NGUYỄN MẠNH TIẾN
Những cuộc tranh luận bất tận về hậu hiện đại từ hậu bán thế kỷ XX đã dẫn đưa đến sự thể phức tạp của cái thực tế: thế nào là hậu hiện đại? Một hậu hiện đại rõ nghĩa, vì thế, bao giờ cũng dính chặt với những quan niệm hậu hiện đại cụ thể, nghĩa là gắn với từng trường phái, triết gia riêng biệt.
Nên, bất chấp mọi “nghịch luận” hậu hiện đại thì hậu hiện đại vẫn tỏ ra có sức hấp dẫn và vẫy gọi nhiều hơn cả vào trong suy tưởng ngay nơi thời đại mà chúng ta đang sống. Hậu hiện đại tuy ra sức đả phá các quá trình cấu trúc nên bản chất thế giới (J.P.Lyotard gọi hành vi ấy là tạo lập đại tự sự), nhưng đồng thời, thật nực cười, chính ngay khi nơi hành vi tư tưởng ấy bắt đầu, đã có một quá trình cấu trúc ngược trở lại thế giới diễn ra, cái đại tự sự mà người ta cố né tránh lại được xác lập: đại tự sự phá bỏ các đại tự sự nhằm thiết lập thế đa trị các tiểu tự sự. Các triết gia khi phê phán Lyotard đã ý thức được “nghịch luận” trong chính mệnh đề về thời hậu hiện đại như là công cuộc tháo dỡ, phi trung tâm hóa, phân mảnh các đại tự sự. Nhưng đúng như nguyên tắc nhận thức luận mà Spinoza đã chỉ: phủ nhận một cái gì là đang chịu sự quy định của chính điều đó. Nghịch lý hậu hiện đại vì thế, lại mở ra những chân trời ở ngay nơi nghịch lý mà nó phơi bày. Các đường hướng tư hưởng trong thời hậu hiện đại, thông qua hành vi đả phá các quan niệm hậu hiện đại lẫn nhau, vì thế, càng bùng vỡ, phát triển như nấm mùa. Trong tư tưởng, khi người ta đả phá cũng là khi người ta dựng xây. Ngày hôm nay, sau ngót hai thập niên hậu hiện đại hiện hữu trong không gian sinh hoạt tinh thần dân tộc, rọi phóng vài tia nhìn gần vào các vấn đề cơ bản, tổng quát về hậu hiện đại, cụ thể là từ thực tiễn văn học, trình ra mấy sự hiểu ngắn sau: 1. Quyền lực chia đều: sự nghĩ trong thời hậu hiện đại Hậu hiện đại bắt đầu từ khi nào? Một mốc lịch đại về hậu hiện đại thường làm ta bối rối, bởi sự nghĩ (nhận thức luận) không phải một quá trình cơ giới để có thể phân chẻ rạch ròi là A hay phi A. Sự nghĩ vì thế, bao giờ cũng là một xối trộn những tìm kiếm, luôn luôn luân chuyển trong dòng thời gian cuồn cuộn, và vì thế, cắm bất cứ một cái mốc lịch đại nào đấy cho tư duy trong dòng mạch lịch sử cũng là tương đối. Hậu hiện đại bắt đầu khi những niềm tin vào sự xâu chuỗi sự vật thế giới vào các đệ nhất nguyên nhân bị đổ vỡ. Cái đệ nhất nguyên nhân hiểu như nguyên tắc đầu tiên, từ đó khai sinh ra vạn sự trong giới tự nhiên, như cái Lý (Logos) của người Hy-lạp cổ hay Chúa của người Ki tô hữu. Do đó, thế giới truyền thống phải là một trật tự lớp lang, có nhân quả mạch lạc, rõ ràng như sáng và tối, dứt khoát như yêu và ghét. Hơn hai ngàn năm tư duy cổ điển vận hành trong niềm yên trí của các trật tự được mang lại bởi lý trí. Mở rộng ra, cái đệ nhất nguyên nhân còn được hiểu như các huyền thoại hợp thức hóa thế giới mà hậu hiện đại thường đả phá, gọi đấy là các siêu truyện, siêu tự sự, đại tự sự, siêu diễn ngôn… ra đời nhằm thống trị mọi cách hiểu về thế giới. Thế giới trước hậu hiện đại được duy trì bởi các huyền thoại tạo bởi các đại tự sự, chỉ có niềm tin duy nhất được mang lại bởi đại tự sự thì đúng, còn khác đi thì sai, phải loại trừ. Ví như, chỉ có văn hóa dân tộc thống trị là đúng, còn dân tộc thiểu số cần phải được “khai hóa” hoặc loại bỏ; chủ nghĩa thực dân ra đời trong tín niệm như vậy. Các nhà hậu hiện đại gọi đấy là hành vi trung tâm hóa thế giới, nỗ lực đưa thế giới về một nguyên tắc nhận thức hạt nhân. Nhưng khi những con vật bằng sắt được sinh thành bởi lý trí qua các cuộc đại cách mạng công nghiệp nhanh chóng cày tung chính cái trật tự hài hòa của con người và giới tự nhiên thì gió đã đổi chiều. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và hai, ô nhiễm cùng quá trình cơ giới hóa nhân tính con người đã làm thế giới trở nên sa đọa như địa ngục. Các vấn nạn được chỉ ra bởi chủ nghĩa môi trường ngày nay, tinh thần chống kỹ trị sâu sắc và đời sống bấp bênh của nhân loại cận kề bên miệng cuộc chiến thế giới hạt nhân lần ba làm cho thế giới trở nên phi lý và hư vô. Hậu hiện đại do đó trước nhất phải là một tâm thức, cảm trạng – cảm-thấy-như-thế về những bấp bênh trong thời hậu hiện đại nảy sinh. Nếu như bà đỡ của tư duy trước hậu hiện đại (tiền hiện đại và hiện đại) là tồn tại niềm tin lớn vào các nguyên tắc siêu việt lên tất cả để xâu chuỗi thế giới. Trái lại, hậu hiện đại là sự mất niềm tin, bất tín nhận thức sâu xa vào tri thức khoa học. Lý tính đã sa đọa, hay có khi đi nhầm con đường của khai minh, đàng nào cũng vậy, lý-tính-như-nó-đã-tồn-tại bị nghi ngờ, lên án và kết tội. Thế giới trong sự nghĩ hậu hiện đại là một hỗn độn mà người ta không thể nào phân loại cho gọn gàng được nữa. Thế giới giờ đây là một tập hợp những ngẫu nhiên, phân mảnh, xé nhỏ ra nhiều phần; con người chỉ là sinh thể bé nhỏ, bị quăng quật, quẳng ném ngẫu nhiên vào thế giới. Ở trong thế giới ấy, nó chấp nhận cái hữu hạn như một tất định. Nói khác đi, như các nhà hậu hiện đại, đấy là quá trình phi trung tâm hóa trở lại thế giới, giải hạt nhân về một thế giới ổn định thành bất định. Derrida gọi đó là quá trình giải cấu trúc thế giới. Sống trong một tình thế bất định, hữu hạn thời hậu hiện đại, chân lý của cái tương đối được chấp nhận như một nguyên tắc nền tảng. Từ nay, không còn tư tưởng dẫn đạo, không có cái tuyệt đối nào trong tư duy giúp con người chỉ một lần (bằng đệ nhất nguyên nhân) tri giác được thế giới. Nỗ lực của con người thời hậu hiện đại trong việc hiểu đúng thế giới vì thế cần đến sự hỗ trợ, bù đắp lẫn nhau (nguyên tắc đối thoại, bổ sung) giữa nhiều quan niệm. Bởi, mỗi quan niệm chỉ có thể hiểu thế giới ở một bình diện nhất định mà thôi. Cái chân lý tương đối này kêu gọi phải có sự kết hợp, liên kết nhiều cách hiểu thì mới có thể đi gần hơn nữa đến các sự thật thế giới. Do đấy, mọi quan niệm đều ngang bằng nhau, có giá trị như nhau, cùng nhau làm sáng lên chân lý (tương đối) về thế giới. Quyền lực hiểu biết thế giới không còn thuộc về bất cứ riêng một quan niệm nào. Quyền lực giờ đây được chia đều cho tất cả, mỗi sự nghĩ cụ thể là một quá trình cụ thể, tìm kiếm chân lý trong không gian cụ thể, và vì thế cũng có quyền năng chừng mực và cụ thể, nghĩa là, đầy hữu hạn. Thế giới đã được giải cấu trúc, chấp nhận quyển văn hóa đa thanh, đối thoại như một nguyên tắc dẫn đạo để từ đấy tư tưởng nảy sinh, mở ra không gian văn hóa hậu hiện đại rộng lớn. Tính nới rộng không ngừng của không gian văn hóa hậu hiện đại cũng được hiểu như tính chất mở (Eco) - một nguyên tắc động, linh hoạt, trong các kết cấu nhận thức về thế giới, liên tục được tháo rời và lắp ghép (tái cấu) là một đặc điểm bản thể hậu hiện đại. Tình thế tư tưởng mở hậu hiện đại là tiền đề để kéo theo một sự xâu kết các trường văn hóa, trường suy tưởng lại với nhau, tạo nên thế liên đới, cộng thông, mở rộng ra, xâm thực vào lẫn nhau giữa các không gian văn hóa, suy tưởng. J.Kristéva hiểu đấy là thế liên văn bản tồn tại trong thế giới hậu hiện đại, mà trong đó, mỗi văn bản là một trường nhận thức. Những điểm quan trọng trong sự nghĩ hậu hiện đại thường được chưng diện tấm áo (ngôn ngữ) mượn / lấy / kế thừa / phát triển / cải biên của triết học ngôn ngữ và phê bình, lý luận văn học. Chính vì thế, các khái niệm, mệnh đề được đưa ra bởi các lý thuyết gia hậu hiện đại đều có cội nguồn từ khoa văn học, ví dụ như quan niệm thế giới là một văn bản, diễn ngôn, đại tự sự, siêu truyện... Bất kỳ một quá trình nhận thức mới nào thì đồng thời cũng diễn ra một nỗ lực kiến tạo và hợp thức hóa các khái niệm. Nói như hậu hiện đại, thì đấy là một kiểu thức diễn giải về thế giới. 2. Tình thế của sáng tạo: sự viết trong thời hậu hiện đại Viết từ trong tâm thức hậu hiện đại, trước nhất, kẻ sáng tạo là một thực thể ly tâm, từ bỏ lối kể theo trật tự biên niên của dòng sự kiện kiểu người kể truyện toàn tri cổ điển. Lối kể như một trình tự được cấu trúc chặt chẽ, trong một nhãn quan ổn định, rắn chắc, làm thành một tổng thể đã bị khước từ nơi hậu hiện đại. Nhà văn hậu hiện khi bắt đầu sự viết cũng là khi bắt đầu một quá trình phi trung tâm hóa cốt truyện. Những mảnh vỡ, sự lai ghép, mất trật tự trong tình trạng hỗn độn về lối kể được chú ý khai thác. Nhà văn hậu hiện đại không có ý, và không còn có thể có ý muốn hướng dẫn người đọc đi vào khảo cổ nghĩa gửi gắm trong tác phẩm. Những sáng tác hậu hiện đại tự nó trình ra thế đa trị để người đọc có thể tự do tạo nghĩa. Nói khác đi, nhà văn hậu hiện đại không có ý kể chuyện, anh ta chỉ tạo ra một mớ những tình huống ngẫu nhiên, người đọc là kẻ phải tự mình tìm thấy “câu chuyện” trong mớ hỗn độn ngôn ngữ ấy. Tính chất mở làm thành một đặc trưng khi khám phá các tác phẩm hậu hiện đại. Sự bất ổn của nghĩa văn bản được nhà nghệ sỹ ý thức sâu sắc do tính ký hiệu vốn đa nghĩa của chất liệu ngôn ngữ nghệ thuật tạo nên. Ngôn ngữ vì thế trở thành ngôi nhà trung tâm của sáng tạo, ngôn ngữ tạo ra thế giới chứ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm của thế giới. Trò chơi ngôn ngữ lôi kéo, tóm bắt vào đấy tất cả những kẻ (người đọc) đi qua rừng biểu trưng của ngôn ngữ. Như thế, người viết hậu hiện đại không kể về thế giới như sự đã rồi mà trình bày nó trong cái mới, hoàn toàn ngẫu nhiên, như thấy lần đầu. Người đọc liên tiếp va vấp vào các tình huống của văn bản, phần còn lại, tính đa nghĩa của văn bản sẽ dẫn người đọc cụ thể đến từng chân trời cụ thể, tùy thuộc vào khoảng trống mà văn bản mở ra trong sự lấp đầy của người đọc. Các đường biên thể loại trong thời hậu hiện đại cũng bị xóa nhòa đi một cách sâu sắc, đầy dụng ý. Sự xóa nhòa thể loại có thể đến từ sáng tác hậu hiện đại như một siêu tổng cộng các thể loại cùng tồn tại. Trong một quyển tiểu thuyết, thậm chí bài thơ, có thể