Giá sách Sông Hương
10 năm ngày mất BỬU CHỈ
Bửu Chỉ: Cú nhảy vào thiên thu và cuộc truy hoan sắc màu với vô thường
10:57 | 17/12/2012

Bửu Chỉ là một cái tên không xa lạ với những ai ở miền Nam trước 1975. Anh là người hầu như duy nhất vẽ tranh về đề tài chiến tranh và hòa bình. Tên tuổi và tranh bằng bút sắt, mực đen của anh đã sóng đôi cùng với những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn - một người con yêu của xứ Huế đã làm rạng rỡ vùng đất đã sinh ra mình.

Bửu Chỉ: Cú nhảy vào thiên thu và cuộc truy hoan sắc màu với vô thường
"Cây đàn sắc không" - Tranh Bửu Chỉ

BỬU NAM

1. Đã mười năm từ cú nhảy vào thiên thu

Đã mười năm, kể từ ngày 14.12.2002, cái ngày mùa đông ẩm ướt hiu hắt thê lương tháng chạp ở Huế năm ấy. Cái ngày mà những tiếng gõ dồn dập của định mệnh như những nốt nhạc âm u của Tử thần trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven, Bửu Chỉ đã làm cú nhảy cuối cùng từ giã cõi nhân gian phù du vào cõi vĩnh hằng. Cú nhảy của con người luôn ở trong “giấc ngủ sấm sét” như Trịnh Công Sơn đã từng viết về Bửu Chỉ, bởi người nghệ sĩ luôn tự đánh thức mình trong những giấc mơ về những chân trời mà lửa sáng tạo cháy bùng khôn nguôi. Bởi anh biết điều kinh khủng nhẹ thênh ấy sẽ xảy ra vì thời gian sống của kẻ đam mê hừng hực vả kẻ lao động sáng tạo như  khổ sai như anh vốn mong manh như đu dây chênh vênh giữa hai bờ sinh tử, bởi anh biết định mệnh của anh như con người vốn đang đứng bên miệng núi lửa của nghịch cảnh sắp trào dâng mà lưỡi hái tử thần vốn rất cay nghiệt với kẻ tài danh.

Cái ngày ấy đã mười năm. Biết bao là dâu bể và nước chảy qua cầu.

Thi sĩ Thái Ngọc San, người bạn thân thiết và cũng đầy khí phách trong dấn thân, làm người và làm nghệ thuật như Bửu Chỉ, đã thốt lên những cảm thán từ nỗi bàng hoàng sâu thẳm trái tim, những câu thơ run rẩy cảm thương, tiếc nuối, đớn đau:

Chỉ ơi

Thế là chiếc đồng hồ thời gian của mày

đã vĩnh viễn ngừng lại

Sợi chỉ nối hai đầu sự sống và cái chết

đã đứt

Tấm gương bát quái đã vỡ

Mày đã bay vào cõi vô sắc

với niềm đam mê núi lửa

và nỗi cô độc giá băng

Nơi không còn những chén đắng

Không còn những lưỡi dao găm

Nơi không còn ngày, không còn đêm

Mày đã hóa thân thành con ngựa đá trong tranh

Con ngựa với những bông hoa ngũ sắc

Trên bức tường vĩnh cửu

Thanh Niên, số 356 (22.12.2002)

Thái Ngọc San đã sử dụng chính tên các bức tranh nổi bật nhất của Bửu Chỉ để vẽ lên cú nhảy cuối cùng vào thiên thu của người họa sĩ. Đúng với thần khí tranh và con người anh mà lay động mà ám ảnh và cảm thương khôn nguôi.

Ba năm sau (2005), chàng thi sĩ lãng tử này lại rời vỏ cuộc chơi với trần gian, cũng đi vào cõi vĩnh hằng làm bạn với Bửu Chỉ bởi thiếu bạn, trần gian sao cô đơn và hoang vu quá!

Trong mười năm đó, các họa sĩ cũng rất tài hoa khác của xứ Huế cùng thế hệ với Bửu Chỉ cũng ra đi như Tôn Thất Văn, Dương Đình Sang.

