Phê bình toàn cảnh
Về vấn đề xây dựng nền lí luận văn học Việt Nam – lí thuyết và thực tiễn
16:33 | 06/02/2015

Vấn đề xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cũng có mong ước đóng góp sức mình vào sự nghiệp này.  Muốn làm được thế thiết nghĩ nên suy nghĩ thấu đáo về khái niệm, nguyên lí, phương châm, phương pháp thì việc thực hiện mới có cơ sở và hiệu quả.

Về vấn đề xây dựng nền lí luận văn học Việt Nam – lí thuyết và thực tiễn
GS Trần Đình Sử

Câu hỏi đầu tiên cần trả lời là có hay không cái gọi là “nền lí luận văn học Việt Nam”? Theo suy luận thông thường, có người cho rằng lí luận văn học là khoa học về văn học, mà khoa học thì có tính phổ quát, là không biên giới, không có tính địa phương, dân tộc nào cả. Chẳng hạn như toán học, ngữ âm học, hình học, giải tích học, logich học, đều là môn học có tính quốc tế. Nếu có nói “một nền lí luận văn học Việt Nam” thì chỉ có nghĩa là “lí luận văn học ở Việt Nam”, giới hạn bởi thời gian và địa điểm, chứ không có lí luận mang tính Việt Nam. Quan điểm này có khiếm khuyết là chưa phân biệt khoa học với nghiên cứu nhân văn. Vật lí học, hóa học, sinh học, sinh lí học…là các nghiên cứu thế giới vật chất, tức là nghiên cứu “vật”, đó là khoa học. Hình học, số học, giải tích nghiên cứu các quan hệ về số lượng, hình thái sự vật cũng là thuộc khoa học. Đặc trưng khoa học là đòi hỏi tính chất chính xác, chặt  chẽ, các chân lí được kiểm nghiệm bằng sự thật.  Còn nghiên cứu văn học, triết học, nghiên cứu lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu con người, chủ yếu là đời sống tinh thần của con người được biểu hiện qua các hệ thống kí hiệu thì không thể nào chính xác và không dễ kiểm tra bằng sự thật được. Viện sĩ D. X. Likhachev nói, văn học bản thân nó có chính xác đâu, cho nên nghiên cứu văn học không thể chính xác. Văn học sáng tác bằng hư cấu cũng không thể kiểm tra bằng sự thật. Nghiên cứu văn học ở phần nền tảng, ví như nghiên cứu văn bản, có thể yêu cầu chính xác trong trích dẫn, lựa chọn văn bản. Song ở đây cũng gặp trở ngại không thể vượt qua. Ví dụ xác định một văn bản cổ. Xin nói, việc tìm ra văn bản Truyện Kiều của Nguyễn Du, văn bản củaTruyện Kiều nguyên tác thì cho đến nay không thể tìm được, chừng nào người ta chưa phát hiện ra thủ bút của Nguyễn Du. Việc đi tìm nguyên tác Truyện Kiều, thực ra chỉ đẻ ra thêm các dị bản mà thôi. Tất nhiên dị bản sau có thể tốt hơn dị bản trước, song chưa phải là nguyên tác. Việc giải thích văn bản lại càng khó đòi hỏi khoa học chính xác. M. Bakhtin, người phân biệt khoa học với nghiên cứu nhân văn bằng tiêu chí nghiên cứu vật và nghiên cứu con người, cho rằng, đối với nghiên cứu nhân văn, người ta chỉ áp dụng tiêu chí nghiên cứu sâu sắc hay không, chứ không dùng tiêu chí chính xác. Ở nghiên cứu nhân văn chỉ có nghiên cứu sâu và nghiên cứu nông cạn, có phương pháp và không có phương pháp. Như vậy trước hết hãy rạch ròi phân biệt khoa học với nghiên cứu nhân văn, không lẫn lộn hai lĩnh vực đó.

