DUYÊN AN
Thơ Duyên An ao ước làm cuộc trở về miền thinh lặng sẵn đó. Thơ như tri âm với chủ thể cùng hành trình qua bao nhọc nhằn trần ai. Những dòng thơ băng qua triền phược của rừng ý niệm với những “vết thương óng nhựa” để phiền lụy trơn trượt khỏi nghĩa nhân sinh. Có dòng thơ nhẹ tênh, ngữ ngôn hồ như bóng lá rụng bên hiên cổ tự. “Người tìm gì ở phía xa xôi”? Thơ Duyên An thường không cố tìm gì, đơn giản là “thấy”, để thấm cuộc trở về, ở đó thì sẵn mênh mang. Duyên An tên thật là Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, sinh năm 1980, đã có một số đầu sách truyện cho thiếu nhi, hiện sống và dạy học, nghiên cứu, sáng tác ở Bình Định; có thơ đăng ở các báo và tạp chí. Duyên An tâm sự: “Làm thơ trước hết là viết cho mình, lưu lại những cảm xúc, những khoảnh khắc mình muốn giữ, cùng với, tìm kiếm những đồng điệu sẻ chia giữa vô tận cõi người”. Tạp chí Sông Hương giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ của tác giả Duyên An. |
Rừng già
Ngón mềm địa y, dương xỉ, rong rêu
Vòng ôm ràng rịt trăm năm
Tầng nối tầng, cây nối cây,
cao thấp nương nhau chia từng chùm sáng
Lá phổi xanh chằng chịt mạch máu
Cộng sinh và tồn sinh.
Lưỡi dao thản nhiên lia qua đời cây
Bàn chân giày bầy rêu trên đất
Cây nằm đau vết thương óng nhựa
Đá nằm đau nứt toác thân mình
Rừng nằm đau giống loài biến mất
Nước mắt rong rêu thành nước mắt rừng
Ai nghe, ai không nghe?
Nước mắt rừng cạn khô
Tầng vỉa lòng người
Trơ đáy.
Cổ tự
Thả từng câu rêu mềm bậc đá
Trải lời chim thong thả nhịp non ngàn
Từng bóng nắng loang nỗi niềm cô tịch
Gió mười phương thơm thoảng phiến u lan.
Chân bước chậm để nghe từng giọt lá
Giọt kinh văn rơi xuống từ trời
Kinh không chữ từng phút giây biến ảo
Người tìm gì ở phía xa xôi.
Từng bậc lên để hay mình bé lại
Ngửa mặt trông vòi vọi non xanh
Hãy ngồi xuống để biết mình là đá
Đã mòn từ tiền kiếp mù tăm.
Từng bước sóng âm âm lời cổ tự
Trong đá kia có tiếng biển rì rào
Xanh đã biếc giữa trập trùng xám bạc
Hạt muối người thôi mặn với xưa sau.
Cây cầu đổi màu
Tôi tìm gì
đêm mùa hạ rạc rài bảng đèn xanh đỏ
tự hỏi cây cầu sẽ đổi màu gì ở giây tiếp theo
và đoán trật
đơn giản vậy tôi còn không biết.
Mình đã như sông
chị đã cười nụ cười sen, đã nhịp đôi guốc gỗ và nắm tay em
thật chặt
tấm ảnh của chúng ta sau lưng có cây cầu đổi màu
khi màu ảnh lạt đi, nụ cười ấy em còn nhớ.
Đã mưa xóa dấu Hoàng thành
đã vui như trẻ thơ dù không biết mình đang về đâu
mùa hạ vẫn sen
chỉ chúng mình chẳng thể nào trở lại
dù gõ guốc đến rộp chân.
Cây cầu giây sau sẽ đổi màu gì
em không biết
xòe tay chỉ thấy sông trôi.
(TCSH426/08-2024)