Phê bình toàn cảnh
Lí luận văn học nước ngoài hiện nay và phương hướng biên soạn giáo trình lí luận văn học ở Việt Nam trong tương lai
08:23 | 14/02/2012

Để có cơ sở đánh giá và xây dựng chương trình cũng như biên soạn giáo trình lí luận văn học nước nhà hiện nay, một công việc cần kíp là tìm hiểu chương trình và giáo trình lí luận văn học ở các nước có nền lí luận văn học phát triển. Các nước phát triển về lí luận văn học có thể kể là Nga, Anh, Mĩ, Pháp, Đức, Ý, Trung Quốc. Tuy nhiên do hạn chế về thông tin, chúng tôi chỉ giới hạn trong các nước Anh,  Mĩ,  Pháp, Nga và Trung Quốc

Lí luận văn học Anh, Mĩ. Theo một số tài liệu tổng thuật giới thiệu, có thể nhận xét chung rằng các bộ lí luận văn học Anh, Mĩ đều được viết ra theo quan niệm lí luận của tác giả, mỗi người viết theo quan niệm khoa học của riêng mình. Chẳng hạn cuốn Lí luận văn học của Wellek và Warren (Theory of Literature, 3th. New York: Harcourt, 1962) – viết theo quan niệm của phê bình mới, phủ nhận nghiên cứu ngoại quan như tiểu sử, tâm lí, xã hội, tư tưởng, chủ trương nghiên cứu nội quan để phát hiện giá trị nghệ thuật, thẩm mĩ, ngôn từ(1) . Quan niệm này có tính độc đáo, song rõ ràng là có tính phiến diện, hàng loạt công trình nghiên cứu văn học phương Tây đương đại đã chứng tỏ điều đó. Trái lại cuốn Lí luận văn học (Literary Theory: An Introduction, University of Minesota Press, 1997) của Terry Eagleton thì lại kiên trì quan điểm văn học gắn liền với ý thức hệ, văn học thuần tuý chỉ là sản phẩm ảo tưởng do một hình thái ý thức xã hội nhất định tạo nên. Trong bối cảnh lí luận văn học phát triển đa nguyên, nhà lí luận văn học Hà Lan Dowe W. Fokkema trình bày một bức tranh gồm bốn trường phái lí luận văn học chủ yếu trong thế kỉ XX: gồm chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa Mác, mĩ học tiếp nhận, kí hiệu học (Theories of Literature in the Twentieth Century: Structuralism, Marxism, Aethetics of Reception, Semiotics. London: Hurst,1977). Nhà lí luận Mĩ Jonathan Culler thì viết một Dẫn luận rất ngắn về lí luận văn học theo tinh thần giải cấu trúc của chủ nghĩa Hậu hiện đại (Literary Theory: A very Short Introduction, Oford University Press, 1997). Ông bắt đầu bằng chương “Lí luận là gì”, rồi “Văn học là gì, nó có cần lắm không?” và trả lời phủ định. Ông cũng nêu một số đặc điểm của văn học, nhưng không xem đấy là đặc trưng, vì trong nhiều hoạt động ngôn từ khác người ta vẫn tìm thấy chúng. Đây là giáo trình lí luận văn học viết theo quan niệm phi bản chất chủ nghĩa, giải cấu trúc đại tự sự trong văn học. Có sách lí luận văn học viết dưới góc độ triết học như sách Cơ sở phê bình văn học của Suresh Rava (Grounds of Literary Criticism, University Illinois Press, 1998). Có sách tìm mối liên hệ giữa các lí luận văn học với nhau, kết hợp quan điểm nội tại và quan điểm ngoại tại. Chẳng hạn sách của Keith Green, Jill Lebihan Giáo trình lí luận phê bình và thực hành (Critical Theory and Practice: A Course Book. London: Routledge, 