Nhịp sống thơ
Thơ Sông Hương 12-88
09:57 | 13/05/2015

Ngô Minh - Hải Kỳ - Phan Bá Linh - Thế Hùng - Mùi Tịnh Tâm - Nguyễn Văn Phương

Thơ Sông Hương 12-88
"Tri âm" - tranh sơn mài của Đỗ Kỳ Hoàng

NGÔ MINH

Người bán mặt nạ

Người bán mặt nạ quanh quẩn phố
Cùng trẻ con và lá rơi vàng
Những mặt khỉ mặt heo mặt chó
Nhăn nhở cười đỏ xanh

Người bán mặt nạ gầy nhom áo vá
Người mua mặt nạ mặt khó đăm đăm
Những mặt khỉ mặt heo mặt chó
Vênh vang nhìn

A ha... nhịn rau nhịn mắm
Trung thu con mẹ rằm đêm vui
Cho bõ tháng ngày bao gương mặt
Nhàu nát như chưa biết nụ cười

Người bán mặt nạ chiều trở về
Dắt bóng mình men hoàng hôn lợt
Mặt nạ bán hết còn lại mình
Ai hỏi han chi thằng mặt thật!...

                            Huế, 9-1988



HẢI KỲ

Không đề
         (Tặng Lý)

Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?
Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi
Nỗi buồn như tấm gương soi
Gặp em không gặp thì tôi gặp mình
Chẳng là như chỉ với kim
Chẳng là như bóng với hình ngày qua
Thì thôi xa thế đành xa
Em đi để đó cửa nhà vắng hoe
Mùa thu mặc áo gì kia
Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu.

                                          1-1988



PHAN BÁ LINH
       (Cần Thơ)

Lãng quên

Chẳng phải tìm kiếm đâu xa để khẳng định những điều cao quý, để phán xét rạch ròi giá trị lương tâm. Bạn hãy nhìn vào bữa cơm người lính, hãy nhìn vào đôi mắt người vợ lính, sẽ có ngay lời tự thú với riêng mình.
Người lính ngụp lặn trong mấy cuộc chiến tranh, lăn lóc trong nghiệt ngã thời bình. Sau ngắn ngủi sum vầy phải vay tiền trả phép.
                                        Chiếc ba-lô nhẹ rỗng hẫng trên tay.
Mắt vợ bỗng hoang vu sau mỗi lần tiễn chồng về biên giới.
Gian nhà cũng trống trơn trăng gió đến tự tình.
Hãy im đi những biện bạch khó khăn. Đừng hứa hão tương lai, cũng đừng trấn an hiện tại.
Hãy dẹp dùm những câu thơ tâng bốc, vuốt ve màu áo, những cảm xúc vay mượn rẻ tiền.
Dẫu người lính không quen đòi hỏi. Họ biết nhận về sự thiệt thua như một lẽ thường tình. Nhưng đừng đợi trời mưa mới nghĩ đến mái tranh, gặp bão giông mới nhớ về vách liếp.
Vẫn biết có những việc làm một đời không xong. Những con đường đời người đi không hết. Tôi van xin người ơi đừng biến niềm tin thành dấu chân trên tuyết, đừng đánh rơi ngọn lửa nhân tình từng một thời rực cháy mọi con tim
Rồi lịch sử sẽ nghĩ sao thời ta sống bây giờ, khi ta vẫn dối lừa ta cả trong những câu thơ.
Bạn muốn tìm lại tâm tình bị lãng quên ư?
Hãy nhìn vào bữa cơm người lính. Hãy nhìn vào đôi mắt người vợ lính, sẽ có ngay lời tự thú với riêng mình.



THẾ HÙNG

Lữ khách hội chùa

Chuông chùa
Đổ xa
Rất xa
Ngân nga
Hốc núi
Chùa Hương
Mưa bụi...

Chiều rồi
Đường rừng trơn heo hút
Lữ khách dừng chân
Mỏi
Quán trọ
Nghiêng đêm
Lòe ánh lửa
Ấm rừng

Dốc đá
Ngoằn ngoèo
Dần chìm
Vào tối
Lối lối
Em đi
Vội
Tiếng chuông chùa ngân xa...
Lẫn vào chiều
Lẫn vào lữ khách
- Là Em
- Là Ta

                 8-1988



MÙI TỊNH TÂM

Giấc lan rừng

Có người con gái
Vo tròn tuổi xuân
Ném sau lưng mình
lên rừng làm Sơn Nữ

Tôi gặp em
Như một thời quá khứ
đã là hoa là cỏ dại đôi lần

Đêm tôi về
đẫm sương trời thị trấn

Vẫn còn em ngái ngủ giấc Lan rừng.

                                Đại Lãnh-1983



NGUYỄN VĂN PHƯƠNG

Không bao giờ đời đứng yên

Đêm sâu lắng
                  phố im lìm
Một mình tôi đứng lặng nhìn dòng sông
Tưởng như
           Sông ngủ giấc nồng
Ngờ đâu
        nước vẫn chuyển vòng
                                          xuống
                                                 lên
Tưởng như
             phố đã nằm êm
Ngờ đâu
            Xe cộ leng keng
                                      ra
                                        vào
Vút cao là tiếng còi tàu
Chìm sâu là tiếng chuông đầu chùa xưa
Ngày
        đêm: không có ranh
                                      bờ
Giờ kết thúc cũng là giờ đầu tiên
Không bao giờ -
                       Đời - đứng yên.

                                    7-1986

(SH34/12-88)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng