Phê bình toàn cảnh
Chốn thân thiết
15:26 | 13/02/2015

Không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn nữa.

Chốn thân thiết
Lê Thiết Cương, Ngắm sen, 80x100, sơn dầu, 2014

Một lối đi

Thế giới ồn, những câu chuyện lớn, các sự kiện bộn bề, mình ngồi lại cùng nhau, vắng vẻ, ánh nến phập phồng, dăm diễn đạt lẻ loi, mơ hồ, kì cục, những sợi tóc rụng trong sự quên lãng của kí ức.

Đâu phải dễ dàng: lựa chọn trở nên riêng tư, thậm chí bảo bọc, nuôi dưỡng, làm nảy nở cái riêng tư ấy, không thuận chiều, không tự hoại trong những trật tự thiết lập sẵn, chịu đựng và nhất định không phải kẻ cam chịu.

Người có dám đối mặt với nỗi vô vọng này: tin và kiếm tìm chiều sâu và ý nghĩa của sự sống và nghệ thuật. Có gì sâu hơn cái bề mặt, có gì ý nghĩa hơn nỗi hư vô? Có gì tha thiết hơn những kí ức chấn động, những tưởng tượng không đáy đùa chơi, những từ ngữ xa lạ mở lối, những trang viết tự cất lời?

Đây, những bờ vực cheo leo, những lối nghĩ hẻo lánh, những hiện diện chực thương tổn nhưng không làm ra tội nghiệp, những tiếng nói tự từ chối thẩm quyền, những nỗi bận bịu kháng cự sức quyến dụ của ham muốn đạt năng suất, lợi ích, sự sáng rõ của các vấn đề, dây trói của các ý tưởng.

Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa.

Nỗi sợ các ranh giới

Để an toàn, ta phải xây thêm một số bức tường. Ta sẽ chỉ đi những lối đã mở, những con đường đã sáng đèn, những hướng rẽ hẳn sẽ đến được nơi nào đó.

Tránh xa cuộc đi sâu hút vào cõi riêng lẻ và ngôn ngữ đẫm bóng tối này, tránh xa trải nghiệm và thể nghiệm, vì người sẽ chẳng tới nơi nào cả.

Đừng khám phá điều bí nhiệm này: mọi ngôn ngữ gặp nhau nơi điểm giao cắt nối bầu trời và đại dương, ta tưởng nhìn thấy lằn ranh, nhưng lằn ranh đó luôn tự xóa dần chính nó cùng thủy triều và ánh sáng. Hiện diện của thơ, ở điểm giao cắt đó, xóa đi ảo giác về các đường kẻ. Thơ, ở điểm giao cắt đó, không còn bận bịu về bản gốc và bản dịch, chỉ mời gọi một sự đọc được chia sẻ giữa các ngôn ngữ, và không vẽ thêm những đường ngăn các trái tim.

Tôi nghĩ xa xôi về tiếng Việt, trong nỗi hi vọng mong manh bền bỉ về điểm va chạm và giao cắt thiết yếu giữa bầu trời và đại dương ấy. Một thứ tiếng Việt thơ, như mọi ngôn ngữ thơ, không chịu sự chi phối và điều khiển của những ý thức hệ mang tham vọng gia cố thẩm quyền, thậm chí độc quyền, những ý thức hệ có thể luôn nằm sẵn trong đời sống ngôn ngữ ta, đòi đóng khung ta trong những ô cửa sổ chật chội. Một thứ tiếng Việt thơ nơi người viết và người đọc nỗ lực không hiến mình vô tội cho những khuôn khổ, không ngừng tra hỏi, về chính những khuôn khổ, về khả năng rời bỏ và không thuộc về những khuôn khổ ấy.

Tại sao khi nghĩ về các ranh giới, tôi luôn nghĩ về tình yêu, hay ngược lại, nghĩ về tình yêu, để nghĩ về các ranh giới. Tình yêu, cùng lúc, đói khát đam mê và khao khát tự do khỏi những trói buộc xúc cảm, đòi hỏi được có nhau và đòi thủ tiêu các dạng quan hệ sở hữu quyền lực, chất vấn không ngừng về các khả năng của việc xóa bỏ, vượt qua hay sống trong/ngoài/cùng các ranh giới.

Khoảng chơi của những người sống cùng ngôn ngữ: nỗi cô đơn và sự can đảm đi qua các ranh giới nơi nơi sẵn bày.

Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn nữa.

