Giá sách Sông Hương
Kỷ niệm 30 năm TCSH (1983 - 2013)
Sông Hương và tên gọi Tạp chí Sông Hương
16:40 | 19/06/2013

GIA HỘI

Đầu năm 1983, lãnh đạo tỉnh và Hội VHNT Bình Trị Thiên xác định nên có một tờ tạp chí văn nghệ. Theo nhà văn Hà Khánh Linh, từ tháng 2/1983, nhiều cuộc họp bàn chuẩn bị ra mắt số tạp chí văn học nghệ thuật được tổ chức.

Sông Hương và tên gọi Tạp chí Sông Hương
Tác phẩm Báo Sông Hương do Phan Khôi chủ biên được tập hợp lại và in lại bởi NXB Lao Ðộng và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Ðông Tây - Ảnh: internet

Việc mà lãnh đạo, anh chị em văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu bàn đi bàn lại nhiều nhất là nên đặt tên cho tờ tạp chí sắp ra mắt cái tên gì? Ai cũng suy nghĩ và đưa ra cái tên thật đẹp và có ý nghĩa nhất như: Thuận Hóa, Hương Bình, Sông Hương, Diễn Đàn(1)...

Cuối cùng, cái tên Sông Hương thuyết phục hơn cả, bởi đó là tên của một dòng sông trong những con sông đẹp nhất thế giới; Sông Hương cũng mang trong mình lịch sử hào hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; Sông Hương cũng chở nặng phù sa làm nên vóc dáng văn hóa đầy chất thơ của xứ sở minh triết gắn bó đời sống thiên nhiên... Từ khi biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa Huế, những người con của miền Hương Ngự đã biến Sông Hương thành niềm tự hào và kiêu hãnh của mình. Vì vậy từ trong tâm thức Huế, cái tên Sông Hương bao giờ cũng vang lên thiêng liêng pha lẫn tự hào... Lấy tên dòng sông ấy đặt tên cho tờ tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật, cũng là cách thức để những người làm tạp chí nhận rõ trách nhiệm của mình, làm sao cho tờ báo tương xứng với tên gọi dòng sông.

Từ năm 1936, Huế cũng đã từng có một tờ báo mang tên Sông Hương do Phan Khôi làm chủ biên. Tuy nhiên báo chỉ ra được một thời gian ngắn thì ngừng, nguyên nhân gì chưa rõ nhưng có nhiều người nói là do kinh phí hạn hẹp. Thời điểm này Mặt trận Dân chủ ra đời, Xứ ủy Trung kỳ rất cần có tờ báo để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời muốn đưa người của mình vào Nghị viện. Đồng chí Phan Đăng Lưu được Xứ ủy giao nhiệm vụ liên lạc với người con của Phan Khôi là Phan Thao - một thanh niên có tư tưởng tiến bộ - để xúc tiến mua lại bản quyền báo Sông Hương.

Theo Trần Anh Vinh(2), với sự hướng dẫn nhiệt tâm của Phan Thao, đồng chí Phan Đăng Lưu đã tìm gặp đặt vấn đề nhờ Nguyễn Cữu Thạnh (anh rể của nhà phê bình lý luận Hải Triều) đứng ra mua lại báo Sông Hương. Nguyễn Cữu Thạnh cũng là một thanh niên yêu nước, đã xúc tiến thương lượng và Phan Khôi đồng ý nhượng lại giấy phép vào đầu năm 1937. Báo Sông Hương xuất bản trở lại có thêm hai chữ “tục bản” thành “Sông Hương tục bản”, do Nguyễn Cữu Thạnh làm Chủ nhiệm, anh Phan Đăng Lưu làm Trị sự; Ban Biên tập gồm có các anh Hải Thanh (tức Nguyễn Hoàng), Hải Triều, Trịnh Xuân An… (Riêng Trịnh Xuân An sau này, trong Hội trại văn nghệ Thừa Thiên ở Mỹ Lợi, Phú Lộc (10/1950) được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên). Trụ sở tòa báo Sông Hương tục bản đặt tại 68 đường Lê Lợi (trước mặt khách sạn Hương Giang ngày nay).

Sông Hương, từ một tờ báo của cá nhân hoạt động dưới hình thức kinh doanh, đã trở thành tiếng nói của những người cách mạng và quần chúng yêu nước. Sông Hương tục bản xuất bản hàng tuần. Một trong những số đầu tiên có đăng bài Tiếng hát sông Hương của nhà thơ trẻ Tố Hữu. Cuộc đấu tranh giữa hai phái duy tâm duy vật hồi bấy giờ cũng được Sông Hương đưa lên mặt báo bên cạnh các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khác.

Sinh thời, Chí sĩ Phan Bội Châu cũng rất thích đọc Sông Hương. Cụ từng viết:

“Vắng mặt Sông Hương suốt mấy trăng
Đuổi xong ma bệnh rước tin mừng”


Đó là hai câu mở đầu bài thơ “Đọc báo Sông Hương” của Cụ.

Do có ảnh hưởng lớn lao, vì thế sau một thời gian hoạt động Sông Hương tục bản bị đình bản. Đồng chí Phan Đăng Lưu cho xuất bản báo Dân để tiếp tục phong trào cách mạng.

Bây giờ, anh em văn nghệ lấy lại tên gọi “Sông Hương”, tức là muốn nối tiếp truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh. Thư Sông Hương số đầu tiên vào tháng 6/1983 nêu rõ: “Mang tên dòng sông duyên dáng thả mình bên thành phố Huế - SÔNG HƯƠNG, những trang tạp chí này là dòng chảy của những cảm xúc tươi đẹp trên “khúc ruột miền Trung” đất nước”... “Từ nơi đây, như truyền thống đã có, sẽ bắt đầu cuộc gặp gỡ giữa những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu với bạn đọc cùng thời của họ. SÔNG HƯƠNG sẽ chuyển đến các bạn những sáng tác mới, những công trình nghiên cứu, phê bình, những cuộc mạn đàm về văn học, nghệ thuật và văn hóa, cùng trang văn học nước ngoài nằm trong tầm quan tâm của mỗi chúng ta. Tạp chí phấn đấu là tiếng nói văn nghệ, văn hóa chính thức của một vùng đất, với những dấu hiệu riêng của nó, trong khi không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”...

Và đến nay, dầu đã đi qua bao thăng trầm 30 năm, Sông Hương vẫn một dòng chảy: giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa Huế và cổ súy những trào lưu sáng tác mới trên tiến trình hướng về Cái Đẹp.

G.H
(SDB9/6-13)


------------
(1) “Vì sao tờ tạp chí có tên là Sông Hương?”, Sông Hương  số 4 (tháng 7 - 8/1993).
(2) “Cụ Phan Bội Châu cũng thích đọc báo Sông Hương”,  Sông Hương số 5 (tháng 2/1984).
 





 

Các bài mới
Các bài đã đăng