NGUYỄN VĂN THUẤN
Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên số, internet và truyền thông. Chúng ta bị vây quanh bởi các thiết bị công nghệ số. Máy vi tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh, các thiết bị nghe nhìn và lưu trữ… được kết nối với mạng internet toàn cầu đang trở thành những vật dụng quen thuộc thường ngày.
Bây giờ, thật khó tưởng tượng một đời sống mà thiếu vắng email, chat, lướt web. Hễ ra đường mà quên mang theo điện thoại, người ta lập tức thấy như thể mình quên hành lí cho một chuyến đi xa. Internet và công nghệ số chính là những nhân tố quan trọng hàng đầu khiến thế giới trở nên phẳng (theo cách nói của Thomas L.Friedman - tác giả Thế giới phẳng), trở thành một ngôi làng toàn cầu (theo cách nói của Marshall McLuhan - tác giả The global village: transformations in world life and media in the 21st century). Với công nghệ số, đời sống kinh tế - chính trị - văn hóa đổi thay từng ngày; một số thói quen thường thấy ở con người đã biến mất hoặc đang bị thay thế, một số thói quen mới hình thành. Sự đổi thay ấy tác động sâu sắc đến đời sống văn học, hình thành một không gian văn học mới: không gian văn học mạng. Ở nơi ấy, người viết - văn bản - người đọc đều biến đổi sâu sắc.
Chưa có một định nghĩa thật rõ ràng và thống nhất về văn học số. Người ta thường nghĩ rằng văn học số là bộ phận văn học tồn tại ảo trên mạng internet. Trong không gian mạng có thể bao gồm tất cả các tác phẩm văn học viết đã từng được xuất bản bằng hình thức sách in, nay được số hóa và phát tán trên mạng, nơi mà bất kì ai có nhu cầu đọc đều có thể truy cập, download và sử dụng. Về phương diện này, dễ nhận thấy một sự đổi thay trong phương thức lưu truyền: từ truyền khẩu của văn học dân gian đến sách in, và giờ đây, từ sách in chuyển thành sách điện tử. Nhưng ở đây, người ta quả chưa thấy những đổi thay trong cách thức thưởng thức văn học. Thay vì dán mắt vào trang sách in để tưởng tượng, giả định, cụ thể hóa… giờ đây người đọc dán mắt vào màn hình, đọc các trang sách điện tử hiển thị trên màn hình, cũng để tưởng tượng, giả định, cụ thể hóa... Quá trình số hóa các sách in chưa cho chúng ta trải nghiệm đích thực về văn học mạng bởi bản chất của hoạt động thẩm mỹ dựa trên sự tương tác giữa người đọc và văn bản chưa có những biến động lớn. Tuy nhiên, quá trình số hóa và truyền tải trên internet, nơi bất kì cá nhân nào cũng có khả năng tự biến mình thành một cơ quan xuất bản và truyền thông, có thể xóa bỏ mọi rào cản và mọi giới hạn về kiểm duyệt, cho phép một sự tự do trong việc truyền bá tác phẩm và tính dân chủ, tính đại chúng trong thưởng thức văn học. Hiện tượng người sáng tác tự xuất bản (samizdat) và tự tạo các diễn đàn tương tác với người đọc đã trở thành phổ biến. Blog của nhiều nhà văn trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Trần Thu Trang, Trang Hạ, Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Di Li… có lúc đã trở thành những diễn đàn văn học, đóng vai trò như những salon văn học phổ biến trong các giai đoạn trước. Bên cạnh những sách in được số hóa đã hình thành một phương thức sáng tác văn học dựa trên nền tảng internet và công nghệ số - đó là văn học số [5]. Người sáng tác tận dụng mọi hiệu ứng hình ảnh của môi trường internet bằng cách đưa vào trong tác phẩm của mình những hiệu ứng vốn có trên mạng internet từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là từ các trang mạng xã hội. Đó là các icon, các dấu được cấu trúc tượng hình, các bức vẽ tượng hình được cấu trúc từ các kí tự mạng, các tấm bản đồ… Các hiệu ứng hình ảnh này chính là những kí hiệu văn hóa mới của kỷ nguyên số. Nó có chức năng thể hiện cảm xúc một cách sinh động, từ đơn giản đến phức tạp, khiến cho văn bản rất năng hoạt[2]. Đặc biệt, đã hình thành những văn bản văn học mang dạng thức siêu văn bản (được gọi là các hypertext), nơi mà mỗi văn bản hiện diện vô số đường link kết nối, mỗi kết nối này sẽ dẫn câu chuyện đến những kết thúc khác nhau hoặc đến các trang web khác nhau (trường hợp Afternoon của Michael Joyce là một ví dụ tiêu biểu nhất)[1]. Văn bản đã không còn được kiến tạo như một mặt phẳng tuyến tính, ổn định, hữu hạn mà phi tuyến tính, bất ổn và vô hạn định. So sánh giữa một hypertext trên nền tảng mạng và khi chính nó được in ra giấy cũng hệt như so sánh giữa một xác chết và một người sống động. Người ta bắt đầu chứng kiến sự thâm nhập của các comment và cộng đồng comment vào quá trình kiến tạo văn bản văn học số… Tác giả của văn học số trở thành người biên tập, người quản trị, anh ta không còn là kẻ độc quyền duy nhất kiến tạo văn bản và cấp nghĩa cho văn bản.
Gần đây, Anh chàng xe điện của Hitoni Nakano gây được sự chú ý của bạn đọc. Cái tên đính kèm vào tác phẩm (Hitoni Nakano) thực chất không phải là tên tác giả. Đó chỉ là một kí hiệu biểu thị tính vô danh, tính tập thể, tính cộng đồng, nơi mà tác giả với tư cách Người Cha - Thượng Đế đã chết để nhường chỗ cho một kiểu tác giả khác - người biên tập, biên tập những comment của cộng đồng mạng. Tính vô danh, tính tập thể, tính cộng đồng của văn học trong kỉ nguyên số đã giết chết quyền uy Thượng đế của tác giả. Từ thời điểm đó, độc giả lên ngôi, trở thành đồng - tác giả, cùng tham dự. Rõ ràng, Anh chàng xe điện - một tác phẩm văn học số đã minh chứng cho tuyên cáo của các nhà giải cấu trúc về cái chết của chủ thể, của tác giả. Những tác phẩm như Ma net, 3339 [những mảnh hồn trần] của Đặng Thân, Blogger của Phong Điệp, Chuyện tình New York của Hà Kin có sự tham dự của những yếu tố như các entry, các comment, các liên kết web, các hình ảnh trên môi trường mạng. Những nhà văn này từ khước quyền uy tác giả. Nhân vật của họ đậm tính nặc danh và phi thực. Văn bản của họ có sự tham dự của những yếu tố ngẫu nhiên, bất chợt, bông phèng… Đây vẫn là những yếu tố bên lề nhưng rất có thể, một ngày nào đó, những hiệu ứng thẩm mỹ ngoại biên này sẽ tràn vào trung tâm, gây ra những đổi thay cho văn học. Và tất yếu, nguy cơ mới đang rình rập tất cả chúng ta: nguy cơ mù chữ trong không gian văn học số[5].
Quả thực, ai cũng có thể được hưởng lợi từ công nghệ số và mạng internet, nhất là khả năng tự toàn cầu hóa chính mình[4]. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành một thành viên trong cộng đồng mạng, và không phải ai cũng có khả năng đọc/hiểu được các kí tự và các biểu tượng mới được tạo ra trong môi trường internet. Bởi vậy, tình trạng mù chữ số có thể dành cho cả những người có trình độ tri thức cao nhất. Thêm nữa, trong môi trường mạng, bạn nhất định phải thường xuyên hiện diện, tương tác, bằng bất cứ cách nào để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nếu không, lập tức bạn sẽ bị lãng quên. Bởi thế mới xuất hiện các hình thức quăng mình “câu like” hoặc câu “view” để chứng minh mình còn tồn tại hoặc còn được chú ý. Muốn “câu like” hoặc câu “view” hiệu quả, người ta đã lạm dụng tối đa lối viết gây shock, giật gân hoặc scandal. Kỉ nguyên số đã thỏa mãn nhu cầu nhân văn của con người. Đó là nhu cầu được tham dự và được nghe thấy ý kiến của mình. Đặc biệt, khi tham dự trò chơi tương tác trong môi trường ảo, ai cũng được thỏa mãn nhu cầu trở thành chủ nhân ông, người điều khiển, người chỉ huy: từ điều khiển ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất đến điều khiển được cả viên tướng tài giỏi nhất trong các games online[4]. Đối với sáng tác văn học, người đọc trở thành đồng tác giả, cùng điều khiển trò chơi văn bản, trò chơi ngôn ngữ và trò chơi biểu hiện. Máy vi tính và internet đang truyền bá một hình thái biết chữ mới, bỏ lại sau lưng những người không nắm được hình thái ngôn ngữ mới này, biến họ thành kẻ bên lề, thành người ngoài cuộc. Nhưng rất cần lưu ý đến ý kiến của Umberto Eco. Ông nói với chúng ta rằng, văn học số không có khả năng thỏa mãn tất cả những nhu cầu tri thức chúng ta đang khơi lên, nó có thể lấy mất cái thú vị, cái gu trong việc thưởng thức văn học truyền thống, nơi đòi hỏi người đọc thời gian và sự hợp tác với văn bản và với bối cảnh của nó[3]. Trong sự hăng hái cổ vũ cho văn học mạng, dự cảm đầy âu lo này lưu tâm tất cả chúng ta về những đứt gãy văn hóa có thể xảy ra trong tương lai gần.
