Billy Collins (sinh ngày 22/3/1941) là thi sĩ nổi tiếng ở Mỹ. Ông đã từng hai lần được bầu là Thi bá, hay còn gọi là Nhà thơ danh dự (Poet Laureate) của Hoa Kỳ, lần đầu vào năm 2001 và lần thứ hai vào năm 2003. Trong các năm từ 2004 đến 2006 ông được bầu là Thi sĩ của bang New York.
Ông là giáo sư của nhiều trường đại học Mỹ trong đó có trường Lehman College và trường City University New York. Là Thi bá Hoa Kỳ, Billy Collins đã từng đọc bài thơ The Names của mình tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Mỹ ngày 6/9/2002 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân của vụ khủng bố 11/9. Tác giả Bruce Weber có lần viết trên tờ New York Times rằng Billy Collins là nhà thơ “được yêu thích nhất nước Mỹ”. Còn nhà thơ, nhà văn, đồng thời là nhà phê bình văn học nổi tiếng John Updike cũng không tiếc lời ca ngợi các tác phẩm thơ của Billy Collins. Ông này cho rằng các bài thơ của Billy Collins “đáng yêu, trong trẻo, dịu dàng, luôn gây sửng sốt, và thường nghiêm túc hơn là cái vẻ của chúng.” Trong thế giới thơ hiện đại chưa có nhà thơ nào thu hút độc giả bằng Billy Collins. Các buổi đọc thơ của ông thường xuyên hết vé. Hiện ông là nhà thơ có nhiều người đọc nhất ở Mỹ. Theo từ điển mở Wikipedia, khi chuyển từ nhà xuất bản University of Pittsburgh Press sang nhà xuất bản Random House, Billy Collins nhận được khoản tiền tạm ứng cho hợp đồng in ba tập sách lên đến 6 con số, và đó cũng là điều chưa từng thấy trong lịch sử thi ca. Tạp chí Poetry của Mỹ đã nhiều lần trao tặng giải thưởng thơ cho Billy Collins. Năm 2004 tạp chí này vinh danh ông là Nhà thơ của năm. Và năm 2005, Billy Collins được tặng giải thưởng Mark Twain do trong thơ ông có yếu tố hài hước.
Lương Duyên Tâm (giới thiệu và dịch)
Im lặng
Có sự im lặng bất ngờ từ đám đông
khi vận động viên trên sân ngừng di chuyển
và có sự im lặng của hoa phong lan
Sự im lặng của chiếc lọ đang rơi
trước khi nó đập xuống sàn nhà
sự im lặng của cái roi không quất vào đứa trẻ
Sự im lặng của cái chén và của nước trong đó
sự im lặng của mặt trăng
và sự im lặng của ban ngày cách xa tiếng gầm rú của mặt trời
Sự im lặng khi anh ôm em vào lòng
sự im lặng của cái cửa sổ phía trên chúng ta
sự im lặng khi em đứng lên và quay đi
Và đó là sự im lặng của buổi sáng
mà anh đã phá vỡ bằng cây bút của mình
sự im lặng chất chồng hằng đêm
giống như tuyết rơi trong bóng tối ngôi nhà
sự im lặng khi anh viết một từ
và sự im lặng này còn tệ hơn.
Nhật Bản
Hôm nay anh giết thời gian
Bằng cách đọc những bài thơ haiku
Từng từ từng từ một.
Anh cảm thấy như thể đang ăn
Những quả nho hoàn hảo nhỏ bé giống nhau
Từng quả, từng quả một.
Anh đi dọc nhà và đọc thơ.
Để cho những con chữ rơi xuống
Qua bầu không khí từng căn phòng.
Anh đọc thơ bên sự im lặng to lớn của chiếc đàn dương cầm.
Anh đọc trước bức tranh vẽ biển
Anh đánh nhịp lên cái giá sách trống.
Anh lắng nghe mình đọc thơ
Rồi anh đọc mà không lắng nghe
Sau đó anh lắng nghe mà không đọc.
Và khi con chó ngước nhìn anh
Anh quỳ lên sàn nhà
Đọc thầm vào từng cái tai dài màu trắng của nó.
Đó là câu thơ nói về cái chuông chùa
Với con bướm đêm ngủ trên mặt chuông
Và bất cứ khi nào đọc câu thơ ấy
Anh lại cảm thấy áp lực đau khổ của con bướm
Đè lên bề mặt cái chuông.
Khi anh đọc thơ cạnh cửa sổ
Cái chuông là thế giới
Còn anh là con bướm đậu ở đó.
Khi anh đọc bên cái gương
Anh là cái chuông nặng
Còn con bướm là thế giới với đôi cánh mỏng như giấy.
Sau đó, khi anh đọc câu thơ ấy cho em nghe trong bóng tối
Em là cái chuông
Và anh rung chuông em,
Rồi con bướm bay đi
Nó chuyển động như chiếc bản lề trong không khí trên
chiếc giường của chúng ta.
Đồ án
Tôi đổ một lớp muối lên mặt bàn
rồi dùng ngón tay vẽ một vòng tròn.
Đó là vòng đời
tôi nói một mình.
Đó là vòng tròn định mệnh
là vòng Bắc cực
là cung đường Kerry
là bông hồng trắng ở Tralec.
Tôi nói với các linh hồn của gia đình tôi,
với những người cha đã khuất,
với bà cô bị chết đuối,
với những người anh người chị chưa sinh,
với những đứa con chưa sinh.
Đó là mặt trời với những tia lấp lánh
và mặt trăng cay đắng.
Đó là vòng tròn tuyệt đối của hình học.
Tôi nói với vết nứt trên tường
với con chim bay ngang qua cửa sổ.
Đó là vòng tròn tôi vừa phát minh
quay quanh cuộc đời còn lại của tôi.
Tôi nói
khi chạm ngón tay mình vào lưỡi.
(SH301/03-14)