Giá sách Sông Hương
NÔNG THÔN MỚI
Hương Thủy tản mạn ký
09:17 | 11/10/2012

NGUYỄN VIỆT

Dẫu chẳng xa xôi gì, nhưng cũng đã khá lâu tôi chưa có dịp trở lại Hương Thủy, vì vậy được tham dự Trại sáng tác Văn học - Âm nhạc do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (TTH) phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy tổ chức, dù chỉ trong 8 ngày, tôi rất vui vì đây là một cơ hội để có dịp trở lại nơi tôi từng đã có ít nhiều kỉ niệm.

Hương Thủy  tản mạn ký
Hương Thủy nhìn từ trên cao - Ảnh: internet

9h sáng ngày 11/8, Trại sáng tác Văn học - Âm nhạc Hương Thủy 2012 chính thức khai mạc trong không khí thật thân thương, chân tình và ấm áp. Ngay những phút đầu tiên, qua giao tiếp với đội ngũ cán bộ xã và người dân sở tại, chúng tôi đã cảm nhận được tấm lòng hiếu khách nơi đây. Chưa từng gặp mặt mà những cái bắt tay của ai cũng thật chặt cùng những nụ cười thân thiện luôn nở trên môi.

Nơi gặp gỡ là không gian thoáng đãng xanh của xã Thủy Bằng - xã gò đồi, diện tích không lớn (2.150 ha), người không đông (gần 6.700 người), hầu hết đều sống bằng nghề nông, nhưng là một xã khá phát triển. Các chỉ tiêu điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khá tốt. Đặc biệt, hệ thống đường liên thôn đều được bê tông hóa 100%. Thủy Bằng có 13 thôn thì cả 13 thôn đều đạt chuẩn thôn văn hóa, và xã cũng là xã văn hóa từ 2007. Sau phần nghi thức như bất kỳ trại sáng tác nào, ngôi thứ chủ - Ban tổ chức Trại và các cán bộ lãnh đạo xã Thủy Bằng, và khách - những trại viên sáng tác của hai hội chuyên ngành Văn học và Âm nhạc của tỉnh, đã không còn khoảng cách. Tất cả như người một nhà trong một cuộc vui lâu ngày gặp lại, thân mật và chia sẻ - cả tình cảm và thông tin!

Sau gần hết buổi chiều tự thâm nhập thực tế, các trại viên tập trung tại UBND xã Thủy Bằng để cùng đi thăm di tích chiến thắng Võ Xá. Theo sau cán bộ xã Đức, hơn chục chiếc xe máy nối nhau trên con đường bê tông liên thôn chạy quanh co giữa những chân đồi thông như một con đường du lịch thực sự. Dù cách thành phố Huế chưa đầy 10km, cảnh vật nơi đây đẹp như miền trung du Bắc bộ. Thay vì những đồi cọ là những dãy đồi phủ thông xanh mướt nối nhau chạy ngược tít về phía tây nam thành phố Huế. Hai bên đường, những ngôi nhà thấp thoáng ẩn mình thanh bình giữa những vườn cây trái thanh trà, cam, quýt, chuối, mít… Một không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ mà bất kỳ một kẻ phố thị nào như chúng tôi đều ao ước. Xen lẫn những khoảng vườn xanh tươi là những thửa ruộng lúa hè thu gặt sớm. Ngang gần đồi Võ Xá, có một khoảng đất trống chừng 300 m2 nằm kề bên những thửa ruộng vừa gặt xong, có hơn một chục thanh niên đang mê mải với trái bóng trong một trận đấu thường nhật. Hai bên cầu môn được làm bằng những cây tre nhưng xem ra nó cũng có kích thước khá chuẩn so với diện tích sân bãi. Tuy nhiên, dường như sự có mặt của nó chẳng mấy quan trọng khi hơn một chục cầu thủ của cả hai bên đều quần tụ quanh trái bóng ở giữa sân, bỏ trống cả hai khung thành không cần thủ môn canh giữ! Tôi bất chợt cảm thấy lâng lâng vui vì thoáng nghĩ rằng hình như ở nơi đây, cuộc sống thanh bình đang diễn ra, không có chỗ cho những tranh chấp, kể cả tranh chấp thắng thua trong những trận bóng đá có hai phe rõ như thế!