được trình bày bằng hàng loạt các hình thức xen gối vào nhau như thơ, kịch, ký, thư từ, mảnh báo… Hoặc, khác đi, sự xóa nhòa thể loại trong thời hậu hiện đại còn thể hiện bằng sự xâm thực thể loại với nhau, người ta viết văn như làm thơ, đầy tính thơ, ngược lại, lại viết thơ như một bài văn xuôi. Về bản chất, tất cả những kiểu viết hậu hiện đại như trên đều cố gắng hướng đến sự phá vỡ các cấu trúc truyền thống. Các tiêu chí thể loại (ký ức thể loại, kinh nghiệm thể loại) có tư cách như những chuẩn định để xác định thể loại truyền thống bị người viết hậu hiện đại công kích. Người viết hậu hiện đại là một quá trình hủy tạo mọi tiêu chí thể loại đã được xác lập, điều này, dẫn đến một “thể loại” rất hậu hiện đại, đó là thể loại đả phá mọi thể loại (con đường đi của triết học hậu hiện đại đã chồng lên, trùng phức lên con đường đi của nghệ thuật hậu hiện đại). Chính điều này kéo đến một trong những yếu tố quan trọng nhất của hậu hiện đại là sự “thậm phồn” (mượn chữ Hoàng Ngọc-Tuấn) không chỉ trong hiện thực, mà còn là các quan niệm trong thời hậu hiện đại, và vì thế, cũng là sự thậm phồn trong sự viết hậu hiện đại cả về hình thức và nội dung. Thế giới hỗn độn, vỡ vụn và phân ly hậu hiện đại phù hợp với các cảm giác hỗn mang nơi sâu kín, dưới ý thức là cõi miền vô thức. Nhà văn hậu hiện đại đi thẳm sâu vào vô thức, đào mồ làm sống dậy các cảm giác lâu nay bị tránh né, cấm kỵ, dẹp sang vùng ngoại biên, nay được lên tiếng để xác lập vị thế; đấy cũng là một hình thức chống các quá trình trung tâm hóa hiện đại. Các chủ đề của hậu hiện đại, tạm thời có thể nhìn đó như là các diễn ngôn bên lề nay đã cất tiếng nói trong thời hậu hiện đại. Tiếng nói của người nữ trong văn học nữ quyền và hậu nữ quyền, của giới thứ ba trong văn học đồng giới, của tâm trạng lưu vong, thuộc địa trong văn học hậu thực dân… Từ các diễn ngôn được xướng lên trong thời hậu hiện đại, có một quyển văn hóa bình đẳng trong sáng tạo được xác lập. Nói (Discours) chỉ bởi là/vì nói, chứ không phải bởi nói đúng hay sai. 3. Việt Nam: nghĩ vắn tắt về sáng tạo hậu hiện đại trong lòng một quốc gia tiền hiện đại Sống trải trong lòng một quốc gia mà về căn bản còn thuộc thời kỳ tiền hiện đại có tồn tại xen kèm yếu tố hiện và hậu hiện đại do công cuộc toàn cầu hóa xâm nhập, sự viết tại Việt Nam có những đặc thù riêng biệt. Về căn bản, trên cả nước sau đổi mới 1986 đã có những đổi thay đáng kể về hệ hình nhận thức trong sáng tạo nghệ thuật. Sự giao lưu văn hóa trong bối cảnh một thế giới toàn cầu hóa là hậu thuẫn cho nhà văn Việt Nam nhìn gần hơn không khí văn nghệ thế giới. Tiếp sau đó, sự phát triển của xã hội hậu đổi mới đã tạo ra những hậu thuẫn của một thế giới được làm phẳng bởi mạng Internet. Nhà văn Việt Nam giờ đây có dịp tiếp xúc liền mạch, nhanh chóng, sống chung với những biến động bên ngoài mình; trong đó, quan trọng là sự tiếp xúc hai thái cực văn chương Việt trong và ngoài nước đã thúc đẩy rất nhanh sự biến chuyển của lối viết. Hậu hiện đại dần trở nên thời thượng và tạo được luồng gió lớn đổi thay không khí văn nghệ nhanh chóng. Có thể nói, về bản chất, nghệ thuật là sự khai phóng nhằm kiếm tìm những chân trời mới, nên khi có sự tiếp xúc với hậu hiện