Cuộc chuyện trò bất tận

Khi người phơi bày chốn riêng tư thân thiết ấy, tôi sẽ e dè: ngần ngại, thôi bước vào, để có cảm giác an toàn xa cách, hay bước vào, để nhận về nỗi lạ lẫm hồ nghi. Bước vào, trở thành một hành vi vượt qua nỗi sợ không chia sẻ được, mở ra một khả năng dung nhận.

Một cuộc trò chuyện có thể mở ra trong bóng tối và mở vào tiếng thầm thì của những kết nối lặng lẽ trong dư vị của thưởng thức. Nhu cầu đối thoại [thơ] không đồng nhất với đồng tình, ủng hộ, phê phán, trao đổi ngầm, những dạng thức nói năng được định vị. Nhiều hơn, hay đơn giản là, nhu cầu bày ra, gom góp vào, không gian này, một hiện tồn, một trạng huống. Để làm gì, cho ai? Có thể chỉ để nương náu trong đôi trái tim bè bạn, được giữ lại bởi đôi kẻ yêu thương. Thơ không từ chối trò chuyện, mà từ chối tính mục đích của trò chuyện, để không bị chi phối bởi cảm hứng sửa chữa và can thiệp vào đời sống khác, không bị ám bởi tham vọng truyền bá, ảnh hưởng, để luôn là khơi gợi và tự do, để không ám ảnh sứ mệnh làm mũi tên tranh đấu đòi hỏi một thứ quyền lực siêu hình nào đó.

Bày ra đó, thì khả năng, tiềm năng, sự hiện hữu hóa những đối thoại đôi khi chỉ trông đợi mong manh những hiếm hoi của vô tình gặp gỡ. Thậm chí, trớ trêu, luôn chỉ còn là hồi ức về những gặp gỡ hiếm hoi ấy, những khoảnh khắc tự giải thoát khỏi mọi diễn giải.

Bày ra đó, tự do, trần trụi, hẳn nhiên phải ôm mang nỗi cô đơn và khả năng thương tổn. Ôm mang cái không thể ôm mang.

Tự do tới mức nào, trần trụi tới mức nào, cô đơn tới mức nào, đam mê tới mức nào, ngây thơ tới mức nào, để không nương bám vào đâu cả, không trông đợi vào một điểm dừng và được lang thang nhiều hơn nữa.

Ta gọi là giá trị, không phải một công việc, mà một con người. Không phải những đặc quyền, những tiêu chuẩn của sản phẩm mà là những trải nghiệm, những phá dỡ.

Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn nữa, tới trơ trọi.

Đi lạc

Đứa trẻ tò mò rời nhà vào rừng sâu, muốn trải nghiệm đời sống một người rừng. Cậu hăm hở và háo hức. Cậu vừa phiêu lưu vừa sợ hãi. Cậu gọi to lên, nhưng chỉ nghe thấy tiếng vọng của mình. Những bước chân mỗi lúc một bồn chồn tìm đường quay lại.

Cậu bé lớn lên, không quên giấc mơ thơ ấu, nhưng cậu chỉ còn tìm trong kí ức, đáy tủ, những giấc mơ cũ, những giấc mơ mỗi lúc một bất khả và xa xôi.

Một thứ nghệ thuật cuối cùng có thể chỉ còn là giấc mơ về nghệ thuật. Nhưng phải chăng giấc mơ đó không đáng giá, cái mơ mộng đáng giá ấy, và cả thực hành đi lạc của cậu bé như một nỗ lực phơi bày những khả thể?

Một tác phẩm nghệ thuật, một bài thơ như thể mãi trôi dạt, một cái gì không bao giờ định hình dù có khối hình riêng biệt, một đám mây vừa trôi vừa đổi dạng. Nó không cam kết về sự hoàn tất một tiến trình, không khởi đầu, không kết thúc, hay nó là cái khởi đầu từ chỗ khởi đầu và kết thúc ở điểm dừng của nỗi chờ đợi. Nó là cái không kết thúc nổi nhưng cũng không vì thế mà không hoàn tất. Nó bỏ lại đằng sau, chuyển hóa, lui vào bên trong, bay lượn, không thể nắm bắt.

Sự chờ đợi là vô vọng: đừng kì vọng những kẻ viết này, hắn vẫn ở đó, mà luôn chốn khác, gương mặt đấy mỗi lần gặp lại là một gương mặt khác, hắn không bao giờ hoàn toàn lộ diện dù không ngừng phơi bày và tự phơi bày. Khi ta dường như chạm vào hắn, tìm thấy hắn, thì hắn bắt đầu sợ hãi, hắn sợ bị tìm thấy, hắn sợ mất tự do, cả khi những va chạm kia có thể cũng vô ích và vô cầu như bản thân hắn vậy.

Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn nữa, tới trơ trọi, tới lạc lối, tới vô định.

Cơ thể tôi viết

Cả khi tôi ngừng viết, cơ thể tôi vẫn tỏ bày. Năng lượng dư dả trữ đâu đó, dưới các múi cơ, trong máu chảy, trôi theo những tế bào chết.

Tôi không hét vào khoảng trống để tự thỏa mãn mình. Nghệ thuật và thơ ca, như tình yêu, không bao giờ giản đơn là sự thỏa mãn, bởi nó không bao giờ đem lại sự thỏa mãn. Bày ra đó, những đốm lửa hi vọng, những nút thắt nối của các cơ hội, những khả thể bập bềnh của tình yêu, ta có thể đi xa và đi sâu tới nơi nào đó, tới không nơi nào, những nỗ lực chia sẻ, cùng nhau, cô đơn cùng nhau, thậm chí, cùng đi vào bóng tối, nuôi dưỡng giấc mơ nơi bóng tối và ánh sáng hòa làm một thành bản thể ta, trọn vẹn.

Thơ tự khám phá, tự phơi bày, tự tiết lộ thân phận, và mời gọi phơi bày trong ngôn ngữ. Thơ không đợi được độc giả biết theo những cách đã sẵn, không cầu đi theo những chiều hướng độc giả có thể đón đợi.

Thơ, ở đó, đâu đó, chờ đợi các cơ duyên, đôi khi là vô vọng, nhưng không chịu mệt mỏi: mở ra một lối đi mù mịt bất định, và người cùng tôi dạo chơi trên đó.

Có thể là một lối đi: không chỉ cá nhân, nghệ thuật, thơ ca trở nên thiết thân hơn, riêng tư hơn, riêng tư hơn nữa, để vào sâu hơn nữa, tới trơ trọi, tới lạc lối, tới vô định, tới sự bay bổng.
 

tất cả những câu chuyện này cho ai

                                                                                       Nhã Thuyên

khi trăng ngừng run, sóng thở lặng, tôi sẽ kể những giấc mơ hỗn độn tôi hôn người chậm rãi, trong mùa đông quá dài mình trở lại làm người lạ, tôi bò trên bờ biển, khô khát, muối đã mặn trong cuống họng khác, đám mây thú hoang đã tan, cỏ rờn xanh đã thôi nhắc mình những chuyện tuổi thơ, mình đã thôi ấp nhau những ngày gió mùa, đã thôi đợi đính chính những chỗ sai trong tiểu sử giấy tờ xuẩn ngốc, đã thôi

tức tưởi

đừng cười tôi, các lối đi vẫn mở ra trước đôi chân tôi đá cứng dính chặt nỗi buồn đất nâu, tôi đứng, những chiếc lưỡi xa lạ liếm tôi lửa liếm vô vọng vào thân gỗ oải mục mùi bùn lạnh

những giấc mơ này, những câu chuyện này cho ai, cho ai, em, ai hỏi tôi nồng thơm mùi cái chết, mình kể cho bông hoa đang rã cánh, máu đang rỏ, thương yêu dâng lên bóng tối, hồi ức thân thể lúc cận kề

người không còn thấy mình trong đó

những giấc mơ này, những câu chuyện này, những nụ hôn này cho ai, tôi mở lời cùng ai được, hãy im, quấn nhau, bầu vú đỏ hoa rừng rực lên ráng chiều, tôi đang mở ngực và chăm chú nhìn những ô cửa đỏ mở trên ngực

tôi không thấy đau và không nghe ai gõ cửa

đêm rồi sẽ nuốt gọn gàng cả những giấc mơ về người, những cánh cửa cháy dần, tôi bò một mình trên bờ biển, nhẫn nại ướp mình trong muối mặn, tôi vẫn còn hoài công hủy hoại mình

chỉ để xác nhận một cơn mơ, thực hiện một cơn mơ, nụ hôn dài và chậm rãi đến thế, máu nơi ngực tôi chảy loang cơ thể, sao tôi không đau, sao không còn những câu hỏi cắn ngập cổ họng tôi

để tôi biết rằng cái chết cũng mệt nhoài trong hành trình của nó và vẻ đẹp đó chẳng thể nào quyến rũ được tôi, để tôi chuyển độngvà để tôi biết chắc gì sâu hơn nữa đã là bóng tối.


Nguồn: Nhã Thuyên - Tia Sáng

 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Dịch là khác (19/01/2015)
Bùi Giáng "chơi" (09/01/2015)