Giá sách Sông Hương
40 năm ngày mất NGÔ KHA
Bài ca bi tráng của Phong trào đô thị Huế
10:41 | 18/01/2013

THÁI NGỌC SAN  

Nhiều lần tôi tự hỏi, nếu bây giờ còn sống không biết anh Ngô Kha sẽ như thế nào? Và rồi tôi tự nói với mình, chắc anh vẫn thế thôi, vẫn bùng nổ theo nhịp đập của trái tim, một trái tim cuồng nhiệt và bi thương - cuồng nhiệt với thế sự và bi thương với nỗi đau của riêng mình.

Bài ca bi tráng của Phong trào đô thị Huế
Nhân lễ húy kỵ cụ Phan Bội Châu (1971), thầy giáo - nhà thơ tranh đấu Ngô Kha (mặc áo trắng) đọc diễn văn kêu gọi tuổi trẻ noi gương cụ Phan vùng lên đấu tranh cho quyền tự quyết của dân tộc - Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân

Tôi gặp anh Ngô Kha lần đầu vào đêm Giáng sinh năm 1964, trong phòng tranh của họa sĩ Đinh Cường, trưng bày tại Nhà Thông tin của chế độ cũ, ở đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế (nay là Nhà sách Phú Xuân). Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn và Đinh Cường đang đứng trước bức tranh Biển nhớ, tác phẩm Đinh Cường vẽ tặng Trịnh Công Sơn. Hồi ấy, tôi mới lớn còn Ngô Kha đã thành danh với tập thơ Hoa cô độc (xuất bản năm 1961): Đại lộ 30/ mắt em tròn 16/ anh chán nản cuộc đời... Cái đêm 30 trên đại lộ cuộc đời ấy là thế giới của Ngô Kha lúc bấy giờ. Đây cũng là thời kỳ Trịnh Công Sơn viết Ướt mi, Diễm xưa, những tình khúc đầu tay.

Những năm 60 đầy những biến động chính trị, khởi đầu là cuộc đấu tranh của Phật giáo, là thời kỳ một loạt trí thức, văn nghệ sĩ Huế, không còn ngồi yên trong các giảng đường; các “tháp ngà viễn mơ” (trào lưu văn nghệ lúc bấy giờ), lần lượt dấn thân vào các cuộc đấu tranh chống chế độ Mỹ ngụy. Huế là nơi khởi phát các cuộc đấu tranh chính trị và sau này trở thành một chiến lũy kiên cường của mặt trận đường phố trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đam mê triết học Phương Tây, đứng ra chủ trương tờ báo đấu tranh Việt Nam! Việt Nam, rồi sau đó, năm 1966, thoát ly lên chiến khu. Cũng thời điểm đó, Ngô Kha, khi bị động viên đã bước ra khỏi bóng tối của đêm trừ tịch trong Hoa cô độc, tham gia “chiến đoàn Nguyễn Đại Thức”, chiến đoàn quân đội chế độ cũ ly khai chống Mỹ - Thiệu - Kỳ. Anh bị chế độ cũ bắt lần đầu năm đó.

Tôi quen và gần gũi anh Ngô Kha từ năm 1968, khi tôi trở lại Huế, sau 3 năm lang thang phiêu bạt ở Sài Gòn. Thành phố Huế sau cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân vô cùng ngột ngạt bị ghìm trong vòng vây của cảnh sát, an ninh, mật vụ, mọi người như đều giấu mình trong những lớp vỏ bọc. Năm ấy, anh Ngô Kha đang dạy văn ở trường Quốc Học, tôi và Lê Văn Ngăn trốn trong căn phòng của anh em nhóm Việt ở tầng 2, Thư viện Đại học Huế (nay là Trung tâm học liệu) ở đường Lê Lợi. Mỗi buổi chiều, từ trường về anh Ngô Kha thường ghé lại, anh em nói chuyện lan man về thời sự, về thơ ca. Thỉnh thoảng anh chở tôi trên chiếc xe Dame xộc xệch của anh lên quán cà phê Cô Ba, ở đầu cầu Nam Giao, hoặc về nhà anh ở Thế Lại. Anh em mỗi người một tâm trạng, tôi thì đang tìm đường thoát khỏi vòng vây của cảnh sát, quân cảnh, còn anh thì đang náu mình trong những mê cung của bản trường ca ngụ ngôn của người đãng trí.