Có ý kiên cho rằng, “Lí luận văn học cũng như tất cả các khoa học khác, chứa đựng những khái niệm, thuật ngữ xác định, có đối tượng nghiên cứu riêng, được giảng dạy tương đối thống nhất ở các nước khác nhau trên thế giới. Theo nghĩa đó, không thể có Lí luận văn học Việt Nam hay Lí luận văn học Pháp, Lí luận văn học Nga, Lí luận văn học Mỹ … mà chỉ có Lí luận văn học ở Việt Nam, Lí luận văn học ở Pháp, ở Nga, ở Mỹ…”. Quan điểm này phạm vào lỗi bản chất chủ nghĩa và lỗi quá tin vào đại tự sự. Toàn bộ lí luận văn học của nhân loại là một đại tự sự mà mỗi nền lí luận cụ thể chia nhau cái đại tự sự ấy. Trong thời đại đại tự sự bị hoài nghi như hôm nay, cái gọi là khoa học phổ quát ấy đã lung lay tận gốc.

Quan điểm trên còn có một khiếm khuyết nữa, đó là chưa thấy bản chất diễn ngôn của lí thuyết văn học. Theo nhà lí luận Mĩ Jonathan Culler trong sách Dẫn luận rất ngắn về lí luận văn học (1998), khái niệm lí luận có hai phương diện. Một là, các định lí đã được chứng minh, ví dụ thuyết tương đối của Enstein. Đó là khoa học tự nhiên. Còn một phương diên khác, “Lí luận là một sự suy đoán, nó không thể là cái mà chỉ nhìn một cái là biết ngay, nó liên quan đến một hệ thống các mối quan hệ chằng chịt phức tạp; hơn nữa, muốn chứng thực nó hay muốn lật đổ nó đều không dễ”. Theo Richard Rorty, lí luận là một thứ tổng hợp của các thứ như đánh giá văn học, lịch sử tư tưởng, triết học luân lí, dự báo xã hội… hợp lại mà thành. Lí luận là những cách biểu đạt có lí, hợp lí, dùng để sửa chữa những ngộ nhận thường ngày  (trích dẫn theo sách của Culler). Hiểu như thế thì lí luận nói chung là một thứ diễn ngôn. Lí luận văn học cũng chỉ là diễn ngôn. Muốn chứng thực nó không dễ, mà muốn bác bỏ nó cũng khó. Diễn ngôn lí luận phải được biểu đạt bằng ngôn ngữ, thuật ngữ, nó có khung tri thức, có tính ý thức hệ, có tính quyền lực.  Nó liên quan đến các quy ước nên nói gì, nói thế nào và không được nói gì…Lí luận này đương nhiên có tính phổ quát, song cái phổ quát của nó không đi ra ngoài các giới hạn của diễn ngôn. Lí luận này không có tính chân lí như khoa học. Chân lí của nó thay đổi theo thời gian. Như vậy đã đến lúc chúng ta nên điều chỉnh cách hiểu của mình về lí luận nói chung và lí luận văn học nói riêng, khẳng định bản chất xã hội, lịch sử của lí luận văn học, chứ không thể một mực nhìn nó như một hoạt động nhận thức trên bình diện nhận thức luận thuần túy mà chân lí có thể chứng minh được.

Đứng về phương diện diễn ngôn mà xét thì vấn đề sẽ khác. Diễn ngôn có bốn tính chất cơ bản. Một là phương diện ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây không phải là công cụ biểu đạt, mà là phương diện kiến tạo thế giới. Hai là phương diện hệ tri thức. Ba là phương  diện ý thức hệ. Bốn là phương diện quyền lực.

