HƯƠNG BÌNH
30 năm Tạp chí Sông Hương ra số báo đầu tiên là dấu mốc hết sức quan trọng. 30 năm của những thành quả, những đổi thay và cả những kỷ niệm còn vương mùi mực cũ. Sông Hương đã nỗ lực hết mình, được sự trợ giúp, động viên của đông đảo bằng hữu mọi miền để làm nên một tuần lễ kỷ niệm với nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ ngày 14/6 đến 22/6.
Từ bộ sách Sông Hương
Vào sáng ngày 14/6, Tạp chí Sông Hương tổ chức giới thiệu bộ sách nhân kỷ niệm 30 năm thành lập. Bộ sách gồm 4 cuốn: Truyện ngắn Sông Hương 30 năm, tuyển chọn (1983 - 2013), Thơ trên Sông Hương, tuyển chọn (2003 - 2013), Nghiên cứu, lý luận & phê bình, tuyển chọn (2003 - 2013), Huế - Dòng chảy văn hóa, tuyển chọn (2003 - 2013). Với bộ sách này, Ban Tuyển chọn tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng ở các thể loại chính làm nên vóc dáng và diện mạo của Sông Hương lâu nay.
Bộ sách 30 năm Sông Hương đã chọn lọc và giới thiệu một “bộ mặt tinh hoa” của Sông Hương trong những năm qua, nhận được nhiều dư luận quan tâm, đánh giá rất cao những đóng góp trên bốn thể loại này. Chẳng hạn, Tuyển truyện ngắn Sông Hương 30 năm, 78 truyện ngắn với nhiều cây bút nổi tiếng trên văn đàn, thế hệ nối tiếp nhau đã làm nên một hợp tuyển đa sắc gần 1000 trang. Tuyển truyện là sự hợp tác xuất bản của Nxb. Trẻ, Nxb. Thuận Hóa, hiện có mặt ở các nhà sách khắp cả nước. 3 tuyển khác cũng được dư luận đánh giá thành công. Tuy với một kinh phí còn hạn hẹp nhưng Sông Hương đã nỗ lực hết mình tạo nên một diện mạo mới, “một cuộc sống khác của Sông Hương”.
Đến cuộc hội ngộ của 15 họa sĩ “Về với Sông Hương”
Ngày 16/6, phòng tranh “Về với Sông Hương” được khai mạc tại Tòa soạn Tạp chí. Sự chung vui của 15 họa sĩ quen thuộc: Đặng Mậu Tựu, Kim Long, Nguyễn Thượng Hải, Nguyễn Thượng Hỷ, Trương Hoa Đôn, Nguyễn Tuấn, Tuyết Hiền, Lê Thừa Khiển, Lê Văn Ba, Nguyễn Bá Văn, Nguyễn Thanh Cảnh, Đặng Mậu Triết, Nguyễn Đăng Sơn và những người bạn Huế: họa sĩ Lê Hiếu, Thùy Vân... làm bầu không khí Sông Hương chợt “nóng” lên với những mảng màu “rất Huế”. 29 tác phẩm tại phòng triển lãm của các họa sĩ được thể hiện trên nhiều chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, tổng hợp, phù điêu bồi giấy... đặc biệt còn có 8 minh họa truyện ngắn của họa sĩ Đặng Mậu Tựu đăng trên Sông Hương làm đa dạng thêm phòng tranh lần này.
Những nỗi hoài cảm, suy tư, những câu chuyện với nhiều phong cách đề tài được thể hiện; nhiều tác phẩm mang dáng dấp xứ Huế trầm buồn và cả những cảnh tình mang bóng hình quê hương ngày đoàn tụ. Sông Hương đã làm nên cuộc hội ngộ lần thứ tư, của nhóm họa sĩ, những người con xa Huế và luôn yêu mến Sông Hương.
Có một “Áo Thơ” bay lên cùng hình tượng chim Lạc
Thơ mộng nhất trong dịp lễ kỷ niệm là không gian Sắp đặt nghệ thuật Áo Thơ khai mạc vào chiều ngày 18/6 tại công viên Tứ Tượng, thành phố Huế.
Áo Thơ được thực hiện theo ý tưởng của nhà thơ Lê Huỳnh Lâm và sự góp sức của nhà văn Lãng Hiển Xuân, Công ty Thiết kế và Quảng cáo FA cùng các anh chị em văn nghệ sĩ thân thiết với Sông Hương. Áo thơ được sắp hình chim Lạc, gợi nhắc hình ảnh cội nguồn của đất nước. Chương trình Sắp đặt Áo Thơ với những câu thơ về xứ Huế, về Sông Hương, về tình yêu đất nước quê hương và tình yêu đôi lứa mà đa phần đã được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương. Chương trình nhằm khẳng định giá trị thi ca, nghệ thuật của một vùng đất vốn được mệnh danh là bài thơ đô thị. Áo Thơ cũng đã tôn vinh các thế hệ cộng tác viên Tạp chí Sông Hương; qua đó tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, di sản, những nét văn hóa đặc sắc của mọi miền, đặc biệt chú trọng đến bản sắc địa phương qua những câu thơ của các thi nhân.
Áo Thơ kết thúc, những tấm áo xinh xắn được trao tay những người bạn về chia vui cùng Sông Hương.
Đêm thiêng bên dòng sông thơm
Dựa trên ý tưởng của nhà thơ Võ Quê, Tri ân con sông mình đã mang tên, Lễ hội tri ân dòng sông đã được tổ chức trang nghiêm tối ngày 18/6 với 5 chiếc thuyền lớn chở bạn hữu của Sông Hương từ mọi miền đất nước. Mỗi thuyền là một chủ đề khác nhau: Lễ hội tri ân dòng sông, Tình khúc Huế, Ca Huế trên Sông Hương, Thơ Huế trên Sông Hương, Thơ - nhạc trẻ... Tri ân dòng sông bởi chính sông Hương đã đem đến cho vùng đất Cố đô sự đậm đà chất nhạc, chất thơ đầy bản sắc.
Trong diễn văn khai mạc, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương đã viết: “Mang tên Sông Hương, Tạp chí từ khi ra đời đến nay đã không để mình phải hổ thẹn với tên sông mà Tạp chí đã mang lấy và phụng sự trên hành trình hướng về cái Đẹp. Văn hiệu Sông Hương của Tạp chí đã làm sang trọng cho văn hóa Huế và càng được như thế, Tạp chí Sông Hương càng nhớ đến con sông mà mình đã mang tên”.
Lễ hội Tri ân dòng sông gửi những lời thơ tiếng hát ngợi ca con sông, ngợi ca đất trời xứ Huế, ngợi ca tình yêu và niềm sáng tạo. Lễ hội Tri Ân Dòng Sông là một dấu ấn khó quên trong chuỗi kỷ niệm 30 năm này.
Sông Hương trong dòng chảy văn học Việt Nam
Hướng về tương lai và chia sẻ những niềm riêng, sáng 19/6, Tạp chí Sông Hương tổ chức Hội thảo “Đóng góp của các tạp chí văn nghệ địa phương trong dòng chảy văn học Việt Nam” tại hội trường Nhà hàng nổi Sông Hương. Hội thảo là sinh hoạt thường kỳ nhằm giao lưu, trao đổi nghiệp vụ của các tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Năm nay Hội thảo có sự tham dự của một số tạp chí ở các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay như: Báo Người Hà Nội (Liên hiệp Các Hội VHNT Hà Nội), Tạp chí văn nghệ Ninh Bình (Hội VHNT Ninh Bình), Tạp chí Văn Nhân (Hội VHNT Nam Định).
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc trong tham luận “Tạp chí Văn học trong bối cảnh kinh tế thị trường” đã nêu cao nhiệm vụ của các tạp chí văn học: “Đã đến lúc văn học chúng ta phải vừa tự đổi mới, vừa tự so sánh để tiếp thu các khuynh hướng mới, vừa bảo đảm rằng sự sáng tạo đó không đi quá xa cái gốc rễ cây lúa nước của dòng giống Việt”.
Trong tham luận “Tạp chí Sông Hương: Ba mươi năm trong dòng chảy Văn học Nghệ thuật Việt Nam”, nhà văn Việt Hùng cảm nghĩ: “Trải qua 700 năm lịch sử chọn lọc và thăng hoa, người ta có thể nói về những cái “riêng” qua cách ăn, cách chơi, cách mặc, cách ứng xử, cách diễn đạt ngôn từ... cho đến phong tục tập quán của người Huế. Có lẽ, ngay từ đầu, trên cái nền tảng văn hóa ấy, Sông Hương đã biết kế thừa và phát triển để tạo nên cái riêng cho mình”.
Hội thảo đã cho thấy báo chí văn nghệ địa phương vừa làm phong phú văn hóa các vùng, miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cũng như khẳng định uy tín Sông Hương trong dòng chảy văn học Việt Nam.
Buổi lễ của dấu ấn 30 năm
Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Thanh Bình - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, thay mặt lãnh đạo Tỉnh trao tặng Bằng khen Chính phủ cho Tạp chí Sông Hương |
Vào chiều ngày 19/6, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương được long trọng tổ chức tại hội trường khách sạn Century Riverside Huế. Hơn 200 đại biểu có đại diện lãnh đạo tỉnh và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cùng văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên và đông đảo bạn đọc thân thiết của Sông Hương trong suốt 30 năm qua đã về tham dự lễ kỷ niệm. Đặc biệt, tại lễ kỷ niệm, Tạp chí Sông Hương vinh dự được nhận Bằng khen của Chính phủ; 6 nhà văn, nhà thơ nguyên Tổng Biên tập qua các thời kỳ và 2 cán bộ của Tạp chí được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Khép lại tuần lễ kỷ niệm
Ngày 22/6, buổi bế mạc phòng triển lãm tranh Về với Sông Hương của 15 họa sĩ và trao tranh cho những người yêu nghệ thuật gắn nơ sưu tập đã khép lại chuỗi kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Sông Hương trong niềm vui và tình cảm thắm thiết.
Khép lại chuỗi kỷ niệm 30 năm thành lập, sơ kết một chặng đường để thấy, Sông Hương đã chứng tỏ sự hiện diện đầy đẳng cấp của mình trong dòng chảy văn học nghệ thuật nước nhà.
H.B
(SH293/07-13)