TRẦN QUANG TUYẾT
(Để bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn Thầy - Giáo sư Vladimia Alecxayevich Mescheryakov)
“Chúc mừng mày, có lẽ không ở đâu, chưa bao giờ có nghiên cứu sinh (NCS) lại dại dột và may mắn như mày, chúc mừng kết quả có hậu của mày” . Chỉ khi các bạn cùng nhóm nghiên cứu nói lên nỗi lo của họ kìm nén hơn 2 năm qua, trong buổi tiệc nhỏ mừng ngày bảo vệ luận án, tôi mới giật mình nhớ lại...
Trời tuyết rơi dày vào đầu mùa đông năm đó, cái lạnh buốt vào da thịt, đã khiến tôi say sưa với không khí sôi nổi của các buổi thảo luận của nhóm NCS ở “Phòng bên cạnh’’, đối diện qua hành lang với Phòng, nơi tôi làm việc - Phòng Các vấn đề về Quang lượng tử. Tôi đi “lạc” vào các buổi thuyết trình của nhóm bên cạnh là do thói quen háo hức thông tin như khi ở trong nước, và quan niệm “không bổ ngang thì cũng bổ dọc” khi tham gia thảo luận. Nghe vài buổi thuyết trình, tìm đọc các bài viết của nhóm, tôi bắt mạch được vấn đề và, hình như không do dự, rất tự tin, thưa với thầy hướng dẫn: “Thưa thầy em quan tâm đến các vấn đề của Quang lượng tử, thầy cho phép em sinh hoạt với nhóm của giáo sư Sch...”.
Được Đại học Tổng hợp Matxcơva (MGU) mang tên Lômônôxôp nhận làm nghiên cứu sinh là một may mắn lớn, lại được làm việc ở Viện Liên hợp Hạt nhân Đupna là niềm mơ ước của nhiều người. Đầu những năm tuổi 30, tôi, một sinh viên tỉnh lẻ, được diễm phúc như thế. Thầy hướng dẫn, nói như các bạn cùng làm việc, là to đùng to đoành, Giáo sư - Tiến sĩ, Viện phó, Trưởng phòng Thống kê lượng tử và Lý thuyết trường, nhưng thầy to thì khó gặp, khó được nghe trình bày, ít thảo luận “sôi nổi”, bù lại, theo lời các bạn cùng nghiên cứu: “Trước mặt mày là cái hố, ổng cầm tay mày cùng nhảy thì chắc chắn sẽ qua”. Trong tôi, nỗi nhớ nhà và mong ước kết thúc sớm học trình cùng với việc chọn các vấn đề dễ “gặm” choán hết tâm trí.
Trình bày xong nguyện vọng của mình, tôi thấy thầy lặng đi một khoảng rồi chậm rãi, hơi lạc giọng, nói: “Tôi tôn trọng ý kiến của em, nhưng đừng bắt buộc tôi phải xin giáo sư Sch. để chuyển em qua bên ấy”. Vậy là tôi chuyển sang sinh hoạt ở “bên ấy”, với niềm hân hoan vui mừng vì sinh hoạt sôi nổi, nhiều người trình bày, nhiều người thảo luận, tìm ra nhiều cách khác nhau để tiệm cận vấn đề, và bản thân các “vấn đề” cũng không quá lớn, tôi say sưa nghe, ghi chép, tìm tòi... Sự cố xảy ra khi tôi đăng ký trình bày kết quả của mình, lịch không thể xếp cho tôi, vì phải ưu tiên các NCS chuẩn bị bảo vệ, rồi các đàn anh, đàn chị, nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng khi thư ký khoa học của Phòng thông báo: “Bạn chưa được xếp vào danh sách NCS chính thức để có lịch bắt buộc”. Trao đổi thắc mắc với các bạn cùng nghiên cứu thì mới vỡ lẽ là chưa có “tiền lệ”, chưa ai “dám làm” như bạn đang làm, và Phòng này không có “trách nhiệm” với việc hoàn thành luận án của bạn, Giáo sư Sch. không thể làm thủ tục để bạn bảo vệ tại trường MGU.