Xét phương diện thứ nhất là ngôn ngữ kiến tạo thế giới. Mỗi ngôn ngữ có một bức tranh thế giới khác nhau, cho nên khó có sự trùng hợp, khó có thể phiên dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không bị mất mát về nội dung biểu đạt. Ngôn ngữ của lí thuyết là thuật ngữ. Cái gọi là “thuật ngữ xác định” là vấn đề cần bàn. Bởi các thuật ngữ thông dụng như văn hóa, văn học, nghệ thuật, tác phẩm, tác giả… thì mỗi thuật ngữ có hàng trăm định nghĩa khác nhau, khi sử dụng phải giới thuyết cụ thể.. . Khó nói là xác định. Chỉ xác định trong trường hợp cụ thể chứ không xác định ở phương diện phổ quát. Chúng ta thường nói đến Lí luận văn học, nhưng theo J. Culler thì chỉ nên nói “lí luận” mà thôi, lí luận văn học không lấy gì làm quan trọng nữa. Ngày nay có mốt gọi lí luận văn học là thi học, trong khi giữa chúng có nhiều điểm khác nhau.  Trong quan niệm hậu hiện đại, mọi người thích nói lí thuyết hơn nói lí luận, và có nhiều lí thuyết, giống như có nhiều triết thuyết, không phải là một lí thuyết giống nhau, không có lí thuyết nào đúng hơn lí thuyết nào. Cái quan niệm cho rằng trên thế giới chỉ có một lí luận văn học thống nhất chỉ là niềm tin vào đại tự sự. Nếu thế giới ấy là phương Tây thì có nhiều phần giống nhau. Nếu hiểu thế giới gồm cả Đông lẫn Tây thì lại khác. Xét về phía biểu đạt ngôn ngữ, về cái cách mà ngôn ngữ kiến tạo thế giới, thì mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa có bức tranh thế giới khác nhau, họ kiến tạo bức tranh văn học khác nhau, bức tranh lí luận văn học khác nhau. Lí luận văn học Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Ba Tư có những quan niệm, thuật ngữ hoàn toàn khác xa nhau, khó nói có cái chung trong lí thuyết. Trong khi lí thuyết cổ đại Hi Lạp nói “nghệ thuật mô phỏng tự nhiên” thì ở Trung Hoa người ta nói “văn dĩ tải đạo”, “Thi dĩ ngôn chí”, hai phương hướng trái ngược. Trong lí thuyết cổ Hi Lạp chủ yếu bàn về kịch, thì lí thuyết Trung Hoa cổ chủ yếu nói về thơ. Hệ thống thuật ngữ, hệ thống  thể loại của hai nền lí luận hoàn toàn khác nhau, phạm trù thẩm mĩ cũng khác nhau, rất khó có thể dịch ra tiếng nước khác mà không bị mất mát, xô lệch. Ông Lưu Nhược Ngu, người Mĩ gốc Hoa, trong cuốn sách nổi tiếng Lí luận văn học Trung Quốc, đã dùng lí luận văn học phương Tây để diễn giải lí luận văn học Trung Quốc, kết quả người ta nhận thấy, ông đã nhìn lí luận Trung Quốc cổ đại qua con mắt phương Tây, trên thực tế là đem lí luận Trung Quốc mà minh họa cho lí thuyết phương Tây, và đánh mất bản sắc lí luận Trung Quốc, bởi ông đã phiên dịch diễn ngôn lí luận Trung Quốc sang diễn ngôn của lí luận phương Tây. Điều này tương tự như có người phiên dịch hai chữ “Nguyên đạo” trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp thành “Văn bắt nguồn từ tồn tại khách quan”. Ở Trung Quốc xưa không hề có cái đối lập khách quan và chủ quan, bởi tâm tức đạo. Một sự đánh tráo như thế thì được bên này sẽ làm mất bên kia.  Điều này cho thấy khó tìm ra “thuật ngữ chung”.

