Giá sách Sông Hương
100 năm thành lập BAVH
“Những người bạn Cố đô Huế” với du lịch Huế đầu thế kỷ XX
17:00 | 26/01/2014

TRẦN VĂN DŨNG - TRƯƠNG THỊ THU NGÂN

Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué) đã được thành lập theo đề xuất của linh mục Léopold Cadière và sự chung tay xây dựng của những bạn bè trong giới trí thức, nhân sĩ ở Huế.

“Những người bạn Cố đô Huế” với du lịch Huế đầu thế kỷ XX
Các bản vẽ minh họa màu về kiến trúc Huế của họa sĩ Tôn Thất Sa in trong tạp chí B.A.V.H - Ảnh: dantri

30 năm tồn tại (1914 - 1944), Hội đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa Huế với tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Huế, gọi tắt là BAVH) đồ sộ và công phu trong nghiên cứu, có tiếng vang rất xa và được độc giả khắp Đông Dương thời đó đón nhận.

Tập san BAVH đã ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với tổng cộng khoảng 13.000 trang viết, 2800 phụ bản, 700 bảng khắc đen trắng hoặc màu. Giá trị các công trình của Linh mục Léopold Cadière và cộng sự đã để lại không những là nguồn tư liệu vô cùng quý giá mà còn có khả năng soi sáng những vấn đề tồn đọng của lịch sử, văn hóa, địa lý, du lịch rất có ích cho công tác nghiên cứu, học hỏi của nhiều thế hệ Việt Nam trước đây hàng mấy chục năm, bây giờ và cả sau này nữa. Đó thật sự là những đóng góp quý báu mà ngày nay khi đề cập đến lịch sử nghiên cứu Huế nói riêng, chúng ta không thể không nhắc đến Hội Những người bạn Cố đô Huế. Qua bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến đóng góp của Hội với hoạt động quảng bá du lịch Huế đầu thế kỷ XX.

Hội Những người bạn Cố đô Huế mà trực tiếp là Léopold Cadière, R.Orband, Gras... đã tham gia tích cực vào việc phát triển hoạt động du lịch Huế bằng cách đứng ra xin thành lập ở Huế một phái đoàn quảng cáo cho du lịch. “Chúng tôi muốn nói về du lịch hay chính xác hơn là quảng cáo du lịch. Người ta nhận thấy rằng từ trước đến nay chúng ta chưa làm gì hay chẳng có gì để thu hút du lịch đến Đông Dương”(1). Hội muốn mở ra một hướng đi mới cho du lịch Huế trong việc khai thác, sử dụng và phát huy một cách hiệu quả các danh lam thắng cảnh và hệ thống di tích lịch sử văn hóa Huế. Trên cơ sở đó, dự án quảng cáo du lịch của Hội tập trung khai thác các tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch, cung cấp thông tin điểm đến, cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi sẵn sàng làm tất cả những gì cần thiết để đón du lịch tại Huế... Chúng tôi muốn họ được đi ngoại cảnh đẹp đẽ của núi Ngự, Nam Giao, Hổ Quyền và các lăng tẩm hùng vĩ của các vua chúa mà không cần đến sự đài thọ của nhà nước. Chúng tôi muốn họ có thể tìm dễ dàng các bảng hướng dẫn và chi phí tham quan rẻ tiền ở các lăng tẩm ấy, các cung điện, chùa Thiên Mụ, các đại lễ như Tết, tế Nam Giao và đại triều. Chúng tôi có thể cung cấp một hướng dẫn viên thành thạo có thể có các chỉ dẫn chính xác về sự tiêu pha tiền bạc trong một thời gian hay dài hơn”(2). Và để thực hiện quyết tâm ấy, đều đặn trên các số tập san, BAVH dành chuyên mục“Hué pittoresque” (Huế đẹp) để ca ngợi sắc thái kỳ diệu, cuốn hút của cảnh Huế, con người Huế, môi trường sinh hoạt Huế; tất cả tạo nên cái chiều sâu phong hóa của riêng xứ Huế. Tập san BAVH cũng đã giới thiệu góc nhìn thú vị của những người phương Tây qua chuyên mục “Les Européens qui ont vu le Vieux-Hué” (Những người Âu châu đến Huế - Xưa). Qua những trang du ký sống động, họ đã không chỉ phác thảo cảnh quan xứ Huế mà còn cảm nhận lại được cái vẻ cổ kính, truyền thống xưa cũ, xứng đáng là nơi đế đô, đất “Thần kinh” để đi du lãm lăng miếu, thắng cảnh. Tất cả đều với mục đích mang lại những nét riêng thi vị của xứ Huế lúc bấy giờ đến với mọi người, để du lịch Huế phát triển phong phú hơn với nhiều loại hình, thu hút du khách muôn phương.

Trong quá khứ, Huế là Kinh đô của hai triều đại quân chủ cuối cùng là triều Tây Sơn và triều Nguyễn (1788 - 1945). Do vậy, Huế được biết đến là thành phố lịch sử nằm cạnh sông Hương thơ mộng với những di tích lịch sử văn hóa như thành quách, cung điện, lăng tẩm… do các vua Nguyễn xây dựng hòa điệu trong các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, núi Thiên Thai, rừng thông Thiên An, biển Thuận An, quần thể sinh thái Bạch Mã… thực sự là những bức tranh non nước tuyệt mỹ. Những tinh hoa được đúc kết lại đã trở thành những báu vật hàm chứa trong lòng di tích, đang cần được khai thác, sử dụng và phát huy trở thành những điểm đến thú vị khi tham quan du lịch Huế.

Các bản vẽ cầu đá ở Kinh thành Huế vào năm 1907 in trong tạp chí BAVH - Ảnh: dantri


Người Pháp nhận ra được điều này và trong các chương trình quảng bá họ luôn chú ý đến yếu tố đặc trưng mà Huế sở hữu. Kiến trúc Cố đô Huế vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Bác sĩ A. Sallet nhấn mạnh đến Huế khi nói về tài nguyên du lịch của xứ An Nam: “Nơi dừng chân lâu nhất trong chuyến du lịch An Nam phải là Huế. Huế, kinh đô xứ An Nam, nơi tập trung biết bao chuyện, chuyện quá khứ của hoàng gia, của triều đại đang trị vì, các dòng họ lâu đời, các truyền thống được bảo tồn. Đó là Kinh Thành, là cung điện bên trong, chùa chiền, đền tạ và cái quang cảnh mỹ lệ làm nền cho tất cả”(3). Hệ thống lăng tẩm của Huế là những tài nguyên du lịch được A. Sellet giới thiệu kỹ lưỡng cho du khách. Đối với Kinh đô Huế, việc quy hoạch lăng tẩm dành cho vua chúa luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng do quan niệm “sinh kí tử quy”. Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ảnh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ như vị A. Sellet có những nhận định tổng quan: “Chính về phía tây nam thành phố là vùng lăng mộ của triều đình An Nam, mộ phần các ông hoàng, các quan lại tập trung hoặc ở riêng lẻ. Ngoài ra là lăng tẩm các vị hoàng đế, phần lớn bao quanh trong các khu tường thành rộng lớn, nơi đây có vườn tược đền đài và một khu bí ẩn đóng kín với các cửa bằng đồng có niêm phong là nơi yên nghỉ của hoàng đế. Không gian của lăng Gia Long không dừng lại trong một khu tường thành. Hàng rào của nó là chân trời kỳ diệu với núi non đàng xa, xứng đáng với vị vua chiến sĩ. Lăng Minh Mạng thật dụng công, nhưng phần lớn vẻ đẹp của nó nhờ vào phong cảnh sẵn có. Lăng Tự Đức làm nghĩ đến một công viên khéo bảo trì, Thiệu Trị chừng mực hơn, còn lưu giữ nhiều đồ thất bảo đẹp ở lăng mình. Lăng Khải định lại khác hẳn”(4). Lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn được các nhà nghiên cứu đánh giá là các kiệt tác kiến trúc phong cảnh của Huế. Đây là những địa chỉ du lịch hấp dẫn không chỉ về kiến trúc cảnh quan mà còn là nơi du khách tìm hiểu khám phá về nơi yên nghỉ của các vị vua triều Nguyễn.

Du khách thập phương một lần ghé thăm Cố đô Huế đều không khỏi ngỡ ngàng và không tiếc lời ca ngợi về một nét đẹp Huế xưa. M.A.Auvray đã đưa ra lời nhận xét về xứ Huế: “Đó là xứ Huế, chốn kinh đô với những chợ búa đông đúc, những di tích lịch sử hiếm có và những vùng quanh thành có cảnh đẹp như tranh”(5). Huế vốn là nơi quy tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng ngôi chùa xưa nhất có lẽ phải kể đến chùa Thiên Mụ - nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong. Chùa Thiên Mụ vốn có từ lâu đời, vào buổi hừng đông của xứ Thuận Hóa. Theo mô tả của A. Bonhomme về việc chúa Nguyễn Hoàng đi dò long mạch “không một hòn núi nào mà ngài không đặt chân đến - không một dòng sông nào mà ngài chẳng lưu tâm” để rồi tìm ra thế đất tốt của đồi Hà Khê và lập chùa Thiên Mụ trên ấy, dẫn đến sự ra đời của những câu chuyện được dân gian thần bí hóa như: “Khi chùa xây xong chưa bao lâu thì có một con rùa khá lớn từ dưới sông Hương bò lên đồi Hà Khê để vào khuôn viên chùa cư trú và mỗi lần khát nước rùa lại bò về hướng hồ nước sau chùa để uống, dần dà rùa đã làm đổ hàng rào (La thành cao 2,30m) phía sau chùa. Con rùa kỳ quặc trên đã bị sét đánh trong một cơn giông hãi hùng và bị hóa đá tại chỗ, đến nay vẫn nằm đó”(6). Những câu chuyện kỳ bí như vậy vẫn được người Pháp ghi chép lại thu hút sự quan tâm của tất cả các du khách mỗi khi đặt chân đến chùa Thiên Mụ.

Cũng phải nhắc đến Thuận An và Ngự Bình như những điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Huế. Các tác giả người Pháp trong dự án quảng cáo cho du lịch Huế bên cạnh việc dày công giới thiệu các địa danh và công trình kiến trúc ở Kinh thành đã không quên nhắc đến biển Thuận An trong chuyên mục “Huế đẹp” như những thành tố tạo nên sự đa dạng cho du lịch và làm điểm nhấn cần khám phá trong chuỗi hành trình khi du khách đến Huế(7). Bên cạnh đó, núi Ngự là thắng cảnh thuộc vào hàng số một của xứ Huế. Vương triều Nguyễn khi xây dựng Kinh thành Huế đã chọn núi này làm tiền án của hệ thống phòng thành đồ sộ, kiên cố nên đổi tên Bằng Sơn thành Ngự Bình. Nhắc đến sông Hương là người ta nghĩ ngay đến núi Ngự, và khi nghe đến núi Ngự, người ta liên tưởng đến sông Hương; núi Ngự và sông Hương đã dần đi vào đời sống văn hóa của người dân xứ Huế(8).

Qua những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, tài nguyên du lịch của Huế đã được người Pháp nhận biết và phát huy giá trị ngay từ những năm đầu thế kỷ XX. Do vậy, “Du lịch trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam với nhiều nền văn hóa trên thế giới”(9). Hội Những người bạn Cố đô Huế đã quyết tâm triển khai các chương trình, các chủ trương lớn vừa phục vụ công cuộc bảo tồn vừa phát triển du lịch, làm phong phú hơn các loại hình du lịch nhằm thu hút du khách đến nhiều hơn, lâu hơn với Huế. Tập san BAVH đã làm cho người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp phong cảnh Huế mà còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm khi thực hiện một chuyến tham quan du lịch đất Huế. Và qua đó, chúng ta một lần nữa khẳng định rằng, Hội Những người bạn Cố đô Huế là hội tiên phong và có những đóng góp lớn đối với sự phát triển du lịch Huế đầu thế kỷ XX.

T.V.D - T.T.T.N
(SH299/01-14)


-------------------------
1. R.Orband (1998), “Dự án quảng cáo du lịch”, BAVH, tập 4, 1917, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 15.
2. R.Orband (1998), “Dự án quảng cáo du lịch”, BAVH, tập 4, 1917, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 16 - 17.
3. A. Sellet (2003), “Tài nguyên du lịch (xứ An Nam)”, BAVH, tập 18, 1931, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 81.
4. A. Sellet (2003), “Tài nguyên du lịch (xứ An Nam)”, BAVH, tập 18, 1931, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 82.
5. M.A.Auvray (2006), “Mười tám tháng ở Huế những ấn tượng và kỷ niệm”, BAVH, tập 20, 1933, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 291.
6. A. Bonhomme (1999), Chùa Thiên Mẫu - Lịch sử, BAVH, tập 2, 1915, Nxb. Thuận Hóa.
7. E. Gras (2002), “Huế đẹp: Thuận An”, BAVH, tập 10, 1923, Nxb. Thuận Hóa, tr. 405 - 423.9
8&9. Trần Viết Nghĩa (2010), “Du lịch Việt Nam đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 26, tr. 164.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng