Dự thi truyện ngắn SV Huế
Hoa mặt trời
15:03 | 30/09/2010
NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH                Tặng con cá heo màu tím mắt lòi
Hoa mặt trời
Ảnh: Internet
Ninh đến nhà tôi vào một ngày gió khe khẽ lạnh. Tôi choàng một chiếc khăn màu ngọc bích rồi đạp xe dọc những con dốc của thành phố. Sương mù lãng đãng. Giỏ cúc dại tôi hái ven đường rồi móc vào ghi-đông xe trông như những mặt trời bé con cười ti hí giữa những cơn gió mùa đông. Ở con dốc cuối cùng để về đến nhà, xe tôi móc vào đuôi chiếc xe đạp chạy trước. Xe ngã sấp và giỏ mặt trời bắn tung tóe xuống vỉa cỏ bên đường. Người kia bật dậy rồi vội vã chạy đến chỗ tôi ngã. Trong cái khoảnh khắc anh ta chìa bàn tay ra, đột nhiên cơn gió kéo chiếc giỏ mây trống không đi một đoạn xa, khăn choàng màu ngọc bích lẫn với mớ tóc rối. Trong cái khoảnh khắc ấy, nếu biết đấy là Ninh của mình, tôi sẽ không bao giờ bỏ chạy giữa lưng chừng con dốc mùa đông…

*
Ba tôi bảo Ninh hãy gọi ông là ba. Để trên cuộc đời này Ninh còn một gia đình thứ hai ngoài ba mẹ ở nơi nào xa ngai ngái. Ba bảo nên bán căn nhà ở Huế đi, rồi lên ở hẳn thành phố đầy những con dốc lãng đãng sương này. Những lúc như thế bao giờ Ninh cũng chỉ cười, ý rằng Ninh sẽ về dù nơi đó chẳng còn ai chờ anh nữa.

Ngoài những lúc đến trường, những buổi còn lại Ninh thường đạp xe cùng tôi đến chỗ con dốc mọc đầy hoa cúc dại. Khi đã hái đầy chiếc giỏ mây trên ghi-đông xe, Ninh nằm ngửa mặt nhìn những đám mây trắng rồi kể cho tôi nghe về căn nhà cũ ở Huế. Góc nào đó ba mẹ vẫn ngồi đợi Ninh về, dù có là trong tâm tưởng. Ninh nói Ninh muốn đi mãi, nhưng dù là đám mây trắng trôi đi tận đường chân trời, thì vẫn muốn có nơi nào để về. Giống như tôi thích đạp xe trong những cơn gió đẫm sương, thích mang những ông mặt trời cười ti hí về nhà mình. Khi ấy tôi biết Ninh sẽ chẳng dừng chân lâu ở nơi này. Đến nơi này trọ học chỉ là cái cớ để anh xuất hiện trong đời tôi. Để khi đã tích cóp đủ đầy những mặt trời của nơi này, Ninh sẽ bỏ ba con tôi để trôi đến đường chân trời khác.

Phòng tôi hướng mặt về phía đông. Hiển nhiên căn phòng còn lại có ô cửa sổ nhìn về hướng Tây thuộc về Ninh. Chiều muộn, học về tôi thấy Ninh hay ngồi ở đấy, nhìn về phía vạt cỏ ở chân dốc chỗ chúng tôi hay hái cúc dại. Tôi chẳng biết Ninh u uất điều gì. Chỉ biết trong anh có màng bọc dấp dính và dai dẳng mà ba con tôi không bao giờ xâm nhập được. Chiếc màng hư mờ như sing-gum nhai dở, nhìn anh co cụm trong đó đơn độc đến đau lòng. Tôi sợ mình nhạy cảm rồi tưởng tượng quá mức nên mang chuyện này cho ba. Ba giả tảng, chỉ nói về căn nhà bám bụi ở Huế. Thảng hoặc, ông kể về những mảnh đứt có ông và ba mẹ Ninh. Những mảnh đứt chưa có tôi. Trong căn nhà cũ. Và khi ấy Ninh không như bây giờ.

Tình yêu thật là lạ! Tôi sẵn sàng ngồi bên cạnh Ninh trong sự yên lặng của buổi chiều muộn. Nhất là những ngày hoa cúc không chịu nở, chúng tôi lại càng ngồi đó nhiều hơn. Những lúc như thế tôi quên hẳn anh chỉ là đám mây trắng tạm ngừng bay ở phố núi đầy sương này. Chẳng hiểu lý do gì để chúng tôi yêu nhau. Hay vì cuộc sống bình lặng quá, đến nỗi tôi không mong gì hơn là một tình yêu yên lặng. Ninh hiểu. Anh chỉ vuốt tóc tôi trong ánh sáng nhờ nhờ của buổi nửa chiều nửa tối:

- Em gái, đừng yêu anh để anh còn phải đi nữa chứ.

Ba cũng phiền muộn khi một hôm tôi khóc và nói tôi yêu Ninh. Điều phiền muộn lớn nhất không phải là đứa con gái nhút nhát của ba yêu ngay người con trai đầu tiên mà cô gần gũi, ngoài ông. Điều ba nhìn thấy là cái màng bọc trong anh không dễ xuyên thủng bằng tình yêu của tôi. Rằng hồn anh vẫn ở nơi nào xa xôi không cùng thân xác. Ba nói hay là Ninh vẫn ở dưới gầm xe tải, chỗ bãi nhầy nhụa bết thịt và máu, chỗ người ta lôi ra giữa hai thân xác mềm oặt là một thằng nhóc nguyên vẹn hình hài, nhưng đôi mắt thì đờ dại từ đó.

Một chiều có chú bướm cánh đen bay vào ô cửa sổ phía tây rồi đậu ở giỏ mây cúc dại. Tôi kể Ninh nghe câu chuyện về những con bướm cánh đen. Rằng khi một ai đó mất đi, họ sẽ hóa thành những con bướm có đôi cánh màu đen và bay đi khắp nơi.

- Người không còn sống nghĩa là hết. Không có chuyện đó đâu.

- Có thật Ninh tin là không có chuyện đó không?


*
Rồi cũng đến một ngày mây trắng không ở cùng tôi nữa. Ninh biến mất cũng giống như ngày đầu anh xuất hiện giữa cơn dốc lãng đãng sương: hất tôi ngã đánh rầm còn mặt trời thì bắn tung tóe. Buổi chiều ấy đột nhiên tôi thấy khó thở trong chiếc khăn choàng màu ngọc bích. Một mình hì hục đạp nhanh qua những con dốc đầy những dự cảm bất an để trở về. Vội vàng xô cửa phòng Ninh, tôi nhìn thấy chân Ninh hổng một khoảng với mặt đất. Hóa ra Ninh chẳng bỏ tôi đi theo cách tôi tưởng. Ninh vẫn đó. Anh đu đưa trước mặt tôi, bằng sợi dây ở cổ và xà nhà.

Tôi ngã sấp, còn mặt trời thì bắn tung tóe.

*
Thời gian sau đó ba tôi hay có thói quen thao thao bất tuyệt, ông nói thay cả phần của tôi. Thỉnh thoảng sau cùng ông ôm mặt khóc rưng rức sau một khoảng im lặng vì hết đề tài. Hóa ra ngoài cảm giác đau thương vô cùng tận, chứng kiến người mình yêu thương trôi đi xa lại mất mát đến như vậy. Buổi sáng sau ngày Ninh mất, tôi tỉnh dậy trong căn phòng phía đông của mình. Nhìn thấy ba ngủ gục trên chiếc ghế cạnh cửa sổ, tôi gọi và nhận ra mình bị mất giọng. Sau lưng ông, mặt trời vẫn đang lên ở khung cửa sổ. Gắt một cách kỳ lạ!

Bác sỹ nói với ba rằng chẳng đoán trước được lúc nào tôi có thể nói trở lại. Hoặc đến lúc nào đó tôi bình tâm, không tự dằn vặt mình vì đã không níu kéo được Ninh đừng bay đi nữa.

Ba quyết định mang tro cốt của Ninh về Huế. Tôi mang cho ba mảnh giấy viết rằng ba cứ đưa Ninh đi, mặc tôi sẽ biết tự chăm sóc mình. Tôi chẳng đủ can đảm để đi tìm những gì anh kể tôi nghe vào những chiều nằm trên bãi cúc dại. Thà cứ để chúng nằm đâu đó và mang hình hài do tôi tưởng tượng. Còn hơn là tôi đi về mảnh đất của Ninh, thay anh về ngôi nhà cũ ám bụi để nhìn xem gia đình tâm tưởng vẫn còn đợi anh trở về. Biết đâu khi đấy tôi sốc rồi mất luôn cả trí óc, mất luôn cả Ninh trong tôi. Cho đến khi ba gần như van tôi phải đối diện với Ninh, trở về là con gái của ba, khi ấy tôi đã ngồi trên chuyến tàu dài để đến mảnh đất của Ninh rồi.

Huế chầm chậm trôi nhưng không tịch lặng như những con dốc sương mù. Đứng giữa những con người thao thao âm giọng như Ninh, thật là một cảm giác tồi tệ. Ngày đầu đợi lúc tôi ngủ say ở khách sạn, ba mang tro cốt của Ninh lên ngôi chùa ở ngọn núi ngoại ô thành phố. Ông nói chẳng nên đặt bài vị của anh ở ngôi nhà cũ. Ba sợ ở đấy lạnh hơn những cơn gió ở nơi đầy sương. Rồi cũng đến lúc chúng tôi trở về ngôi nhà của Ninh. Tôi khóc nấc trong khi nước mắt ngập ngụa màu vàng cúc dại. Cả màu xanh ngọc bích của chiếc khăn quàng cổ tôi mang vào ngày đầu tiên anh chìa bàn tay cho tôi. Màu trắng của mây. Màu đen của cánh bướm vào buổi chiều muộn…

Ba xin cho tôi ở lại ngôi chùa ở ngọn núi ngoại ô dưỡng bệnh. Ông sợ tôi về rồi lại thui thủi một mình trong sương, sợ tôi lang thang đi tìm những đóa mặt trời cười ti hí yếu ớt. Ông ngủ lại ngôi nhà của Ninh, hòng mong quét đi đám bụi cũ kỹ phủ dày từng mảng ký ức của chính mình. Thỉnh thoảng ba chở tôi về thành phố đi dạo trên những vỉa cỏ dọc bờ sông. Còn phần lớn thời gian tôi ngồi ở đại sảnh lần tràng hạt đọc bài kinh không bật thành tiếng. Ở đó tôi vẫn nhìn thấy Ninh mỗi ngày, gian bên trái, bên cạnh tro cốt của những người cũng trôi vô định như mây trắng bay.

Không biết có nên gọi là Ninh bỏ hẳn tôi mà đi hay không, khi anh chẳng còn thèm giữ lấy tiếng của tôi nữa. Một ngày sư cô ngồi bên cạnh đột nhiên ôm chầm lấy tôi. Sư cô bỏ cả bài kệ dang dở để chạy đi tìm ba. Nước mắt ông chảy tràn bảo tôi đọc cho trọn bài kinh đi con, cứ đọc mãi đọc mãi đi, để ba biết là Ninh chịu trả tôi lại rồi.

Ngày chào sư cô ra về, tôi xin ba ở lại Huế trong căn nhà cũ của Ninh. Ba tôi trở về một mình, nhưng rồi sau đó ông trở ra Huế sống cùng tôi trong căn nhà giờ đã đầy đủ bài vị của ba mẹ và Ninh. Ba chỉ về để hoàn thành tất cả mọi việc ông còn vướng bận ở thành phố sương. Mọi thứ ở đấy ông đều bán đi. Riêng căn nhà nhỏ có căn phòng hướng tây ông vẫn giữ lại, để buổi chiều muộn nào đó có cánh bướm màu đen đậu bên cửa sổ, nhìn về vạt cúc dại ở chân núi xa xa.

N.L.V.K

(259/9-10)





Các bài đã đăng
Nội ơi! (20/08/2010)
Du, Sa, Miên... (31/05/2010)
Hành trình (29/01/2010)