Quay về “nơi cũ” cũng đường đột như lúc ra đi, chỉ khác là lúc này tiết trời đã ấm lên, mùa xuân của xứ tuyết thật đẹp, không còn bầu trời xám xịt với các cành cây đen, gầy gộc, cây cối vào mùa xuân thức suốt đêm, nở hoa trước khi nẩy lộc, con người thấy nhẹ nhỏm và thư thái hơn. Tôi gặp thầy, sau nhiều ngày trăn trở cùng với các góp ý của bạn bè; “thưa thầy em xin được trở lại làm việc tiếp tục với nhóm của mình”. Thầy nhìn tôi nhẹ nhàng, chậm rãi hỏi lý do, cho tôi thêm thời gian để suy nghĩ, nhưng khi biết tôi đã suy nghĩ kỹ và muốn bắt đầu công việc ngay từ ngày mai thì thầy lại vạch cho tôi một thời gian biểu đếm ngược dày đặc hơn trước, vì “em đã mất 6 tháng lạc hướng”. Rồi cũng bù được thời gian đã đánh mất nhờ sự tận tâm của thầy và nhiệt tình của bạn, cho đến một hôm khi đã chứng tỏ được mình có thể bảo vệ đúng hạn, tôi trở lại “vấn đề”: “Tôi đã thấy được việc mình làm là có lỗi với thầy và các bạn, cho tôi nhận lỗi và cảm ơn, vì tôi mà thầy và cả nhóm đã dồn rất nhiều thời gian và công sức”. Câu trả lời của thầy, là phương châm sống của tôi từ bấy đến nay: “Sự ra đi của em khiến tôi điều chỉnh phương thức hoạt động của nhóm, tôi cám ơn em vì điều ấy. Sự trở về của em tiếp thêm động lực để cả nhóm cùng hoàn thành công việc, cả nhóm cùng cám ơn em”. Phải chăng Giáo sư có thể rút ra được một nguyên tắc từ việc làm tùy tiện của học sinh mình, hay lòng nhân hậu, vị tha đã tìm thấy lý do hợp lý của những việc làm vô lý của một cán bộ tập tểnh nghiên cứu. Và các bạn của tôi nữa, nếu sự đố kỵ dành cho tôi, thì... Mãi cho đến hôm nay, tôi vẫn chỉ tự trả lời: đó là lòng nhân hậu.
Lòng nhân hậu, một tính cách Nga mà tôi gặp nhiều nơi trong suốt học trình của mình, một “ bà mẹ” trực tầng ký túc xá ân cần với trải drap giường, bọc chăn bông, sử dụng các thiết bị, cán bộ hồ sơ giải thích một cách vất vả và ngồi chờ đến quá giờ vì một sinh viên mới vừa bỡ ngỡ vừa yếu tiếng Nga, một cô cấp dưỡng mang “cơm” ra cho “con trai nhỏ” trong nhà ăn tập thể khi cậu ta về muộn từ giảng đường mà nhà ăn thì đã hết làm việc, cô quản thủ thư viện đi tìm sách trong phòng tự chọn cho NCS vì đã gần hết giờ giao dịch... Và, vẫn thể hiện lòng nhân hậu, vị tha khi bị “xúc phạm” như chuyện kể này là dấu ấn đậm nét về lòng nhân hậu Nga, một kỷ niệm đẹp, trong tôi, với nước mắt trong ngày bảo vệ không chỉ vui mừng từ kết quả đạt được mà còn từ niềm vui về bài học nhân cách đã học được từ Thầy, bài học làm thay đổi cuộc sống và cách sống của tôi sau này.
Nước Nga ơi! mong có lần trở lại, dẫu lờ mờ ký ức để tìm nhau, bạn không gặp và Thầy không còn nữa, tôi lần theo chốn cũ để quay về.
T.Q.T
(SH285/11-12)
-------------------------------
(*) Nghĩa của tiếng Nga là nhân hậu.