LTS: Bản nghĩa của văn hóa chính là sự gieo trồng tinh thần (cultus - latin), và là sự tiếp diễn của quá trình kế thừa truyền thống xã hội. Sự gieo trồng tinh thần ấy lại xuất phát từ sự quyến rũ của vùng văn hóa, sự thật mà chúng ta bắt gặp được trong hành trình tìm kiếm những lớp trầm tích của Huế. Hội “Những người bạn Cố đô Huế” 100 năm trước vì sự “yêu mến chân thật” vùng đất này đã có những “ứng xử hiếm có” ở các thuộc địa trước đây.
Nhân 100 năm thành lập Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (1913 - 2013), Sông Hương dành số trang nói về “cuộc tìm kiếm và gìn giữ những kỷ niệm của Huế xưa” đầy nhiệt tâm đó.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Một thế kỷ của những dấu son trong dòng chảy văn hóa Huế
Cách đây đúng 100 năm, Hội “Những người bạn Cố đô Huế”1 (Association des Amis du Vieux Hué), đã được thành lập từ đề xuất của linh mục Léopold Cadière và sự chung tay xây dựng của những bạn bè trong giới trí thức Pháp và Việt. 31 năm tồn tại, Hội đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa Cố đô với những thành tựu lớn như làm nên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” đồ sộ và công phu; xây dựng thư viện để tập hợp tư liệu nghiên cứu và bảo tàng lưu giữ cổ vật của triều Nguyễn và Huế xưa... Đó thật sự là những đóng góp quý báu mà ngày nay khi đề cập đến lịch sử nghiên cứu vấn đề về Cố đô Huế nói riêng, chúng ta không thể không nhắc đến với tấm lòng chân thành cho những đóng góp đó.
Vào ngày 16/11/1913, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” họp phiên đầu tiên để ra mắt và công bố: “Điều lệ và bầu Hội trưởng”. Buổi họp mặt có sự tham gia của 17 nhân vật Việt và Pháp, hội viên nòng cốt của Hội ban đầu, cùng đông đảo quan khách đã đến dự lễ ra mắt của Hội tại Tân Thơ Viện trong Thành nội Huế2. 173 vị sáng lập viên Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (xếp theo ABC) gồm: 1. Albrecht (Đại úy Lục quân Thuộc địa). 2. C. Blernard (Dược sĩ ở Huế). 3. Bienvenue (Quan cai trị dân sự ở Huế). 4. Bonhomme, (Quan cai trị dân sự ở Huế). 5. Hoàng tử Bửu Liêm (Em vua Thành Thái). 6. Linh mục Léopold Cadière (Thừa sai hải ngoại). 7. Chovet (Kỹ sư Công chánh ở Huế). 8. Dumoutier (Kho bạc Trung Kỳ ở Huế). 9. Dupuis (Quan cai trị dân sự ở Huế). 10. Đào Thái Hanh (Tham biện viện Cơ Mật, thân phụ của bà Nguyễn Đình Chi, nhũ danh Đào Thị Xuân Yến chủ vườn An Hiên sau này). 11. Lemaire (Quan cai trị dân sự ở Lạng Sơn). 12. Nguyễn Đình Hòe (Phó Hiệu trưởng trường Hậu Bổ, cụ “của phu nhân họa sĩ Vĩnh Phối). 13. Nordeman (Thanh tra học chánh Trung Kỳ, Nguyên Hiệu trưởng trường Quốc Học). 14. De Pirey, Hội Thừa sai Hải ngoại ở Quảng Trị. 15. Roux (Thừa sai hải ngoại). 16. Bác sĩ Sallet (Bác sĩ Quân y ở Huế). 17. Sogny (Thanh tra quân sự địa phương, sau là chánh mật thám Trung Kỳ).
Trong suốt quá trình tồn tại của mình, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã cố gắng bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật vô giá bằng cách tập hợp tất cả những gì gợi nhớ đến quá khứ huy hoàng đã qua mà phần nhiều gắn với vùng đất và con người xứ Huế.
1. Bản điều lệ hợp hòa của một diễn đàn học thuật
Như mọi tổ chức văn hóa được thành lập thời bấy giờ, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã thông qua bản điều lệ rất chi tiết và nghiêm túc gồm 23 điều khoản, đề cập đến chức năng, nhiệm vụ và cách tổ chức Hội. Bản Điều lệ do những viên chức chính quyền thời bấy giờ và hội viên của Hội tham gia dự thảo. Đó là Bienvenue (quan cai trị dân sự Huế); Léopold Cadière (thành viên Hội truyền giáo ở Huế); Dumoutier (phụ trách Kho bạc ở Huế); Le Bris (giáo sư ở Huế); Albert Sallet (bác sĩ quân y ở Huế); Albrecht (đại úy lục quân thuộc địa ở Huế). Trong đó, Bienvenue là người dự thảo chính.
Bản điều lệ do Khâm sứ Trung kỳ J.E.Charles ký duyệt ngày 14/11/1913, 2 ngày trước khi Hội “Những người bạn Cố đô Huế” chính thức thành lập.
Tinh thần xuyên suốt những hoạt động văn hóa của mình được thể hiện trong điều 2 của bản Điều lệ, rằng Hội có mục đích: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”4. Như vậy, mục đích của Hội là thu thập, bảo quản những di vật, kỷ vật về các mặt chính trị, nghệ thuật, lịch sử, văn học, văn hóa, chủ yếu tập trung ở Huế và khu vực Trung Kỳ mà sau này quá trình hoạt động đã gặt hái những thành quả từ mục đích trên.
Để thực hiện mục đích đó, Hội đã xuất bản một tạp chí định kỳ theo quý, đăng các thông báo của hội viên, gọi là Tập san của “Những người bạn Cố đô Huế”, thường gọi là BAVH (viết tắt của “Bulletin des Amis du Vieux Hué”) do Linh mục Léopold Cadière làm Chủ bút. Chính Tập san này đã giữ lại nhiều hình ảnh và sinh hoạt của Huế xưa, đồng thời làm nên tên tuổi cho những người chủ trương và cộng tác, mà đứng đầu là vai trò của Linh mục Léopold Cadière.
Về vấn đề hội viên của Hội được quy định: Hội viên gồm có hai loại: hội viên hoạt động và hội viên danh dự (điều 7). Về hội viên hoạt động, tham gia thường xuyên các hoạt động của hội thì được quy định rõ ràng: “Muốn trở thành hội viên hoạt động phải viết đơn cho Chủ tịch Hội và được hai hội viên giới thiệu. Đơn được bầu tại chỗ bằng vỗ tay trong buổi họp hàng tháng của Hội Chủ tịch danh dự và hội viên danh dự do Hội bầu” (điều 8)5.
Về cơ cấu tổ chức, theo điều 13: Hội được điều hành do một Ban Trị sự gồm: một chủ tịch, một chủ bút của tập san, một thủ quỹ và một thư ký. Với ban điều hành tuy đơn giản, gọn nhẹ nhưng Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã làm hết chức năng của một hội trí thức, bảo tồn các giá trị văn hóa, học thuật.
Ban Trị sự này có nhiệm vụ và quyền hạn của từng chức vụ riêng được quy định rõ ràng trong các điều khoản khác và được quyền tái cử. Tiếp đó, theo điều lệ 19 của nội quy, văn phòng phải bầu lại hàng năm một theo cuộc họp tháng 12. Đó là việc bầu lại một vị chủ tịch mới, một vị chủ bút của Tập san, một vị thủ quỹ và một thư ký.
Bản Điều lệ cũng đề cập đến trạng huống cuối cùng trong điều 22: “Trường hợp giải thể do sự thỏa thuận 3/4 hội viên có mặt; tất cả sưu tập của Hội sẽ giao cho trường Viễn Đông Bác cổ bảo quản ở Huế”6.
Hội cũng quy định rõ tiền quỹ phải đóng hằng năm lúc bấy giờ cho các hội viên hoạt động: “Niên liễm của hội viên là 12 đồng Đông Dương và đóng hằng tháng; hội viên danh dự được miễn” (Điều 9)7.
Bản điều lệ cho thấy tính thống nhất và quy cũ trong khuôn khổ của một Hội chuyên trách hoạt động văn hóa. “Những người bạn Cố đô Huế” đã đặt một dấu ấn lớn trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn vật Cố đô trên tinh thần khoa học và nhân bản.
2. Hội của những người bạn thông thái
Chủ trương bàn về những vấn đề học thuật, bảo tồn các di sản là những tiêu chí quan trọng trong hoạt động của Hội. Hơn 30 năm tồn tại, Hội đã làm nên những kì tích dưới góc độ nghiên cứu về một vùng đất như kinh thành Huế; vậy mà những con người đó lại rất khiêm tốn. Trong bài mở đầu cho tập san “Những người bạn Cố đô Huế”, linh mục Léopold Cadière bộc lộ sự nhiệt tâm chân thành đó: “... tôi không nói là một đề cương nghiên cứu, cái từ ấy có vẻ quá kiêu kỳ tự cao tự đại và khiến cho người ta phải phần nào e ngại vì cho rằng công việc của chúng ta làm xem ra ghê gớm, mà chỉ đưa ra một chương trình tìm kiếm, bởi vì chúng ta là những kẻ tìm kiếm, với mong ước tìm ra với ham muốn thâm cứu sưu tầm”8.
Về tổ chức, Hội có sự cơ cấu các thành viên liên quan đến chính quyền cả Pháp lẫn triều đình Huế. Ngày 16/11/1913 trong buổi họp ra mắt Hội, Ban Trị sự đầu tiên được bầu gồm: Chủ tịch là ông Dumoutier. Chủ bút tập san BAVH: Linh mục Léopold Cadière. Thủ quỹ: Ông Bernard. Thư ký: Bác sĩ Sallet. Chủ tịch danh dự của Hội: Toàn quyền Đông Dương do ông Joost Van Vollenhoven đại điện; Khâm sứ Trung kỳ L. Charles; và ông Louis Foxno, Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ.
Như vậy cơ cấu khi mới thành lập, Chủ tịch danh dự của Hội gồm: Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ, Giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1915, vua nhà Nguyễn được bổ sung vào danh sách chủ tịch danh dự của Hội. Các ủy viên danh dự của Hội gồm: Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Nội vụ, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Học. - Ủy viên đầu tiên của Hội (người Việt) là: Bửu Liêm, Đào Thái Hanh (Hội đồng Phụ chính), Nguyễn Đình Hòe (Phó hiệu trưởng Trường Hậu Bổ Huế); sang đầu năm 1914 bổ sung thêm Ưng Trình (Phó hiệu trưởng Trường Quốc tử giám), Hồ Đắc Đệ (giáo học trường Quốc tử giám).
Tuy nhiên, việc điều hành Hội chính thức lại do một nhóm chuyên gia lỗi lạc người Pháp và người Việt mà trụ cột là Linh mục Léopold Cadière, Léonard Aurous- seau, thầy dạy học của vua Duy Tân, và Albert Sallet, bác sĩ. Ngoài ra còn phải kể Léon Sogny, L. Dumoutier, R. Orban, Nguyễn Đình Hòe, Ưng Trình và Henri Cosserat, học giả.
Thành phần tham gia Hội cũng đa dạng, bao gồm cả người Pháp và Việt. Phần lớn là trí thức và đam mê nghiên cứu. Tuy vậy, nhìn vào danh sách nghề nghiệp của các hội viên mới thấy sự đa dạng đó của những người yêu mến Huế, dù rằng họ có những xuất thân khác nhau. Đó có thể là một ông giáo sư, một linh mục mẫn cán đến viên đại úy bộ binh, dược sĩ thuộc địa, hành chính dân sự, đại diện thương mại, chủ sự kho bạc, chủ sự sở thủy lợi, lâm nghiệp... Tất cả đã làm nên một diễn đàn tri thức tràn đầy lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với vùng đất Huế. Bởi lẽ họ ý thức được rằng: “...đất nước Việt Nam từ khởi thủy đã không ngừng nung nấu một chí hướng cao về sự phát triển và tiến bộ; đã miệt mài theo đuổi thực hiện chí hướng ấy với sự hào hùng, can đảm và linh hoạt thích ứng với từng hoàn cảnh trên con đường phát triển của mình”9 - như lời linh mục Léopold Cadière .