2. Bửu Chỉ - “giọt máu” và họa sĩ tài danh của xứ Huế

Bửu Chỉ là một cái tên không xa lạ với những ai ở miền Nam trước 1975. Anh là người hầu như duy nhất vẽ tranh về đề tài chiến tranh và hòa bình. Tên tuổi và tranh bằng bút sắt, mực đen của anh đã sóng đôi cùng với những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn - một người con yêu của xứ Huế đã làm rạng rỡ vùng đất đã sinh ra mình.

Anh không chỉ vẽ tranh mà còn dấn thân quyết liệt cho phong trào phản chiến, yêu nước ở Huế và các đô thị miền khác.

Từng là Tổng Thư ký của Hội sinh viên Sáng tác Huế, anh đã bị chế độ cũ bắt đến 3 lần và lần cuối cùng đã bị giam 2 năm ở khám Chí Hòa cho đến tận ngày 30/4/1975 mới được giải thoát. Trong nhà tù anh đã bị cảnh sát chế độ cũ đánh đập tàn nhẫn, đặc biệt vì tức giận họ đã đánh vào hai bàn tay của họa sĩ vì hai bàn tay này đã dám vẽ những bức tranh tố cáo chiến tranh phi nghĩa mà chế độ cũ hiếu chiến miền Nam không muốn nhìn thấy.

Trong nhà tù, tranh của anh vẫn được vẽ. Không một nhà tù nào, một sự đàn áp nào có thể dập tắt ý chí và ước vọng của một trái tim yêu nước và mơ ước tự do, nguyện vọng hòa bình.

Tranh của anh trong khoảng thời gian đó, thường được các báo chí nước ngoài in và gây một dư luận rộng rãi, được các phong trào phản chiến thế giới ở Mỹ, Nhật, châu Âu, và ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc nhiều khi lấy làm biểu trưng. Đặc biệt là các phong trào sinh viên yêu hòa bình của thế giới.

Một người nghệ sĩ có lương tri và là một công dân yêu nước, anh, Họa sĩ Bửu Chỉ đã góp viên gạch nhỏ bé nhưng thắm đượm tình yêu xứ sở và con người vào Hòa bình, độc lập và Thống nhất Tổ quốc.

Anh còn là người hát rất hay với giọng Têno cao vút và hào hùng những ca khúc “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở nhiều giảng đường sinh viên và ở các cuộc xuống đường. Anh có mặt cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng, Nguyễn Phú Yên... hát và cổ vũ cho hào khí của sinh viên Đại học Huế trong cao trào đấu tranh yêu nước ở Huế và Sài Gòn vào những năm 1970 - 1972.

Tiến sĩ Huỳnh Bội Trâm (người gốc Đồng Nai) một tiến sĩ Việt kiều ở Úc, làm luận án Tiến sĩ về nghệ thuật Việt Nam, đã dành cho anh một vị trí trang trọng dù là trên một số dòng chữ rất ít ỏi trong luận án tiến sĩ của mình; đặc biệt trong phần “Nghệ thuật và chiến tranh” (Nay nhà viết phê bình lịch sử hội họa Việt Nam này cũng đã mất năm 2005).

Hơn 10 năm trước ngày 17/3/2002, tranh phản chiến của họa sĩ Bửu Chỉ đã được triển lãm ở Viện Bảo tàng New Casttle, thuộc bang Sydney, Úc trong phần “Nghệ thuật và chiến tranh Việt Nam” cũng gây được tiếng vang trong dư luận nước ngoài.

Sau 1975 anh đã từng tham gia tích cực các hoạt động nghệ thuật xã hội, từng là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa III. Anh thường vẽ bìa cho Tạp chí Sông Hương và những tranh minh họa cho tạp chí.

Tạp chí Sông Hương số Festival năm 2002 đã in một phụ bản tuyệt đẹp của anh vẽ một con ngựa đá lưng nứt rạn, nhưng trổ hoa ngũ sắc, biểu tượng cho sự hồi sinh của Cố đô Huế - thành phố Festival trên trang bìa sau bức tranh của một họa sĩ tài danh khác: Họa sĩ Lê Bá Đảng.

Khác với Trịnh Công Sơn thường sử dụng gam la thứ trong các ca khúc của mình để diễn tả nỗi u hoài ngậm ngùi của các cuộc tình và phận người, tranh Bửu Chỉ cùng thể hiện gần như là một tâm thức “sâu thẳm trong tâm tưởng về một số phận không thể nào cứu rỗi được trong định mệnh của mỗi con người” (Trịnh Công Sơn), anh thường dùng những gam màu nóng, rực rỡ, tương phản mạnh mẽ nhưng lại rất hài hòa và đẹp để diễn tả bao nhiêu điều mà ai thường chiêm nghiệm nhiều về cuộc sống nghệ thuật sẽ thú vị khi khám phá ra ý nghĩa. Sử dụng màu sắc, đường nét, bố cục đạt đến sự điêu luyện bậc thầy, ý nghĩa tranh lại rất nhân văn, nên tranh của Bửu Chỉ thường rất được người hâm mộ nghệ thuật ở Việt Nam và thế giới ưa chuộng.

Anh đã từng triển lãm ở Pháp, Hồng Kông và đạt được sự thành công lớn.

Tranh của anh được một số Viện Bảo tàng Quốc tế mua, lưu giữ và trưng bày.

Đặc biệt là giới sưu tập và chơi tranh ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan thường lưu giữ tranh của anh trong các bộ sưu tập cá nhân như là một họa sĩ tài hoa của Việt Nam và Đông Á.

Lòng yêu mến cuộc sống thiết tha đến đắm say thường đi đôi với một nghịch lý về cái cảm quan vô thường của thiền gia, sự khắc khoải của con người trước thời gian vô thủy vô chung, khát vọng bình yên nhưng lại cảm thấy nó rất mong manh là những đề tài và chủ đề anh thường ưa thích diễn tả trong anh... Anh thường đặt các hình tượng của mình trước cả một vũ trụ vô cùng này, nên các hình tượng của anh thường mang tính kỳ vĩ lạ thường.

Đặc biệt các hình tượng của anh thường độc đáo, khác lạ nên rất gây ấn tượng... Bên cạnh cách phối các màu nóng tương phản tạo ra một vẻ đẹp rực rỡ.

Một mình người chạy băng trên bề mặt của địa cầu, tay níu lấy chiếc đồng hồ thời gian với một sợi dây mong manh: đó là tên bức tranh “Níu kéo thời gian”.

Một con ngựa đá hiền lành, ngây ngô thân hình nứt rạn vì thời gian lại trổ ra những chùm hoa ngũ sắc rực rỡ. Con ngựa đá như mơ màng trước nhật nguyệt mang mang này được biểu tượng hóa bằng hai vòng tròn nhỏ và vàng. Đó là bức tranh “Ngựa đá và hoa”.

Một con chim bồ câu trắng muốt hiền hòa đậu trên một chiếc bình cổ với những hoa văn rất đẹp như hình núm vú của “mẹ hiền cuộc đời” được phối cảnh bên cạnh hai chiếc bình khác, mà chiếc ở giữa đã vỡ... Như cuộc đời có lúc toàn vẹn, có lúc trắc trở, như đời người có khi mơ ước rồi đổ vỡ, nhưng rồi lại mơ ước tiếp. Bởi vì con người trong thực chất tận cùng của nó là luôn mơ ước cho cái đẹp, cái thiện, lòng trắc ẩn. Và nhờ sự mơ ước đó mà nó tồn tại được. Đó là một trong những bức tranh tĩnh vật của anh.

Một con bồ câu khác đậu trên một lưng ghế dưới đó là bốn ngọn đèn dầu, bóng đèn đã sạm khói, ánh lửa hiu hắt, nhưng vẫn ngóng tới một vầng mặt trời đỏ nhỏ nhoi để cảm thấy “mong manh và bình yên”, tên của một bức tranh khác của anh.

Anh cũng vẽ tranh khỏa thân, nhưng tranh khỏa thân của anh lại gợi nên một vẻ đẹp nõn nà tươi mát, đầy bình an, đầy tình yêu cuộc sống và đôi khi có phần thánh thiện. Một cô gái rất đông phương khỏa thân ngồi mơ màng ôm hai chân của mình trong một đám bọt sóng lơ lửng trên biển, giữa trăng, sao, trời đất, mặt trời và mây. Đó là bức tranh “Ngày sinh thần vệ nữ”.

