ĐOAN THIẾU HUYỀN
Tùy bút
Tôi sinh ở nơi không có biển, mà thuở khốn khó tuổi thơ chỉ quanh quẩn sau lũy tre làng, lớn lên đi học được nghe giảng đất nước ta rừng vàng biển bạc.
Đằng đẵng bao nhiêu năm hết thời niên thiếu mới được ra với biển bằng “hành trang” ba lần đuối nước gần chết và những giấc mơ bị nước bủa vây vẫy vùng mịt mùng ngột ngạt, tỉnh giấc trán toát mồ hôi hột và đau quặn dạ dày, tim như trống trận. Nhưng, “hành trang” ấy cũng đã có một sức bơi vượt qua con sông rộng hơn trăm mét. Đôi chút tự tin như cậu bé đút túi mấy hào bạc lẻ đi chợ chiều ba mươi Tết mua vài quả pháo tép...
Thế rồi biển của những kỳ nghỉ, của sóng xô bờ cát, những muốt mịn đùi non và những hào hứng mãn nguyện của nghỉ ngơi thưởng thức. Xa xa ký ức là những câu chuyện văn học, gần hơn là những thước phim - sóng to sóng nhỏ dào dạt ầm ào - nhưng thế nào thì biển cũng chỉ làm nền cho nhân vật (hoặc có thể là nhân vật mang tính biểu tượng) rồi thì rút tỉa từ đó cho ra chút xíu ý nghĩa để rồi huyễn hoặc: Ta - kẻ đã rình được ý nghĩa…
Nếu mãi như thế cho đến hết đời thì cũng có thể làm được đôi ba cái kết luận về biển, về sinh tồn, về vẻ đẹp... bét nhất cũng có thể cất lên một câu thơ khi thù tạc. Thì cũng chả sao; không ai trách gì; yên tâm mà sống; và đời ơi đâu có gì đen tối, ta vui sống và gầy dựng những vẻ đẹp lớn từ những vẻ đẹp con con...
Nhưng.
Một hôm...
Tôi nhận được cú điện thoại hỏi: Có ra với biển, với đảo, với Trường Sa không?
Không đắn đo, tôi trả lời: Có.
Họ bảo: Bộ Tư lệnh Hải quân mời nghệ sĩ đi sáng tác.
Thủ tục: báo tên, cơ quan.
Không cân nhắc nữa. Tôi đáp ứng luôn.
Và chờ...
Cũng không sốt ruột, vì cũng biết rõ ra thăm Trường Sa chỉ có thể vào mùa biển lặng.
Lại nữa, để tổ chức những chuyến đi dân sự bao giờ cũng cần một khoảng thời gian để sắp xếp.
Khi này, ở xứ Bắc vẫn là tiết trời của mùa cưới cuối (mùa cưới thường được tính từ tháng tám âm lịch của năm trước), thường chỉ dành cho những đôi xem tuổi, “sét đánh”, và phần nhiều vì bị “lỡ kế hoạch”. Và lễ hội dềnh dang cũng đã vào cuối vụ...
Năm nay cũng lạ, cái lạnh còn se mà cứ có cảm giác ngấp ngó ở đâu đó rất gần những cơn nóng vội chỉ chực chờ ồ ập gọi ve về tấu nhạc động mùa một cách bất thường.
Nhận được giấy báo ngày, tôi sắm một chiếc mũ vải con màu xanh bộ đội, và sắp xếp kế hoạch gia đình, cơ quan.
Ai hỏi gì cũng bảo: Tôi sắp đi Trường Sa rồi đấy. Đôi khi hơi cười. Đôi khi làm bộ nghiêm trọng. Người đón thông tin bao giờ cũng như hơi ngỡ ngàng (dù rất sâu kín), lại tuồng như thể một “nhân ái” theo kiểu tinh tế trong ứng xử (Tuồng như ý nghĩ: À, nơi đó đang là tuyến đầu, nơi linh thiêng của Tổ quốc, nơi hiểm nguy và vất vả - Đi về nơi ấy là đáng nể rồi...); rồi thì như thể, có cơn giận gì hay không hài lòng cũng đột như thu ngay lại - ồ, nơi ấy biên cương, hãy dịu dàng và trân trọng...
