Truyện ngắn
Gã sửa xe bên giàn bông giấy
08:53 | 22/10/2008
LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

Hôm nay phải ở nhà một mình, Hoàng cảm thấy sờ sợ, ngoài tiếng mưa mọi sự yên lặng đến lạ lùng; cô như nhận rõ được hai thế giới: Sự cuồng liệt của cơn mưa bên ngoài, sự vắng lặng của căn nhà bên trong - có cô; không có tiếng đùa nghịch của hai cậu em trai và tiếng la mắng, gắt gỏng của chị Giang; tiếng giải hòa của mẹ... Mọi hôm, giờ này, nhà cô đã tề tựu đông đủ dưới bếp để chuẩn bị bữa cơm tối. Hai thằng nhóc Công và Vinh vẫn đem sách vở, hoặc truyện, hoặc một món đồ chơi gì đó xuống giăng trên bàn ăn; để tranh cãi nhau về nội dung cốt truyện; hoặc đừa đẩy đồ chơi, hoặc kéo chị Giang vào ngồi giảng bài văn, bài toán nào đó... nếu bài vở chúng chưa chu tất. Còn mẹ thì vừa loay hoay nấu nướng vừa trò chuyện, giải đáp thắc mắc với cả bốn đứa con; mỗi đứa mỗi kiểu, mỗi chuyện. Như Hoàng thì thích giúp mẹ nấu ăn, thủ thỉ chuyện bạn bè trong trường lớp; chị Giang kiêu hãnh nói về những thành tích đạt được... Nhưng hôm nay mọi người đã kéo nhau về nhà nội làm giỗ; chỉ mỗi mình Hoàng vì phải đi học buổi chiều; tối lại phải đi học thêm nữa, nên đành ở nhà một mình - cơn mưa chợt ngớt đi thật nhanh, tiếng mưa vãi trên mái tôn dứt bặt, nước chưa kịp rút hết, mặt đường ngập lênh láng như một dòng sông. Giờ này đạp xe ra khỏi nhà, thật chán!
Hoàng lần xuống bếp bật đèn, cái bóng điện bị ẩm nhá chớp liên hồi ba bốn cái liền mới chịu sáng. Khung bếp hôm nay màu men như cũng xạm hơn, cả cái nồi cơm điện mẹ đã cắm sẵn cũng âm âm như không nóng. Hoàng bới cơm, nhấm nhá một khúc cá kho. Mưa thôi rơi trời lại trở giá, những càng cây bên hông nhà sà xuống quét ngang mái kêu loạt xoạt làm cô rợn người, lâu lâu vài hạt nước lớn đọng trên cao rơi bộp bộp như có người nhảy trên ấy, Hoàng cứ giật mình thon thót. Cái nhà hôm nay sao mà rộng quá, chả bù với mọi hôm khi rượt đuổi hai cậu em cứ va chạm, vướng víu bàn ghế để chúng thoát vuột khỏi tay. Cô chạnh lòng nhớ sự đông vui đầm ấm, so sánh sự trống vắng cô đơn càng cảm thấy yêu quý cha mẹ, chị em mình.

Bố Hoàng đi làm xa, mỗi tháng mới về đôi ngày, có khi cả tháng trời vắng mặt. Bà Du - mẹ Hoàng thay mặt chồng trông nom con cái, đảm đương nhà cửa, bà là người phụ nữ vị tha, nhu mì nhưng thẳng thắn. Mỗi đứa con pha trộn cá tính của hai bố mẹ: Chị Giang giống bố thông minh, năng nổ nóng nảy, hiếu động. Hoàng hiền lành giống mẹ, nhẹ nhàng, liếng thoắng ham mê khám phám, tìm tòi học hỏi. Công lanh lợi, tháo vát nhưng lười biếng ham ngủ; còn út Vinh thì nhũng nhiễu, nghịch ngợm, cả hai anh em trai đều phá phách và sợ ma. Út gái là Hoàng được xem là ý tứ, kỹ lưỡng nhất trong bốn chị em.