Một bức tranh khác vẽ hình người như “Chúa bị đóng đinh trên Thánh giá” giữa mặt đồng hồ thời gian được đặt trong một hình quả trứng: hình quả trứng này là biểu tượng bào thai hay quả đất và quả trứng ấy lơ lửng giữa nhật nguyệt vàng, đỏ giữa đất trời. Bức tranh đó có tên là “Sự sống và sự chết”. Có thể cắt nghĩa ra sao đây? Đó là tình yêu cuộc sống đam mê đến nỗi tuẫn nạn vì nó, hay là nỗi buồn vô vọng của con người vì thấy đời người quá hữu hạn và phù du so với sự vĩnh cửu của vũ trụ mà khát vọng thì quá lớn... Và cũng có thể có rất nhiều cách cắt nghĩa khác nữa.

Đặc biệt anh đã vẽ rất nhiều bức về một người bạn tâm giao Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một cây đàn được đặt lơ lửng giữa trời đất, bên một đám mây trắng, và ở giữa thùng đàn là một khuôn mặt trầm tư, mơ mộng của Trịnh Công Sơn. Đó là bức tranh có tên “Trăng thiên cổ”. Một bức khác, vẽ người họa sĩ đang đứng, mặt khắc khổ, thân hình như được đắp nổi gồ ghề bằng đá, tay cầm một một đóa hồng nhỏ, cây đàn bên cạnh, trước một khung trời xanh thẳm và một mặt trời nhỏ nhoi. Bức tranh có tên là “Tuổi đá buồn”.

Một bức tranh khác, vẽ khuôn mặt nhạc sĩ đầy vết nứt rạn của thời gian và trầm tư, dưới đó là một cánh diều màu hồng với sợi dây nhỏ nhoi (biểu hiện cho bài hát “Em ơi đừng tuyệt vọng”), bên cạnh trên một góc bàn đá, một ly rượu thủy tinh cao đã cạn, một con chim nhỏ ngây thơ đang nhìn nhạc sĩ, dưới ly rượu là một đóa hồng lăn lóc... Một mặt trời đỏ nhỏ nhoi được bao quanh bồng bềnh một vầng xanh lơ. Gam màu chủ đạo của bức tranh là xanh lục thẫm, tương phản với màu hồng của cánh diều, màu đỏ của mặt trời, màu xanh lơ, và màu đen của tóc, của các vết nhăn của gương mặt, của da, màu đen của kính đeo mắt, màu hồng pha vàng và lục của bức tường.

Bức tranh có tên “Một cõi đi về”. Tên một bài hát nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Trịnh Công Sơn... nghĩa đa dạng và những gam màu chủ đạo khác nhau...

Những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, họa sĩ Bửu Chỉ sống gần như chỉ để vẽ, và vẽ bằng một nỗi đam mê mãnh liệt. Đó là ý nghĩa đích thực và duy nhất của đời anh. Khi có nhiệt hứng, anh vẽ một ngày đến 10, 12 tiếng và làm việc như gã tù khổ sai mà nhà tù là cái đẹp vĩnh hằng. Gần như anh đang chạy đua với thời gian vì sợ cuộc sống của mình quá ngắn ngủi.

Anh vẽ như quên tất cả mọi sự trên đời, chỉ còn duy nhất trong tâm trí một hình tượng độc đáo mới khám phá ra, một bố cục đã trực cảm một cách đắc ý, một gam màu chủ đạo đã được trực nhận...

