Dự thi truyện ngắn SV Huế
Nhật ký viết cho ngày bình thường
09:35 | 06/09/2010
VŨ HOÀI NGUYỄNTôi có tật xấu là đọc trộm nhật kí người khác. Đã nhiều năm rồi mà tôi vẫn không bỏ được cái tính hiếu kì tai hại ấy. Nhiều lúc bị bạn bè giận, không chơi với tôi nữa, thế là buồn, tự hứa sẽ không bao giờ lặp lại lỗi cũ. Nhưng… Chữ “nhưng” đáng ghét ấy cứ bám riết lấy tôi.
Nhật ký viết cho ngày bình thường
Ảnh: Internet
Một ngày tháng năm, cách đây không lâu, tôi đến nhà một người bạn rất thân. Trong lúc bạn chạy ra chợ mua đồ thiết đãi tôi thì tôi lại… mắc phải tật cũ. Bạn về đúng lúc tôi đang đọc dở. Bạn biết nhưng nhanh chóng tha thứ cho tôi, còn cười và nói rằng muốn chia sẻ cảm xúc. Tôi mừng quá! Bởi lâu nay ý tốt của tôi mấy ai hiểu cho? Cả ngày hôm ấy chúng tôi cùng nhau tâm sự. Thế nhưng, tôi vẫn không hiểu hết những gì bạn tôi đã sống, đã nghĩ. Chúng tôi quyết định chia sẻ với mọi người.

Dưới đây là một trong những đoạn nhật kí như thế.

*
Ngày… tháng… năm

Sáng nay, ra đường thấy mọi người kháo nhau chuyện một cụ già ngồi giữa ngã sáu đường phố ôm tấm biển “xin - được - chết”, mình hòa theo dòng người như nước xuôi dòng tìm đến chỗ có cụ già. Người kéo tới mỗi lúc một đông. Mắt cụ già sáng lên một cách lạ thường, ví như người đã lâu đứng trong bóng tối nay được nhìn thấy mặt trời… Không ai đâm xe vào cụ. Đa phần mọi người tỏ vẻ cảm thông, xì xào vài câu rồi cũng bỏ đi. Có người đánh bạo đến bên định đỡ cụ dậy nhưng có sức mạnh nào đó đã dính chặt cụ với mặt đường. Khi có ai hỏi, cụ cũng chỉ hơi mỉm cười. “Có thắc mắc gì thì cứ đi hỏi em bé biết tuốt ấy”- Một âm thanh từ đâu vọng lại. Mình không biết. Mọi người không ai biết. Nghe thấy vậy thôi.

Ngày… tháng… năm

Lạ thật! Ông cụ vẫn ngồi trơ như phỗng. Ngày thứ hai rồi. Mọi người đến xem đông hơn cả ngày hôm qua. Mà đúng thôi, hôm qua mình đi xem đơn chiếc, hôm nay mình rủ thêm ba người bạn đi cùng nữa mà. Đó là chưa kể lũ bạn sẽ loan tin ra cho biết bao nhiêu người nữa, thêm thắt đủ điều để cuộc sống không thiếu sự hiếu kì.

Hôm nay, vọng vào giữa đám đông lại là âm thanh ấy: “Ai muốn biết những điều lạ lùng thì đi hỏi em bé biết tuốt”. Dào ôi, điều này thì có gì mà lạ. Người điên ấy mà!

Ngày… tháng… năm

Mấy hôm nay, sự kiện được mọi người quan tâm nhất là cụ già xin - được - chết. Đã năm ngày rồi cụ không ăn, không uống, không ngủ. Nhưng mắt cụ vẫn sáng, trên khuôn mặt không có vẻ tiều tụy. Đâu đó lại vẳng tới: “Đi hỏi em bé biết tuốt ấy”. Mình bắt đầu tin là có điều kì diệu.

Người ta đồn rằng, ở ngôi làng bên kia sông có một đứa trẻ biết tuốt, đã mấy trăm năm rồi mà vẫn không thấy già đi. Có điều, sau một lần đem trí tuệ ra giúp người, tóc trên đầu đứa trẻ sẽ rụng đi một sợi, trán có thêm một nếp nhăn.

Thế những người già có đem trí tuệ giúp người khác không nhỉ? Sao tóc họ cũng ngày càng ít đi và nếp nhăn thì ngày càng nhiều?

Ngày… tháng… năm

Hôm nay mình lại ghé qua ngã sáu quen thuộc. Một tuần rồi, cụ già vẫn ngồi ở đó, vẫn thần sắc đó. Người đến xem vơi đi rõ rệt. Kẻ thì chán với một khung cảnh không thay đổi, người thì tò mò tìm đường đến chỗ em bé biết tuốt. Ngày mai mình cũng du hành một chuyến. Để làm gì nhỉ? Thì cứ đi đã. Đi rồi sẽ đến mà.