Hoàng rửa chiếc bát ăn cơm úp vào tủ chạn, nhìn đồng hồ đã sáu giờ ba mươi, tối cô còn phải học Hóa suất bảy giờ đến tám giờ ba mươi. Cô giáo dạy Hóa của Hoàng còn độc thân, giảng dạy bài vở chu đáo nhiệt tình và cực kỳ nguyên tắc, học trò học thêm hay học chính thức cũng đều phải đến đúng giờ thật nghiêm túc. Hoàng nhẩm lại các công thức nơi cánh cửa bên hông nhà bếp thõng ra đường hẻm cứu hỏa chung của xóm. Cô chợt giật mình lùi một bước, nhìn chăm chăm vào cái bóng đen một người đội mũ sụp, cái bóng bắt ánh đèn đường phố mới thắp lên ngả vào bức tường trong bếp nhà cô. Cái bóng thụt lui rất nhanh, rời cánh cửa. Hoàng đi như chạy lên phòng khách, có lẽ là một bộ hành nào đó trú mưa (!?). Nhưng sao lại trú mưa sau đường hẻm? Những ngôi nhà mặt đường chính đều có mái che hoặc lan can lầu đưa ra, đều có thể trú tạm cơn mưa tạt... Hoàng đứng một lát, hít thở điều hòa cho nhịp tim bình thường lại. Cô tự trấn tĩnh mình, rồi đi xem xét kỹ lưỡng mọi ổ khóa quan trọng trong nhà, cô yên tâm, dắt xe ra, khóa cửa rồi khóa cổng cẩn thận. Hoàng đứng sững trước khuôn mặt đàn ông mờ mịt trong đêm với bộ râu quai nón và bóng tối, ông ta đứng ép mình bên bụi cây hoa giấy góc nhà, cạnh ngã tư đường. Người đàn ông cao lớn và luộm thuộm ấy hướng đôi mắt đen thẳm nhìn cô đăm đăm. Hoàng phóc lên xe chạy như ma đuổi.
Bữa cơm gia đình sôi nổi câu chuyện về người đàn ông bí ẩn của Hoàng.

Chị Giang quơ đôi đũa trong không gian, mơ màng nói giọng diễn viên:
- “Đó là một chàng trai... râu tóc phủ dài vì quá tương tư, chờ đợi!...”
Thằng Công tiếp theo liền:
- “Mắt đăm đăm đầy thương nhớ, lòng thống khổ gọi: Hoàng ơi! Sao em nỡ...ơ...từng...tưng...tưng...”.
Hoàng tức tối dí trán thằng út Vinh đang nhảy nhổm, vỗ bàn, vỗ tay tán thưởng câu cải lương thằng anh Công vừa xuống giọng. Mẹ cười điềm đạm:
- Khu phố nhà mình lâu nay rất an ninh, các con cảnh giác thì cũng tốt thôi. Bé Hoàng chắc ở nhà một mình sợ quá nên tưởng tượng đấy! Thôi ăn cơm đi.
 Câu chuyện xoay qua đề tài công việc làm ăn của bố, Hoàng vẫn ấm ức, mẹ cũng cho là cô tưởng tượng, chuyện rõ rành rành như hai năm là mười đã xảy ra với cô vậy mà chỉ nhận được sự trêu ghẹo của mọi người. Nhà hôm nay có bố về, ông ít nói, hay tủm tỉm cười ngắm vợ con, bố chỉ vỗ khẽ lên đầu Hoàng, im lặng.

Cuộc sống trôi qua, mọi người kể cả Hoàng gần như đã quên bẵng chuyện người đàn ông đầy râu tóc rình rập nhà mình. Bỗng dưng con người huyền hoặc ấy xuất hiện, bằng xương, bằng thịt, đứng ngay trước cổng nhà họ. Bà Du sững sờ nhìn hắn, bà nhận ra con gái bà kể rất đúng. Gã đàn ông cất giọng:
- Xin cô làm ơn cho miếng nước.
Gã chìa cái thau nhôm cáu bẩn, đôi bàn tay lem luốc dầu nhớt:
- Cháu sửa xe ngoài kia...
Bà Du chỉ vòi nước ở góc sân, lẳng lặng quan sát, anh ta cao lòng khòng, khoác ngoài bộ vét lớn đã cũ mèm, sờn rách, tóc đen xoăn xuýt dính liền hàm râu quai nón, bộ dạng buồn rầu thảm não, không có vẻ hung hãn như hạng côn đồ, cặp mắt gã u uẩn, chất chứa như mang nặng nỗi niềm. Bà Du đóng cổng còn bắt gặp cái nhìn gã ngóng vào bên trong nhà bà.
Gã đàn ông sửa xe vừa mới đến đóng đô ngoài góc đường, ngay dưới giàn bông hoa giấy nhà Hoàng, có điều gì cứ làm cho cả nhà cô không yên ổn. Từ hôm bà Du trịnh trọng loan báo những điều bé Hoàng đã kể cho cả nhà nghe là chính xác, hoàn toàn đúng. Hoàng có phần đắc ý về uy tín của mình được nâng cao, xong cô lại canh cánh lo sợ, sợ một sự bất an nào đó sẽ đến cho gia đình. Cô hình dung ra nhiều tình huống, cách phòng chống, tự vệ thế nào nếu như không may xảy đến... Mẹ Hoàng và các chị em thường bàn bạc với nhau về nỗi sợ người đàn ông sửa xe đó.