Văn học số rất thích hợp với tự truyện, kí, tùy bút, truyện ngắn, nhất là phê bình. Những bài phê bình trên không gian mạng vô cùng phong phú, đa dạng. Phê bình chuyên nghiệp và nghiệp dư, bình luận và bình loạn, entry và comment cùng tranh quyền tồn tại. Chúng ta bắt đầu chứng kiến trạng thái nhiễu loạn phê bình văn học, nơi mà không một ai có thể đủ thời gian đọc hết những bài viết có tính chất phê bình văn học có trên mạng, trên các blog của các blogger văn học. Các lí thuyết mới và các quan niệm mới về triết học, mỹ học, lí luận văn học được giới thiệu ồ ạt xen lẫn với vô số các bài phê bình mang tính chất thương mại, quảng cáo, chơi đùa bông phèng, cãi lộn và tùy tiện theo sở thích cá nhân. Với những đặc tính của phê bình văn học trong kỉ nguyên số như tính quảng cáo, tính miễn phí, tính xuyên thời gian - không gian, phê bình văn học trên mạng rất có thể bị các tập đoàn truyền thông và các nhà xuất bản, nhà sách bắt cóc, trở thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất tư bản văn hóa, với mục tiêu chính là mang lại lợi nhuận tối đa cho các ông chủ truyền thông và các tập đoàn xuất bản. Phê bình văn học bị tước bỏ tính hàn lâm, tính đặc tuyển, không còn là lĩnh vực chỉ dành cho một số ít người; nó bị giải chuyên nghiệp hóa, trở thành một hiện tượng truyền thông, thỏa mãn những sở thích cá nhân, trôi nổi bất định trên không gian ảo. Những comment có tính chất phê bình văn học, vốn là những phản hồi tức thời của người đọc sau khi đọc văn học mạng,… có làm cho đời sống văn học ồn ào, náo nhiệt, dân chủ… nhưng quả thật, ở đó có rất ít những diễn giải tinh tế, nghiêm túc vốn cần đến tài năng của những nhà phê bình chuyên nghiệp. Tình thế dành cho phê bình văn học nghiêm chỉnh trong kỉ nguyên số phải chăng sẽ không còn là một nghề mà là một thú chơi tao nhã và có ý nghĩa trưởng giả?
Tương tác và kết nối, xét đến cùng, chính là hiệu ứng của kỉ nguyên công nghệ số. Nhu cầu tương tác và kết nối trong thời đại này đạt đến mức cao nhất. Điều này có thể thấy ở những nhóm xã hội khác nhau. Người ta có thể kết nối ảo ngay cả khi đang họp nhóm, chơi nhóm, họp hành biểu quyết những việc quan trọng. Thế giới ảo làm cho người ta mất tập trung vào thế giới thực. Thậm chí người ta dần quên thế giới thực để sống trong thế giới ảo đến mức nghiện ngập. Trên báo chí đã xuất hiện nhiều bài viết cảnh báo tình trạng những kẻ nghiện games giết người vì không còn khả năng phân biệt thế giới thực và thế giới ảo; những người già chết trong cô độc không ai biết dù máy tính của họ đang kết nối và họ có một mạng lưới bạn ảo đông đúc khắp toàn cầu. Nhờ internet, người ta có thể kết nối, trò chuyện, tâm sự với những người chưa bao giờ gặp, ở những không gian vô cùng xa lạ, cách xa hàng ngàn kilomet. Nhưng từ kết nối ảo đến kết nối thực có thể không bao giờ xảy ra. Bởi vậy chưa bao giờ con người lại cảm thấy mình cô đơn nhiều như lúc này. Người ta đã bắt đầu đề cập đến chủ đề cô đơn trên mạng như một nghịch lí của thời hiện đại.