Nhiều năm nay, Nhà nước, các cơ quan truyền thông liên tục nói về Trường Sa, Hoàng Sa, cho nên ngay từ các em nhỏ cũng đã có trong vốn từ chưa đầy đặn của mình tên hai địa danh thiêng liêng đó. Văn nghệ cũng nhiều tác phẩm trực diện về hai nơi đó... Trong huyết quản mỗi người dân Việt bây giờ vùng biển đảo ấy mỗi khi vang lên lại thấy một gì như ứ đầy nghèn nghẹn, như dòng chuyển lưu, và thiêng liêng như nghĩ về thân nhân ruột thịt.
Tôi chuẩn bị đi về một nơi như thế.
Và, trời tháng ba, xứ Bắc vẫn còn se se đêm chúng tôi lên tàu dịch chuyển vào phía Nam để nhập đoàn thành phố Hồ Chí Minh ra với Trường Sa.
Trong tiếng sình sịch, của đêm, của sự lao đi trước nhiều thứ đứng lại, của tưởng tượng biển khơi, của ký ức đuối nước, tôi nhìn sang bạn đồng hành, loáng qua dòng ánh sáng đèn đường, rõ ràng không có giấc ngủ, một suy tư, không, đúng hơn chỉ là nghĩ ngợi, mà gì đó chắc không thuộc về vấn đề đau khổ, nhưng không vui tươi, tôi lờ đi cho bạn, cho tôi có cái phút đường dài một mình một cách tuyệt đối, như mấy mươi năm một thoáng nhìn sâu...
Chạm đèo Hải Vân vào ban ngày, chúng tôi xuống căng tin nhà tàu, và nơi đó chúng tôi thấy độ cao của núi và biển, sóng vỗ ghềnh đá không nghe thấy nhưng cứ như bên tai, một ào ạt âm vang, tôi được nghe em buột thoát rằng em ghét nước, ghét biển... vậy mà bây giờ em đi về phía biển, sống với biển nhiều ngày... chỉ vì... nơi ấy là Trường Sa.
Chúng tôi huyên thuyên với nhau về tuổi thơ, về những giấc mơ, nghệ sĩ, đường phố, đồng bằng, núi non, những cuộc đi cho những vùng đất lạ thêm dấu chân và vài ba kinh nghiệm âm mưu sâu sắc cho trang viết... trong ánh ngày loang loáng vạn vật trôi qua ngoài cửa tàu, và thời gian của những lúc không sự kiện.
Trưởng bếp ăn trên tàu biết chúng tôi là nhà văn đi Trường Sa đã cho chúng tôi được ngồi căng tin cả buổi - và anh em nhà tàu, đôi khi họ lắng cùng câu chuyện, như mơ màng có đôi lúc tôi tưởng đoàn tàu im lặng đi trong mây...
Sài Gòn không có khí lạnh.
Áo khoác của chúng tôi thành phiền khi bước khỏi nhà ga, và rồi nơi quán cà phê đợi trời sáng chúng được nhét vội vào trong va li. Ở lại nơi đây - Sài Gòn hoa lệ - một ngày - mai chúng tôi sẽ ra khơi - ra với Trường Sa...
Là người Bắc, chúng tôi gắn với sông Hồng và các sông nhánh của nó, hầu như có chung một đặc điểm: đậm phù sa - nước lớn theo mùa - không dài rộng mênh mang - trầm lặng (ít nhất là ấn tượng như vậy khi đi trên sông). Bây giờ đi trên sông Sài Gòn (để ra Trường Sa đoàn chúng tôi đi từ hướng này) mới thấy sông nước nơi đây khác hẳn: mênh mang, nhộn nhịp tàu bè ngược xuôi; dầm mình ven sông là những dừa nước, mắm, đước... mang lại cái cảm xúc thiên nhiên bí ẩn, con người bé nhỏ, trật tự sinh tồn là chung sống hòa bình nương dựa lẫn nhau, không phải cứ là con người thì có thể tranh đoạt triệt để được sự sống với các loài khác...
