, tôi ngẫm nghĩ một lúc rối nói lớn giọng - Những dân tộc mà người ta cho là bị áp bức ấy nghèo nàn lạc hậu từ bao giờ? Có phải từ xa xưa - cách nay cả ngàn năm. Những dân tộc ấy là những bộ tộc du canh du cư chưa bao giờ coi đất đai là lãnh thổ cố hữu, vậy bây giờ đấu tranh để làm gì?
- Thành lập nước Dega - Người bạn của Dir lại lên tiếng nhưng lần này Dir không gật đầu tán đồng.
- Nếu tôi không nhớ nhầm, kế hoạch thành lập nước Dega bao gồm vài ba dân tộc - Tôi cười - Rồi tới một ngày nào đó, từ trong Dega cũng tiếp tục đấu tranh chia ra các nước Ede, Djarai, Bahnar... nữa chứ? - Cả hai mặc nhiên chấp nhận nhưng trong ánh mắt có vẻ lo lắng - Việt ta có năm mươi tư dân tộc, theo cách đấu tranh này phải chia thành năm mươi tư nước mới thoả đáng! – Tôi lại cười to hơn nữa - Và toàn thể nhân loại, toàn thể thế giới cũng nên theo cách đó, vậy Tàu phải chia thành bao nhiêu nước, Mỹ phải chia thành bao nhiêu nước...
- Xin thầy đừng nói -nữa! - Dir vội
ngắt lời tôi - Chúng em hiểu rồi.

6.
Tứ bề vắng lặng, nhìn quanh chỉ còn những bóng đèn treo mắc thưa thớt ở mấy gốc cây chiếu sáng sân trường, tôi yên tâm về lều trung ương nghỉ ngơi.
- Thầy trại trưởng đã ngủ chưa? Tôi có việc khẩn trương cần trao đổi! - Ông hiệu trưởng bước vào, nói như ra lệnh. Đồng hồ đã chỉ mười một giờ đêm, tôi lừng khừng rồi cũng gắng gượng đứng dậy. Ông còn nhờ tôi trên đường đi, gọi chú bảo vệ lên mở cửa thư viện ở tận lầu ba.
- Giờ này mà ông ấy còn tra cứu gì nữa! - Chú bảo vệ vừa leo cầu thang vừa càu nhàu - Trong bóng tối nhợt nhạt được chiếu sáng từ xa, chúng tôi gặp ông hiệu trưởng đứng đợi ngay lối vào thư viện, vẻ phờ phạc nhưng không giấu nổi bộ tịch nôn nóng - Thưa thầy, cho gọi em? - Chú bảo vệ giả bộ ân cần.
- Vâng - Ông chỉ tay vào ổ khoá - Mở ngay! - Chú bảo vệ thoăn thoắt làm theo. Ông bươn vào bật đèn, nói vọng ra ngoài - Chú gọi gấp giáo viên chủ nhiệm lớp 11 E cho tôi? - Được dịp thoát, chú bảo vệ trở xuống tức thì. Ánh điện vừa chớp sáng, ông lao trở ra lại hành lang, nói vói theo - Gọi cả thầy giám thị cho luôn một thể?
Chẳng phải chờ lâu, những người ông hiệu trưởng cho mời đều lên tới. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn nhau, không ai hiểu chuyện gì, chỉ kiên nhẫn chờ đợi. Ông hiệu trưởng đích thân đóng chặt cửa rồi tự tay gom các ghế trong thư viện thành một vòng tròn.
- Tôi xin lỗi đã lạm dụng thời gian triệu tập bất thường các bạn vào giờ này - Đợi cho chúng tôi vào ghế yên ổn, ông bắt đầu nói - Sau hồi còi báo giờ ngủ cho toàn thể học sinh tham dự trại, tôi tản bộ xem xét vài nơi, tình cờ ngang qua khu trại của lớp 11 E, tôi phát hiện có tiếng cười của phái nữ. Quét đèn nhìn quanh, tôi chẳng thấy ai. Vậy tiếng cười ấy phải từ một trong các lều này phát ra.
