Sự ồn ào của triết thuyết Hiện sinh đã lắng xuống từ lâu, những hiểu lầm có tính chất thời thượng từ hai chữ Hiện sinh đã được làm sáng tỏ và đã đi vào quá khứ, các cuộc tranh luận xung quanh những tư tưởng của triết học và văn học Hiện sinh cũng đi đến các kết luận (dù là tương đối). Nhưng những tư tưởng của ông với tư cách một con người, một trí thức không hài lòng với hiện trạng xung quanh mình, luôn tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những chân trời mới, đã thực sự là bài học quý giá cho các thế hệ sau này.
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ J.-P. SARTRE
Nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của J.-P.Sartre vào năm 2005, số đặc biệt của Tạp chí văn học (Le magazine littéraire) đã nhận định : "Sartre là tác giả Pháp được nghiên cứu và bình luận nhiều nhất ở thế kỷ XX"[1]. Chỉ trong năm năm, từ năm 2000 đến 2004 đã có tới 59 cuốn sách viết về nhân vật vĩ đại này với nhiều đề tài đa dạng khác nhau: Sartre, một con người của tình thế; Sartre đối diện với Hiện tượng luận; Văn học và nhập cuộc- Từ Pascal đến Sartre; Sartre với Chủ nghĩa Hiện sinh; Thế kỷ của Sartre. Cuộc tìm tòi triết học; Ba cuộc phiêu lưu của Jean-Paul Sartre. Tiểu thuyết; Mỹ học của Sartre[2]v.v…
Sự ồn ào của triết thuyết Hiện sinh đã lắng xuống từ lâu, những hiểu lầm có tính chất thời thượng từ hai chữ Hiện sinh đã được làm sáng tỏ và đã đi vào quá khứ, các cuộc tranh luận xung quanh những tư tưởng của triết học và văn học Hiện sinh cũng đi đến các kết luận (dù là tương đối). Nhưng những tư tưởng của ông với tư cách một con người, một trí thức không hài lòng với hiện trạng xung quanh mình, luôn tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những chân trời mới, đã thực sự là bài học quý giá cho các thế hệ sau này.
J.-P. Sartre sinh ngày 21-6-1905 tại Paris trong một gia đình gia giáo và giàu có. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, khi mẹ tái giá, ông chủ yếu sống với ông ngoại, vùi đầu vào sách vở và bộc lộ thiên hướng văn chương từ rất sớm.
Năm 1924, ông vào học Trường Cao đẳng Sư phạm nổi tiếng, sau đó làm luận văn Thạc sĩ triết học, đỗ thủ khoa. Ông dạy học ở nhiều nơi tại Pháp. Năm 1933-1934, J.-P. Sartre sang Đức dạy học, đồng thời chịu ảnh hưởng nhiều từ triết học Đức, nhất là Hiện tượng học và những tư tưởng của Heiddeger.
Năm 1938 (33 tuổi), ông được văn giới đánh giá cao với tiểu thuyết Buồn nôn. Tác phẩm thực sự là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời sáng tác của nhà văn và từ đó ông được coi là chủ soái của Chủ nghĩa Hiện sinh.
Năm sau (1939), J.-P. Sartre phải vào lính, được một năm thì bị bắt làm tù binh, sau được thả vì sức yếu. Năm 1941, ông giải ngũ, tiếp tục dạy học và chuyên tâm vào sáng tác.
Là nhà triết học của Chủ nghĩa Hiện sinh, tác phẩm của ông nổi tiếng đến nỗi ông được mệnh danh là "Nhà triết học best-sellers". Ông đồng thời là nhà viết kịch, nhà tiểu thuyết và nhà phê bình văn học nổi tiếng.
Năm 1964, ông lại càng nổi tiếng cùng với việc ông từ chối giải Nobel văn học. Ông cho rằng giải Nobel không thật sự vô tư và ông không muốn gắn tên tuổi mình với sự không vô tư ấy. Mặt khác, ông là một nhà văn độc lập, ông muốn giữ sự tự do của mình, không muốn bị phụ thuộc vào vinh quang, vì chính nó sẽ ràng buộc lại mình.
Chủ nghĩa Hiện sinh của J.-P. Sartre mang tính chất vô thần. Theo ông, sự tồn tại của con người không phụ thuộc vào Chúa. Ông khẳng định: con người là tương lai của con người, con người là chính những gì mình tự tạo nên. Đối với J.-P. Sartre, Chúa đã chết, chỉ còn con người tự cứu lấy mình, mỗi người tự làm cho mình trở thành con người trong những hoàn cảnh khác nhau. J.-P. Sartre coi cuộc đời là vô nghĩa, không có thế lực nào bên ngoài có thể giải thoát được tình trạng đó của con người, kể cả Chúa.
Từ việc xác nhận tính chất vô thần trong hệ thống tư tưởng của mình, J.-P. Sartre nhấn mạnh trách nhiệm của con người trong cuộc đời.Trách nhiệm đó thể hiện ở sự tự lựa chọn của con người trong từng tình huống cụ thể. Cho rằng "không có lý thuyết nào có thể lạc quan hơn thuyết Hiện sinh bởi nó cho rằng số phận con người nằm trong bản thân con người", J.-P. Sartre khẳng định "Thuyết Hiện sinh là một lý thuyết hành động và của tinh thần dấn thân". Cũng từ đây xuất hiện những quan niệm tích cực của J.-P. Sartre liên quan đến vấn đề người viết.
Chúng ta đã biết vấn đề người viết trong quá trình sáng tác, hay nói khác đi, vấn đề tác giả là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của giới lý luận phê bình của nhiều nước trên thế giới ở thế kỷ XX. Cũng từ vấn đề này mà nhiều cách tiếp cận, nhiều trào lưu, trường phái phê bình khác nhau đã ra đời, đã tranh luận sôi nổi và nhiều khi chưa thể đi đến những kết luận cuối cùng.
Vấn đề người viết đã được J.-P. Sartre thể hiện cụ thể qua nhiều tác phẩm khác nhau trong quá trình hoạt động trên lĩnh vực văn học của mình.
NHÀ PHÊ BÌNH J.-P.SARTRE VỚI VẤN ĐỀ CON NGƯỜI
Là người sáng tác, nhưng J.-P. Sartre còn nổi tiếng là nhà phê bình sắc xảo, ông xác định phương pháp phê bình của mình "là một phương pháp dành để soi sáng, dưới một hình thức hoàn toàn khách quan, sự lựa chọn chủ quan mà nhờ đó mỗi một con người trở thành mình, có nghĩa là con người tự biết mình sẽ là người như thế nào."[3].
Khi nghiên cứu J.-P.Sartre trên phương diện phê bình - lý luận văn học các tác giả đã gọi ông theo nhiều thuật ngữ khác nhau: là nhà phê bình văn học (le critique littéraire), nhà lý luận tiểu thuyết (le théoricien du roman) hoặc nhà lý luận nói chung (le théoricien)... Trong việc xếp kiểu loại phê bình, ngoài việc nhắc đến phê bình hiện sinh (la critique existentielle), người ta thường xếp ông vào diện phê bình của các nghệ sĩ (la critique des artistes) hay phê bình của các nhà sáng tạo (la critique des créateurs).
Cũng có trường hợp người ta phân tích tác phẩm của ông cùng với các nhà xã hội học văn học. Đây cũng chính là cách tiếp cận của bài viết này.
Sự gắn liền chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa triết học và văn học đã tạo nên những đặc điểm độc đáo trong tư tưởng của J.-P. Sartre khi đề cập đến vấn đề con người. Ông học triết học một cách hệ thống ở bậc Đại học và sau Đại học, mặc dù ước nguyện đầu tiên và lâu dài của ông là trở thành nhà văn. Có điều kiện nghiên cứu triết học một cách bài bản, lại là người đỗ thủ khoa trong kỳ bảo vệ luận văn thạc sĩ triết học, nhưng ông không coi triết học là một lĩnh vực để tạo ra một sự nghiệp cá nhân. Ông coi triết học là một phương tiện và là cơ sở có tính chất nền móng cho hoạt động văn học của mình. Trong một số cuộc nói chuyện giữa J.-P Sartre với các giáo sư Michel Rybalka, Oreste Pucciani, Susan Gruenheck từ ngày 12 đến 19/5/1975, ông đã xác nhận cuộc gặp gỡ đầu tiên với Bergson đã giúp ông phát hiện ra phương pháp nghiên cứu về ý thức. Ông khẳng định những tư tưởng của Bergson "đã ảnh hưởng nhiều tới tôi".[4]Cũng trong các cuộc nói chuyện trên, J.-P Sartre khẳng định ông sự quan tâm của ông đến các nhà triết học cổ điển như Kant, Platon, nhất là Descartes. Ông đọc các tác phẩm của Marx và các nhà triết học khác. Đặc biệt vào những năm 1939 - 1940, ông phát hiện ra Kierkegaard.
Sự kiện quan trọng dẫn đến những thay đổi lớn lao trong tư duy của J.-P Sartre là cuộc đại chiến thế giới lần II, thời Paris bị chiếm, thời kháng chiến và khi Paris được giải phóng: "Tất cả những cái đó làm tôi chuyển từ tư duy triết học theo kiểu cổ điển sang những tư tưởng mà ở đó triết học và hành động, lý thuyết và thực tiễn liên quan đến nhau: tư tưởng của Marx, của Kierkegaard, Nietzsche mà từ đó người ta có thể hiểu tư tưởng của thế kỷ XX"[5]. Rõ ràng, những tri thức phong phú và có hệ thống về mặt triết học đã nâng cao thêm và làm sâu sắc hơn những tư tưởng, ý kiến của J.-P Sartre trong lĩnh vực lý luận - phê bình văn học. Giáo sư Roger Fayolle trong cuốn Phê bình đã nêu ở trên cũng đã khẳng định quan hệ mật thiết này: "Đối với Sartre, phê bình và triết học luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Ngay từ những tiểu luận phê bình đầu tiên, ông đã nhấn mạnh các mối quan hệ giữa phong cách và quan niệm về thế giới bằng một cách trình bày thật rõ ràng. Ví dụ, ông nhận xét về Faulkner: "Kỹ thuật tiểu thuyết bao giờ cũng dẫn đến lý thuyết của nhà tiểu thuyết. Nhiệm vụ của nhà phê bình là khai thông bóc tách cái kỹ thuật đó trước khi đánh giá nhận xét lý thuyết trừu tượng [6]. Đánh giá cao những kỹ thuật điêu luyện của một văn bản, J.-P Sartre đã viết như sau về Faulkner: "Tôi yêu thích nghệ thuật của ông, tôi không mấy tin tưởng vào tư tưởng siêu hình của ông". Cũng theo giáo sư Roger Fayolle, tác phẩm văn học về cơ bản là mang tính mập mờ nước đôi, sự ám ảnh đối với nhà phê bình J.-P Sartre là phải khám phá sự bí mật của tình trạng "nhập nhằng" ấy, phát hiện từ trong tác phẩm văn học những gì giống như thuốc hiện hình cho thấy cuộc phiêu lưu đặc biệt của một con người trong quá trình trở thành nhà văn: "Nói một cách khác, sự suy nghĩ về các mối quan hệ giữa triết học và văn học sẽ dẫn ông đến việc khảo sát tình trạng hiện sinh của cái "tôi" ("Je"), không phải để nghiên cứu mối quan hệ có tính chất truyền thống của con người với tác phẩm, mà để hiểu trong những điều kiện nào mà một số người đã thành công viết nên tác phẩm của họ"[7].
Một trong những vấn đề quan trọng trong triết học Hiện sinh và được rút gọn lại thành một thuật ngữ có tính chất chìa khoá là sự lựa chọn. Bằng sự lựa chọn của bản thân, mỗi người tự tạo nên mình. Nhà văn Hiện sinh Simone de Beauvoir, người bạn đời của J.-P Sartre, cũng đã thể hiện tư tưởng này trong một câu nổi tiếng: "Người ta sinh ra không phải đã là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ". Tư tưởng triết học này đã được J.-P Sartre triển khai trong các công trình lý luận phê bình của mình. Tác giả Gilles Vannier trong cuốn Chủ nghĩa Hiện sinh. Văn học và triết học đã cho rằng: "Đối với tác giả của Hữu thể và Hư vô, tác phẩm văn học chứng kiến cuộc phiêu lưu đặc biệt của một con người (LPT nhấn mạnh) mà nỗi lo âu của anh ta đã dẫn tới văn học để thử tự giải thoát ra khỏi đó. Tác phẩm văn học khách quan hoá sự lựa chọn căn bản của hiện hữu, sự lựa chọn này tạo ra mối quan hệ đặc biệt với thế giới ”[8].
Trong bài Chủ nghĩa Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản[9](một tài liệu quan trọng nêu lên các quan điểm Hiện sinh chủ nghĩa của J.-P. Sartre công bố năm 1946), ông khẳng định: "Thuyết Hiện sinh vô thần mà tôi là người đại diện (…) cho rằng nếu Thượng Đế không tồn tại thì ít nhất một sinh vật đã tồn tại trước khi có bản chất, trước khi được định nghĩa bởi một khái niệm nào đó, sinh vật đó là con người, hoặc là tính thực tại của con người theo cách nói của Heidegger".