Vậy lí luận văn học hiện đại trong bối cảnh giao lưu, hội nhập thì sao? Hinh như trong thời hiện đại xu thế phương Tây hóa đã làm cho lí luận văn học trên các nước đi đến thống nhất, đồng nhất. Trước hết là các nước phương Tây, họ có cùng cội nguồn thuật ngữ và phong cách tư duy từ thời cổ Hi Lạp, La Mã, có chung truyền thống triết học, mĩ học, có chung truyền thống duy lí với các bộ môn logich học, tu từ học, thi pháp học, có chung nguyên tắc nhị nguyên. Đặc biệt, họ có cội nguồn ngôn ngữ Latinh, các thuật ngữ của họ phần nhiều chỉ khác cái đuôi. Ngay lí thuyết Nga, theo hệ thống ngôn ngữ Slavo, người ta dùng cách chuyển chữ để dùng chung thuật ngữ. Tuy vậy quan sát kĩ cũng sẽ thấy, các khu vực văn hóa khác nhau có cách tiếp cận khác nhau. Lí thuyết hình thức  Nga hầu như nửa thế kỉ sau mới vào phương Tây. Ba bốn chục năm sau lí thuyết phương Tây mới vào Nga.  Nga hiện nay vẫn tập trung phát triển nghiên cứu thi pháp học lí thuyết và thi pháp học lịch sử, trong khi nghiên cứu Mĩ chuyển hướng sang nghiên cứu văn hóa. Pháp là nơi phát triển chủ nghĩa cấu trúc và giải cấu trúc, nhưng sang những năm 80 trở đi giải cấu trúc phát triển ở Hoa Kì. Pháp là nơi phát tích của tự sự học nhưng Mĩ mới là nơi mấy chục năm sau phát triển lí thuyết tự sự học hậu kinh điển. Ông Terry Eagleton nhà lí luận mác xít Anh có nói rằng, bất cứ lí thuyết nào từ lục địa châu Âu vào, chỉ có cái gì thích hợp thì mới cho cập bến, còn không thì gửi trả lại. Đó là lập trường độc lập của người Anh. Trong khi đó ở Pháp Antoine Compagnon trong sách Con qủy của lí thuyết đã bày tỏ một sự hoài nghi hậu hiện đại đối với toàn bộ lí luận văn học hiện có.  Như thế lí luận văn học các nước không chỉ phát triển không đồng đều, mà còn khác nhau về khung tri thức. Các nhà cấu trúc Pháp tập trung vào cấu trúc văn bản, trong khi nhà cấu trúc Mĩ là  J. Culler trong sách Thi pháp học cấu trúctập trung vào cấu trúc của năng lực tiếp nhận của người đọc. Từ đó khó nói toàn thế giới có chung một lí luận văn học như là một khoa học thống nhất, mà hoàn toàn có thể nói lí luận văn học Pháp, lí luận văn học Anh, lí luận văn học Nga, lí luận văn học Đức… Tất nhiên sự giao lưu làm nảy sinh mối quan tâm chung và cái chung, song không xóa bỏ sự khác biệt..

Lí luận văn học đòi hỏi phải giao lưu và phiên dịch từ tiếng này sang tiếng khác. Cuộc “du hành” của lí luận văn học từ vùng này sang nước khác dẫn đến sự đọc nhầm, sự biến đổi, tiếp biến. Khi thuật ngữ của lí thuyết phương Tây dịch sang ngôn ngữ Đông Á thì cái hàng rào ngôn ngữ đã làm đổi thay hệ thống thuật ngữ.  Một thuật ngữ Hermeneutics mà khi sang Trung Quốc được dịch thành giải thích học, xiển thích học; sang tiếng Việt lại dịch thành chú giải học, giải thích học, thông diễn học, tường giải học, thì đâu là thuật ngữ thống nhất?  Một khi thuật ngữ dịch khác nhau sự hiện diện của nó đã khác  so với thuật ngữ gốc. Mỗi cách dịch bao hàm một cách hiểu khác nhau. Văn học so sánh hiện đại đã phân biệt rạch ròi “văn học nước ngoài” với “văn học dịch”. Cái trước là văn học nguyên ngữ đối với người bản ngữ còn cái sau là văn học dịch đối với người đọc phi bản ngữ xa lạ. Dạy văn học nước ngoài qua bản dịch thực chất là dạy văn học dịch, không thể đồng nhất với văn học nước ngoài. Phải chăng chúng ta cũng cần phân biệt lí thuyết văn học nước ngoài với lí thuyết văn học dịch? Sự dịch thuật ngữ nói trên đã phức tạp, chưa nói gì đến chất lượng dịch. Có người dịch chuyên môn, có người nghiệp dư, có người dịch như là hủy hoại nguyên bản, có nơi bản dịch bị cắt xén, lược bớt, bị biên tập lại. Tác phẩm lí thuyết nguyên bản nghiên cứu trên cứ liệu văn học nước họ, tập quán của họ, người dịch nhiều khi không hề biết đến các tác phẩm mà nguyên bản nghiên cứu phân tích  thì hiểu làm sao? Có người kêu trời về bản dịch Mĩ học của Hegel bằng tiếng Việt. (Thật ra, bản dịch ấy khi dịch không nhằm xuất bản, mà chỉ nhằm in ronéo để tham khảo nội bộ, thêm nữa người dịch ở trong tâm thế dịch cho đủ định mức về số trang do cơ quan yêu cầu, thì người dịch cũng khó mà yêu cầu cao được.) Thật khó nói tới cái chung toàn vẹn giữa lí thuyết nước ngoài với lí thuyết văn học dịch. Đó là chỉ mới nói về phương diện ngôn ngữ.