Đặc biệt, trong quá trình tham khảo tư liệu, chúng tôi tìm thấy một chi tiết thú vị về anh em nhà Morin và sự gia nhập vào Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đó là: “...năm 1916, Emile Morin làm đơn vào Hội và được kết nạp làm hội viên. Năm 1920, ông Wladimir Morin cũng đứng vào tổ chức này. Anh em Morin là nhà tài trợ chính cho Tập San Đô Thành Hiếu Cổ đồng thời cho Hội một phòng làm việc tại khách sạn Morin và tạo điều kiện để Hội tổ chức các cuộc họp thường niên”10. Càng thú vị hơn khi chúng ta biết rằng cô em gái Amélie Morin lại chính là phu nhân của bác sĩ Albert Sallet, một trong 17 hội viên đầu tiên của Hội “Những người bạn Cố đô Huế”.
Đến năm 1923, sau 10 năm tồn tại, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã mở rộng quy mô tổ chức của mình. Thời điểm này, Hội có đến hai ủy ban đảm trách hai nhiệm vụ khác nhau. Ủy ban thứ nhất đã có từ trước chuyên trách việc biên soạn và xuất bản tập san BAVH, do linh mục Léopold Cadière đứng đầu. Ủy ban thứ hai trực tiếp điều hành hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng, do ông Henry Payssonnaux quản nhiệm. Ngoài ra bên cạnh Ủy ban điều hành này, Khâm sứ Trung Kỳ còn đặt một Ủy ban tuyên truyền do ông Thân Trọng Huề làm chủ tịch, với các thành viên người Việt là các ông Nguyễn Đình Hòe, Lê Văn Miến, Lê Văn Kỳ và Tôn Thất Sa11.
Trong số những hội viên có nhiều đóng góp, không thể không nhắc đến Linh mục Léopold Cadière (1869 - 1955), linh hồn của “Những người bạn Cố đô Huế”. Ông chính là yếu nhân quan trọng sáng lập Hội “Những người bạn Cố đô Huế” và Tập san “Những người bạn Cố đô Huế”. Léopold Cadière là một linh mục người Pháp được cử đến phục vụ tại Việt Nam. Ông làm chủ bút của Tập san “Những người bạn Cố đô Huế” suốt 30 năm (1914 - 1944). Vậy mà Linh mục Cadière lại “khiêm tốn chỉ nhận làm thường hội viên của Hội và làm biên tập viên (rédacteur) của Tập san”12.
Linh mục Léopold Cadière đã sống và gắn bó với Việt Nam trong suốt 63 năm, nói tiếng Việt thông thạo từ năm 26 tuổi. Ông làm một nhà nghiên cứu và lịch sử văn hóa Việt Nam tên tuổi, với hàng trăm công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực: khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ, xã hội học, môi trường... Nhiều bài viết còn có giá trị cho đến ngày nay. Ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Léopold Cadière đã dành một tình cảm đặc biệt cho dân tộc Việt Nam. Ông nói: “Tôi đã hiểu người Việt, vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây, và tôi hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu… Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi…”13. Tình cảm đó sâu sắc và thiêng liêng đến nỗi linh mục Léopold Cadière có nguyện vọng: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này, cho tôi được ở lại và chết ở đây”14; và hiện mộ phần ông an vị ở Huế, nơi mà ông xác định là quê hương thứ hai của mình.
Về nhân vật huyền thoại này, linh mục Lefas viết: “Có thể nói, nhiệt tình của cha Cadière - một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi - đã thành truyền nhiễm lây lan. Ông đã dần dần quy tụ quanh mình một vòng vây luôn rộng mở gồm những nhân vật hăng say sinh hoạt tri thức. Như thế, năm 1913, ông đã tạo dựng được một thứ Hàn lâm viện địa phương (Académie régionale)...”15
3. Hành trình gìn giữ di sản Cố đô
* Từ Tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (BAVH).
Bắt đầu từ năm 1914, Hội có ra tờ tập san riêng, mang tên “Những người bạn Cố đô Huế” như đã trình bày ở phần 1. Tập san này xuất phát từ chủ trương của linh mục L. Cadière và ông cũng là chủ bút đầu tiên. Các số của Tập san được in tại Nhà in Viễn Đông (IDEO) Hà Nội, ra ba tháng một kỳ. Số ra đầu tiên là số tháng Giêng - Ba năm 191416.
Tập san BAVH được xem là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, được xuất bản đều đặn trong 30 năm, cho đến năm 1944 thì đình bản do biến cố chính trị. Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút suốt thời kì tồn tại của Tập san và đóng góp trên dưới 160 bài viết được đánh giá có chất lượng cao.
Ban Biên tập của Tập san lúc đầu gồm trên dưới 10 người gồm cả người Việt và người Pháp đảm nhiệm; về sau thì đông hơn. Số cộng tác viên tham gia viết bài ngày càng gia tăng. Tính đến số Tập san cuối cùng, số cộng tác viên lên tới hơn 140 vị, gồm các nhà nghiên cứu Pháp và Việt (trong đó Việt Nam hơn 30 người).
Tập san BAVH đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang bài viết, 2800 phụ bản và 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu rất công phu17. Mỗi năm Tập san ra mắt bạn đọc được 4 số riêng biệt, trung bình 3 tháng 1 số, gọi là tam cá nguyệt. Nhưng cũng có năm xuất bản ghép số. Hình thức trình bày đơn giản nhưng rất trang trọng và nghệ thuật. Bìa vẽ đẹp, mang tính hoài cổ. In ấn rõ ràng, cộng với sự chi tiết của các sơ đồ, bản đồ các tranh ảnh minh họa đã làm nổi bật thêm cho tập san. Phần lớn các tranh ảnh được trình bày trong BAVH hầu hết đều do các tác giả Việt Nam và Pháp thể hiện.
Có thể nói, đây là một pho sách quí cho những ai muốn tìm hiểu về Huế. Với 31 năm liên tục hoạt động, Tập san BAVH đã góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam. Tựu trung là các vấn đề sau: - Kinh thành Huế và phụ cận; lịch sử Huế và An-nam; nghệ thuật xứ Huế; ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế và các đề tài khác.
Giữa năm 1944, trước những biến động của thời cuộc, Tập san BAVH đình bản và Hội “Những người bạn Cố đô Huế” tự động giải thể.
* Đến thư viện và bảo tàng.
Ngoài việc xuất bản đều đặn tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (BAVH), Hội “Những người bạn Cố đô Huế” còn quan tâm tới việc thiết lập một thư viện và viện một bảo tàng.
Linh mục Cadière chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập thư viện. Từ 1917 Cadière đặt mua từ Thượng Hải một số sách tham khảo quan trọng về lịch sử, ngôn ngữ học, dân tộc học để làm nòng cốt cho thư viện. Bên cạnh đó nhiều hội viên đóng góp nhiều tư liệu và sách, ảnh cho thư viện. Ông Henri Cosserat, một hội viên của hội, hiến tặng trọn vẹn tủ sách gia đình cho thư viện. Đến ngày 13/1/1920, thư viện chính thức thành lập.
Năm 1922, toàn quyền Pasquier tặng thư viện nhiều sách có trong thư viện Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Tiếp đó, ông H. Peyssonaux mua được nhiều sách quý ở Paris, mang về phục vụ Hội, và ông được đề cử phụ trách thư viện. Như vậy, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã có một thư viện khá đồ sộ, phục vụ tốt cho nhu cầu về tư liệu cho giới nghiên cứu trong ngoài Hội.
Từ năm 1915, số cổ vật do các hội viên của Hội thu thập và đưa về cất giữ trong Tân Thơ Viện ngày một tăng. Trước tình hình đó, Khâm sứ Trung Kỳ bấy giờ là P. Pasquier đã quyết định cho phép mở rộng hoạt động của Hội bằng việc đề xuất thành lập một bảo tàng tại đây.
Bàn về sự ra đời của bảo tàng, một biên bản của Hội viết: “Nhờ các vị Thượng thư của Chính phủ An Nam mà tôi nhân danh đại diện cho Bảo hộ cạnh các Bộ Lễ và Bộ Tài chính để xin đặt ngay ở văn phòng trong Tân Thơ Viện một triển lãm thường trực, chắc chắn là sẽ có ích lợi thật sự về các loại sành gốm, men, đồ chạm khắc hay cẩn xà cừ, sơn mài, bức khảm trên đá cẩm thạch hoặc khắc trên gương...”18
Năm 1914, Hội được triều đình Huế cho sử dụng Tân Thơ Viện làm nơi hội họp và trưng bày hiện vật. Số hiện vật đầu tiên được trưng bày là số hiện vật bằng đồng thau thời Minh Mạng, đúc theo kiểu cổ.
Ngày 24/10/1922, Toàn quyền Pasquier cho đặt dưới quyền sử dụng của Hội một ngân khoản 3.000 đồng trích trong ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí cho bảo tàng. Một ủy ban được thành lập để phụ trách bảo tàng diễn ra ngày 25/4/1923. Đến ngày 24/8/1923, vua Khải Định chỉ dụ cho phép chính thức thành lập một bảo tàng “có nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam” và điện Long An được dùng làm Bảo tàng Khải Định. Ngày 15/11/1924, một Ban quản trị Bảo tàng viện ra đời, họ là những hội viên được chọn ra như các ông Gras, Rigaux, Levadoux, Sony, Peyssonneau19… Đến năm 1927, Trường Viễn Đông Bác Cổ đặt một Phân viện Chàm tại Viện Bảo tàng này và trực tiếp giám sát về mặt kỹ thuật chuyên môn.
Những chủ trương về thư viện và bảo tàng của Hội có thể xem là một trong những thư viện và bảo tàng đầu tiên về Huế được biết cho đến nay. Đó là những đóng góp lớn, thể hiện tầm nhìn và sự nhiệt tâm của những trí thức Pháp - Việt thời đó.
Ngoài ra, Hội còn có những hoạt động khác xét là có lợi như dựng bia tưởng niệm, hỗ trợ các bảo tàng đã có hoặc xây dựng bảo tàng mới, thực hiện những sưu tập ảnh hay tranh in. Hội còn ủy thác và hỗ trợ các công trình nghiên cứu của hội viên để công bố trên tập san của Hội. Những cuộc du lãm có mục đích sưu tầm nghiên cứu cũng được tổ chức.
Đặc biệt, Hội còn đề nghị “Một chương trình giáo dục mỹ thuật An Nam” để phục hưng các giá trị truyền thống nghệ thuật qua việc nghiên cứu đền, chùa, lăng tẩm và các công trình kiến trúc của Huế.
*
Khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được đề cập đến một vài vấn đề liên quan đến sự nhìn nhận và ý hướng của Hội “Những người bạn Cố đô Huế”. Dù sao người Pháp vẫn là thực dân xâm lược, nhưng lại có “những người bạn” rất yêu văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam ta. Ngay từ 100 năm trước, bàn về phong hóa của xã hội Việt Nam trước làn sóng Tây hóa, linh mục Léopold Cadière đã đưa ra cảnh báo: “Dù thế nào đi nữa, sự thật vẫn là các thế hệ mới trong các đô thị không bằng các thế hệ cũ về phương diện đạo đức”. Thiết nghĩ cho đến nay, những lời kêu gọi kia vẫn còn có ý nghĩa, bởi vấn đề nói trên chính là nền tảng đầu tiên để kiến tạo những giá trị Việt mà “Những người bạn Cố đô Huế” đã nhìn nhận được. Sự du nhập của những trào lưu mới, sự biến thiên của văn hóa thời đại và bài toán bảo tồn các giá trị di sản, truyền thống vẫn mãi là chủ đề mà chúng ta cần xem xét. Ngay cả sự ra đời và tồn tại của Hội “Những người bạn Cố đô Huế”, Linh mục Léopold Cadière còn nhắc nhở: ““Đừng quên rằng, Hội chúng ta, thật ra không phải là hội khoa học. Nó có một mục tiêu thật tiễn. Chúng ta phải tự tìm kiếm và giữ lại để nêu lên các kỷ niệm về Kinh thành Huế...”20. Đó thật sự là tấm gương đáng học hỏi về trách nhiệm của công việc “tìm kiếm” những trầm tích văn hóa Huế đầy khiêm tốn của “Những người bạn Cố đô Huế”, những người đã góp phần gìn giữ hồn xưa xứ Huế.
L.V.T.G
(SH294/08-13)
.............................................
1. “Những người bạn Cố đô Huế” trước đây gọi là Hội Đô thành Hiếu cổ, Hay Hội Đô thành Hiếu cổ xã, hoặc Những người bạn của Huế xưa. Tuy nhiên, ngày nay tên gọi Những người bạn Cố đô Huế được sử dụng nhiều hơn.
2. Tân Thơ Viện là thư viện của Trường Quốc Tử Giám lưu trữ tư liệu chữ Hán, Pháp, Anh... là tòa nhà vốn trước đây là điện Long An, được di dời năm 1908 đời vua Duy Tân. Chính triều đình Duy Tân đã cho phép Hội “Những người bạn Cố đô Huế” dùng Tân Thơ Viện làm trụ sở để hội họp. Đến thời vua Khải Định được đổi thành Bảo tàng Khải Định rồi sau đó lại đổi thành Tàng Cổ Viện và hiện nay mang tên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tọa lạc tại số 3 đường Lê Trực, Huế.
3. Theo bản phản biện tham luận “Cuộc đời của linh mục Léopold Cadière” của linh mục Gérard Moussay tại Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold Cadière”(2010).
4. Theo BAVH, tập 1, Nxb Thuận Hóa Huế, tr.7.
5. BAVH, tập 1, Sđd, tr.7-8.
6. BAVH, tập 1, Sđd, tr.7-8.
7. BAVH, tập 1, Sđd, tr.8.
8. Dẫn theo Nguyễn Hữu Châu Phan (2010), “Huế: dưới con mắt L.Cadière – L.Cadière: dưới con mắt một người Huế”, kỉ yếu hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold Cadière”, Huế.
9. Nguyễn Hồng Trân (2009), “Léopold Cadière Nhà Việt Nam Học nước ngoài đầu tiên”, Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, số 692.
10. Hồ Vĩnh - Hồ Thị Phương Chi, “Khách sạn Morin xưa và nay”, Nghiên cứu Huế 6/2008, tr.338.
11. Theo Trần Đức Anh Sơn, “Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, một địa chỉ văn hóa ở Cố đô Huế”, Nghiên cứu Huế, Tập 4 năm 2002. Tr. 256-257.
12. Nguyễn Đình Đầu (2010), L. Cadière với Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ, Kỷ yếu Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold Cadière”, Huế.
13. Ngọc Quỳnh, “Hoài Niệm Cố Cả”, Nguyệt san Nguồn Sống, số 1, 15/7/1958, tr. 45.
14. Nguyễn Hồng Trân (2009), Sđd.
15. Nguyễn Đình Đầu (2010), “L. Cadière với Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ”, Kỷ yếu Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold Cadière”, Huế.
16. Dương Kinh Quốc (1988), Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858 -1918, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
17. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân thì 30 năm tồn tại của mình, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” đã: “Phát hành 123 tập san, tổng cộng 16000 trang viết, 3200 phụ bản và 800 hình đen trắng và màu” (Theo bản phản biện tham luận “Cuộc đời của linh mục Léopold Cadière” của linh mục Gérard Moussay tại Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp của linh mục Léopold Cadière”(2010).
18. R.O.rband, Báo cáo của các thành viên văn phòng mãn nhiệm kỳ năm 1914, BAVH tập 2, trang 54.
19. L.Sogny, Le Musée Khai Dinh à Huế, Indochine Hebdomadaire Illustré 4e Année No 152, Jeudi 29 Juillet 1943. Hà Xuân Liêm, Nhìn lại công trình học thuật B.A.V.H, Tạp chí thông tin Khoa học và công nghệ, số 03 (25), trang 127 (Dẫn theo Hồ Vĩnh (2010), Cố cả Léopold Cadière, Tạp chí Sông Hương, số 259 (9/2010))
20. Léopold Cadière, “Dàn bài sưu tầm dành cho Những người bạn Cố đô Huế”, BAVH, tập 1, Nxb Thuận Hóa Huế, tr.45.