đại, thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, tại Việt Nam đã bùng vỡ các lối viết theo hậu hiện đại. Với nhu cầu cần đổi mới sau một thời kỳ dài bị phong bế, trong khi lối viết hiện thực khi đi trọn số phận của mình, đã trở nên mòn cũ và nhàm chán không đủ đà sống để thúc đẩy sáng tạo. Lối viết hiện thực ở Việt Nam đã được/bị yêu thương đến cũ mòn (mượn ý S.Esenin), mất hết sức bật. Nhu cầu đổi mới như một quy luật tự thân của nghệ thuật đã thấy manh nha và phát triển thành tựu trong sự đổi mới lối viết ngay trong lòng cái cũ. Trường hợp của Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng chuyển dịch thành công thi ca vào hệ hình hiện đại tại miền Bắc (tại miền nam, thì Thanh Tâm Tuyền và nhóm Sáng tạo) là một minh chứng sống động của bản mệnh nghệ thuật là đổi mới không ngừng. Tuy nhiên, cũng phải đến sau 1986, trên cả nước người ta mới có dịp dần tiếp xúc lại với thời hiện đại trong thi ca, lấy chữ làm vũ trụ sáng tạo của các nhà Nhân văn giai phẩm hay dòng văn học Miền nam 1954 - 1975. Và cũng sau 1986, cả một thế giới sáng tạo phong phú hậu hiện đại trên thế giới mở ra trong tiếp nhận của nghệ sỹ Việt Nam. Như vậy, gần như cùng một lúc, hai cơn gió hiện đại và hậu hiện đại trong sáng tạo nghệ thuật đã lùa vào không gian viết Việt Nam. Các nhà nghệ sỹ, nhất là thế hệ trẻ tuổi, do “lòng trẻ còn như cây lụa trắng” chưa bị hệ hình cũ hằn sâu vào nếp nghĩ đã có cơ hội nhiều hơn trong việc đổi mới lối viết. Và quả thực, như T.Kuhn chỉ ra, sức trẻ trong sáng tạo thì bao giờ cũng dễ làm được cuộc đổi thay về hệ hình. Quan điểm của Kuhn không chỉ đúng trong cộng đồng khoa học mà còn đúng với cả cộng đồng sáng tạo nghệ thuật. Thời gian vừa qua, người viết trẻ Việt Nam (trẻ hiểu về tuổi viết chứ không hẳn tuổi đời, tuổi viết được tính từ khi người cầm bút tham gia cộng đồng viết) đã bắt đầu một cuộc đổi thay hệ hình về cách viết khá ồn ào, đưa sáng tạo đến gần hơn nữa với hậu hiện đại. Sự viết ở Việt Nam đang hành trình đến hậu hiện đại. Có thể thấy, tính hậu hiện đại đã manh nha rất sớm, như một quy luật của đổi mới nghệ thuật, bằng nhiều cách khác nhau, các tác giả như Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, một chút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… đã mang theo được tính hậu hiện đại trong các sáng tác của mình, găm được vài mảnh hậu hiện đại trong sự viết. Còn hậu hiện đại một cách tinh ròng, thì khó có thể nói một câu khẳng quyết, chỉ rõ đó là tác giả nào tại Việt Nam. Vì, có rất nhiều yếu tố, trong đấy quan trọng là chuẩn thẩm mỹ cần đạt tới để tác phẩm nghệ thuật trở nên kinh điển thì còn cần phải đợi thời gian thẩm xét. Nhưng đáng chú ý đó là, những sáng tác của các tác giả trẻ ngày càng tân kỳ hơn cả nội dung và hình thức, càng đậm đặc chất hậu hiện đại hơn. Lực lượng đông đảo này có thể dễ dàng tìm thấy trên văn học mạng. Ý thức đổi mới nơi người viết bây giờ là sâu đậm, hứa hẹn mùa quả trái. Bất cứ mọi cuộc thay đổi hệ hình nào cũng bắt đầu bằng những đập phá, những kiếm tìm, khẳng định đi dần từ thô đến tinh, từ ồn ào, náo nhiệt, nông nổi đến độ đằm sâu cần thiết. Thời đại mới đã khởi đầu, dòng lịch sử đang ủng hộ cho người viết hậu hiện đại. “Gió đã thổi lên… phải cố mà sống!” (P.Valéry). N.M.T (269/07-11)
|