Về phương diện tri thức, thường thì người ta hay “suy bụng ta ra bụng người”, nghĩa là đem cái vốn văn hóa của dân tộc mình trong giai đoạn nào đó để hiểu lí thuyết văn học nước ngoài. Trên kia có nói nhiều người dịch chưa hiểu thấu bề sâu học thuật của nguyên tác, cho nên chủ yếu dịch lí thuyết qua mặt chữ và hiểu theo ngữ cảnh của mình. Nhiều người dịch và thuật lại qua bản thuật của người khác, tiếng khác, không kiểm soát được độ chính xác, đúng sai. Ngay như việc tiếp nhận lí thuyết văn học Xô viết trong những năm trước 1975 chúng ta cũng chỉ tiếp nhận phản ánh luận, ý thức hệ, tính giai cấp, tính nhân dân, tính đảng cộng sản,thế giới quan và sáng tác, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Về phần lí thuyết tác phẩm thì chú trọng nguyên lí nội dung quyết định hình thức, chống chủ nghĩa hình thức triệt để. Từ những năm 60 tác phẩm của Bakhtin đã in lại lần lượt,Những vấn đề thi pháp Đostoievski in năm 1963, Francois Rabelaise và văn hóa dân gian thời Phục hưng và trung cổ in năm 1965, bộ Lí luận văn học dưới ánh sang của quan điểm lịch sử ba tập của Viện văn học thế giới mang tên Gorki in từ 1963 đến 1965, nhưng ở Việt Nam không mấy được  để ý, vì chúng ta hình như đã thỏa mãn với các tri thức lí thuyết nói trên, không cần gì thêm nữa. Về mĩ học thì chỉ tiếp thu cuốn Các phạm trù mĩ học của Ju. Borev viết năm 1959. Sau đó tác giả đã điều chỉnh, bổ sung nhiều phiên bản khác, nhất là phiên bản Mĩ học năm 1975, mà ở ta vẫn chỉ lưu hành  bản viết năm 1959. Các sách dịch lí thuyết Liên Xô chủ yếu là của Timofeev, Vanslov, Bagienova, An. Dremov, Abramovich, …phần nhiều không phải là học giả nổi tiếng nhất. Đem so các bộ giáo trình lí luận văn học của Việt Nam biên soạn với các giáo trình của các học giả Liên Xô thời ấy ta cũng thấy một khoảng cách xa về trình độ học thuật. Phương châm biên soạn của ta là tinh giản, cơ bản, Việt Nam, vì điều kiện chiến tranh không yêu cầu học nhiều. Giáo trình lấy thực tế văn học Việt Nam để minh họa cho lí luận. Sau năm 1975 với nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp ra đời, nhu cầu biên soạn giáo trình công phu dày dặn bắt đầu, song tuy số trang dày hơn mà về nội dung không có gì thay đổi. Thực trạng đó cho thấy khung tri thức lí luận văn học ở Việt Nam rất hạn chế so với bức tranh lí luận của Liên Xô chứ chưa nói so với thế giới đương thời.