1996), đầu tiên giới thiệu đặc trưng nội bộ của văn học – ngôn ngữ, sau đó từng bước hướng ra các mối quan hệ bên ngoài văn học, hình thành một quan niệm đồng tâm với nhiều vòng tròn: kí hiệu ngôn ngữ > ý nghĩa cấu trúc –> sinh thành lịch sử –> chủ thể tác giả –> tiếp nhận của người đọc –> ý thức chính trị –> cách đọc văn hoá, từ đó xây dựng một quan hệ nội tại của các loại lí luận với nhau. Theo chúng tôi, đây là một hướng tổng hợp rất đáng tham khảo. Lại có giáo trình lí luận văn học tập trung vào một vấn đề trung tâm là giải thích và tiếp nhận, lấy đó làm trục nối kết các thứ lí luận ở chức năng giải thích văn học của chúng, như sách Cơ sở lí luận văn học của Hans Bertens (Literary Theory: the Basics. London and New York: Routledge, 2001). Có sách viết kết hợp vừa lí luận văn học vừa phê bình văn học như sách của Andrew Bennett, Nicholas Royle (Introduction to Literature, Criticism and Theory, Prentice Hall, 1999). Cuốn sách gồm hơn 32 mục từ then chốt như Tác giả, Văn bản và thế giới, Tự sự, Nhân vật, Các phép tu từ, Tiếng cười, Cái tôi, Thượng đế, Hình thái ý thức, Sự khác biệt về chủng tộc, Lí thuyết quái dị,…
 

Ngoài loại sách “Dẫn luận”nói trên, còn có loại trích tuyển tài liệu lí luận văn học sắp xếp theo thời gian như sách của Vicent B. Leitch. Etc. (The Norton Anthology of Theory and Criticism, Norton & Company, Inc., 2001). Cùng loại, có sách Lí luận phê bình văn học, từ Platon đến hiện nay (The theory of criticism from Plato to the presant) của tác giả Anh là Raman Seiden(2), bao gồm các phần: lí luận tái hiện, lí luận chủ thể, lí luận hình thức, cấu trúc, hệ thống, lí luận lịch sử xã hội, lí luận đạo đức, giai cấp, giới tính. Đây cũng là giới thiệu lí luận văn học theo tinh thần đa nguyên, có ngọn ngành, đường dây phát triển dễ theo dõi. Có sách viết theo lối trình bày từng vấn đề của lí luận văn học đều kèm theo một phụ lục phân tích vấn đề ấy trên tài liệu cụ thể, như sách Hướng dẫn sử dụng Lí luận phê bình văn học đương đại của Lois Tyson. (Critical Theory Today: A Use-Friendly guide, New York & London, 1999)(3).
 

Lí luận văn học Pháp theo một vài cuốn được dịch ra tiếng Việt như Bản mệnh của lí thuyết của Antoine Compagnon, Dẫn giải ý tưởng văn chương của Henri Benac(4) đem lại một loại sách trình bày từng vấn đề, từng khái niệm, vừa có giá trị như một từ điển, vừa có giá trị như những luận văn nhỏ bàn về các khái niệm then chốt, có ý kiến chính diện, có ý kiến phản bác lại. Loại sách này rất tiện lợi cho sự học, tổ chức semina cho sinh viên và nghiên cứu sinh.
Nhìn chung các giáo trình lí luận văn học của các nước Anh, Mĩ thể hiện những đặc điểm sau: 1. Sách viết đa dạng, đa nguyên về quan điểm, thể thức. 2. Các khái niệm lí luận được trình bày trong tính vấn đề của nó, kích thích sự suy nghĩ. 3. Hình thức tổ chức sách và biên soạn đa dạng. 4. Gắn bó chặt chẽ với phương pháp dạy học, với hoạt động thực hành. Đó là những điểm rất đáng tiếp nhận để đổi mới giáo trình của chúng ta.
 

Lí luận văn học Nga vốn rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Nguyên lí văn học của L. Timofeev do Lê Đình Kỵ, Bùi Khánh Thế dịch từ năm 1962, tiếp theo là giáo trình Lí luận văn học của N. Gulaiev do Lê Ngọc Tân dịch, Nxb. Đại học, trung học chuyên nghiệp, H, 1982, rồi giáo trình Dẫn luận nghiên cứu văn học do Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Nghĩa Trọng dịch, xuất bản năm 1985, tái bản 1998. Có thể kể đến cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học của Abrramovich (không nhớ người dịch) và cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học của bà Sêpilova do Trần Đình Sử dịch, in rônêô tại trường Đại học sư phạm Vinh. Các cuốn này đều viết theo những quan điểm cơ bản giống nhau, chỉ khác ở bố cục. Quyển của Timofeev lấy khái niệm hình tượng là điểm xuất phát, sách do Pospelov chủ biên lấy tính tư tưởng làm nòng cốt, sách của Gulaiev bổ sung phần các phạm trù thẩm mĩ. Bộ sách lí luận văn học dưới cái nhìn lịch sử do Viện văn học thế giới mang tên Gorki soạn tuy không được dịch đầy đủ ở Việt Nam, song cũng được dịch, tóm tắt từng chương dưới dạng đánh máy. Đây là một bộ lí luận rất sáng tạo trên nhiều phương diện, coi trọng sự phát triển lịch sử của quan niệm lí luận. Các giáo trình của Liên Xô đã ảnh hưởng sâu sắc tới các giáo trình lí luận văn học Việt Nam. So với giáo trình Anh, Mĩ, các giáo trình Nga có đặc điểm: 1. Trình bày các nguyên lí có tính kinh điển, tính chất quan phương, mang nặng tính chất hình thái ý thức khép kín, độc tôn. 2. Từ yêu cầu đó, các kiến thức được trình bày như là có sẵn, trước hết là tư tưởng kinh điển của các nhà lí luận uy tín, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, nó chặt chẽ trong lí thuyết, nhưng ít có tính vấn đề, không tạo điều kiện cho sinh viên suy nghĩ, tranh luận. 3. Hình thức trình bày  phần nhiều rập khuôn, sự khác biệt tuy vẫn có, nhưng không thật lớn, tính trường phái lí luận không thật rõ nét.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, đã xuất hiện hai giáo trình lí luận văn học của V.E. Khalizep và của N.D. Tamarchenco, V.I. Tiupa, X.N. Broitman(5), cả hai bộ đều viết theo tinh thần thi pháp học lí thuyết và thi pháp học lịch sử với những cấu trúc hoàn toàn khác trước. Khác với lí luận Anh, Mĩ, Pháp, các nhà lí luận Nga theo truyền thống của mình, xem xét văn học như một loại hình nghệ thuật, họ bắt đầu từ bản chất thẩm mĩ của nghệ thuật, rồi đi sâu vào đặc trưng văn học. Khalizep bắt đầu từ bản chất của nghệ thuật trình bày theo trật tự thẩm mĩ, nghệ thuật, văn học, sự hành chức của văn học, tác phẩm văn học, loại và thể của văn học, quy luật phát triển của văn học. Sách của Tamarchenco thì bắt đầu bằng hoạt động diễn ngôn nghệ thuật, văn học như là sản phẩm của hoạt động, cấu trúc của tác phẩm, loại hình tác phẩm (Loại, thể và phong cách), tiếp theo là thi pháp học lịch sử với hai phần: thi pháp nghệ thuật nguyên hợp và thi pháp văn học phản tư. Điều đáng chú ý là họ đều không đề cập gì đến các yếu tố xã hội, thuợng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở, phản ánh hiện thực, phương pháp sáng tác. Nếu sách của Khalizep còn có phần nói về chức năng, tư tưởng, chủ đề thì giáo trình của Tamarchenco hoàn toàn không có mục riêng về các vấn đề ấy, bởi ông nhìn văn học như diễn ngôn, như hiện tượng kí hiệu, nội dung văn học nằm trong ý nghĩa của diễn ngôn văn học. Đặc điểm của giáo trình lí luận văn học Nga hiện đại là: 1. Đổi mới hẳn hệ hình lí luận văn học Xô viết. Hệ thống lí luận mang tính chất hàn lâm, đứng vững trên truyền thống lí luận văn học Nga với các tên tuổi như Bakhtin, Lotman. 2. Tính vấn đề và tính thực hành còn chưa nổi bật, có lẽ là chưa thay đổi được lối dạy và học của nhà trường Xô viết trước đây. Bộ lí luận của Viện văn học thế giới đã được viết mới. Ngoài hai giáo trình nêu trên cũng có thể tìm thấy nhiều giáo trình khác của các trường Đại học trong liên bang, song không nổi tiếng bằng.
 

Từ khi bước sang thế kỉ XX Trung Quốc đã có sự tổng kết về giáo trình lí luận của họ, như sách Một trăm năm giáo trình lí luận văn học của ba tác giả Mao Khánh Thị, Đổng Học Văn, Dương Phúc Sinh (2004), và sách Xây dựng hệ thống tri thức lí luận văn học Trung Quốc hiện đại của Trình Chính Dân và Trình Khải (2005). Lí luận văn học Trung Quốc trước năm 1949 có 71 bộ, phần lớn chịu ảnh hưởng của Nhật Bản. Từ “Khái luận” có nguồn gốc Nhật Bản. Và chịu ảnh hưởng của phương Tây. Sau 1949 thì chịu ảnh hưởng của Liên Xô, gọi là “văn nghệ học”. Nói chung giáo trình lí luận văn học Trung Quốc những năm 80 đến đầu những năm 90 tuy có cải tiến, bổ sung, nhưng đều viết theo mô hình cũ tiếp nhận từ Liên Xô, giáo trình gồm ba khối: Nguyên lí chung, Tác phẩm, thể loại và Quá trình văn học. Quan niệm lí luận vẫn độc tôn, giáo điều, xơ cứng, ít tiếp cận văn học. Hình thức đại đồng tiểu dị. Tính chất vấn đề yếu, tính thực tiễn cũng yếu.
 

Do đọc nhiều và phiên dịch nhiều giáo trình lí luận văn học thế giới mà từ cuối những năm 90 đến đầu thế kỉ XXI đã có những thay đổi đáng chú ý(6). Bộ Giáo trình Lí luận văn học(7)  trong tủ sách hướng tới thế kỉ 21 (1999) của Đồng Khánh Bính chủ biên, sửa chữa nhiều lần, gồm năm phần: Văn học như một hoạt động, văn học phản ánh, sản xuất văn học, văn học là hình thái ý thức thẩm mĩ, giao lưu văn học, coi đó là quan điểm mác xít. Đã có nhiều ý kiến thảo luận, hoài nghi một số khái niệm then chốt của sách này. Đến năm 2007 Đồng Khánh Bính viết lại giáo trình cho sinh viên tự học(8), nội dung giáo trình chỉ còn lại 9 chương như sau: Quan niệm văn học (bao gồm mục văn học là hình thái ý thức thẩm mĩ), Tổ chức ngôn từ của văn học, Hệ thống hình tượng văn học (bao gồm điển hình, tượng trưng, ý cảnh), Tác phẩm tự sự, Tác phẩm trữ tình, (không có kịch), Phong cách văn học, Sáng tác văn học, Tiếp nhận văn học, Cội nguồn và Dòng phái văn học. Kế tiếp sau Đồng Khánh Bính có ba bộ giáo trình lí luận văn học được coi là mới nhất về ý tưởng. Giáo trình của Đào Đông Phong có tên là Những vấn đề cơ bản của lí luận văn học(9). Tác giả chọn lấy những vấn đề có tính thời sự, có vấn đề để trình bày trong 8 chương. Ngoài phần mở đầu nêu sự khủng hoảng của lí luận văn học, giáo trình gồm có các chương: 1. Văn học là gì, 2. Phương thức tư duy của văn học, 3. Văn học và thế giới, 4. Ngôn ngữ, ý nghĩa của văn học và sự giải thích, 5. Thể tài và phong cách văn học, 6. Truyền thống và cách tân văn học, 7. Văn học và văn hoá, đạo đức, và hình thái ý thức, 8. Văn học và sự đồng nhất thân phận. Cuối sách có 3 phụ lục: Văn học và thị trường, Văn học và phương tiện truyền thông, Văn học và toàn cầu hoá. Cách tổ chức nội dung cuốn sách làm cho lí luận văn học trong nhà trường cập nhật hoá các vấn đề của văn học nghệ thuật  hiện đại.
 

Công trình lí luận văn học của Vương Nhất Xuyên có tên Bài giảng lí luận văn học xuất bản năm 2004(10)  gồm 13 chương: 1. Văn học và lí luận văn học, 2. Mĩ học tu từ, 3. Trạng thái ngôn ngữ văn học Trung Quốc 50 năm qua, 4. Diễn biến của tinh thần thẩm mĩ Trung Quốc đương đại, 5. Văn hoá đại chúng thay thế văn học cao cấp, 6. Phim Anh hùng và trạng thái điện ảnh Trung Quốc hiện nay, 7. Ba lần chuyển đổi của mĩ học hiện đại phương Tây, 8. Hàm nghĩa và thuộc tính của văn học, 9. Toàn cầu hoá và tình hình văn nghệ đương đại, 10. Thể nghiệm tính hiện đại và sự phân kì tính hiện đại của văn học, 11. Nhận diện văn hoá đại chúng đương đại, 12. Cách đọc sách, 13. Viết luận văn của thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể nhận thấy nhiệt tình đem giáo trình lí luận xích gần với đời sống văn nghệ đương đại, nhưng nội dung hơi pha tạp, không hẳn là giáo trình lí luận văn học. Trước đó, năm 2003 Vương Nhất Xuyên cho xuất bản một giáo trình lấy tên là Lí luận văn học(11),  nội dung gồm Phần mở đầu và 8 chương: 1. Hàm nghĩa văn học, 2. Thuộc tính văn học, 3. Môi giới (media) văn học (ngoài ngôn ngữ còn tính đến các phương tiện ghi, khắc, viết, in, internet chuyển tải ngôn từ văn học), 4. Văn bản văn hoc, 5. Tầng bậc của văn bản văn học, 6. Sáng tác văn học, 7. Đọc văn học, 8. Phê bình văn học. Tập sách này chỉ tập trung vào bốn khái niệm chủ yếu: Văn học, văn bản (bao gồm thể loại), sáng tác (bao gồm vai trò tác giả) và đọc (bao gồm phê bình).
 

Lí luận văn học (giáo trình mới)(12)  của Nam Phàm xuất bản năm 2002, gồm 4 phần với tất cả 27 chương. Phần một: Sự cấu thành của văn học có các chương: 1. Sự tái hiện của văn học, 2. Diễn ngôn văn học, 3. Nhà văn, 4. Văn bản, 5. Loại văn, 6. Diễn ngôn tự sự, 7. Diễn ngôn trữ tình, 8. Tu từ, 9. Phương tiện truyền bá. Phần hai có tên Lịch sử và lí luận gồm 7 chương: 10. Nguồn gốc của văn học, 11. Văn học kinh điển, 12. Văn học đại chúng, 13. Chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, 14. Chủ nghĩa hiện thực, 15. Chủ nghĩa hiện đại, 16. Chủ nghĩa hậu hiện đại. Phần ba có tên: Văn học và văn hoá gồm 6 chương, 17. Văn học và hình thái ý thức xã hội, 18. Văn học và lịch sử, 19. Văn học và xã hội, 20. Văn học và đạo đức, 21. Văn học và tư tưởng, 22. Văn học và giới tính. Phần bốn có tên là Phê bình và diễn giải văn học gồm 5 chương, 23. Chức năng của phê bình văn học, 24. Phê bình văn học và truyền thống lấy nhà văn làm trung tâm, 25. Phê bình văn học và nghiên cứu tác phẩm, 26. Phê bình văn học và lí thuyết tiếp nhận, 27. Phê bình văn học và nghiên cứu văn hoá. Giáo trình của Nam Phàm vừa kết hợp các nội dung truyền thống của lí luận văn học với các nội dung mang tính hiện đại. Ngoài ba quyển(13) giáo trình trên còn có thể tìm thấy những cách biên soạn mới rất đáng tham khảo, như Lí luận văn học tân biên do Đồng Khánh Bính và Triệu Dũng chủ biên,  trình bày lí luận văn học theo vấn đề. Đó là Văn học và lí luận; Văn học và ngôn ngữ; Văn học và thẩm mĩ, Văn học và văn hoá; Trữ tình văn học; Tự sự văn học; Văn học và kịch; Viết văn học ; Tiếp nhận văn học; Phê bình văn học; Phong cách văn học; Phát triển tư trào văn học; Tương lai văn học. Lí luận văn học(14), do Diêm Gia chủ biên, trích tuyển các luận văn của các nhà lí luận văn học nổi tiếng trên thế giới sắp xếp theo vấn đề. Đó là các vấn đề: Sự phát triển hôm nay của các vấn đề truyền thống; Văn học sử và tác phẩm kinh điển; Mở rộng không gian lí luận và phê bình; Các lí luận về cái chết của văn học, lí luận, phê bình; Lí luận văn học và vấn đề thân phận của nó; Văn học nguyên tố học – những vấn đề ngoài tầm nhìn của bộ môn lí luận văn học của tác giả Quách Chiêu Đệ(15), trình bày các lĩnh vực như tác gia học, văn bản học, độc giả học. Ngoài các bộ trên có thể kể giáo trình Dẫn luận nghiên cứu lí luận văn học(16)  do Uông Chính Long chủ biên, là giáo trình hướng dẫn nghiên cứu lí luận văn học. Các tác giả trình bày các vấn đề như: Lí luận văn học là gì? Văn học là gì? Ngôn ngữ văn học, Văn thể và văn loại, Thơ và trữ tình, Tiểu thuyết và tự sự, Kịch và tính kịch, Hình thức và phong cách, Chủ đề và phân tích hình tượng, Tác giả và viết, Người đọc và sự đọc, Văn học và xã hội, Lí luận văn học sử, Phương pháp luận nghiên cứu văn học.