Chúng tôi đến chân đồi Võ Xá khi ráng chiều, hoàng hôn đã nhuộm vàng đỉnh đồi đối diện làm cho rừng thông xanh mướt trước mặt đổi màu, vàng rực lên như mùa thu trong tranh của danh họa Levitan. Từ dưới chân đồi Võ Xá, hàng bậc cấp dẫn lên đỉnh đồi được xây uốn lượn hình vòng cung, tạo cảm giác giảm bớt độ cao, làm một kẻ yếu tim như tôi thêm phần tự tin để “vượt dốc”! Leo lên đến đỉnh đồi thì chút ráng vàng hoàng hôn cuối chiều cũng chìm khuất, tấm bia Chiến tích Võ Xá hiện lên trước mắt tôi trong ánh sáng nhập nhoạng của màn đêm đang buông xuống đỉnh đồi. Tuy không to lớn, đồ sộ như tôi tưởng, nhưng Bia Chiến tích Võ Xá vẫn thực sự gây ấn tượng cho tôi qua nội dung ngắn gọn viết trên hai mặt bia cùng vài câu dẫn giải của anh Đỗ Xuân Giao, Trưởng phòng VH & TT Thị xã. Trận đánh Võ Xá diễn ra vào ngày 5/7/1947, tuy không lớn nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó là một trong những trận đánh đầu tiên của quân và dân TTH giáng vào quân Pháp, tiêu diệt gọn một trung đội và bắt sống hai lính Pháp, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Võ Xá không chỉ đập tan kế hoạch của thực dân Pháp càn quét, lấn chiếm, đánh phá vùng tiền chiến khu của ta mà còn động viên, khích lệ quân và dân ta rất nhiều trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Với nhiều thành tích trong kháng chiến, năm 1998, Thủy Bằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Dưới ánh sáng của ngọn đèn 25w chạy acquy, anh chị em trại viên sáng tác cùng các anh chị trong BTC trại và mấy anh chị trong ban lãnh đạo xã Thủy Bằng xếp bằng tròn quây quần trên mấy chiếc chiếu trải trên sân trước tấm bia chiến tích trò chuyện, ăn bánh lọc, bánh nậm, nem chua và thanh trà Thủy Bằng trộn mực khô nướng xé nhỏ, uống rượu Thủy Dương. Bao chuyện nhân tình thế thái và cả chuyện tiếu lâm được kể và bàn luận rôm rả. Nhưng giây phút lắng đọng nhất là khi nữ nhạc sĩ Dương Bích Hà hát bài “Những người hát bè trầm” của chị, phổ thơ Hoàng Vũ Thuật. Bài hát từng đạt giải thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước tấm Bia Chiến tích Võ Xá, lời ca sâu sắc, đầy hình tượng và tính triết lý được giai điệu âm nhạc đượm chất bi hùng nâng lên thành khúc tráng ca rung động lòng người “… Những người hát bè trầm, là những người anh người chị, là những người mẹ người cha, đã ngã xuống hôm qua, hóa thành bài ca… Họ đã hát bè trầm cho tôi, họ đã hát bè trầm cho anh, cho đất nước này hóa thành đỉnh bè cao…”. Như không kìm được xúc cảm trước bài hát của Dương Bích Hà, anh Lê Văn Chung (Phó Chủ tịch UBND Thị xã, Trưởng BTC trại sáng tác) cũng góp ngay một bài hát mang tựa đề “Em ở nơi mô”. Anh Chung nói anh không biết tác giả nhưng anh rất thích bài hát này. Đó là một sáng tác của nhạc sĩ Võ Đông Điền, phổ bài thơ “Cúc ơi” của Yến Thanh viết về 10 cô gái TNXP hy sinh tại Ngả Ba Đồng Lộc. Bài thơ thật xúc động kể về việc sau một loạt bom nổ chát chúa đánh trúng vào khu vực hầm trú ẩn của tiểu đội nữ TNXP trực thông tuyến đường tại tại Ngả Ba Đồng Lộc, làm sập hầm của tiểu đội, các đồng đội vội đến đào bới hầm sập để tìm cứu các chị. Nhưng cả tiểu đội 10 người đều đã hy sinh. Tuy nhiên, mọi người chỉ tìm được xác của 9 người, còn thiếu xác cô Cúc, người em út trong tiểu đội 10 cô gái TNXP chốt ở “Ngã Ba Tử Thần” này. Vì vậy bài thơ cứ nhắc đi nhắc lại câu thơ “Cúc ơi, em ở nơi mô, ở nơi mô Cúc ơi” nghe se sắt lòng người. Bài hát viết hay, lời ca xúc động, được anh Chung hát với một chất giọng trầm rất “ướt”, đầy nhạc cảm, nghe càng xúc động hơn, nhất là khi mọi người lại đang ngồi trước tấm Bia Chiến tích Võ Xá. Cảnh vật và lòng người thật khéo “tương tri, tương ngộ”. Hơn 21h, chúng tôi chia tay Võ Xá trở về trong một tâm trạng phấn khích và đầy ắp những dự định sáng tác. Nhạc sĩ Quốc Anh không về cùng đoàn mà ở lại với các anh Thủy Bằng để “cảm” thêm về Võ Xá, và chỉ hơn một giờ sau đã điện cho tôi báo tin ý tưởng ca khúc “Đêm Võ Xá” đã hình thành. Nhà thơ Mai Văn Hoan cũng cho biết đã xong một bài thơ nhưng chưa muốn công bố ngay. Riêng tôi, chỉ mới ngày đầu dạo qua Thủy Bằng như “cưỡi ngựa xem hoa” mà đã dạt dào bao cảm xúc và ý tưởng. Khi về, từ gần ngả ba Bằng Lãng, chúng tôi chạy đường dọc theo bờ sông Hương, ngang qua gầm cầu Tuần còn thấy các hàng quán, nhất là các quán café, vẫn rất đông khách, có cảm giác Thủy Bằng đã là thành phố từ lúc nào rồi.

8h sáng ngày thứ hai của trại sáng tác (12/8/2012), anh chị em trại viên có mặt tại bến đò “Tòa Khâm” trước trường ĐH Sư phạm Huế. Anh Chung, anh Giao, chị Nguyệt (Giám đốc Trung tâm VHTT và Thể thao Thị xã), chị Lan (chuyên viên phòng VH & TT) đã có mặt, tay xách nách mang đủ thứ điểm tâm, giải khát cho cả đoàn. Chiếc đò máy mà BTC thuê chở anh chị em trại viên đi thực tế bằng đường thủy cũng đã có mặt. Tất cả xuống đò và ngược dòng Hương Giang thẳng tiến. Qua bến Phu Văn Lâu một đoạn, cầu mới Bạch Hổ với 4 lầu nghỉ chân ngắm cảnh hiện ra thật bề thế, như một chứng nhân cho sự phát triển của ngành công nghệ cầu đường. Tuy nhiên, bên cạnh cầu Trường Tiền với dáng thanh thanh mềm mại, cả cầu Mới và cầu Bạch Hổ mới đều đưa đến cảm giác về một sự thô cứng vắt qua con sông thanh tao và thơ mộng này. Thế mới thấy, người Pháp xưa (cụ thể chính là Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp) khi thiết kế cầu Trường Tiền, họ đã rất có ý thức gìn giữ và tôn tạo vẻ đẹp của dòng sông thơ mộng chảy qua trước mặt kinh thành Huế cổ kính và cũng rất “khuôn vàng thước ngọc”. Đò qua Bạch Hổ, cảnh vật hai bên sông thật đẹp, thật thanh bình, yên ả. Những làng quê xanh mướt những nương ngô, những vườn đậu xanh, những vườn cây trái thanh trà, cau, cam, ổi, mít. Đây đó là những dàn mướp nở đầy hoa, vàng rực, như những chấm phá trên bức tranh làng quê Việt Nam thanh bình. Chẳng mấy khi được ngắm cảnh từ giữa dòng Hương Giang lên phía hai bờ, mọi người đua nhau chụp ảnh. Đò ngang qua Văn Thánh, hai nữ nhạc sĩ Dương Bích Hà và Đoàn Lan Hương đua nhau nhắc lại nhiều kỉ niệm về trường VHNT trước đây đóng tại Văn Thánh. Ngẫm lại thấy thời gian quả thật “thoi đưa”, mới đó đã quá nửa đời người. Bao nhiêu chuyện khóc cười rồi cũng chìm vào hư vô. Duy còn lại là chứng tích của “Bảng vàng Bia đá” đáng nhớ để đời. Đò qua chùa Thiên Mụ, nhìn từ giữa sông lên, bảy tầng tháp Phước Duyên như khắc vào nền trời một dấu ấn của chữ Thiên đầy màu sắc huyền thoại. Ngang từ Thiên Mụ ngược lên thượng nguồn, sát hai bên bờ sông ngày càng nhiều tre xanh. Những bụi tre xanh ken dày vào nhau như một thành lũy dài, đặc biệt ở những đoạn sông uốn vòng cung cong về phía Bắc thì mạn bờ phía Bắc lại càng dày đặc những lũy tre xanh. Dường như những người dân ở đôi bờ cũng hiểu rằng chỉ có tre xanh là loài cây có thể bám rễ sâu vào lòng đất để giữ đất, chống lại sự xói lở của dòng nước ở những khúc quanh này. Đò ngang qua đồi Vọng Cảnh, mọi người xót xa nhìn lên cả một vạt đồi thông lớn cháy rụi, để lại những gốc thông đen nhẻm và nền đồi đỏ quạch nhuốm đầy muội than. Đó là dấu tích của một trận cháy rừng vừa xảy ra chỉ mới một tuần trước. Cả một dãy dài những đồi thông xanh tươi, nổi lên một mảng đồi Vọng Cảnh cháy vàng đen làm tôi có cảm giác như nhìn một miếng vá diềm bâu thô thiển trên một chiếc áo lụa dài xanh mướt vậy. Chợt nghĩ: cũng còn may, vì miếng vá thô thiển này có thể được thay thế bằng một miếng vá lụa xanh khác khi người dân ở đây trồng lại rừng, chứ nếu mươi năm trước dự án khách sạn 5 sao được duyệt thì e rằng cái khối bê tông 5 sao ấy có hào nhoáng cách mấy cũng sẽ như cái gai cắm giữa tròng con ngươi những người đi ngang qua đây vậy! Ngược lên một chút, đò chạy ngang núi Ngọc Trản, nơi tọa lạc Điện Hòn Chén. Ở đây có tục thờ Đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na từ hồi giữa thế kỉ XVI. Tục thờ đó vẫn được truyền giữ đến ngày nay. Lễ hội Điện Hòn Chén là một lễ hội truyền thống mang tính chất tín ngưỡng dân gian. Chị Nguyệt nói với tôi: Ngày xưa những người dân vạn đò đi thuyền qua đây đều phải ngả mũ, nón để tỏ lòng tôn kính và cầu xin đức Thánh Mẫu phù hộ, nếu không thì thuyền rất dễ bị lật chìm. Thực ra thì ở trước mỏm đồi này là một đoạn sông quanh gập khúc nên nước sâu và có xoáy nước mạnh, tay lái không “nghề” rất dễ bị lật thuyền. Hàng năm vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch người dân làng Hải Cát (thuộc TX Hương Trà) và người dân Huế đều tổ chức Lễ hội Điện Hòn Chén rất trang trọng với nhiều lễ cúng tại đình làng Hải Cát, tại Điện Hòn Chén và đặc biệt là lễ rước Thánh Mẫu trên sông Hương với hàng chục chiếc thuyền lớn ghép đôi được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy. Ở trên điện thờ cũng như ở dưới thuyền, người ta hát hầu đồng với tiếng nhạc, tiếng mõ, tiếng chuông làm rộn cả làng trên, xóm dưới. Buổi đêm, người ta thả hoa đăng dày đặc làm sáng rực cả dòng sông.

Sau hai tiếng rưỡi đồng hồ bồng bềnh trên sóng nước Hương Giang, thuyền cập bến làng Hộ, xã Dương Hòa. Ba chiếc xe con đã trực sẵn trên bến đưa cả đoàn vào trụ sở UBND xã Dương Hòa. Sau phút gặp mặt với mấy anh trong ban lãnh đạo xã, đoàn được đưa về nghỉ ở nhà khách của xã mới xây dựng xong chưa lâu. Buổi chiều, sau khi nghe anh Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch xã và anh Phan Diêu, Chủ tịch HĐND xã, thay mặt ban lãnh đạo xã báo cáo qua về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Dương Hòa, cả đoàn lên xe đi thăm công trường Hồ Tả Trạch, khu tái định cư Khe Sòng và di tích chiến khu Dương Hòa. Xã Dương Hòa là một trong hai xã miền núi của Hương Thủy, trước đây là xã nghèo nhưng nay đã thoát nghèo và ra khỏi danh sách những xã hưởng chính sách 135 của Chính phủ. Tôi từng đến Dương Hòa làm phim phóng sự khi dự án Hồ Tả Trạch còn nằm trên giấy, tức cách đây hơn 10 năm rồi. Dương Hòa hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Đặc biệt các tiêu chí điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư khá tốt. Cở sở hạ tầng cũng như các thiết chế văn hóa, xã hội đều được đầu tư xứng tầm với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và là đơn vị Anh hùng LLVTND (Hương Thủy có 7 xã là AHLLVTND và phường Thủy Dương là Anh hùng Lao động, trên tổng số 12 xã, phường). Từ trụ sở UBND xã lên khu vực công trường Hồ Tả Trạch cũng hơn một chục cây số nhưng toàn đường trải nhựa khá rộng, đi lại rất thuận tiện. Đó cũng là một phần được hưởng lợi từ Hồ Tả Trạch. Lên đến công trường Hồ Tả Trạch, mọi người không khỏi xuýt xoa trước một đại công trường đang ầm ầm hối hả thi công. Bụi đất bay mù mịt. Một chiếc xe phun nước chạy đi chạy lại phun nước lên mặt đập để chống bụi và đầm đất nhưng chẳng ăn thua gì. Chỉ vài lượt xe ben tải chạy qua là mặt đập lại khô ran và bụi đất lại bốc lên mù trời. Đập ngăn chính đang trong giai đoạn xây dựng nước rút. Con đập này dài gần 1,2km, chiều cao 60m, chiều rộng mặt đập rộng 10m. Ngoài ra còn có 4 con đập phụ, đập dài nhất trên 310m, đập ngắn nhất gần 60m. Hàng chục chiếc xe ben tải lớn hối hả chở đất từ những nơi khai thác đến đổ lên đập ngăn chính. Cả chục chiếc xe san ủi cũng đua nhau ủi tới, san lui. Nhiều chiếc xe cẩu múc đất vẫn tiếp tục đào bới phía hạ lưu để chuẩn bị cho xây dựng hệ thống xả. Ở mặt kè đập chính phía thượng nguồn, từng tốp công nhân đang chằng thép ốp đá tảng để đổ bê tông mặt kè đập chính. Hồ chứa Tả Trạch có diện tích lưu vực lên đến 717km2. Nhiệm vụ chính là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng Q = 2,0 m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 34.780 ha đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương… Tổng đầu tư cho công trình này, sau nhiều lần được duyệt bổ sung, đến nay lên đến gần 560 ngàn tỷ đồng! Một con số khổng lồ. Nhớ đến trận lụt thế kỉ 1999, cả xã Dương Hòa và nhiều địa phương trong tỉnh đều ngập chìm trong cơn lũ lớn chưa từng thấy, làm chết hơn 600 người, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, nhấn chìm hàng vạn ha lúa và hoa màu, cuốn trôi hàng ngàn gia cầm, gia súc, gây thiệt hại bằng gần 10 năm thu nhập GDP của toàn tỉnh, thì thấy số tiền khổng lồ bỏ ra để đầu tư cho dự án Hồ tả Trạch tuy lớn nhưng là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề di dân và đền bù giải tỏa đến nay vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Để thực hiện dự án Hồ Tả Trạch, 506 hộ dân ở đây đã phải di dời, giải tỏa, trong đó 245 hộ được đưa đến tái định cư ở Bến Ván (Phú Lộc); 193 hộ đến Bình Điền (TX Hương Trà); 68 hộ đến Khe Sòng, Dương Hòa. Chính sách những năm 2004 - 2005 chỉ đền bù tài sản trên đất chứ không đền bù đất. Như vậy rất thiệt thòi cho người dân khi họ đã bỏ ra biết bao công sức khai hoang, vỡ đất, biến đất hoang thành ruộng đồng canh tác và đều đặn hàng năm họ thu hoạch được nông sản đảm bảo cho cuộc sống trên những mảnh đất đó. Nhưng người dân Dương Hòa đã vì nghiệp lớn, chấp nhận ra đi với số tiền đền bù tài sản trên đất chỉ đủ để dựng lại một ngôi nhà cấp bốn ở nơi tái định cư và bắt đầu lại với hai bàn tay trắng. Chúng tôi được đưa đến thôn Khe Sòng thăm 68 hộ dân làng Lương Miêu di dời đến tái định cư. Ở đây bà con đều đã xây lại nhà ở khá khang trang, nhưng họ lại không có đất để canh tác. Tức đã định cư nhưng chưa định canh được. Họ phải làm đủ nghề để kiếm sống. Chúng tôi được biết xã Dương Hòa có diện tích gần 22 ngàn ha nhưng trong đó 17 ngàn ha là đất rừng do huyện quản lý, trong khi người dân ở đây lại thiếu đất canh tác. Quả là một nghịch lý. Thiết nghĩ cần có chính sách giao đất, giao rừng cho người dân sở tại, nhất là người dân Dương Hòa (những người dân của chiến khu một thời đã chịu quá nhiều hy sinh, mất mát) để tạo điều kiện cho họ có cái “cần” mà câu “cá”! Trò chuyện với tôi, anh Thức anh Diêu cho biết, hàng năm, ban lãnh đạo xã vẫn tổ chức đi thăm bà con Dương Hòa ở vùng tái định cư Bến Ván (Phú Lộc) và Bình Điền (Hương Trà). Cho đến bây giờ, sau 6 - 7 năm rồi mà mỗi khi gặp mặt, bà con vẫn khóc…

Tạm biệt Dương Hòa chúng tôi trở về bằng đường bộ. Con đường “của Hồ Tả Trạch” (lời của anh Chung) thảm nhựa rộng rãi chạy vòng vèo giữa các sườn đồi đổ dần về xuôi. Quả thật, nhờ con đường này mà Dương Hòa có cơ sở để phát triển nhiều dịch vụ, góp phần giúp cho phát triển KT - XH. Chiều hôm sau, theo lời mời của đồng chí Bí thư Thị ủy Hương Thủy, hai chiếc xe ô tô lên tận văn phòng Hội đón chúng tôi về thăm Thị xã. Xe chạy ngang qua cánh đồng Thanh Lam, cánh đồng Thủy Dương, chẳng xa thành phố mấy bước mà trong tôi vẫn dâng lên cái cảm xúc “thương mến đồng quê”, thương chi lạ! Phải chăng cái chất “hương đồng gió nội” đã ngấm vào máu thịt trong tôi từ những năm 70 của thế kỉ trước, khi trường học phải sơ tán về nông thôn để tránh những trận bom tàn khốc muốn “Đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kì đồ đá” của máy bay Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc. Cái chất “Hương đồng gió nội” ấy luôn bừng thức dậy trong tôi một cách rất mạnh mẽ mỗi khi bắt gặp lại hương lúa, dù chỉ thoảng qua. Tại văn phòng Thị ủy, anh Nguyễn Hữu Dũng, Bí thư Thị ủy và anh Lê Văn Chính, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư thường trực Thị ủy, niềm nở đón chúng tôi như đón những vị khách quý thân quen. Anh Dũng thông tin cho chúng tôi đôi nét về tình hình hiện nay của Hương Thủy và những định hướng của tỉnh cũng như của thị xã về phát triển KT, VH, XH cả trước mắt và lâu dài đến năm 2020. Ngay sau đó, đích thân anh Dũng đưa chúng tôi đi tham quan thị xã và KCN Phú Bài, một số con đường nội thị với nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng. Anh Dũng còn đưa chúng tôi đến vùng đất quy hoạch để phát triển thị xã rộng ra trong tương lai. Quả là quỹ đất của Hương Thủy còn dư dả. Anh Dũng cho biết, ngay từ lúc này thị xã đã có quy chế, quy hoạch khá rõ về quỹ đất, phân lô, phân vùng để chuẩn bị cho chiến thuật “đổi đất lấy hạ tầng cơ sở” để phát triển đô thị. Chạy thêm một vòng qua khu công nghiệp, qua sân bay Quốc tế Phú Bài, chúng tôi chạy ra quốc lộ 1A thì đúng lúc một đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam chạy qua, tôi càng thấy rõ hơn tiềm năng khai thác và phát triển công nghiệp ở nơi này. Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, chắc chắn đó sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp thị xã có thể cất cánh trong tương lai không xa.

Chia tay những chủ nhân hết sức hiếu khách của thị xã trẻ Hương Thủy, chúng tôi trở về với “hành trang tri thức thực tế” nặng kí hơn mà lòng thêm vui. Theo kế hoạch của trại, sáng hôm sau chúng tôi tự túc phương tiện về thăm cánh đồng Thủy Thanh, thăm cầu ngói Thanh Toàn. Cánh đồng Thủy Thanh thật đẹp. Một biển lúa vàng mênh mông trải dài hai bên đường. Những bông lúa trĩu hạt đã bắt đầu vàng mơ, chuẩn bị vào mùa gặt. Đã nghe trong gió thoảng hương thơm dịu nhẹ của mùi lúa chín. Đúng vậy, đây đó đã có những thửa ruộng gặt sớm. Chắc chắn năm nay không chỉ Thủy Thanh mà toàn tỉnh sẽ được mùa. Chúng tôi đến cầu ngói Thanh Toàn hơi trễ, nhưng phiên chợ quê vẫn còn khá đông người. Quang cảnh chợ quê họp bên chân Cầu Ngói, bên này sông Thanh Thủy, bên kia sông Như Ý, có gì đó thật thân thương, rất xa mà rất gần, rất lạ mà rất quen, cái cảm giác ấy không thể nói nên lời. Tại hội trường xã, chúng tôi được nghe báo cáo đôi nét về tình hình xây dựng nông thôn mới và hướng xây dựng vừa phát triển đô thị hóa nông thôn, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam. Đó không phải là chuyện dễ làm, nhưng phải quyết tâm làm được. Chạy ngang qua chợ, tôi lại nhớ về chuyến làm phim tài liệu chân dung về nữ anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lài. Hồi đó chị Lài đã đưa chúng tôi đến tận chợ này và mấy nhà của các cơ sở năm xưa đã che chở cho chị hoạt động cách mạng. Tôi đã được nghe các chị cơ sở kể rất nhiều chuyện hoạt động trong lòng địch. Bao hi sinh, mất mát nhưng người Thủy Thanh vẫn một lòng sắt son với cách mạng. Thủy Thanh là một xã AHLLVTND, là xã có nhiều liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và với truyền thống đáng tự hào đó, tôi tin chắc rằng cán bộ và nhân dân Thủy Thanh sẽ làm được các dự định tương lai.

