LÊ VĂN LÂN
Có lẽ rất nhiều anh em trong phong trào đô thị Huế cũng như các thành thị miền Nam những năm 1970 - 1975 không ai là không biết Bửu Chỉ. Một họa sĩ nghiệp dư với những bức tranh bút sắt, mực đen, nhưng tranh của anh có mặt hầu hết trên các ấn phẩm của phong trào đô thị trên cả nước, các tổ chức tiến bộ thời ấy, từ trang bìa đến phụ bản.
Tranh của anh là lời tố cáo đanh thép về tội ác của kẻ thù, là lời kêu gọi thống thiết thôi thúc tuổi trẻ dấn thân… xuất hiện sừng sững như một tượng đài của phong trào đô thị.
Tôi quen anh Bửu Chỉ lúc còn học ở Trường Quốc Học và sau là Trường đại học Luật khoa Huế. Anh học trên tôi hai lớp. Anh em chúng tôi thời đó có gia đình ở Huế, nhưng đều xem ngôi nhà Tổng hội Sinh viên Huế 22 Trương Định là nhà của mình, cùng ăn, cùng ngủ, cùng xuống đường đấu tranh; chúng tôi gần như thoát ly gia đình, cùng chia sẻ bao ngọt bùi ở đó. Chúng tôi quen nhau, thân nhau thật tình cờ, tự nhiên như vậy; sau này cùng nhau vào tù, rồi kẻ ở lại người vào chiến khu nhưng luôn dõi mắt về nhau với bao kỷ niệm vui buồn của một thời đáng nhớ.
Bửu Chỉ như nhiều người biết là một họa sĩ tài năng. Anh đàn và hát cũng hay và cuốn hút. Thời đó không cuộc gặp mặt nào ở Tổng hội Sinh viên Huế, các buổi trình diễn văn nghệ của sinh viên học sinh mà thiếu giọng ca “sách động” của anh. Với cây đàn ghita và những bài hát ruột của mình như Việt Nam trên đường chúng ta đi, Tự nguyện, Làm thân cỏ cú, Chốn lao tù, Lớn mãi không ngừng… gương mặt anh lúc đó đỏ gay, gân cổ nổi lên, đôi mắt xuất thần. Không ai là không bị cuốn hút, say sưa với hình ảnh đó.
Bửu Chỉ là người ốm yếu. Nhưng anh là người có giọng nói to, khỏe, rổn rảng; những lúc tranh luận giọng nói của anh lấn át đối thủ. Anh lại là người rất quyết liệt với kẻ thù, trong hoàn cảnh nào anh cũng cương quyết, không sợ hãi. Làm sao quên được hình ảnh Bửu Chỉ bị địch bắt trong chiến dịch “Bình minh” 1972 vừa mới vào trại giam, tên mật vụ Liên Hướng (em ruột Liên Thành, Trưởng ty cảnh sát ngụy) đã vân vê trò chuyện cùng anh. Bửu Chỉ chửi sa sả vào mặt Liên Hướng: “Tao chỉ nói chuyện với nhân dân tao, tao không nói chuyện với mày”. Khí phách Bửu Chỉ được trả giá bằng một trận đòn nhừ tử; chúng đánh vào hai bàn tay anh khiến một thời gian dài anh không vẽ tranh được. Nhớ lại thời đó, tranh chấp quyền lực giữa Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ (tổng thống và phó tổng thống ngụy) trở nên gay gắt. Trong một dịp ra Huế, Nguyễn Cao Kỳ đến thăm Tổng hội Sinh viên Huế tìm sự ủng hộ trong sinh viên học sinh Huế. Với lối tranh luận áp đảo đối thủ, Bửu Chỉ đã truy bức Nguyễn Cao Kỳ về Việt Nam hóa chiến tranh, về quân sự học đường, về tự trị đại học… Nguyễn Cao Kỳ ấm a ấm ớ, lúng túng rồi cùng bầu đoàn của mình rời Tổng hội Sinh viên Huế trong nỗi bực tức, hậm hực.
"Ngợi bình minh" - Bửu Chỉ |
Có lẽ trong các cuộc xuống đường ở Huế những năm 1970 - 1972, cuộc xuống đường thầm lặng tháng 8/1971 là một cuộc biểu tình xúc động và gây nhiều ấn tượng nhất. Cuộc biểu tình xuất phát từ Tổng hội Sinh viên Huế tuần hành qua các trục đường chính của thành phố. Hàng ngàn người đi tuần hành đều tay đeo băng tang để tưởng nhớ những người Việt Nam bị lính Mỹ sát hại. Dẫn đầu đoàn tuần hành là chiếc quan tài màu đỏ mang dòng chữ “26 năm chiến tranh Việt Nam”. Đi sau quan tài là bức tranh lớn về thảm sát Mỹ Lai. Tiếp theo là biểu ngữ màu đen mang dòng chữ “hai triệu người ngã gục, nói sao hết nên lời… Dọc theo đoàn tuần hành là những bức biểu ngữ mang các dòng chữ “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Đào sâu hố diệt chủng”, “Sống trên vai xiềng xích”, “Chết tức tưởi không lời”… cùng các bức tranh vẽ bộ xương người tượng trưng cho oan hồn Việt Nam, vẽ tên đồ tể Nixon một tay cầm đầu lâu một tay cầm túi Dollar. Có thể nói tất cả phần trình bày cuộc diễu hành là của Bửu Chỉ. Tôi còn nhớ lúc đó, trong một dịp tình cờ, tôi bắt gặp tờ báo Time ở quầy sách báo cũ trên thành phố có tường thuật vụ thảm sát Mỹ Lai với đầy đủ hình ảnh. Tôi mua tờ báo đưa Chỉ xem, lập tức anh phóng tác bức tranh đưa vào cuộc diễu hành. Sau cuộc biểu tình thầm lặng, bức tranh được treo một thời gian dài ở Tổng hội Sinh viên Huế. Rất tiếc, chiến dịch “Bình minh” địch chiếm Tổng hội, bức tranh bị phá hủy.
"Cáo phó" đăng trên báo Điện Tín 1972, tư liệu: Nguyễn Duy Hiền |
Có một kỷ niệm về Bửu Chỉ không bao giờ chúng tôi quên được. Mở đầu chiến dịch “Bình minh” 1972 chúng bắt các anh Lê Văn Thuyên, Nguyễn Hoàng Thọ, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước trong lúc các anh đang giúp đỡ đồng bào Quảng Trị lánh nạn chiến tranh tại Trường Đồng Khánh, và sau đó là bắt bớ hàng loạt. Tôi và các anh Nguyễn Kỳ Sơn, Trần Khanh, Lê Gành, Nguyễn Văn Thịnh… trốn trót lọt vào Sài Gòn. Chúng tôi biết khi bắt địch đánh các anh rất dã man, nhưng giam ở đâu thì không một ai rõ. Kể cả những người bị bắt sau đó và chúng đưa ra Côn Đảo. Chúng tôi bàn bạc cùng nhau, phải làm một cái gì đó buộc địch phải công khai nơi giam giữ các anh... Trong số 5 anh em bị bắt, hai anh Bửu Chỉ và Nguyễn Duy Hiền là ốm yếu nhất, bị đánh đập dã man nhất. Qua linh mục Nguyễn Ngọc Lan, chúng tôi đưa cáo phó về các anh bị giết. Sau khi tờ nhật báo Điện Tín đăng cáo phó, hàng chục hội đoàn yêu nước ở miền Nam đồng loạt đăng phân ưu về 2 anh trên nhiều tờ báo. Sự việc ngày càng lớn hơn khi cả Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải Phóng đều có bài bình luận về cái chết của 2 anh. Anh em trong Nội thành còn sót lại đều bàng hoàng xúc động, anh em trên rừng tổ chức truy điệu… Gia đình các anh đang ở Sài Gòn đều tức tốc bay về nhận xác. Dư luận ngày càng phẫn nộ, Liên Thành, trưởng ty cảnh sát ngụy buộc phải lên Đài Phát thanh Huế đính chính và công bố nơi giam giữ các anh. Khi bị bắt ở thành phố Sài Gòn đưa về Huế, gặp lại các anh ở trại tạm giam, chúng tôi cười vui kể cho các anh về việc đăng cáo phó. Các anh em đều hốt hoảng: “Không được nói chuyện này, Liên Thành biết nó sẽ giết bọn bây ngay”. Nghĩ lại thời đó, thấy đúng là làm, chẳng bao giờ nghĩ đến hậu quả.
Mới ngày nào mà đã bốn, năm mươi năm. Mới đó mà anh đã xa chúng tôi mười năm. Thương nhớ vô cùng. Bửu Chỉ ơi!
L.V.L
(SĐB 7/12-12)