 

Các giáo trình lí luận văn học Trung Quốc có thể cho ta thấy một hướng đổi mới giáo trình mới, mở, linh hoạt, đa dạng, phù hợp với nhu cầu đào tạo, vừa phù hợp với tình hình tri thức lí luận văn học hiện đại, vừa khắc phục những yếu tố cũ, xơ cứng trong lí luận văn học của chúng ta. Họ đã phá vỡ mô hình lí luận gồm “bốn khối”, hướng tới các vấn đề đang gây tranh luận của lí luận văn học trên thế giới và vấn đề thiết thực của văn học. Các vấn đề như phương pháp sáng tác, văn học phản ánh hiện thực, quan hệ văn học với chính trị, hình thái ý thức xã hội… không còn là vấn đề bàn đến trong rất nhiều giáo trình lí luận văn học, ngoại trừ một bộ sách do Đồng Khánh Bính chủ biên. Điều đó cho thấy ý thức tự chủ của bộ môn đã được thực hiện.
 

Một nền lí luận văn học phát triển là phải có quan điểm mở và đa dạng hoá các giáo trình lí luận văn học. Theo truyền thống lí luận văn học của Liên Xô thì ở đại học người ta có hai chương trình: một chương trình Dẫn luận nghiên cứu văn học và một chương trình Lí luận văn học dùng cho năm thứ tư. Ở Trung Quốc và Việt Nam trước đây tại các trường đại học hầu như chỉ có một chương trình và một số bộ giáo trình lí luận văn học viết theo chương trình ấy. Nhưng các bộ ấy lại chỉ được viết theo một bộ khung hầu như giống nhau, chỉ khác nhau về chi tiết, do đó thực chất cũng chỉ là một bộ, đại đồng tiểu dị. Tình trạng đó tạo nên sự nghèo nàn về giáo trình, ức chế ý thức sáng tạo của các nhà lí luận văn học, hạn chế tầm nhìn của các nhà xuất bản trong việc đặt hàng sách lí luận đối với các nhà chuyên môn.
Ngày nay đại học Việt Nam cần có ý thức thay đổi hệ hình biên soạn giáo trình lí luận văn học.
1. Tri thức lí luận văn học phải bao gồm những vấn đề của lí luận văn học hiện đại, mạnh dạn cắt bỏ các vấn đề lí luận văn học đã lỗi thời.
2. Nâng cao tính vấn đề và tính nghiên cứu của khái niệm lí luận. Các vấn đề lí luận phải được trình bày cho rõ tính vấn đề, không phải là tri thức tĩnh tại, muôn thuở. Vấn đề phải có tính nghiên cứu, có các quan điểm tiêu biểu khác nhau trên vấn đề ấy, có trích đoạn văn bản thể hiện tư tưởng ấy, và có câu hỏi để nghiên cứu. Mỗi vấn đề lí luận nêu ra phải đòi hỏi người học suy nghĩ thêm, nghĩ tiếp.
