(Thay lời tòa soạn) Ngày nay, khi văn học không hoàn toàn bấu víu vào những đại tự sự mà thay vào đó là sự lên ngôi của tiểu tự sự thì thế giới trong văn chương trở thành những thế giới ảo, dung chứa tất cả những lệch pha và ngụy tạo so với thế giới khách thể. Người sáng tạo cũng từ đó ý thức được sức mạnh trong việc cách tân bút pháp và thay đổi cảm quan trong thế giới chữ của mình.
Khi người sáng tạo tìm đến với cái không hạn định thì cũng là lúc họ thực thi cái chết của tác giả và vẫy gọi người đọc (kẻ đồng sáng tạo) bước vào mê lộ chữ của mình để tiếp tục khai phá những ý niệm ẩn chứa trong văn bản. Trong sáng tạo của nhà văn đương đại, tất cả những tình tiết, sự vụ, những hình tượng, những biểu tượng... đều không được tận quyết mà bị bỏ lửng, mang tính lấp lửng nước đôi trong trò chơi ngôn ngữ của văn nhân. Mọi tác phẩm luôn có những khoảng trắng để người đồng sáng tiếp tục nhiệm vụ của họ. Vì thế cái không hạn định luôn dung chứa mô thức kết cấu vẫy gọi. Quyền năng của cái không hạn định sẽ đóng ấn cho những tác phẩm vượt thời gian. Và người đọc ngày nay đang tiệm cận với những tác phẩm khó giải mã bằng chính tư duy duy lý của mình. Không thể hoàn toàn dựa vào lối đọc trực cảm, bởi trong mỗi tác phẩm văn học Hậu hiện đại đúng nghĩa luôn dung chứa một hình thức kết cấu quen thuộc, đó là kết cấu liên văn bản - một mô thức kết cấu hỗn chứa nhiều dạng tri thức khác nhau như là những thách thức mà người đọc cần phải vượt qua. Trong chiều hướng đó của văn học thế giới, Sông Hương kỳ này sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc một số tác phẩm đang dần tiệm cận với cái không hạn định. Đây là những tác phẩm của những người mang ý hướng cách tân. Họ không muốn bước đi trong quỹ đạo của những cái hạn định. Những tác phẩm này dung chứa dấu ấn của trào lưu nghệ thuật Hậu hiện đại trong bút pháp cũng như trong cảm quan của nhà văn. Cụ thể người đọc sẽ đến với một thế giới hiện thực thậm phồn trong sự hỗn chứa hiện thực trần trụi và những hoang tưởng phi lý, thậm chí hướng tới những dự cảm trong chiều sâu vô thức nội cảm qua truyện ngắn “Ngày cuối cùng của một diễn viên hài”. Bên cạnh đó, “Vòng luân hồi của chư” là sự khước từ mô thức kết cấu truyền thống, người đọc tiếp cận phi logic theo văn bản, cũng có thể tiếp cận thứ tự 1-2-3... đã được đánh số. Ấy là những mảnh ghép bị đảo lộn, như chính những nhân vật trôi lăn trong luân hồi vẫn không nhận ra kiếp mình. Tiếp đó là những ám ảnh của con người khi bị ném vào một quái trạng bất khả cứu rỗi trong “Tôi đã nôn ra những đứa trẻ” và sự hoài nghi về chân giá trị trong “Gloomy Sunday”.... Trong địa hạt của thơ, bạn đọc sẽ được làm quen với những thi phẩm mang dấu ấn Hậu hiện đại của Vũ Thành Sơn, Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn, Inrasara, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Đào Duy Anh... Bên cạnh đó là những diễn giải chung về hậu hiện đại trong các tiểu luận của Inrasara và Nguyễn Mạnh Tiến. Những tiểu luận này như là những gợi mở mang tính tổng quan để bạn đọc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với văn chương Hậu hiện đại. Tất cả đều là những câu chữ của những người sáng tạo mang ý hướng cách tân, những tác phẩm đang dần tiệm cận với bút pháp Hậu hiện đại, đánh dấu những bước đi đầu tiên trên đường hướng tới cái không hạn định trong nghệ thuật. SÔNG HƯƠNG (269/07-11)
|