Sông Sài Gòn, cái mênh mang nhiều nước ấy, gợi một câu hò, như tiếng xuồng máy, hay lục bình trôi theo ánh nước bắt màu dần ra cửa bể.
Đoàn TP. Hồ Chí Minh là đoàn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nên đầy đủ các thành phần. Chúng tôi, hai nhà văn, bốn hoạ sĩ, một viết kịch, lại đều xứ Bắc như có gì hơi “chênh” - ít nhất từ giọng nói, cảm nhận mùi gió và ấn tượng về sông... Nhưng, chúng tôi là nghệ sĩ sáng tác, chúng tôi nói với nhau vừa đủ, trên khoang thượng, nằm võng, chúng tôi nhìn về hai bờ sông, khi thì cây, khi thì nhà máy, cao ốc xa xa... chúng tôi nghĩ về sự sống, những tiếng trẻ thơ và bao con muỗi rừng, về chiến tranh tàn khốc đã từng xảy ra trong bạt ngàn miên man xanh kia. Rồi, tôi đưa mắt về phía trước, nơi ấy là biển, mọi sự khốc liệt vẫn đang hàng ngày. Em theo mắt, hướng tâm và im lặng, lòng kẻ viết chắc một nhịp cho quê hương đất nước hay chút nặng lòng lo lắng mộng bình yên...
Nước sông không gây sóng lắc con tàu. Tốc độ như du thuyền. Êm đềm như một hành khúc đoạn ngân.
Theo dõi dòng sông chúng tôi biết gần xa biển thế nào qua màu nước. Biển và sông, chúng cùng chứa nước, mà vị, mà màu lại khác xa nhau. Thế con người thì thế nào? - Thì cùng là người có chung cấu trúc sinh học (thụ thai và sinh nở khi kết hợp dẫu không biết tiếng biết nguồn) nhưng họ cũng quá khác nhau - Nơi này nơi kia bom rơi súng nổ cướp đoạt sinh mạng - nhân quần chưa thể đến được ngày bình yên vui hưởng thái bình…
Đi về phía biển lớn, chúng tôi đi không như công việc mưu sinh, cũng không phải nhà thám hiểm, mà đi như một thúc bách, một trách vụ công dân với hy vọng góp một chút mình bên các anh ngoài đó, nhỏ nhoi thôi, có khi chỉ một hơi ấm, tin yêu, đồng cảm, hay đơn giản hơn, chỉ “tải” cái hơi đất liền cho các anh đỡ thèm nơi chân liền ra đi làm nghĩa vụ với đất nước, để mà trời liền sóng các cơn bão tố đi qua chắc tay mạnh chân cắm hình trên biển đảo; cũng là một chuyến đi nhìn, kiểm chứng lòng mình khi xa đất liền đến thế cảm giác ra sao, nghĩ về Tổ quốc thế nào, và cũng nhận mặt bọn đó cho rõ, không mơ hồ trong ý niệm sinh tồn, mà thực tồn - rằng nơi đây đang là tiền đồn giữ cho sau lưng kia cộng đồng có cùng huyết thống, tiếng nói, chung tay, văn hóa… Nhưng chung quy cũng chỉ là để “thực hiểu”, và, cũng giản dị thôi, như một cắt nghĩa chính riêng tư với cộng quần, cho ngày sau những thấu triệt nốt một hướng nhìn.
Có đi từ sông ra biển với tốc độ chậm như của du thuyền mới thấy hết cái nhập hòa sông sông biển biển. Mầu sông mầu biển cứ chen vào nhau, loang vào nhau, gắn kết nhau như đôi tình nhân trong cơn hiến sinh luôn muốn tận hiến mà chẳng thể diệt mình cho vô tăm tích - dù hoan ca bất tận là cơn hứng phóng đỉnh điểm thì sông vẫn sông biển vẫn cứ biển như đàn ông vẫn nguyên vẹn đàn ông đàn bà vẫn nguyên vẹn đàn bà trước, trong, sau một cuộc giao hoan…
Cho đến khi mệt mỏi quan sát, mà chưa kịp phát hiện, bỗng dưng sông mất tích và chỉ còn duy nhất là biển, thì không nghĩ ngợi được gì - ào tung một phấn hứng - ôi biển với mênh mông vô tận của tính chất đại dương,
Và, đúng vào khi ấy, cũng thật ngạc nhiên, vừa vặn lúc tắt ánh ngày.