3. Thế giới tranh và phong cách Bửu Chỉ

Hiến dâng trọn đời cho hội họa như một thứ nghiệp chướng và như một cách thế chọn lựa để tồn tại hiện hữu giữa cõi Đời, cũng là một cách thế để suy tưởng, phát biểu với nó bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt của đường nét, màu sắc, và cũng để có thể mưu sinh, sống độc lập, tự tạo để bảo vệ quyền tự do sáng tác của mình trước các nhãn quan hẹp hòi về nghệ thuật. Đam mê và miệt mài mãnh liệt, sống chết để vẽ và vẽ trong cô đơn như một gã tù khổ sai đi tìm vẻ đẹp vĩnh hằng: Thế giới tranh của Bửu Chỉ (gần 300 bức tranh sơn dầu chưa kể hàng trăm bức bút sắt, mực đen như anh đã tổng kết với tôi vào tháng Năm 10 năm trước đây) đa dạng và độc đáo, u ám và rực rỡ. Đôi khi yên bình và thanh thản như một lời kêu gọi bằng an, đôi khi kinh khủng như một cơn ác mộng, đôi khi lại có vẻ như giễu cợt về trò chơi lớn của cuộc đời (trong các tranh “Mặt nạ” và “Xiếc”). Đôi khi bị hút vào vực thẳm của những ám ảnh về thời gian qua mau và hủy diệt sự tồn tại của kiếp người. Đôi khi như một nỗi khát vọng đơn đau, bất lực. Đôi khi như một tiếng kêu thảng thốt về tấn bi kịch của con người: về nỗi buồn và quyền được hy vọng của nó.

Tranh của anh đi tới tận cùng bản thể sâu thẳm của chính anh và đi tới nó cũng là chạm tới cái cội rễ uyên nguyên của con người với thân phận kiếp người giữa cuộc thế (trong chiến tranh, bạo lực, nhỏ nhen, thù hận, nghi kỵ…) và giữa vũ trụ với những ám ảnh và khát vọng về sự sống và cái chết, hạnh phúc và khổ đau, hữu hạn và vô hạn.

Có thể nói mỗi bức tranh của anh là một bài thơ, dù nhỏ hay lớn cũng chất chứa các sắc màu của tâm trạng đầy bi kịch đớn đau của chính anh và kiếp người, nhưng cũng lại tràn đầy vẻ đẹp u hoài, mơ mộng, hy vọng.

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời sáng tác (13 năm cuối) anh vẽ bằng một thứ linh giác, một thứ huyễn tâm linh phóng vọt từ vô thức sâu thẳm của bản thể anh. Và vẽ như xuất thần, như được nhập cảm từ cõi chiêm bao nào đó.

Tranh của anh lúc này như một bài thơ siêu thực, nhưng chính trong cách thế chọn lựa hình thức lạ lùng độc đáo đó để thể hiện, nó lại gợi biết bao nhiêu ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và phận người.

Trước khi mất, Bửu Chỉ thường nêu một thắc mắc với tôi về một nhận xét trực cảm lạ lùng của Trịnh Công Sơn: “Bửu Chỉ nằng nặng. Hình như là rất nặng nữa. Sự nặng nhẹ của cuộc đời này biết lấy một tình huống nào để đo lường đây” (Viết về Bửu Chỉ, Sông Hương số 159, tháng 5/2002).

Tôi đã nói với anh rằng Trịnh Công Sơn viết trong lúc so sánh với cảm quan nghệ thuật của Văn Cao và của chính Trịnh Công Sơn. Thanh thoát và nhẹ nhàng phiêu bồng như không là chính Văn Cao, đi xiếc trên dây giữa nặng với đời và kiếp người và lãng đãng sương khói với cõi thiên thai vĩnh cửu là Trịnh Công Sơn. Còn anh, Bửu Chỉ, cảm quan nghệ thuật của anh rất nặng với tấn bi lịch phận người và cõi trần gian rợn bóng mênh mông này. Bửu Chỉ hình như gật gù. Nhưng nói thế, cả ba đều nặng với kiếp nhân sinh, có điều là Bửu Chỉ nặng hơn mà thôi.

Thế giới tranh Bửu Chỉ đẹp ở chính vẻ độc đáo của cách thể hiện các hình thể, hình tượng rất riêng mà chính anh chiêm nghiệm, khám phá ra. Anh có các “tứ” hình thể độc đáo: Một con ngựa đá trổ hoa, một hình người dang tay như tượng Chúa Giê su bị đóng đinh trong một quả trứng hay là trái đất giữa một màu xanh thẳm của vũ trụ mênh mông, chấm điểm bởi nhật nguyệt đỏ, vàng nhỏ nhoi. Một ám dụ về kiếp người giữa không gian và thời gian vô cùng tận. Đôi bàn tay vươn dài xương xẩu che con mắt với một khuôn mặt khinh hoàng ló ra đàng sau: con mắt ngước nhìn cõi nhân gian thảng thốt của anh.

Vẻ đẹp tranh chính là vẻ đẹp “tạo hình”. Các hình thể này được vẽ bằng những nét dứt khoát, chắc, rõ. Xem bức tranh “Con mắt nhân gian” của anh, hay các bức “Níu kéo thời gian”, “Mong manh và bình yên”, các bức tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bức về nhạc sĩ Phạm Duy… đều có thể khẳng định trực cảm đó.

Các hình thể này gắn bó trọn vẹn và nỗi bật nhờ cách sử dụng và phối màu rất riêng thuộc cá tính “nặng và nóng” của anh. Anh thường dùng các gam màu nóng trong thế tương phản, đối lập để làm nổi bật các hình thể và để thể hiện các sắc thái tâm trạng. Thành thử tranh anh có vẻ đẹp rực rỡ của cuộc truy hoan các sắc màu, qua đó, dựng nên hình tượng triết lý tranh. Tuy nhiên cái vẻ u hoài, đau đớn cứ toát ra qua trò chơi của ngôn ngữ sắc màu lộng lẫy đó. Bố cục của tranh anh thường rất chặt, hài hòa nhưng thoáng. Các hình thể được chạm khắc vào một không gian rộng hoặc cao. Anh có trực cảm nhạy bén về một trật tự kết cấu hài hòa theo kiểu anh.

Xem anh vẽ tranh, khi có độ chênh vênh hoặc hụt hẫng nào đó về phối màu hoặc tương quan giữa hình thể và không gian tranh, anh thường nghĩ ngợi trăn trở để cho thêm một vệt màu, một hình ảnh nhỏ, thế là tất cả các yếu tố xộc xệch đó lại đi vào thế giới trật tự của cái đẹp - không thừa, không thêm được nữa.

Phong cách anh có ưu thế sử dụng các mảng, khối, vệt màu nặng, dầy. Có lẽ kỹ thuật sử dụng màu này của Cézanne đã đi vào vô thức sáng tạo của anh từ thời trẻ. Do đó, tranh của anh không có vẻ đẹp lung linh bằng nghệ thuật “chấm điểm” (pointillisme) sử dụng gam xanh lơ chủ đạo của Hoàng Đăng Nhuận, hoặc vẻ đẹp mơ màng sương khói kiểu Chagall với các vết màu thoáng, mỏng, nhẹ và các hình thể thanh thoát, mờ ảo của tranh Đinh Cường, là những bạ họa sĩ thường cùng triển lãm với anh. Nhưng tranh anh có vẻ đẹp khác, vẻ đẹp rực rỡ của sắc màu và hình thể đập mạnh đầy chất suy tưởng triết lý, linh giác, ấm tượng mà lại rất nên thơ.

Ám ảnh mãnh liệt và đau đớn trong tranh của anh, và cũng là linh cảm của anh trước phận số của chính mình là khuôn mặt khắc nghiệt và tàn bạo của thời gian đối với thân phận hữu hạn mong manh của kiếp người và kiếp nghệ sĩ: mà cái chết là dấu chấm hết to lớn, bí ẩn, uy nghi.

Hình tượng chiếc đồng hồ nhiều dáng vẻ với các con số La Mã cũng cỏi đứng thì thầm kinh khủng của nó về cõi hư không về sự trôi chảy vô tình lấy đi, làm mất mát, tiêu hao sự sống, trở thành một mô típ chủ đạo trong một loạt các bức tranh anh.

Không gian vô cùng tận của vũ trụ, nơi nhật nguyệt mang mang soi tỏ, ở trong đó con người vừa nhỏ bé, vừa kỳ vĩ, nhỏ bé trong thân phận và kỳ vĩ trong khát vọng và suy tưởng muốn ôm choàng tất cả sự sống và nỗi đau - nỗi sầu muộn và niềm hy vọng kiếp nhân sinh, hóa thân thành sự đam mê sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật như là sự chống trả với bước đi tàn bạo của thời gian, giờ chính con người trong không gian đó là hình ảnh của chính anh trong chiếc nôi lớn của vũ trụ và cũng là nấm mồ cho một kiếp nghệ sĩ tài hoa.

Chỉ còn sức sống và vẻ đẹp, buồn vui, và hy vọng trong những bức tranh đầy suy tưởng triết lý và linh giác của anh là còn sống mãi với thời gian.

