Phê bình toàn cảnh
Lắng nghe 'Tiếng đêm'
10:29 | 29/07/2011
Tản văn “Tiếng đêm” là tập sách mới nhất được nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo Chu Thị Thơm trình làng với bạn đọc để hoàn thiện một chân dung văn học nhiều màu sắc và độc đáo.
Lắng nghe 'Tiếng đêm'
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Tiếng đêm” gồm 29 bài tản văn về nhiều đề tài, từ những tâm sự cá nhân, những hoài niệm khắc khoải, những kỷ niệm xa ngái đến những chuyện thường ngày hôm nay, chuyện mơ ước ngày mai. Đó là những ký ức ấu thời từ “Cõi yêu thương”, từ những “Hoài niệm”, từ “Con đường tuổi thơ” đến những “Giấc mơ ngựa hoang”. Những đoạn văn hay đến nao lòng “Chân tôi bước trên con đường men theo cánh đồng, cỏ mật phơi lưng dưới nắng; chuồn chuồn giật mình chấp chới bay khi có bàn chân người lạ bước lên thảm cỏ. Cỏ đan ken dày quanh mương nhỏ. Dưới dòng nước trong suốt chảy ngoằn ngoèo kia là chốn sinh nhai của lũ cá mương, cá cờ. Thỉnh thoảng có chú cua đồng từ từ lách mình ra khỏi hang thận trọng giơ càng thập thò, đẩy mình, lồi tròng mắt ra quan sát rồi nhanh nhẹn bò vào… Buổi chiều mẹ lại ra đón. Hai chiếc nón trắng nhấp nhô trên đường. Đàn châu chấu và lũ chuồn chuồn lại nhớn nhác bay lên khi mẹ bế tôi đi qua con đường ngoằn ngoèo của con mương đầu tiên trên đường về nhà…” (Con đường tuổi thơ).

Công việc nhà báo cho chị đi nhiều và gặp gỡ nhiều người, tản văn là khoảng lề, khoảng nối dài khi mà những suy tư vượt ra ngoài dung lượng thông tin của một bài báo. Đó là nỗi trăn trở trước thực tại, vì cái lợi trước mắt, con người đánh đổi vẻ đẹp của thiên nhiên, tàn phá môi trường sống của chính mình, làm hoang hoá môi trường văn hoá, đời sống tinh thần của chính mình trong “Quê hương… bất chợt”. Để rồi phát hiện ra những bài học từ lời cảnh báo của bà mẹ thiên nhiên trong “Rét ngọt”, “Mưa Hà Nội” nhưng vẫn đầy bao dung, rộng lòng trong “Đám mây hình con tàu”.

Nhưng trên hết, tản văn của Chu Thị Thơm hấp dẫn bởi vẻ đẹp văn chương. Hầu hết tản văn của chị đều có một nguyên cớ “tìm trong văn chương” đó là “Tầm xuân”, “Đi tìm cổ tích”… Dường như hiện tại chỉ được chị chú ý khi nó đánh thức một liên tưởng văn học để chị có thể đi sâu, đi xa vượt ra khỏi giới hạn của thực tại. Toàn bộ 29 tản văn của chị hiếm có cái nào không thấy dấu vết trích dẫn một câu thơ, đoạn nhạc, hình sắc của một bức tranh… Tản văn của chị vì thế cứ mênh mang, dẫn dụ đưa người đọc để tìm đến với thế giới không còn khái niệm thời gian và không gian nơi mọi khoảnh khắc đều đã là vĩnh viễn. “Tôi lững thững đi trên con đường mùa thu khi chiều về. Ven đê, cỏ may đầu cúi rạp xuống mỗi khi cơn gió thổi về. Cỏ may là loài cỏ lười biếng với chuyện làm duyên nhưng rất giỏi dệt thêu ký ức… Trong đời, những bông cỏ may dệt thêu vào trí tưởng tượng với giấc mơ níu giữ sự vẹn nguyên của kỉ niệm. Nhưng cỏ may cũng không muốn ồn ào trong nỗi nhớ, ấy là khi chúng rảo bước vào thơ “Áo em sơ ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay?” (Xuân Quỳnh). Có lẽ chỉ trong thơ, loài cỏ may đầy ma mị này mới có chỗ an toàn để nương náu. Nó khiến cho thu gần với thơ hơn và nhanh nhẹn đẩy thu vào cõi mênh mang- nơi níu giữ kỉ niệm xa xưa của mỗi cuộc đời.” (Hà Nội, thu).

Cũng giống như cỏ may, tản văn đưa chị đến gần với thơ, nó thoả mãn tình yêu văn chương của cô giáo dạy Văn vẫn lấp ló đâu đó bên trong con người chị. Dường như gặp bất cứ chuyện gì, việc gì chị đều đọc được một câu thơ tương ứng. Nói gì cũng chỉ là cái cớ để nói về văn chương nói về ấn tượng những bài thơ trong đầu, ấn tượng những câu chuyện tưởng chừng như không bao giờ dứt, được diễn tả với mọi người tình yêu văn chương.

Chu Thị Thơm tìm sự lí giải cuộc đời bằng thơ, khẳng định giá trị của văn chương mới là vĩnh cửu, còn hiện tại chỉ như một ảo ảnh hay đúng hơn ánh xạ từ những vẻ đẹp văn chương ấy. Ngay cả những truyện ngắn hoàn chỉnh “Hạ trắng”, “Ám ảnh rừng” cũng được “trá hình” thành tản văn.

Chọn một khoảnh khắc rất đặc biệt để tìm về với chính mình “Con người luôn thao thức để lắng nghe lòng mình cất tiếng trong đêm. Nghĩ ngợi, ngẫm suy. Thao thức…” vì “Có lẽ con người phải học rất lâu để làm quen với tiếng đêm và những điều bí ẩn linh diệu của vũ trụ. Những ánh sao cũng phải cần đến đêm để phô diễn vẻ đẹp rực rỡ huy hoàng của mình. Có rất nhiều chòm sao đã dùng đêm để trải sự linh diệu và bí ẩn trên bầu trời, cất lời tinh tú trong những ánh sáng nhấp nháy kia” (Tiếng đêm).

Lắng nghe từ 29 bài tản văn trong “Tiếng đêm” là khát vọng tìm đến sự tròn đầy và ước mơ “Mong gặp lắm, một sắc tầm xuân - tất nhiên không nở ở vườn cà…” (Tầm xuân).

Theo Giáng Ngọc - evan






Các bài mới
Các bài đã đăng