Truyện ngắn
Ngày đi lạc
09:42 | 02/10/2008
QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

Tôi kéo nó áp sát thành cầu tránh xe đạp phía sau. Nhìn lại chẳng thấy chiếc xe nào cả, chỉ vài người đi bộ. Tất cả xe đều đi dưới lòng cầu, kể cả xe đạp. Cảnh sát giao thông hôm nay đi đâu vậy cà? Thường xe đạp đi lối riêng, sát lối bộ hành. Tôi nhìn xuống sông. Nước sông đục ngầu. Không xanh, không trong là không phải sông Hương rồi. Hai nữ sinh tóc thề, đồng phục trắng ôm cặp đi trước. Tôi ư ử: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ...
- Cậu có im đi không? Đi với cậu thiệt ốt dột!
- Sông Hương mô rồi? - Tôi hỏi thằng Tí.
- Đó tề! - Hắn chỉ xuống dòng nước đùng đục.
- Rivière des parfumes kia!(*) - Tôi la to rồi hát: Một dòng sông xanh xanh... Một dòng sông thơm ngát...
- Cậu có im không? Mấy chị nớ cười tề!

Tôi vượt lên hai o nữ sinh Đồng Khánh đang ngoái nhìn tôi. Mau lên. Đôi khi gặp Thư cũng có. Giờ này nàng đi học đây. Tí theo sau, làu bàu:
- Giá ngoại cho cháu đi chơi một mình không dắt theo cậu...
Xuống hết cầu, tôi chạy ào qua đường. Thằng Tí chạy theo. Mấy người đi đường nhìn ông đầu to chạy trước, thằng đầu nhỏ chạy sau, cười. Tôi nhìn cái khách sạn màu hồng diễm lệ. Ủa, mô ra đây? Tôi chạy qua bên hông, nơi có cánh cửa nhỏ mở vào thư viện Văn Khoa. Vẫn thấy màu hồng của khách sạn. Tôi bảo thằng Tí:
- Tau vào giảng đường nghe cha Lan giảng bài!
- Cậu điên thật! Đây là khách sạn ai mà giảng bài.
Tôi đi dọc theo mái hiên. Đúng là Morin mà! Tôi nhìn vào cửa kính. Phòng thí nghiệm của trường Đại học Khoa Học sao không thấy dụng cụ thí nghiệm, chỉ thấy mấy cô đẹp đẽ trẻ măng? 
- Đi cậu! Chỗ đó toàn Tây ở không à! Họ bắt đấy!

Thằng Tí kéo tay tôi dắt đi. Tôi ngoái nhìn cái công viên nhỏ trước trường Văn Khoa, nơi tôi và Thư, hai đứa trẻ đôi mươi vào chơi tuột cầu.
Tôi ngồi cạnh Thư bên cửa sổ giảng đường Văn Khoa nhìn xuống hàng cây muối. Bao giờ tôi cũng ngồi cạnh nàng. Nàng không ghi bài, chống cằm say sưa nhìn cha Lan  thao thao bất tuyệt môn Thẩm mỹ văn chương. Cục yết hầu chạy lên chạy xuống và đôi tay có những ngón dài thanh mảnh như tay nghệ sĩ dương cầm đang phù phép Thư. Nàng bảo nàng mê cha giảng bài. Có gì lôi cuốn tợn. Giá cha không phải là linh mục...
 Tôi rủ: “Lấy cours rồi. Chuồn không? Xuống công viên ngồi đu thăng bằng như hai đứa trẻ kia kìa. Dám không?”. “Hết giờ cha Lan đã” - Nàng bảo.
Nàng một đầu. Tôi một đầu. Nàng xuống. Tôi lên. Tôi lên. Nàng xuống. Gió tung tà áo lụa và mái tóc dài của nàng đẹp đến chảy nước mắt...
- Cậu vào công viên đó mần chi?  
- Tau vào tuột cầu.
Thằng Tí lắc đầu kéo tôi ra:
- Giành chơi của con nít, chúng ném đá bể đầu!
- Rứa tau lên thư viện đọc sách...
- Họ không cho cậu mượn sách mô!
- Tau có thẻ sinh viên mà!
Bên kia đường trái banh vụt qua vụt lại. Thằng Tí ngẩn ngơ trông theo. Bàn tay nó thả lỏng tay tôi:
- Thôi cậu vào thư viện đi! Nhớ đừng đi mô nghe! Cậu đi lạc, ngoại đánh cháu chết. Cháu qua bên nớ coi đánh tennis một chút.