Để chứng minh rõ hơn quan điểm của J.-P Sartre, chúng tôi xin phép trích một đoạn dài trong bài Chủ nghĩa Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản: "Con người không chỉ như anh ta tự quan niệm, mà còn như anh ta muốn, như anh ta tự quan niệm sau khi đã sống, và như anh ta muốn sau khi ước ao được sống; con người không là gì khác ngoài cái mà bản thân anh ta tự làm nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết Hiện sinh. (…) Khi nói rằng con người tự lựa chọn, chúng tôi muốn nói rằng mỗi người trong chúng ta tự lựa chọn bản thân mình, nhưng đồng thời có nghĩa là trong khi tự lựa chọn, mỗi cá nhân tự lựa chọn toàn thể loài người. Thật vậy, mỗi hành động vừa làm nên người mà ta muốn trở thành, vừa tạo nên một hình ảnh của con người mà ta cho là lý tưởng. Lựa chọn cũng có nghĩa là khẳng định giá trị của cái mà ta lựa chọn, bởi ta không bao giờ có thể chọn điều ác; điều mà chúng ta chọn bao giờ cũng là điều thiện, và không có điều nào tốt cho chúng ta mà lại không tốt cho tất cả loài người"[10].
NGƯỜI VIẾT DƯỚI NGÒI BÚT CỦA J.-P.SARTRE
Những tiểu luận phê bình của J.-P.Sartre xuất hiện khá sớm. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của ông là nghiệp văn của những người cùng có một nghề viết như ông. Từ năm 1936 đến 1940 ông đã giới thiệu tiểu thuyết của Faulkner, Dos Passos, Giraudoux, Mauriac, Nizan... trên tờ Nouvelle Revue Fran†aise. Trong hàng chục năm cầm bút, J.-P. Sartre đã viết một khối lượng rất lớn các bài phê bình giới thiệu các nhà văn Pháp và nước ngoài. Các bài viết thuộc lĩnh vực này đã được tập hợp trong tập I (1947) và tập III (1949) của bộ sách Tình thế (Situations), gồm 10 tập, công bố từ năm 1947 đến 1976. Có thể nói chưa bao giờ J.-P. Sartre tách rời hoạt động phê bình với hoạt động chính trị, triết học, xã hội và văn học. Tất cả đều được đặt dưới dấu hiệu nhập cuộc gắn liền với các tình huống lịch sử. Cũng từ thực tế này mà 10 tập trọng bộ sách đồ sộ của ông có tên là Tình thế. Mối quan tâm của ông đối với người viết với tư cách nhà văn được thể hiện rõ nhất trong các cuốn sách ông phân tích rõ nghiệp văn của những người đồng nghiệp của mình.
Về các tác giả Baudelaire, Flaubert và Genet
Xuất phát từ những tư tưởng triết học về con người, về một nền văn học hành động (văn học được xác định không phải bởi bản chất, mà bởi một việc làm và bởi hành động), J.-P. Sartre đã tiến hành phân tích quá trình trở thành nhà văn của người viết-tác giả, đặc biệt thể hiện rõ qua các tác phẩm bậc thầy về ba nhà văn Pháp Baudelaire, Flaubert và Genet: Baudelaire (1947), Saint Genet- nhà nghệ sĩ và người tuẫn nạn (1952), Thằng ngốc của gia đình. Gustave Flaubert từ 1821 đến 1857 (1972, 3 tập).
Đê đề cập đến các tác giả với tư cách là người viết, J.-P. Sartre đã thực hành một lối viết của riêng mình. Ông quan tâm đặc biệt đến tư liệu, nhấn mạnh vai trò của tác phẩm và nhận xét, đánh giá con người qua tác phẩm chứ không qua các sự kiện, chi tiết thuần túy thuộc tiểu sử hoặc các câu chuyện giai thoại thường được gắn liền với bất kỳ người viết nào.
J.-P. Sartre đã từng khẳng định điều mà ông muốn là "một kiểu tiểu sử mà người ta không thể làm khác với các tư liệu. Một kiểu tiểu sử văn học, có nghĩa là con người với những thị hiếu, nguyên tắc, quan điểm thẩm mỹ về văn học của anh ta… và tìm thấy tất cả những cái đó từ bản thân anh ta, qua những cuốn sách của anh ta và trong bản thân anh ta. Tôi cho rằng đó chính là công việc mà người phê bình phải làm"[11].
Quan tâm đến tác giả, phương pháp phân tích của J.-P Sartre không phủ nhận hoàn toàn cách tiếp cận cổ điển (như của Saint-Beuve, người chú trọng đến đời tư của nhà văn, đến “lý lịch" của nhà văn hơn là tác phẩm và đã từng bị M. Proust lên án kịch liệt trong cuốn Chống Sainte-Beuve (1954)). Sartre không chỉ quan tâm đến cái tôi tâm lý, cái tôi xã hội của nhà văn, mà trước hết quan tâm đến tác phẩm của người sáng tạo (điều khiến ông có khác Sainte-Beuve và phản đối M. Proust, người chỉ quan tâm đến cái tôi văn chương của tác giả). Theo ông, phải thông qua tác phẩm để hiểu người viết, người từ đầu đến cuối có một sự chọn lựa của mình, cho riêng mình. J.-P. Sartre nhấn mạnh trách nhiệm của nhà văn trong sự lựa chọn đó, sự lựa chọn một cách có ý thức. Vì vậy, ta có thể hiểu tại sao ông phản đối thuyết phân tâm học của Freud với các khái niệm chìa khoá như libido và vô thức.[12]
Trong cuốn Baudelaire, J.-P. Sartre đã xem xét quá trình trở thành nhà văn của Baudelaire, phân tích sự lựa chọn của chính ông để trở thành người như thế này chứ không phải là như thế kia. J.-P. Sartre đã nhắc tới hoàn cảnh khi Baudelaire 6 tuổi thì cha mất: "ông sống trong sự yêu quý đến mức tôn thờ của người mẹ". Nhưng rồi, mẹ của Baudelaire đi lấy chồng. Đó là cú sốc tình cảm đầu tiên, sự rạn vỡ đầu tiên trong quan hệ hai mẹ con, để rồi sau đó còn có lần thứ hai. J.-P. Sartre trích lại lời của chính Baudelaire: "Cảm giác cô đơn ngay từ khi tôi còn nhỏ. Mặc dù có gia đình - và nhất là ở giữa môi trường của bè bạn - cảm giác về một số phận mãi mãi bị cô đơn" và cho rằng chính Baudelaire đã nghĩ đến sự cô độc đó như một vận mệnh. Tiếp theo, J.-P. Sartre đã xuất phát từ quan điểm về sự lựa chọn trong triết học để phân tích trường hợp của Baudelaire: “Ở đây chúng ta đề cập đến sự lựa chọn nguyên thuỷ (le choix originel) mà Baudelaire đã tự mình thực hiện, đến sự dấn thân tuyệt đối mà qua đó mỗi người trong chúng ta quyết định trong một hoàn cảnh đặc biệt của tình trạng mà ông sẽ và đang trở thành. Bị bỏ rơi, bị từ bỏ, Baudelaire đã coi sự cô đơn ấy là thuộc về mình. Ông chấp nhận sự cô quạnh như là nó đến từ chính bản thân ông, mà ông không phải chịu đựng nó. Ông cảm thấy ông là một kẻ khác, bởi sự phát hiện đột nhiên về sự tồn tại cá nhân của mình, đồng thời ông xác nhận và chấp nhận sự khác biệt ấy, trong sự xấu hổ, sự thù hận và kiêu hãnh. Từ nay, với cơn kích động bướng bỉnh và cô độc, ông sẽ là một kẻ khác…”[13]. Theo J.-P. Sartre, thái độ của Baudelaire là thái độ của người có thiên hướng quan tâm đến bản thân mình, theo kiểu Narcisse, Baudelaire đã tự lựa chọn để được coi như là một kẻ khác, cuộc đời ông chỉ là lịch sử của sự thất bại. Thơ ca đã được Baudelaire dùng để thể hiện sự lựa chọn của mình: “sự lựa chọn tự do mà con người đã thực hiện từ chính bản thân mình hoàn toàn đồng nhất với cái mà người ta gọi là số mệnh”[14].
Cuốn sách ngắn gọn của J.-P. Sartre về Baudelaire (245 trang khổ nhỏ) mở đầu cho những cuốn sách lớn về Genet (578 trang khổ to), nhất là bộ sách về Flaubert ba tập với hàng nghìn trang sách. Thánh Genet, nhà nghệ sĩ và người tuẫn nạn là cuốn sách viết về cuộc đời và tác phẩm của Genet, một tác giả tập trung trong mình những đặc điểm đối nghịch nhau, hoàn toàn không thuần nhất. Nhà văn André Maurois, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp trong cuốn Từ Gide đến Sartre đã nhắc tới cuốn sách này như sau: “ Jean Genet (Thánh Jenet), đó là một câu chuyện khác. Baudelaire thú nhận là kẻ tội lỗi; Genet, chân thành hơn, nhận về mình những tội lỗi và bất chấp bọn người xấu. Từng là một đứa trẻ nghèo khổ, ông làm những người tử tế ngạc nhiên khi ông thực hiện một vụ ăn cắp vặt. Ông đã từng ước mơ trở thành vị thánh, lúc ấy ông tự biết mình sẽ bị xã hội từ bỏ. Xã hội đòi hỏi ông phải chuộc lỗi. Xã hội tha thứ hết trừ tội kiêu hãnh. Thế mà ông trả lời: “Tôi là kẻ ăn cắp” và nhận về mình một cách kiêu hãnh cái trách nhiệm ấy, cũng như là trách nhiệm về sự xấu xa tình dục. Khi tự nhận mình là người xấu, ông tìm thấy sự chân thành của mình (…). Cũng như vị thánh của đạo Cơ đốc chối từ tội lỗi, rồi từ bỏ cuộc đời, để hiến mình cho Chúa Trời, Genet từ bỏ cái Thiện và xã hội để chỉ gắn bó với cái Ác. Sartre ca ngợi thái độ đó trong một tác phẩm thật khác thường”[15]. Nếu như Baudelaire chủ động tự nhận về mình cái cô đơn để nó không đè bẹp mình thì Genet đã dũng cảm “nhận mình là người xấu” như Maurois vừa nói ở trên. Đó cũng là một sự lựa chọn của con người trước cuộc đời. Trong cuốn sách này, J.-P. Sartre đã theo dõi hành trình của Genet qua các biến đổi, chuyển hướng từ tội lỗi sang phía của cái Đẹp, của hoạt động thẩm mỹ để trở thành nhà văn, người sáng tạo. Ông quan tâm đến việc Genet đã trở thành nhà văn như thế nào. Vậy là, ở trường hợp này, chúng ta có thể nói theo kiểu J.-P. Sartre như Simone de Beauvoir đã phát biểu: Genet sinh ra không phải đã là nhà văn, Genet trở thành nhà văn.
J.-P. Sartre cho rằng người phê bình phải phân tích, giải mã được những cách xử thế của con người trong những hoàn cảnh đặc biệt, sự lựa chọn và trách nhiệm của con người trước sự lựa chọn đó. Nhà phê bình phải khẳng định được vị trí hàng đầu của ý thức và thấy được rằng chính là qua ý thức của người nghệ sĩ, được thể hiện qua sự lựa chọn mà dự định sáng tạo được nảy sinh. Chính ở điểm này mà lối phê bình của J.-P.Sartre khác biệt với thuyết phân tâm học của Freud khi đề cập đến vấn đề người viết. Ông đã nhấn mạnh điều đó trong tác phẩm Hữu thể và Hư vô: “Phân tâm học Hiện sinh phủ nhận định đề về vô thức: đối với phân tâm học Hiện sinh, yếu tố tâm lý cùng tồn tại với ý thức” (tr.658), đồng thờikhẳng định người nghệ sĩ là người có trách nhiệm trong sự tự do lựa chọn của anh ta.
Điều đó có thể thấy rõ trong các tác phẩm của J.-P. Sartre liên quan đến Flaubert. Như chúng ta đã biết, Flaubert là một nhà văn chiếm vị trí đáng kể trong các tác phẩm phê bình ở Pháp và nước ngoài. Đối với J.-P. Sartre, có thể nói Flaubert như một nỗi ám ảnh. Ngay từ tác phẩm triết học Hữu thể và Hư vô, lần đầu tiên đề cập tới phân tâm học Hiện sinh, ông đã luôn nhắc tới Flaubert. Ông quan tâm tới “khát vọng văn chương” của Flaubert và hy vọng đạt được một sự thấu hiểu có tính chất toàn diện về nhà văn đặc biệt này: “Tồn tại, đối với Flaubert cũng như đối với bất kỳ chủ thể nào của “tiểu sử”, đó chính là đồng nhất với thế giới. Sự đồng nhất không thể phủ nhận mà chúng ta cần phải đối mặt, Flaubert là ai và chúng ta đòi hỏi các nhà tiểu sử phát hiện cho chúng ta những gì, đó chính là sự đồng nhất của một dự định nguyên thuỷ, sự đồng nhất mà cần phải được phát lộ cho chúng ta như một sự tuyệt đối không thể bỏ qua”[16]. Năm 1957, trong cuốn Vấn đề phương pháp (sẽ lấy lại trong Phê bình lý trí biện chứng) J.-P. Sartre lại một lần nữa lấy ví dụ Flaubert để nhấn mạnh sự hình thành giai cấp được thể hiện trong từng cá thể và ngay từ thời thơ ấu. Ông tuyên bố rằng Chủ nghĩa Hiện sinh là lý thuyết có thể gắn nhập cái cá thể vào phong trào chung của xã hội. Từ đây, ông nhắc tới công trình đồ sộ của ông về Flaubert: “Cần phải gắn tác phẩm vào thực tế thể hiện như là nó đã được Flaubert trải nghiệm thông qua thời thơ ấu của ông”[17].
Thằng ngốc của gia đình. Gustare Flaubert từ 1821 đến 1857 là một bộ sách thực sự đồ sộ. Theo thông tin của nhà xuất bản Gallimard trên mạng Internet, ba tập của bộ sách được xuất bản lần đầu năm 1971 với tổng số trang là 2198 (tập I: 658 trang; tập II: 840 trang; tập III: 700 trang). Lần xuất bản thứ hai vào năm 1988 có sửa chữa và bổ sung nên số trang đã tăng lên với tổng số là 3016 trang (tập I: 1112 trang; tập II: 1072 trang; tập III: 832 trang,). Sau đây là nội dung tóm tắt tác phẩm của nhà xuất bản Gallimard : “Người ta có thể biết gì về con người hôm nay?”. Bằng sự vận động liên tục của phương pháp “đa chiều”, từ tác phẩm đến con người và từ con người đến xã hội, Thằng ngốc trong gia đình đã săm soi nhà văn Flaubert để xây dựng lại tất cả những gì mà người ta biết về ông trong một tổng thể sáng rõ dễ hiểu. Không có ý định hạn chế trong một tác phẩm hoàn toàn có tính chất nghiên cứu, cũng không tỏ ra thiên vị, mà gần như đối với bè bạn, J.-P. Sartre đã xoay đối tượng của mình đến chóng mặt, đến sự thấu hiểu tận cùng nơi mà cuốn tiểu sử, bởi cung cách riêng của ông, gần như là sự thổ lộ tâm tình của chính ông. Dù sao đi nữa đó chính là cuộc đời sống động của Gustave Flaubert mà chúng ta cảm thấy nó được tái tạo lại, đó là sự ham thích đặc biệt của riêng ông”.
Tác giả Roger Rayolle khi đề cập đến tác phẩm Thằng ngốc của gia đình của J.-P.Sartre đã nhắc tới ý định nghiên cứu của ông về “một con người trong tổng thể của anh ta”, cụ thể qua trường hợp của Flaubert là “tái tạo sự vận động biện chứng trong tất cả các giai đoạn qua đó Flaubert dần dần trở thành tác giả của Bà Bovary”.
Thông qua đời văn của Flaubert, J.-P. Sartre đặt vấn đề về khả năng xây dựng một khoa học về con người, về những điều kiện tồn tại của con người và những khả năng thể hiện của anh ta. Một lần nữa ông mong muốn trả lời một câu hỏi quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng được quan tâm đúng mức: người ta trở thành nhà văn như thế nào.
Qua tác phẩm về Flaubert cũng như trong các tác phẩm khác, J.-P. Sartre mong muốn sáng tạo ra lối phê bình tổng thể. Theo tác giả Gilles Vannier, đó là “phương pháp biện chứng xen kẽ với yếu tố cấu trúc và lịch sử, sự phân tích hồi quy (nghiên cứu tỉ mỉ những tác phẩm thời trẻ cho phép soi sáng lĩnh vực tưởng tượng của Flaubert thời trẻ) và sự tổng hợp của quá trình liên tục (chỉ quá trình có tính tổng thể mới có thể khôi phục lại dự định hiện hữu mà tác phẩm là sự thể hiện khách quan hoá)”[18]. Để thực hiện lối phê bình có hiệu quả đó, theo J.-P.Sartre, cần phải đọc, đọc tất cả những gì liên quan đến đối tượng nghiên cứu. Ông khẳng định:” Tôi không đòi hỏi điều đó (đọc tất cả, LPT) đối với độc giả nói chung, mà đối với các nhà phê bình chuyên nghiệp: họ phải dùng nhiều thời gian. Sau đó phải xem xét các tác phẩm, xem xem liệu có một điểm nhìn kéo dài suốt cả cuộc đời hay có thay đổi bởi môi trường, thử tìm cách giải thích các giai đoạn phát triển, các đứt đoạn, thử tìm ra sự lựa chọn của riêng tôi, đó là điều khó nhất: tôi đã lựa chọn để trở thành người như thế nào để viết nên tác phẩm như thế này, tại sao tôi lại chọn việc viết lách”[19]. Nhấn mạnh đến tác phẩm, các loại tư liệu, trong đó có thư từ,
J.-P.Sartre tiến xa hơn lối phê bình tiểu sử của Sainte-Beuve. Ông quan tâm đến tiểu sử, đến con người của nhà văn. Nhưng con người sáng tạo ấy, theo ông, phải được soi sáng bởi các tác phẩm của anh ta.
Về trách nhiệm của nhà văn
Đặc biệt ông nhấn mạnh yếu tố xã hội trong khi nghiên cứu một nhà văn. Điều đó thể hiện trước hết qua sự nghiệp sáng tác của chính bản thân ông: “Tôi nghĩ rằng trong tôi đã có sự phát triển liên tục từ tác phẩm Buồn nôn đến Phê bình lý trí biện chứng. Sự phát hiện lớn của tôi, đó là các vấn đề xã hội, trong chiến tranh, tôi đã là người lính trên chiến trận, đó thực sự là nạn nhân của một xã hội mà anh thuộc về nó, nơi ấy anh không muốn có mặt và là xã hội đem lại cho anh những luật lệ mà anh không muốn. Các vấn đề xã hội không có trong tác phẩm Buồn nôn, nhưng người ta có thể thấy thoáng qua”.[20] J.-P. Sartre quan tâm đến việc gắn nhập con người và thời đại, thống nhất một cách hữu cơ việc nghiên cứu lịch sử và phân tích tác phẩm của nhà văn.
Ông coi cuộc đời là vô nghĩa, nhưng đồng thời lại có những ý kiến tích cực về trách nhiệm của con người giữa cuộc đời. Nhất là, trong thực tế, nhiều năm ông là con người nhập cuộc với tinh thần dấn thân: ông tích cực chống chiến tranh ở Việt Nam, ở Algérie, phản đối chính quyền Franco ở Tây Ban Nha v.v…
Có thể thấy rõ J.-P. Sartre là người nổi bật trong giới trí thức Pháp những năm đầu thế kỷ XX với vấn đề trách nhiệm của nhà văn. Tháng 10 năm 1945 tạp chí Les Temps modernes được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông. Trong bài Giới thiệu cho tờ tạp chí này (được coi là một trong những đường hướng chính trong tư duy của J.-P. Sartre trong những năm 1945-1947), ông không chỉ thể hiện sự đoạn tuyệt và xem xét lại nhiều vấn đề trong văn học truyền thống cũng như đương đại, mà còn tuyên bố những quan điểm gắn với xã hội của một nhà văn. Ông khẳng định sự tất yếu phải gắn bó với xã hội của nhà văn: “Bởi vì nhà văn không có cách nào để trốn tránh, chúng tôi mong muốn rằng anh ta phải theo sát chặt chẽ thời đại của mình; nó là sự may mắn duy nhất của anh ta; nó tồn tại cho anh ta và anh ta tồn tại cho nó. Người ta lấy làm tiếc về sự hờ hững của Balzac trước tình thế những ngày của năm 48 (cách mạng 1848, LPT thêm) cũng như thái độ sợ hãi của Flaubert đối với Công xã”.[21] Không đồng tình với thái độ của Flaubert cũng như của Goncourt trước những sự kiện Công xã Paris, thậm chí J.-P. Sartre còn cho rằng các nhà văn này phải chịu trách nhiệm trong việc Công xã bị đàn áp đẫm máu, vì họ đã không viết một dòng nào để phản đối những biện pháp dã man của chính phủ đương thời. Đồng thời ông nêu gương của những nhà văn thể hiện trách nhiệm của mình trước thời cuộc khi phê phán những việc làm bất hợp lý của các nhà cầm quyền: đó là Zola với bài Tôi tố cáo nổi tiếng và Gide với cuốn sách Từ Congo trở về.Từ đó, ông nhấn mạnh: “Mỗi người trong các tác giả này, trong một hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc đời của họ, đã thể hiện trách nhiệm nhà văn của họ”.[22]
Cho rằng mỗi một nhà văn đều ở trong tình thế nhất định gắn với thời đại anh ta đang sống, J.-P. Sartre khẳng định vai trò của nhà văn trong thời đại ấy: “Mục đích của chúng ta là góp sức vào việc tạo ra một vài sự thay đổi trong Xã hội đang bao quanh ta”, và “…đối với chúng ta, văn học sẽ lại trở thành cái mà nó đã chưa bao giờ ngừng trở thành: nó có chức năng xã hội”. Ông đề cao sứ mạng đặc biệt của nhà văn, của người viết đối với xã hội: “Nhiệm vụ nhà văn của chúng ta là làm phát lộ những giá trị vĩnh cửu được xuất hiện từ trong các cuộc tranh luận xã hội hoặc chính trị”.
Nếu như ngay câu đầu tiên của bài Giới thiệu J.-P.Sartre nhắc tới tinh thần vô trách nhiệm của các nhà văn có gốc gác tư sản thì đến cuối bài nói có tính chất cương lĩnh ấy ông nhấn mạnh những ý tưởng rõ ràng của mình: “Tôi nhắc lại rằng, thực tế, trong “văn học nhập cuộc” trong tinh thần nhập cuộc, dù thế nào đi nữa cũng không được quên rằng văn học và sự quan tâm của chúng tôi cần phải được phục vụ cho văn học đồng thời truyền cho nó một dòng máu mới, cũng như phục vụ cho tập thể đồng thời cố gắng mang lại cho tập thể một nền văn học phù hợp với nó”.[23]
Chúng ta biết rằng vào thời điểm tạp chí Les Temps modernes xuất hiện cũng là thời điểm bùng nổ của Chủ nghĩa hiện sinh mà J.-P. Sartre cũng là người đứng đầu. Việc gắn hoạt động sáng tác của nhà văn vào với không khí của thời đại cũng như trao cho nhà văn những trách nhiệm nặng nề đã khiến Chủ nghĩa hiện sinh của J.-P. Sartre mang những sắc thái riêng. Không phải vô cớ mà nhiều nhà nghiên cứu đã gắn từ “hành động” khi nói tới Chủ nghĩa hiện sinh của ông: Chủ nghĩa hiện sinh hành động. Cũng vì thế nhiều người đã coi quan niệm nhà văn tình thế của ông cùng với những trách nhiệm xã hội ông trao cho họ có những điểm tương đồng với quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp đương thời.[24]
Trách nhiệm của người nghệ sĩ còn được J.-P. Sartre đề cập đến ở một dịp khác. Trong bài phát biểu ở phiên họp đầu tiên của Hội nghị toàn thể của Unesco tại Paris tháng 11 năm 1946, ngay từ đầu, ông đã lấy lại câu của nhà văn Nga Dostoievski liên quan đến vấn đề này: “Bất kì người nào cũng có trách nhiệm trước tất cả các sự việc và tất cả mọi người”, sau đó ông nhấn mạnh: “chúng ta càng ngày càng cần phải có trách nhiệm hơn (…) mỗi người có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra trên thế giới”. Khẳng định rằng “trách nhiệm của nhà văn hiện nay là rất rõ ràng”, J.-P. Sartre nêu cụ thể năm nhiệm vụ cần làm của người nghệ sĩ và nhấn mạnh một lần nữa: “Đó là vấn đề của chúng ta, đó là vấn đề của thời đại, đó là vấn đề của chúng ta, các nhà văn” [25].
Nhà văn dấn thân và văn học nhập cuộc
Nếu như bài diễn thuyết của ông Chủ nghĩa Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản năm 1945 vừa là sự giải thích, trả lời, vừa là sự nhấn mạnh và chốt lại những quan điểm quan trọng của Chủ nghĩa Hiện sinh, thì trong hai văn bản vừa nhắc trên lại thể hiện một gương mặt khác của một J.-P. Sartre đa diện. Đó là một con người nhập cuộc của bản thân ông, và kèm theo đó là những khái niệm gắn với tên tuổi J.-P. Sartre vào những năm 40 của thế kỷ trước: nhà văn dấn thân và văn học nhập cuộc.
Nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này đã được J.-P. Sartre đề cập đến trong cuốn Văn học là gì? (1948)[26] trong đó gồm bốn phần: I. Viết là gì? II. Viết để làm gì? III. Viết cho ai? IV. Tình thế nhà văn Pháp năm 1947.
Điều ông muốn nhấn mạnh trong cuốn sách hơn 300 trang này (đã được đề cập đến từ bài Giới thiệu trong tạp chí Les temps modernes) là văn học được xác định “bởi một việc làm và bởi một hành động”.
Để nói rõ các ý tưởng của mình, J.-P.Sartre đã đề cập đến tình trạng của nhà văn qua các thời đại khác nhau, quan hệ của nhà văn với công chúng để từ đó nói về nhà văn đương đại.
Cho rằng nhà văn ở châu Âu thế kỷ XII là người của nhà thờ “cắm chặt vào một xã hội có thứ bậc rõ rệt”, anh ta không cần quan tâm đến ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học, bởi ý nghĩa và giá trị đã được truyền thống định sẵn, anh ta cũng không cần quan tâm đến kinh tế, xã hội, chính trị, anh ta chỉ cần ca ngợi cái Vĩnh hằng, J.-P.Sartre nhấn mạnh: “Các tác giả thế kỷ XII có một chức năng xác định bởi họ hướng tới một công chúng sáng suốt, được phân định chặt chẽ và tích cực, thường xuyên giám sát họ; không được dân chúng biết đến (vì tuyệt đại đa số dân chúng mù chữ, LPT thêm), nghề nghiệp của họ là phản hồi hình ảnh của giới tinh hoa nuôi sống họ”.[27] Sang đến thế kỷ XVIII, tình cảnh đã thay đổi, nhà văn không còn thuộc vào giới tăng lữ, anh ta can dự vào đời sống xã hội. Thắng lợi của giai cấp tư sản đã làm đảo lộn thân phận của nhà văn, phạm vi độc giả của nhà văn đã được mở rộng. Vậy là nhà văn thế kỷ XVIII “…bằng ngòi bút của mình, góp phần vào công cuộc giải phóng về chính trị của con người nói chung. Tiếng gọi của nhà văn hướng tới công chúng tư sản của mình, dù anh ta muốn hay không, đó là sự khích động nổi loạn; đồng thời anh ta hướng tiếng gọi của mình tới giai cấp thống trị, đó là lời thúc giục phải tỉnh táo và tự phê phán chính mình, từ bỏ những đặc quyền của mình”[28]. Nhà văn đứng giữa hai bộ phận đối địch trong công chúng của mình và như là người trọng tài phán xử những xung đột giữa họ, vì anh ta đã nhận tiền cả hai phía: giai cấp thống trị vẫn nuôi anh ta, đồng thời độc giả tư sản (không thuộc giai cấp đó) mua sách của anh. Theo J.-P. Sartre, nếu như ở thế kỷ XII, mối quan hệ nhà văn và công chúng là hoàn hảo, ở thế kỷ XVIII, nhà văn đồng thời có hai loại công chúng và anh ta tùy lúc dựa vào bên này hay bên kia, thì ở thế kỷ XIX, tình hình đã có nhiều thay đổi. Lần đầu tiên có sự xung đột giữa nhà văn và công chúng, nhất là sau 1850 có những mâu thuẫn sâu sắc giữa ý thức hệ tư sản và đòi hỏi của văn học. Văn học, một mặt thử nghiệm những cái mới, phá vỡ nhiều giới hạn cũ, tìm đến những kỹ thuật mới trong các thể loại, mặt khác vẫn phần nào phụ thuộc vào giai cấp tư sản vì giai cấp tư sản đọc sách của nhà văn, chính những người đọc ấy là người nuôi sống nhà văn và quyết định vinh quang của anh ta. Trong thực tế, nhà văn “sống mâu thuẫn và tự dối mình bởi anh vừa biết lại vừa không muốn biết anh viết cho ai”.
Trong cuốn sách này, các khái niệm của phê bình Hiện sinh như tự do, lựa chọn, tình thế…lại một lần nữa được tác giả dùng đến để giải thích những vấn đề hệ trọng của người cầm bút. Đồng thời khi nói về vấn đề nhập cuộc, nhà văn nhập cuộc J.-P. Sartre đã thể hiện sự nhạy bén của mình trước thời cuộc. Đề cập đến vấn đề nhà văn nhập cuộc, J.-P. Sartre cho rằng: “Nhà văn “dấn thân” biết rằng lời nói là hành động: anh ta biết rằng bóc lộ tức là thay đổi và người ta chỉ có thể bóc lộ khi có ý định thay đổi”.[29] Nhà văn nhập cuộc, theo ông không thể là người theo thuyết nghệ thuật vị thuật, mà là người gắn sự nghiệp sáng tạo của mình với thời đại: “Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta có thể kết luận rằng nhà văn đã chọn việc bóc trần thế giới và đặc biệt là bóc trần con người cho những người khác để họ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước đối tượng đã bị bóc trần ra như vậy.(…)Cũng như vậy chức năng của nhà văn là làm sao để không một ai có thể không biết gì về thế giới và không ai có thể nói rằng mình là kẻ ngây thơ trong thế giới đó”.[30] Từ đó chúng ta hiểu ý của nhà văn khi ông khẳng định: “Ngay cả số phận các tác phẩm của chúng tôi cũng gắn chặt với số phận nước Pháp đang lâm nguy” .
Nền văn học hành động được nhà triết học J.-P.Sartre giải thích cụ thể như sau: “Đối với chúng tôi, việc làm bộc lộ hữu thể, mỗi một hành động tạo ra những hình ảnh mới trên trái đất, mỗi một kỹ thuật, mỗi một công cụ là một ý nghĩa mở ra thế giới; các đồ vật có bấy nhiêu cách sử dụng thì chúng có từng ấy khuôn mặt. Chúng tôi không còn chung với những người muốn chiếm hữu thế giới, mà chung với những người muốn thay đổi nó, và chính trong dự tính biến đổi thế giới mà nó bộc lộ những bí ẩn hữu thể của nó. Heidegger nói rằng chúng ta có được nhận thức sâu sắc nhất về cái búa khi ta dùng nó để đóng đinh”. [31]
Kết thúc phần IV Tình thế nhà văn năm 1947 của cuốn sách Văn học là gì ? J.-P.Sartre một lần nữa nhắc lại những ý tưởng của mình: “Tôi chỉ định mô tả một tình thế, với những triển vọng của nó, những mối đe dọa, những hình phạt của nó; một nền văn học Hành động ra đời trong thời đại chưa tìm thấy công chúng của nó: đó chính là dữ kiện; mỗi người có lối thoát của mình. Lối thoát của anh, có nghĩa là văn phong của anh, kỹ thuật của anh, các đề tài của anh. Nếu như nhà văn thấm sâu tính cấp bách của các vấn đề này như tôi, ta có thể chắc chắn rằng anh ta sẽ đề xuất các giải pháp trong sự thống nhất sáng tạo của sự nghiệp của anh ta, có nghĩa làtrong sự liên tục của hành động sáng tạo tự do”.[32]
Đề cập đến người viết của thời hiện đại, người viết phải chịu trách nhiệm trước những sự lựa chọn của mình trước một thời đại đầy biến động và vô cùng phức tạp, J.-P.Sartre với tư cách người sáng tác không thể không quan tâm đến vấn đề hình thức. Ông viết: “Về hình thức, chẳng có gì để nói trước và chúng tôi không nói gì hết: mỗi người sáng tạo ra hình thức của mình và sau đó người ta sẽ phán xét”. Chủ trương không bắt chước Kafka, không làm lại những gì Kafka đã làm, ông cho rằng “cần phải lấy từ các cuốn sách của ông lòng can đảm và kiếm tìm ở nơi khác”. Cụ thể hơn, ông giải thích những việc cần làm cho một nền văn học tình thế: “Vì chúng tôi bị đặt trong tình thế, nên những cuốn tiểu thuyết duy nhất chúng tôi có thể nghĩ đến để viết sẽ là những cuốn tiểu thuyết tình thế, không có người kể chuyện nội tại cũng không có những nhân chứng biết tuốt; tóm lại, nếu chúng tôi muốn tính đến thời đại của mình, chúng tôi cần phải chuyển kỹ thuật tiểu thuyết từ kiểu cơ học Newton sang thuyết tương đối mang tính tổng quát; (….) chúng tôi cần phải để lại khắp nơi những nghi ngờ, những chờ đợi, sự chưa kết thúc và buộc người đọc phải tự mình phỏng đoán, đồng thời gợi nên ở họ cảm giác rằng những cách nhìn của họ về câu chuyện và về các nhân vật chỉ là một trong số rất nhiều cách nhìn khác, chúng tôi cũng không hề hướng dẫn cho người đọc và để họ đoán ra tình cảm của chúng tôi”.[33]
Việc liên tục quan tâm đến các vấn đề của xã hội trong sự nghiệp viết lách của mình đã khiến J.-P. Sartre vượt lên cao hơn tình thế của một nhà triết học, nhà văn, nhà phê bình Hiện sinh của nước Pháp thế kỷ XX, để đạt tới tầm của một nhà tư tưởng lớn, với tư duy sắc sảo và nhạy bén.