Rời Thủy Thanh, chúng tôi qua thăm cánh đồng Thủy Vân. Thủy Vân có những điểm rất giống với Thủy Thanh, cũng là xã trọng điểm vùng lúa, cũng là xã AHLLVTND và cũng có khá nhiều liệt sĩ và Mẹ VNAH, nhưng Thủy Vân có lẽ phát triển sớm hơn chăng mà bây giờ đang lúng túng giữa xu thế của sự bức bách phát triển đô thị và mong muốn bảo tồn bản sắc dân tộc ở vị thế nông thôn Việt Nam. Có lẽ hiện trạng này không phải chỉ có ở đây mà chắc chắn còn có ở không ít nơi trong cả nước. Nó rất cần được nghiên cứu, trao đổi nghiêm túc và khoa học để tìm ra lối đi thích hợp, đảm bảo cho sự phát triển nông thôn hài hòa, hợp lý, vừa “tiên tiến hiện đại” lại vừa “đậm đà bản sắc dân tộc”!

Chỉ có mấy ngày lướt qua Hương Thủy như “lướt web” nhưng trong tôi vẫn dâng đầy những cảm xúc. Mảnh đất cũng như con người Hương Thủy đều ăm ắp tính nhân văn. Ghi chép này chỉ là những cảm xúc tản mạn chưa kịp cô đọng đúc kết thành mảng, miếng để có thể khắc tạc nên hình hài một thị xã trẻ tràn đầy sinh lực mới trên cái cốt truyền thống cách mạng của một mảnh đất anh hùng đầy tự hào, nhưng tôi hy vọng nó cũng gợi mở thêm đôi điều suy nghĩ về hướng xây dựng và phát triển nông thôn mới hiện nay.

N.V
(SĐB9-12)








 

Các bài mới
Mắt Tam Giang (24/10/2012)
Đất nở (15/10/2012)
Các bài đã đăng