Tôi bước lên những bậc thềm cao. Có tiếng xì xào: “Phước điên tề! Điên nhưng đọc sách tiếng Anh, tiếng Pháp được hết:”. Tôi lại hộc đựng phiếu. Hộc kẹt cứng. Tôi giật mạnh. Cái hộc rớt ra ngoài. Có tiếng la: “Lôi ông ta ra!”. Một người nào đó xốc nách tôi lôi xềnh xệch ra cửa. “Ra. Đồ điên!” - “Tôi muốn đọc. Tôi có thẻ!” - Tôi trì người hét lên nhưng ông ta cứ kéo bừa đẩy tôi đẩy ra đường. Tôi ngẩng lên nhìn cái bảng: Thư viện trường Đại học tổng hợp Huế. Đầu tôi sao đau thế này!
Dưới sân thư viện có khoảng vài chục sinh viên. Ngoài đường Lê Lợi cảnh sát dã chiến vây quanh. Một trung úy chỉ huy tay cầm quả lựu đạn khói hô to: “Yêu cầu các anh giải tán. Tôi đếm một đến mười, không giải tán chúng tôi dùng vũ lực”.
Khoa đứng trên bậc thềm vừa đọc xong bản tuyên ngôn của sinh viên đang hô to khẩu hiệu. Tên trung úy ném ngay quả lựu đạn khói vào anh nhưng lại trúng đầu tôi. Khói mù mịt, cay xè. Chúng tôi chạy luồn ra cổng sau thư viện, chạy về đường Trương Định, tạt vào một con hẻm nhỏ...

Tôi đi về phía bệnh viện. Con đường có hai hàng cây long não đẹp lạ lùng. Thư bảo chúng hôn nhau. Tôi men theo rào bệnh viện. Hai tay buông thõng. Đầu gục xuống. Tôi bắt đầu khóc ư ử. Nhiều người đi ngược chiều nhìn tôi.
Khoa ôm khẩu AK chạy dọc đường Ngô Quyền. Tôi chạy theo. Khoa chạy vào sân khoa Tai Mũi Họng. Một quả súng cối dội tức cả ngực tôi. Khi tôi đến... đầu Khoa gối lên bậc thềm.
Tôi đi về phía chỗ Khoa nằm. Bệnh nhân đang chờ khám rất đông. Chỗ Khoa gối đầu lên, một đứa bé đang đứng. Tôi thấy rõ vệt máu của Khoa dưới chân em. Tôi òa khóc. Có người bảo: “Ông ta điên” - Tôi khóc to hơn. Tôi thấy Khoa nằm đó, đầu vỡ nát. Một người có khuôn mặt quen quen bảo: “Mạ mi tìm sáng chừ… Về đi!” - “Không. Tui đi đón Thư. Thư ơi!” - Tôi gọi và chạy về phía trường Đồng Khánh .

Tụi con gái đang thi chạy. Cô bé nhỏ nhắn, tóc dài, gương mặt dễ thương chạy nhanh nhất. Giò nàng dài, thân nàng mảnh, gió cuốn nàng như chiếc lá. Tụi học sinh trường Quốc Học ngồi trên bờ tường hoan hô nàng kịch liệt. Nàng về đích trước nhất và hất mặt nhìn chúng tôi. Tôi nhìn màu chỉ thêu bảng tên nàng. Màu hồng. Đệ nhị. Đi theo nàng thật mệt. Phải luyện chạy để đua với lũ mắc dịch theo nàng. 
Tôi tăng tốc. Học trò đang tan học. Trường Đồng Khánh sao hôm nay có lũ con trai vậy hè? Một thằng đập cái cặp vào lưng tôi. Tôi hỏi: “Lớp nhị C1 về chưa?”. Chúng phá lên cười.
Tôi chờ Thư bên đường, chỗ có hồ phun nước. Bông hoa súng tím duy nhất vươn lên mặt hồ đẹp khôn tả. Thư đòi: “Hái cho em đi!” - “Cho nó sống hết đời hoa. Vô tay em là tàn”. - “Kệ. Hái cho em đi! Ở trong nước nó cũng  tàn. Anh là chúa lôi thôi!”.

Học trò đã về hết. Không có Thư của tôi. Tôi rảo bước về phía ga. Đi qua trường Luật thấy mấy dây phơi quần áo. Mấy đứa con nít chơi bắn bi bên vệ đường vây quanh tôi bảo tôi hát. Tôi hát: “Xưa theo Ngọ về mái tóc Ngọ dài. Hôm nay đường này cây cao hàng gầy đi quanh tìm hoài ai mang bụi đỏ đi rồi...”
Tôi vừa hát vừa đi về phía Nam Giao. Một khúc đuôi đi theo tôi. Thấy một đám tang tôi ngừng hát giở mũ chào. Tụi con nít cười phá lên: “Đúng là điên!”. Tôi chạy lên dốc Nam Giao. Tôi đã chạy theo đồng đội hướng này bỏ Thư và thành phố lại sau lưng.
Tôi lại chạy. Thư ơi! Thư ơi!
- Cậu ơi! Đừng chạy nữa. Trời ơi, tìm cậu muốn chết!
Tiếng thằng Tí sau lưng tôi. Tôi đứng đợi cái bóng đen đủi, loắt choắt của đứa cháu. Nó nắm chặt tay tôi, vừa nói vừa thở:
- Tìm cậu gần rục cẳng. Đã dặn ở yên trong thư viện. Lớn rồi mà nói không nghe. May mà mấy đứa con nít chỉ lên hướng ni. Cháu có về nhà nhưng không dám vô. Tìm không thấy cậu chết với ngoại! Mà chừ cậu còn đi mô nữa?
- Tau đi tìm cô Thư. Nhà cô trên dốc!
- Trời ơi! Cô Thư và chồng đi Mỹ lâu rồi. Cô có gửi ảnh mấy năm trước cậu quên rồi à? Về cho rồi, đói bụng quá! Cậu đói không?
- Đói. - Tôi ôm bụng nhăn mặt.

Từ hôm đi lạc một ngày, bệnh ông Phước có phần nặng. Cứ lảm nhảm. Gia đình gửi ông vào khoa tâm thần bệnh viện Huế. Có một ông bác sĩ trẻ oái oăm bắt ông viết trên giấy chuyện ngày đi lạc. Đoạn viết trên đây là của ông Phước. Ông bác sĩ ấy đọc xong bảo ông Phước không điên. Nhưng các bác sĩ khác không đồng ý. Ai mà không biết Phước điên!
Kết luận cuối cùng ở bệnh án:
Trần văn Phước, sinh năm 1946
Hội chứng tâm thần
Điều trị: Thuốc an thần,  quản lý tại gia
Nhiều năm sau, không ai thấy Phước điên lang thang trên đường phố Huế nữa.
Q.H
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)
--------------------
(*) Sông Thơm - tiếng Pháp.

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
A-One (16/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Các bài đã đăng
Mái chuồng gà (17/09/2008)
Kịch độc (15/09/2008)
Về làng (11/09/2008)
Bahnar (09/09/2008)