3. Hệ thống vấn đề cần linh hoạt, không cứng nhắc theo một mô hình giống nhau.
4. Đa dạng hoá các sách và giáo trình. Theo chúng tôi ngoài giáo trình viết theo một chương trình để đảm bảo nội dung đào tạo, nếu có yêu cầu bắt buộc, cần có thêm nhiều loại giáo trình viết theo các bố cục khác nhau, làm nổi bật một hệ vấn đề khác nhau, lại cần có giáo trình viết theo sự phát triển lịch sử của lí luận và cuối cùng là giáo trình chuyên đề về từng vấn đề lí luận riêng biệt, như thi pháp học, kí hiệu học văn học, văn học so sánh, nhân loại học văn học, thi học so sánh, từ chương học văn học hoặc giáo trình riêng về các khái niệm văn học như thơ ca, tiểu thuyết, kí… Ở bậc đại học bên cạnh giáo trình lí luận văn học cần có giáo trình về phê bình văn học, về sự đọc văn học, về lí luận lịch sử văn học. Cũng cần có giáo trình về phương pháp luận nghiên cứu văn học được viết theo quan điểm mới, tức là tính đến nhiều phương pháp nghiên cứu văn học ngoài phạm vi lí luận văn học mác xít. Cùng với các sách nói trên cũng không nên quên biên soạn các từ điển thuật ngữ lí luận văn học, góp phần chuẩn hoá các khái niệm và tên gọi, nâng cao chất lượng tư duy lí luận. Như thế chúng ta cần có quy hoạch không phải một quyển, một bộ,  mà một hệ thống giáo trình lí luận văn học cho tương lai.
5. Viết giáo trình không nên lặp lại theo kiểu xào xáo nội dung, mà phải có nghiên cứu sâu rộng các vấn đề được nói tới trên cơ sở chiếm lĩnh tài liệu nguyên thuỷ, nguyên bản hay bản dịch các công trình lí luận văn học.
_____________
(1) Chúng tôi sử dụng bản dịch tiếng Nga Teoria literatury của A.Zvepev, V. Kharitonov, I. Ilin, Nxb. Progress, Matxcơva, 1978.
(2) Raman Selden: Lí luận phê bình văn học, từ Platon đến hiện nay. Lưu Tượng Ngu, Trần Vĩnh Quốc dịch, Đại học Bắc Kinh xuất bản, 2003.
(3) Các tư liệu lí luận Anh, Mĩ nói trên chủ yếu sử dụng tài liệu của Hồ Á Mẫn, Đại học Sư phạm Hoa Trung, www.edu.cn: Nghiên cứu giáo trình lí luận văn học các nước Anh, Mĩ.
(4) Antoine Compagnon: Bản mệnh của lí thuyết. Nxb. Đại học Sư phạm, H, 2006; Herni Benac: Dẫn giải ý tưởng văn chương. Nxb. Giáo dục, H, 2008.
(5) V.E. Khalizev: Lí luận văn học. Nxb. Cao đẳng, Matxcơva, 2004; N.D. Tamarchenco, V.I. Tiupa, X.N. Broitman: Lí luận văn học. Tập 1, 2. Nxb. Viện hàn lâm, Matxcơva, 2004.
(6) Trương Pháp: Nhìn lại và bổ sung về sự phát triển của bộ môn lí luận văn học Trung Quốc. Tạp chí Nghiên cứu văn nghệ, số 9-2006.
(7) Đồng Khánh Bính (chủ biên), Lí Diễn Trụ, Khúc Bản Lục, Tào Diên Hoa, Vương Nhất Xuyên…: Giáo trình lí luận văn học. Nxb. Giáo dục cao đẳng, Bắc Kinh, 2003.
(8) Đồng Khánh Bính (chủ biên): Lí luận văn học. Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2007.
(9) Đào Đông Phong: Những vấn đề cơ bản của lí luận văn học. Nxb. Đại học Bắc Kinh, 2007.
(10) Vương Nhất Xuyên: Lí luận văn học. Đại học Sư phạm Quảng Tây xb, 2004.
(11) Vương Nhất Xuyên: Lí luận văn học. Nhân dân Tứ Xuyên xuất bản. Thành Đô, 2003.
(12) Nam Phàm: Lí luận văn học. Tân độc bản. Nxb. Giáo dục Chiết Giang, 2003.
(13) Đồng Khánh Bính, Triệu Dũng (Chủ biên): Lí luận văn học tân biên. Đại học Sư phạm Bắc Kinh xb, 2006.
(14) Diêm Gia (Chủ biên): Lí luận văn học. Tinh túy độc bản. Đại học Nhân dân xb. 2006.
(15) Quách Chiêu Đệ: Văn học nguyên tố học. Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 2006.
(16) Văn học lí luận nghiên cứu đạo dẫn. Đại học Nam Kinh xuất bản, Nam Kinh, 2006.
 

                                          Theo Trần Đình Sử – Tạp chí Nghiên cứu văn học 12-2009.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng