Phê bình toàn cảnh
Phê bình kiểu Văn Chinh
08:09 | 18/09/2017

Tôi ấn tượng về trí tuệ của Văn Chinh từ thập kỉ 1990, khi đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh về xung đột giữa cha con người cựu binh Mĩ từng tham chiến ở Việt Nam và đọc bài viết của anh về tiểu thuyết Cái trống thiếc của nhà văn Gunter Grass.

Phê bình kiểu Văn Chinh

Sau đó, khi tôi chuẩn bị sang Mĩ, Văn Chinh có nhờ tôi bỏ vào hòm thư bưu điện ở Washington bức thư anh viết gửi Tổng thống Mĩ, đại ý đề nghị Mĩ bỏ cấm vận vì quyền lợi của cả hai nước. Sau đó, chuyến đi Mĩ bị hoãn, nhưng bức thư gửi Tổng thống Mĩ đã cho tôi thấy một chiều kích khác của trí tuệ Văn Chinh.

Văn Chinh “xông” ra viết phê bình không phải chỉ là ngẫu hứng, mà có ý chí đem sức vóc của mình góp phần thay đổi thế giới chữ. Anh đã tổng kết gần một thế kỉ phê bình văn học Việt Nam kể từ Hoài Thanh đến nay như sau: “Nếu có một Hoài Thanh 2 thì vài chục năm qua chúng ta đã có Thi nhân Việt Nam 2 mà nếu đặt cạnh nhau cho bạn đọc 100 năm sau cùng đọc và so sánh, vị tất mèo nào cắn mỉu nào. Nhưng chúng ta chưa có Hoài Thanh 2, do đó chưa có Thi nhân Việt Nam 2. (...) Vâng, vấn đề tư tưởng nghệ thuật và sự tắc đẻ của nhà văn chưa đáng lo ngại bằng việc thiếu vắng các nhà nghiên cứu phê bình công tâm và sáng suốt trong khi lại có quá nhiều nhà báo văn học dông dài và chỉ giỏi hớt váng từ nền phê bình yếu bẩy, đầy cảm tính mà lại ồn ào nông nổi một cách tự tin mới chết người”.

Đoạn trích trên giống như một tuyên ngôn trong nghi lễ gia nhập đạo phê bình thể hiện rõ ràng đánh giá của Văn Chinh về thực trạng phê bình văn học nước nhà, hay cái cách mà anh hình dung một chuẩn mực giá trị phê bình của mình. Nghề này thì lấy ông này tiên sư. Việc Văn Chinh bước vào làng phê bình văn học với thái độ tôn vinh Hoài Thanh cũng cho ta thấy trước con đường và những bước đi anh chọn.

 Văn Chinh chỉ đặt niềm tin ở con người văn chương của các đối tượng phê bình, trong tư cách nhân chứng, bạn bè, để đồng cảm, đồng điệu và đồng hành với họ. Kể lể chuyện đời để bắc cầu sang văn, để thám hiểm nguồn mạch từ suối đời tuôn chảy vào sáng tạo văn chương - đó là thao tác được anh dùng nhiều trong các bài phê bình của mình. Nó hoàn toàn khác với phương pháp tiểu sử trong khuynh hướng nghiên cứu xã hội học dung tục.     
        
Trong phê bình của Văn Chinh có nhiều ngọn lửa sống được tạo bởi sự cọ xát giữa con người với con người trong thế giới văn chương. Anh hay dẫn ra những lời nói có bối cảnh, có tư thế và khẩu khí đời thường của nhà văn hay những người liên quan đến nhà văn và tác phẩm, cho những bè bạn và nhân chứng đó cọ xát vào nhau trong những cuộc giãi bày hay đối thoại. Và chính anh cũng luôn cọ xát với những con người trong đời thực hay trong suy tư và đối thoại để làm lóe lên những ngọn lửa sống soi sáng những chiều sâu bí ẩn, những nỗi niềm chữ nghĩa và những mảnh hồn khuất lấp của văn chương. Phê bình ngợi ca ngọn lửa sống cho thấy Văn Chinh hiểu thấu cái điều Otavio Paz nói: “Với nhà phê bình, văn bản là nơi bắt đầu để ông ta đi đến một văn bản khác”. 

Triết lí phê bình của Văn Chinh là triết lí của người ấp trứng. Qua hai tập sách(1), có thể thấy Văn Chinh quan niệm tác phẩm văn chương như quả trứng gà, trứng chim, trứng lạc đà; phê bình là để cho người đọc thấy quả trứng nguyên lành đang chứa con chim đẹp. Anh không đem dao búa công cụ để đập nát, phá vỡ quả trứng-tác phẩm. Anh chỉ tìm cách len lỏi kết nối với cảm xúc và trí tượng của độc giả bằng những câu văn dân dã, chân thành, sắc sảo, giàu hình tượng, đôi lúc lóe lên sự đáo để và minh triết của nông dân. Tôi hay nói vui, “Văn Chinh có cái hàn lâm thuốc lào” là vì vậy.

Trong vài thập kỉ qua, những nhà văn, nhà thơ viết phê bình sắc sảo như Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Văn Chinh..., mỗi người một vẻ, đem đến cho đời sống văn học nước nhà một luồng cảm hứng mới mẻ, hấp dẫn và tươi mới. Họ không chọn tháp quan sát từ các lí thuyết như các nhà phê bình hàn lâm, mà mỗi người tự dựng cho mình một tháp quan sát riêng từ đời sống xã hội, từ đời sống văn chương, từ khát vọng đổi mới văn học nước nhà, từ trách nhiệm trí thức công dân, từ vị thế, tâm thế của người đồng hành. Văn Chinh tỏ ra năng động và vô chấp trong việc chọn những tháp quan sát đa dạng, đa năng, nhìn văn chương qua nhiều cửa sổ, nhiều ống kính, nhiều lỗ thủng trên những tháp quan sát cơ động và dã chiến. Có lúc anh dựng tháp quan sát nơi đồng quê để bao quát “những hình tượng lực lưỡng” trong tác phẩm viết về nông thôn bằng “trí tuệ nông dân” của nhà văn Ngô Ngọc Bội, với những trang văn “mập mẩy, chất phác”, “chứa đựng những bí mật thăm thẳm của tâm lí nông dân”. Có lúc anh tạo tháp quan sát từ Phật giáo để khám phá cách nhà văn Nguyễn Xuân Khánh “điềm nhiên” đục đẽo một Angkor mini bằng tiểu thuyết Đội gạo lên chùa tái hiện những con người được nhà văn “phát hiện ra cái khoảnh khắc bộc phát muốn giải thoát của chính mình”, những nghiệp chướng lịch sử và văn hóa, những trắc ẩn bi ai và khốc liệt, những thân phận trầm luân trong cả đời và đạo, nhưng luôn mang một bất tử dở dang. Có lúc Văn Chinh lại tạo tháp quan sát trong chủ nghĩa nhân văn để “nhìn chiến tranh bằng mắt thường”, nhìn cách nhà văn Khuất Quang Thụy - người “mỗi khi động đến sự phản phúc lại ánh lên sắc sảo tràn ắp”, người có may mắn được “thừa kế gia bảo mật truyền” của nhà văn tiền bối Nguyễn Minh Châu - dịch chuyển điểm nhìn về chiến tranh khi viết các tiểu thuyết Không phải trò đùa, Đối chiến, làm cho những tác phẩm này có cái nhìn ngày càng khách quan hơn với chiến tranh. 

Là dân văn xuôi viết phê bình và tiểu luận, nhưng Văn Chinh cũng biết tạo ra những tháp quan sát thi ca, với những ống kính văn hóa cao cấp soi vào vũ trụ thơ để nhận ra những phép lạ của thi pháp, cái biến ảo của thi ca: “Về mặt thi pháp, trước nhà thơ Hữu Thỉnh chưa có nhà thơ nào dùng toàn vật liệu thất tình để dựng lên ngôi nhà hi vọng cho tình yêu, làm nên nguồn nhiệt năng sống, tạo ra được một không gian mang mang cho tinh thần, mỗi người đọc, mỗi lần đọc là một không gian khác, ở chỗ này, nó đánh dấu sự chuyển động của thi pháp một cách rõ rệt”; “thi pháp Hữu Thỉnh là cái cách ông thu xếp thế nào để các vật liệu không mang tình người nhưng khi đặt cạnh nhau chúng lại khiến ta bật khóc”. Văn Chinh cũng dùng “con mắt thứ ba” trên tháp quan sát thi ca để soi vào thơ Tuyết Nga, nhận ra “đức hạnh của thơ là không nói hết bao giờ, nhưng ta cảm thấy thật đầy”, nhà thơ bớt lời đi, “dành khoảng trống cho những liên tưởng đồng sáng tạo”...

Văn Chinh xông xáo trên mặt trận phê bình văn chương giống như người chiến sĩ đánh du kích bằng chiến thuật vô chiêu và vũ khí vừa thô sơ vừa hiện đại. Với cách tiếp cận vô chiêu phá chấp, Văn Chinh không nhận diện phong cách và đo lường giá trị văn chương bằng các khái niệm mà bằng những thước đo hết sức mới mẻ và đa dạng. Đó là những thước đo giàu hàm lượng văn hóa nhưng vẫn đầy cảm tính, dễ hiểu, dễ cảm và dễ nhớ, những thước đo vụt loé trong khoảnh khắc cảm xúc thẩm mĩ bừng dậy, như tia X quang đi qua trong tích tắc nhưng đủ để xuyên thấu, soi sáng mọi chiều kích của tác phẩm và tác giả từ góc nhìn cảm nhận của Văn Chinh.

Để nhận diện tinh thần và phương hướng chuyển động của văn chương, Văn Chinh thường đặt tác phẩm vào một tọa độ văn hóa vĩ mô của cả một thời đại lịch sử với những biến đổi lớn như chuyển từ chiến tranh sang hòa bình để nhận ra “mặt nạ của một thời” hay quan sát cách “cái đuôi sao chổi của thời hậu chiến” quật vào nhà văn và tác phẩm làm văng ra nhân vật ra sao. Năng lượng của tác phẩm, độ rung chuyển của tác phẩm với niềm đau, niềm vui, nỗi lo âu day dứt hoang mang và hi vọng của các nhân vật văn  xuôi và nhân vật trữ tình trước hết được đo bằng những lời nói của những người trong cuộc như tác giả, người thân và bạn bè của họ - những người đang sống đang viết trong những bối cảnh, tư thế và khẩu khí đời thường. Thỉnh thoảng Văn Chinh cũng nhận dạng hay đo đạc tác phẩm bằng những run rẩy có tầm vũ trụ và những khát khao có tầm vĩnh cửu trong những khúc Thánh ca và những câu kinh của Phật giáo, Thiên Chúa giáo mà anh dẫn ra. Trong rất nhiều trường hợp, anh nhận dạng thi pháp, phong cách và giá trị tác phẩm bằng hình tượng, so sánh, ẩn dụ. Chẳng hạn, khi nhận dạng Hoàng Ngọc Hiến, anh viết: “Vampilop là kịch tác gia độc đáo và rất kén khán giả… Ông chuyên chở những vấn đề to tát và mới mẻ trên con thuyền đơn sơ cũ kĩ hệt như thầy Hiến của tôi”.

Văn Chinh cũng thường xuyên tạo ra những cụm từ mới, cách diễn đạt mới để phác họa chân dung phong cách và thi pháp hay vẽ ra một chân dung mini của vấn đề đang bàn như: “văn học có nhiệm vụ phát hiện bí mật chung của loài người”, “những ẩn dụ của nó sẽ xua cái tăm tối kia đi”, “nhìn quá khứ như một nỗi đau và phải đốt nó lên”, “sự thẩm lậu ngược của một nghệ sĩ bậc thầy”, “thơ ông đang sống đời sống của những ngọn lửa”, “kỉ niệm trở thành hằng số”, “nhịp điệu của một thời”, “thánh ca của kiếp nhân sinh”, “minh sư của thời gian”, “cái lạnh như một bổ trợ cho sự hằng thường”, “cuống nhau tinh thần của nhân loại”, “độ phồn sinh của bầu vú phi phàm”, “trong câu có câu, ngoài vị có vị”, “thi pháp cửa sổ con tàu”, “thi pháp chỉ huy dàn nhạc”, “sự chênh chao hóa cái cô đơn”… Để mô tả cảm nhận về không gian thơ Dương Kiều Minh, Văn Chinh vẽ ra cả một bức tranh: “Mỗi bài thơ là một không gian thơ, bài nối bài như tán cây lực lưỡng giao nối đan cài nhau, làm nên bóng mát che đầu, làm nên tiếng rì rào, tiếng những loài chim có thực và không có thực ríu ran xao xuyến lòng người đọc khiến người ta cảm nhận như được tặng vé máy bay vào một không gian khác, tạm gọi là không gian mỗi tập thơ Minh”.

Những thước đo văn học của Văn Chinh thật thiên hình vạn trạng, nhưng chúng có một đặc tính chung là dùng xong vứt bỏ. So sánh với sự linh hoạt du kích của nông dân cũng được, so với thái độ phá chấp hay cách truyền đạo bằng câu chuyện và ẩn dụ của nhà Phật cũng đúng mà so với tác phong và lối sống hiện đại cũng không sai. Anvil Tofler đã nhận định thời đại mới của làn sóng thứ ba có đặc điểm là tạo ra “các sản phẩm dùng xong vứt bỏ” như khăn giấy và bút bi. Khăn giấy, bút bi được sản xuất hàng loạt, cho cả xã hội dùng. Còn thước đo văn học của Văn Chinh chỉ sản xuất một cái độc nhất cho mỗi lần đo, chỉ một Văn Chinh dùng để đo một tác giả, tác phẩm nào đó. 

Một nét độc đáo trong hai tập sách phê bình của Văn Chinh là mảng chân dung con người trộn lẫn với chân dung văn chương của các nhà văn. Những chân dung kép (có cái là siêu kép) được Văn Chinh dựng lên bằng những liên tưởng, đan xen, kết nối và bình giải ngắn gọn, sắc sảo và tinh tế. Những chân dung kép ấy có dáng dấp của tranh cắt dán ấn tượng, nhưng lại có thần khí của tranh thủy mặc, chỉ vài nét chấm phá là hiện lên một số phận, một đời văn, một thần thái của cá tính người cầm bút và vân tay nhận dạng một văn cách. Lê Đạt là tác giả của “những câu thơ có sức chữ”, “những câu thơ gợi ra thềm văn hóa của nó”, “nó không kén bạn đọc mà kén tâm thế”. Hữu Thỉnh là nhà thơ “nghiện đám đông”, “ông không dùng quyền lực trong các mối quan hệ”, “ông làm nô bộc cho cả ngàn người thì khá chu đáo, càng những người hay la ó ông lại càng chu đáo, chứ ít kẻ vì ông như ông đã vì họ”; ông là tác giả của những câu thơ “mang khát vọng đẹp về con người”. Nguyễn Huy Thiệp “là nhà văn có lối dẫn chuyện bằng hành động của nhân vật rất lôi cuốn. Trong tâm thế u mê, các nhân vật cứ bơi ra ngụp lặn, lúc ẩn lúc hiện, khi thì tha hóa đểu giả, khi lại tô hô khát thèm, nghĩa là nó đang sống như chính đời sống làm nên sức lôi cuốn cho tác phẩm”. Nguyễn Văn Thọ là nhà văn của “những kẻ tha hương cùng khốn” và “sự bất yên của tổ ấm con người”, một nhà văn “luôn quẫy cựa nhằm thoát khỏi sự tẻ nhạt, ám chỉ của văn chương”. Phan Thị Vàng Anh, với “lối văn không nịnh người đọc”, là nhà văn của “những tình huống ngổn ngang đến nỗi nhiều khi vô phương cứu chữa”, nhưng các nhân vật vẫn “thấy ra cả một chân trời khát vọng hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn trước mặt họ, hiện vẫn còn ẩn dụ trong ngôi sao chổi Hale-Bopp lộng lẫy hay kì vĩ đêm nguyệt thực”. Đồng Đức Bốn là “nhà thơ tài năng, lịch lãm và ngang tàng sòng phẳng với cả dân quê lẫn kẻ chợ”; “chỉ khi tài năng sử dụng Bốn vào việc đắc địa là làm thơ thì từ ngôi nhà đá rửa chợt ngùn ngụt bốc lên tận trời sự lộng lẫy của bùn đất”; “thơ đã dùng thứ củi gộc thô gai góc là Đồng Đức Bốn mà đốt số phận của chính y, để nàng thơ từ đó mà hóa thân”. Dương Kiều Minh là nhà thơ viết nên “bản thánh ca của kiếp nhân sinh”, là “thi nhân cảm nhận niềm đắng cay và cả niềm ngọt bùi đi vào kí ức, vào không gian tâm hồn, vừa thân thiết như bè bạn vừa lạ lùng bí ẩn như Phật, Chúa, an ủi sẻ chia những mất mát, những thương tổn và cô đơn”…