Sẫm, sẫm đen, rồi chỉ đen, cũng là lúc hoàng hôn chấm hết để đi vào thẳm sâu biển đêm. Trước lúc đó chỉ đúng ba mươi giây, tôi nghe bên cạnh, trên khoang thượng gió bắt đầu lộng - tiếng anh hoạ sĩ già to như một con tượng nói với anh bạn hoạ sĩ nhỏ như một con dê đang đứng kế bên: Cậu thấy không, với biển, con người thật nhỏ bé, như không tồn tại, như vô tăm tích…
Chỉ đến đấy, biển sập cửa. Bóng đen bao trùm.
Có một kết luận tạm: Ở biển - đêm xuống thật nhanh - chỉ phập một cái, thế là hết ngày sang đêm.
Chúng tôi mắc võng trên khoang thượng để ngủ đêm. Cảm nhận biển qua gió chứ nhìn ra chỉ mịt mùng một màu đen kể từ ranh giới ngắn ngủi của ánh sáng con tàu. Gió lộng, nhịp tàu lắc lư, vài tiếng nhỏ nhoi trò chuyện, rồi, giấc ngủ ôm trùm giữa bao la mênh mông của biển…
Hôm sau.
Chúng tôi cập đảo Trường Sa.
Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thị trấn huyện đảo ra tận con đường dẫn vào thị trấn đón đoàn.
Nắng đã dọi.
Găn gắt.
Mồ hôi.
Gió biển không làm khô được những vệt chảy trên mặt.
Tiến ngay về phía cột cờ, chúng tôi cùng chiến sĩ và nhân dân Trường Sa làm lễ chào cờ.
Trong ký ức, tôi không còn nhớ lần đầu tiên mình chào cờ là như thế nào. Chỉ rõ nhất, khi lên Thủ đô đi ra Quảng trường Ba Đình dự lễ chào cờ buổi sáng. Ấn tượng: vẻ thanh khiết của buổi sớm với gió nhẹ, phớt hồng bình minh, và, trước một ngày mới trong đầu chưa bị nhồi nhét gì nhiều… một tính thiêng đã ngân từ từ, rất nhẹ, rất khẽ, rồi tràn ngập…
Tôi biết, lần chào cờ này cũng sẽ để lại một ấn tượng không phai.
Nơi cột cờ một chiến sĩ trong trang phục hải quân bồng súng đứng gác. Trên đầu anh lá cờ phần phật bay trong gió. Mới hơn bảy giờ mà nắng gay gắt. Mồ hôi bắt đầu rịn. Đảo trưởng báo cáo và mời cấp trên chủ trì buổi lễ chào cờ.