Chị Giang bảo:
- Hay là đi báo công an?
- Không được rồi, nếu đó là người nghèo khổ kiếm sống, mình báo công an hay đô thị đuổi họ đi thì mang tội. Vả lại chưa có biểu hiện gì là tội phạm...
Út Vinh nhanh miệng:
- Mẹ à, ổng vá xe giỏi lắm, toàn vá cho học sinh, giảm phần trăm không à. Có lần bạn con quên mang tiền, ổng vá cho luôn...
Người đàn ông ấy tốt hay xấu? Chưa biết được, nhưng vẫn là một ám ảnh, lo sợ của cả nhà Hoàng; bởi ông ta vẫn thường xin nước vá xe, vẫn thường ngóng nhìn vào bên trong nhà họ bằng đôi mắt u buồn, khó hiểu.
Sự cảnh giác lâu ngày cũng phai dần, mọi người trong nhà Hoàng và các nhà hàng xóm thôi xét nét, dòm ngó đến gã sửa xe, xem như họ đã chấp nhận sự có mặt của gã. Gã cũng tỏ ra đàng hoàng và tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ công việc gì nếu có ai nhờ vả. Bà Du thỉnh thoảng nhờ gã chặt giúp những cành cây gai mọc tua tủa đâm ngang đường đi hoặc buộc lại cái ống nước cao su vỡ. Gã sửa xe đánh dấu “cơ sở” bằng cái càng xe đạp mục cắm ngược vào một gốc cây vắt ngang cái vỏ xe, đủ để mọi người biết là chỗ vá ruột, bơm xe. Dụng cụ của gã chỉ có cái hòm gỗ đựng linh tinh các thứ kềm, búa, cờ lê, ốc vít... một cái bơm tay và chiếc chiếu cũ. Những buổi trưa, vắng khách, gã buông vài câu hát: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu...” hoặc “Hà Nội ơi! Giờ biết ra sao bây giờ... ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa...”.

Cu Vinh thường nhận xét:
- Ổng thuộc có mấy câu dzậy à!...  Nhạc đứt!
Còn Hoàng thì cảm nhận trong giọng hát của gã mang nỗi u trầm, sâu thẳm. Giọng gã khá truyền cảm, cô nghĩ con người này có tâm sự bí ẩn gì đây.
Buổi trưa hôm nay trời oi bức, cái nắng vàng ệnh như màu nghệ, trời không một gợn gió, cây lá lặng yên. Trong nhà Hoàng, tất cả quạt tường, quạt trần đều quay hết năng suất, ở dưới bếp còn phải tăng cường thêm hai cái quạt đứng nữa, hơi nóng và mùi xào nấu bay lên hâm hấp. Hôm nay là ngày giỗ của ông ngoại Hoàng, có gia đình cậu mợ Hòa và hai đứa con họ ở Quy Nhơn vào từ hôm qua. Mẹ Hoàng và cậu Hòa là hai chị em ruột, thời xưa bà ngoại mất sớm, ông ngoại thường buôn bán xa nhà, mẹ Hoàng đã chăm lo săn sóc cho cậu Hòa từ hồi cậu còn bé. Cậu Hòa và bà Du mẹ Hoàng rất thương yêu quý trọng nhau, vào những dịp cúng giỗ trong năm, cậu Hòa đều đưa gia đình vào thăm chị. Hoàng được phân công sắp sửa bàn thờ. Bông trái và hoa quả được bày biện tươm tất. Chị Giang, cậu mợ Hòa và hai đứa nhỏ cùng Công và Vinh xúm xít dưới bếp. Hoàng giữ nhiệm vụ canh giữ mèo và đón nhận những dĩa thức ăn được chuyển lên bàn.

Mang chiếc khay trống trả xuống bếp, vừa quay lên chợt cô thấy bóng người - gã sửa xe đứng sừng sững trước bàn thờ nhà cô, gã thoắt xoay lưng chạy ra cửa, phản ứng của Hoàng nhanh hơn, cô nắm được vạt áo lùm xùm của gã, quát lên:
- Đứng lại! Vào nhà tôi làm gì?
Nghe tiếng la của Hoàng, mọi người ở nhà dưới chạy lên. Hoàng đứng dang tay chặn đường, buộc gã sửa xe thụt lùi vào giữa. Bà Du, ông bà Hòa, cả nhà ùa đến xung quanh. Nghe tiếng la, những người hàng xóm cũng chạy vào xem chuyện gì (?). Có tiếng lao xao hỏi:
- Ăn trộm à?
- Đi báo công an...
Gã sửa xe sụp xuống đất, đưa hai tay lên đầu sợ hãi van xin:
- Đừng! Xin đừng báo công an. Tôi không có ý xấu.
Gã luống cuống phân trần:
- Tôi chỉ muốn thắp nhang. Tôi chỉ muốn được lạy ông.
Bà Du và cậu mợ Hòa sửng sốt, Hoàng cũng cảm thấy bất thường. Họ yêu cầu ông nói rõ nguyên nhân. Tất cả những người có mặt vây quanh bộ ghế salon phòng khách, gã sửa xe né né ngồi trên chiếc ghế đẩu vừa mới được đưa lên. Gã hướng về bàn thờ, khung ảnh ông ngoại Hoàng, mái tóc bạc phơ, đôi mắt sáng lấp lánh sau gọng kính, gã chắp hai tay mếu máo.
- Linh hồn ông linh thiêng xin tha thứ cho con.
Như thoát được câu nói nén giữ trong lòng rồi, gã òa lên khóc thảm thiết:
- Tôi là kẻ giết người!
 Mẹ Hoàng, cậu mợ và mọi người giật mình, trợn mắt nhìn gã, Hoàng á lên một tiếng rõ to. Chị Giang hỏi dồn dập:
- Giết ai? Ông giết ai?
Nhiều câu hỏi đồng phát lên một lúc.
- ...Hồi ấy cách đây ba mươi năm...
Cậu Hòa bỗng nhảy chồm tới chộp lấy cổ gã:
- Mày? Mày giết cha tao!?
Gã sửa xe mềm oặt như cọng bún, gã gục mặt:
- Ngần ấy năm trời tôi ray rứt ân hận lắm...
Bà Du tỏ ra điềm tĩnh nhất, bà yêu cầu mọi người trật tự để nghe gã sửa xe nói cho rõ ràng. Gã như mê sảng, lắp bắp luôn miệng: “Tôi giết ông, tôi giết ông...”.

Gã dừng ánh mắt trên khuôn mặt Hoàng rồi lại nhìn tấm ảnh ông ngoại trên bàn thờ. Trong bốn chị em, Hoàng là người giống ông ngoại nhất. Cô từng nghe kể về cái chết của ông ngoại cô, cái chết rất kỳ lạ không rõ nguyên nhân. Nay gã sửa xe đứng trước cả nhà cô, đang thú nhận:
- Hồi ấy tôi mười tám tuổi. Tôi mê một cái quần jean, một cái áo pull... Gã gục đầu nấc lên:
- Ông đã đưa tôi về nhà, ông hứa sẽ cùng tôi về Thanh Hóa ở với mẹ tôi.
Cậu Hòa lại bị kích động:
- À mày!... Ông là con của bà Lan?
Bà Du vội trấn an em trai bình tĩnh, ai cũng thấy hiếu kỳ muốn nghe gã kể tiếp.
- ...Tôi đã chờ suốt ngày vẫn không nghe ông nói gì. Ông có hai chỉ vàng trong túi áo, tôi nghĩ ông sẽ bán đi mua đồ cho tôi... Tôi muốn có bộ đồ hợp thời trang...
- Mày đã làm gì?
- Tôi không dám nhìn vào gương, bao nhiêu lâu nay tôi đã tự hỏi tôi đã làm gì? Trời ơi, tôi đã nhắm mắt dìm ông vào hồ nước, khi ông không còn cựa quậy nữa. Tôi hốt hoảng lay gọi ông. Tôi ôm ông chạy ra đường kêu cấp cứu, nhưng tôi sợ hãi; tôi đặt ông ngồi vào cánh cửa nhà ông rồi tôi bỏ chạy... Đến chiều tối tôi leo mái nhà trèo lên phòng trọ của tôi ở... Trên đầu giường có một gói quà bọc giấy hoa đỏ, tôi mở bung ra, quà ông đã đặt đó từ bao giờ: cái quần jean và áo pull vàng...
Bà Du buông một tiếng rên khẽ:
- Trời ơi! Rồi sao nữa?