Văn Chinh cũng như các nhà văn viết phê bình khác, có một tư duy khác khoa học, cạnh khoa học, chứ không phải là dưới khoa học. Cũng như các bậc tiền bối Xuân Diệu, Chế Lan Viên…, Văn Chinh thường triển khai lập luận và suy tư của mình theo mạch cảm nhận và liên tưởng, đi từ vấn đề này sang vấn đề khác một cách tự nhiên, thậm chí giống như bác nông dân đang nói chuyện này lại dừng lại hút thuốc lào, chuyển sang chuyện thuốc ngon, đóm tốt hay chuyện ông hàng xóm cho gói thuốc ngon…, sau đó mới lại vòng trở về câu chuyện đang nói dở. Đó là cái logic lan truyền của lửa trong tự nhiên. Lửa trong cảm xúc, lửa trong suy tưởng, lửa trong nhiệt tình đối thoại và chinh phục… Đó là độ nóng của trái tim làm nên những logic trời cho, bất ngờ, độc đáo và sáng tạo, đưa hành trình suy tư thẩm định văn chương tới những kết quả có tính chất thiên khải và trực chỉ mà cái đầu lạnh hàn lâm nhiều khi khó có thể đạt tới.

Nói cách khác, cách dẫn dụ kiểu các nhà văn viết phê bình là cách bay lượn của con chim từ núi rừng phương Bắc vào tới phương Nam qua nhiều chặng vòng vèo, vừa bay vừa hót vừa đậu lại rỉa lông cánh cho nhau, còn các nhà phê bình hàn lâm thì dẫn dụ vấn đề theo cách con tàu hỏa đi hùng hục từ Bắc vào Nam qua các nhà ga của các luận chứng và luận cứ khoa học.  

Trong khi định kiến duy lí của xã hội coi cách phê bình giàu tính trực giác và chất thơ là phi khoa học, thấp hơn khoa học, thì các nhà nhân học, văn hóa học và tri thức luận hiện đại lại có quan điểm tôn vinh trực giác và thi ca như một phương thức nhận thức siêu việt; chất thơ trong tâm hồn tạo nên sự táo bạo, dám đổi mới. Trong Hội thảo quốc tế về liên kết tri thức tổ chức tại Paris năm 1998, ông hoàng thi ca Yves Bonnefoy đã có tham luận về việc dạy thơ ca trong trường học, khẳng định: “Ngoài tư tưởng ra thi ca còn là một hình thức của hiểu biết. (...) Ai cũng biết rằng trong những thời điểm quyết định của nó, phát minh khoa học đòi hỏi thái độ không tiếp tục thái độ tôn trọng quyền uy của những cơ cấu, những luật lệ và những lí thuyết trước đã xác lập. Nó muốn suy lí phải nhường bước cho trực giác, mà thái độ táo bạo này có thể mệnh danh là chất thơ, và trong cuộc đời nhà nghiên cứu, việc thực thi tính táo bạo này chắc chắn sẽ dễ dàng nếu đã làm quen với thi ca”.

Các học giả về quản trị tri thức cho rằng kiến thức ngầm có thể được chuyển đổi sang kiến thức hiện theo cách mã hóa hay hệ thống hóa. Các phát hiện hay nhận dạng giá trị văn chương có tính xuất thần, trực giác, minh triết từ các nhà phê bình phi hàn lâm như Văn Chinh có thể được các nhà phê bình hàn lâm tái nhận dạng và phiên dịch cho xã hội thấy hàm lượng văn hóa khoa học của những khám phá phát hiện có giá trị này. Tuy nhiên, việc tái nhận dạng sẽ dễ phải đối mặt với lời kết tội: suy diễn, tán dương, ngụy biện. Trách nhiệm của các nhà khoa học nghiên cứu ngôn ngữ văn chương và nghệ thuật là phải kết nối với tri thức ngầm của các nhà phê bình phi hàn lâm, như đã kết nối, giải mã tri thức ngầm và minh triết của các nhà sáng tác.

Nguồn: Đỗ Minh Tuấn - VNQĐ

-------------
1. Mùa màng văn học mấy năm qua (Nxb Hội Nhà văn, 2010) và Đa cực và điểm đến (Nxb Hội Nhà văn, 2012).




 

Các bài mới
Các bài đã đăng