Tôi lệnh cho toàn thể học sinh khu này phải rời khỏi lều. Chúng nhất loạt chống lại bằng cách giả vờ ngủ, buộc tôi phải tháo cửa từng cái một và lôi ra chừng mươi lăm nữ sinh Bahnar đang ngủ chung với bạn trai cùng lớp. Chủ trương của ta - sinh hoạt vui chơi chung nhưng tới giờ phải tách, nam ngủ ngay tại lều, nữ vào lớp mình - Vậy sao lại có cái cảnh hủ hoá này? Ai cho phép? Kể từ ngày mai, chúng ta biết ăn nói làm sao với sở, báo cáo thế nào với các uỷ ban và nhất là còn mặt mũi nào khi cả thị xã ầm ĩ đàm tiếu?
Mọi ánh mất đổ dồn về Siu Flack - giáo viên chủ nhiệm lớp 11 E. Nhưng cô ta bình thản như không có việc gì. Thái độ ấy khiến ông hiệu trưởng càng thêm bức bối, đứng ngồi không yên.
Thưa thầy hiệu trưởng, thưa các thầy cô - Thầy giám thị phát biểu - Cách đầy đúng nửa giờ, tôi đã đến kiểm tra các phòng ngủ nữ, không có việc gì đáng tiếc...
- Thầy có điểm danh không? - Ông hiệu trưởng gạn hỏi, thầy giám thị ngồi im tự nhận thiếu sót.
Thiếu sót ấy vẫn chưa phải là nguyên nhân đưa đến tệ trạng này – Tôi thầm nghĩ và đưa mắt thăm dò Siu Flack. Cô ta vẫn ngồi thẳng, áo quần jin dã ngoại bó sát một thân thể săn dòn. Ngoại hình của Flack làm ta ưa nhìn và gợi lên nỗi khao khát trai trẻ năng động. Cô ta nguyên là học sinh trung học của trường này, năm năm sau trở về làm giáo viên sinh vật, hai học kỳ liên tiếp được xếp hạng tiên tiến. Từ trường đến sở gởi gắm khá nhiều hy vọng và tập trung bồi dưỡng để cô ta sớm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo. Siu Flack biết điều đó nhưng không phấn đấu như bao người khác, chỉ tiếp tục thể hiện những phẩm chất như đã có... Ông hiệu trưởng châm thuốc hút, rít một hơi, rời khỏi ghế, đi đi lại lại trước mặt chúng tôi.
- Đề nghị bí thư đoàn trường kiêm trại trưởng có ý kiến! - Bất chợt ông dừng lại.
- Với tư cách điều hành chung - Tôi từ tốn nói, nhưng vì mệt mỏi mấy hôm nay và mất ngủ, giọng cứ làn lạt thế nào - tôi cảm thấy không có khuyết điểm nào đáng kể, chương trình sinh hoạt diễn tiến đúng kế hoạch...
- Thế kỷ luật trại? - ông hiệu trưởng ngắt lời tôi.
- Một tuần trước, tôi đã phổ biến bản nội quy đến các giáo viên chủ nhiệm với yêu cầu cho học sinh học tập thảo luận, tài liệu này được in rô-nê-ô đủ số lượng. Tôi tin những gì mình nói nhưng ánh mắt của ông hiệu trưởng vẫn không hết ngờ vực, có lẽ ông ta vẫn còn để bụng những gì tôi phát biểu tháng trước trong phiên họp trù bị tổ chức cắm trại chào mừng ngày thành lập đoàn thanh niên. Tôi đề xuất năm nay không cắm trại trong vườn trường nữa, chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã hoà bình, phải đưa học sinh đến với thiên nhiên, hoà nhập với núi rừng, với trời cao đất rộng... Nghe tới đó, ông hiệu trưởng phản bác viện dẫn lý do mặt đất - đặc biệt đất ven đô, đang đầy rẫy bom mìn. Tôi cương quyết bảo vệ ý kiến mình. Tôi nói sinh hoạt trại trong vườn trường – có nghĩa là trong đô thị, không đáp ứng mục đích và nhu cầu của tuổi thanh thiếu niên và rất khó quản lý trại sinh do những tiện nghi phố xá, chợ búa, gia đình...chi phối. Nhưng không ai muốn vui đùa trên một bãi mìn chưa tháo gỡ - dẫu là tưởng tượng cho nên toàn thể giáo viên đều nghiêng về ý kiến của hiệu trưởng. Và họ nhìn tôi miễn cưỡng cầm quyền trại trưởng!
- Đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp 11 E phát biểu! - Có lẽ đây là phát nổ cuối cùng của ông hiệu trưởng nhưng Siu Flack không chuẩn bị. Tôi thấy cô giật thót rồi ngước mắt nhìn lên.
- Em ư? - Cô khẽ hỏi - Em cảm thấy không có gì nghiêm trọng tới nỗi phải cuống quít họp hội bí mật thế này! Bình thường thôi!
- Bình thường hử? - Ông gắt.
- Vâng ạ! - Siu Flack mỉn cười. Tôi có cảm tưởng cô vừa ra khỏi giấc ngủ - Thầy hãy vào sâu trong làng chúng em mà tìm hiểu, có đêm nào chúng nó không ngủ chung với nhau ở nhà rông.
- Tôi thật sự không hiểu cô nói gì! - Ông hiệu trưởng giận dữ giậm chân xuống sàn nhà. Thầy giám thị xoay người, chỉnh cặp kính cận nhìn Siu Flack như vật lạ.
- Thầy không hiểu em nhưng em thì thật sự hiểu thầy - Cô lại mỉm cười, chớp đôi mắt to đen nhánh - Người con gái Kinh mỗi khi cho bạn trai một ngón tay có nghĩa là sẵn sàng trao tất cả. Còn người con gái Bahnar chúng em, sẵn sàng cho người khác phái tất cả nhưng rút lại vẫn chưa trao một ngón tay nào. Thầy không tin ư? Đêm nay em sẽ ngủ với thầy.
Thi hào Nguyễn Du vẽ nên hình tượng Từ Hải chết đứng giữa trận tiền, hơn hai trăm năm sau không biết bao nhiêu người nghi ngờ. Còn tôi, đêm nay tôi chứng kiến và không mảy may nghi ngờ ông hiệu trưởng trường tôi - một người rất mực nghiêm túc, tự hào được trang bị nền học thuật Khổng Mạnh từ đầu đến chân, chết đứng giữa thư viện. Ông trúng thương như thể vì tin Siu Flack đã nói là làm. Cũng may, ông chẳng chịu chết lâu. Chỉ một phút sau, ông trấn tĩnh ngay.
- Hôm nay tôi bắt đầu đi học lại! - Ông nói rồi mở vội hai cánh cửa, bước thật nhanh như thoát hiểm, chúng tôi chậm rãi xuống theo.
Một thời các giáo sĩ ngoại quốc nuôi tham vọng cắm thánh giá lên đất này, rao truyền văn minh phương tây mong muốn xoá bỏ những phong tục tập quán của người bản địa mà các ngài cho là kém văn minh nhưng bất thành.Văn minh có cao thấp nhưng văn hoá chỉ khác nhau. Không có gì phi văn hoá bằng cách lấy một nền văn hoá thay cho một nền văn hoá - Đi bên Siu Flack, tôi bắt đầu nghĩ như thế.
Kontum, 2002
T.D.P

(nguồn: TCSH số 166 - 12 - 2002)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Ngày bình yên (08/09/2008)
Vàng ơi! (04/09/2008)
Điểm Bốn (03/09/2008)
Chim Gõ Kiến (03/09/2008)
Dì Ty (29/08/2008)