Xét về mặt ý thức hệ thì lại thấy thêm một phương diện nữa của diễn ngôn lí luận văn học Việt Nam. Do không khí chiến tranh lạnh và do không khí đấu tranh tư tưởng trong phạm vi các nước xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giữa chủ nghĩa Mác và các thứ lí luận phi mác xít rất căng thẳng, lí thuyết không thể đi ra ngoài phạm vi được lựa chọn như trên. Quan điểm lí luận của ta là lấy chủ Mác – Lênin làm nền tảng, chống chủ nghĩ duy tâm, chồng lí thuyết tư sản, chủ nghĩa xét lại hiện đại đã vẽ ra một bức tranh méo mó về lí thuyết văn học phương Tây, khu vực phi mác xít. Ngay từ thời Đề cương văn hóa của Trường Chinh đã đề ra chủ trương phải làm cho chủ nghĩa  hiện thực xã hội chủ nghĩa chiến thắng,chống tất cả các lí thuyết và sáng tác phương Tây, từ chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa  siêu thực. Quan điểm đó dẫn đến thái độ phủ định đối với hầu hết sáng tác của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Các nhà lí luận Việt Nam như Tố Hữu, Hoàng Xuân Nhị, Hồng Chương, Hoàng Trinh, Phan Cự Đệ, Đỗ Đức Hiểu và nhiều người khác đã mô tả văn học và lí thuyết phương Tây, chủ nghĩa xét lại hiện đại như một cái gì quái dị, phản nhân loại, kẻ thù của lí trí, trụy lạc, suy đồi. Đồng thời bất kì ý kiến nào muốn đề cập vấn đề tính chân thực của văn học, về chủ nghĩa nhân đạo, con người, hoặc đổi mới hình thức, quan tâm nhu cầu của người đọc đều bị phê phán và chụp cho cái mũ lệch lạc, hình thức chủ nghĩa, tư tưởng tư sản và bị cấm đoán. Mọi sáng tác có tính đa nghĩa đều coi là có vấn đề, chống sáng tác biểu tượng hai mặt. Hệ quả tác động của ý thức hệ đã làm cho lí luận văn học những năm chiến tranh lệch hẳn về một phía, thu hẹp vào một vài chủ đề, cản trở mọi nghiên cứu tìm tòi về nghệ thuật.  Mãi đến sau năm 1975, mà thực chất phải đến những năm 80, khi Liên Xô có thái độ cởi mở hơn, chú trọng cá tính sáng tạo, con người, thi pháp…, thì trong các giáo trình Đại học sư phạm mới có bài nói đến tính người, tiếp nhận văn học, có sự quan tâm đến hình thức nghệ thuật. Và từ thời Đổi mới mới có ít nhiều sự thay đổi. Mãi đến khi Việt Nam hội nhập quóc tế thì tinh hình mới có sự khởi sắc.

Cuối cùng phải nói tới yếu tố quyền lực của diễn ngôn. Quyền lực diễn ngôn là sức mạnh khống chế người nghe bằng các phương tiện: địa vị xã hội của người nói, trích dẫn kinh điển, văn kiện, lạm dụng sự nhân danh, lạm dụng các đại từ. Trong điều kiện đảng lãnh đạo toàn diện hệ thống diễn ngôn chính trị khống chế diễn ngôn học thuật. Nguyên tắc tính đảng phát huy vai trò tự khống chế ở bên trong, tự giới hạn các tìm tòi suy nghĩ của nhà nghiên cứu. Sự diễn giải các tìm tòi nghệ thuật và học thuật bằng diễn ngôn chính trị, các cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị trong lí luận hết cuộc này đến cuộc khác đã làm cho khung tri thức vốn đã hạn hẹp lại càng thêm hẹp. Sự lãnh đạo, khống chế bằng cả hệ thống chính trị đã giới hạn sự vận động của bản thân lí luận văn học. Từ ngày đổi mới và hội nhập thế giới Đảng cộng sản Việt Nam đã nhiều lần ra nghị quyết đổi mới cơ chế quản lí, khắc phục một số biện pháp cứng nhắc trước đây, nhưng nhà văn Việt Nam đã có kinh nghiệm, bao giờ họ cũng chờ sự cho phép. Mặc  dù một số nghị quyết trung ương đã có câu khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo, khuyến khích đa dạng hóa phương pháp và phong cách nghệ thuật, tăng cường tiếp thu, phát huy dân chủ, đối thoại… nhưng trong thực tế chưa mấy khi có đối thoại thật sự về học thuật, chỉ có đấu tranh một chiều và không có hồi âm trở lại. Phải chăng đó là do những người thừa hành vẫn chưa quán triệt tinh thần của các nghị quyết?

Tổng hợp bốn phương diện trên của diễn ngôn lí luận, thì có thể nói, lí luận văn học Việt Nam hiện có từ trước đến nay chính là lí luận văn học Việt Nam. Nó đúng là “lí luận văn học ở Việt Nam”, nhưng đồng thời cũng là lí luận văn học Việt Nam, một thực thể riêng biệt và khác biệt so với lí luận văn học thế giới. Đó chính là lí luận văn học “made in Việt Nam”, mang tính chất Việt Nam, sản phẩm của xã hội, lịch sử. Lí luận văn học Việt Nam sau 1986 đang dần dần được “tái cấu trúc”, nói theo từ ngữ thời thượng ngày nay, một cách chậm chạp ở một vài phương diện để hướng tới một nền lí luận văn học hiện đại, nhân văn, mở, phát triển, đối thoại.

Một khía cạnh nữa tỏ rõ tính chất Việt Nam của lí luận. Đó là vấn đề gọi là “vận dụng” lí luận nước ngoài vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Những người theo thuyết “vận dụng” có cách hiểu siêu hình về “vận dụng”. Theo họ, vận dụng tức là sử dụng lí thuyết nước ngoài như là một công cụ có sẵn, nguyên xi, nguyên kiện, lấy đó mà áp dụng vào nghiên cứu văn học cụ thể theo chỉ dẫn của chính lí thuyết ấy. Thực tế không có chuyện giản đơn như vậy. Lí thuyết nước ngoài đi vào đầu người nghiên cứu thông qua bộ lọc của họ, được đào luyện thành quan niệm của họ rồi từ đó mới có sự vận dụng vào thực tế. Như vậy người nghiên cứu vận dụng quan niệm của chính mình chứ không phải vận dụng lí thuyết của người khác. Lí thuyết người khác chỉ là một gợi ý, một chỉ dẫn ban đầu. Theo quan niệm của một nhà nghiên cứu Mĩ, giáo sư Dambross trong báo cáo khoa học tại hội thảo quốc tế do Viện văn học tổ chức thì lí thuyết không tồn tại dưới dạng trừu tượng, mà tồn tại dưới dạng thực hành, dạng “làm”, mà mọi sự làm là đi từ quan niệm của chủ thể lí luận. Ví dụ ông Thiếu Sơn mở đầu lối “nghiên cứu nhân vật”, theo ông là mọi nhân vật, không đóng khung vào nhà văn học. Quan niệm ấy là của riêng ông. Ông Hoài Thanh phê bình thơ Mới theo lối “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” là cách của ông ấy không thể đồng nhất với phê bình ấn tượng như là một cuộc phiêu lưu vào tác phẩm của người khác. Ông Hoài Thanh không hề phiêu lưu. Lí thuyết của Trương Tửu là sản phẩm của quan niệm của ông ấy, không thể giản đơn quy về lí thuyết của H. Taine hay của Freud, hay của Marxism. Trong lí thuyết của ông dĩ nhiên có nhân tố của các tác giả kia, nhưng đồng nhất thì không. Trong công trình của ông có sự dung hợp theo quan niệm của ông ấy, hoàn toàn không có chuyện copy, vận dụng sống sít, máy móc hay mạo danh một phương pháp  nào đó. Trong các công trình nghiên cứu nói trên hoàn toàn không có việc trích dẫn nguyên xi một ý nào, câu nào, coi đó là khuôn vàng thước ngọc để mà áp dụng. Tất cả đều theo quan niệm của các ông ấy mà làm ra. Do đó có thể nói đó là lí thuyết của các ông ấy. Có thể tìm cội nguồn, dấu vết phương pháp của ông ấy ở đâu đó, từ ai đó, song không có chuyện áp dụng một phương pháp nào đó ở bên ngoài ông ta. Ta có thể thấy ông Đỗ Đức Hiểu nói về lí thuyết thi pháp trong công trình của ông ấy, nhưng liệu có thể xác định ông ấy vận dụng lí thuyết thi pháp của ông nào, bà nào cụ thể ở phương Tây được không?  Trong quá trình làm việc ông ấy đọc ông này ông kia, thấy có những điểm tâm đắc ông đem tổng hợp lại, kiến tạo thành diễn ngôn của ông ấy rồi đem vào thực tiễn phê bình của mình. Cho nên lí thuyết thi pháp của Đỗ Đức  Hiểu là của ông ấy, không phải vận dụng của một ai hết cả. Thực tế này bác bỏ cái quan niệm cho rằng sở dĩ nghiên cứu văn học ta chưa sâu chưa cao là do ta chưa học đến nơi đến chốn, chưa nắm được đầy đủ hệ thống lí thuyết nước ngoài để vận dụng. Qua những gì ông Đỗ Đức Hiểu trình bày lí thuyết về thi pháp, tôi có thể quả quyết rằng ông chẳng nắm có hệ thống bất cứ lí thuyết của ông nào, bà nào, mà chỉ nắm một khuynh hướng chung, diễn ngôn chung, và nhờ tài năng riêng mà ông ấy có được những thành tựu.  Có những nhà lí luận  không hiểu rằng, nếu nắm đủ hệ thống của lí thuyết nước ngoài thì vẫn là một hệ thống “của người khác”, không phải “của mình”, mà không phải của mình  thì không thể vận dụng được. Phương pháp nghiên cứu nói chung là cái không thể dạy nhau được, không thể bắt chước được, mà chỉ có thể tự ngộ ra mà làm được. Nếu vận dụng lí thuyết của người khác mà không ngộ thì chỉ là làm bài tập thực hành theo kiểu học trò mà thôi, đừng nói đến sáng tạo phù hợp với một đối tượng mới, khác xa so với đối tượng vốn làm cơ sở cho phương pháp ấy ở nguyên quán nước ngoài. Điều này cho thấy cái chủ trương mà có nhà lí luận đưa ra, rằng để hiện đại hóa lí luận thì trước hết bước đầu hãy bắt chước nước ngoài cũng là rất sai lầm vì thiếu hiểu biết thực tiễn lí luận. Điều này cũng một lần nữa cho thấy rằng, cái nền lí luận văn học mà chúng ta hiện có là lí luận của chúng ta, do ta hiểu, ta quan niệm và trình bày bằng thuật ngữ tiếng Việt với khái niệm của ta mà có.

Cách hiểu như trên về khái niệm nền lí luận văn học Việt Nam từ góc độ diễn ngôn cho phép chúng ta có thể quan niệm rằng muốn xây dựng một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại, xứng tầm thời đại và dân tộc như nhiều người mong muốn, vấn đề không phải là quán triệt tư tưởng này, chủ trương nọ, không phải học tập cho có hệ thống lí thuyết nước ngoài, mà then chốt là đột phá bốn yếu tố của diễn ngôn lí thuyết. Muốn thế thì xây dựng đội ngũ các nhà lí luận, nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ được học tập, sáng tạo tự do, để  họ tự kiến tạo hệ thống của riêng mình, phương pháp của mình, đem vận dụng vào thực tế văn học mà  họ tâm đắc. Căn cứ vào các bình diện của diễn ngôn cần phải trau giồi hệ thong thuật ngữ, chuẩn hóa nội hàm. Không ngừng mở rộng khung tri thức theo các giới hạn mà lí luận thế giới đang mở ra. Dân chủ hóa, đa nguyên hóa về ý thức hệ và  hệ thống quyền lực, thì chắc chắn một nền lí luận văn học Việt Nam hiện đại sẽ xuất hiện từ trong thực tế nghiên cứu sinh động theo tinh thần sáng tạo ấy. Trong quá trình này, tất có sự chọn lọc, sự điều chỉnh và cả sự phát kiến mới mang tính độc sáng, một điều mà chúng ta hằng mong đơị. Để có một nền lí thuyết văn học đích thực Việt Nam cần chống các quan niệm siêu hình, cách hiểu trừu tượng, xa rời bản chất sáng tạo của diễn ngôn lí luận văn học.

Hà Nội ngày đầu năm 2015.
Nguồn: Trần Đình Sử - Phebinhvanhoc

*Tham luận Hội thảo Lý luận văn nghệ Việt Nam đương đại – từ sự vận động của thực tiễn đến sự đổi mới của lý thuyết do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 4/2/2015, tại Hà Nội.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dịch là khác (19/01/2015)
Bùi Giáng "chơi" (09/01/2015)