Mình không có nỗi đau lớn lao nào. Thảnh thơi. Bình thản. Tự do. Nhưng thực sự mình có khổ, khổ vì tò mò. Thôi đi ngủ sớm để lấy sức mai lên đường.

Ngày… tháng… năm

Đường đi đến chỗ có em bé biết tuốt không ngờ dễ dàng đến vậy. Nhưng nếu tự đi thì mình không biết xuất phát từ đâu và dừng lại ở đâu. May có mấy người cùng đi dẫn đường, họ đều là người lớn tuổi, có kinh nghiệm cả. Dọc đường đi, họ kể những câu chuyện về bản thân, về triết lí cuộc đời, về tình thương, đức tin… Mình nghe có khi không hiểu gì cả, chỉ biết là hay. Mình thấy mọi người gật gù có vẻ tâm đắc lắm. Mình cũng gật gù, mình không muốn người ta chê bai mình không có “tầm tri nhận” (chữ của họ ấy mà). Rồi họ tâm sự với nhau về những câu hỏi mà họ sẽ nhờ em bé biết tuốt giải đáp. Đa số là xoay quanh vấn đề về cụ già xin - được - chết. “Tại sao cụ già lại muốn chết?” “Làm thế nào để cụ yêu đời trở lại?” “Có uẩn khúc gì trong cuộc đời cụ già?”... Thậm chí có một người già còn hỏi rằng muốn chết thay cho cụ thì phải làm thế nào? Mình thật xấu hổ. Mình chỉ đi vậy thôi chứ chưa nghĩ ra câu hỏi có tình người nào cả. Mình sẽ nghĩ… sẽ nghĩ…

Ngày… tháng… năm

Thế là một ngày nữa sắp trôi qua. Nhanh khiếp! Nhớ lại xem nào… Hôm nay, đi hết quãng dường êm ái thì mọi người được ngồi đò. Qua bờ bên kia là đến chỗ em bé biết tuốt. Nước sông chảy xuôi, một vài chỗ có xoáy nước sâu, sơ ý có thể lật đò. Mình không lo lật đò. Mình chỉ lo nước chảy xuôi hoài cũng nhàm chán.

Trời ơi! Mình hét thầm trong bụng. Em bé biết tuốt có thân hình của một đứa trẻ lên năm nhưng khuôn mặt của người già bảy mươi tuổi. Mình không biết nên xưng hô như thế nào nữa. Mọi người chen lấn, ai cũng muốn hỏi. “Em bé” cất tiếng nói, một âm thanh trầm ấm và vang vọng khiến mọi người phải bày tỏ thái độ trang nghiêm, tôn kính.

- Mỗi người chỉ được hỏi một câu, ta sẽ giải đáp! Ai hỏi từ hai câu trở lên sẽ gánh chịu hậu quả.

Nghe đến đó, mọi người nhao cả lên. Nhưng rồi lại yên lặng trước uy nghiêm của “em bé”.

Một người phụ nữ luống tuổi bước lên trên, hai tay chắp lại trước ngực, vẻ thành khẩn.

- Tôi có một nỗi khổ - bà ta nói, đó là chồng tôi. Từ khi cưới ông ấy, tôi không còn biết như thế nào là vui vẻ và hạnh phúc. Trước đó thì tôi có biết vui vẻ là gì. Hình như là được cười, cười mà không thấy đau. Còn hạnh phúc? Hình như tôi chỉ biết bất hạnh. (Vừa nói bà ta vừa vạch áo cho mọi người xem những vết bầm tím chằng chịt, những vết rách đã bưng mủ trên da thịt). Tôi muốn hỏi ngài: Làm thế nào để có được hạnh phúc?

Mình nghe trong đám đông có tiếng xì xào: “Vứt quách thằng chồng đi, tìm thằng khác ngon hơn mà xài”. Mình phì cười. Em bé biết tuốt lại thoáng buồn phiền:

- Con hãy từ bỏ và chờ đợi. Từ bỏ người không đáng cho con hi sinh. Chờ đợi người sẽ hi sinh cho con, thương con, yêu con. Mong con có đủ quyết tâm để từ bỏ và đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Nhưng điều ta mong hơn, nếu được, đó là con hãy cứu lấy linh hồn chồng con.

Hình như mình cũng nghĩ được như thế nhưng mình không nói được vậy.

Sau một vài người hỏi nữa (mình không nhớ họ hỏi những gì, mình nhanh quên quá) thì có anh chàng dáng vẻ thư sinh bước lên trước:

- Con muốn được như ngài, vậy thì phải làm sao?

Em bé biết tuốt mỉm cười:

- Cậu đến chỉ để hỏi như vậy thôi sao? Nếu muốn được như ta thì cậu phải biết thêm những điều cậu chưa từng biết, phải sống với những điều mà cậu chưa bao giờ trải qua, không tham lam và sẵn sàng chịu trả giá cho những lỗi lầm của mình. Cậu hiểu vì sao tôi có hình hài như thế này rồi chứ?

Mình nghe đám đông ồn ào lên một lúc. Một chú nhóc tách khỏi mẹ, bước lên, ngây thơ hỏi:

- Ông già bé con ơi, làm sao để cháu có thể bay lên mặt trăng được?

Em bé biết tuốt cười lớn:

- Cháu muốn đi đến mặt trăng và bỏ lại người thân của cháu ở đây ư? Trên mặt trăng không vui đâu cháu à! Nếu muốn, cháu hãy ngồi lên một chiếc xích đu, nhắm mắt lại… Mẹ sẽ đưa cháu đi gặp mặt trăng. Mai này cháu lớn lên… kiến thức, sức khoẻ và tiền bạc sẽ đưa cháu đi lên hành tinh đó để khám phá.

Cậu nhóc hớn hở quay lại nói điều gì đó với người mẹ làm bà cười ồ.

Ngày… tháng… năm

Hôm nay người hỏi nhiều vô kể. Mình lại không nhớ hết những gì họ hỏi. Mình không nhớ có bao nhiêu người hỏi. Đủ hạng người, đủ độ tuổi… À, có một bà cụ lưng còng được mọi người nhường đường để lên phía trước. Bà cụ thều thào:

- Già muốn hỏi khi nào già chết?

Em bé biết tuốt bước đến nâng bà cụ dậy, tỏ vẻ thông cảm:

- Xin lỗi vì phải nói cho già biết điều này. Tôi chỉ biết già còn sống đến ngày hôm nay. Có những điều già có thể biết, có thể linh cảm được trong khi tôi không thể.

Mình ngớ ra một lát… Hôm nay bà cụ mất ư? Hay là…

Rất nhiều năm em bé biết tuốt mới xuất hiện một lần. Thế nên người dân kéo nhau đi rầm rộ. Có người đi nhưng không hỏi gì. Tại vì những câu họ muốn hỏi thì đã có người khác hỏi và đã được giải đáp. Họ về nhưng vẫn vui vẻ. Có người muốn hỏi nhưng ngại câu hỏi của mình khiến mọi người khinh bỉ. Có người viết giấy đưa lên cho em bé biết tuốt và đã được giải đáp (tất nhiên là cũng thông qua giấy). Mình tò mò lắm nhưng đành chịu. Còn mình, mình thực sự không biết hỏi gì. Hỏi câu đơn giản quá thì buồn cười, câu khó thì mình nghĩ mãi không ra. Cuối cùng, sợ em bé biết tuốt đột nhiên biến mất nên mình mạnh dạn chen lên trước, cúi đầu:

- Thưa ngài, ở giữa ngã sáu đường phố - nơi con đang ở - có một ông già ngồi đó đã lâu. Không ăn. Không uống. Không ngủ… và xin được chết. Liệu ngài có thể cho con biết cách giúp đỡ người đó được không ạ?

Em bé biết tuốt mắt sáng lên rồi vụt biến mất. Vẳng đâu đó giọng nói trầm ấm và tiếng cười vui: “Ta vẫn còn tin vào tình người trên thế gian. Các con nên nhớ, đừng bao giờ quên những điều đã hứa với lòng mình”.

Ngày… tháng… năm

Mình đã có một cuộc “du hành” lý thú. Mình đã gặp nhiều người. Tốt xấu, trắng đen lẫn lộn. Thật khó để có thể biết được họ nghĩ gì. À, từ khi “du hành” về mình hay gặp may mắn, làm việc gì cũng thuận lợi thật. Nhưng… cũng có lúc mình không biết mình đang nghĩ gì. Chỉ nghĩ để nghĩ vậy thôi.

Cụ già xin - được - chết đã được thoả nguyện. Cụ nhắm mắt và ngừng thở từ bao giờ. Thi thể cụ vẫn ở trạng thái ngồi, không ai dịch chuyển được.

Ngày… tháng… năm

Mình lại ghé qua ngã sáu. Mọi dấu vết về cụ già xin - được - chết đã tan biến... Như chưa bao giờ xuất hiện.

Không biết có phải mình đã nằm mơ - một giấc mơ dài?

….

V.H.N

(258/8-10)




Các bài mới
Hoa mặt trời (30/09/2010)
Các bài đã đăng
Nội ơi! (20/08/2010)
Du, Sa, Miên... (31/05/2010)
Hành trình (29/01/2010)