Thường xuyên thực hành kết nối internet - nơi mà tốc độ kết nối được tính bằng giây, con người kết nối với nhau nhanh hơn nhưng lỏng lẻo hơn, nhạt nhòa hơn và ít kiên nhẫn hơn. Người dùng internet thường có thói quen lướt web để tìm kiếm thông tin. Lướt chứ không đọc thật kỹ. Tìm thấy thông tin nhưng ít có nhu cầu ghi nhớ, suy ngẫm, vì chỉ cần mấy giây truy cập là lập tức có thể lục lọi mọi thông tin trên internet. Thông tin cũng không được kiểm chứng, và các thông tin sai lầm được lan truyền nhanh hơn tốc độ hiệu chỉnh và đính chính các lỗi sai đó[4]. Cộng đồng độc giả trên mạng sẽ mang thói quen mới này khi tiếp xúc với văn bản văn học số. Họ lướt chứ không đọc, hoặc có đọc thì không thể kiên nhẫn đọc những văn bản trường thiên, những thể phức tạp (theo cách nói của U.Eco)[3]. Ngắn trở thành lựa chọn của kỉ nguyên văn học số. Ở Việt Nam, không chỉ các tiểu thuyết ngắn xuất hiện và gây ấn tượng như Thoạt kì thủy (Nguyễn Bình Phương), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh)… mà truyện ngắn cũng trở nên ngắn hơn (các truyện trong tập Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc của nhà văn trẻ Lê Minh Phong thường chỉ khoảng 700 chữ). Thêm nữa, tương tác trong không gian ảo của mạng internet thường mang tính trực tiếp, tức thời, nặc danh. Tính trực tiếp khiến thói quen gián cách và hiệu ứng thẩm mỹ gián cách (tiếng Đức: Verfremdungseffekt) đã được những uy tín lớn như Bertolt Brecht cổ xúy và xây đắp đang có nguy cơ phai nhạt. Một người có thể cùng lúc dùng nhiều nickname khác nhau, chat với nhiều bạn khác nhau, chấp nhận cùng ảo và ít phải chịu trách nhiệm về mọi lời nói trong không gian ảo. Điều này khiến cho tương tác trong không gian ảo ít tính chất tự kiềm chế, ít có thời gian suy ngẫm nên thiếu sâu sắc, thậm chí nhiều khi nông cạn, hời hợt, vô thưởng vô phạt. Những bình luận và nhận xét nặc danh và ảo thường thiếu khả năng tự vấn, tự phê phán một cách nghiêm chỉnh. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trên không gian ảo, nhiều người tự xem mình là những người thích “chém gió”, thích “nổ”. Bởi thế chưa lúc nào khả năng kết nối giữa nhà văn và người đọc lại nhanh chóng, tức thời như lúc này. Những đặc điểm ấy của cộng đồng mạng xã hội đã ùa vào các sáng tác của Đặng Thân, Phong Điệp, Hà Kin,… ở đó, có vô số các bình luận nhảm nhí, đầu Ngô mình Sở, tục tĩu, phỉ báng, bâng quơ, tùy hứng, tùy tiện… tồn tại bên cạnh những suy tư sâu sắc, nghiêm chỉnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều đó. Đó là những hiện tượng, và lúc này nó có vẻ ô hợp, nhốn nháo và phạm thượng, thách thức vẻ đẹp tôn ti trật tự… nhưng ít nhất nó cũng mang tính cách mạng như Thomas L.Friedman đã nói ở chỗ: làm biến đổi cách tiếp cận từ tĩnh tại và bị động sang cách tiếp cận chủ động và tham gia.
Kỉ nguyên số đã khiêu khích và phá bỏ nhiều ranh giới, nhưng phải chăng nó không có ranh giới, nó vô hạn? Nếu nó không có ranh giới, vậy đâu là cái đẹp của cái vô hạn? Nếu nó có ranh giới, vậy đâu là ranh giới của nó? Văn học số bất định và trôi nổi, nhưng liệu có trôi nổi đến vô cực? Tác giả đã trở thành người biên tập, người quản trị; độc giả đã trở thành đồng tác giả, người tham dự, vậy tiêu chí nào phân biệt tài năng và kẻ tầm thường? Văn học số ở Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên. Ta có quyền hi vọng vào một lớp người mới không biết cầm bút đúng cách nhưng biết gõ bàn phím nhanh bằng mười đầu ngón tay sẽ có câu trả lời rõ ràng cho những nghi vấn nêu trên. Họ sẽ là tương lai của nền văn học số Việt Nam trong kỉ nguyên toàn cầu hóa.
N.V.T
(SH299/01-14)