Giá sách Sông Hương
40 năm ngày mất NGÔ KHA
Thi sĩ Ngô Kha - ngày, đêm và nỗi nhớ
14:50 | 21/01/2013

LÊ HUỲNH LÂM

Khởi thủy là sự lặng im, bóng tối và khoảng trống. Lạnh như một thuộc tính ban đầu của sự đông cứng và tiếng khóc của hài nhi đã khiến mọi vật chuyển động, như thi sĩ Ngô Kha đã cảm nhận “sự sống từng giờ lay động bằng tiếng khóc trẻ thơ”, và giọt nước mắt đầu tiên đã hóa thành mặt trời.

Thi sĩ Ngô Kha - ngày, đêm và nỗi nhớ
Tranh Bửu Chỉ: Tưởng niệm Ngô Kha

Từ đó, ngày đêm đã được tạo ra. Tiếng khóc đó chính là bài thơ thứ nhất ở vũ trụ này, khi mỗi chuyển động đều gây nên một từ trường để làm cổ máy của vũ trụ được vận hành cho đến ngày hôm nay. Bài thơ đầu tiên không diễn đạt bằng những kí hiệu như bây giờ mà đó là cảm xúc thuần túy, cảm xúc bao hàm để dẫn dắt, ban phát cho những cảm xúc tiếp nối. Khi thế giới cảm xúc khép lại cũng đồng nghĩa trái tim vũ trụ ngưng đập, mọi sự sẽ đông cứng lại và giá băng lại phủ lên thân phận của vạn vật. Vì thế, mỗi nhà thơ chính thống đều đồng nghĩa với quyền năng sáng tạo của vũ trụ, vì dòng cảm xúc trong người thơ mãi trôi chảy. Khi không còn cảm xúc, cũng có nghĩa thi sĩ đã chết! Có những con người đã chết, nhưng họ vẫn mãi là thi sĩ. Vì cảm xúc của họ vẫn còn tồn tại qua các bài thơ, truyền vào người đọc của các thế hệ sau, có khi hàng thế kỷ và vĩnh viễn, đó là sự tái sinh đã khiến người đọc phải bàng hoàng, run rẩy trong hoan phúc! Như bài thơ “Paris về đêm” của thi sĩ Jacques Prévert mà mỗi lần đọc lại, thế giới cảm xúc được tái tạo bởi nghệ thuật của tác giả; chúng ta thử đọc bài thơ qua bản dịch của nhà thơ, dịch giả Diễm Châu:

Từng chiếc ba cây diêm phựt cháy trong đêm/ Cây thứ nhất để nhìn trọn khuôn mặt em/ Cây thứ hai để nhìn đôi mắt em/ Cây cuối cùng để nhìn môi em/ Và bóng tối dày đặc để anh nhớ lại tất cả/ Khi ôm em trong tay.

Các thi sĩ như Arthur Rimbaud, Guillaume Apollinaire, Boris Pasternak, Mayakovsky, Joseph Brodsky, Pablo Neruda,... đều đã để lại cảm xúc cho người đọc ở mặt đất này. Hay trong “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch tướng si” của Trần Hưng Đạo, trong thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, “Điêu tàn” của Chế Lan Viên...; trong thơ Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng,... đều được tạo ra qua một trường phức xúc cảm. Nếu bán kính của từ trường được tạo ra từ cảm xúc càng lớn thì sự tái sinh trong tác phẩm lan tỏa trong phạm vi sâu rộng hơn đối với độc giả; điều này cũng đúng với các nghệ thuật khác như: âm nhạc, hội họa, điện ảnh...

Dẫn chứng như vậy vẫn còn thiếu, nhưng chừng đó cũng đủ để minh chứng cho sự bất tử của thi sĩ. Đây chính là nguyên nhân để thi sĩ Ngô Kha vẫn còn tồn tại một cách trang trọng đến hôm nay và mai sau. Chúng ta, thử lướt qua thế giới cảm xúc của tác giả để xem sự tái sinh của hồn thơ ông hiển hiện trong mỗi chúng ta như thế nào.

Đại lộ 30
mắt em tròn 16
anh chán nản cuộc đời
vẫn còn đi...
đi mãi
Hai cánh tay anh bơ vơ
dài lên...
bằng địa cầu
như hai người tuyệt vọng

                        (Đêm 30)

Có thể thấy rằng, thuộc tính của nghệ sĩ là lên đường, cho dù bơ vơ, cho dù tuyệt vọng trong Đêm 30. Hình ảnh hai cánh tay bơ vơ dài lên bằng địa cầu như một bức tranh siêu thực, mà trong tác phẩm của Bửu Chỉ chúng ta cũng thường thấy sự bất lực của con người được diễn đạt trong hình thể nhỏ bé đưa tay nâng cả tảng đá hay quả đất đang đè nặng lên phận người. Và trong Đêm 30 như đêm cuối cùng của tia hy vọng le lói, trên chuyến tàu thời gian dài như ngày tận thế, người thơ đã choàng dậy nghe mưa nhìn căn phòng địa ngục như nhìn một nỗi chết ám ảnh trong mắt tình nhân:

30 chở anh về
Trên con tàu cuối cùng
Dài như ngày tận thế
Anh choàng dậy nghe mưa
Hốt hoảng nhìn căn phòng địa ngục
Đại lộ đen đôi mắt tình nhân ám ảnh
Đuổi theo cuộc đời


Cũng như Arthur Rimbaud, một con người lên đường cho đến khi sức cùng lực tận, cho dù khi đó sự nghiệp thi ca vĩ đại đã ngang qua cuộc đời ông chỉ ở tuổi niên thiếu, nhưng nó như một vệt sao băng còn phát sáng đến tận bây giờ. Còn với Ngô Kha cuộc lên đường của ông, chất chứa nỗi đơn độc của những đóa hoa trắng buồn và niềm hy vọng mịt mù phía trước, như trong bài “Hành trình”:

chuyến xe chiều chở đầy người
với sương mù và núi đi theo
và cô đơn lăn đều trên bánh
chuỗi cười để lại đằng sau


và sự chuyển động luôn ám ảnh tâm trí của người thơ, khiến những nỗi đau cứ ập đến hành hình xác thân của thi sĩ:

xe lăn đi
trên đường sơn kỷ niệm
từng hàng cây vói gió gọi trên đồi
qua cửa ô
khu rừng dang cánh rộng
...
Xe lăn đi
Đất mở rộng cơn đau
Đường gai chạy qua đồng máu chảy


Với bài “Người con trai” Ngô Kha đã cho chúng ta thấy nỗi cô độc, lạc loài và khí chất của thi sĩ trước thời tao loạn:

nếu được gần em
chỉ cầm một âm giai
thì chúng ta đâu còn đơn lẻ
anh vẫn thương đứa con trai lạc loài
nếu một ngày mai
nó say lên
tay cầm vừng trăng ném xuống công viên
anh chỉ thấy đời dài bằng cô độc


Vào thập niên 1960, chủ nghĩa siêu thực sau khi xâm nhập vào các lãnh địa mới đã nhanh chóng lan tỏa và nở ra những đóa hoa rạng ngợi. Có thể nói đây là thời kỳ chín mọng của chủ nghĩa siêu thực ở Việt Nam trong các lãnh vực văn chương nghệ thuật. Một tầng lớp nghệ sĩ đã trưởng thành trong trường phái này và để lại dấu ấn mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Ngô Kha đã hình thành cá tính sáng tạo của chính mình, mặc dù ông là người thầy giáo, nhưng trước thời khắc loạn lạc ông đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho tự do của dân tộc, đòi hòa bình độc lập cho Tổ quốc. Điều đó đã thể hiện trong tác phẩm “Trường ca hòa bình” như một bản hợp tấu của tâm thức dân tộc đã thể nhập vào linh hồn người thơ để:

ta lắng nghe trường ca gọi
về một xã hội anh em
bởi một lần cuộc chiến đi qua
thời gian như bản án
từ hồi chuông báo động
những gót chân của hận thù
thôi chẳng còn gì tố cáo
chẳng còn gì để cách ngăn
giữa những người anh em
lịch sử nào mang tên
cho những ngày hằn đau như vết chém
thôi nhân danh trá ngụy
các lực lượng vô hình
với bàn chân bạo lực
còn những gì mai sau
quá khứ đã đào vong
chứng nhân và ngụy tín
với bao năm xiềng xích
trên số phận con người
những bất lực hàng giờ
trên lời ghi cáo trạng
ta đạp đổ nhân danh
những bài ca úp mặt


Và sự tiên tri trong thơ của Ngô Kha, hay đúng hơn là nỗi niềm của một con người yêu nước và khát vọng hòa bình đã trở thành hiện thực, chỉ tiếc rằng ngày đó đã đến nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu:

đất Trung - phần xả thân làm đòn gánh
cuộc trùng phùng tao ngộ
cho hôn nhân hai miền
đẵn gỗ Trường - sơn dựng nền văn hóa
mượn phù sa sông Hồng bồi đắp ngày đêm
sông Cửu-long làm nước nhiệm mầu
ta tấn phong
ngày thống nhất lên ngôi vị
ngày dân tộc
núi ngồi cùng biển rộng


Bản trường ca đậm chất siêu thực nhất là “Ngụ ngôn của người đãng trí” đã được tác giả nuôi dưỡng từ trong tiềm thức, mà chất liệu chính là hiện thực cuộc sống với đầy dẫy những điều ngụy trá, dã man của cuộc chiến đầy máu và nước mắt cứ vây bủa các giác quan của con người Khô Kha, để mỗi đêm về ông lại trăn trở trước ngọn đèn khuya, rồi đem niềm trăn trở đó vào trong giấc ngủ chập chờn. Vì thế mà không gian và thời gian của trường ca này nói riêng và thơ của Ngô Kha nói chúng cứ lửng lơ ở khoảng u huyền của khói sương giữa thực và mộng. Có thể nói rằng thơ của tác giả được tựu thành bởi sự dắt dẫn của thần linh, những con chữ, hình ảnh được hà hơi của thượng đế và máu trộn lẫn nỗi đau của thi sĩ. Trong thế giới thơ này, vô thức, tiềm thức và ý thức cùng song hành với một trái tim của lòng nhân ái; một nhịp đập đã hòa vào vĩnh cửu.

Chúng ta đều thấy rằng thế giới chủ đạo của thi ca là cảm xúc, nên chúng ta có thể nói rằng “đãng trí” là thuộc tính đầu tiên để bước vào cõi thơ, cõi thanh sắc, cõi của ánh sáng và bóng tối khởi nguyên, cõi mà mọi thế lực ma quỷ phải lánh xa và sụp lạy. Đãng trí là thông điệp mà Ngô Kha gửi đến thế hệ sau này; như một ngụ ngôn chất chứa đầy hình tượng.

tôi vốn mang trong người muôn quả tim
như cây trên rừng nhiều lá
sự sống từng giờ lay động bằng tiếng khóc trẻ thơ
ôi trần thế
lời châm biếm ngọt ngào như trái chín đong đưa
thôi còn gì
chuyện của Người Đãng Trí…


Và những ảo giác của niềm hoan lạc đôi khi đã đưa tác giả ra khỏi thực tại đau buồn, nhưng niềm hưng cảm đó chỉ thoáng qua chốc lát khi mà ánh lửa chiến tranh đã ám nặng tâm trí của thi sĩ:

Người say rượu lẩm nhẩm một mình
Mùa hè có tuyết đen tuyệt đẹp
Tôi vụt chạy bỏ linh hồn ở đó
Không có đứa con gái, đứa con trai, người say rượu
Chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh
Người con gái đứng nhìn cánh sao lạc loài
Trên nét mặt hiền hòa bất động của em


Chúng ta thấy rất rõ chất phản chiến trong bản trường ca bi tráng của Ngô Kha, đó là hình ảnh những người lính âm thầm đưa chân dung mình đến huyệt, hình ảnh người lính bồng súng chào cái chết mỗi ngày. Và với ông, chiến tranh như Phòng thí nghiệm chiến tranh chứa đầy thức ăn cho người yếm thế, để rồi nỗi buồn của máu dành cho thơ cũng cạn kiệt:

Bây giờ ai nghe lời tôi nói
Không còn máu để viết vào thơ
Ngôi biệt thự của người đãng trí cất lên


Dù cho trước sự bi đát của chiến tranh, của đất nước, nhưng tình yêu và lòng nhân ái vẫn thức dậy mỗi đêm trong người thơ, thay vì là hận thù và sát nhân:

Hằng đêm tôi đến gõ cửa
Hỏi thăm tình nhân đi qua trái đất


Cũng như cảnh giới hư vô của đa số các thi hào danh tiếng trên thế giới phải thường trực đối diện, Ngô Kha cũng không thoát ra khỏi trường hấp lực đó, khi sự bình yên của cuộc sống chỉ được tính bằng phút giây. Ở đây, giữa thời cuộc đầy biến loạn đó, hư vô như một vùng trời áp đặt xuống thân phận của thi sĩ, và ông vẫn khát khao một hình bóng người con gái, như cuộc trở về của bản năng gốc đã được đặt định trong bản thể của con người, cho dù ông biết rằng đó chỉ là ảo giác và cuối cùng chỉ còn khoảng vô hình vĩnh viễn nhìn thi sĩ:

Con đà điểu mang cánh tay người yêu trở lại
người con gái mang bộ mặt đồng đen
tôi bẻ nhánh xương rồng quơ lên hư không
người con gái ho khúc khắc rất đau đớn
tôi chạy theo cánh sao cỏ mùa
người con gái biến đi mất
bây giờ chỉ còn sa mạc
và khoảng vô hình nhìn tôi vĩnh viễn.


Thế giới thi ca của thi sĩ Ngô Kha có thể là chất xúc tác cho nhiều nghệ sĩ và nhiều người bạn cùng thế hệ ông và những thế hệ sau này. Điều này, chúng ta có thể nhận thấy trong nhạc của Trịnh Công Sơn, trong tranh của Bửu Chỉ,... cái không gian siêu thực, pha lẫn triết lý và âm hưởng của một vùng đất văn hóa hòa quyện vào nhau; nơi mà các tên tuổi lớn đã trưởng thành và lưu danh. Ngay cái chết bí ẩn của Ngô Kha cũng đẹp như một bài thơ, hình ảnh đó đã hóa thân vào xúc cảm của Bửu Chỉ để anh tạo ra tác phẩm “Tưởng niệm Ngô Kha” mà theo Đặng Tiến là vẽ tại nhà ông ở Pháp. Cho dù, họ đã trở về với đất, một cuộc trở về lộng lẫy, cao sang để hóa thân vào cát bụi, nhưng tôi tin chắc một điều họ đã cảm nhận được, cuộc tái sinh từ các tác phẩm của họ đã khơi dậy niềm cảm xúc cho các thế hệ kế tiếp; cũng như: ngày, đêm và nỗi nhớ là điều còn lại ở thế giới này. Thi sĩ Ngô Kha và những người đãng trí, họ xứng đáng được đọc diễn văn truy tặng bên dòng sông Hương hoa mộng:

Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông
Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí

Huế - 12/2012

L.H.L
(SH287/01-13)
 







 

Các bài mới
Các bài đã đăng