Âu đó cũng là cách thế tồn tại của người nghệ sĩ trong trò chơi lớn của cuộc đời mà có lẽ với độ lùi của thời gian sau cái chết của anh càng dài bao nhiêu thì người ta mới có thể đánh giá đầy đủ hơn vóc dáng kỳ vĩ của một kiếp nghệ sĩ tài hoa.

4. Cuộc truy hoan sắc màu với vô thường và Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn - đôi bạn chân tình

Tháng 4 năm ngoái 2011, 10 năm tưởng niệm Trịnh Công Sơn rất lớn ở Huế. Đêm ở sân khấu ngoài trời ở Cung An Định hàng ngàn người lắng nghe nhạc của Trịnh Công Sơn vang lên trong không gian và cũng vang lên trong trái tim hâm mộ, một sự thiêng liêng thương mến nào đó ràng buộc mọi tấm lòng. Bửu Chỉ đã từng viết một tiểu luận gần 20 trang về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, nhìn nhận và đánh giá lại trái tim nhân ái và giá trị nhân bản sâu xa của nhạc Trịnh ở chủ điểm này.

Người họa sĩ tài hoa xứ Huế đã ghi khắc những kỷ niệm cuối cùng với người nhạc sĩ tài hoa:

Tôi cầm bàn tay tài hoa nay đã lạnh giá và thầm nói mình đã đến với Sơn đây.

Hình hài Sơn như Chúa vừa được bế từ thánh giá xuống và đặt trong tấm vải liệm. Sơn như thanh thản ngủ, nhưng trán có hơi cau lại một chút. (…)

Phút cuối cùng, tôi đặt một nhành hoa huệ trắng mang từ Sài Gòn lên huyệt mộ Sơn để chôn theo. Chôn theo một tấm lòng tri kỷ nhỏ nhoi.”

(“Kỷ niệm cuối cùng” - Bài “viết tay” chưa in của Bửu Chỉ)

Trước đó Sơn đã từng viết về Bửu Chỉ như anh em song sinh với mình trong nghệ thuật, một bên âm nhạc, một bên hội họa:

Trong những năm chiến tranh ác liệt tại miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình. (…)

Trong phong trào sinh viên học ở Huế gần như Bửu Chỉ và tôi có mặt bên nhau. Chúng tôi cùng hát với nhau trong những đêm không ngủ, những ngày xuống đường và nhiều nhất là những buổi hát nuôi dưỡng hào khí ở quán cà phê ở Tổng Hội. (…)”

(“Vô đề” - Trịnh Công Sơn, trong Tranh Bửu Chỉ, Nxb. Trẻ, 2003)

Bửu Chỉ không chỉ viết về Trịnh Công Sơn, anh còn vẽ 5 bức tranh chân dung Trịnh Công Sơn, mỗi bức một vẻ đẹp riêng, mỗi bức tranh vẽ nên một góc nhìn về thần thái nhạc sĩ như Tuổi đá buồn, Cây đàn sắc không, Trăng thiên cổ

Còn Trịnh Công Sơn trong cái kết của bài viết rất hay và súc tích nêu trên về Bửu Chỉ, anh viết: “... Trong những bức tranh mới của mình, Bửu Chỉ nhảy cỡn trong một cuộc truy hoan mới, cuộc truy hoan vô tận về cái chết hoặc nhẹ hơn, và một cõi vô thường (“Vô đề”, bài đã dẫn như trên)

Cái tình bạn thiêng liêng ấy trước nối kết nhau ở trần gian và nay họ nối kết nhau ở cõi bên kia, như chút ấm áp nhỏ nhoi trong cõi thiên thu mênh mang lạnh.

Trịnh Công Sơn ngày nay đã được Huế đặt cho tên một con đường, còn Bửu Chỉ, người con tài danh và ưu tú xứ Huế, tại sao không?

Trong khi đó Huế chọn rất nhiều nhà hoạt động nghệ thuật hiện đại (dù có những người sự nghiệp nghệ thuật còn rất mỏng) ở đâu đâu để đặt tên đường, còn đứa con rứt ruột của mình thì lại có vẻ hình như lãng quên!!!

B.N
(SĐB 7/12-12)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng