Ông minh định quan điểm nghệ thuật và quan điểm sống của mình như sau: “Không có sự cách biệt cứng nhắc giữa cái thật và cái không thật, giữa cái thật và cái giả. Một sự vật không nhất thiết là thật hay giả, mà có thể cả thật lẫn giả. Tôi tin rằng lời khẳng định ấy vẫn có nghĩa và vẫn được áp dụng trong việc tìm tòi sự thật thông qua nghệ thuật. Vì vậy với tư cách nhà văn tôi ủng hộ sự khẳng định ấy nhưng với tư cách công dân thì không thể thế được. Với tư cách công dân tôi phải hỏi: “Cái gì là thật? Cái gì là giả?” Về Thơ, ông bộc lộ: “Đôi khi trong các bài thơ tôi chỉ mơ hồ ý thức về nguyên cớ hoạt động của mình, và công việc tiến triển theo luật lệ của riêng nó, mà tôi chỉ là kẻ môi giới như nó vốn là thế. Nhưng... nếu không có ý thức thì càng tốt hơn nhiều.” Thơ Harold Pinter thường ngắn, giàu suy tưởng. Người đọc cần phải đọc đi đọc lại bài thơ, để đến một lúc nào đó, một “tia chớp ý nghiã” sẽ hiện ra với chính bạn. Sau đây Sông Hương xin giới thiệu một số bài thơ của ông qua bản tiếng Việt của nhà thơ Hoàng Hưng, chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Anh.
HAROLD PINTER (Giải Nobel văn chương 2005)
Thượng đế
Thượng đế nhìn vào trái tim bí mật của mình Để tìm ra một lời Ban phúc lành cho đám người dưới thế
Nhưng ông hoài công nhìn tới nhìn lui Và van nài các hồn ma sống lại Nhưng chẳng nghe bài ca nào trong căn phòng ấy Ông nhận ra với nỗi đau cháy bỏng nghiệt ngã Mình chẳng có phúc lành nào để ban tặng cả
Thơ
Đèn đóm sáng trưng Điều gì tiếp theo đây nhỉ?
Đêm xuống rồi Mưa ngừng rơi Điều gì tiếp theo đây nhỉ?
Đêm sẽ vào sâu Hắn không biết được Tôi sẽ nói gì với hắn đây
Khi hắn đi rồi Tôi sẽ có một lời trong tai hắn Và nói cái điều tôi sắp nói Trong buổi gặp gỡ sắp xảy ra Mà bây giờ đã xảy ra rồi
Nhưng hắn chẳng nói gì Về buổi gặp gỡ sắp xảy ra Chỉ bây giờ hắn mới quay lại và mỉm cười Và thì thầm: “Tôi không biết Điều gì tiếp theo đây?”
Tặng vợ
Anh đã chết và bây giờ anh sống Em nắm tay anh
Anh đã chết thật rồi Em nắm tay anh
Em dõi nhìn anh chết Và tìm ra sự sống của anh
Em là sự sống của anh Khi anh đã chết
Em là sự sống của anh Vậy là anh sống
HOÀNG HƯNG chuyển ngữ
(nguồn: TCSH số 216 - 02 - 2007)
|