Ngoài việc phải bao quát một khối tư liệu rất lớn, có tính “tổng thể”, J.-P. Sartre quan tâm một cách “tổng thể” đến người sáng tạo, đến tác phẩm và cả đến người đọc. Ông muốn phát hiện ra triết học của tác giả, không phải loại tác giả kiểu truyền thống, biết tuốt và điều khiển mọi việc như một Chúa Trời trong tác phẩm truyền thống, cũng không phải loại tác giả - vô thức. Tác giả, theo J.-P. Sa rtre phải là người có ý thức, có sự lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Không mặn mà với lối tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc, ông quan tâm tới văn bản - tác phẩm để từ các kỹ thuật của tiểu thuyết nghiên cứu quá trình trở thành nhà văn như thế nào. Mặt khác, ông quan tâm tới quan hệ gắn bó hữu cơ giữa người viết và người đọc. Không phải ngẫu nhiên, ông dành hẳn một chương trong cuốn Văn học là gì để đề cập đến vấn đề này (Phần III: Viết cho ai ?). Ông cho rằng khi một cuốn tiểu thuyết tạo ra một thế giới tưởng tượng thì người đọc có nhiệm vụ, bằng hành động đọc, nhập vào thế giới đó để xét đoán quá trình tạo ra văn bản. Giữa người viết và người đọc có một quan hệ tương hỗ chặt chẽ: “Và bởi vì sự tự do của tác giả và độc giả tìm đến nhau và cùng nhau xúc động qua một thế giới, chúng ta có thể nói rằng cũng chính là việc tác giả chọn lựa một vấn đề nào đó của thế giới sẽ quyết định nhà văn chọn lựa độc giả và ngược lại, trong khi chọn độc giả, nhà văn quyết định chủ đề của mình. Vậy là tất cả các công trình trí tuệ đều chứa trong đó hình ảnh người đọc mà chúng ta hướng tới”[34].
Đã có nhà nghiên cứu Pháp cho rằng việc quan tâm đến người đọc của J.-P. Sartre là một bước đi trước của lý thuyết tiếp nhận sẽ phát triển về sau này. Trong sáng tác, với tiểu thuyết Buồn nôn, ông đã có những bước hướng về những đổi mới của tiểu thuyết Pháp thể hiện một cách sôi nổi vào những năm 50,60 của thế kỷ trước. Còn trong lĩnh vực lý luận – phê bình văn học, ông luôn thể hiện là người đi trước, không hài lòng với những gì sẵn có, luôn kiếm tìm, làm phong phú thêm hành trang tri thức của mình.
Roland Barthes, nhà tư tưởng, nhà lý luận xuất sắc của Pháp thế kỷ XX đã từng nói cần phải “theo kịp chuyến tàu của Sartre” để khỏi rơi vào tình trạng tụt hậu. Nhiều tác gia nổi tiếng khác như Jacques Derrida, Julia Kristéva, Alain Robbe-Grillet, Philippe Sollers…cũng đã khẳng định sự quan tâm của họ tới sự nghiệp của J.-P. Sartre, một con người tiên phong, luôn vươn tới những vấn đề lớn lao của nhân loại.
________________________________________
[1]Le magazine littéraire, Hors-série, No7,mars-mai 2005, trang 97.
[3]J.-P. Sartre:Hữu thể và hư vô (L’Être et le Néant), Gallimard, 1943, tr.662.
[4] Một cuộc đời cho triết học, trong Tạp chí: Le magazine littéraire.Hors-série,No7, Mars-Mai 2005, Sđd, tr.57.
[5] Một cuộc đời cho triết học,Sđd, tr.59.
[6] Roger Fayolle, Sđd, tr.203.
[7] Roger Fayolle, Sđd, tr.203.
[8] Gilles Vannier, Triết học hiện sinh. văn học và triết học (L’Existentialisme. Littérature et philosophie),Harmattan,2001,tr. 90.
[9] J.-P.Sartre: Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản (Phương Ngọc dịch), trong cuốn: Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên), Nxb Văn học, 2005.
[10] J.-P.Sartre, Sđd, tr.167.
[11] Một cuộc đời cho triết học, Sđd, tr.62.
[12] Về vấn đề này, tác giả Catherine Clément trong số Le magazine littéraire.Hors-série,No7, Mars-Mai 2005 đã có bài Phản đối, phản đối hoàn toàn phân tâm học
[13] J.-P.Sartre: Baudelaire, Gallimard, 1963, tr.21.
[14] J.-P.Sartre, Sđd, tr.245.
[15] A. Maurois: De Gide à Sartre,Librairie academique Perrin, 1965, tr.307-308.
[16] J.-P. Sartre, L’Être et Néant, Gallimard, 1949, tr. 648.
[17] Trích theo Roger Fayolle, Sđd, tr.205.
[18]
[21] J.-P.Sartre, Tình thế,(Situation), II,Gallimard, 1948, tr. 12.
[22] J.-P.Sartre, Sđd, tr. 13.
[23] J.-P.Sartre, Sđd, tr.30.
[24] Về những hoạt động văn học, xã hội và chính trị của J.-P.Sartre có thể đọc trong cuốn: Anna Boschetti: Sartre và “Les Temps modernes”, Nxb Minuit, 1985, sách dày 326 trang, trong đó tác giả áp dụng lý thuyết “trường” trong xã hội học văn học của P. Bourdieu để nghiên cứu môt giai đoạn đặc biệt trong văn nghiệp cuat J.-P. Sartre.
[25] J.-P.Sartre, Trách nhiệm của nhà văn (La responsabilité de l’ écrivain),Nxb Verdier, 1998, tr.59.
[26] J.-P.Sartre, Văn học là gì?(Qu’est-ce que la littérature?) ra đời năm 1947, sau đưa vào bộ sách Situation II năm 1948, bản chúng tôi có trong tay và dùng để trích dẫn là bản Qu’est-ce que la littérature?, Gallimard (khổ nhỏ, 374 trang), 1964. Chúng tôi có tham khảo thêm bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc:J.-P.Sartre, Văn học là gì? Nxb Hội nhà văn, 1999.
[27] J.-P.Sartre, Văn học là gì?(Qu’est-ce que la littérature?), Gallimard, 1964, tr.115.
[28] J.-P.Sartre, Sđd, tr.136.
[29] J.-P.Sartre, Sđd, tr.30.
[30] J.-P.Sartre, Sđd, tr.31.
[31] J.-P. Sartre, Sđd, tr.286.
[32] J.-P. Sartre, Sđd, tr.356.
[33] J.-P. Sartre, Sđd, tr.271.
Theo Lộc Phương Thủy - VHNA