Sự khác biệt mà tôi thấy là cách các anh đọc vang 10 lời thề quân nhân - nó âm vang, rắn rỏi, như gửi vào những lớp sóng ngoài kia gửi vào đất liền, truyền lan trong lòng Tổ quốc - nó cũng như gửi xa, vượt muôn trùng sóng vỗ tới mọi người, tới thế giới, rằng, là người Việt Nam quyết không bao giờ lùi bước, quyết sống còn bảo vệ cho trọn vẹn cương vực lãnh thổ của đất nước, dân tộc, quyết không cúi đầu khuất phục bất kể thế lực ngoại bang nào…
Lưng áo mồ hôi dưới nắng bắt đầu thấm loang, tôi ngỡ ngàng trước những bước đi đội ngũ của các lực lượng vũ trang trên đảo đang duyệt binh trước lá cờ. Cảm nhận trọn vẹn cái hùng tráng, tự hào, vẻ đẹp khỏe khoắn, tự tin, sự khẳng định chắc nịch sức mạnh của quân dân biển đảo Trường Sa và cũng là của cả xứ sở Việt Nam yêu dấu từng muôn đau thương mới có được chút hòa bình và bây giờ quyết tâm giữ nó cho bền chắc, cho rõ ràng một bản sắc, một văn hóa, một truyền thống, một ý nghĩa cho hiện hữu tồn sinh…
*
Đảo Trường Sa cũng chính là thị trấn huyện đảo cho nên cơ quan hành chính, chính quyền được cơ cấu và làm việc theo đúng quy định của hiến pháp và pháp luật. Cơ ngơi công sở đã khang trang và điều kiện làm việc đã thuận lợi. Vị chủ tịch thị trấn thật ít nói, mà như cho thấy một ý chí, một kiên định không gì lay chuyển - anh như biểu tượng cho đời sống dân sinh với sức mạnh tiềm tàng của huyện đảo nghìn trùng…
Là một huyện, thị trấn, thì đương nhiên phải có mọi sinh hoạt của đời sống: trường học, bệnh xá, nơi thờ cúng tâm linh… Tiếng chuông chùa thoảng vào thinh không mang theo lời cầu nguyện cho đất nước bình yên; khói hương theo gió gửi về nơi thánh thần ước nguyện thiện lương, dân tộc hòa hiếu. Trên cao xanh, cũng một chủ quyền, như chứng cho dưới này biển, đảo, con người đang củng cố một thế đứng điềm tĩnh mà quyết liệt, và thân quen biết bao cái mùi hương linh thiêng, tưởng nhớ, hướng về, thanh sạch, thuần khiết cái giá trị tinh thần.
Ở phía mép đảo có mộ các liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, đoàn công tác muốn tới đó cắm hương tưởng nhớ các anh đã hy sinh cho đất nước, cầu nguyện cho các anh được siêu thoát an lạc thì phải đi qua một chốt canh gác mà đồng đội các anh đang chắc tay súng.
Ở nơi này, trong một ngày mới, nói gì thì nói, với đông đảo cộng đồng vẫn một cách trở nghìn trùng, nấm mộ bên tiếng sóng ì ào ngoài kia gây xúc động nghẹn lời. Nén nhang tưởng niệm cho người đồng bào trẻ tuổi không may thiệt phận nằm đây những ngày tảo mộ không có ruột rà không giống bất kể nén nhang tưởng niệm nào trong đời. Và tôi tin, bất kể ai, trong sâu thẳm cõi lòng khi dâng hương cho các anh cũng đều chộn rộn, ít nhiều tự nói, tự vấn. Đi qua chốt gác, nắm bàn tay người chiến sĩ định nói nhiều điều nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ nói gì cũng là thiếu, là không đủ, là thừa; chỉ cảm nhận cái xiết chặt của đôi bàn tay lính đảo, chúc anh hoàn thành nhiệm vụ. Anh lính cười hàm răng trắng bắt nắng trên khuôn mặt bắt nắng gió biển đen óng như màu gỗ gụ, mà thấy cái tươi trẻ, vững trãi, thấy niềm tin, lại cả cái tình trao gửi hồn hậu thật thà, mà lại loáng đâu đó như một lời hứa với đồng bào, với đất đai sông núi…
Bất giác tôi nghĩ về trái bàng vuông - đặc sản riêng có của Trường Sa. Sự liên tưởng với nhiều người có thể kỳ cục, nhưng với tôi nó hữu lý, dễ thương.
Mùa này bàng vuông ít quả. Tìm mãi mới thấy một trái chưa rụng rốn. Nhưng đúng là bàng vuông - dầu mới chỉ bằng ngón chân cái mà đã tạo gờ vuông vuông. Tôi nghĩ đến một nét vui, chỉ thuần nét vui, nó không quan niệm, mục đích - quả của loại cây giữa ngàn trùng đại dương có lẽ không quá băn khoăn hữu ích hay không cho đời sống con người.
Nắng đã gắt, không, là nắng giội. Gió chỉ như nói thầm. Nhưng trên đảo đã có điện cho nên cánh quạt quay tít. Dưới gốc bàng vuông hai họa sĩ mê mải ký hoạ tặng các chiến sĩ. Tiếng nói cười tíu tít, các anh vui, và ánh sáng từ gương mặt, nụ cười vô tư hắt ra xung quanh, trong cái gắt nắng, là tuổi trẻ, chất trẻ, nhựa sống, là tin yêu, là khẳng định, tất nhiên - cả một sự vững lòng…
…
Bữa cơm trưa, các anh thết chúng tôi các món của riêng đảo (tất nhiên trừ gạo, đồ uống). Niềm tự hào của người lính đã tự túc được cái ăn, chủ động để bám đảo kiên cường hơn. Và như thế, sự khẳng định chủ quyền cũng không chỉ còn là lời nói và thuần túy ý chí tinh thần. Đảo và sự sống đời thường - Đó là sức mạnh, là khẳng định, là niềm tin và cũng là hy vọng…
Thế rồi khách được bố trí nghỉ trưa ở Nhà khách Thủ đô, hoặc các phòng cán bộ chiến sĩ - các anh nhường cho khách nghỉ theo đúng tinh thần hiếu khách của người Việt. Tôi nghỉ ở nhà khách Cụm 3 cùng với Tuấn - một phóng viên của báo Nông thôn Ngày nay và cũng là nhà thơ mà tôi vừa “khai quật” được, vốn cùng một phòng với nhau dưới tàu TiTan.
Tôi mệt nên nằm xuống giường là thiếp đi. Trong phe phẩy quạt điện, lúc mơ màng tôi nghe Tuấn tranh thủ làm việc với hai anh chỉ huy Cụm. Đó là nghề của Tuấn và cũng là “bệnh” của Tuấn. Tôi kệ Tuấn, chứ chủ trương của tôi là quan sát, là lặng lẽ hiểu các anh, hiểu đảo và biển thôi. Trong mấy mươi phút tôi thiếp đi không rõ Tuấn đã “khai thác” được những gì mà khi tôi tỉnh dậy cái giọng Phú Yên của Tuấn vẫn còn sôi nổi lắm. Chuyện đã “bắt” vào “chuyên mục chăn nuôi”. À. Thì ra Tuấn đang tác nghiệp cho bổn báo mà Tuấn ăn lương. Thấy tôi đi ra, Tuấn liền “bàn giao” anh Cụm trưởng cho tôi khai thác. Tôi định chối thì Tuấn bảo Tuấn đã xong, bây giờ Tuấn phải ra vườn rau, trại lợn để vừa mục sở thị, vừa làm vài kiểu ảnh cho bổn báo.
Chuyện với bộ đội chúng tôi phải tuân theo quy định, cho nên tôi chẳng mất công hỏi những điều không được trả lời nữa. Thế là rủ rỉ tâm tình như anh em thôi. Bỗng cảm được cái vất vả đời sống của người lính đảo, hậu phương xa xôi khó khăn còn chồng chất, có những thiệt thòi mà đành chịu vậy, anh em nén vì nhiệm vụ, vì tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm công dân, lại cả vì nhân phẩm, tư cách của những người mặc quân phục đeo quân hàm đã từng lăn lộn đủ loại thao trường và kinh qua nhiều môi trường công tác khắc nghiệt…
Chuyện đang vào độ lắng thì nghe thông báo các anh phải đi làm nhiệm vụ bố trí đón khách từ đảo Đá Lát về đảo, sắp xếp sân khấu để anh em văn nghệ giao lưu. Cũng chính vào lúc này, tôi hay tin Tuấn bị chó cắn phải vào trạm y tế sát trùng. May mà vết thương không nặng, và cũng bởi Tuấn mặc quần dày răng chó chỉ tợp rách vải và hơi chợt da. Chưa kịp trêu thì Tuấn đã cười xòa nói như muốn thanh minh: Chỉ tại mình mê một kiểu ảnh đẹp về “trang trại” của các anh, vả lại con chó này là chó đẻ mà mình không để ý…
Về cái sự “đãng trí nhà thơ”, Tuấn còn một vụ nữa: Khi nghe dự họp - tặng quà giữa đoàn công tác với lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo Quân chủng và cán bộ chiến sĩ trên đảo - Tuấn sau một hồi làm “phó nháy” đã “cầm nhầm” một ba lô hành lý của một người khác để đến nỗi sau đó cứ nháo nhác đi tìm và mướt mồ hôi mới đổi lại được… Sau sự kiện này Tuấn chính thức có được biệt danh “Tuấn Thơ”…
Vì Đá Lát hẹp, và cũng để đảm bảo lịch trình, chỉ có ca sĩ, nhạc công biểu diễn và một số đại diện cập đảo để buổi chiều hội cùng trên đảo Trường Sa. Em đi, như một muốn cho cái biết kép: làm báo và viết văn. Lại nữa, em cùng phòng mấy em ca sĩ trẻ, chắc muốn bìu díu cho vui, hoặc có thể thơ và ca “họ hàng gần” - ý chừng lần này em “rắp tâm” có bằng được một khúc thơ cho thỏa “Mộng ban đầu”…
Chỉ có nửa ngày mà nắng Trường Sa làm màu da em sậm, má em bật một dáng chiều cuối, tuy đẹp, rắn rỏi, mà mệt mỏi tuồng như đã len nhẹ như gió khẽ một trưa biển đảo không thấy lay những chiếc lá bàng vuông.
Tối qua, trên boong tàu đã được xem văn công biểu diễn giữa tiếng tàu chạy và bạt gió đại dương. Thật nhạt nhòa không ấn tượng gì. Cứ nghĩ chất lượng biểu diễn văn nghệ chỉ có thế mà thôi. Nào hay mình nhầm. Mục đích là diễn cho anh em bám đảo thưởng thức nên tinh hoa nghệ sĩ dồn trút vào khi đó. Như đã có sự phân công, mặc định: Vũ, Thúy, Khánh hát nhạc trẻ. Mai hát âm hưởng dân ca và cùng với Lợi hát nhạc cách mạng. Nam - Nam hát vọng cổ và dân ca Nam bộ. Sân khấu ngoài trời, ban ngày, có âm thanh mà không sử dụng ánh sáng; cùng với lính tương tác hát cho lính nghe và nghe lính hát, hát hòa chuyên với không chuyên.
Đã lâu rồi, ở thành phố, một đêm ca nhạc trong nhà hát có vé mời còn lười đi xem chứ nói gì một sân khấu kiểu “văn nghệ quần chúng” nghệ sĩ và khán giả quá gần nhau, thậm chí trộn lẫn như này. Thế mà, đã thấy một bất ngờ, quá đỗi bất ngờ. Ô. Lính hát. “Từng bàn tay với lên trời cao, vuốt trên mặt người thấm từng giọt mưa lẫn dòng nước mắt…”. Ơ. “Mong cánh thư về từ đảo xa…”. Lòng sao mà chộn rộn. Dịu dàng và da diết. Đến Lợi - Lợi hát về nhà giàn, rồi bất ngờ, Lợi làm một cú bàng hoàng bằng bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” của Đinh Trung Cẩn (thơ Nguyễn Phan Quế Mai).
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình…
…
Tổ quốc linh thiêng. Tổ quốc linh thiêng…”
Cả đảo lặng phắc, sóng như ngừng, gió cũng như ngừng để chỉ còn tiếng ca của Lợi.