Gã sửa xe mím chặt môi, nước mắt ướt đẫm cả bộ râu rơi xuống ngực áo, đôi vai to lớn của gã không ngừng run rẩy. Hoàng cũng bị xúc động trước tình trạng bi thảm của gã, cô rân rấn nước mắt.
- Tôi ôm gói quà trước ngực, thẫn thờ đi đến nhà ông. Từ đầu đường tôi thấy người ta tập trung đông nghẹt. Tôi thấy bóng công an...
Cậu Hòa gằn giọng:
- Ông đã trốn tránh pháp luật cho đến bây giờ?
- Ông đã làm gì?
- Tôi lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, lây lất khắp nơi.
- Ông không về lại nhà à?
- Không. Tôi không dám gặp mặt mẹ tôi. Bà đã mất ngoài ấy. Bà vẫn chờ tôi đưa ông ra...
Hoàng nhìn thấy mẹ mình và cậu Hòa vừa phẫn nộ vừa thương cảm.
- Ông cứ quanh quẩn ở nhà tôi làm cái gì?
- Tôi đã nhìn thấy cô rất giống ông.
Gã nhìn về Hoàng, nói tiếp:
- Không còn ai biết nhà ông nay ở đâu, tôi đã tìm và nhìn thấy tấm ảnh của ông. Tôi muốn được quỳ trước mộ ông...
Hồi còn nhỏ mấy chị em Hoàng có nghe kể rằng: Ngày xưa, ông ngoại Hoàng có một bà vợ cả tên Lan, hai người đã lạc mất nhau thời đất nước bị chia cắt. Sau ngày Độc lập Thống nhất, ông ngoại Hoàng và bà Lan đã liên lạc được với nhau. Nghe kể lại rằng: Đầu ông ngoại Hoàng đã hói và bạc gần hết, bỗng nhiên tóc mọc lại xanh đen, như vậy đủ biết mối tình đầu của ông dành cho bà Lan sâu đậm, mãnh liệt đến nhường nào. Chồng bà Lan mất cũng đã lâu, bà có một người con trai. Ông ngoại Hoàng đã thu xếp mọi việc chuẩn bị nối lại mối tình duyên cũ. Bà Du và ông Hòa đã từng đau khổ trước quyết định của cha... Chuyện đã ba mươi năm qua... Giờ ông ngoại Hoàng đã mất và bà Lan, mẹ của gã sửa xe cũng đã mất.

Thời quân giải phóng mới tiếp quản miền , nền an ninh trật tự chưa ổn định. Hòa bình mới lập lại, chính quyền lâm thời còn phải đối mặt muôn điều phức tạp rối ren. Cái chết của ông ngoại Hoàng, chưa được xác định có phải bị sát hại hay không. Chỉ nghi vấn, nhưng tài sản là hai chỉ vàng lại còn nguyên trong túi áo; và vì gia đình xin mai táng cho người mất không đồng ý xét nghiệm pháp y, nên sự việc đã lắng chìm và kẻ giết người đã thoát lưới bao năm nay.
Trước sự tự thú bất ngờ, gia đình bà Du đâm ra bối rối, những người hàng xóm láng giềng vừa nghe chuyện, hiểu ra, cũng góp ý:
- Thôi thì người chết cũng đã chết lâu rồi! Kẻ giết người cũng đã trả giá cho sự nông nổi u muội của mình bằng bấy nhiêu năm dằn vặt đau khổ và lương tâm hắn vẫn còn xét xử hắn đến cuối đời.
Bà Du nhìn em, nhìn con; ông Hòa nhìn vợ con, nhìn quanh mọi người. Sự im lặng lan dài, cả tiếng nấc của gã sửa xe cũng ngưng bặt... Cuối cùng bà Du, mẹ Hoàng quyết định:
- Chúng tôi tha thứ cho anh!
- Bỏ tù anh giờ này cũng chẳng để làm gì. Điều chính yếu là anh đã biết hối hận, biết sống tử tế. Thôi thì anh đi đi.

Gã sửa xe òa khóc, tiếng khóc của gã còn to hơn lúc ban đầu, gã lết đến chân tủ bàn thờ phủ phục ở đấy. Tiếng khóc thắt nghẹn như nấc cụt và  bộ dạng của ông ta làm cho mọi người mủi lòng. Sự tha thứ cũng là một bản án đè nặng lương tâm hình như làm gã đau đớn hơn, mặc dù gã cũng mong muốn được tha thứ như thế…
Sáng hôm sau, nơi góc đường, dấu hiệu của gã sửa xe không còn dựng lên nữa, gã đã dọn đi. Mọi người trong gia đình Hoàng đồng chung một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản pha lẫn chút bùi ngùi buồn bã. Bà Du thắp lên bàn thờ một nén nhang.
                                   L.M

(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)

 

Các bài mới
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Hoàn lương (28/10/2024)
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Sao la (02/10/2008)
Ngày đi lạc (02/10/2008)