Hồi ấy, anh thường đọc cho tôi và Lê Văn Ngăn từng đoạn trường ca vừa viết xong như để giãi bày, để thoát ra khỏi nỗi buồn, nỗi đau của cuộc hôn nhân vừa tan vỡ. Thế giới của Ngụ ngôn, một nửa huyễn hoặc, một nửa hiện thực, với tôi, là cái địa đạo mà anh Ngô Kha tự đào và thắp lên những ngọn nến thần thoại để che lấp tiếng gầm thét của chiến tranh ngày một khốc liệt trên mặt đất và nỗi buồn riêng của anh. Bây giờ trên mặt đất quê hương/ tôi thắp muôn nến hồng nến trắng/ những nến hồng đưa em vào mùa hè hốt hoảng/ những nến trắng tiễn chân người chiến sĩ về hư vô/ ôi em/ xin nguyện cầu/ lời cổ ngữ hằn đau trên phiến đá... Bản trường ca này được tác giả xuất bản vào năm sau (1969). Và có lẽ đây là bản trường ca, tác phẩm siêu thực đầu tiên trong văn học miền Nam trước năm 1975. Sau này, khi Ngô Kha không còn nữa, đọc tác phẩm của bạn mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Ngụ ngôn của người đãng trí mang đầy đủ cấu trúc của một mê cung, trong đó đã diễn ra cuộc giác đấu đẫm máu giữa nhà thơ bức xúc vì khát vọng sống và phía bên kia thần Chết mang sừng bò. Điều nghịch lý đau đớn mà cuối cùng chàng đã phát hiện ra, rằng chẳng phải là con Minotaure nào khác cả, nó chính là bản thân chàng và đó chính là trận đấu vật vã với Chính Mình, của Người Đãng Trí”. “Trận đấu vật vã” ấy trong bối cảnh năm 1968 có lẽ là tâm trạng chung của nhiều trí thức văn nghệ sĩ thời ấy.

Bước vào năm 1970, khi phong trào đô thị bùng phát dữ dội ở cả Sài Gòn và Huế, cũng là lúc Ngô Kha rời khỏi cái địa đạo trú ẩn, mở tung cánh cửa cuối đường hầm, trở lại vai trò người chiến sĩ trong “chiến đoàn Nguyễn Đại Thức” năm nào. Từ việc thành lập nhóm trí thức đấu tranh Tự Quyết (với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và tôi) xuất bản 2 số báo, đến việc thành lập Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, và có mặt trên tất cả các mặt trận đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân thành phố Huế. Thầy giáo Ngô Kha và nhà thơ Ngô Kha bây giờ là một, anh xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Mỹ ngụy. Những bài thơ mới của Ngô Kha lúc này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc: Bài ca tự quyết, Cho những người nằm xuống, Trường ca hòa bình...

Từ quan điểm “đòi hòa bình, độc lập, chống bạo lực, đứng ngoài mọi phe phái chủ nghĩa” (của nhóm Tự Quyết) đến việc công khai tuyên bố ủng hộ lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, con đường đến với cách mạng của Ngô Kha như một lẽ tất yếu, bùng cháy theo ngọn lửa của mặt trận đường phố. Mừng anh em như mới chào đời/ ngày Việt Nam khai sinh ngôn ngữ mới/ ba mươi triệu đồng bào anh em đứng dậy/ như Trường Sơn hùng vỹ đời đời... (Trường ca hòa bình). Chính vì sự tuyên chiến và dứt khoát đứng về phía “Trường Sơn hùng vỹ” ấy mà bộ máy ngụy quyền của Huế điên cuồng tìm cách triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha. Chúng đã bắt anh lần thứ 2 năm 1971, rồi bắt lần thứ 3 năm 1972, và đã thủ tiêu anh một cách dã man sau Hiệp định Paris 1973.

Một đêm trước ngày anh Ngô Kha bị bắt rồi bị thủ tiêu (do Trưởng ty cảnh sát Liên Thành, cùng thuộc hạ đánh đập tàn bạo cho đến chết, sau đó chúng đem vùi xác anh ở một mảnh đất hoang vùng cửa ngõ phía Nam thành phố Huế, đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu vết), anh đưa tôi về nhà anh ở Thế Lại. Đêm ấy, ngồi bên bậc cửa cạnh lối ra khu vườn nhà có cây vải trạng đầy kỷ niệm, anh Ngô Kha tâm sự với tôi một điều tận tâm can mà anh muốn thổ lộ từ lâu ngày: anh muốn gặp lãnh đạo cách mạng nội thành Huế để tâm tình, nhờ tôi tìm cách liên lạc giúp anh. Không ngờ lời bộc bạch tâm can ấy trở thành lời trăn trối, bởi vì sau đó anh bị bắt, còn tôi thoát ly lên chiến khu và vĩnh viễn không bao giờ còn gặp anh. Đêm hôm ấy, suốt đời tôi sẽ còn âm vang mãi tiếng gió thổi trong khu vườn nhà anh Ngô Kha, gió thổi lao xao suốt đêm, cây vải trạng cứ rung lên từng hồi như tin báo về một trận bão lớn...

Huế, tháng 1/2005
T.N.S
(SH287/01-13)     








 

Các bài mới
Các bài đã đăng