Thuở nhỏ, khi đó văn học nhà trường chủ yếu dạy văn học cách mạng, tôi được nghe cô giáo giảng bài về Tổ quốc, giọng bổng trầm diễn cảm, đã có lúc rưng rưng. Bao năm rồi không còn thế nữa. Tuổi bây giờ không dễ gì bị tác động bởi những điều to tát, nhất lại là những điều na ná như khẩu hiệu hô hào hò hét. Vậy nhưng ở giữa đảo xa, thấm cái mạnh mẽ, sức lực, những cống hiến hi sinh của chiến sĩ, và, từ vị trí giữa muôn trùng khơi nhìn sâu vào đất nước với những giác quan nhạy nhất bắt gặp cái thiết tha và tấm lòng như rút ruột hiến sinh của nghệ sĩ cho nên cảm xúc dâng trào nhận diện rõ ràng một tình yêu cụ thể như sờ như nắm được. Như rùng mình. Như nổi gai ốc…
Ngồi gần, tôi thấy mấy bác có tuổi đưa khăn lên chấm mắt, có bác mở sổ lia lịa ghi thơ; lũ trẻ là công dân trên đảo tròn mắt như uống từng lời ca và cái thiêng liêng tráng trí cổ võ hiệu triệu; và em, lặng đi không nói, ánh mắt thẫn thờ như cho thấy Tổ quốc cụ thể là hơi thở, ánh nhìn, thậm chí một sát dịch bên nhau của người đồng tộc. Thế là chung - chung một tình yêu, một quan tâm, điều cả nghĩ; chung nỗi niềm biên giới, cương vực, lãnh thổ, quốc gia; chung yêu chung ghét; tiếng biển xoay trong gió - gió xoay hơi ấm con người; à ơi một tiếng ru tưởng như xa lắc; thân quen kết tụ tưởng như chưa từng cách trở bằng những riêng tư trong đời sống và quan điểm, hướng nhìn….
Những đứa trẻ trên đảo vẫn tròn mắt chăm chú theo dõi. Mai vừa diễn vừa chia kẹo cho chúng. Vũ vừa hát vừa nắm tay từng em. Chúng không nhát, chúng nhận kẹo, chạm tay với ca sĩ; chúng cười và chúng hồn nhiên như hòa bình và trời biển nước mây… Em nâng máy chụp lại cảnh đó. Tôi chụp một giò phong lan hoa tím bên một hàng rào thép. Chúng tôi nghe những lời ca cuối. Không thể thực hiện được ý định ban đầu, đoàn không thể ngủ đêm trên đảo, mà phải xuống tàu để tiếp tục cuộc hành trình đến với các anh trên các đảo khác. Lúc ấy trời chiều. Cán bộ, chiến sĩ và toàn bộ nhân dân trên đảo ra tận cầu tàu tiễn chân. Xa kia từng đàn cá heo nhảy điệu cá heo nhịp nhàng trên mặt biển. Ai đó nói, theo quan niệm, có cá heo là sắp có biển động. Chả biết sao nữa. Biển thật khó lường. Hoàn toàn có thể vượt ra ngoài quy luật. Đoàn có nhiều người già, mong sao biển lặng cho an toàn chuyến đi…
Những bàn tay vẫy những bàn tay…
Dòng chữ HUYỆN ĐẢO TRƯỜNG SA mờ dần…
Bãi cát bên mép đảo mờ dần…
Chúng tôi lại trên tàu lênh đênh giữa biển Đông với hải trình cụm đảo Tốc Tan - Đá Đông - Đá Tây - Phan Vinh - An Bang… Nhà giàn… Quan sát… Khám phá… Hiểu… Cảm thông… Chia sẻ… Kể lại…
Hôm qua đã lỡ, ngày mai dứt khoát sẽ phải dậy sớm để ngắm bình minh trên biển Đông. Tôi nghe nói, trên biển, ở Trường Sa, bình minh thường đến rất sớm - sớm hơn ở đất liền cả tiếng đồng hồ, và đi qua cũng rất nhanh - có những khi chỉ như một cái lắc mình. Trải nghiệm này, cùng với mọi trải nghiệm về con người, sự sống (thiên nhiên) trên biển Đông, trên đảo không dễ gì lặp lại. Có thể rằng, sẽ nhiều lần trong phần đời còn lại sẽ cất tiếng kể chuyện, rằng, ở phía nam của Tổ quốc, trên biển Đông, đó là quần đảo Trường Sa, có những người lính biển đang bám trụ, bình minh tỏa sớm, loang nhanh bừng sáng mặt biển. Và…
Như một ký ức…
Đ.T.H
(SH295/09-13)