TRẦN QUỐC TOÀN
Di sản
Gió xóa dấu thời gian hay mây trời nghìn năm đọng bóng lịch sử
dưới mỗi gốc sứ già
đôi nghê đá trầm mặc cùng thăng trầm một vương triều,
người Pháp đã đến đây xây nên những tòa
kiến trúc theo phong cách Đông Dương,
trăng Phú Xuân vẫn một màu như thế,
Phu Văn Lâu xuống ngựa nghiêng nón,
miền phúc phận trăm dân
hỏi là gặp quá khứ một thời khai hoang mở cõi
cuộc liên hôn giữa Đại Việt và Chiêm Thành,
đổi lấy Châu Ô, Châu Lý,
thoảng buồn đáy mắt công chúa Huyền Trân.
Mùa mưa cài lại khuy áo tím mộng mơ
người họa sĩ vẽ lên toan ý niệm u uẩn khuôn mặt chim cú
chiến tranh làm buồn trang thơ người đã khuất
Bài thơ của một người yêu nước mình*.
Tam Giang như người mẹ nuôi nấng cánh chim, vuông ruộng, cá tôm,
quả bông gòn bung nở
giấc mơ mùa thu khói rạ đốt đồng,
tôi đi qua dòng Ngự Hà nhìn buổi chiều di sản
mùa thu đậu trên những bông hoa nhạc ngựa
gói cọng nắng vào tiếng gọi mạ, ba
con cóc kêu ngoài sân lúc trời sẩm tối
O ngồi đan giỏ đựng cua đồng…
Mưa xuống
lật trang sách nằm đọc cho hết những thanh âm trên mảnh đất kinh thành
tiếng ve, tiếng chim cu lửa,
tiếng gió vờn lạch nước ngoài sông,
bếp lửa than hừng mùi bánh bèo nóng hổi
mấy đứa trẻ ngồi chực chén bánh ra lò
bếp lửa ấy từng nuôi nấng một thời thương khó
buổi sáng buổi trưa
giọt mồ hôi còn vương trên cành củi khô
cháy lên giòn giã.
Đội chiếc nón chằm bằng sợi chỉ cây tàu thơm
đi vớt bóng ca dao trong lời ru ôn mệ
lời ru đầy cổ tích,
thấy mình như con cá lia thia ao đầm,
đang vẫy đuôi ngũ sắc dưới cọng rêu xanh.
Cứ lướt qua những nghĩ ngợi từng cuộc hưng phế
rồi trở mình nghe tiếng sấm
mưa đã rơi từ bờ sông An Cựu
ngày về lại kinh thành xưa mây trắng
bông sứ thơm buổi sáng ngọt lành
thời gian hóa trầm tích trong mỗi viền gạch gió vụt qua,
những bức tượng người và thú đứng trước lăng vua
bao nhiêu lớp rong rêu thấm vào đôi nghê đá,
thức canh linh hồn di sản
đôi mắt ẩn trong giấc mộng vua quan.
----------------------------
* Tên bài thơ đồng thời cũng là tên tập thơ của nhà thơ Trần Vàng Sao.
Trong thăm thẳm đại ngàn
Tiếng tù và nhắc chuyện tình đôi nam nữ người Pa Kô
họ vào rừng để yêu nhau
con sùng trong thân tre lồ ô
thơm lừng món ăn Ơm pờ rèng...
Ngồi uống trà hoa cúc chi trên đá
tiếng chó sủa hoang đâu đó ngoài suối A Sáp
làm sống lại trong câu chuyện người A Lưới vùng cao
thuở cây bông vải nở trên nương trên rẫy
đem về phơi khô, tách lấy bông, bật bông,
cán, vấn, xe, giăng, kéo thành sợi dệt tấm vải dèng
đậm sắc màu rừng núi.
Trên thác Anor
chim khách đuôi cờ gọi bầy
tháng ba, đôi mắt người Pa Kô long lanh giọt nước trời
sâu thẳm và đầy mật ngữ rừng thiêng
ngày kết nối giữa Trời và Đất,
họ thấy tổ tiên về trong tiếng tù và thổi vào ngày lễ Ariêu Ping
từ hừng đông chim chích chòe nước trán trắng chở ánh sáng bày biện trên mặt đất
những vết chạm trổ là hồn đất đai xứ sở trong căn nhà moòng...
Gió rừng thổi triền ruộng bậc thang mây trắng,
quà sính lễ đàn trai có chiêng, ché, nồi đồng, bò, lợn,
nhà gái cho nếp, gà, dèng
tháng sáu nắng rót mật
người Pa Kô cúi đầu cúng kính thần linh
bằng cách gieo trồng truyền thống, phát, cốt, đốt, trỉa
cho cây mạ lên xanh
lễ hội Ada của tổ tiên tạ ơn Giàng Tro, Giàng A-ưm, Adủa, Atoong
niềm tin thắp sáng giấc mơ Pa Kô
trong thăm thẳm đại ngàn...
(TCSH51SDB/12-2023)