Giá sách Sông Hương
Biển đảo quê hương
Về với biển
09:36 | 26/09/2013

TỪ NGUYỄN

Chúng tôi về biển Cửa Việt vào một ngày gần cuối tháng Tư. Nơi dừng chân trú ngụ là khách sạn Tùng Việt, một khách sạn tư nhân gọn gàng, thoáng mát, tọa lạc trong một khu đất rộng rãi, hướng mặt ra bãi thuyền đánh cá vùng bãi ngang Cửa Việt - Gio Linh. Từ phòng nghỉ, lúc sáng sớm và chiều tối, dù đóng kín cửa, vẫn có thể nghe rõ tiếng sóng vỗ bờ và hàng phi lao chắn biển ru, reo…

Về với biển
Bãi biển Cửa Việt - Ảnh: internet

*
Đoàn có 10 người, công tác từ nhiều ngành nghề, phần lớn đã nghỉ hưu, một số ít đang tại chức, là hội viên Hội Nhà văn tỉnh Thừa Thiên Huế và cùng tham gia Trại Sáng tác Văn học do Hội Nhà văn tỉnh tổ chức.

Trái với lệ thường, năm nay, Hội Nhà văn “đột phá”, mở trại sáng tác ra ngoài tỉnh và điểm đến là tỉnh Quảng Trị - một vùng đất được mệnh danh là “đất lửa”, “đất thép” của miền Trung trong cuộc kháng chiến vừa qua của dân tộc. Một điểm đến hoàn toàn không ngẫu nhiên mà là một sự “tính toán” rất “đắt” của Hội Nhà văn tỉnh: tháng Tư, với cả nước là tháng kỷ niệm 38 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Với riêng Quảng Trị, tháng Tư này là một tháng đặc biệt, kỷ niệm nhiều sự kiện lớn và thiêng liêng. Mảnh đất Quảng Trị nhỏ bé, nơi anh dũng quật cường chống trả và tấn công kẻ địch và là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến những ba năm! Những ngày này, đi đến đâu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mọi người đều nhìn thấy một không khí sôi nổi, màu sắc rực rỡ của băng rôn, cờ và người dân Quảng Trị rộn ràng mừng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng quê hương.

Khởi hành từ thành phố Huế lúc 6 giờ, xe vòng về Thành Cổ và chúng tôi được ngồi bên dòng Thạch Hãn, vừa nhâm nhi ly café vừa ngắm dòng sông thiêng của Quảng Trị, phóng tầm mắt sang bên bờ Bắc, dõi nhìn Bến Thả hoa vốn chỉ mới được nhìn thấy trên sóng truyền hình. Dòng sông lặng lờ trôi, êm đềm soi bầu trời tháng Tư xanh biếc. Dăm con thuyền neo đậu bên sông, vài lá thuyền con xuôi mái chèo dần dà, thư thả trôi về phía hạ lưu. Các thành viên trong đoàn chúng tôi, người thì trầm ngâm lặng ngắm dòng sông, người nhắc lại những sự kiện từng diễn ra ở con sông nổi tiếng này. Riêng tôi, bồi hồi nhớ lại ngày còn là sinh viên đã từng đến đây tham gia đào đắp công trình thủy lợi bên dòng Thạch Hãn. Những tháng dài ngủ trong các lán trại đơn sơ gần Thành Cổ, kỷ niệm xưa gian khó, những niềm vui và cả nỗi phập phồng sợ hãi về những quả M79 còn sót lại đâu đó trong lòng đất, có thể là ngay dưới mỗi nhát cuốc của bạn bè tôi. Thầm hỏi chỗ xưa mình đứng chờ bạn cuốc đất lên để gánh đi là ở đoạn nào? Hay có khi, chính là ngay chỗ mình đang đứng lúc này đây nhỉ? Mấy mươi năm qua rồi, vật đổi sao dời, nhà cửa, phố xá đều đổi thay, dù dòng sông chứng nhân vẫn đó, thì cũng khó để phân định rạch ròi một điểm đã đến từ thời mười tám đôi mươi - một vùng ký ức đã mờ theo bước thời gian…

Rời Thành Cổ, xe chở đoàn chúng tôi theo Đường 9 lên Khe Sanh, đến Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Dòng sông Dakrong mùa này trong veo, hiền lành đến lạ. Ngay cả những đoạn ghềnh đá lô nhô thì chút cuộn trào, sủi bọt cũng chẳng còn bóng dáng của một dòng sông vốn có tiếng dữ dội của núi rừng Quảng Trị trong những mùa mưa. Len lỏi qua đá, ghềnh, cây rừng, dòng sông uốn khúc, quanh co, ôm dưới chân dãy đồi núi nhấp nhô của Hướng Hóa, Khe Sanh. Đường trưa khá vắng vẻ, thi thoảng mới trông thấy vài người phụ nữ Vân Kiều đi bộ trên đường. Những mái nhà sàn của người dân tộc xen lẫn kiểu nhà truyền thống của người Kinh thấp thoáng bên đường, trên mấy ngọn đồi, nép dưới bóng những tàng cây im mát. Khu di tích sân bay Tà Cơn với Nhà Bảo tàng được kiến trúc theo mô hình nhà rông của dân tộc miền núi, khu trưng bày mở với khuôn viên rộng, thoáng, bao gồm những chiếc máy bay trực thăng UH-1, máy bay vận tải hạng nặng C130, máy bay Chinook của một thời chiến tranh đã lâu không nhìn thấy; những công sự kiên cố, hầm hào; những chiếc xe tăng, những khẩu đại bác và những vỏ bom, đạn được bảo quản khá tốt để giới thiệu cùng khách tham quan… Tất cả, cùng với ánh nắng ban trưa rực rỡ, bầu trời xanh ngăn ngắt, mây trắng bềnh bồng, nền đất đỏ bazan, dãy Trường Sơn xanh thẳm đã để lại những ấn tượng khá sâu đậm trong lòng nhiều thành viên của đoàn, qua những lời chia sẻ, chuyện trò - dù tùy hoàn cảnh, góc độ quan sát, tiếp cận mà có những tâm cảm riêng.

Cũng trong buổi trưa này, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều đoàn khách đến từ nước ngoài ghé tham quan nơi đây. Họ say sưa, thích thú chụp ảnh phong cảnh và những hiện vật của một cuộc chiến tranh đã qua.

Xe đưa chúng tôi quay trở về theo đường Hồ Chí Minh, ngang qua Cam Lộ, xuôi về Cửa Việt. Một loạt di tích mang tên những cứ điểm quân sự vang danh một thời xuất hiện trên các biển báo chỉ dẫn bên đường với mật độ khá dày đặc. Điều đó lý giải vì sao cả nước ta, chỉ có Quảng Trị là tỉnh duy nhất sở hữu loại hình du lịch phi quân sự, DMZ (Demilitarized Zone) - một loại hình du lịch khá độc đáo và thu hút nhiều khách tham quan, trong đó có nhiều cựu binh Mỹ tìm đến, ôn lại ký ức xưa.

Lần đầu đến Cửa Việt, khách sạn lại gần bên bờ biển, người yêu biển và thích chụp ảnh biển như tôi xem như được một dịp may. Đêm. Đứng trước tiền sảnh của khách sạn, nghe tiếng sóng biển ầm ào. Đằng sau hàng phi lao đen thẫm kia, biển đang réo gọi ai vậy nhỉ? Bồn chồn như vậy suốt đêm sao, biển ơi?

*

Tinh mơ, chợt tỉnh. Xem đồng hồ: mới 4 giờ hơn. Còn quá sớm. Chợt nhớ ra: biển đang ở ngoài kia, vậy là vội choàng dậy.

Con đường ra bãi biển thật ngắn, có lẽ chưa đến trăm mét, lên hết con dốc, biển lờ mờ hiện ra cùng những con thuyền nhỏ nằm nghếch cổ, hướng về biển khơi. Bóng nhiều người đi đi lại lại trên bờ biển, quanh những con thuyền, khá là lặng lẽ. Sóng ào lên, liếm láp bờ mai. Quay lại nhìn phía khách sạn: chưa một bóng người quen nào ra biển sớm. Có chút ngần ngại rồi cả quyết bước xuống bãi cát. Hóa ra đâu phải chỉ có mình, thấp thoáng dưới mép sóng, trong ánh sáng lờ mờ buổi đầu ngày mấy bóng phụ nữ đang đi ngược lên. Thầm nghĩ: phụ nữ vùng biển dậy sớm, tắm biển cũng sớm ghê ấy chứ!

Ngang qua tôi, họ dừng lại chào. Bắt chuyện làm quen, được biết họ là những người dân sở tại - xã Gio Hải, thuộc huyện Gio Linh. Từ cuộc trò chuyện ngắn mới vỡ lẽ rằng họ không phải đi bộ thể dục, cũng không đi tắm biển sớm như tôi nghĩ mà là xuống bờ giúp chồng đưa thuyền xuống nước, “vượt dốc” ra khơi. Ngạc nhiên quá nhưng rồi nhanh chóng được “kiểm chứng” ngay sau đó khi tiến về phía mép nước, nơi cả dãy dài những con thuyền chờ “hạ thủy”. Trời sáng dần, bãi biển cũng có vẻ rộn ràng, sôi động hơn, dù vẫn chỉ có những ngư dân và vợ, con của họ, không có bóng khách du lịch nào, ngoài tôi.

Bên mỗi con thuyền chuẩn bị ra khơi đều có một người phụ nữ. Họ bên nhau, xỏ đòn, kê vai cùng gánh, vần xoay con thuyền từ chỗ đậu ra sát mép biển. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn tận mắt, thật gần cách thức đưa một con thuyền đánh cá xuống biển. Thật nhịp nhàng, thuần thục, chồng một bên, vợ một bên, vai gánh, chân bước, xoay con thuyền từ lái đến mũi rồi đi ngược về phía bờ, xoay thuyền từ hướng mũi theo chiều ngược lại. Ở chiều nào, người chồng cũng đi trước, người vợ bước theo sau. Cứ thế cho đến khi bỏ lại đằng sau những vòng bán nguyệt đều tăm tắp, những vết xoay tròn hằn sâu xuống bờ cát mịn, con thuyền nằm nửa trên nửa dưới mép nước. Ở đó, họ dừng lại, cả hai cùng đi ngược lên bờ, nơi cất giữ lưới sau chuyến đi biển của ngày hôm trước. Cả hai cùng kéo mấy bọc chứa lưới nặng trịch xuống tận con thuyền, sau đó lại cùng nhau loay hoay kiểm tra lưới, đổ xăng dầu vào hộp máy. Mọi việc hoàn tất, họ lại kê vai vào chiếc đòn gánh xâu dưới mạn thuyền, dồn hết sức, đẩy mạnh con thuyền xuống hẳn dưới nước, vượt qua dốc sóng. Lúc con thuyền chòng chành trên ngọn sóng, cánh quạt của bánh lái đã không còn vướng vít trong lớp cát ven bờ, người chồng níu vào mạn, nhảy lên thuyền, nổ máy, vượt qua sóng biển rồi thẳng tiến ra khơi. Từ chỗ đưa con thuyền xuất phát, người vợ đứng trông theo một lúc, cúi xuống khoát nước biển rửa tay, hụp mình xuống làn nước biển trong vắt, quay lại, chậm rãi bước lên bờ. Rời biển, chị trở lại nhà, dọn dẹp nhà cửa, lo cho con cái ăn uống, đến trường rồi chợ búa, chuẩn bị sớm bữa cơm trưa trước khi thuyền đánh cá trở về. Khoảng 11, 12 giờ trưa họ lại trở ra biển đón chồng, bán cá vừa đánh bắt được mang về, hoàn tất một buổi làm nghề trong ngày biển đẹp.

Không phải chỉ một, hai trường hợp mà mấy chục chiếc thuyền ra khơi đánh bắt cá gần bờ ở các xã Gio Việt, Gio Hải của Gio Linh hầu hết đều như thế cả. Mỗi gia đình một con thuyền đánh cá. Mỗi sáng các cặp vợ chồng trẻ, trung niên sống bằng nghề đánh bắt hải sản, dù là cá, cua, mực, ghẹ,… đều ra biển và thực hiện nghi thức trên, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và cả đời này sang đời khác. Thi thoảng gặp những ngày ốm đau, bận việc không phụ được chồng thì các cô con gái lớn thay mẹ phụ với ba. Trường hợp bất đắc dĩ, họa hoằn lắm thì người chồng làm tất cả một mình hoặc có các bạn thuyền khác ghé vai giúp sức. Tôi đã thử hỏi han, trò chuyện với những người phụ nữ miền biển vui vẻ, cởi mở trên bờ biển sáng hôm ấy và cả những hôm sau nữa - vì hầu như sáng nào tôi cũng ra biển sớm, gặp gỡ họ, đến thành quen - được biết tên, hiểu thêm về công việc, gia cảnh, tâm tình và cả những ước mong của họ. Các chị Thúy, Hoa, Dần… mà tôi biết - những người phụ nữ miền biển da dẻ sạm nắng, thân hình rắn chắc, gương mặt không bợn nét ưu tư, không một lời than thở, lúc nào cũng nở nụ cười vui hồn hậu khi tôi hỏi chuyện - dù sáng sáng chung vai chia sẻ phần nặng nhọc cùng chồng, làm những công việc mà người phụ nữ vùng biển nơi khác không hề phải gánh vác. Họ yêu biển, gắn bó với biển, với nghề đánh bắt cá của gia đình nhưng cũng rất biết vun đắp những ước mơ xanh cho con cái họ. Hầu hết con cái các chị đều được lo cho ăn học tử tế, người có con học Đại học Bách Khoa, Cao đẳng Kỹ thuật điện Đà Nẵng, Đại học Nông Lâm Huế, THPT tại thành phố Đông Hà… Khi được hỏi người kế nghiệp tương lai nghề biển các chị đều chung câu trả lời là để tùy con cái quyết định. Mong con học thành tài, có nghề nghiệp khác nhưng nếu chúng yêu biển, thích nối nghề của bố thì cũng vẫn cứ là một điều hay. Cũng trên bãi biển này, trong mấy ngày cuối tuần, tôi gặp cậu sinh viên đang học năm thứ nhất trường Đại học Nông Lâm Huế về nghỉ lễ theo bố đi biển. Một thế hệ mới lớn lên từ sự chăm chút của gia đình để tạo dựng một tương lai khác nhưng vẫn yêu và gắn bó với biển những khi có thể. Nhìn cậu bé sinh ra lớn lên từ miền biển, dáng cao lớn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát với nụ cười làm bừng sáng cả khuôn mặt khi tôi đưa máy ảnh lên nhắm chụp, lòng bất chợt rộn vui. Giá như có thật nhiều những cậu bé như thế và ít đi chuyện thanh niên hư hỏng, ăn chơi lêu lổng, phá gia chi tử, “đập đá”, vung tiền rải khắp thiên hạ mà báo chí vẫn thường đưa tin thì đất nước này hạnh phúc biết bao nhiêu. Tội phạm sẽ ít đi, con người sẽ không phải đau lòng, bất an khi phải chứng kiến nhiều chuyện thương tâm, ngang trái và cả những nhố nhăng từ đâu đó, mỗi ngày.

Đi qua nhiều bãi biển miền Trung, từ Phan Thiết, Quảng Ngãi, Quảng Nam và cả quê hương tôi, Thừa Thiên Huế nhưng phải đến bờ biển Cửa Việt, lần đầu trong đời tôi mới được biết thêm nét sinh hoạt đặc trưng và vẻ đẹp toát lên từ cuộc sống của người làm nghề đi biển nơi đây. Ngẫm thấy thấm thía lời đúc kết cha ông để lại, câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” thật chính xác và gần gũi đời thường với vùng đất bãi ngang Cửa Việt - Gio Linh.

Sáng mai, mặt trời sẽ lại nhô lên từ biển để thắp sáng cho ngày và trong ánh sáng trong trẻo của buổi tinh mơ, những con thuyền sẽ lại được đưa xuống nước, vượt sóng ra khơi bằng những bàn tay, bờ vai chồng, vợ. Một sự khởi đầu tưởng chừng bình thường, giản dị nhưng lại lan tỏa trong không gian miền quê Quảng Trị những vòng sóng ấm áp của tâm hồn.

Tôi yêu thêm biển, yêu thêm những con người của sóng gió hồn hậu nơi đây vì từ sâu thẳm tâm tư mình, đã bắt được những vòng sóng nồng ấm ấy…

T.N
(SH295/09-13)







 

Các bài mới
Tình biển (30/09/2013)
Các bài đã đăng
Cô Tô không xa (18/09/2013)